1-
Gần 50 năm sau ngày rời quê, năm nay tôi mới có dịp đón giao thừa ở chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Chiều 29 tháng Chạp, "bàn giao" việc đón giao thừa cho vợ con, tôi phóng xe về làng. Mấy chú em họ đã dọn dẹp xong nhà thờ. Khanh có tang cha nên không sang đón giao thừa cùng tôi, nhưng anh cẩn thận viết sẳn có bài văn cúng và xem giờ ngày, hướng xuất hành ngày đầu năm cho anh em chúng tôi.
Trước giờ giao thừa, trời trở lạnh. Tôi cùng chú em lội bộ quanh xóm. Đã có nhiều tụ điểm đánh bầu cua tôm cá cạnh các quán cà phê, quán ăn dọc các đường làng thu hút nhiều thanh niên và vài người lớn tuổi chơi trò đỏ đen. Vài người quá chén chỉ đứng xem nhưng hơi lớn giọng. Các cô gái tìm vào mấy hiệu "làm đẹp" trong làng, gội đầu, bối tóc hoặc làm móng tay. Một vài sân nhà vẫn còn đỏ lửa nấu bánh tét muộn. Trong ánh đèn điện mới bắt trên những đường làng, có vài nhóm ngồi rai rai cuối năm, chuyện trò rôm rả...
Chúng tôi ghé vào quán cà phê chú Chức kiếm chút chất đắng để có thể thức qua giao thừa và vác về nhà một thùng bia...Trời bắt đầu có mưa nhỏ và không khí lạnh đang tràn về...
Quê làng đêm cuối năm vui nhộn hẳn lên. Mọi người hầu như quê hẳn việc đồng áng dang dở. Nhiều bạn trẻ đi làm ăn xa cuối năm trở về cũng tạo cho không khí xuân ở quê những sắc thái mới...Hình ảnh giao thừa của 50 năm trước giờ chẳng còn gì. Có lẽ cuộc sống thay đổi và cũng có lẽ chúng tôi chẳng còn ngây thơ như ngày xưa nữa. Biết vậy, nhưng tôi vẫn mượn chiếc xe đạp, tách khỏi mấy chú em, một mình len lõi vào những ngõ vắng, dưới bóng những hàng tre và lục tìm lại trong trí nhớ những nơi chốn hồi nhỏ mình đã đi qua, đã đá bóng, u mọi và dánh lộn với đám bạn nhỏ. Cái ngã ba trước nhà ông nội tôi xưa đã mất dấu những hàng tre. Con đường dọc rộc trước, chỗ quán hớt tóc ông Mười Sửu nay cũng khác lạ. Khu vườn ông Đờn điếc, nơi chúng tôi thường vào trộn ổi chỉ còn là miếng đất hoang. Chiếc cổng tam quan ngôi chùa làng chỉ còn là đống gạch vụn, cây đa chỗ bến chùa, nơi có cái quán tranh của ông bà Tha và tiệm mì ông Móc cũng không còn dấu vết từ sau chiến tranh. Con sông ngày xưa chúng tôi thường tắm giờ chỉ như một nhánh suối, nước đục ngầu...
Một tuổi thơ chỉ còn trong trí nhớ.
2-
Cha tôi và 4 chú em rể
Chúng tôi làm lễ cúng thành khiến lúc 11 giờ 30 trước hiên nhà thờ. Phía nhà văn hóa thôn, mấy thanh niên cũng kịp bắn lên không trung những viên pháo hoa nhỏ mang từ ngoài phố về. Tiếng nổ từ các điểm bắn pháo hoa ngoài Đà Nẵng ( chỉ cách 15 km) nghe ì ầm mời gọi. Nghe nói nhiều đôi trai gái trong làng chở nhau bằng xe máy đã ra ngoài đó từ chiều để trực tiếp xem pháo hoa và chia xẻ chút ánh sáng đô thị chói chang của đêm giao thừa.
Xong lễ, lại tiếp tục ngồi nhấm nháp chén rượu Xuân và hàn huyên tâm sự. Anh bạn thân từ Sài gòn về cũng ghé qua làm mấy ly, tâm sự chuyện nhà rồi phóng xe đi mất biệt. Luật sư Đỗ Pháp gọi điện từ Đà Nẵng. Hàng chục tin nhắn vào điện thoại di động chúc mừng năm mới của bạn bè khắp nơi. Tuấn ( bố của nhà thơ trẻ Dennis Mai ) gọi về từ Úc.Việc làm ăn năm nay khó khăn nên gia đình Tuấn ở lại Sydney ăn tết mà lòng nhớ quê cồn cào như lửa. Lại nhớ mấy năm trước hắn dắt cả vợ con về, tổ chức nấu bánh tét, cúng giao thừa và đi thăm mộ tổ tiên và ra giêng nhờ tôi đưa đến mấy địa chỉ làm từ thiện.
Giáo sư Trần Văn Thọ từ Nhậy gởi email chúc mừng năm mới và kèm thêm một bài viết về cuốn sách mới của anh từ một tờ báo ở Mỹ. Hội đồng Trương tộc và Ban quản trị website truongtoc.vn cũng gởi một thư dài nhân ngày tết dân tộc...
Ngồi ở làng quê đêm giao thừa, với vài cái click chuột máy tính, bấm điện thoại di động hoặc mở Tv cáp là có biết bao thông tin từ khắp nơi trên trái đất.
Tôi lại nghĩ đến 50 năm trước, lần đầu tiên thấy máy bay thả hỏa châu trên trời, cả làng đã tụ tập ra đường đứng xem, ngạc nhiên và thán phục cho những nền văn minh từ xa. Tôi lại nhớ có một sáng mồng Một đã một mình đi theo những cái dấu tròn trên đường đất, sau mới biết đó là dấu của đôi guốc cao gót của một chị làng bên từ phố về làng ngày xuân. Có cái tết cả xóm xúm vào chiếc radio Philip của nhà người bác họ nghe các nghệ sĩ Trần Văn Trạch, Tùng Lâm diễn hài, hát nhạc trên đài Sài gòn...
Cây nêu trước nhà
Quả là một cuộc đổi dời mà nhiều người dân quê không nghĩ tới giữa cuộc đời lam lũ của họ.Riêng tôi, nửa đêm về sáng, nằm một mình trong tĩnh lặng, lắng nghe tiếc leng ken, trầm bổng của những ống trúc gắn vào quả bầu hồ lô treo trên ngọn cây nêu ngoài sân mà lòng dâng tràn bao cảm xúc. Ôi cây nêu thiêng liêng, đầy ý nghĩa mà chiều qua, mấy đứa cháu đời thứ 15, tuy đã có vợ con, hoàn toàn chưa hiểu hết...
3-
Bìa cuốn sách về Quan Thượng được tạc trên đá đặt tại lăng mộ ngài.
Sáng mồng Một, theo lịch và phương hướng của Khanh, chúng tôi vào nhà thờ tộc từ sớm để dâng hương lên tổ tiên. Đến 10 giờ , cùng nhau đi viếng mộ tiền hiền, lăng mộ quan Thượng thư Trương Công Hy và mộ các cụ tổ chi phái chúng tôi từ đời thứ 8 trong xúc động dâng trào.
Lăng quan Thượng vừa chỉnh trang xong, đẹp như một công viên, tọa lạc ngay bên con đường mới rộng hơn 30 mét dẫn lên Trảng Nhật, do vậy cũng thu hút nhiều người đi chơi Xuân đến viễng...
Lối vào lăng vừa được lát đá...
Ngoài nghĩa trang làng là cả một rừng người với những trang phục nhiều màu sắc của ngày Tết. Đường lên nghĩa trang ken dày ô tô, xe máy từ phố về. Con cháu các đời của mọi tộc họ trong làng sáng mồng Một Tết hầu như đều đi viếng mộ ông bà, tổ tiên.
Chỉ tiếc, nghĩa trang làng tôi thiếu quy hoạch nên còn khá bề bộn và thiếu hẳn những lối đi có bề rộng cần thiết. Trận mưa hồi đêm càng gây nhiều khó khăn cho những người đi viếng. Có những cô gái phải tháo giày, bỏ guốc, xắn áo váy cao để lội bộ...
Buổi viếng mộ tổ tiên ông bà kéo dài đến gần 1 giờ trưa mới xong. Bụng anh em tôi ai cũng đói cồn cào nhưng chẳng ai than vãn vì tự nghĩ chúng tôi đã làm được một nghĩa cử quan trọng, thiêng liêng và có ý nghĩa truyền thống của ngày đầu năm...
Chiều Mồng Một, đón các chú các anh trong Hội đồng gia tộc đến thắp hương nhà thờ chi và chúc tết. Mấy chú em tập trung ở nhà dưới đánh bài rôm rả, bỏ cả ăn trưa.
Tiếng leng keng của những ống trúc trên ngọn cây nêu giữa gió chiều Xuân vọng xuống, âm thanh làm ấm thêm những tấm lòng đang thơm thảo ngày đầu năm...
Vài ghi chép để lưu lại một trải nghiệm ngày đầu năm ở quê nhà, nhất là đêm giao thừa mà 50 năm qua, sau nhiều lần hẹn, tôi mới thực hiện được.
Mồng 1 tết Nhâm Thìn
TĐT
Ngôi làng truyền thống Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 ở châu thổ sông Hồng thường tập trung gọn vào một phạm vi không gian bao bọc bởi lũy tre.
Bài thơ Dâng được nhà thơ, nhà báo Trương Thị Kim Dung viết sau chuyến đi tìm thấy mộ hợp chất của 2 cha con Liệt tổ Bình Ngô Khai quốc công thần thời Lê sơ: Trương Lôi - Trương Chiến ở khu vực Yên Thế - Hữu Lũng trong trung tuần tháng 4/2012. Bài thơ là nén tâm hương dâng lên các bậc tiền bối đã cống hiến đời mình để bảo vệ chủ quyền biên cương đất nước. Tưởng nhớ Bình Ngô Khai quốc công thần: Trương Lôi -Trương Chiến và những nghĩa quân thời Lê sơ tham gia trận Chi Lăng – Xương Giang
Nhân chuyến về quê ăn Tết năm nay, lần đầu tiên tôi bước chân đến vùng biển Mỹ Khê, huyện Sơn Tịnh, Qủang Ngãi vào ngày mùng 6 tết Nhâm Thìn. Mặc dù biết rằng mình có xuất xứ từ dòng họ Trương ở Mỹ Khê, nhưng chưa một lần đền vùng đất biển mặn này.
Trương Thị Kim Dung (Ban Văn kiện – Hội đồng Trương Tộc Việt Nam lâm thời): Phấn khởi, xúc động khi nhận được thông tin chính thức từ Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời là Đại hội Trương tộc toàn quốc lần thứ nhất sẽ được tổ chức trọng thể vào mùa xuân Quý Tỵ 2013 ( tháng 3 âm lịch) tại Hà Nội, ông Trương Văn Băng – đại diện Họ Trương phường Giảng Võ (gốc Lệ Mật – Gia Lâm) - một trong dòng họ lớn có công xây dựng hưng thịnh “Thập Tam trại” (13 làng trại) nổi tiếng ở bên Hồ Tây thơ mộng của kinh đô Thăng Long từ thời vua Lý Thái Tông; đã làm ngay bài thơ xuân “Chào mừng Đại hội Trương tộc Việt Nam lần thứ nhất”. Ban văn kiện Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời xin trân trọng giới thiệu bài thơ tâm huyết về tình đồng tộc của bậc lão thành Trương Văn Băng đến với quý vị gần xa...Sau đây là nguyên văn bài thơ: