Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh

23:47 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 5956

Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, hai bà nguyên là họ Lạc, con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh, Phong Châu. Mẹ hai bà là bà Man Thiện, theo truyền thuyết và thần tích bà là người làng Nam Nguyễn (Ba Vì, Hà Tây), có tên là Trần Thị Đoan, chồng mất sớm. Bà có công dạy hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị giỏi võ, có tinh thần yêu nước, có chí lớn.

Tuy nhiên, theo Phó giáo sư Nguyễn Khắc Thuần trong sách Danh tướng Việt Nam, thời đầu công nguyên, người Việt "chưa có họ". Tên Trần Thị Đoan của mẹ hai bà chỉ là tên thần phả đặt sau này, khoảng thế kỷ 17, 18. Cả tên Man Thiện, theo giáo sư Thuần, nghĩa là "người Man tốt", có thể do người Hán gọi. Tên của ông Thi Sách, theo một số tư liệu Trung Quốc được xác định: chồng bà Trưng Trắc tên là Thi. Còn tên của hai bà, có nguồn gốc từ nghề dệt lụa truyền thống của Việt Nam, tương tự như cách đặt tên theo các loài cá của các vua nhà Trần sau này vốn xuất thân từ nghề chài lưới. Xưa kia nuôi tằm, tổ kén tốt gọi là "kén chắc", tổ kén kém hơn gọi là "kén nhì"; trứng ngài tốt gọi là "trứng chắc", trứng ngài kém hơn gọi là "trứng nhì". Do đó, theo sách Danh tướng Việt Nam, tên hai bà vốn rất giản dị là Trứng Chắc và Trứng Nhì, phiên theo tiếng Hán gọi là Trưng Trắc và Trưng Nhị.

Hai Bà là những phụ nữ tài cao đức trọng và có đảm lược hơn người. Năm 19 tuổi, bà Trưng Trắc kết duyên cùng ông Thi Sách, con trai Lạc tướng huyện Chu Diên (nay là Hà Nam và Nam Hà), cũng là một người bất khuất, có ý chí quật cường.

 

 

Tháng 2, năm Canh Tý (40), vì Tô Định dùng pháp luật trói buộc, lại thù Tô Định giết chồng mình, Trưng Trắc cùng với em gái là Trưng Nhị nổi binh đánh hãm trị sở ở sở châu. Tô Định phải cắt tóc cạo râu, ăn mặc giả làm con gái, tìm đường lẻn trốn về Nam Hải (thuộc Quảng Tây, Trung Hoa).

Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Hai bà lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam. Trưng Trắc tự lập làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương.

 

 

"65 huyện thành", nghĩa là toàn bộ nước ta hồi đó đã sạch bóng quân xâm lược. Bà Trưng Trắc được tất cả các tướng sĩ và quân lính suy tôn lên làm vua, đóng đô ở Mê Linh. Bà Trưng Nhị và các tướng lĩnh khác đều được phong tước, chia nhau ra giữ các miền xung yếu. Hai năm liền, mọi người cả nước được miễn tất cả các khoản sưu thuế.

Đất nước độc lập, nhưng tính về so sánh lực lượng giữa ta và địch thì hãy còn quá chênh lệch. Sau khi thống nhất Trung Hoa, tất cả các chư hầu xung quanh đều phải phục tùng nhà Hán, và đế chế Hán lúc bấy giờ ở vào thời kỳ thịnh đạt nhất.

Tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa và xưng vương đã làm chấn động cả vương triều Hán. Hán Quang Vũ vô cùng tức giận. Ngày 30 tháng 2 năm Tân Sửu (41)  lập tức hạ lệnh bắt các quận miền Nam (quận Trường Sa, Hợp Phố và Giao Châu 
 Trung Hoa) lo trưng tập binh mã, sắm sửa thuyền bè khí giới, sửa sang đường sá, tích trữ lương thảo ... để chuẩn bị đánh chiếm lại nước ta.

Tháng Giêng năm Nhâm Dần (42), Mã Viện tiến theo đường ven biển, san núi làm đường hơn nghìn dặm, đến Lãng Bạc (ở phía tây Tây Nhai của La Thành)đánh nhau với vua.

 

Hai Bà Trưng cùng các tướng lĩnh xuất phát từ Mê Linh xuống Lãng Bạc chống giặc. Tại đây một cuộc chiến đấu ác liệt đã diễn ra. Cuối cùng quân ta yếu thế hơn phải rút lui về Cẩm Khê (Yên Lạc, Vĩnh Phú). Mã Viện đem quân đuổi theo. Tại Cẩm Khê và các vùng lân cận lại diễn ra nhiều cuộc chiến đấu ác liệt nữa, kéo dài gần một năm sau. Hai bên đều bị hao binh tổn tướng. Nhưng quân giặc do đông hơn, lại có nguồn chi viện thường xuyên, còn quân ta lực lượng ít hơn, lại bị chặn các nẻo đường tiếp tế. Quân cũng cho vua là đàn bà, sợ không đánh nổi địch, bèn tan chạy.Cuối cùng, do lực lượng quá chênh lệch, quân ta đã thất bại.

Khi chạy tới vùng cửa sông Hát, thấy không còn cứu vãn nổi tình thế được nữa, Hai Bà Trưng thà chết chứ nhất định không chịu rơi vào tay giặc, đã cùng nhảy xuống sông tự tử. Đó là ngày mồng 6 tháng 2 Âm lịch, (Dương lịch là tháng 3 năm 43 Quý Mão).
Mã Viện đuổi theo đánh quân còn sót lại huyện Cư Phong thì tàn quân đầu hàng, Mã Viện bèn dựng cột đồng (tương truyền ở trên động Cổ Lâu châu Khâm)làm giới hạn cuối cùng của nhà Hán, và khắc lên đó dòng chữ thề: "Cột đồng gãy thì Giao Chỉ diệt" (Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt). Từ đây, nước Việt lại thuộc quyền kiểm soát của nhà Hán. Người dân đã dựng đền thờ Trưng Nữ Vương ở xã Hát Giang, huyện Phúc Lộc (nay ở Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây), và ở đất cũ thành Phiên Ngung cũng có.

Các tướng lĩnh khác như các bà Lê Chân, Thánh Thiên, Bát Nàn ... ở các mũi chiến đấu khác, khi sức cùng lực kiệt, cũng đều tự vận theo gương Hai Bà.

Theo nhiều nguồn tài liệu, thì hai bà có đến hơn bảy chục tướng lĩnh, trong đó có nhiều thủ lĩnh các nghĩa quân địa phương, hiện còn nhiều đền thờ lập thành hoàng làng ở miền Bắc. Đặc biệt, trong số này có nhiều nữ tướng lĩnh.

* Thánh Thiên - nữ tướng anh hùng: Khởi nghĩa Yên Dũng, Bắc Đái - Bắc Giang. Được Trưng Vương phong là Thánh Thiên Công chúa. Hiện có đền thờ ở Ngọc Lâm, Yên Dũng, Bắc Ninh.

* Lê Chân - nữ tướng miền biển: Khởi nghĩa ở An Biên, Hải Phòng, được Trưng Vương phong là Nữ tướng quân miền Biển. Hiện có đền Nghè, ở An Biên, Hải Phòng thờ.

* Bát Nạn Đại tướng: Tên thực là Thục Nương, khởi nghĩa ở Tiên La (Thái Bình), được Trưng Vương phong là Bát Nạn Đại tướng, Trinh Thục công chúa. Hiện có đền thờ ở Phượng Lâu (Phù Ninh, Phú Thọ) và Tiên La (Hưng Hà, Thái Bình).

* Nàng Nội - Nữ tướng vùng Bạch Hạc: Khởi nghĩa ở xã Bạch Hạc (thành phố Việt Trì, Phú Thọ ngày nay) được Trưng Vương phong là Nhập Nội Bạch Hạc Thủy Công chúa. Hiện thành phố Việt Trì có đền thờ.

* Lê Thị Hoa - Nữ tướng anh hùng: Khởi nghĩa ở Nga Sơn (Thanh Hóa) được Trưng Vương phong là Nữ tướng quân. Hiện có đền thờ ở Nga Sơn.

* Hồ Đề - Phó Nguyên soái: Khởi nghĩa ở Động Lão Mai (Thái Nguyên), được Trưng Vương phong là Đề Nương công chúa lãnh chức Phó nguyên soái. Đình Đông Cao, Yên Lập (Phú Thọ) thờ Hồ Đề.

* Xuân Nương, Trưởng quản quân cơ: Khởi nghĩa ở Tam Nông (Phú Thọ), được Trưng Vương phong làm Đông Cung công chúa chức Nhập nội trưởng quản quân cơ nội các. Hiện có đền thờ ở Hưng Nha (Tam Nông), Phú Thọ.

* Nàng Quỳnh - Nàng Quế tiên phong phó tướng: Khởi nghĩa ở Châu Đại Man (Tuyên Quang), được Trưng Vương phong làm tiên phong phó tướng. Hiện ở Tuyên Quang còn miếu thờ hai vị nữ anh hùng.

* Đàm Ngọc Nga - tiền đạo tả tướng: Khởi nghĩa ở Thanh Thuỷ, Thanh Sơn, Phú Thọ được Trưng Vương phong là Nguyệt Điện Tế thế công chúa giữ chức Tiền đạo tả tướng quân.

* Thiều Hoa - Tiên phong nữ tướng: Khởi nghĩa ở Tam Thanh, Phú Thọ. Được Trưng Vương phong là Đông Cung công chúa giữ chức Tiên phong hữu tướng. Hiện ở xã Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ có miếu thờ.

* Quách A - Tiên phong tả tướng: Khởi nghĩa ở Bạch Hạc, Phú Thọ. Được Trưng Vương phong là Khâu Ni công chúa giữ chức tả tướng tiên phong. Hiện có đền thờ ở trang Nhật Chiêu (Phú Thọ).

* Vĩnh Hoa - nội thị tướng quân: Khởi nghĩa ở Tiên Nha (Phú Thọ). Được Trưng Vương phong là Vĩnh Hoa công chúa giữ chức nội thị tướng quân. Đình Nghênh Tiên, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc thờ Vĩnh Hoa.

* Lê Ngọc Trinh - Đại tướng: Khởi nghĩa ở Lũng Ngòi, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Được Trưng Vương phong là Ngọc Phượng công chúa giữ chức Đại tướng quân. Hiện có miếu thờ ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

* Lê Thị Lan - Tướng quân: Khởi nghĩa ở Đường Lâm - Sơn Tây. Được Trưng Vương phong là Nữ tướng quân. Hiện ở Hạ Hoà, Vĩnh Phúc có miếu thờ.

* Phật Nguyệt- Tả tướng thuỷ quân: Khởi nghĩa ở Thanh Ba, Phú Thọ. Được Trưng Vương phong là Phật Nguyệt công chúa giữ chức Thao Giang Thượng tả tướng thuỷ quân.

* Phương Dung - nữ tướng: Khởi nghĩa ở Lang Tài (Bắc Ninh). Được Trưng Vương phong là Phương Dung công chúa giữ chức nữ tướng quân.

* Trần Nang - Trưởng Lĩnh trung quân: Khởi nghĩa ở Thượng Hồng (Hải Dương). Được Trưng Vương phong là Hoàng công chúa giữ chức Trưởng lĩnh trung quân. Hiện ở Yên Lãng, Vĩnh Phúc có đền thờ.

* Nàng Quốc - Trung dũng đại tướng quân: Khởi nghĩa ở Gia Lâm - Hà Nội. Được Trưng Vương phong là Trung Dũng đại tướng quân. Hiện ở Hoàng Xá, Kiêu Kỵ, Gia Lâm thờ nàng Quốc.

* Tam Nương - Tả đạo tướng quân: Ba chị em Đạm Nương, Hồng Nương và Thanh Nương khởi nghĩa ở Quất Lưu, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Trưng Vương phong Đạm Nương làm Tả đạo tướng quân. Hồng Nương và Thanh Nương làm phó tướng. Đình Quất Lưu, Vĩnh Phúc thờ Tam Nương.

* Quý Lan – Nội thị tướng quân: Khởi nghĩa ở Lũng Động, Chí Linh (Hải Dương). Được Trưng Vương phong là An Bình công chúa giữ chức nội thị tướng quân. Hiện ở Liễu Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc có đền thờ Qúy Lan.

* Bà Chúa Bầu: Khởi nghĩa ở vùng Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Hiện ở Lập Thạch, Sơn Dương có đền thờ tưởng nhớ công lao của bà.

* Ngoài ra còn có thủ lĩnh của nhân dân Tày, Nùng, Choang(Quảng Tây) lãnh đạo nhân dân tham gia cuộc khởi nghĩa của hai bà.

Cuộc khởi nghĩa chính đã thất bại, nhưng tại nhiều nơi khác, quân ta vẫn còn tiếp tục chiến dấu. Mãi tới tháng 11 năm 43 Mã Viện vẫn còn phải mở đường qua Tạc Khẩu (Yên Mô, Ninh Bình) để vào quận Cửu Chân (Bắc Trung Phần) đàn áp tướng Đô Dương.

Hai Bà Trưng là những hậu duệ trực tiếp của các vua Hùng, còn mẹ của Hai Bà, bà Man Thiện, cũng là cháu chắt bên ngoại của vua Hùng. Bà góa chồng sớm nhưng đã nuôi dạy hai con gái thành những trang anh hùng kiệt xuất, mở đầu cho lịch sử chống ngoại xâm vẻ vang của dân tộc. Khi hai con gái và con rể chuẩn bị khởi nghĩa, bà đã không quản đường xa mệt mỏi, đi lại khắp nơi để hẹn ước với nghĩa quân các địa phương. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng sở dĩ mau chóng thắng lợi là vì các lực lượng trong nước đều nhất tề đứng đậy một lần, làm cho quân giặc trở tay không kịp. Với danh nghĩa là vợ một vị Lạc tướng lẫy lừng, đã đảm đang quán xuyến mọi công việc sau khi chồng chết, nên lời nói của bà được mọi người trong nước tin tưởng và hưởng ứng nhiệt liệt.

Hiện nay ở làng Nam Nguyễn thuộc Huyện Ba Vì (Hà Tây) còn ngôi mộ của Bà mà mọi người trong vùng vẫn gọi là mả Dạ. "Dạ" là tiếng Việt cổ, để chỉ một bà già được kính trọng.

Thiên Nam ngữ lục, áng sử ca dân gian cuối thế kỷ thứ 17, đã ghi lại lời Bà Trưng Trắc trên đàn thề trước nghĩa quân ở Mê Linh để chuẩn bị xuất trận như sau: Một xin rửa sạch nước thù Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng Ba kẻo oan ức lòng chồng Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này. Đó là tính chất chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa, là ý chí nguyện vọng của cả dân tộc lúc bấy giờ.

Theo điều tra chưa đầy đủ hiện nay ở nhiều làng thuộc Bắc Phần và Bắc Trung Phần có thờ thần Thành Hoàng nguyên là các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng ngày trước như:

-Bà Lê Chân ở Hải Phòng.
-Bà Bát Nàn ở Thái Bình.
-Bà Thánh Thiên, Diệu Tiên, Vĩnh Huy, Liễu Giáp, Ả Tắc, Ả Di ở Hà Bắc.
-Bà Bảo Chân, Nguyệt Thai, Nguyệt Độ ở Hải Hưng.
-Vợ chồng Đào Lý, Nàng Tía, Quốc Nương, Khỏa Ba Sơn, Ông Đống, Ông Nà, ở ngoại thành Hà Nội.
-Chu Thước, Đỗ Năng Tế, Hoàng Đạo, Liên Quang Cai ở Hà Tây.
-Ba anh em họ Trương ở Quảng Ninh.
-Năm mẹ con bà Lê Thị Hoan ở Thanh Hóa, v.v ...

Nhân dân Tày, Nùng ở Việt Bắc đến nay vẫn còn nhớ nhiều truyền thuyết về tổ tiên xưa của họ đã từng tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.

Từ bao đời nay, Hai Bà Trưng đã trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước, ý chí quật cường bất khuất của toàn dân tộc.

Ở Hà Nội, Hà Tây, và nhất là ở Vĩnh Phú, đều có lập đền thờ Hai Bà.

Tên của Hai Bà được đặt cho quận, đường phố, và trường học khắp cả nước ...

 

Những tin cũ hơn

Quá trình Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành di sản thiên nhiên thế giới

Quá trình Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành di sản thiên nhiên thế giới

— 25 Tháng Năm 2017

Cho đến nay, trên bình diện quốc tế, các di sản văn hoá và thiên nhiên không chỉ thừa nhận là những tài sản vô giá của mỗi quốc gia dân tộc mà còn được coi là những tài sản chung của nhân loại.

Ông Trương Tấn Sang đánh giá sự phát triển của Thái Bình trong 5 năm qua.

Ông Trương Tấn Sang đánh giá sự phát triển của Thái Bình trong 5 năm qua.

— 25 Tháng Năm 2017

"Nghị quyết 54-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã có tác động lớn tới sự phát triển mạnh của Thái Bình trong 5 năm qua". Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang khẳng định điều này khi dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình ngày 29/6 nhằm kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng vùng sông Hồng”.

Truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sĩ dân quân Trương Văn Tôn

Truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sĩ dân quân Trương Văn Tôn

— 25 Tháng Năm 2017

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vừa ký các quyết định phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và chống Mỹ, cứu nước trong đó có liệt sỹ Trương Văn Tôn ở xã Tri Thuỷ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội

Ý Nghĩa Tục Mừng Tuổi Đầu Xuân

Ý Nghĩa Tục Mừng Tuổi Đầu Xuân

— 25 Tháng Năm 2017

Nhiều người trong chúng ta đã quá quen với những chiếc phong bao lì xì trong mỗi dịp tết. Trẻ con thì được nhận tiền lì xì hay ăn chóng lớn; người già cũng được con cháu lì xì mừng thọ chúc sức khỏe. Nghe hai tiếng "lì xì" người ta liền tưởng tới bao giấy màu đỏ, nho nhỏ bằng phần tư trang giấy học trò, bên trong có xếp mấy tờ tiền mới. Vậy hai tiếng "lì xì" có xuất xứ như thế nào?

Mâm Ngũ Quả Ngày Tết

Mâm Ngũ Quả Ngày Tết

— 25 Tháng Năm 2017

Ngày tết, dù ở thành thị hay thôn quê, bên cạnh những bánh chưng xanh, hoa đào đỏ, gia đình nào cũng bày một mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên. Mỗi loại trái cây một màu sắc, tượng trưng cho thuyết ngũ hành, nhắc nhở con cháu luôn nhớ ơn ông bà tổ tiên và thể hiện ước mong một năm mới an khang, hạnh phúc.