…Khi được biết bệnh viện đã trả về, sinh mệnh nhà thơ Trinh Đường chỉ còn tính ngày giờ, tôi lao xe đến nhà ông ở một xóm nhỏ thuộc thôn Viên sâu hút trong làng Cổ Nhuế...
I - Chuyện lạ bên giường bệnh
Tôi rón rén bước lên tầng gác ông vẫn nghỉ ngơi và làm việc. Thấy tiếng đài bán dẫn đang phát một bản tin thời tiết, tôi mới yên tâm.
Nhưng, bên cạnh đấy là nhà thơ Trinh Đường nằm ngửa, mặt hốc hác, mắt nhắm bất động, hẳn là đang nghe tin tức thì ông mệt quá, thiếp vào giấc ngủ!... Do tiếng dịch ghế làm ông tỉnh lại, ông lào phào: “Ai đấy?”.
Ông nghe tôi, nằm mà trò chuyện. Hóa ra ông đã biết rõ căn bệnh hiểm của mình từ lần mổ trước, ông nói rất nhỏ: “Bác sĩ hết phép rồi, mình chờ... đi đây!” .
Dưới chân giường của ông là hai cái túi bằng nhựa tái sinh quen thuộc, một túi căng phồng, đầy ắp bản thảo đang biên soạn, một túi ló ra hàng chục cái phong bì đã dán sẵn tem. Nói đến công việc thì tiếng ông rõ dần:
- Chưa nghĩ được tên tập cho hay, nhưng đề tài này thì... hay đấy! Thơ về châu thổ sông Hồng... phải... 2.000 trang có ít đâu! Mình... mình mới đi được 5 tỉnh... đã phải nằm…
Ông vơ dưới gối lên một xếp giấy viết tay, chữ vẫn đều tăm tắp. Tôi lo cụ hăng lên, tự đọc cả chùm thì... tôi vẫn là người gây ra sự suy kiệt của cụ.
Tôi giành lấy xếp giấy: “Anh cứ nằm yên đấy mà nghe, tôi đọc cho cả hai người! Có điều, phóng xe đi từ sáng, tôi cũng mỏi lắm, tôi nửa nằm trên chiếc ghế này mà đọc nhé!”.
…Trong căn phòng người bệnh thập tử nhất sinh, bỗng xảy ra một tình trạng ngược đời: Người khỏe đến thăm bệnh nhân thì nằm trên ghế xếp đọc thơ, còn bệnh nhân thì ngồi thẳng người, đau đáu “nhìn” những câu thơ của chính mình, say sưa và hứng khởi.
Nhà thơ Trinh Đường từng “nhập thế” dẫn nhóm bạn Khuê Văn của ông đi khắp các ngả đường đất nước (mà mọi người gọi đùa ông là Trinh đoàn trưởng).
Nhà thơ Trinh Đường từng “xuất thế” lập bàn thờ các vị thần thơ ngay trong nhà mình. Giữa cơ chế thị trường, thơ là món hàng thấp giá nhất thì vẫn còn có người như ông, say mê sự nghiệp của mình đến hơi thở cuối cùng. Ông là một bậc thánh tử vì đạo!
Chỉ sau tôi mới biết, từ bệnh viện về không đến một ngày đêm thì ông ra đi. Hóa ra tôi là người cuối cùng khơi gợi và được chứng kiến phút lóe sáng kỳ lạ của nhà thơ…
II - Nhập thân vào đất nước
Quan niệm của nhà thơ Trinh Đường: “Thơ như cái mặt trống, phải có hiện thực cuộc sống đập vào nó mới rung vang lên được”.
Xuất phát từ quan niệm này, ông đã nghĩ ra cách tổ chức một nhóm anh em nhà văn đi vào thực tế thường xuyên trong thập niên 80 của thế kỷ trước, giữa giai đoạn không có một nguồn kinh phí nào của Hội Nhà văn hay của cá nhân nào lo nổi, những năm sau chiến tranh, mỗi nhà văn chỉ lo đủ sống cho gia đình mình đã khá vất vả!
Ông tính “đầu vào” bằng cách liên hệ với các ngành để họ cho xe đưa đón, tạo điều kiện cho nhà văn hiểu rõ được hoạt động của ngành.
Ông lo “đầu ra” bằng cách triệu tập một nhóm bạn văn đang công tác ở các báo, đài trung ương và Hà Nội, khi viết được tác phẩm, mỗi nhà sẽ “tự sản tự tiêu” ngay trên phương tiện sở hữu của mình, phong phú ra thì sẽ in thành tập sáng tác, nếu ngành nghề chủ quản muốn tuyên truyền rộng ngành mình…
Ngành đầu tiên tiếp đón nồng nhiệt và tạo được nhiều cuộc đi nhất là ngành nuôi ong, bởi ngành này có chân rết tỏa ra khắp mọi ngả đường đất nước, cỏ hoa trên xứ sở nhiệt đới này đâu mà không có…
Có hôm, Trinh Đường đi làm với công nhân ngành ong, bị ong đốt, mặt mũi sưng húp, khuya đêm vẫn thắp đèn trong màn viết viết xóa xóa những câu thơ vừa nẩy nở.
Có chuyến cả nhóm ngồi chen nhau trên chiếc xe Zeep của Tổng cục Hậu cần, vượt con suối lớn vùng Hòa Lạc khi cơn bão vừa tan. Qua ngầm, nước chảy xiết quá, cuốn chiếc xe nhào xuống suối, chìm nghỉm.
Trinh Đường là người đầu tiên thoát ra được, bơi vào bờ, nhờ đồng bào đưa sào nứa cho mấy anh em bám lấy bơi vào. Đêm ấy, phải mượn quần áo khô của các chiến sĩ, đọc thơ bên lửa trại vẫn hào hứng, sôi nổi…
Trong khoảng chục năm nhóm Khuê Văn hoạt động, có năm đi nhiều nhất đến 38 chuyến.
Hàng ngồi từ trái sang phải: Các nhà thơ Trần Lê Văn, Trinh Đường, Huy Cận |
III - Kết mật
Cả đời, con ong cần mẫn Trinh Đường đã kết tụ được 14 ổ mật ngát thơm: 14 tập thơ và trường ca, xuất bản đều đặn từ 1960 đến 2001. Chưa kể các tập bút ký, truyện ngắn và biên soạn.
Cuộc đời Vì thơ của ông gồm hai sự nghiệp: sáng tác và biên tập, phần sau, sự đóng góp của ông cho xã hội lại lớn hơn phần trước…
Sự bình phán của ông dẫu nhiều cảm tính, hơi bốc, nhưng cái lõi thường là đúng. Là người luôn hướng tới cái mới, ông khen đấy, nhưng có lúc lại sổ toẹt: “Thơ các cậu cổ lỗ sĩ bỏ mẹ! Dùng thơ ấy như đánh giặc bằng con dao cùn!“.
Có lần ông kín đáo cho tôi xem bài thơ cắt từ một trang báo, trông biết ngay là không phải in từ Hà Nội, một bài thơ của nhóm Thanh Tâm Tuyền! Và dặn tôi không được nói cho ai biết (!). Ông khen sự tìm tòi mới mẻ của bài thơ!
Nếu cần nêu lên một nhà thơ có tâm, nhiệt huyết với công việc biên tập thơ thì không ai hơn Trinh Đường. Có lần tôi ra Cát Hải mở trại sáng tác, tình cờ được đọc ở nhà Hồ Anh Tuấn (giáo viên, anh ruột nhà văn Hồ Anh Thái, sau là Chủ tịch Hội Văn nghệ Hải Phòng) ba lá thư của ông Trinh Đường. Anh Tuấn nhận được trong vòng mươi hôm chỉ để góp ý sửa cho hoàn chỉnh một bài thơ.
Khi không còn công cụ trong tay (trang thơ báo Văn Nghệ) ông vẫn tự tạo ra các xuất bản phẩm cho giới thơ. Nhân Đại hội Nhà văn, ông đề nghị mỗi nhà thơ gửi cho một bài thơ hay tự chọn, kèm câu trả lời ngắn gọn Làm thế nào để có thơ hay?
Chẳng ai tin là sách in được, vì đúng lúc vừa xóa bao cấp... Thế mà Ngày Hội Thơ đã ra đời gồm gần đủ các nhà thơ hội viên ... Một tài liệu hết sức bổ ích cho các nhà nghiên cứu văn học.
Ông còn một mình đứng ra vận động, thư từ gửi đi khắp nơi, thu thập bài, chuẩn bị cho Tuyển tập thơ thế kỷ gồm ba tập, Một thế kỷ thơ Việt tập I (NXB Văn hóa Thông tin 1995) đã ra đời, bản thảo hai tập sau đã hoàn chỉnh chờ điều kiện để xuất bản.
Đây là lần đầu tiên ở nước ta, một cá nhân nhà thơ đứng ra làm tuyển tập thơ thế kỷ!
Đặc biệt, ông còn chú ý đến các nhà thơ chưa là hội viên, bùng nở từ sau đổi mới văn học, các nhà nghiên cứu thơ, thay vì đọc hàng trăm loại báo, hàng ngàn tập thơ, nay chỉ cần đọc hai tập tuyển Những gương mặt thơ mới I và II (NXB Thanh Niên, khoảng 1.000 trang) là thấy được sự phong phú sinh động của lớp người mới nhập vào dòng chảy thơ Việt, nay khá đông những tác giả này đã trở thành hội viên Hội Nhà văn VN.
Để sưu tầm, biên tập, soạn thảo hai tập đó, ông đã bỏ tiền lương hưu đi Nam về Bắc, gặp gỡ các tác giả, riêng tiền bưu phí đã đủ thâm thủng đồng lương hưu còm cõi của nhà thơ...
IV - Báo cáo với quê hương…
Ông thật chân thành khi tự nói về mình trong tập Nhà văn Việt Nam hiện đại: Từ các hoạt động văn nghệ, sáng tác đến phê bình, từ công việc được giao phó, đến những nỗ lực (thực hiện sáng kiến) cá nhân, tôi tự thấy đã làm việc hết sức mình cho học thuật, cho cách mạng, Tổ quốc...
Quả vậy! Ông chỉ tận tụy với một việc, không màng chức vụ. Chức vụ cao nhất của ông là nhà thơ, nghề nghiệp suốt đời của ông là biên tập thơ, phê bình thơ.
Sau ngày thống nhất đất nước, trong một chuyến đi xuyên Việt, tôi dừng chân ở Đà Nẵng, nhà thơ Trinh Đường gặp tôi, ông mừng quá reo lên: “A! Sáng mai thế nào cậu cũng phải có mặt với mình trong một cuộc họp mặt rất quan trọng!”.
Thì ra ông chủ động mời bà con họ hàng ông đến họp mặt, để ông được báo cáo với bà con quê hương Quảng Nam: Công việc nhà thơ Trinh Đường đã làm từ những ngày đi tập kết. Một việc hết sức thiêng liêng với ông. Ông cẩn trọng viết nắn nót từng dòng trong một cuốn vở những điều định nói với bà con, buổi báo cáo có đặt máy ghi âm, hẳn sẽ là một tài liệu quý cho bảo tàng các nhà văn!
Nhưng quan sát thực tế không khí cuộc họp, tôi vừa cảm động vừa buồn cười khi được làm nhân chứng trong cuộc báo cáo đó mà cử tọa có khá nhiều người sinh sống ở vùng đô thị miền Nam làm những nghề thiết thực như lái xe, chủ tiệm ăn, thợ giầy, thợ điện… chẳng có chút khái niệm gì về văn chương chữ nghĩa.
Cách mạng tháng Tám thành công, người ta được biết ông làm Phân hội trưởng Phân hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng thì còn hiểu được ông là trùm cánh hát tuồng hát bội gì đấy…
Nhiều người là đàn em ông ra đi kháng chiến đều đã thành cán bộ lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh, có vị còn là bộ thứ trưởng, may ra khi gặp việc rắc rối, bà con còn được cậy nhờ.
Còn ông Trinh Đường này, trở về với chức biên tập viên, nghe như một thư ký đang tập sự biên chép gì vậy. Hay là ông bị kỷ luật? Làm sao ông tự giải tỏa nổi thắc mắc của bà con, nếu không nhờ đến bạn bè?
May thay, buổi gặp đó có nhà thơ Đông Trình, một thầy giáo có tiếng ở Đà Nẵng, lúc đó là cán bộ tuyên huấn Mặt trận Tổ quốc tỉnh, từng đi thuyết giảng ở nhiều nơi, đã cho họ biết: anh chỉ là người học trò nhỏ của nhà thơ Trinh Đường.
Còn tôi, tình cờ ghé thăm, cũng nói được đôi chút tâm huyết, đóng góp không nhỏ của ông cho những bộ sách quý sẽ tồn tại hàng thế kỷ…
Để thực hiện mọi dự định sưu tầm, tuyển chọn ngổn ngang, ông phải đi nhiều hơn ai hết. Trời đã đền bù phần nào cho ông, có nhiều câu thơ hay ông đã “nhặt” được ở trên đường.
Trên một chuyến tàu Bắc Nam, ông đang hào hứng hợp chuyện với một nữ đồng hành, thì người phụ nữ khả ái này lại xuống ga dọc đường, chỉ còn cô đơn mình ông: Tàu đi tiếp với nỗi buồn xuyên Việt
Người phụ nữ ấy đâu biết nhà thơ già vẫn lãng mạn như buổi thiếu thời:
Anh xuống ga còn có nửa người...
Trương Thái Du Sinh năm 1968, Chuyên môn chính: Kỹ sư hàng hải. Hiện sống tại quận 2, Tp. HCM. Kinh doanh tự do và viết văn - khảo sử nghiệp dư.
Thông tin này được ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hiệp hội phần mềm Việt Nam (Vinasa) tiết lộ tại cuộc họp báo ngày 6.6 trước thềm Hội nghị lãnh đạo CNTT Việt Nam và Lễ công bố danh hiệu Sao Khuê 2011.
Sau khi kết thúc buổi thi môn Toán kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 1 vào ĐH Đà Nẵng sáng 4-7, có một trường hợp thí sinh được đặc cách miễn thi. Đó là thí sinh Trương Thị Thương (SBD 52979) dự thi vào ngành Cử nhân Công nghệ thông tin Trường ĐH Sư phạm, tại điểm thi Trường tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu). Cổng thông tin điện tử Họ Trương Việt Nam xin giới thiệu trường hợp hãn hữu này...
“Gia tài” cha mẹ để lại chỉ là căn nhà rách nát, mười chị em mồ côi ở cuối xóm nghèo làng Mai Xá (Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị) sống cảnh nheo nhóc, nháo nhác như đàn gà con mất mẹ. Trong tận cùng khốn khó, họ đã biết cùng nhau vượt qua nghịch cảnh của cuộc đời bằng một nghị lực sống phi thường và một ý chí vươn lên mãnh liệt.
Thành phố Đà Nẵng có một con đường mới mở mang tên Trương Chí Cương. Tôi hơi bất ngờ vì giữa bộn bề tính toán, Thành ủy vẫn nhớ đến cuộc đời một con người ở xã Xuyên Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Đồng chí Trương Chí Cương đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh hạng ba, Huân chương kháng chiến hạng nhất, Huân chương Quyết thắng hạng nhất.