Quá khứ là hiện tại và tương lai - Một các ứng xử của người Việt với Tổ tiên

23:49 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 2781

So sánh với các quan điểm lý thuyết về quà tặng của Marcel Mauss và tính xã hội của tôn giáo của Emile Durkheim, tác giả bài viết cho rằng, đây không chỉ là một cách thức ứng xử với quá khứ. Đây là câu chuyện về sự tiếp nối của truyền thống, hay là một bài học về lịch sử trong chính mỗi gia đình. Đó chính là câu chuyện sử dụng QUÁ KHỨ như một muc đích cho HIỆN TẠI  và TƯƠNG LAI trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.

1. Từ thuyết hồn linh tới tục thờ cúng tổ tiên

Có giả thuyết cho rằng, tục thờ cúng tổ tiên bắt nguồn từ thuyết hồn linh. Sở dĩ giả thuyết này tồn tại và được nhiều người chấp nhận vì nó dựa vào những nội dung cơ bản của thuyết hồn linh, trong đó nhấn mạnh rằng, tổ tiên của loài người “sẽ đi đến quan niệm về một yếu tố cơ bản khác với thân thể mình, tức là quan niệm về linh hồn, sau hai kinh nghiệm tâm sinh lý: một mặt là các hiện tượng về giấc ngủ, về bệnh tật, về trạng thái xuất thần (trạng thái hôn mê) và về sự chết; mặt khác là kinh nghiệm riêng về các giấc mơ và các ảo mộng (des rêves et des visions). Khi yếu tố cơ bản ấy tạm thời rời khỏi thể xác, con người ngủ, linh hồn đi lang thang và có những kinh nghiệm riêng của nó, là cái giấc mơ. Khi linh hồn phân li khỏi thể xác, ấy là sự chết. Trạng thái xuất thần và bệnh tật cũng được cắt nghĩa bằng sự rời bỏ tạm thời của linh hồn khỏi thể xác. Và vì lẽ người ta nằm mơ thấy những người chết đã lâu nên người ta cho rằng linh hồn còn tồn tại lâu sau khi chết.”[1]
Từ quan niệm về linh hồn và thần linh tồn tại như vậy, có lẽ, người nguyên thủy, trong đó có người Việt, đã tin rằng, linh hồn tổ tiên của họ vẫn tồn tại và có những sức mạnh nhất định ảnh hưởng đến cuộc sống hiện thời của chính họ, và vì thế, họ phải tiến hành những nghi lễ cầu cúng. 
Khi đi tìm nguồn gốc của tôn giáo, không chỉ có Tylor, một số học giả khác như Auguste Comte và Herbert Spencer cũng đã nhìn thấy nguồn gốc tục thờ cúng tổ tiên từ tín ngưỡng thần linh: “người ta tôn bái tổ tiên đúng vì tổ tiên trở thành ''thần linh''”[2].
Chúng tôi cho rằng, phát triển từ thuyết hồn linh, tục thờ cúng tổ tiên trở nên phổ biến. Thờ cúng tổ tiên cũng là một cách thức ứng xử chung của nhân loại. Điều này được minh chứng qua các nghiên cứu của các nhà nhân học như Edward Burnett Tylor, Herbert Spencer và Frank Byron Jevons trong suốt thế kỷ 19. Các nhà nhân học này, dưới cách tiếp cận của thuyết hồn linh, đã xem xét tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên như một trong những hình thức tôn giáo phôi thai đầu tiên. Cơ sở cho những suy luận của họ cũng bắt nguồn từ nhận thức rằng, người nguyên thủy không thể lý giải hết những hiện tượng xảy ra xung quanh họ, trong đó có cái chết. Với họ, cái chết như một thứ gì đó thần bí, không tự nhiên và đáng sợ.[3] Bên cạnh đó, họ phân biệt giữa những người chết tốt và người chết xấu, trong đó, những người chết trong gia tộc, bạn bè được đối xử như những người chết tốt, còn những người chết xấu bị coi là ma quỷ. Có lẽ chính vì vậy, người nguyên thủy có những thực hành để thờ cúng đối với những người đã chết là tổ tiên của mình.
Durkheim lý giải hiện tượng đó như sau “Bàng hoàng bởi hiện tượng tự nhiên thường diễn ra không theo quy tắc trật tự, con người đã tạo ra trên trái đất những sinh vật siêu nhiên, thánh thần. Kế đến, con người lại có nhu cầu cần phải hài hoà với những sức mạnh huyền bí tồn tại xung quanh. Con người hiểu rằng cách tốt nhất để không bị những sức mạnh này tác động đến chính là trở thành đồng minh của chúng, duy trì và phát triển sự hài hoà đó. Trong giai đoạn lịch sử này, chưa có một hình thức liên minh hay liên kết nào được biết đến mà chỉ có hình thức quan hệ họ hàng. Tất cả mọi thành viên của thị tộc giúp nhau bởi bản thân là bà con họ hàng với nhau hoặc bởi các thành viên xem nhau như thế. Trái lại, các thị tộc khác nhau xem nhau như kẻ thù bởi không cùng huyết thống. Do đó, cách duy nhất để có được sự giúp đỡ của những sinh vật siêu nhiên là xem những sinh vật đó như họ hàng của mình và tác động đến những sinh vật này để chúng cũng coi mình là thân thuộc: thoả thuận huyết thống (blood-covenant) là phương pháp dễ dàng đạt được mục đích này.”[4]  
Các nhà nghiên cứu đã có những tư liệu cho thấy, thực hành này được phổ biến ở nhiều tộc người châu Phi, Ai Cập cổ, La Mã cổ, thổ dân châu Mỹ, và đặc biệt là ở các nước châu Á, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philipin và Việt Nam.
Về cơ bản, các nhà khoa học đồng ý với nhau rằng, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên phổ biến trong nhiều nền văn hóa bởi nó bắt nguồn từ hai quan niệm chính: (1) tổ tiên dù đã khuất vẫn đóng vai trò quan trọng đồng thời vẫn duy trì mối liên hệ và còn giúp ích cho những người đang sống, và (2) đó là sự lo lắng và đôi khi sợ hãi của người đang sống đối với tổ tiên đã khuất, và chính vì vậy những người đang sống cần có những thực hành nghi lễ để an ủi, động viên người chết.
Tuy hình thức thờ cúng tổ tiên tương đối giống nhau, chủ yếu hướng đến việc thực hiện nghĩa vụ làm con, nhưng nội dung và cách thức của mỗi dân tộc ứng xử với tổ tiên mình có những khác biệt. Sự khác biệt này có nhiều lý do, trong đó đáng kể nhất là những thay đổi về tôn giáo ở các dân tộc. Điều đó được thấy rõ nhất qua sự biến đổi cách thức thờ cúng tổ tiên của những người theo đạo Cơ đốc, ở đó, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chỉ còn rơi rớt lại trong các ngày lễ như Halloween, ngày lễ các Thánh, hay lễ Mass.

2. Tầm quan trọng của thờ cúng tổ tiên với người Việt

Gia đình đối với người Việt là một hằng số quan trọng. Vì thế, một học giả phương Tây đã đưa ra nhận xét: “Tinh thần gia đình là đặc tính cơ bản nhất của con người Việt Nam thuộc tất cả các tầng lớp. Đối với họ, gia đình là tất cả”[5].
Với các cộng đồng cổ truyền, vai trò của cá cá nhân không được đề cao. Chính gia đình hay hệ thống thân tộc của họ mới chiếm địa vị quan trọng. Vì thế, mới có chuyện rằng, một người có thể không cần phải gọi tên mà chỉ được đặt theo tên của bố hay đặc biệt tên của con; hoặc nói đến một người, người ta thường phải nhắc tên của bố, mẹ đi kèm với họ; hoặc có những câu như “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”…. “Do đó, suy cho cùng, một cá nhân bình thường chỉ có vai trò trong khuôn khổ gia đình họ mà thôi, còn ra đến cộng đồng lớn, cá nhân luôn luôn “không là cái gì”. Vì thế, truyền thống tương trợ, giúp đỡ nhau cũng thường thể hiện ở cấp độ gia đình trở lên. Cùng với đặc điểm này, tính chất của cộng đồng cư dân Việt đã góp phần làm nên nhiều truyền thống tín ngưỡng liên quan đến gia đình, dòng tộc mà tiêu biểu nhất là truyền thống thờ cũng tổ tiên.”[6] Vì lẽ đó, sống dựa vào tổ tiên, dòng họ cũng là một trong những cách sống của người Việt, và chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng, đó là một trong những lý do để các cá nhân trong dòng họ đến với nhau thông qua việc thờ cúng tổ tiên.
Đối với người Việt, việc thờ cúng tổ tiên là một tập tục truyền thống mà mọi gia đình đều thực hành, bất kể địa vị xã hội hay mức độ giàu nghèo của họ. Là người Việt, "mọi người đều thờ ông bà, mọi người đều thờ cúng tổ tiên". Hay “Đối với người dân An Nam, cái có tính chất truyền thống nhất và thiêng liêng nhất là đạo thờ cúng tổ tiên”[7]. Trải qua một quá trình lịch sử lâu dài, phong tục thờ cúng tổ tiên đã trở thành một bản sắc văn hóa của dân tộc Việt.
Một tác giả khác cho rằng, “Thờ cúng tổ tiên là hình thức tín ngưỡng mà thông qua nghi lễ thờ cúng nhằm xác lập "mối liên hệ" giữa người sống với người chết, giữa người thế giới hiện tại và thế giới tâm linh. Là sự thể hiện quan niệm về nhân sinh của người Việt Nam: "sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn". Với người Việt Nam, chết chưa phải là hết, tổ tiên lúc nào cũng ở bên cạnh người sống, "như tại" trên bàn thờ mỗi gia đình, động viên, trợ giúp cho con cháu trong cuộc sống thường ngày. Nếu như tôn giáo thường tuyệt đối hóa đời sống tinh thần, hướng con người về thế giới siêu thoát, thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tuy có hướng con người về với quá khứ, song lại rất coi trọng hiện tại và tương lai.”[8]
Thờ cúng tổ tiên là việc làm rất hệ trọng đối với con người Việt. Không kể những ngày giỗ chạp, một năm có nhiều lễ tiết để cúng giỗ chung trong gia đình như các ngày tết, ông công, ông táo, tất niên, thanh minh, đoan ngọ, trung nguyên, trung thu, các ngày rằm khác, các việc hiếu hỉ; hay thậm chí những việc trong nhà có việc mừng như sinh con, cưới gả, khao vọng, mừng thọ, thi đỗ hay các việc như tang ma, có việc khó khăn, vất vả, gia đình người Việt thường có lễ cáo yết hoặc kêu cầu gia tiên. Thời gian trở thành truyền thống, giờ đây, trong mỗi gia đình tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dần dần trở thành đạo lý "uống nước nhớ nguồn", thành đạo hiếu.
Trong mỗi gia đình người Việt, bàn thờ gia tiên bao giờ cũng chiếm vị trí quan trọng nhất. Thông thường, nếu không có gian thờ riêng, bàn thờ gia tiên được đặt nơi gian giữa nhà, chính là nơi tôn kính nhất. Nhà cửa nghèo mấy cũng không bao giờ sao nhãng việc thờ cúng. Tầm quan trọng của đạo hiếu và việc thờ cúng tổ tiên được thể hiện qua các bức hoành phi, cấu đối, đại tự được treo trong nhà.
“Những bức hoành thờ trong nhiều nhà thường thấy viết những chữ:
Đức lưu quang (đức để lại sáng)
Đức duy hinh (đức dày, truyền có tiếng thơm)
Ẩm hà tư nguyên (uống nước sông, nhớ nguồn)
Khắc xương quyết hậu (để tốt lành về sau)”[9]
Câu đối thì có câu sau:
Tổ công tôn đức thiên niên thịnh,
Tử hiếu tôn hiền vạn đại vương
(Công đức của tổ tiên ngàn năm thịnh
Cháu hiền con hiếu muôn đời tốt đẹp)[10]
................
Như vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một trong những truyền thống quan trọng và quý báu của người Việt. Việc thờ cúng tổ tiên đã góp phần tạo ra bản sắc văn hóa cho dân tộc Việt trong đó nhấn mạnh đến những giá trị đạo đức truyền thống như lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, tính cộng đồng, tính cần cù, sáng tạo, lòng hiếu học, lòng yêu nước.

3. Ứng xử với tổ tiên cho hiện tại và tương lai

 Rõ ràng, lòng hiếu thảo là giá trị đạo đức quý báu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Điều đó không còn phải bàn cãi khi mỗi gia đình thực hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên của mình. Durkheim viết: “trên hết, các nghi lễ là phương tiện mà tổ chức cộng đồng sử dụng để tái khẳng định bản thân mình một cách định kỳ.”[11] Việc cúng giỗ trong gia đình đối với những đã khuất thể hiện đạo hiếu với tổ tiên và trở thành sợi dây liên kết giữa những con người trong cuộc sống hiện tại. Mỗi dịp cúng giỗ là những dịp các thành viên trong gia đình, họ tộc được gần gũi nhau hơn. Họ biết về “vai vế” của nhau và vai trò của từng người trong dòng họ. Đó chính là dịp cộng mệnh và cộng cảm cho những người đang sống[12]. Những dịp đó cũng là dịp những cá nhân trong gia đình, họ tộc có thể bỏ qua những xích mích trong cuộc sống hàng ngày và đoàn kết với nhau hơn trong cuộc sống hiện tại.
Roberston Smith, người Anh, nhà nhân loại học và một nhà nghiên cứu về kinh thánh cho rằng: “tôn giáo chỉ thuộc về lợi ích chung, không phải là lợi ích cá nhân, nó biểu thị những niềm hi vọng và mục tiêu chung của một cộng đồng, do đó tăng cường mối liên hệ xã hội giữa các thành viên của cộng đồng ấy.”[13] Trong trường hợp thờ cúng tổ tiên của người Việt, ứng xử với tổ tiên đã khuất thực sự là để dành cho những người đang sống. Các gia đình, ngoài việc thực hiện nghĩa vụ đạo hiếu làm con cháu, muốn dành những dịp cúng giỗ như một bài học lịch sử cho thế hệ hiện tại. Trong những buổi cúng giỗ hay những thời khắc đặc biệt như chuyển giao năm cũ - năm mới (giao thừa), những người trưởng họ hay đứng đầu gia đình thường có những “bài phát biểu” ngắn gọn về những vinh quang trong quá khứ, những thành đạt trong hiện tại và những bài học đạo đức đối với những thành viên trong gia đình. Đó như những sự động viên tinh thần và giáo dục đạo đức cho những người đang sống trong những dịp đặc biệt mà không phải lúc nào, trong cuộc sống tấp nập, đầy náo nhiệt này, cũng có thể thích hợp.
Nằm trong triết lý chung đó, phong trào xây dựng các nhà thờ họ, đặc biệt là nhà họ của các nhân vật lịch sử nổi tiếng như nhà thờ họ Phùng thờ Phùng Khắc Khoan ở xã Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội, nhà thờ thám hoa Giang Văn Minh ở Mông Phụ, Đường Lâm, Thân Nhân Trung ở Bắc Giang…. ngoài việc đề cao công lao của các nhân vật lịch sử ấy, cũng đồng thời là tấm gương đạo đức, học tập cho con người hiện tại, hay nói cách khác là cho người hiện tại.
Những nghi lễ trong việc thờ cúng tổ tiên cũng nói rõ về mối liên hệ với quá khứ cho mục đích hiện tại. Luận về quà tặng, Marcel Mauss cho rằng, việc trao đổi quà tặng là một thực tế xã hội. Động cơ của việc trao đổi quà tặng là những kỳ vọng chuẩn mực mà các bên tham gia quá trình trao đổi mặc nhiên công nhận. Việc tặng quà không phục vụ cho một chức năng hữu ích hiển nhiên nào. Việc trao đổi luôn mang tính chất nghi thức thuần túy và thường sử dụng những đồ vật có giá trị biểu tượng cao, nhưng lại thường ít có giá trị vật chất và tính hữu dụng[14]. Trong quan hệ giữa người đang sống và người đã khuất, người Việt cũng thể hiện mối quan hệ này. Tuy nhiên, không hoàn toàn giống với quan điểm của Mauss, đồ dâng cúng (hay ở đây được xem như quà tặng) của người đang sống với người đã khuất mang tính thực dụng nhiều hơn (giống quan niệm của Durkheim về tính xã hội của những thứ thiêng liêng). Lấy ví dụ việc đốt vàng mã cho người đã khuất. Về lý thuyết, chúng ta hiểu rằng, việc đốt vàng mã chính là cách cư xử của người Việt với thế giới bên kia, trong đó, người đang sống “hóa”, “gửi” những thứ mà họ “cho rằng” người khuất cần dùng trong cuộc sống ở thế giới bên kia. Không xác định rõ ràng thế giới bên kia như thế nào, những người đang sống dựa vào kinh nghiệm hàng ngày của họ để xác định nhu cầu cho những người đã khuất. Chính vì thế, mới có chuyện, ngoài những đồ mã truyền thống như quần áo, mũ, gậy, hia hài, người sống gửi tiền đôla âm phủ, nhà lầu, xe hơi, và đôi khi cả vợ lẽ, “osin” cho những người đã khuất.
Truyền thống không phải là một thứ gì đó cố định, không thay đổi. Truyền thống luôn có sự kế thừa và biến đổi quan thời gian. Hành vi cúng lễ trong việc thờ cúng tổ tiên cũng vậy. Những đồ vật mang ý nghĩa, giá trị của cuộc sống hiện tại luôn hiện diện trong việc thực hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Ngoài câu chuyện về vàng mã như chúng ta đã thấy ở trên, ngày nay, đồ dâng cúng còn có “hương vị” của cuộc sống hiện tại như bia, rượu, hoa quả nhập khẩu. Những lời cầu khấn cũng mang nặng tính chất thời đại hơn với câu chuyện kinh doanh, quyền chức, thi cử…. Câu chuyện mồ mả tổ tiên cũng được coi trọng với sự ganh đua của các dòng họ và những kiểu kiến trúc đa dạng.
Không chỉ cho hiện tại, những hành vi cúng lễ cũng như một hành động hướng đến tương lai. Những người đang thực hành nghi lễ này mong muốn rằng, trong tương lai, những thế hệ con cháu của họ sẽ ứng xử với họ như những gì họ đã ứng xử với tổ tiên, những người đã khuất. Những thực hành của cha mẹ không chỉ thể hiện đạo hiếu của họ với những người sinh thành ra mình mà nó còn là bài học cho con cái họ. Việc lễ chạp chẳng hạn, người Việt có phong tục mời tổ tiên mình về ăn Tết cùng với gia đình trong những ngày đặc biệt đó. Đến ngày hóa vàng, họ lại có cỗ tiễn tổ tiên mình về với nơi ở của những người đã khuất. Phong tục ấy không chỉ thuần túy mang tính chất đạo hiếu, mà là một bài học nhắc nhở đối với thế hệ tương lai nhớ những công việc truyền thống của mình. Chính vì lý do đó, trong những ngày đặc biệt này, các bậc sinh thành luôn muốn có sự hiện diện đầy đủ của các thế hệ con cháu. Và rõ ràng, trong sâu thẳm tâm thức của họ, họ mong muốn đến một ngày nào đó, khi mình mất đi, sẽ được chứng kiến cảnh tụ họp đông đủ của con cháu để tưởng niệm mình.
Như vậy, quá khứ không chỉ là những gì đã qua. Việc tưởng nhớ quá khứ có giá trị cho xã hội hiện tại và tương lai. Và điều đó được thể hiện một cách rất rõ ràng trong các thực hành của phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt ngày hôm nay.

Kết luận

Với người Việt, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một hệ giá trị đạo đức để đoàn kết xã hội, hay trở thành một “trung tâm thiêng” trong tâm thức của người Việt. Mỗi xã hội đều/cần có  một “trung tâm thiêng” đó để trở thành điểm tựa hình thành nên bản sắc chung cho xã hội ấy. Trung tâm này có thể vật thể hóa qua một địa điểm cụ thể (như Đền Hùng chẳng hạn) nhưng cũng có thể không mang tính chất địa lý, mà chỉ là những biểu tượng, giá trị và niềm tin căn bản trong xã hội. “Những biểu tượng này được coi là “tối cao và không thể rút gọn” và “cùng nhau tạo nên bản chất của cái thiêng” (1975) tạo ra (....) “hệ thống giá trị trung tâm”, kết nối xã hội và những người sống trong xã hội đó với một thứ là “hóa thân nhưng lớn lao hơn sự tồn tại cụ thể của cá nhân họ” (1975)”[15]. Thực hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên không chỉ cho một cá nhân, không chỉ cho quá khứ mà đó còn cho cả thời hiện tại và tương lai. Đó cũng là cách ứng xử của người Việt trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của mình!
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Durkheim, E. Những hình thức sơ đẳng của đời sống tôn giáo, bản dịch của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam.
  2. Trần Đăng Sinh, 1998, Giá trị đạo đức trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam, Tạp chí Hoạt động khoa học, số 11, 1998. H.
  3. Bùi Quang Thắng (chủ biên), 2008, 30 thuật ngữ nghiên cứu văn hóa. Nxb. Khoa học Xã hội, H.
  4. Nhất Thanh – Vũ Văn Khiếu, 2005, Phong tục làng xóm Việt Nam, Nxb. Phương Đông.
  5. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), 2010, Những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.
  6. Đỗ Lai Thúy (biên soạn và giới thiệu), 2006, Theo vết chân những người khổng lồ, Nxb. Văn hóa Thông tin, Tạp chí Văn hóa – Nghệ thuật, H.
  7. Tạ Chí Đại Trường, 2006, Thần Người và Đât Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, H

 

 
[1] Bùi Quang Thắng (chủ biên), tr. 210-211.
[2] Bùi Quang Thắng (chủ biên), tr. 215
[3] Người Việt hẳn cũng có quan niệm như vậy, theo Tạ Chí Đại Trường, với những bằng chứng khảo cổ học ở đồ tùy táng trong các lớp mộ ở Phú Lương hay làng Vạc, với người Việt, “Cái chết được coi như một sự đổ vỡ lớn lao trong đó thoáng một ý mơ hồ về sự sợ hãi người chết có thể trở về. Cho nên cũng rõ rệt có thái độ ngăn chặn sự trở về đó”. (Xem Tạ Chí Đại trường, tr. 58)
[4] Durkheim, tr. 182)
[5] J. Boissiere, dẫn lại theo Ngô Đức Thịnh, tr. 78.
[6] Ngô Đức Thịnh (chủ biên), tr. 79.
[7] P. Ory, dẫn lại của Ngô Đức Thịnh, tr. 79.
[8] Xem Trần Đăng Sinh.
[9] Nhất Thanh – Vũ Văn Khiếu, tr. 270
[10] Nhất Thanh – Vũ Văn Khiếu, tr. 270
[11] Durkheim tr. 368.
[12] Theo Durkheim, “những cảm giác này đều bắt nguồn từ cảm giác an toàn và tôn kính được gợi lên trong tiềm thức mỗi người bởi sức mạnh tinh thần to lớn đã chi phối và bảo vệ họ: đó là sức mạnh tập thể.” (Xem Durkheim tr. 169)
[13] Durkheim, tr. 10.
[14] Dẫn lại theo Đỗ Lai Thúy, tr. 165-166.
[15] Dẫn theo Đỗ Lai Thúy, tr. 189.

Những tin cũ hơn

Mồng một tết ở quê

Mồng một tết ở quê

— 25 Tháng Năm 2017

"Gần 50 năm sau ngày rời quê, năm nay tôi mới có dịp đón giao thừa ở chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình". Đó là lời tâm sự của nhà báo Trương Điện Thắng khi đón giao thừa năm Nhâm Thìn tại quê hương ở Thanh Quýt, Điện Bàn, Quảng Nam.

Thụy Khuê - phố “cổng làng”

Thụy Khuê - phố “cổng làng”

— 25 Tháng Năm 2017

Ngôi làng truyền thống Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 ở châu thổ sông Hồng thường tập trung gọn vào một phạm vi không gian bao bọc bởi lũy tre.

Dâng

Dâng

— 25 Tháng Năm 2017

Bài thơ Dâng được nhà thơ, nhà báo Trương Thị Kim Dung viết sau chuyến đi tìm thấy mộ hợp chất của 2 cha con Liệt tổ Bình Ngô Khai quốc công thần thời Lê sơ: Trương Lôi - Trương Chiến ở khu vực Yên Thế - Hữu Lũng trong trung tuần tháng 4/2012. Bài thơ là nén tâm hương dâng lên các bậc tiền bối đã cống hiến đời mình để bảo vệ chủ quyền biên cương đất nước. Tưởng nhớ Bình Ngô Khai quốc công thần: Trương Lôi -Trương Chiến và những nghĩa quân thời Lê sơ tham gia trận Chi Lăng – Xương Giang

Đầu xuân tìm về nguồn cội

Đầu xuân tìm về nguồn cội

— 25 Tháng Năm 2017

Nhân chuyến về quê ăn Tết năm nay, lần đầu tiên tôi bước chân đến vùng biển Mỹ Khê, huyện Sơn Tịnh, Qủang Ngãi vào ngày mùng 6 tết Nhâm Thìn. Mặc dù biết rằng mình có xuất xứ từ dòng họ Trương ở Mỹ Khê, nhưng chưa một lần đền vùng đất biển mặn này.

Chào mừng Đại Hội Trương tộc  Việt Nam lần thứ nhất – năm 2013

Chào mừng Đại Hội Trương tộc Việt Nam lần thứ nhất – năm 2013

— 25 Tháng Năm 2017

Trương Thị Kim Dung (Ban Văn kiện – Hội đồng Trương Tộc Việt Nam lâm thời): Phấn khởi, xúc động khi nhận được thông tin chính thức từ Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời là Đại hội Trương tộc toàn quốc lần thứ nhất sẽ được tổ chức trọng thể vào mùa xuân Quý Tỵ 2013 ( tháng 3 âm lịch) tại Hà Nội, ông Trương Văn Băng – đại diện Họ Trương phường Giảng Võ (gốc Lệ Mật – Gia Lâm) - một trong dòng họ lớn có công xây dựng hưng thịnh “Thập Tam trại” (13 làng trại) nổi tiếng ở bên Hồ Tây thơ mộng của kinh đô Thăng Long từ thời vua Lý Thái Tông; đã làm ngay bài thơ xuân “Chào mừng Đại hội Trương tộc Việt Nam lần thứ nhất”. Ban văn kiện Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời xin trân trọng giới thiệu bài thơ tâm huyết về tình đồng tộc của bậc lão thành Trương Văn Băng đến với quý vị gần xa...Sau đây là nguyên văn bài thơ: