Người đi tìm cội và hai cuộc tái ngộ cách nhau gần hai trăm năm.

19:29 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 1138

Cuộc về nguồn sau gần 250 năm ( cuộc tái ngộ thứ hai):
Câu chuyện khởi đầu từ một ngày của năm Ất Dậu ( 1765 ) tức cách nay đã ngót 250 năm, ngay khi Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát vừa băng hà.
Từ trước đó do công tử Chương con trưởng của Chúa thất lộc vì bệnh, con công tử Chương còn quá nhỏ nên Võ Vương chọn người con trai thứ hai là Nguyễn Phúc Luân (tức hoàng khảo của vua Gia Long sau này) làm kế tử.
Do biết Nguyễn Phúc Luân là người thông minh, quyết đoán khó lấn quyền được nên Ngoại tả Trương Phúc Loan đã âm mưu cùng Thái giám Chữ Đức và Chưởng dinh Nguyễn Cửu Thông bắt giam công tử Luân, giết chết hai thầy học của Phúc Luân là Ý Đức Hầu Trương Văn Hạnh và Thị giảng Lê Cao Kỷ, đồng thời giả Di chiếu đưa công tử thứ mười sáu là Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi Chúa xưng hiệu là Định Vương.
Chuyện tự ý phế lập chúa này, không một ai trong Vương phủ dám hé môi cản ngăn, chỉ duy một mình Trương Văn Hạnh (Ngoại hữu của chúa Nguyễn- tức Thái úy) phản đối.
"Ðại Nam Liệt Truyện" (tiền biên) của Quốc Sử Quán triều Nguyễn viết: "...Trương Phúc Loan dùng thân thế để làm Quốc Phó. Khi Thế Tông (miếu hiệu của Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát) băng, chiếu theo thứ tự thế tập, đáng lẽ Hưng Tổ (Nguyễn Phúc Luân) lên thay, nhưng Trương Phúc Loan thấy vị này đĩnh tuệ anh quả, sợ không thể khiến được, nên Loan đã mạo chiếu bỏ ngục Hưng Tổ. Duệ Tông (Ðịnh Vương Nguyễn Phúc Thuần) năm ấy mới 12 tuổi, lợi dụng tuổi thơ ấu này, Loan mưu cùng Thái Giám Chữ Ðức và Chưởng Dinh Nguyễn Cửu Thông làm một di chiếu giả rước Duệ Tông lên nối nghiệp Chúa”.
Quan Thái úy Ý Đức hầu Trương Văn Hạnh đang đêm được mời vào Di Nhiên đường thuộc nội Phủ bàn việc cơ mật và đã bị phục giết ngay trong ấy. Thị giảng Lê Cao Kỷ bị một thích khách đâm chết ngay bên án thư nhà mình. Thái Giám Chữ Đức thân hành đem lính lên Dương Xuân bắt kế tử Nguyễn Phúc Luân tống ngục… Tất cả thân thích của ba người trên đều bị lùng bắt tống ngục hoặc giết hại.
Ngài Trương Văn Hạnh là người ở vào đời thứ 7 của Họ Trương Văn làng Bái đáp (nay là thôn Phú Lễ) , thuộc dòng thứ nhì (về sau này xếp thuộc Hệ phái 2). Ngài có người họ hàng đồng tông là thầy giáo Trương Văn Hiến ở vào đời thứ 8 của Họ, thuộc dòng thứ 3 ( về sau này xếp thuộc Hệ phái 3 ). Các hệ phái trong họ Trương Văn làng Bái Đáp vốn phân dòng vào đời thứ 4, đời thứ 3 dẫn lên là chung Tổ.
Vốn là người văn võ song toàn học sâu biết rộng và có nhiều cao kiến, lại vừa ở trong vòng họ hàng đồng tông , thầy giáo Hiến được Ý Đức hầu Trương Văn Hạnh cảm đức mến tài mà giữ mối thâm giao, thường xuyên vời đến tư dinh đàm đạo và có nhiều giúp đỡ rất hậu tình. Nhiều bận Hầu ngỏ ý muốn tiến cử ông Giáo Hiến ra làm quan cùng Phủ Chúa Nguyễn. Năm lần bảy lượt Ông giáo đều khéo léo để nhất mực từ chối việc dấn thân vào chốn quan trường lắm thị phi…Tuy nhiên để báo đáp cùng ân tình tri kỷ, Ông giáo đã nhận lời phó thác nhờ cậy mà đến ở lại tư dinh Quan Thái úy để làm gia sư về cả văn lẫn võ cho các con cháu của Ý Đức Hầu. Thể theo lời mời của Hầu, cùng đến ở trong Dinh còn có mấy người con trai của Ông giáo đang tuổi niên thiếu được ông đưa theo để kềm cặp việc rèn văn luyện võ.
Trong cái đêm kinh hoàng ấy, gia quyến của Thái úy Trương Văn Hạnh đã bị tàn sát từ già đến trẻ, chỉ trừ rất ít người lúc đó không ở trong dinh nên trốn thoát được. Vài đời sau nữa thì cả dòng thứ hai này của họ Trương Văn làng Bái Đáp cũng suy tàn không còn một ai…
Riêng mấy cha con của thầy giáo Trương Văn Hiến vì đang ở trong một ngôi nhà nằm biệt lập về phía sau vườn của tư dinh quan Thái Úy, nên đã kịp trốn thoát ra ngoài. Ông giáo võ nghệ siêu quần đã phải vừa đánh vừa chạy để dẫn các con trai vượt khỏi trùng vây mà thoát!
Thoát được họa diệt thân, Ông giáo đã trốn thật xa vào tận Bình Định để tìm lối sinh tồn và nuôi mộng báo thù cho cả nhà Quan Thái úy. Lúc đó tại ngoại thành Quy Nhơn có một bậc phú gia tên Phan Nghĩa, vốn là người đôn hậu, giao thiệp rộng rãi. Một hôm, thầy giáo Hiến bất ngờ thấy nhà ông Nghĩa bị kẻ cướp đến phá phách, nên xông vào cứu nguy, bảo toàn được cơ nghiệp cho họ Phan. Cảm ơn nghĩa ấy, ông Nghĩa đã giúp cho Ông giáo mở trường dạy văn và dạy võ ở Tuy Viễn .
Nghe tiếng đồn Ông giáo là thầy giỏi, ông Hồ Phi Phúc liền cho ba người con đến học. Ba người con ấy, sau đổi sang họ Nguyễn, rồi trở thành ba thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, đó là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.
Trong suốt quá trình dựng nghiệp của ba anh em nhà Tây Sơn, Ông giáo chỉ góp ý ( làm quân sư ) chứ không trực tiếp tham gia dù được ba anh em Lãnh tụ phong trào Tây Sơn thiết tha mời. Cái chí làm thầy chứ không chịu làm quan được Nhà giáo Trương Văn Hiến giữ trọn trong suốt cuộc đời mình, mà không một lần chịu nhận bất cứ một hàm cao tước lớn nào, dù chỉ là trên danh nghĩa...
Là người thầy tài đức kiêm ưu, văn võ song toàn đã có công lao dạy dỗ và phát hiện tài năng thiên phú của cả ba anh em vua Thái Đức ngay từ non trẻ, là vị quân sư tài ba có nhiều đóng góp với Vương nghiệp nhà Tây Sơn nên tiếng nói của Thầy giáo Hiến luôn được ba vị học trò lãnh tụ này lắng nghe. Và trên cương vị ấy, Cụ giáo đã luôn khéo léo để đưa ra những lời khuyên góp phần dung hòa mối quan hệ của Tây Sơn Tam kiệt.
Tuy không trực tiếp tham gia Phong trào Tây sơn, Thầy giáo Trương Văn Hiến đã cho hai người con trai của mình ra làm tướng, phò tá  nhà Tây Sơn, chính là Đô đốc Trương Văn Luân và Phò mã của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc là Thiếu bảo Trương Văn Đa.
Cụ Giáo Hiến đã mất vì già yếu trước thời điểm Hoàng đế Quang Trung đăng quang.
          Một nhà phụ tử ba người trong gia đình cụ giáo Hiến đã có nhiều đóng góp to lớn, với nhiều công lao hiển hách ngay từ trong trứng nước đối với Phong trào Tây Sơn như sử sách đến nay còn lưu dấu.
           Hoàng đế Quang Trung băng hà vào năm 1792, năm sau 1793 thì đại quân của Nguyễn Ánh từ Gia Định kéo ra đánh vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) ở thành Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc sai người ra chỗ vua Cảnh Thịnh xin cứu viện. Cảnh Thịnh cho các tướng đem quân cứu Nguyễn Nhạc. Khi quân của Nguyễn Ánh đã rút về, các tướng của vua Quang Toản liền chiếm luôn thành trì của vua Thái Đức. Tháng 8 năm này, vua Thái Đức uất hận mà qua đời, con cả là Nguyễn Bảo lên nối ngôi bị các tướng của Cảnh Thịnh chia quân giữ thành và an trí ra huyện Phù Ly…
Lúc đó công chúa chánh thất của Phò mã Trương Văn Đa đã mất, lại nhìn thấy họa diệt vong do lục đục nội bộ triền miên không thể dàn xếp của Triều đình nhà Tây Sơn sau khi Hoàng đế Quang Trung qua đời, nên Ông đã cáo bệnh xin về. Lúc này Ngài đã tục huyền cùng một bà kế thất họ Trần.
          Cáo quan về nhà, Phò mã về chốn cũ An Thái ở một thời gian rồi biệt tăm, do vậy mà sử sách về sau thường nói rất khác nhau về khoảng thời gian còn lại của Ngài …vì tất cả đều chỉ là phỏng đoán.
          Thời gian về lại An Thái có lẽ chỉ là một bước đường trong tính toán mai danh ẩn tích của vị Phò mã Tây Sơn vốn lừng lẫy một thời. Rời An Thái, Ngài bí mật trở ra Thuận Hóa nhưng không quay về làng Bái Đáp quê cũ, mà đến định cư lập nghiệp tại một vùng rừng sâu ngăn sông cách núi, tách biệt hẵn với cư dân quanh vùng. Tại đây bằng tài trí của một vị tướng từng trăm phen trận mạc mà Ngài đã vượt qua bao gian lao thử thách của thú dữ, lam chướng và thiếu thốn mọi bề để tồn tại mà cùng với một vị họ Nguyễn khai canh nên vùng Thủy Yên, Thủy Cam (Nước Ngọt) nay thuộc xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế ngày nay. Với tâm thế luôn vọng về cố hương nên tên làng mới đã được Ngài đặt theo tên quê cũ là Bái Đáp.
Về sau cháu đích tôn của Phò mã đã dời vào Quảng Nam sinh sống và mất tại đó, vị này sanh hạ được 5 người con trai và 3 người con gái. Người con trai thứ 5 của ông ( sanh năm Canh Tý-1840 ) sau đó đã quay về Thừa Thiên lập nghiệp tại xã Mỹ Lợi, tổng Diêm Trường, và trở thành vị Thủy tổ của tộc Trương Văn làng Mỹ Lợi ngày nay.  Tông tộc này đến nay đã truyền được 11 đời tính từ ngài Thượng Thủy tổ Trương Văn Đa. Nếu nối phả của Tộc Trương Văn làng Mỹ Lợi vào với Phả của Tộc Trương Văn làng Phú Lễ thì đã truyền đến 19 đời, tính từ đời Ngài Thủy Tổ Họ Trương Văn làng Phú Lễ từ Thanh Hóa vào định cư ở đây.
Thầy giáo Trương Văn Hải vừa kể trên, người đã tìm về Từ đường họ Trương Văn làng Phú Lễ chính là cháu đời thứ chín của Phò Mã-Thiếu bảo Trương Văn Đa, thuộc Chi họ Trương Văn làng Mỹ Lợi vừa nhắc đến.

 



Hình ảnh từ đường họ Trương Văn làng Mỹ Lợi, Vinh Mỹ, Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế.

 
Cuộc tìm về với cội nguồn dòng họ của thầy giáo Hải là cả một câu chuyện dài đầy cảm động. Từ nhỏ cho đến khi lớn lên học hành và trãi qua gần ba chục năm dài làm nghề giáo, trong tâm trí ông vẫn luôn trăn trở một câu hỏi : “Họ Trương Văn nhà mình xuất phát từ đâu: Thanh Hóa, Nghệ An như gốc của phần nhiều tộc họ ở xứ Thuận Hóa cũ, hay từ chốn nào khác?”. Trước đó ông đã được biết họ Trương Văn làng Mỹ Lợi có gốc tích từ Họ Trương Văn xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Nhưng họ này cũng chỉ dài hơn họ Trương Văn làng Mỹ lợi hai đời.
Việc bảo quản tộc phả ở họ Trương Văn làng Mỹ Lợi vốn rất nghiêm cẩn, không phải mọi con cháu đều tự ý xem được. Vì vậy mãi đến năm 2011 thầy giáo Hải mới được biết gốc của Họ mình là từ làng Bái Đáp. Và cuộc truy tìm nguồn gốc dòng họ đã được ông vạch ra và tự mình thực hiện.
Qua quá trình dày công cố gắng tìm hiểu, kể cả phải nhờ đến một chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Xứ Huế thì ông mới xác định chắc chắn được rằng làng Bái Đáp xưa, nay chính là thôn Phú Lễ thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế.
Là một người có nhiều tâm huyết đối với Tổ tiên và Dòng tộc, thầy giáo Hải thường xuyên theo dõi thông tin tại trang web truongtoc.com của “Họ Trương Việt Nam” và đã biết được nhiều thông tin về họ Trương Văn làng Phú Lễ. Điều này càng giúp ông quyết tâm và nhanh chóng tìm về cùng quê tông đất tổ…

 

 



Ảnh thầy giáo Trương Văn Hải.

 
Vậy là sau ngót hai trăm năm mươi năm kể từ khi Phò mã Trương Văn Đa cùng cha mình vì tránh họa diệt thân mà chưa một lần trở lại quê nhà, thì nay đã có một người cháu chín đời của Ngài trở về tìm lại đúng được cội nguồn.
 
Nhớ lại cuộc về nguồn gần hai trăm năm trước:
 
Chuyện xảy ra vào một ngày khoảng giữa triều vua Minh Mạng, các chức việc của xã Bái Đáp ( đơn vị làng lúc đó được gọi là xã) nhận được thư báo của quan trên nhắn cho biết ngày giờ Quan án sát Quảng Nam Trương Văn Uyển về thăm quê nhà tại xã Bái Đáp. Tuy thấy lạ vì từ trước cho đến lúc đó không có con dân nào của Làng có tên là Trương Văn Uyển, nhưng do Bái Đáp chỉ có một họ Trương Văn nên xã chức đã cho người báo cho Họ này biết ngày giờ Quan án sát sẽ về thăm.
Cả họ Trương Văn ngày ấy đều lắc đầu từ chối, vì trong cả Họ tộc vốn chưa ai từng nghe đến cái tên Trương Văn Uyển. Ngày ấy dù đã qua sáu mươi năm, nhưng ký ức của gia tộc Trương Văn về chốn quan trường vẫn còn nguyên hình ảnh hãi hùng về cái đêm đại họa của cả gia đình quan Thái úy Trương Văn Hạnh.
  Vào thời quân chủ, tội mạo nhận vốn bị xử rất nặng, nên cả Làng và Họ vì không biết nên đều không dám nhận. Nhưng thư báo của quan trên là vậy, không chấp hành thì sẽ phạm tội “bất tuân thượng lệnh” lại càng nguy hơn. Vì vậy xã (làng) ngày ấy vẫn phải tổ chức việc nghênh đón Quan án sát Quảng Nam về thăm Bái Đáp. Bởi không có họ tộc đón, Xã Bái Đáp đành trang hoàng Đình Làng để làm nơi nghênh tiếp như lệ xưa nay tiếp đón quan trên về kinh lý tại làng xã...    

 

 

Đình Phú Lễ, nơi làng Bãi Đáp xưa đón quan Án sát Trương Văn Uyển trong dịp đầu tiên Ngài về thăm quê nhà.

 
Cuộc nghênh đón ngày ấy diễn ra như thế nào thì đến nay không ai còn được nghe kể lại cụ thể, chỉ biết rằng sau cuộc nói chuyện riêng của Quan Án sát Quảng Nam Trương Văn Uyển và Gia Tộc Trương Văn Bái Đáp thì Họ Trương Văn nhận Ngài là người nội tộc, làng Bái Đáp nhận Ngài là con dân của Làng…
Hơn sáu mươi năm đã qua kể từ đêm có biến loạn trong vương phủ chúa Nuyễn cho đến ngày quan Án sát về thăm quê, người già trong làng xóm thế hệ có nghe biết thì đã quy tiên hết, người hậu sanh thì qua thời gian và nhiều biến cố dồn dập đối với tình hình nhiều biến động của Thuận Hóa vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 nên cũng không ai ngoài gia tộc còn nhớ biết đến gia đình của Thầy giáo Trương Văn Hiến. Có thể vì là một người có tầm nhìn xa, lại từng trải qua nhiều biến cố hiểm nguy, nên để tránh họa về sau cho họ Tộc trong tình cảnh nhiều biến loạn không lường trước được mà Cụ giáo và các con đã không một lần về thăm quê trong những năm của phong trào Tây Sơn …
 Sau này có nhiều giai thoại khác nhau do người làng kể về lý do phải lưu lạc vào Miền Nam của thân phụ ngài Trương Văn Uyển, còn trong gia tộc dù nhiều người biết nhưng vì tránh họa mà không ai lên tiếng đính chính gì cả.
Vị quan nói trên vốn là con trai của Đại Đô Đốc Trương Văn Luân ( vị Đại Đô đốc này vốn đã xin về trí sĩ sau khi Hoàng đế Quang Trung băng hà), tức là cháu nội của Cụ Trương Văn Hiến. Đại Đô Đốc trí sĩ Trương Văn Luân đã trốn vào Miền Nam mai danh ẩn tích và sinh ra ngài Trương Văn Uyển ở đó. Trong bài ký trên chuông chùa làng Phú Lễ còn đến ngày nay, mà ngài Trương Văn Uyển đã tạo cúng vào năm Tự Đức thứ nhất, còn lưu lời kể của Ngài:  “Xưa trước, nhờ tiên tổ vốn thuần lối thiện, bồi vun căn lành cho con cháu đời đời tiếp nối. Thuở nhỏ tôi vốn nghèo khó, khi vào lính lại phải chuyên theo việc bán buôn, nhưng vẫn quyết chí dốc lòng theo đòi việc học, biết lối văn chương, thật đúng nhờ âm đức đời trước lưu lại vậy.
Khoa thi hương năm Kỷ mão ( 1818) tức năm Gia Long thứ 18, tôi đỗ tú tài. Đến năm Tân tỵ (1821) tức Minh Mạng năm thứ 2 tôi lại đỗ cử nhân, từ ấy ở lại cửa quan suốt ba vòng đền đáp. Tiếp lại vâng mạng đi xứ xa 10 năm, sau lại được bổ ra ngoài làm án sát Quảng Nam, rồi lại thăng đến các hạt Quãng nghĩa, Vĩnh Long, Định Tường v.v…”
Lời kể của Người xưa cho phép chúng ta hình dung ra thuở nhỏ cơ cực, cùng bước đường phấn đấu gian lao của Ngài.  Chính Ngài Trương Văn Uyển đã là người khai khoa cho làng Bái Đáp, tức làng Phú Lễ sau này. Cũng từ bài ký này chúng ta còn được biết thêm nhiều công đức của Ngài đối với quê hương Bái Đáp: “Năm Minh Mạng thứ 16 ( 1835) đã trích tiền bổng lộc tu sửa đình chùa. Năm Minh Mạng thứ 20 ( 1839) lại trích bổng lộc hiến xây cầu đá…”
Ngoài ra đến ngày nay, những bậc Lão niên của Làng Phú Lễ còn nhắc đến những hàng cây xoài nằm phía trước Chùa Quang Bảo chạy dài đến Đình Làng, do Ngài Trương Văn Uyển đã đưa từ Miền Nam xa xôi về trồng.
Cuối đời Minh Mạng, Ngài Trương Văn Uyển chính là người đã thượng sớ xin và được Triều Đình chuẩn thuận cho xã Bái Đáp được đổi tên thành Phú Lễ.
Cuộc đời làm quan của ngài Trương Văn Uyển đã kinh qua các chức: Án sát Quảng nam, Hình bộ tả tham tri, Tuần phủ hộ lý Tổng đốc Ninh-Thái, Hữu tham tri bộ Binh kiêm quản viện Đô sát, Thự thượng thư bộ Hình kiêm sung Sử quán Phó tổng tài, Tổng đốc Long-Tường...
 
Họ Trương Văn làng Phú Lễ nói riêng, toàn thể dân làng Phú Lễ nói chung sẽ mãi còn truyền tụng và tự hào về những con người của dòng họ và quê hương, nhất là tấm lòng của những người con xa xứ, dù qua bao năm tháng hay qua bao thế hệ, vẫn một lòng tìm và hướng về với dòng họ, với quê hương Phú Lễ.
Qua hai câu chuyện kể về những tấm gương tìm lại cội nguồn nói trên, chúng tôi tha thiết mong muốn được lau lớp bụi thời gian mà lưu lại mãi trong lòng các thế hệ hôm nay và mai sau cái vẻ sáng láng của chất vàng ròng quý giá ở tình yêu dòng giống,  nguồn cội…trong mỗi người họ Trương chúng ta nói riêng, người Việt Nam nói chung.
 
                                                                                   Viết xong vào chiều ngày Giỗ Quốc Tổ năm Quý Tỵ - 2013
                                                                              Chào mừng  Đại hội Họ Trương Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất
 
 
                                                                                                   Minh Bách Trương Lê Anh Tuấn
                                                                  ( Viết theo gia phả và tư liệu nội Tộc, cùng tham khảo nhiều tài liệu khác)

Những tin cũ hơn

Sự linh diệu từ một câu đối của tổ tiên họ Trương

Sự linh diệu từ một câu đối của tổ tiên họ Trương

— 25 Tháng Năm 2017

Sau khi chúng tôi đăng lá thư đầu năm của Kim Dung gởi về trong chuyến điền dã đầu năm về Đáp Cầu với những câu đối chép lại từ nhà thờ Đại tôn họ Trương tại Băc Ninh, trưa ngày 12 tháng Giêng, nhà nghiên cứu Hán Nôm Trương Quang Phúc (78 tuổi) từ thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) đã gọi điện thoại với giọng nói vui mừng xúc động, vừa cười vừa khóc cho biết: “Tổ tiên mình linh diệu quá!”.

Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời tổ chức gặp các doanh nhân họ Trương tại Hà Nội

Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời tổ chức gặp các doanh nhân họ Trương tại Hà Nội

— 25 Tháng Năm 2017

Trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng đất nước, các doanh nhân Việt Nam luôn được xác định là lực lượng chủ công trong công cuộc xây dựng đất nước, luôn thể hiện được vị trí, vai trò của mình và có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Người họ Trương đến Đàng Trong

Người họ Trương đến Đàng Trong

— 25 Tháng Năm 2017

Người họ Trương vào đàng Trong tức phía nam Quảng Bình trong các chiến dịch Bình Chiêm từ trước khi châu Ô châu Lý sát nhập vào đất Đại Việt từ thời các vua Trần, thế kỷ 14. Chưa có tài liệu cho thấy người họ Trương nào vào cùng thời với các ngài Bùi Tá Hán, Phạm Nhữ Dực dưới triều Hồ.

Đại diện Trương tộc phía Nam chúc tết chủ tịch nước.

Đại diện Trương tộc phía Nam chúc tết chủ tịch nước.

— 25 Tháng Năm 2017

Nhân dịp xuân Nhâm Thìn 2012, ngày mùng 3 Tết, nhằm ngày 25-01-2012, Đại diện Hội đồng Trương tộc Việt Nam( Lâm thời) phía Nam đã tổ chức đến chúc tết Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại nhà riêng. Buổi tiếp xúc kéo dài gần một giờ.

Thư chúc tết của Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời

Thư chúc tết của Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời

— 25 Tháng Năm 2017

Trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, Nhân dịp đón năm mới 2012 và xuân Nhâm Thìn, Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời xin gửi tới các cụ phụ lão, các vị Trưởng tộc, bà con, anh chị em họ Trương Việt Nam trong và ngoài nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chúc các Quý vị một năm mới mạnh khoẻ - An khang - Thịnh vượng.