Liệt sỹ Trương Xuân Trinh - Sáng lập viên Tỉnh ủy Hà Nam - Tác giả Quốc kỳ Việt Nam

08:25 - 25/07/2017 Người họ Trương Administrator 7116

Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sỹ

LIỆT SỸ TRƯƠNG XUÂN TRINH

SÁNG LẬP VIÊN TỈNH ỦY HÀ NAM - TÁC GIẢ QUỐC KỲ VIỆT NAM

 

      Liệt sỹ Trương Xuân Trinh (Bí danh Nguyễn Hữu Tiến) thường gọi là thầy giáo Hoài, sinh ngày mồng 5 tháng 3 năm 1901, ở thôn Lũng Xuyên, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Bức tranh sươn mài của Văn Cao vẽ Trương Xuân Trinh

 

      Còn nhỏ ông đã học giỏi có tiếng, lớn lên mở trường dạy học tư thục ở quê. Vốn có học thức, lại hàng ngày chứng kiến sự bất công do cường hào ác bá gây nên, ông căm ghét sự bạo ngược, yêu thương dân lành. Kính phục nhà yêu nước Phan Chu Trinh ông đã cùng học trò mang bức trướng “Tinh thần bất tử” ra thành phố Nam Định dự lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Năm 1927 ông tham gia “Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội” lấy tên là Nguyễn Hữu Tiến theo họ của mẹ. Năm 1929 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Duy Tiên. Thời gian này Trương Xuân Trinh tập hợp những thanh niên tiến bộ tham gia hoạt động, rải truyền đơn, treo cờ búa liềm ủng hộ Cách mạng tháng Mười Nga. Tổ chức giáo dục thanh niên, học sinh tìm hiểu về đường lối Cách mạng. Năm 1930, Ban chấp Hành Đảng bộ Đảng Cộng sản tỉnh Hà Nam được thành lập, cùng với 7 vị tiền bối: Lê Công Thanh, Vũ Văn Uyển, Phạm Văn Tô, Nguyễn Hữu Huân, và hai vị tiền bối khác. Ông Lê Công Thanh được xứ Ủy Bắc Kỳ cử làm Bí thư chi bộ, Ông Trương Xuân Trinh làm Phó Bí thư phụ trách tuyên truyền, Chủ biên tờ “Cờ đỏ búa liềm công nhân” của Hà Nam.

      Năm 1931, ông bị bắt cùng với một số lãnh đạo Thường vụ Xứ Ủy Bắc Kỳ, bị thực dân Pháp giam giữ ở Hỏa Lò, rồi chuyển đến ngục tù Sơn La. Tại Sơn La, ông cùng với các vị tiền bối: Lê Duẩn, Trần Quang Tặng, Phạm Văn Tô, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Duy Huân và gần 150 tử tù khác bị xếp vào thành phần nguy hiểm và đày ra Côn Đảo.

      Tháng 4 năm 1935 Trương Xuân Trinh (tức Nguyễn Hữu Tiến) cùng với Tôn Đức Thắng, Trần Quang Tặng, Phạm Hồng Thái, Tạ Uyên, Nguyễn Văn Trọng( tức Chín Phước) tổ chức vượt ngục thành công. Về đất liền ông tham gia hoạt động và được cử phụ trách Liên Tỉnh Ủy Long-Châu-Rạch-Hà (Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Gía, Hà Tiên) với bí danh là Quế Lâm, thường gọi là Hai Bắc Kỳ. Theo ông Năm Liễu (cán bộ lão thành cách mạng) kể lại: Trương Xuân Trinh nghi trang là người làm công cho gia đình ông Tư An, đi chăn ngựa, cắt cỏ cho bò, ngựa. Ông Trinh ít nói, thường quan tâm giúp đỡ mọi người, ban ngày làm việc cực nhọc nhưng đêm đến chong đèn học, viết rất khuya. Ông Tư An có biết ông Trinh là người yêu nước, chấp nhận lao động vất vả để hoạt động Cách mạng nên rất nể phục.

      Năm 1940, Xứ Ủy Nam Kỳ chuẩn bị khởi nghĩa, Ông Võ Văn Tần – Bí thư Xứ Ủy giao cho Trương Xuân Trinh nghiên cứu vẽ cờ biểu trưng cho cuộc khởi nghĩa. Sau nhiều đêm thức trắng vẽ thử, được sự góp ý của Nguyễn Thị Minh Khai và sự truyền đạt ý tưởng của Tổng Bí thư Trần Phú, Trương Xuân Trinh đã vẽ xong lá cờ Việt Nam trên đá Litho và sao thành nhiều bản. Tác phẩm thiêng liêng của ông được in ngay trên trang nhất báo Tiến lên của Xứ Ủy Nam Kỳ. Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên phấp phới bay trên nóc đình Long Hưng (Mỹ tho) và sau đó, trong những ngày Nam Kỳ khởi nghĩa hàng ngàn lá cờ đỏ sao vàng tung bay khắp vùng nông thôn miền Đông Nam bộ.

      Theo nhà Văn Sơn Tùng, Trương Xuân Trinh đã giải thích ý ngĩa lá cờ bằng các câu thơ:

“Hỡi những ai máu đỏ da vàng

Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc

Nền đỏ thắm – máu đào vì nước

Sao vàng tươi – da của giống nòi

Đứng lên mau – Hồn nước gọi ta rồi

Hỡi sĩ-nông-công-thương-binh

Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh”

      Ngày 30 tháng 7 năm 1940 Trương Xuân Trinh bị bắt cùng với Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ. Ngày 26/8/1941 cả bốn vị tiền bối Cách mạng bị thực dân Pháp xử bắn tại Hóc Môn. Trước lúc hy sinh, Trương Xuân Trinh đã để lại bài thơ, có 2 câu thơ tràn đầy tinh thần lạc quan Cách mạng:

“…Anh em đi trọn con đường nhé

Cờ đỏ sao vàng sáng tương lai”.

      Tháng 8 năm 1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh là cờ khởi nghĩa trên cả nước.

      Cách mạng tháng Tám thành công, Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ghi vào Hiến pháp : “Quốc Kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hình chữ nhật, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh…”

      Năm 1993, Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy Ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã xây dựng nhà tưởng niệm mang tên Nguyễn Hữu Tiến theo bí danh hoạt động của Liệt sỹ Trương Xuân Trinh. Bí danh của ông được đặt tên cho đường phố tại thành phố Phủ Lý, thị trấn Đồng Văn, trường Tiểu học Nguyễn Hữu Tiến xã Yên Bắc và trường Năng khiếu Nguyễn Hữu Tiến thị trấn Hòa Mạc, huyện Duy Tiên, Hà Nam.

      Năm 2015 Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã về thăm và trồng cây lưu niệm tại nhà tưởng niệm Nguyễn Hữu Tiến ngay trên quê hương Lũng Xuyên của Trương Xuân Trinh.

      Trương Xuân Trinh – Nguyễn Hữu Tiến, tấm gương anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, người Đảng viên sáng lập Tỉnh ủy tỉnh Hà Nam, người sáng tác lá quốc kỳ của Tổ quốc mãi mãi là niềm tự hào của người họ Trương nói riêng và là tấm gương cho thế hệ trẻ Việt Nam học tập và noi theo.

Hà Nam Ninh, ngày 25 tháng 7 năm 2017

Trương Ngọc Vui

Những tin cũ hơn

Đỗ Hồng - Bông Tầm xuân tâm đức

Đỗ Hồng - Bông Tầm xuân tâm đức

— 18 Tháng Bảy 2017

Tôi gặp chị lần đầu ở Đại hội Đại biểu họ Trương Việt Nam lần thứ hai (ngày 13/11/2016) tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Ninh Bình. Trong đoàn đại biểu Hội đồng các dòng họ Việt Nam về dự Đại hội, có một người con gái trẻ trung, xinh xắn đi cùng. Đón và mời đoàn vào hàng ghế dành cho Đại biểu khách quý, dặn dò các cháu lễ tân tiếp nước xong, tôi vội đi tiếp tục công việc

Đức thánh bà Ngọc Dung Công Chúa

Đức thánh bà Ngọc Dung Công Chúa

— 18 Tháng Bảy 2017

Chuyện kể rằng dòng tộc họ Trương có cụ Tự Huệ Quảng là cháu của Hầu tước Trương Tướng Công thời Lê, cụ Quảng là người có tâm có đức, sống hòa thuận với mọi người. Cụ xây dựng với cụ bà Hiệu Từ Thục,hai cụ sinh thành được bốn người con trai và ba người con gái. Một đêm,vào dịp cuối Thu,cụ Từ Thục nằm mơ thấy có ngôi sao to sáng xanh như ngọc sa xuống góc nhà, cụ lo sợ đem việc ấy hỏi bố chồng,người bố chồng là cụ sinh đồ Tự Huệ Đại*, bấm bấm ngón tay nhẩm tính rồi cười bảo rằng đó là điềm may mắn linh thiêng lắm. Ít lâu sau,cụ Từ Thục sinh thêm một người con gái đặt tên là Ngọc Dung

Nghiên cứu về phẩm tước của Tướng công Trương Đăng Chức qua Gia phả cổ và các bản sắc phong

Nghiên cứu về phẩm tước của Tướng công Trương Đăng Chức qua Gia phả cổ và các bản sắc phong

— 08 Tháng Bảy 2017
Trước khi nghiên cứu xem xét các Sắc phong của Trương Tướng Công, xin được trích dẫn một vài nội dung liên quan đến Trương Tướng Công trong gia phả cổ để lại.
Vị quan thanh liêm bậc nhất triều Nguyễn

Vị quan thanh liêm bậc nhất triều Nguyễn

— 04 Tháng Bảy 2017

Danh Thần Trương Đăng Quế nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, được cả ba đời vua Triều Nguyễn trọng dụng

Trương Thị Kim Tuyền

Trương Thị Kim Tuyền "viết lên trang sử" cho Taekwondo Việt Nam

— 27 Tháng Sáu 2017

Tin vui này được Tổng Thư ký Liên đoàn Taekwondo Việt Nam- Vũ Xuân Thành báo về từ TP Muju (Hàn Quốc)- nơi đang diễn ra Giải vô địch Taekwondo thế giới 2017, với sự tham dự của 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, vào tối ngày 25/6.