Họ Trương Yên Xá: Khắc “gia phả” trên đá

19:30 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 1857
          Gặp mặt, những bậc trưởng lão rất phấn khởi bày tỏ sự tha thiết trong việc tham gia kết nối với đại tộc Trương toàn quốc và tự hào giới thiệu về lịch sử chi họ của mình.
          Theo lời các cụ kể và theo các sử liệu khác cho biết: Thời cuối Lê, đầu  Nguyễn,Yên xá và Triều Khúc thuộc xã Trung Thanh Oai, tổng Thượng Thanh Oai, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng (năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 đổi làm tỉnh Hà Nội; năm 1889 thuộc tỉnh Cầu Đơ; năm 1904 đổi làm tỉnh Hà Đông). Trong kháng chiến chống Pháp, thuộc huyện Liên Nam tỉnh Hà Đông. Hòa bình lập lại thuộc huyện Thanh Trì. Từ tháng 6/1961, hai làng Triều Khúc và Yên Xá nhập lại thành xã Tân Triều thuộc huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.
          Yên Xá và Triều Khúc cùng có tên Nôm là Kẻ Đơ. Dân gian thường gọi Yên Xá là Đơ Bùi vì  làng trồng được thứ khoai lang ăn rất bùi và ngọt. Còn Triều Khúc gọi là Đơ Thao vì làng này có kỹ nghệ tết chỉ lụa tạo thành những tua thao bền đẹp cho những chiếc nón thúng quai thao hoặc nón Ba tầm duyên dáng để phụ nữ, đặc biệt là những “Liền chị” Quan Họ đội đầu và làm duyên trong hội hè đình đám.
          Yên Xá được coi là một trong “địa linh” của vùng ven kinh thành Thăng Long. Điều ấy  ghi dấu trong câu đối cổ đặt ở hậu cung đình làng:
Mạch dẫn Tây Hồ chung tú khí,
Phái tùng Nhuệ thủy dũng văn lan
(Sóng gợn lung linh theo sông Nhuệ
Khí thiêng hun đúc tự Tây Hồ)
          Họ Trương Yên Xá, bắt đầu từ cụ Trương Công (tự Thuần Tính) –một nho sinh quê ở xã Thạch Giản (xưa gọi là xã Thạch Tuyền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoa) ra Thăng Long ứng thi dưới triều Lê – Trịnh rồi về đây sinh cơ lập nghiệp.
          Do truyền thống chăm chỉ học hành, dòng họ Trương Yên Xá có nhiều nho sinh từng giữ các chức ở phủ, huyện và có cụ đã làm quan Thái y ở triều Lê – Trịnh và Nguyễn...
          Nhờ hồng phúc các cụ từ đời thứ nhất đến đời thứ năm sống trung hậu nhân đức mà đến đời cụ Trương Quang Ánh đã sinh được 5 người con trai, từ đó chia thành 5 chi Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu và phát triển dòng họ lớn trong làng. Cụ danh nho Trần Quốc Hiền đã ví việc thành lập 5 chi như một cây quế đại thụ có 5 cành tỏa hương thơm.
Cụ Tổ đời thứ 2 thấy thửa đất có địa thế phong thủy tốt nên đã xây ngôi đại tộc từ đường (nhà thờ họ) tọa căn hướng Tốn (hướng Đông Nam), đến năm vua Thành Thái thứ 9 triều Nguyễn thì dựng tấm bia trụ 4 mặt. Hàng năm tháng Giêng, tháng Chạp mọi người tụ hội tưởng niệm tiền nhân.
Đến đời vua Tự Đức, cụ Trương Đề làm chức phụ Tá Phủ Hoài Đức đã cung tiến cho dòng họ 1 gò đất và 1 ao tại xứ Ngõ Mừng. Với tâm niệm “ Kính nghĩ, giáo hóa dân phong không gì hơn là lòng hiếu thuận, lòng hiếu thuận không gì bằng kính thờ tổ tiên” nên trưởng họ và 5 chi đã xây Truy Viễn Đàn trên thế đất có phong thủy đẹp là  lưng con Rùa “ để nối dài việc tế tự, làm thuần hậu gia phong, phỏng tập theo lễ cổ... Trên thì để thờ cụ Thủy Tổ rồi đến các Tổ (Thiếu Tổ) sinh ra 5 chi (có phối thờ các cụ bà). Bên phải, bên trái (gồm 14 bài vị bằng đá) là các vị Hậu hiền chia phối hưởng”.
Cũng trong khuôn viên Truy Viễn Đàn, gần đây do sự thay đổi quy hoạch của thành phố, dòng họ đã thiên di 5 mộ cụ Cao Tổ và 5 mộ cụ Thiếu Tổ về đây.
        Thăm di tích của họ Trương Yên Xá,  điều đặc biệt ấn tượng đối với đoàn Hội đồng Trương tộc Việt Nam là những tấm bia đá được lập ở nhà thờ và Truy Viễn  Đàn. Những “Gia phả” bằng đá ấy đã  “khắc cốt ghi tâm” về nguồn gốc, quá trình phát triển dòng họ; tên và ngày giỗ, nơi an nghỉ của 5 đời các cụ Tổ ông Tổ bà đầu tiên và 5 cụ Thiếu Tổ sinh ra 5 chi. và còn ghi tỷ mỷ về số ruộng đất hương hỏa của dòng họ ở các khu vực trong làng. Xin trích một phần “phả hệ” trên văn bia ở nhà thờ họ Trương Yên Xá để các chi tộc cùng tham khảo:
“Cụ Tổ đời thứ nhất: Trương Công tên tự Thuần Tính, giỗ ngày 10/12. Mộ tại Xứ Ao Câu. Cụ bà tên hiệu Từ Hoan, giỗ ngày 20/10 âm, mộ tại xứ...của bản thôn.
Cụ Tổ đời thứ 2: Trương Công, tên tự Vô Sự , giỗ ngày 23/3, mộ tại xứ bản Sót của bản thôn. Cụ bà họ Nguyễn, tên hiệu là Vô Vi, giỗ ngày 23/1, mộ tại xứ Mả Nhỏ của bản thôn.
Cụ Tổ đời thứ ba: Trương Công, tên tự là Phúc Độ, giỗ ngày 07/9, mộ tại xứ Xuân Canh của bản thôn. Cụ bà họ Nguyễn tên hiệu là Từ Nhậm, giỗ ngày 04/7, mộ tại xứ Mả Thi của bản thôn.
Cụ Tổ đời thứ tư: Trương Công tên tự là Phúc Thực, giỗ ngày 23/3, mộ tại xứ Đống Cao của bản thôn. Cụ bà họ Vũ tên hiệu Tư Thuận, giỗ ngày 19/3, mộ tại xứ Ao Câu của bản thôn.
Cụ Tổ đời thứ năm: Trương Công tên tự là Phúc Thịnh, giỗ ngày 02/9, mộ tại xứ Quán Điện của bản thôn. Cụ bà họ Nguyễn, tên hiệu là Từ Thiện, giỗ ngày 08/7 mộ tại xứ Quán Điện của bản thôn.
Cụ Thiếu Tổ của chi Giáp, chức Phó sở xứ, Trương Công, tên tự là Phúc Hòa. Cụ bà họ Đỗ, tên hiệu là Từ Nhân.
Cụ Thiếu Tổ của chi Ất: Trương Công tên tự là Phúc Hậu. Cụ bà họ Vũ tên hiệu là Từ Đức.
Cụ Thiếu Tổ của chi Bính: Trương Công tên tự là Phúc Khang.
Cụ Thiếu Tổ của chi Đinh, tên tự là Phúc Thừa.
Cụ Thiếu Tổ của chi Mậu: Hàm tiến công đồng phủ, Trương Công, tên tự là Phúc Kháng. Cụ bà họ Giang, tên hiệu là Từ Hiền.
Cùng các liệt vị chư linh”
          Hầu hết các văn bia ở Truy Viễn Đàn và nhà thờ họ Trương Yên Xá do cụ Phó bảng Trương Ý biên soạn vào tháng 3 năm Bính Tý - 1876, niên hiệu Tự Đức; tộc trưởng Trương Bá Quỳnh viết chữ và cho khắc.
          Những văn bia “phả hệ” trên đá đã được họ Trương Yên Xá nhờ các ông Hoàng Văn Giáp, Nguyễn Đức Toàn (Viện Hán Nôm Hà Nội) dịch, hiệu đính vào tháng 9/2007. Và dòng họ đã cẩn thận sao thành 5 bản (có đóng dấu công chứng Nhà nước) gửi 5 chi để các trưởng chi giữ tránh thất lạc sau này.
          Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời cũng đánh giá đây là một kinh nghiệm hay của họ Trương Yên Xá trong việc bảo lưu gia phả bằng các phương tiện khác nhau (khắc bia,  viết hoặc in trên giấy).
          Khi chia tay, PGS – TS Trương Quốc Bình (Phó Chủ tịch Hội đồng Trương tộc VN) cũng chúc họ Trương Yên Xá phát huy được truyền thống tốt đẹp của chi tộc trong việc tri ân tổ tiên và sớm kết nối phả hệ với dòng họ gốc ở “cố hương” Thạch Giản (Thạch Tuyền) – Nga Sơn – Thanh Hóa.

Những tin cũ hơn

Họ Trương Thôn Nghĩa Trang, Yên Mỹ tổ chức lễ giỗ tổ năm Quý Tỵ

Họ Trương Thôn Nghĩa Trang, Yên Mỹ tổ chức lễ giỗ tổ năm Quý Tỵ

— 25 Tháng Năm 2017

Ngày 26/03/2013, nhằm ngày rằm tháng 2 Âm lịch, tại Thôn Nghĩa Trang, Thị Trấn Yên Mỹ, Huyện Yên Mỹ, Hưng Yên ngành Họ Trương con cháu cụ tổ Trương Công Đạo tổ chức lễ giỗ tổ thường kỳ hàng năm.

Họp mặt lần thứ nhất các tộc họ Trương Hải Phòng

Họp mặt lần thứ nhất các tộc họ Trương Hải Phòng

— 25 Tháng Năm 2017

Hưởng ứng nghị quyết đại hội đại biểu Họ Trương Việt Nam lần thứ nhất, vào lúc 08h ngày 27/04/2013 tại khu nhà thờ họ Trương tại thôn Lê Lác 2, Xã An Hồng Huyện An Dương, Thành phố Hải phòng đã diễn ra buổi gặp mặt lần đầu tiên của các tộc họ Trương khu vực Thành phố Hải Phòng.

Người đi tìm cội và hai cuộc tái ngộ cách nhau gần hai trăm năm.

Người đi tìm cội và hai cuộc tái ngộ cách nhau gần hai trăm năm.

— 25 Tháng Năm 2017

Vào một ngày tháng bảy năm 2012, chợt có một người đàn ông đứng tuổi ghé lại đứng tần ngần hồi lâu trước nhà thờ Họ Trương Văn làng Phú Lễ với dáng bồn chồn và một vẻ mặt đầy xúc cảm. Người ấy là thầy Trương Văn Hải, một nhà giáo quê ở Thôn 5, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Sự linh diệu từ một câu đối của tổ tiên họ Trương

Sự linh diệu từ một câu đối của tổ tiên họ Trương

— 25 Tháng Năm 2017

Sau khi chúng tôi đăng lá thư đầu năm của Kim Dung gởi về trong chuyến điền dã đầu năm về Đáp Cầu với những câu đối chép lại từ nhà thờ Đại tôn họ Trương tại Băc Ninh, trưa ngày 12 tháng Giêng, nhà nghiên cứu Hán Nôm Trương Quang Phúc (78 tuổi) từ thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) đã gọi điện thoại với giọng nói vui mừng xúc động, vừa cười vừa khóc cho biết: “Tổ tiên mình linh diệu quá!”.

Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời tổ chức gặp các doanh nhân họ Trương tại Hà Nội

Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời tổ chức gặp các doanh nhân họ Trương tại Hà Nội

— 25 Tháng Năm 2017

Trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng đất nước, các doanh nhân Việt Nam luôn được xác định là lực lượng chủ công trong công cuộc xây dựng đất nước, luôn thể hiện được vị trí, vai trò của mình và có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.