Giáo sư - Bác sỹ Trương Thìn - “Người tìm thuốc trong nghệ thuật”

21:41 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 1783

“Tôi chỉ tìm thuốc trong nghệ thuật”

Học về Tây y, ĐH Y khoa Sài Gòn (năm 1964) nhưng bấy giờ, tinh thần dân tộc trong phong trào sinh viên đang mạnh mẽ, cùng với việc tham gia phong trào “văn hóa dân tộc” trong sinh viên, cậu sinh viên Trương Thìn đã đi sâu nghiên cứu y học cổ truyền và nhận ra con đường mình đi.. chính là con đường đó. Ông là một trong số ít những người bấy giờ tốt nghiệp luận án Tiến sĩ quốc gia ngành châm cứu.

Ông nghiên cứu, mày mò từng cây thuốc nam kiếm thuốc cứu người, càng đi sâu càng hiểu những thú vị bí ẩn, thấy được cái hay, cái mới mẻ rất khoa học từ nền y học của ông cha lập nên. Suy nghĩ này không còn lạ, nhưng kết hợp giữa thuốc nam – y học cổ truyền dân tộc và những mới mẻ hiện đại từ nghệ thuật thì hiếm người chuyên tâm và nhiệt thành như ông, nếu không muốn nói là số một hiện nay!

Ông có cách chữa bệnh kỳ lạ: Kết hợp châm cứu, thuốc, bấm huyệt, lại cả bằng thơ ca nhạc họa và tượng. Để nhuần nhuyễn tay nghề “cứu người”, bác sĩ Thìn luôn tâm niệm, cái đẹp của người thầy thuốc phải chắt lọc từ 6 chữ: “nhân bản, y đạo, y lí, y thuật, y đức, y nghệ thuật”. Khó mà phân định được cái nào quan trọng hơn, nhưng tất cả đều hướng tới “cứu người”. Ông bảo, đó cũng là tiêu chí rất khó để hình thành giá trị “thầy thuốc văn minh” chứ không phải là việc làm chủ được khoa học kỹ thuật y học tiến bộ như nhiều người nhầm tưởng.

Bác sĩ Trương Thìn hiếm khi nhắc về bệnh nhân của mình. Ông bảo “hình như hay quên là… giống văn nghệ sĩ”. Nhưng chúng tôi biết, nhiều bệnh nhân nặng là văn nghệ sĩ như Bùi Giáng, Tô Vũ, Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường… đã tìm đến với ông trong những cơn đau đớn kiếp người. Họ, có người đã về thiên cổ, có người hiện vẫn làm việc bằng trí óc, xa cách, nhưng đều được xoa dịu những cơn đau bằng sự sẻ chia thi ca nghệ thuật ở ông bác sĩ này.

Ông chia sẻ: “Đến với nghệ thuật, mục đích chỉ là tìm thuốc trong nghệ thuật. Tìm cách chữa trị vết thương tâm hồn, làm tinh thần thoải mái thanh thản. Đó là liều thuốc đặc biệt quý và vô giá, góp phần không nhỏ trong việc điều trị bệnh nhân. Với bệnh nhân là văn nghệ sĩ, sự sẻ chia nghệ thuật càng quan trọng”.

Chẳng thế mà dù ở đâu, ông cũng thường tạo một không gian nghệ thuật cho bệnh nhân. Ông ở đâu, những buổi trò chuyện nhẹ nhàng thi ca nhạc họa với bè bạn, bệnh nhân được tổ chức vui vầy ở đó.

Với con người, nghệ thuật là thuốc tiên trị tâm hồn. Bệnh nặng, thực ra do từ tâm hồn mà phát thêm ra. Đó là lí do tại sao y học phát triển, cuộc sống phát triển nhưng bệnh tật vẫn nhiều thế và nhiều khi có tiền, có máy móc thiết bị, có bác sĩ giỏi nhưng lại không cứu người được - ông giải thích.

Ngay từ đầu hành lang Trung tâm Y học cổ truyền của ông, một không gian bệnh viện “không giống ai" với khu không gian tượng trưng bày các bức tượng điêu khắc thi nhân, danh y, nhạc sĩ. Các vị đều "bình đẳng" và gương mặt đầy tâm trạng như nhau. Hai bên tường là những tranh nghệ thuật xé dán, thư pháp, sơn dầu. Đây hoàn toàn là "thuốc lạ" ông chế tạo ra cho bệnh nhân của mình…

Đặc biệt, những phòng bệnh nhân được bài trí với nhiều tranh nghệ thuật, đèn lồng Hội An, và tiếng nhạc không lời êm dịu trong một không gian nhẹ nhàng, thanh tịnh. Bệnh nhân dù khó tính, bệnh khó chữa một lần tìm tới bác sĩ Trương Thìn, rồi cũng hài lòng giới thiệu thêm bè bạn, người quen hoặc khăng khăng “gặp bác Thìn” khi quay lại.


Trị thương từ trong lòng

Ông xác định rõ, làm nghệ thuật trước hết là chữa thương cho tâm hồn mình, sau đó, để chữa bệnh cho người.
Bác sĩ Trương Thìn có thể say sưa nói về vị tổ y của mình - Hải Thượng Lãn Ông. Đó là bức tượng sống hoàn thiện mà ông noi theo, cũng là cảm hứng để ông làm thơ, viết nhạc. Ông đọc thơ Lãn Ông "Công danh trước mắt trôi như nước/ Nhân nghĩa trong lòng chẳng đổi phương", Hải Thượng Lãn Ông sống trong bi kịch lịch sử Trịnh Nguyễn phân tranh, nhưng ông là hiền nhân biết cách tồn tại với đời. Ông tìm cách cứu được mình, sống mãi với thời gian: đó là bằng cách cứu người, sống với y đức, với thơ ca, văn chương.

"Mỗi lần tâm tôi không trong thanh, mỗi lần quanh tôi lòng không bình yên, tôi lại tìm tới dòng thơ Lãn Ông để tắm gội, để rũ sạch, để thanh thoát, an tịnh trong y đạo ca" - ông giãi bày thế.

Ông kể, một lần ôm đàn hát cho Việt kiều ở Pháp nghe, khi nghe xong "Y thiền ca", phỏng từ thơ Lãn Ông, một phụ nữ bật khóc ngon lành. Chị dốc lòng chia sẻ, bố mất mấy tháng nay, buồn đau đến không khóc được. Nghe "Y thiền ca" thấy lòng thanh thoát, khóc được vơi đi bao nhiêu.

Hay, rất nhiều lần gặp lại bệnh nhân cũ, họ nhắc lại một hai câu hát, câu thơ, họ hỏi thăm bác sĩ còn vẽ tranh đắp tượng nữa không, họ bảo thích chữa bệnh vì có cả thơ, nhạc... đã là vui lắm, đã là thấy mạnh khỏe lắm. Với ông, đó là nguồn hạnh phúc sống, là "thuốc tiên" để nhiệt tình với nghề.

Bây giờ, tôi thong dong! Ông nói thế và viết hẳn một "Thong dong ca", tổ chức một "liveshow" đêm thong dong ca cho bè bạn, cho bệnh nhân cùng... thong dong. Tĩnh tại, tưởng ông đã bằng lòng dừng lại ngơi nghỉ. Nhưng với bác sĩ Thìn, đây lại là một bước tiến cao hơn. Thong dong, thấy "nơi nào cũng đẹp, bao giờ cũng đẹp, tôi không đợi, tôi không chờ ngày mai...", ấy là lúc lòng đã tĩnh, đã không còn suy tư cho mình mà toàn tâm toàn ý hơn với người.

Ở tuổi 72, bác sĩ "chịu chơi" với nghệ thuật Trương Thìn vẫn nhiều nặng nợ với ngành y, với những cây cỏ thuốc nam cứu người, giúp đời.

Dù chưa bao giờ nhận mình là nhạc sĩ, họa sĩ hay thi sĩ nhưng với tình yêu nghệ thuật, ý nghĩa công việc ông làm còn cao hơn cả những chức danh. Bởi, không phải ai cũng có thể tìm ra thuốc trong nghệ thuật để cứu rỗi tâm hồn như ông.
Hiện tại, Trương Thìn đã “tìm thấy thuốc trong nghệ thuật” được khoảng 40 tập thơ, 40 tập nhạc còn tranh thì không đếm hết. Riêng nhạc, ông đã phổ Truyện Kiều thành 4 bản Kiều ca, trong đó có “hậu Kiều” Đoạn trường vô thanh dài hơn 3.000 câu lục bát của thi sĩ Phạm Thiên Thư.

 

 

Trương Xuân Lực    
Tổng hợp từ báo mạng

 

 

Những tin cũ hơn

Võ sư Trương Văn Vịnh - Chưỡng môn VĐ Phi Long Vịnh

Võ sư Trương Văn Vịnh - Chưỡng môn VĐ Phi Long Vịnh

— 25 Tháng Năm 2017

Đất Bình Định có hàng chục võ đường, nhưng có lẽ võ đường Phi Long Vịnh của chưởng môn Võ sư Trương Văn Vịnh, 75 tuổi, ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước là nổi tiếng hơn cả, bởi nơi đây đang sở hữu bài quyền “Ngọc trản thần công”, một trong mười bài thi đấu chính thức của giải võ cổ truyền Việt Nam và là bài võ bí truyền do chính vua Quang Trung sáng tạo nên.

Trương Song- người lính 'mở đường máu' trên biển Đông

Trương Song- người lính 'mở đường máu' trên biển Đông

— 25 Tháng Năm 2017

Trên bản đồ, đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) được xem là hòn đảo tiền tiêu ở biển Đông. Để giữ vị trí quan trọng này, hơn 40 năm trước, rất nhiều người lính đã ngã xuống trong quá trình tiếp đạn dược, lương thực cho bộ đội bảo vệ đảo.

Ông Trương Tấn Viên giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Ông Trương Tấn Viên giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải

— 25 Tháng Năm 2017

Chiều 19/3/2010, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm đồng chí Trương Tấn Viên giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Hòa thượng Thích Trí Tâm, tấm gương gắn đạo với đời

Hòa thượng Thích Trí Tâm, tấm gương gắn đạo với đời

— 25 Tháng Năm 2017

Năm 1965, tại thành phố Kyoto , có một lưu học viên Việt Nam học tại trường Đại học Bukkyo. Đó là Hòa thượng Thích Trí Tâm, được Hòa thượng Enamisoken bảo lãnh sang học Cử nhân Văn học Nhật Bản. Được sống ở một đất nước công nghiệp phát triển, đi được nhiều nơi, thấy người dân Nhật Bản làm ăn giàu có, thầy mong sớm hoàn thành chương trình học để trở về Tổ quốc, giúp đỡ các tăng ni, Phật tử và nhân dân.

Người Họ Trương tiên phong 2012

Người Họ Trương tiên phong 2012

— 25 Tháng Năm 2017

Tối 17/11, lễ tôn vinh 50 cá nhân có thành tựu nổi bật, thể hiện tính sáng tạo trong 5 lĩnh vực: Kinh doanh, Xã hội, Nghệ thuật, Thể thao và Khoa học Công nghệ đã được tổ chức tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Họ là những doanh nhân, vận động viên, nhà thiết kế, nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu… có thành tựu nổi bật, tạo ra sự đột phá hoặc thay đổi mang tính cách mạng trong các lĩnh vực Kinh doanh, Nghệ thuật, Xã hội, Thể thao và Khoa học - Công nghệ, trong đó có 2 người họ Trương.