Trương Song- người lính 'mở đường máu' trên biển Đông

21:40 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 1281

Chiều buông trên bến đò thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Đứng sững để những tia nắng vàng vọt hắt lên khuôn mặt đen sạm, nhăn nheo, ông Trương Song, 74 tuổi, một trong số 12 người lính của đơn vị C22 ngày ấy, đưa ánh mắt hướng nhìn ra biển, giọng chầm chậm khi kể về những tháng ngày lịch sử mở “con đường máu” ra đảo hơn 40 năm về trước.

Hiệp định Genève chia cắt hai miền đất nước tại sông Bến Hải, người dân Quảng Trị chịu nỗi đau chia cắt nhiều nhất, bởi cũng quê hương đó mà chỉ được đứng bên này nhìn qua bên kia sông. Năm 1958, chính quyền Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra cắm cờ giữ đảo Cồn Cỏ bởi hòn đảo này có vị trí chiến lược trong cuộc đụng đầu với đế quốc Mỹ. Cách đất liền chừng 30 km, từ đảo nhìn về phía tây miền Bắc sẽ thấy rõ màu xanh của rừng dương ven biển Cửa Tùng và bãi cát trắng phau trước thềm địa đạo Vịnh Mốc; phía tây nam là một dải bờ nam sông Bến Hải, xa nữa là dãy Trường Sơn chạy dài.

Tháng 8/1964, quân Mỹ gây ra sự kiện vịnh Bắc Bộ và thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất bằng các hành động chống phá và khiêu khích như nã pháo vào các đảo và một số vùng bờ biển miền bắc, bắt ngư dân… Riêng đảo Cồn Cỏ nơi vĩ tuyến 17, địch muốn chiếm để làm điểm tựa tấn công vào miền Bắc nên cử 6 hạm đội bao vây, bắn pháo, ném bom, nhưng không dám đổ bộ vào đảo vì bị lực lượng bộ đội của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đánh trả ác liệt. Mỹ dùng chính sách cắt đường chi viện ra đảo Cồn Cỏ bằng việc canh chừng tất cả tàu bè lại gần đảo.

Sau nhiều lần họp bàn, Bộ chỉ huy thành lập một tiểu đội gồm 12 người chọn thời điểm ban đêm chèo thuyền ra tiếp tế cho đảo. “Nhập ngũ được 3 ngày, anh em chúng tôi được lệnh bằng mọi giá phải vận chuyển lương thực, đạn dược ra đảo. Những bao gạo được ngụy trang dưới lớp lưới đánh cá.

Mỗi thuyền được trang bị một ống nhòm và một bộ đàm để thông báo tình hình với đất liền. Trước khi lên đường, anh em làm lễ truy điệu, đọc lời thề “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” tại thôn Sa Bắc, xã Vĩnh Long. 12 người với 4 chiếc thuyền rẽ sóng nhằm thẳng hướng Cồn Cỏ”, ông Song nhớ lại ngày 27/4/1964 khi cả tiểu đội C22 nhận lệnh ra đảo.
Thuyền căng buồm chạy đến vị trí cách đảo chừng 8 km thì bị lính Mỹ đi tuần phát hiện, bắn pháo sáng cảnh báo cấm thuyền không được đi tiếp về phía đảo. “Lúc đó anh em ai cũng căng thẳng. Theo lệnh, không ai được bắn nếu phía địch chưa nổ súng. Nhận ám hiệu, các thuyền hạ buồm thả lưới, lính Mỹ lượn quanh một hồi, soi đèn thấy ngư dân đang đánh cá nên bỏ đi”, ông Song kể về cuộc đấu trí của chuyến hàng sinh tử đầu tiên.

Nhưng sau đó, địch phát hiện thuyền ở đất liền ra tiếp tế cho đảo nên canh phòng nghiêm ngặt hơn. Đội thuyền cũng được tăng cường để luôn giữ con số ổn định. Chiến tranh luôn đồng nghĩa với đổ máu, 12 tân binh làm lễ truy điệu ngày ấy giờ chỉ còn lại 2 người là ông Trương Song và ông Võ Văn Phương, người xã Vĩnh Quang.

Trong trí nhớ của hai cựu chiến binh, 12 lần vận chuyển gạo ra đảo thì chuyến đi vào ngày 30/5 là kinh hoàng nhất. Ngoài nhiệm vụ vận chuyển gạo, 12 thuyền còn đưa đoàn văn công và nhà văn Nguyễn Khải ra đảo. Khi quay trở về, cách đất liền chừng 7 km thì nhận được lệnh quay lại đảo vì có địch phục kích. Cả đoàn vội vã chèo thuyền trở lại, gần đến đảo thì nhận được lệnh vào đất liền.

“Lúc đó trời bỗng nổi gió mùa đông bắc xô đoàn thuyền mất phương hướng. Hạm đội của Mỹ phát hiện, 6 thuyền lớn bao vây đoàn thuyền và nã pháo. Theo kinh nghiệm đi biển nếu có gió mùa phải hạ buồm để tránh lật thuyền, nhưng tình thế lúc đó cam go, hạ buồm đồng nghĩa với việc bị địch bắt”, ông Võ Văn Phương, 70 tuổi, nhớ lại.

Anh em quyết định vẫn giương buồm, vừa lái thuyền vừa bắn trả. Sau một hồi quần nhau với địch, thuyền của ông Phương vào được đảo, ông Song bị địch bắt. 3 tháng liền sau đó, không có bất cứ chuyến hàng nào ra đảo được. Nhiều chuyến hàng ra gần đến đảo thì bị địch phục kích dữ dội phải quay về.

Nhận lệnh từ cấp trên, ăn mừng lễ Quốc khánh xong, ngày 5/9/1965, ông Phương và đồng đội Nguyễn Văn Nghi dẫn đầu 2 thuyền nhận nhiệm vụ “mở đường máu” lần thứ hai ra đảo. Ra đến giữa biển thì trời nổi dông, địch phát hiện và tấn công. Thuyền của ông Nghi vào được đảo còn thuyền của ông Phương bị đắm, những người lính phải bám cột buồm vừa bơi vừa bắn trả địch.

Ngày thứ ba lênh đênh trên biển, 11 anh em lần lượt buông tay khỏi cột buồm vì kiệt sức. “Lúc đó tôi chỉ biết ghì chặt vào chiếc phao tiếp tục bơi, đến ngày thứ tư thì gặp ông Nguyễn Xồ, đồng đội cùng thuyền cũng đang bám phao bơi trên biển. Bơi được một buổi thì phát hiện có đàn cá mập đang lao về phía mình. Hai anh em tản ra, dùng chiếc phao đảo qua đảo lại để đánh lừa cá mập”, ông Phương nhớ lại.

Nhưng vật lộn được một lúc thì cả hai đều đuối sức. Ông Xồ bị cá mập cắn mất một chân. Máu đổ loang trên mặt biển nên nhanh chóng thu hút sự chú ý của những con cá mật khác. “Bỗng một con cá mập lớn hất tung anh Xồ lên khỏi mặt nước, anh ấy chỉ kịp kêu hai tiếng 'Đồng chí Phương ơi! Đồng chí Phương ơi' rồi bị cá mập nuốt chửng”, ông Phương mắt ngấn nước khi kể chuyện chứng kiến người đồng đội hy sinh ngay trước mắt mình.
May mắn thoát khỏi đàn cá mập, nhưng chút rong rêu và vài con cá nhỏ bắt được trên biển không giúp ông Phương chống được cái đói, rét. Bỗng thấy có một vật lớn nâng bổng mình lên khỏi mặt nước, sau phút bàng hoàng, ông biết mình đang ở trên lưng một con cá voi khổng lồ. Bốn ngày sau, phát hiện có thuyền của ngư dân, cá voi lặn sâu, ông Phương được một số ngư dân Đà Nẵng vớt lên thuyền và bị bắt giam ở nhà lao Đà Nẵng một năm 8 tháng.

Sau chuyến đi sinh tử ấy, gia đình những người lính đều nhận được giấy báo tử, làm lễ truy điệu. Nhiều người ở bến đồ Tùng Luật đến giờ vẫn không quên được hình ảnh bà Trần Thị Lan, vợ ông Song, đang bụng mang dạ chửa chiều chiều bế thêm đứa con thơ đứng nhìn ra phía biển. Đến năm 1973, sau Hiệp định Paris ông Song được trả tự do, lúc đó mọi người mới biết ông còn sống.

Những dân quân ở huyện Vĩnh Linh những năm sau đó tiếp tục duy trì đội thuyền chi viện ra đảo cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nam - Bắc sum họp một nhà. “Mình còn được sống là may mắn hơn biết bao đồng đội cùng chiến đấu. Máu các anh đã thấm vào đất, vào biển đảo quê hương rồi!”, ông Song tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Trá, Chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị, nhận xét: “Những người lính, dân quân chuyên vận chuyển gạo và đạn dược ra đảo Cồn Cỏ ở huyện Vĩnh Linh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã có đóng góp to lớn trong công cuộc bảo vệ đảo Cồn Cỏ. Tình yêu đất nước với họ bắt đầu từ tình yêu biển đảo”./.

Những tin cũ hơn

Ông Trương Tấn Viên giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Ông Trương Tấn Viên giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải

— 25 Tháng Năm 2017

Chiều 19/3/2010, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm đồng chí Trương Tấn Viên giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Hòa thượng Thích Trí Tâm, tấm gương gắn đạo với đời

Hòa thượng Thích Trí Tâm, tấm gương gắn đạo với đời

— 25 Tháng Năm 2017

Năm 1965, tại thành phố Kyoto , có một lưu học viên Việt Nam học tại trường Đại học Bukkyo. Đó là Hòa thượng Thích Trí Tâm, được Hòa thượng Enamisoken bảo lãnh sang học Cử nhân Văn học Nhật Bản. Được sống ở một đất nước công nghiệp phát triển, đi được nhiều nơi, thấy người dân Nhật Bản làm ăn giàu có, thầy mong sớm hoàn thành chương trình học để trở về Tổ quốc, giúp đỡ các tăng ni, Phật tử và nhân dân.

Người Họ Trương tiên phong 2012

Người Họ Trương tiên phong 2012

— 25 Tháng Năm 2017

Tối 17/11, lễ tôn vinh 50 cá nhân có thành tựu nổi bật, thể hiện tính sáng tạo trong 5 lĩnh vực: Kinh doanh, Xã hội, Nghệ thuật, Thể thao và Khoa học Công nghệ đã được tổ chức tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Họ là những doanh nhân, vận động viên, nhà thiết kế, nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu… có thành tựu nổi bật, tạo ra sự đột phá hoặc thay đổi mang tính cách mạng trong các lĩnh vực Kinh doanh, Nghệ thuật, Xã hội, Thể thao và Khoa học - Công nghệ, trong đó có 2 người họ Trương.

Trương Cửu Lập và nghề khảm sành sứ ở Cố đô Huế

Trương Cửu Lập và nghề khảm sành sứ ở Cố đô Huế

— 25 Tháng Năm 2017

Nghệ thuật khảm sành sứ giữ một vai trò quan trọng trong kiến trúc cung đình Huế. Hầu hết các quần thể di tích được công nhận là di sản văn hoá thế giới ở cố đô Huế (đại nội, lăng tẩm..) trở nên lộng lẫy, cao sang là nhờ bàn tay tài hoa của những thầy trò khảm sành sứ ưu tú thời Nguyễn. Trong số họ, người được nổi danh nhất là Cửu phẩm Trương Cửu Lập (thụ phong phẩm hàm năm 1936).

Nhạc sĩ Trương Đình Quang:

Nhạc sĩ Trương Đình Quang: "Tai nghe trống chiến, trống chầu..."

— 25 Tháng Năm 2017

“Tai nghe trống chiến, trống chầu” Đó là nhan đề tập sách sắp xuất bản, viết về nghệ thuật hát bội của nhạc sĩ Trương Đình Quang, người con của làng Minh Hương, Hội An danh tiếng. “Tai nghe trống chiến, trống chầu/Xếp ba miếng kẹo đậu phụng trật đầu lộn đuôi”; “Nghe trống chiến không khiến cũng đi/Nghe trống chầu đâm đầu mà chạy”…