Diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu Họ Trương Việt Nam lần thứ nhất nhiệm kỳ 2013 - 2018

19:18 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 4066

 Kính thưa các vị khách quý
Thưa toàn thể bà con họ Trương Việt Nam kính mến
Ngày mùng 10 tháng 3 năm Quý Tỵ, toàn thể con dân đất Việt đã long trọng tổ chức ngày giỗ Tổ Hùng Vương, nhằm tưởng nhớ về cội nguồn tổ tiên, dân tộc. Và ngày hôm nay, trên mảnh đất Thăng Long lịch sử này, lần đầu tiên những người con họ Trương nước Việt mới gặp lại nhau, để tìm về cội nguồn dòng tộc của mình, sau ngàn năm cách trở.
Trong thời khắc đáng ghi nhớ này, thay mặt cho Hội đồng họ Trương lâm thời Việt Nam, tôi xin cảm ơn các vị khách quý cùng toàn thể bà con họ Trương, đã có mặt trong buổi lễ trọng thể hôm nay, và cũng nhân dịp này, tôi xin gửi tới các vị khách quý, gửi tới toàn thể bà con họ Trương, lời chào trân trọng, lời chúc sức khỏe, thành đạt và hạnh phúc.
Thưa bà con, ơn nhờ phúc Tổ, các thế hệ con cháu, anh em họ Trương đã kề vai, sát cánh cùng trăm họ Việt Nam, đóng góp công sức và trí tuệ của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhiều người đã trở thành danh nhân, hào kiệt từ cổ xưa cho tới nay.
Ngay từ những ngày đầu dựng nước của thời đại Hùng Vương, họ Trương chúng ta đã có cụ Trương Tư Trực, đã có mặt trên mảnh đất này. Trải qua bao gian khó nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những người con họ Trương chúng ta vẫn dựa vào nhau, đùm bọc nhau, vượt qua mọi khó khăn, để trụ vững và trường tồn trên quê hương mình.
Chúng ta còn như nghe đâu đây tiếng hò reo vang dậy của đoàn quân Trương Hống, Trương Hát, đang truy sát bọn giặc nhà Lương phương bắc. Hai cụ là hai vị Đại tướng lẫy lừng, đã hết lòng phò tá vua Triệu Việt Vương vào thế kỷ thứ 6 (năm 504). Khi Lý Phật Tử làm phản vua Triệu, đã hai lần Lý Phật Tử mời hai cụ cùng hợp tác, song cả hai đều từ chối mà nói rằng: “Ta đây chỉ biết thờ có một chủ”, rồi cả hai cụ cùng tuẫn tiết. Phải chăng cái chết bi tráng của hai vị Đại tướng quân, là bức thông điệp gửi lại cho con cháu mai sau rằng, người họ Trương đã đi với ai, đã trung thành với ai thì thủy chung son sắt đến cùng. Ngày nay trên hai dải sông Thương và sông Cầu là quê hương của hai cụ ở vùng Kinh Bắc đã có 372 làng thờ hai cụ, tôn hai cụ làm Thành Hoàng làng và gọi các cụ là Đức Thánh Tam Giang.
Ta cũng như đang nghe thấy tiếng sóng gầm của dòng sông Bạch Đằng, đang dìm xác quân Nguyên Mông xâm lược, trong tác phẩm “Bạch Đằng Giang Phú” – Một áng thiên cổ hùng văn để lại cho đời của Trương Hán Siêu, cụ là nhà thơ, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà giáo dục thời Trần, cụ là môn khách của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, cụ là thầy dạy học của bốn đời vua nhà Trần và cùng với Chu Văn An, cụ là một trong hai Thầy giáo Việt Nam được thờ trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ta cũng như đang nghe thấy tiếng vó ngựa của đội quân Trương Lôi, Trương Chiến (là con cụ Trương Lôi) đang truy đuổi giặc Minh trên ải Chi Lăng. Hai cụ được vua Lê Lợi phong là “Bình Ngô Khai Quốc Công Thần” và đã được vua ban quốc tính (lấy họ nhà vua), nhưng để nhớ dòng họ cũ của mình, các cụ vẫn lấy họ ghép là Lê Trương và dòng họ này vẫn phát triển cho đến bây giờ.
Chúng ta cũng như đang nghe tiếng giảng bài trầm hùng của cụ Trương Văn Hiến, với học trò là ba anh em nhà Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ). Cụ là người thầy đầu tiên dạy võ và binh thư cho ba anh em nhà Tây Sơn, cụ đã gieo vào họ lòng yêu nước thiết tha và ý chí quật cường của dân tộc Việt. Giúp nhà Tây Sơn trong thời kỳ đầu, còn có nhiều người họ Trương nổi tiếng khác như Lưỡng bộ Thượng Thư Trương Công Hy, Thiếu Bảo Đô Đốc Trương Văn Đa (con cụ Trương Văn Hiến), Đại Đô Đốc Trương Đăng Đồ, Đại đô đốc Trương Văn Luân, Cận Thiết Đôn Hầu Trương Văn Kính…
Trong thời thuộc Pháp có thể nói không quá rằng, họ Trương là những người đi tiên phong trong phong trào chống Pháp. Chúng ta có Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Công Định, cụ đã bất chấp chiếu của vua Tự Đức ra lệnh bãi binh, cụ đã từ chối thư dụ hàng của Pháp, cụ đã ra lệnh nổ súng vào ba tỉnh miền đông nam bộ - mở đầu cho phong trào chống pháp ở Việt Nam. Chúng ta cũng có một Trương Văn Thám (tức Hoàng Hoa Thám), thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa nơi núi rừng Yên Thế, cụ được gọi là con Hùm xám Yên Thế, đã chống chọi và làm khiếp đảm bọn Pháp suốt 30 năm trời, thực dân Pháp đã hai lần xin giảng hòa với cụ. Về văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thời kỳ này chúng ta còn có nhà Bác học Trương Vĩnh Ký, ông là người đầu tiên của Việt Nam được từ điển Bách khoa Larousser của Pháp (bộ Bách khoa vào loại danh giá nhất thế giới) đã xếp cụ vào vị trí “Toàn cầu bác học thập bát quân tử”, tức là 18 nhà Bác học hàng đầu thế kỷ thứ 19. Ông còn biết tới 27 ngoại ngữ, đứng vào hàng Bác học biết nhiều ngoại ngữ nhất thế giới. Ông cũng được coi là ông tổ của nghề báo, ông là Tổng biên tập đầu tiên của tờ báo quốc ngữ: Gia Định báo. Dẫu vẫn biết cuộc đời của ông có nhiều thăng trầm, sự đánh giá về ông còn có khác nhau, nhưng sau thời kỳ đổi mới, ông đã được dần đánh giá lại, đặc biệt là những cống hiến của ông. Còn đối với chúng ta, chúng ta sẽ mãi tôn trọng và tự hào về một trí tuệ siêu việt của một người con họ Trương khả kính.
Thưa toàn thể bà con họ Trương, chúng ta đang sống trong thời đại Hồ Chí Minh, một thời đại rực rỡ trong lịch sử Việt Nam, cùng với cả dân tộc, họ Trương chúng ta đã đóng góp một phần công sức, xương máu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Biết bao tấm gương sáng về lòng dũng cảm và sự hy sinh quên mình vì dân, vì nước của những người con họ Trương. Giờ đây chúng ta vẫn đang phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và dòng họ, gắng làm hết sức mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, trong tình hình mới. Những đóng góp của con cháu họ Trương có nhiều, chúng tôi chỉ xin được nêu ra một số ít tên tuổi tiêu biểu, đó là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Phó Chủ tịch Quốc hội - Ủy viên Bộ Chính trị Trương Quang Được, Phó thủ tướng - Ủy viên Bộ Chính trị Trương Vĩnh Trọng, Chánh án tòa án nhân dân tối cao - bí thư trung ương Đảng Trương Hòa Bình…Ta còn có Giáo sư Trương Công Quyền – con chim đầu đàn của ngành dược học Việt Nam - là một trong những người đầu tiên được nhà nước phong giáo sư Y Dược, cùng với Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng (năm 1953). Giáo sư Trương Tửu nhà phê bình văn học đầu tiên ở Việt Nam theo quan điểm Mác Xít – là một trong năm Giáo sư về khoa học xã hội đầu tiên được nhà nước phong tặng cùng với Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường (năm 1957). Giáo sư Trương Trọng Thi (người Pháp gốc Việt) là cha đẻ của ngành máy vi tính, người mà năm 1973, đã tạo ra máy Micral, được coi là máy tính cá nhân đầu tiên trên thế giới. Hiện nay mẫu của máy này được trưng bày trong viện Bảo tàng Boston ở Mỹ, nhà doanh nghiệp Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT, nữ doanh nhân Trương Tú Phương, chủ tịch tập đoàn Đại An. Nhà báo nổi tiếng Trương Gia Triều (còn có tên là Trần Bạch Đằng), người mà sinh thời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói với con gái của nhà báo rằng “Bác rất thích cái tâm và cái đầu của bố cháu”. Nghệ sỹ nhân dân Trương Thanh Huyền (ca sĩ Thanh Huyền), người có tiếng hát làm lay động biết bao con tim người Việt và chúng ta còn có bước chạy huyền ảo của kiện tướng Trương Thanh Hằng, người đã giành 2 tấm huy chương bạc chạy 200m châu Á và 6 tấm huy chương vàng Seagame, và còn nhiều tên tuổi khác, mà vì thời gian có hạn chúng ta không thể nêu hết được.
Thưa toàn thể bà con họ Trương, họ Trương chúng ta tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay, hơn ai hết chúng ta phải biết ơn, biết ơn nhiều hơn nữa về những nàng dâu, chàng rể của họ Trương, họ là điểm tựa, là chỗ dựa vững chắc, bình an và tin cậy nhất trong quá trình tồn tại và phát triển của dòng họ chúng ta.
Thưa toàn thể bà con! Để giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ, để chia sẻ và giúp đỡ nhau trong cuộc sống, để khuyến khích và động viên con cháu trong việc học hành…Họ Trương chúng ta cần phải có một tổ chức để làm chiếc cầu nối, gắn kết các tộc họ Trương trong cả nước lại với nhau và đề ra được những chương trình hoạt động cụ thể, tổ chức đó sẽ là HỘI ĐỒNG HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM, trên tinh thần đó Hội đồng họ Trương lâm thời Việt Nam quyết định tổ chức Đại hội Đại biểu họ Trương Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội trong ngày hôm nay, để chúng ta gặp gỡ, trao đổi, bàn bạc và bầu ra một ban chấp hành mới.
Tôi tin tưởng rằng, với tấm lòng tất cả vì dòng họ, Đại hội sẽ bầu ra được một Ban chấp hành mới, có lòng nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm để đáp ứng được sự mong mỏi của bà con.
Thay mặt Hội đồng họ Trương lâm thời Việt Nam. Tôi xin tuyên bố khai mạc Đại hội Đại biểu họ Trương toàn quốc lần thứ nhất. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp, chúc họ Trương chúng ta mãi mãi trường tồn và phát triển.

Những tin cũ hơn

Thông báo của Câu lạc bộ doanh nhân họ Trương Việt Nam

Thông báo của Câu lạc bộ doanh nhân họ Trương Việt Nam

— 25 Tháng Năm 2017

Ngày 21 tháng 4 năm 2013, tại phòng họp số 2 của Bảo tàng Hà Nội, Hội nghị thành lập Câu lạc bộ doanh nhân họ Trương Việt Nam đã được tổ chức dưới sự chủ trì của các ông Trương Văn Đoan, Chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam, ông Trương Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam phụ trách Tài chính – Kinh tế, cùng với sự tham gia của hơn 100 doanh nhân họ Trương Việt Nam,

Tham luận của Ông Trương Ngọc Lành, Chủ tịch HĐ họ Trương tỉnh Thừa thiên Huế tại Đại hội Đại biểu họ Trương Việt Nam lần thứ nhất

Tham luận của Ông Trương Ngọc Lành, Chủ tịch HĐ họ Trương tỉnh Thừa thiên Huế tại Đại hội Đại biểu họ Trương Việt Nam lần thứ nhất

— 25 Tháng Năm 2017

Cổng thông tin điện tử họ Trương Việt Nam đăng toàn văn bài tham luận của Ông Trương Ngọc Lành, Ủy viên Hội đồng họ Trương Việt Nam, Chủ tịch hội đồng họ Trương tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Đại hội Đại biểu họ Trương Việt Nam lần thứ nhất nhiệm kỳ 2013 - 2018

Lãnh đạo Hội đồng họ Trương Việt Nam tham dự hoạt động của họ Trương trong khuôn khổ lễ hội truyền thống của làng Lệ Mật, Gia Lâm, Hà Nội

Lãnh đạo Hội đồng họ Trương Việt Nam tham dự hoạt động của họ Trương trong khuôn khổ lễ hội truyền thống của làng Lệ Mật, Gia Lâm, Hà Nội

— 25 Tháng Năm 2017

Ngày 1/5/ /2013, nhận lời mời của Ban Đại diện họ Trương làng Lệ Mật, lãnh đạo Hội đồng họ Trương VN bao gồm các vị: PGS.TS Trương Quốc Bình, Phó Chủ tịch thường trực, các Phó Chủ tịch : Trương Minh Tiến, Nhà thơ, nhà báo Trương Thị Kim Dung, cùng các vị : Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Du lịch –Lữ hành HN, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân họ Trương VN, ông Trương Minh Tân, Trưởng Ban Kiểm tra Hội đồng họ Trương VN đã về tham dự các hoạt động của họ Trương làng Lệ Mật trong khuôn khổ lễ hội truyền thống của làng Lệ Mật.

Bài Phát biểu của ông Trương Quang Được, nguyên Ủy viên BCT BCHTƯ, nguyên phó Chủ tịch QH nước CHXHCN Việt Nam tại Đại hội Đại biểu họ Trương Việt Nam lần thứ nhất

Bài Phát biểu của ông Trương Quang Được, nguyên Ủy viên BCT BCHTƯ, nguyên phó Chủ tịch QH nước CHXHCN Việt Nam tại Đại hội Đại biểu họ Trương Việt Nam lần thứ nhất

— 25 Tháng Năm 2017

Đại hội Đại biểu họ Trương Việt Nam lần thứ nhất tổ chức ngày 21 tháng 4 năm 2013 (tức ngày 12 tháng 3 năm Quý Tỵ) tại Hội trường lớn của Bảo tàng Hà Nội, số 2 đường Phạm Hùng, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Trong không khí thiêng liêng, gần gũi và ấm tình đồng tộc, Đại hội vinh dự, vui mừng được đón tiếp và được nghe lời phát biểu đầy xúc động của ông Trương Quang Được nguyên Ủy viên Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương, nguyên phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Thông báo của Hội đồng Họ Trương Việt Nam

Thông báo của Hội đồng Họ Trương Việt Nam

— 25 Tháng Năm 2017

Thực hiện ý kiến chỉ đạo theo thông báo số 01 của Hội đồng họ Trương Việt Nam. Hội đồng họ Trương Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Hội đồng họ Trương Việt Nam, nhằm triển khai các chương trình hoạt động của Hội đồng trong năm 2013 và các năm tiếp theo và tiến hành tổng kết công tác tổ chức Đại hội Đại biểu họ Trương Việt Nam lần thứ nhất.