Chuyện ông đại tá lập đền thờ đồng đội

21:43 - 21/05/2017 Người họ Trương Admin 2290

Ông là Đại tá Trương Văn Đàng, tên thường gọi Năm Đàng, nguyên Phó tư lệnh Sư đoàn 9 (Binh đoàn Cửu Long), nguyên Phó tham mưu trưởng Quân khu 7.

Chúng tôi tìm đến nhà ông, nằm cuối một con hẻm yên tĩnh ở cư xá Lam Sơn, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Hóa ra ông chẳng “giàu có” như nhiều người vẫn tưởng. Cuộc sống của vợ chồng vị đại tá già dựa vào tiền lương hưu như bao cán bộ hưu trí khác. Căn nhà của ông cũng bình dị như bao mái nhà bình dị khác của người dân lao động trong khu phố yên ắng này. Ở tuổi tám mươi ba, sức đã cạn dần, nhưng ông vẫn còn khá minh mẫn. Phía bên trái căn nhà, một không gian mát mẻ ẩn mình dưới tán cây xanh ngắt là ngôi đền thờ lợp ngói đỏ tươm tất, diện tích xây dựng khoảng 30m2. Dù lần đầu tiên đặt chân đến đây nhưng chúng tôi vẫn mang cảm giác thiêng liêng. Xung quanh các bức tường treo đầy những hình ảnh truyền thống của Sư đoàn 9 và Binh đoàn Cửu Long, hình ảnh của những trận chiến đấu nổi tiếng mà ông từng tham gia. Ngôi đền được xây dựng trên nền cao hơn nền nhà ở, mà theo ông Năm Đàng là cái thiêng liêng cần được đề cao hơn cái đời thường. Vị trí trang trọng nhất trong đền thờ là nơi đặt lư hương, phía trên là chân dung Bác Hồ. Đền thờ đồng đội có phòng thờ và phòng dùng để tiếp khách, hội họp. Một cây mít trái sai trĩu từ gốc đến ngọn nằm ngay bên trái nhà, cạnh bàn tiếp khách, làm cho khung cảnh đền thờ đồng đội thêm ấm cúng. Chúng tôi hẹn trước nên ông Năm Đàng đã gọi điện cho một số đồng đội cũ đến để cùng tiếp khách. Ông nói: “Tôi già rồi, nhiều cái nhớ không chính xác nữa. Cái gì quên thì sẽ có các đồng chí cùng đơn vị ngày xưa bổ sung. Mình nói cái gì, kể cái gì cho các cháu hôm nay là phải chính xác. Lịch sử mà nói trật là rất nguy”.

Những người cùng đội ngũ từng vào sinh ra tử với Đại tá Năm Đàng năm xưa, hôm nay có mặt tại đền thờ đồng đội gồm: Đại tá Mạnh Lương, nguyên Đội trưởng Đội Trinh sát kỹ thuật Sư đoàn 9, nguyên Trưởng phòng Quân lực Quân khu 7; Trung tá Nguyễn Thanh Quang, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 9, nguyên Trưởng ban Tổ chức Sư đoàn 3B; Thiếu tá Nguyễn Cứ, nguyên Đại đội trưởng Đặc công Sư đoàn 9. Dù tất cả đã qua tuổi “cổ lai hy”, rời quân ngũ đã lâu nhưng các ông vẫn vẹn nguyên tác phong của những người lính trận. Mỗi khi bắt đầu một chuyện gì đó, các ông lại quay sang Đại tá Năm Đàng “Báo cáo thủ trưởng”. Ngay cả khi Đại tá Năm Đàng “ra lệnh” mổ vịt để liên hoan, những lời đáp “có”, “rõ” vẫn vang lên y như trên chiến trường thuở nào. Đồng đội của Đại tá Năm Đàng kể:

- Chúng tôi đều là cấp dưới của thủ trưởng Năm Đàng. Sau khi về nghỉ hưu, thủ trưởng Năm Đàng thường tâm sự với chúng tôi rằng ông hay nằm mơ thấy các đồng chí đã hi sinh. Có nhiều đêm ông chợt bật dậy hô khẩu lệnh cho đơn vị tiến công. Ký ức chiến tranh và đồng đội đã in sâu, trở thành cốt cách, đời sống tinh thần của ông. Một hôm, ông gọi anh em chúng tôi đến rồi bảo: “Tao thấy nhớ và thương chúng nó quá. Những trận đánh ở Đồng Pan, Đồng Rùm nhiều đứa bây giờ không biết hài cốt đang ở đâu. Có lẽ phải làm một đền thờ để anh em có nơi mà tụ họp, mình có điều kiện hương khói cho anh em, coi như anh em đồng đội vẫn đang ở cạnh mình”. Thế rồi ông bàn với vợ, thu hẹp khuôn viên nhà ở lại, dành đất xây đền thờ đồng đội. Anh em chúng tôi đóng góp mỗi người một ít mua vật liệu xây dựng để hỗ trợ thủ trưởng xây đền thờ. Rất lạ và rất vui là từ ngày có đền thờ, thủ trưởng vui vẻ, tinh thần thoải mái nên khỏe hẳn ra. Cứ tưởng bị bom đạn làm cho bầm dập, chẳng sống được bao lâu nữa thế mà thủ trưởng đã bước vào tuổi thượng thọ rồi nhưng vẫn còn minh mẫn lắm.

Còn Đại tá Năm Đàng thì tâm sự: Khi ông bày tỏ ý định lập đền thờ đồng đội, mới đầu người thân, con cái cũng không đồng ý. Tuy nhiên, khi tường tận những câu chuyện của ông và các đồng đội, vợ và các con ông đều cảm động, ủng hộ, chung tay giúp ông thực hiện tâm nguyện.

Cặp vịt béo tròn đã được các đồng đội của ông mổ thịt, quay lên vàng hươm, dậy mùi thơm nức. Ông Năm Đàng đặt mâm lên bàn thờ đồng đội, kính cẩn thắp ba nén hương thơm. Ông cúng hương hồn đồng đội mà chúng tôi ngỡ như nghe ông đang nói chuyện với mọi người xung quanh: “Hôm nay không phải là ngày Tết, cũng chưa đến ngày truyền thống của đơn vị chúng ta, nhưng anh em tôi có việc về đây họp mặt. Mời các đồng chí về đây uống với Năm Đàng và anh em ly rượu”.

Qua câu chuyện của ông chúng tôi được biết cuộc đời chiến trận của Đại tá Năm Đàng bắt đầu từ một chiến sĩ giao liên tham gia Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông đã tham gia và chỉ huy hàng trăm trận đánh, nhưng dấu ấn sâu sắc nhất trong chiến tranh của ông là góp công lớn trong chiến dịch đánh bại cuộc hành quân càn quét Gian-xơn-xi-ty của Mỹ năm 1967. Hồi đó, Năm Đàng là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, đảm nhiệm tấn công tiêu diệt địch trên hướng chủ yếu. Bằng tài chỉ huy táo bạo, dũng cảm, óc phán đoán nhanh nhạy, ông đã chỉ huy đơn vị chiến đấu dành thắng lợi ròn rã, góp phần đánh bại cuộc hành quân càn quét quy mô lớn của địch. Trong những trận chiến đấu ở vùng rừng Tây Ninh hồi đó, hàng trăm đồng đội là cấp dưới, chiến sĩ của ông đã hi sinh. Nhiều liệt sĩ đến nay vẫn chưa tìm được phần mộ. Mặc dù điều kiện sức khỏe không cho phép, song ông vẫn nhiều lần trở lại chiến trường xưa, cùng cán bộ cơ quan chính sách và thân nhân người đã hi sinh đi tìm hài cốt liệt sĩ.

Không chỉ tận nghĩa với đồng đội đã ngã xuống, những năm qua Đại tá Năm Đàng đã liên hệ, tìm đến những gia đình chính sách trong đơn vị cũ, tích cực vận động, quyên góp xây tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Trên cương vị Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 9, nhiều năm qua ông đã tập hợp, vận động các cựu chiến binh có điều kiện về kinh tế và các mạnh thường quân, tổ chức xây dựng, trao tặng được 80 căn nhà cho thân nhân, gia đình liệt sĩ, thương binh và các đồng đội có hoàn cảnh khó khăn ở Binh đoàn Cửu Long qua các thời kỳ. Ông nói: “Cuộc đời tôi trải qua mấy mươi năm chiến tranh liên miên, hàng chục lần thoát chết trong gang tấc. Tôi còn sống để trở về sum vầy với vợ con, gia đình cũng là nhờ máu xương của đồng đội. Làm được gì để sẻ chia những khó khăn, mất mát, hi sinh của đồng đội là bổn phận và hạnh phúc của tôi. Còn sống ngày nào tôi còn làm việc đó”.

Những tin cũ hơn

Trương Mai Nhật Linh - tài năng của thể dục nghệ thuật Việt Nam

Trương Mai Nhật Linh - tài năng của thể dục nghệ thuật Việt Nam

— 21 Tháng Năm 2017

LinDa Trương tên đầy đủ là Trương Mai Nhật Linh, em sinh ra và lớn lên tại Ukraina, là Việt Kiều tại Ukraina, em là con cháu đời thứ 7 của chi họ Trương ở thôn La Cầu, xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, là con thứ 3 trong gia đình, bố là ông Trương Văn Hùng hiên đang công tác tại hội người Việt tại Ukraina và là bí thư Đảng ủy khối người Việt tại thành phố Odessa, nước Cộng hòa Ukraina, mẹ là bà Trịnh Thị Kim Vân.

Giáo sư Trương Nguyên Trân, vị đại sứ Việt Nam ở Polytechnique

Giáo sư Trương Nguyên Trân, vị đại sứ Việt Nam ở Polytechnique

— 21 Tháng Năm 2017

Trường Ecole Polytechnique - Pháp là một trường có bề dày 200 năm giảng dạy và nghiên cứu. Học sinh Việt Nam tại trường Ecole Polytechnique, ai cũng biết tới giáo sư Trương Nguyên Trân, người đã công tác tại trung tâm nghiên cứu Vật lý (Centre de Physique Théorique (CPHT)) của trường từ 35 năm nay. Giáo sư không chỉ là người thường xuyên có mặt tại Hà Nội trong các kỳ thi tuyển học sinh nước ngoài hàng năm của trường mà còn là người luôn tận tình giúp đỡ và dìu dắt các bạn trong suốt quá trình học tập và công tác tại trường cũng như sau này.

Trương Thị Phương Thảo, Huy chương đồng Olympic Sinh học quốc tế

Trương Thị Phương Thảo, Huy chương đồng Olympic Sinh học quốc tế

— 21 Tháng Năm 2017

“Huy chương đồng không là thành tích cao nhất nhưng em vẫn rất bất ngờ, hạnh phúc” - Khiêm tốn nhưng cũng rất quyết đoán, đó là những điều chúng tôi cảm nhận khi gặp gỡ Trương Thị Phương Thảo, nữ sinh vừa đoạt HCĐ Olympic Sinh học quốc tế.

Trương Bính Quyền - Người giữ

Trương Bính Quyền - Người giữ "lửa" Việt ở xứ sở bò tót

— 21 Tháng Năm 2017

Không chỉ dạy dỗ ba người con nói tiếng Việt thành thạo, với suy nghĩ "cây có cội, nước có nguồn", gia đình ông bà Trương Bính Quyền, kiều bào Tây Ban Nha, tự hào với gian hàng Việt duy nhất tại hội chợ quốc tế Mijas.

Trương Vân Lĩnh - Người chiến sỹ Cộng sản

Trương Vân Lĩnh - Người chiến sỹ Cộng sản

— 21 Tháng Năm 2017

Trương Vân Lĩnh tên khai sinh là Trương Văn Thanh, sinh năm 1902 tại làng Tuỵ Anh, tổng Vân Trình (nay xã Nghi Phương), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tuỵ Anh là một làng Thiên chúa giáo toàn tòng thuộc họ công giáo Mỹ Yên, nằm cạnh Xã Đoài, trung tâm Thiên chúa giáo của 3 tỉnh Nghệ An -Hà Tĩnh và Quảng Bình.