Các Tiến sĩ họ Trương được vinh danh trên văn bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội

20:43 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 2835

          Ngay ở tấm bia đầu tiên đề tên Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442) bài ký do Thân Nhân Trung (từng giữ chức thượng thư bộ lại, Đông các đại học sĩ kiêm tế tửu Quốc Tử Giám) soạn đã chỉ rõ “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài”. Hệ thống văn bia nói trên vẫn tồn tại ở Văn Miếu trên 500 năm nay, thường xuyên nhắc nhở các triều đại về chính sách đối với các hiền tài, những danh nhân văn hóa trong lịch sử và nhận định về sự thịnh suy của đất nước gắn liền với sự thịnh suy của hiền tài.
          Trong số 82 văn bia đó, có 11 Tiến sĩ họ Trương đã đỗ Tiến sĩ trong 11 khoa thi, được vinh danh trên 10 văn bia. Ban quản trị cổng thông tin điện tử họ Trương Việt Nam xin giới thiệu tới bà con, anh chị em họ Trương và các độc giả về tên tuổi, sự nghiệp, quê quán, các chức vụ đã kinh qua của 11 vị Tiến sĩ họ Trương trên 
          1. Trương Đức Quang, người xã Ngọc Xuyết, huyện Hoằng Hóa (nay thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), đã đỗ Đệ Nhị Giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Tuất niên hiện Cảnh Thống  năm thứ 5 (1502). Ông làm quan Đề hình Giám sát Ngự sử và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc).
          2. Trương Quang Tiền (1615-1677) người xã Kim Hoạch, huyện Thụy Nguyên (nay thuộc xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa), đã đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Canh Thìn niên hiệu Dương Hòa năm thứ 6 (1640). Ông làm quan Đông các Hiệu thư, tước Mai Lâm tử. Sau ông đổi tên là Trương Luận Đạo.
          3. Trương Quang Trạch (1641-?) người xã Tông Lỗ huyện Thạch Hà (nay là thuộc huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh). Ông giữ các chức quan, như Đề hình Giám sát Ngự sử, Đốc trấn Cao Bằng. Sau ông bị bãi chức
          4. Trương Hữu Hiệu (1632-1696) người xã Thiên Linh, huyện Ngọc Sơn (nay thuộc huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Trị năm thứ 1 (1676). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.
           5. Trương Công (1665-?) người sở Thiên Kiện, huyện Thanh Liêm (nay thuộc xã Thanh Tâm huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu niên hiệu Chính Hòa năm thứ 6 (1685). Ông giữ các chức quan, như Thượng thư Bộ Hình, Thượng thư Bộ Công kiêm Quốc tử giám Tế tửu, tước Lỵ Quận công. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thiếu bảo. Sau ông đổi tên là Trương Công Giai.
          6. Trương Minh Lượng (1636-?) người xã Nguyễn Xá, huyện Duy Tiên (nay thuộc xã Tiên Nội huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn niên hiệu Chính Hòa năm thứ 21 (1700). Ông làm quan Tự khanh.
           7. Trương Hữu Thiệu (1687-?) người xã Thiên Linh, huyện Ngọc Sơn (nay thuộc huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 14 (1718). Ông trước đỗ khoa Sĩ vọng, làm quan Huấn đạo, thăng Giám sát
           8. Trương Thì (1701-?) người xã Nhân Mục, Cựu huyện Thanh Trì (nay phường Khương Đình quận Thanh Xuân Tp. Hà Nội). Ông đỗ Đệ nhị giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu niên hiệu Bảo Thái năm thứ 2 (1721). Ông làm quan Hàn lâm Hiệu thảo.
           9. Trương Nguyễn Điều (1685-?) người xã Xuân Canh, huyện Đông Ngàn (nay là xã Xuân Canh huyện Đông Anh Tp. Hà Nội), trú quán xã Hàn Lạc huyện Gia Lâm (nay thuộc xã Phú Thị huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Sửu niên hiệu Long Đức năm thứ 2 (1733). Ông làm quan Đề hình Giám sát Ngự sử. Có tài liệu ghi là Trương Hữu Điều
           10. Trương Đình Tuyên (1713-?) người phường Công Bộ, huyện Quảng Đức (nay thuộc quận Ba Đình Tp. Hà Nội). Ông đỗ Đệ nhị giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 5 (1739). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Công.
         11. Trương Đăng Quỹ (1733-?) người xã Thanh Nê, huyện Chân Định (nay thuộc huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 27 (1766). Ông giữ các chức quan, như Thừa chính sứ, Bồi tụng, Đồng bình chương sự. Ông là một trong những cận thần theo Chiêu Thống chạy sang nhà Thanh (Trung Quốc), cuộc đời về sau không rõ.
           Ban Quản trị cổng thông tin điện tử họ Trương Việt Nam xin giới thiệu tới bà con, anh chị em họ Trương và độc giả nội dung bài ký trên 11 văn bia vinh danh 11 Tiến sĩ họ Trương trên trong các bài tiếp theo.

                                                                                                                                                     (Nguồn tư liệu Viện nghiên cứu Hán Nôm)

 

Những tin cũ hơn

Những nhà Khoa bảng họ Trương ở Hải Dương từ 1075 - 1919

Những nhà Khoa bảng họ Trương ở Hải Dương từ 1075 - 1919

— 25 Tháng Năm 2017

Trong sách Tiến sỹ Nho học Hải Dương do Tăng Bá Hoành Chủ biên cùng các đồng tác giả Nguyễn Huy Thiêm, Nguyễn Thị Quế, Hà Trí biên soạn năm 1999 liệt kê 637 vị đỗ đại khoa của Hải Dương từ năm 1075 đến năm 1919, theo đó có 5 người họ Trương.

Nhà văn - Giáo sư Trương Tửu

Nhà văn - Giáo sư Trương Tửu

— 25 Tháng Năm 2017

Nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà giáo Trương Tửu (18.11.1913 - 16.12.1999), còn có các bút danh Nguyễn Bách Khoa, Hoàng Canh, Mai Viên, T.T...; nguyên quán làng Bồ Đề, xã Phú Viên, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội.Thời trai trẻ, ông học hết năm thứ nhất bậc trung học, rồi học trường Kỹ nghệ thực hành ở Hải Phòng (nghề thợ tiện, cùng trường lớp với Lê Văn Siêu). Nhưng chỉ được một năm rưỡi thì bị đuổi học (Năm 1927), vì tham gia bãi khoá ở Hà Nội để đòi thực dân Pháp thả tác giả bài thơ Chiêu hồn nước Phạm Tất Đắc. [1]. Bị buộc rời trường, ông tự học chương trình Tú tài Pháp Việt.

Trương Phu Duyệt (1476 - ?)

Trương Phu Duyệt (1476 - ?)

— 25 Tháng Năm 2017

Trương Phu Duyệt, Người xã Kim Đâu, Huyện Thanh Miện (nay là thôn Kim Trang, xã Lam Sơn, Huyện Thanh Miện, Tỉnh Hải Dương. Năm 30 tuổi đỗ Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân (Hoàng Giáp), khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh năm thứ nhất (1505). Làm quan đến chức Thượng thư bộ Lại

Tướng công Trương Mỹ

Tướng công Trương Mỹ

— 25 Tháng Năm 2017

Tương truyền, từ đầu Công nguyên, hai ông bà Trương Nghiệp - Đào Thị Vĩ từ Ái Châu đến Bình Lao (trong đó có thôn Bảo Sài) lập nghiệp. Tại đây, ông bà sinh hạ một người con trai tên là Trương Mỹ, thiên tư dĩnh ngộ, trí tuệ tinh anh. Lớn lên học hành tấn tới, ham đọc sách, thích bắn cung. Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, Trương Mỹ đến Hái Môn Giang xin được đầu quân đánh giặc. Hai Bà phong Trương Mỹ làm Đô thống Nguyên soái đại tướng quân. Ông liền đem quan đi đánh Tô Định ở Bằng Châu, Tô Định đại bại, góp phần vào chiến công hiển hách thu lại 65 thành trì, non sông về một mối. Hai Bà cho Trương Mỹ 10 cân bạc, 100 tấm lụa. Trương Mỹ lạy tạ, xin về quê an hưởng thái bình. Ông mất ngày mồng 7 tháng 8 âm lịch. Trưng Nữ Vương đã phong "Thượng đẳng phúc thần", cho trang Bình Lao phụng thờ mãi mãi. Nay Trương Mỹ là thành hoàng, được thờ ở đình Bảo Sài.

Tạo sĩ họ Trương thời Lê – Trịnh và Nguyễn

Tạo sĩ họ Trương thời Lê – Trịnh và Nguyễn

— 25 Tháng Năm 2017

Tạo sĩ tương đương Tiến sĩ. Muốn đoạt chức Tạo sĩ (Tiến sĩ võ) phải trải qua hai kỳ là Sở cử và Bác cử. Sở cử: 3 năm/1 lần mở ở các Trấn và phải qua ba kỳ thi (Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam), thi đỗ thì gọi là Biền sinh. Tiếp đến hỏi về sách, mưu lược, trúng cách được phong là Học sinh (ngang bằng với Hương cống), chờ dự khoa Bác cử (cũng như thi Hội) ở kinh đô. Bác cử có vua ngự khán ở Diễn Võ đường xem các đấu thủ tranh tài.