Ký ức làng quê

00:25 - 22/05/2017 Tin tổng hợp Admin 3300
Bút ký của Trương Điện Thắng
 
Cuối năm, tôi về thăm nhà ngoại. Vẫn là cái sân đất rợp bóng tre mà ngày nhỏ tôi vẫn nằm nghe cậu kể chuyện cổ tích dưới những đêm trăng. Vẫn là chiếc chõng đóng bằng tre ngâm láng mượt với chiếc vạt chõng bằng tre cật được cậu tôi kết lại từ những sợi mây mềm mại ngày xưa.Tôi nằm dưới bóng râm đánh một giấc trưa giữa tiếng kĩu kẹt của những cây tre bị gió đưa qua lại và va quẹt lẫn nhau. Đúng là:
      Ngõ con trúc tốt rườm rà
     Gió lùa qua trúc đàn ca tự thành
                                                Mai Trực ( 999- 1091)
 Nhưng thời gian đã đi qua hơn 40 mươi năm có lẻ. Sau giấc ngủ trưa nồng, tôi chợt nhớ những câu thơ hay của Nguyễn Trãi:
     Trúc hiểu lòng ta cho bóng mát
     Thơ nhàn ngâm ngợi giữa ngàn lau
      Sao mình không sớm về đây nhỉ
     Cát bụi công danh giũ sạch làu...
 Sao mình không sớm về đây nhỉ? Mà mình có bao giờ đi xa khỏi những lũy tre xanh quê nhà đâu...
 Chỉ có thời gian làm cho con người thay đổi!
 Ngôi nhà ngoại tôi ngày xưa cũng có nhiều thứ thay đổi, cả hình thù lẫn vị trí. Nhưng cái ống tre to bên ngoài có đánh một lớp dầu rái để bảo quản toàn bộ gia phả đặt chính giữa bàn thờ tổ tiên thì vẫn còn nguyên đó. Bao thế hệ, bao cuộc đời đã nằm kín trong cái ống tre thiêng liêng mà gần gũi ấy khiến ta rơi nước mắt những khi lòng giông bão...
    
 
Xe đạp nước bằng tre
                                     
2-
Từ làng quê tôi ra đến Đà Nẵng phải đi bộ trên những con đường đất đá gồ ghề, có lúc phải băng qua những đám ruộng khô nẻ ngày hè. Đi đến phố Hội cũng vậy, tuy đường có ngắn hơn.Ông nội tôi đóng những chiếc giường tre, những rui-mè-kèo-cột bằng tre rồi vác đi trên những con đường ấy, để bán lấy tiền độ nhật sau những vụ mùa lúa khoai thất bát. Cha tôi, cậu tôi, chú tôi và những trai tráng trong làng lại nối gót những người đi trước cho đến khi các vật dụng bằng kim loại, bê tông cốt thép, bằng nhôm nhựa thay thế dần cây tre.
 Biết tôi vừa xuất bản một cuốn sách về cây tre, người chú họ nói một câu mà tôi đã ghi ngay vào sổ tay: “Tao đây mới là người Việt gốc tre chính hiệu!”. Bị thương tật trong chiến tranh phải ngồi xe lăn cho tới bây giờ. Mỗi ngày ông ngồi đan những chiếc rổ, rá, giần, sàng; vót những đôi đũa tre cho vợ mang ra chợ đổi lấy gạo nuôi con. Khi nói về tre, ông từng đã đọc cho tôi hai câu ca dao mà tôi cho là thuộc loại hay nhất trong kho tàng văn chương truyền miệng Việt Nam:
Đũa trui, đũa bếp có đôi
Cái ống thổi lửa mồ côi một mình.
 Ngồi một mình hơn ba chục năm trước mái hiên nhà lợp tôn, với cái rựa trên tay ông đã trau chuốt những nan tre vàng óng quê nhà và đã mượn cái ống thổi lửa (bằng một đoạn ống tre) để giải tỏa tâm sự của mình như thế. Và tôi hiểu ông hơn.
Người ở nông thôn vốn hóm hĩnh. Dường như nụ cười lạc quan giúp họ vượt qua cuộc sống khó nhọc nhẹ nhàng hơn. Ông chú họ nhưng lúc rỗi vẫn nhắc lại chuyện vui thời trai trẻ. Liên quan đến những món ăn từ cây tre, ông lại đọc:
    Thương chồng nấu cháo măng le
    Chống ăn, chồng ngủ, chồng...đè em ra!
Chú nói câu này có nhiều dị bản: Nấu cháo ba ba/ nấu cháo le le... Ở Quảng Bình còn có câu: Thương chồng nấu cháo cu cu/ chồng ăn chồng...quậy  như tru phá ràn!-trâu phá chuồng...
 
3-
 
Vậy mà trên thế giới hiện nay có đến 2 tỉ người vẫn còn đang sống dựa vào loại cây kỳ lạ này ( theo Steen Heinsen, nhà văn Đan Mạch)..Tổ chức Tre thế giới (WBO) vào nhiều năm đầu thế kỷ 21 vẫn tiếp tục quảng bá cho sự kỳ diệu và các tính năng phi thường của cây tre. Những chiếc xe đạp bằng tre, cầu tre chịu lực đến 30 tấn, ô tô bằng tre tiếp tục được giới thiệu và ca ngợi nhiều nơi trên thế giới...
 
 Charissa Brock, một nữ họa sĩ Mỹ, từng sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật từ chất liệu tre nổi tiếng. Các tác phẩm của bà mang tính khám phá thiên nhiên, kết hợp một trình độ thẩm mỹ cao đã được trao giải thưởng  năm 2002 và đã được giói thiệu nổi bật trên tạp chí American Crafts. Giới thiệu về bà, các nhà phê bình mỹ thuật Hoa Kỳ cho rằng bà đã thành công khi phối hợp tài tình kỹ thuật của một người đan rổ với khả năng thẩm mỹ của một điêu khắc gia để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật trầm mặc đáng kinh ngạc và đặt chúng vào không gian hoàn hảo…
Giáo sư Flavio Deslandes là người đi đầu trong việc phát triển xe đạp làm bằng tre. Ông ta là một người Brasil và là nhà thiết kế công nghệ của trường đại học PUC- Rio University. “Chiếc xe đạp là một phát minh sáng chói nhất trên của nhân loại. Thật khó tìm thấy ở nó một sự bất tiện nào, ngoại trừ vật liệu để làm ra nó. Những chiếc xe đạp nhẹ được sản xuất từ nhôm, một trong những loại tài nguyên khan  hiếm. Chiếc xe đạp của tôi lại làm bằng... cỏ!” , ông ta nói. Và bằng giọng điệu của một tín đồ môn bóng đá, ông nói thêm: “Chế tạo những chiếc xe đạp bằng tre như thế này là một nghệ thuật. Nó không như những việc ta phải làm khác. Mỗi một loại tre  được tuyển chọn để lắp thành khung xe  phải đúng kích cỡ và chất lượng. Cách xử lý và xếp đặt vật liệu hợp lý  là điều bí mật. Kiến thức luôn được nhân lên và cũng được duy trì qua thời gian. Cũng như người ta dùng thời giờ để học chơi bóng đá vậy!”.
 Trong các nỗ lực giảm thiểu sự lệ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch và khí thải CO2, tập đoàn xe hơi Mitsubishi đã công bố một chương trình phát triển chất dẽo dùng trong nội thất xe hơi bằng nhựa thực vật và sợi từ cây tre. Nhà sản xuất ô tô này hy vọng rằng việc dùng nhựa sinh học có thể thay thế cho gỗ các phụ tùng sản xuất từ nguyên liệu dầu mỏ. Loại vật tư mới này được gọi “ nhựa xanh- green plastics” sẽ được sản xuất thông qua sự hợp tác với viện công nghệ Aichi bắt đầu từ năm 2007.Chất dẽo polybutylene succinnate hay còn gọi là PBS là một loại nhựa làm từ thân cây bắp hoặc mía với chất phụ gia là những sợi lấy từ thân cây tre. Kết quả một báo cáo thí nghiệm của nhà sản xuất cho thấy loại vật tư mới này sẽ giảm chừng 50% lượng CO2 so với vật tư sản xuất từ polypropylene từ gốc dầu lửa và  giảm khoảng 80% lượng gỗ ván.
Và mới đây, giáo sư Yao Xiao giảng dạy tại đại học Nam Califonia đã xây dựng một chiếc cầu bằng tre chịu được tải trọng của ô tô 16 tấn qua lại tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Chiếc cầu dài 10 mét cấu tạo bằng những thanh dầm ép lại từ những thanh tre dát mỏng. “Những thanh dầm bằng tre gắn kết bằng một loại keo chuyên dụng này có khả năng chịu lực không thua gì bê tông và thép”, báo The Scientist nhận định.
Tôi kể cho chú tôi nghe mấy chuyện đó và mong chờ ở ông một sự kinh ngạc. Nhưng không! Ông chẳng biểu lộ một cảm xúc gì, ngược lại còn nói một câu rất lý thú: “Việt Nam mình thiếu gì tre sao những đứa có học như bay không ai nghiên cứu?”
 
4-
    Rời làng quê, tôi cưa từ những cây tre ở vườn ngoại và chọn ra 5 đoạn có độ cao thấp khác nhau, kết lại làm một bình hoa chưng Tết mang ra phố. Tết ngồi nhớ quê và nhìn những bình hoa “không đụng hàng” này, cứ nghĩ lòng cũng thanh thản đi chút ít!
     Nhưng không thanh thản được lâu. Vì chỉ ít nữa thôi, những vườn tre kia rồi sẽ theo dòng “đô thị hóa”. Cái không gian sống bao đời hai bên nội ngoại sẽ thu hẹp lại bằng những vật liệu kiên cố nhưng vô cảm. Con người vốn bơi lội trong giấc mơ xanh kĩu kẹt những sớm nắng trưa nồng, bỗng một ngày trở mình giữa mấy bức tường chật hẹp, ngọng nghịu lời thưa gởi khách sáo nơi phố thị ngựa xe lạ lẫm. Bao nhiêu là ký ức thoáng đãng trên con đường làng cũng theo gió bão thời đại cuốn đi....
Bất chợt, tôi cảm thấy lòng mình có chút gì như một sự tổn thương...

Những tin cũ hơn

Tên làng, theo mãi đời ta...

Tên làng, theo mãi đời ta...

— 22 Tháng Năm 2017

Đến cuối năm 2009, huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã cắm thêm 39 bảng tên làng tại các xã vùng cao như xã Dang, Tr’hy, Axan, Ch’um, Gary...Như vậy tất cả 70 làng người dân tộc Cơtu trong toàn huyện đã có tên viết bằng cả ba thứ tiếng (Anh, Việt và tiếng bản địa) trên nền các hình vẽ cách điệu ngôi nhà Gươl truyền thống với kinh phí khoảng 150 triệu đồng...Đây là một tin báo chí thuộc loại khá hay trong lĩnh vực văn hóa và nhờ đó, “điểm đến” Tây Giang cũng như những ngôi làng heo hút của huyện này sẽ được nhiều người biết đến. Đây cũng còn là một ví dụ sinh động của “toàn cầu hóa” mà nhà báo Mỹ Thomas Friedman đã viết trong tác phẩm nổi tiếng “Chiếc Lexus và cây Ô-liu” cách đây không lâu!

Đồng tộc Trương và những suy nghĩ về việc kết nối đồng tộc

Đồng tộc Trương và những suy nghĩ về việc kết nối đồng tộc

— 22 Tháng Năm 2017

Họ Trương Việt nam có lẽ là một cum từ tương đối xa lạ với rất nhiều người, Tôi xin được mạn phép lạm bàn đôi chút về ý nghĩa của cụm từ này như là sự bày tỏ của một người con cháu mang trong mình dòng máu và tên Họ Trương.

Nhật ký ở làng(kỳ 4) - Lấy máu mình gìn giữ gia phong

Nhật ký ở làng(kỳ 4) - Lấy máu mình gìn giữ gia phong

— 22 Tháng Năm 2017

Làng Thanh Quýt (xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn) có không ít những câu chuyện về những người đã âm thầm bảo vệ hương án thờ ông bà tổ tiên, giữ cho đến chết những bảng phả hệ, những sắc phong của dòng tộc giữa binh biến và ly tán. Có người đã ngã xuống để giữ gìn đến cùng những vật gia bảo ấy. Cháu con các tộc họ nhìn những tấm gương đó mà không ngừng phấn đấu quên mình để làm rạng rỡ gia phong, làng xóm.

Nhật ký ở làng(kỳ 3) - Những câu chuyện dòng tộc

Nhật ký ở làng(kỳ 3) - Những câu chuyện dòng tộc

— 22 Tháng Năm 2017

Từ xưa, trong văn hóa làng xã, việc lập gia phả đối với các tộc họ là rất quan trọng. Trong sự phát triển của dòng tộc, mỗi “tộc” chia ra thành nhiều “phái”, mỗi phái có nhiều “chi”, dưới chi là các “phân chi”, sau phân chi là các “hệ” (thường được gọi là các “đầu ông”). Gia phả tộc sau đó được phân chia thành “phả hệ” các phái - chi - phân chi - hệ phả do các trưởng nam phụng thờ, gìn giữ rất cẩn thận. Các phả hệ thường được viết trên giấy dó, có nơi viết trên lụa tốt, cuộn tròn đặt trong các ống tre, ống đồng và để ở nơi trang trọng nhất trên gian thờ chính. Chỉ những ngày giỗ chạp, ngày tết, cháu con tề tựu, tộc trưởng hoặc trưởng nam dựng lễ vật, thắp nhang khấn ông bà tiên tổ xin “thỉnh khai gia phả” thì mới được lấy xuống. Thỉnh mở phả hệ thường là để phổ biến cho con cháu, viết bổ sung các đời lớp tiếp sau hoặc thêm vào các sự kiện, biến cố trong tộc, phái. Vì vậy, tộc phả hay “phả hệ” cũng chính là bộ sử của gia đình, dòng họ, là văn bản hết sức quan trọng, thiêng liêng của mỗi dòng tộc. Xung quanh vấn đề dòng tộc, làng tôi có khá nhiều chuyện.

Nhật ký ở làng (kỳ 2) - Sự thách đố của người xưa

Nhật ký ở làng (kỳ 2) - Sự thách đố của người xưa

— 22 Tháng Năm 2017

Xưa, làng tôi tên Kim Quất, đến thời chúa Nguyễn đổi thành Thanh Quất, là một trong 66 làng thuộc phủ Điện Bàn (theo Ô châu cận lục). Các bậc tiền hiền từ các tỉnh Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Hồng vào khai cư lập nghiệp ở đây đến nay đã hơn 5 thế kỷ. Làng có 4 xóm - gọi là “tứ ấp” - với 12 xứ đất gồm: Lệ Thủy, Bắc Bằng, Bàu Đưng, Thanh Luy Tiền, Thanh Luy Trung, Thanh Luy Hậu, Mụ Đội, Bàu Nhơn, Minh Thượng, Trà Cổ, Thạch Não Nội và Thạch Não Ngoại. Lại có các xứ đồng chuyên trồng trọt, các xứ đất gò làm nghĩa trang cho người quá vãng như Gò Dang, Gò Nơm, Gò Tử, Gò Huề, Vạt Cháy, Gò Phật, Gò Lao, Gò Sành, Vườn Huê, Vườn Chỉnh, Vườn Chàm. Liên quan đến xứ đất, xứ đồng là những câu chuyện “dở khóc dở cười” của dân làng trong quá trình truy tìm mộ ông bà, tổ tiên.