Tuy Thạnh quận công Trương Đăng Quế (1793-1865)

20:41 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 2706
Thủy tổ của ông là Trương Đăng Nhất, nguyên là người Hà Tĩnh, di cư vào lập nghiệp tại làng Mỹ Khê Tây, tổng Bình Châu, phủ Hòa Nghĩa (nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Đến đời thứ 6 là ông Trương Đăng Phác từ ra làm quan cho triều Tây Sơn, làm đến chức Hữu tuyên phủ[1] phủ Hòa Nghĩa. Sau khi Gia Long lên ngôi, ông được vẫn giữ nguyên chức vụ Hữu tuyên phủ sứ của Hòa Nghĩa nhưng từ chối sự tiến cử của bạn cũ là Thượng thư Đặng Đức Siêu.

Phu nhân của ông Trương Đăng Phác là bà Đỗ Thị Thiết, sinh hạ được 8 người con: 4 trai, 4 gái. Trương Đăng Quế là người con thứ 5.

Bước vào quan nghiệp

Tuy là con quan, nhưng Trương Đăng Quế lại tiến thân bằng con đường khoa cử triều Nguyễn, rồi từng bước đạt tới chức quan tột đỉnh trong triều đình.
Năm Gia Long thứ 18 (1819), ông đỗ kỳ thi Hương khoa Kỷ Mão, nhận học vị Hương cống trường Trực Lệ. Năm 1820 ông bắt đầu ra làm quan. Khởi đầu với chức vụ Hành tẩu Bộ Lễ, trong hơn 40 năm đã thăng dần đến Cần Chánh điện Đại học sĩ, Cơ mật viện đại thần, Kinh diên giảng quan, Quốc sử quán tổng tài, kiêm quản Khâm Thiên Giám, hàm Thái sư, tước Tuy Thạnh quận công, được truy phong Dực Bảo Trung Hưng trung đẳng thần.

Trong cuộc đời 44 năm làm quan (1819-1863), Trương Đăng Quế thể hiện lòng trung thành, công minh, liêm chính của mình bằng cách hết lòng với công việc triều chính. Một trong những đóng góp đặc sắc nhất chính là hoàn thành việc đạt điền và lập địa bạ trên vùng đất Nam Kỳ dưới triều Minh Mạng. Đây chính là một đóng góp to lớn vào công việc hoàn thiện lãnh thổ quốc gia và phục hưng đất nước, đặt biệt với vùng đất phương Nam. Chỉ trong 5 tháng việc đo đạc và ghi chép địa bạ cho cả vùng đất phương Nam thể hiện năng lực của Trương Đăng Quế nhờ vào một tầm nhìn xa và quan điểm cận dân của ông. Phan Thanh Giản ca ngợi công lao ấy: "thời tiên sinh phụng mệnh vua, lo việc đạc điền phân định cương vực ở Nam bộ quê tôi, một vùng đất mới, công việc đòi hỏi phải hết sức linh hoạt vì tất cả đều mới lạ, không thể cứ câu nệ lấy cách làm thông thường và sử dụng các loại dụng cụ đo đạc cũ mà thực hiện suôn sẻ được, lại còn phải quan tâm và đừng gây phiền hà cho dân, thế mà tiên sinh đã hoàn thành chỉ trong vòng 5 tháng! Vả lại, tiên sinh từng trải, nắm vững vùng đất Nam Kỳ lục tỉnh như lòng bàn tay, nhìn xa trông rộng, xác định những nơi hiểm yếu, tâu xin xây dựng thành trì ở Tây Ninh là điều mà tôi tuy là người gốc Nam Bộ, thật tình cũng chưa từng nghĩ tới".

Trương Đăng Quế là người đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước, được đông đảo giới trí thức thời bấy giờ kính trọng, tôn sùng như các vị hoàng thân Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Mai Am...các đại thần như Hà Tông Quyền, Trương Minh Giảng, Phan Thanh Giản, Nguyễn Đăng Giai...Đặt biệt, Trương Đăng Quế quan tâm đến binh sĩ, hoàn cảnh sinh sống của dân nghèo, dân tộc ít người, đồng bào các vùng bị ảnh hưởng chiến tranh, Trương Đăng Quế thường hay xin cho họ hưởng điều này, điều nọ và đều được triều đình thông qua.

Có lẽ vì vậy mà giới chỉ huy quân đội Pháp căm ghét Trương Đăng Quế. Chúng quy cho ông cầm đầu phe chủ chiến đánh Pháp đến cùng, ngấm ngầm không công nhận hòa ước Nhâm Tuất 1862 (hòa ước cắt cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ) và chủ trương ủng hộ các phong trào kháng chiến của Trương Định. Hai lần ông được vua lúc lâm chung gửi gắm việc quan trọng nhất của triều đình là việc người nối ngôi lên làm vua. Vua Minh Mạng kêu Trương Đăng Quế đến bên giường dụ rằng: "Hoàng tử Trường Khánh công lấy về ngôi thứ là hàng trưởng, lấy về đức, về tuổi nên nối ngôi lớn. Ngươi nên hết lòng giúp sức rập, hễ việc gì chưa hợp lẽ, ngươi nên lấy lời nói của ta mà can gián. Ngươi trông mặt ta, nên ghi nhớ lấy" Rồi cầm tay con trưởng là Trường Khánh Công (sau này là vua Thiệu Trị) trối trăn: "Trương Đăng Quế thờ ta đến 21 năm, trọn đạo làm tôi, một lòng công trung, bày mưu dưới trướng, ra sức giúp việc ngoài biên, thực là một người công thần kỳ cựu của triều đình. Ngươi nên đãi ngộ một cách ưu hậu, hễ nói thì phải nghe, bày mưu kế gì thì phải theo, ngày sau có thể được thờ vào nhà thế thất"

Vua Thiệu Trị trước khi lâm chung có gọi Trương Đăng Quế, Nguyễn Tri Phương, Vũ Văn Giải, Lâm Duy Thiếp đến mà dặn rằng: "Hoàng tử thứ hai là Phúc Tuy công thông minh, nhanh nhẹn, chăm học giống ta, có thể lên ngôi hoàng đế...Các ngươi đều là đại thần của nước, chịu ân sâu nghĩa nặng, nên đem tấm lòng giúp ta mà giúp tự quân. Phải kính cẩn thay, chớ bỏ mệnh lệnh của ta"

Năm 1847, Thiệu Trị năm thứ 7, vua ra sắc rằng: "Ta chịu mệnh trời đất Tổ khảo, cai trị nước Đại Nam. Năm trước đất miền Tây chưa được mở mang, thường lấy làm thẹn. Năm Ất Tỵ (1845), cất quân đi đánh nước Chân Lạp, dẹp được, Năm Bính Ngọ (1846), ta lên thọ 40 tuổi, đến 30 lần ân dụ ban ra, năm ấy nước Xiêm phục, nước Miên hàng, nộp lễ cống, chầu hầu. Năm nay (1847), tướng quân kéo về, tâu thắng trận, thôi không đi đánh, võ công cáo thành, sai công thần trông nom chế ra ba cổ súng đồng thượng tướng quân, truyền đến con cháu, giữ thứ bảo khí ấy lâu dài, không say mê tửu sắc, nghĩ làm việc mới, noi việc cũ, theo noi mưu mô công liệt, trọng văn tạp võ ức muôn năm làm mạnh nước Đại Nam ta. Vả lại, ngự ban cho cố mệnh lương thần, Thái bảo, Tuy Thạnh bá Trương Đăng Quế, trước kia vâng cố mệnh của tiên đế khi gần băng hà để lại, cùng ta trù tính việc biên cương, rồi thành tựu được võ công, giúp rập đức tốt, thực không phụ ơn tri ngộ. Vậy cho khắc vào vàng cỗ súng thứ nhất"

Vua Tự Đức tâm sự với Trương Đăng Quế khi ông xin về hưu lần thứ tư: "Trẫm đương tuổi nhỏ, kiến thức còn ít, mọi việc chưa quen, nên muốn dùng người cũ để giúp trẫm những điều trẫm không nghĩ tới được. Từ trước đến nay, phàm khanh có dâng điều hay, can điều trái, không điều gì mà trẫm không nghe theo, khanh còn ngại ngùng gì mà nỡ phụ lòng trẫm..."

Ở thời Trương Đăng Quế, nước ta được mở rộng hơn lúc nào hết, Cao Miên (Campuchia) đã trở thành Trấn Tây thành, tuy có vua Chân Lạp trị vì. Vùng đất Lào, tây Thanh Hóa đã trở thành tỉnh Trấn Ninh thuộc Việt Nam năm 1827. Lại có đất Chiêm Động và Lạc Phàn cũng xin thuộc về Việt Nam. Triều đình chia những xứ ấy ra làm đất Trấn Tĩnh phủ và Lạc Biên phủ.. Kể từ thời Minh Mạng, trải qua triều Thiệu Trị cho đến những năm đầu triều Tự Đức khi còn Trương Đăng Quế chấp sự, Việt Nam là một quốc gia hùng cường trên bán đảo Đông Dương. Về tính cách, Trương Đăng Quế là con người sắc sảo, thận trọng và có óc thực tế. Đây chính là tính cách giúp Trương Đăng Quế được tín nhiệm trong công việc, giúp ông được thăng quan tiến chức nhanh. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), ông tỏ rõ tài quán xuyến công việc qua bản tâu của bộ Công do ông quyền trông coi:

"Từ trước đến nay, những vật liệu cần dùng vào mọi công việc, chưa có thể thức lưu hành nhất định. Ở kinh đô thì lấy những việc đã làm làm lệ, còn các thành trấn ở ngoài thì chỉ tùy việc, liệu chừng mà làm, không khỏi có chỗ hơn kém, khác nhau về vật liệu. Đến khi số chi dùng vật liệu gởi đến bộ, bộ tư giao cho võ khố xét lại, nhất luật lấy lệ ở kinh đô mà tính, nhiều thì chi bội lên, ít thì là kém lệ, đến nỗi xin bác bỏ, xin bồi thêm, giấy má phiền phức mà các thành trấn cũng vẫn chưa biết lệ định như thế nào. Vậy xin các kho võ khố chiếu theo lệ ở kinh đô, suy tính cho rõ thêm, như các số ngói gạch, đá, vôi, mật, giấy, rơm cần dùng vào việc làm nhà cửa, kho tàng, đình miếu, thì lấy chiều dài một thước, chiều ngang một thước làm tiêu chuẩn. Các số gạch, đá, vôi, mật, giấy, rơm cần dùng vào việc xây thành, tường vách, bờ hào, cầu cống thì lấy bề cao một trượng, bề rộng một trượng làm tiêu chuẩn. Cho tới những thứ đinh sắt đóng ván gỗ, đồng, thau làm khí giới, than gỗ để rèn đồ sắt cùng những số thành khí và số hao hụt là bao nhiêu nhất thiết các vật liệu cần dùng đến mọi công việc (xây dựng, chế tạo) đều chiếu từng khoản mà châm chước, liệu lượng, thành lập quy tức nhất định, tâu xin khâm định rồi sao gửi cho trong kinh đô ngoài thành trấn tuân hành.

Vua nghe theo lời tâu ấy, ra Dụ cho Nội các hạ lệnh sai bộ Công thông tri cho các nha môn từ nay phàm đường sá và các thứ gỗ lạt, nên đo bằng trượng, tính toán thì có biên ghi là trượng và thước, không được dùng chữ "tầm" như trước nữa".

Vạch thế trận Trấn Tây thành - Lập địa bạ Nam Kỳ Lục tỉnh

Năm 1836 ông làm Binh bộ Thượng thư, Cơ mật đại thần, dẫn đầu đoàn Kinh lược sáu tỉnh Nam Kỳ nhằm: lập sổ địa bạ, quản lý đất đai, ổn định công việc hành chính các tỉnh Nam kỳ.

Giáo dục thi cử - Bình định miền tây Thanh Hóa

Đầu năm 1837 ông được điều ra Thanh Hóa, làm Kinh lược sứ, cùng với Doãn Uẩn và Nguyễn Đăng Giai, dẹp loạn đảng Lê Duy Hiển chống triều đình nhà Nguyễn, ổn định tình hình hành chính ở Thanh Hóa.

Những nhận xét về ông

Trương Đăng Quế trước hết là một vị quan đại thần đóng vai trò quan trọng trong thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, là một vị quan có trách nhiệm với dân, với nước. Bên cạnh đó, với tư cách là một danh sĩ, ông là một nhà văn và nhà giáo, một nhà trí thức lớn, đã đào tạo ra rất nhiều học trò nổi tiếng.

Các tác phẩm của Trương Đăng Quế gồm:

- Đại Nam liệt truyện, viết về tiểu sử các nhân vật nổi tiếng dưới triều các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn, cho đến đời vua Thiệu Trị.
- Đại Nam thực lục tiền biên, sách lịch sử Việt Nam thời kỳ các chúa Nguyễn, từ chúa Nguyễn Hoàng đến chúa Nguyễn Phúc Thuần.
- Đại Nam thực lục chính biên, ba kỷ đầu: đệ nhất kỷ, đệ nhị kỷ, đệ tam kỷ.
- Quảng Khê thi văn tập, tuyển tập văn thơ của Trương Đăng Quế.
- Sư trình vạn lý tập
- Duyệt Giáp Thìn khoa Điện thí văn

Những tin cũ hơn

Nguyễn Hữu Tiến (Trương Xuân Trinh: 1901-1941)

Nguyễn Hữu Tiến (Trương Xuân Trinh: 1901-1941)

— 25 Tháng Năm 2017

Nguyễn Hữu Tiến tên thật là Trương Xuân Trinh, Ông sinh ngày 5 tháng 3 năm 1901 tại xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ông còn có tên gọi là thầy giáo Hoài hay Hai Bắc Kỳ, xứ ủy viên Nam Kỳ, là tác giả của mẫu quốc kỳ Việt Nam.

Hoàng Hoa Thám - Trương Văn Thám (1858 - 1913)

Hoàng Hoa Thám - Trương Văn Thám (1858 - 1913)

— 25 Tháng Năm 2017

Hoàng Hoa Thám (chữ Hán: 黃花探; tên thật Trương Văn Thám 張文探, còn gọi là Đề Thám 提探; Hùm thiêng Yên Thế (1858 – 10 tháng 2 năm 1913) là người lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Yên Thế chống Pháp.

Tổng tài Quốc sử quán Trương Quang Đản

Tổng tài Quốc sử quán Trương Quang Đản

— 25 Tháng Năm 2017

Trương Quang Đản (hay Trương Đăng Đản, ? - ?), tự Tử Minh, hiệu Cúc Viên, là một danh thần triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.

Tổng tài Quốc sử giám Trương Minh Giảng

Tổng tài Quốc sử giám Trương Minh Giảng

— 25 Tháng Năm 2017

Ông Trương Minh Giảng (chữ Hán: 張明講 ?-184) là một danh thần nhà Nguyễn. Ông được đánh giá là một người "văn võ song toàn", là công thần bậc nhất của nhà Nguyễn, vừa là một võ tướng vừa là một sử gia, từng giữ chức Tổng tài Quốc sử giám. Năm sinh của ông không rõ, chỉ biết ông là người làng Hạnh Thông, huyện Bình Dương, trấn Gia Định. Thân phụ của ông là Lễ bộ Thượng thư Trương Minh Thành.

Đại học sĩ Trương Quốc Dụng

Đại học sĩ Trương Quốc Dụng

— 25 Tháng Năm 2017

Đại học sĩ Trương Quốc Dụng (1797–1864) là đại danh thần Việt Nam thời nhà Nguyễn. Một trí thức lớn trưởng thành từ khoa bảng, tài kiêm văn võ, được sử sách ghi là một danh tướng, nhà Thiên văn học, nhà văn Việt Nam, nhà sử học, nhà cải cách, đặc biệt là một tấm gương đạo đức sáng ngời. Đông các đại học sĩ Trương Quốc Dụng, cây đại thụ trí thứctriều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Ông là người chủ biên bộ Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, là tác giả biên soạn bộ lịch Việt Nam thời Nguyễn ...