Hưởng ứng lời mời của Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, các học giả trong nước và nước ngoài đã chuẩn bị những ý kiến tập trung vào chủ đề chính yếu của Hội thảo là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam.
Chính vì vậy, thật là khó cho Ban tổ chức khi phân định các tham luận vào những nhóm vấn đề cụ thể. Tuy nhiên, để các tác giả có điều kiện trình bày, trao đổi trong khuôn khổ hạn hẹp về thời gian, Ban Tổ chức đã phân chia thành 6 tiểu ban để giới thiệu, thảo luận trong phạm vi hẹp và trình bày tại phiên họp chung.
Tiểu ban 2
có 23 bài tham luận của các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài. Sau khi nghiên cứu những bài viết này, chúng tôi xin phép được tổng hợp những nội dung chính yếu nhất về:
tập tục, nghi lễ, giá trị lịch sử, văn hóa của Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam.
1- Về tập tục thờ cúng tổ tiên, các tác giả đều khẳng định, đây là tập tục truyền thống rất lâu đời của nhân dân Việt Nam
PGS TS Nguyễn Đức Lữ, Hoc viện Chính trị quốc gia Hồ Chi Minh nhận xét: “Ở nước ta đã và đang dung dưỡng một hệ thống tín ngưỡng dân gian rất phong phú, đa dạng, nhưng tiêu biểu hơn cả vẫn là tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên. Tín ngưỡng này, tồn tại ở các thành phần dân tộc; ở nhiều giai tầng, xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, thu hút hầu như 100% dân cư”
“Thờ cúng tổ tiên là hình thức tín ngưỡng thông qua nghi lễ thờ cúng nhằm xác lập "mối liên hệ" giữa người sống với người chết, giữa người ở thế giới hiện tại với thế giới tâm linh. Đây là loại hình tín ngưỡng cổ truyền mang tính phổ quát của người Việt Nam “ Và, “Thờ cúng tổ tiên là việc làm rất hệ trọng đối với mỗi người Việt Nam. Khác với người phương Tây coi trọng ngày sinh, người Việt coi trọng việc cúng giỗ vào ngày mất “( TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam)
“Thờ cúng tổ tiên-cụ thể là thờ cúng các linh hồn và tổ tiên đã quá cố là một hình thức tín ngưỡng, tín lý có từ thời rất xa xưa mà mỗi quốc gia đều có một hình thức tôn kính, thờ phụng riêng: như người Ai Cập, như một số dân tộc châu Á như TQ, Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí trở thanh mộ thứ tôn giáo ở một số quốc gua Trung Mỹ và Châu Phi
( Ths. Bùi Thị Hoa, Phân viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh)
Về tập tục thờ cúng tổ tiên của đồng bào Nùng, một trong những dân tộc ít người cư trú lâu đời ở miền núi phía Bắc Việt Nam, trong chuyên khảo khá dài phân tích đối chiếu những kết quả nghiên cứu về khảo cổ học, về dân tộc học , ngôn ngữ học, ông
Vương Minh Phú ( Ban Dân tộc Nguy Sơn, Vân Nam, Trung Quốc ) đã cho biết: ”Thông qua nghiên cứu so sánh người Nùng ở hai tỉnh Hà Giang và Lào Cai Việt Nam với nhánh “Bộc Nùng” thuộc dân tộc Choang tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ta thấy. Trải qua hơn một nghìn năm tiến trình lịch sử họ là một dân tộc, có cùng bản sắc văn hóa truyền thống, cùng tôn giáo tín ngưỡng. Đến nay, họ vẫn có nghi thức thờ cúng và tế lễ tổ tiên giống nhau là “Trụ”, “Hoằng” (quốc vương).”
Thậm chí là: “Có thể nhân thấy ở một chài sống trên sông biển, tuy cả gia đình chỉ tập trung trên một chiếc thuyền nhỏ, nhưng trên thuyền người dân vạn chài vẫn dành một nơi trang trọng nhất để lập một bàn thờ tổ tiên.” ( PGS Trịnh Thị Minh Đức)
Từ kết quả khảo sát và nghiên cứu trường hợp tại làng Thạch Bích, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội , các đồng tác giả là PGS.TS. Trịnh Thị Minh Đức - Lưu Ngọc Thành trình bày về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong cộng đồng đồng bào theo đạo công giáo và đi đến kết luận:
“Tín ngưỡng thờ tổ tiên đã và sẽ tồn tại, có ảnh hưởng khá sâu sắc trong đời sống văn hóa của đồng bào theo đạo công giáo nói riêng và cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung ở hiện tại cũng như tương lai”.
2- Về Nghi lễ thờ cúng tổ tiên:
2.1- Nghi lễ thờ cúng tổ tiên nói chung và ở cấp độ gia đình nói tiêng
Hầu hết các bài viết đều đề cập đến nghi lễ, nghi thức thờ cúng Tổ tiên. Nghi thức phổ biến nhất của dạng thức văn hóa tâm l9inh đặc biệt này là việc lập bàn thờ gia tiên trong mỗi gia đình không phân biệt giàu nghèo, sự khác biệt về tôn giáo ( theo PHật giáo hay Thiên chúa giáo), không phân biệt về địa vị xã hội, không phân biệt về điều kiện cư trú :ở nông thôn hay thành thị và thậm chí ở trên thuyền tại các cộng đồng cư dân ngư nghiệp.
“Bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng được đặt ở nơi trang trọng nhất nhà, ở gian giữa hoặc nơi thoáng đãng, tôn nghiêm nhất. Người Việt quan niệm
trần sao âm vậy, cho nên họ thường cúng tổ tiên bằng hương, hoa, trà, rượu, các loại đồ ăn, đồ uống, đồ mặc, đồ dùng, vàng mã. Những đồ thờ như hương án với bát hương, đỉnh trầm, đài rượu, bình hoa, mâm bồng, chân đèn… đối với các gia đình người Việt, là những vật gia bảo thiêng liêng, dù nghèo khó mấy cũng không được bán, và nhà nào dù túng thiếu cũng cố sắm cho được một bàn thờ gia tiên tươm tất, đủ lệ bộ.” (
TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam
)
Nguyễn Thanh Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Thái Bình mô tả khá chi tiết các nghi thức của tín ngưỡng thờ tổ tiên trong các gia đình và dòng tộc ở khu vực đồng bằng Bắc bộ
Tác giả
Nguyễn Xuân Hương, Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Chi hội Đà Nẵng trong tham luận của mình đã trình bày tương đối chi tiết về tập tuch và nghi thức thờ cúng tổ tiên ( tiền hiền) của cộng đồng cư dân Quảng Nam- Đà Nẵng ở cấp độ gia đình và cộng đồng làng xã
TS. Đinh Văn Hạnh (Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh
“Tổ tiên ông bà là một trong những đối tượng tôn thờ chính của các tôn giáo nội sinh trên vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long. Trong quan niệm đạo lý, cách thức hành xử, lễ nghi tôn giáo, tổ tiên ông bà giữ một vị trí hết sức quan trọng, thậm chí có những tôn giáo xem tổ tiên ông bà là đối tượng trung tâm của sự tôn thờ. Từ đạo lý truyền thống phát triển thành giáo thuyết tôn giáo mà tổ tiên, ông bà trở thành đối tượng tín ngưỡng chính là đặc trưng cơ bản của tôn giáo nội sinh Đồng bằng sông Cửu Long.” giữ được tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống mà hơn thế đã nâng tinh thần đó thành giáo thuyết tôn giáo. hoàn toàn độc lập. Điểm giống nhau từ quan niệm cho đến thực hiện nghi lễ, vị trí của đối tượng tôn thờ trong cả ba tôn giáo nội sinh (Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Hòa Hảo) đó là tổ tiên, ông bà.
Tác gia Lê Thanh Tùng, Đại học Dân lập Hải Phòng :Nhìn chung, cư dân vạn chài Hải Phòng rất quan tâm đến việc báo hiếu tổ tiên. Thờ cúng tổ tiên của cư dân vạn chài cũng có thể nhận thấy cũng giống như người Việt trong đất liền. Nhưng có sự khác biệt về nhiều cách thờ cúng, nghi lễ, vật dâng cúng, nơi đặt bàn thờ. vẫn chọn cho bàn thờ ông bà tổ tiên một không gian trang trọng ngay trước mũi thuyền hoặc trong khoang thuyền trên buồng lái. Và cho rằng: việc thờ cúng tổ tiên của cư dân vạn chài ở Hải Phòng đã trở thành nét đẹp trong tín ngưỡng, văn hóa cư dân ven biển.
Không chỉ đề cấp đến nghi thức lập bàn thờ và các nghi lễ cúng giỗ tiền nhân, một số tác giả còn đi sâu về
tập tục chôn cất thể hiện cách ứng xử của người sống với người đã chết, Bài viết của
GS. TS. Tưởng Vi Văn ( Wi-vun Chiung,) Đại học Cheng Kung, Đài Loan và NCS. Thái Minh Đình (NCS. Ming-ting Cai)Đại học Tai Tung, Đài Loan đề cập đến Nghi thức bỏ mả của người Giarai ở Tây Nguyên qua các kế quả nghiên cứu khảo sát tại chỗ qua 3 giai đoạn : mai táng (burial)、chôn (funeral)、lễ hội (carnival), và đưa đến kết luận là mỗi một giai đoạn đều có ý nghĩa văn hóa và giá trị độc đáo riêng của nó.
TS. Phạm Lan Oanh, Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam tập trung trình bày về nghi lễ tạ mộ - về cách thức “
hiện thực hóa” mối quan hệ giữa người sống và người đã chết để khẳng định :
“nằm trong hệ thống tín ngưỡng đa thần, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên – trong đó có nghi lễ tạ mộ tổ tiên hằng năm đã trở thành truyền thống văn hoá Việt Nam”
2.2 Tín ngưỡng thờ Thờ Thành Hoàng ở cấp độ cộng đồng
“Cũng như thờ cúng tổ tiên, việc thờ cúng Thần hoàng ở Việt Nam vừa là tín ngưỡng vừa là đạo lý sống của hậu thế đối với bậc tiền bối có công với làng xóm, đất nước. Nếu như thờ cúng tổ tiên là một đạo lý sống thể hiện ý thức hướng về cội nguồn, "chim có tổ, người có tông" của gia đình, dòng họ, thì thờ cúng Thần hoàng cũng là tôn vinh các bậc tiền bối, luôn gắn kết và che chở cho dân làng, là gạch nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai” Làng xóm Việt Nam, nhất là của cộng đồng người Việt có cơ cấu thiết chế rất chặt chẽ, tuy có quan hệ với nhà nước trung ương, nhưng lại có tính độc lập tương đối. Mỗi làng có một phong cách, lối sống và tục lệ riêng và có vị Thần hoàng riêng của mình
( Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm)
Đối tượng thờ cúng tại cộng đồng là rất phong phú, đá dạng bao gồm thiên thần và nhân thần.
TS Trần Đình Hằng, Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế phân tích về một trong những đối tượng thờ cúng quan trọng của làng xã Việt tại khu vực Thừa thiên Huế là các vị Khai canh, những nhân thần có công lập làng và được suy tôn là Thành Hoàng. Những nội dung này không chỉ minh chứng cho một trong những đặc điểm của lịch sử văn hóa Việt Nam là sự
Việt hóa các yếu tố “ phi Việt” trong quá trình mở cõi mà còn chứng minh về hiệu quả của sự can thiệp của Nhà nước phong kiến thông qua việc ban sắc cho những đối tượng được thờ cúng của các cộng động làng xã ở Việt Nam.
Khái niệm tổ tiên và tục thờ cúng tổ tiên trong văn hóa Việt không chỉ dừng lại ở mối quan hệ huyết thống, gia đình, dòng họ, mà chúng còn được thể hiện trong cách nhìn về tiền nhân, về thần thánh và các lực lượng siêu nhiên nói chung, bởi vậy, người Việt còn có khái niệm quốc
tổ,
cha trời
mẹ đất, Thánh
Mẫu (đạo
Mẹ), Thánh
Cha
Trong tham luận của mình,
NCS. Trung Khả - Zhong Ke , Đại học Sư phạm Quảng Tây,Trung Quốc cung cấp những kết quả khảo sát thực địa lễ hội “Hà tiết” ở Vạn chủ vùng biển Trà Cổ, Quảng Ninh,Việt Nam, tưởng niệm 6 vị tổ tiên đến đây sớm nhất khai thôn lập ấp tại đây. 6 vị tổ tiên này được coi là nhân vật anh hùng mang lại hạnh phúc và may mắn cho mọi nhà. Sau đó, dần dần trở thành thần tiên trong con mắt và trái tim của mọi người được thờ phụng tại Đình Trà Cổ.
( đáng lưu ý là, ngoài 6 vị thần tổ là Minh Đại Vương, Không Lộ Giác Hải Đại Vương, Ngọc Sơn Trấn Hải Đại Vương, Quảng Trạch Đại Vương, Huyền Quốc Quân Đại Vương, Bạch Điểm Tước Đại Vương. đình Trà Cổ còn thờ phụng tướng quân Nguyễn Hữu Cầu lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân dưới triều Lê)
Xuất phát từ định đề :
“Làng xã Việt Bắc bộ trong chiều dài của lịch sử hàng ngàn năm gắn mình với nông nghiệp lúa nước, đã bảo lưu khá điển hình những tục lệ còn đậm chất nguyên sơ, phản ánh ước vọng phồn thực và an bình qua nhiều lễ thức thấm đẩm văn hóa văn minh Việt cổ.”Ong Nguyễn Hữu Thông
, Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế đã nghiên cứu phân tích về một khía cạnh chuyên biệt của đối tượng thờ cúng tại cộng đồng là dâm tục và dâm thần được tác giả cho là những dấu ấn tín ngưỡng bản địa của truyền thống Việt.
2.3 Tín ngưỡng thờ Quốc tổ Hùng Vương
Ở Việt Nam có ba
cộng đồng vốn từ xa xưa đã có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, đó là: gia đình, làng xã và quốc gia. Theo đó, tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên ở nước ta được thể hiện ở ba cấp độ chủ yếu:
Một là, thờ cha mẹ, ông bà đến ông tổ dòng họ theo huyết thống.
Hai là, thờ những ông tổ nghề, người có công khai phá vùng đất mới, dựng làng, lập ấp, đánh giặc cứu dân... đã được dân làng tôn vinh, thờ phụng là Thành hoàng.
Ba là, thờ Quốc Tổ Hùng Vương.
Rõ ràng là, xuất phát từ nhũng đặc điểm đia- chính trị và địa- văn hóa, trải qua hàng nghìn năm, ở Việt nam
tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên còn được “phát triển” thành tín ngưỡng thờ Quốc Tổ. Đây quả là hiện tượng hiếm có , nếu không nói là độc nhất, trên thế giới khi cả quốc gia dân tộc Việt Nam đã tự coi mình là
có chung một nguồn gốc ( đồng bào), rồi
lập nên một khu mộ Tổ chung và
đặt ra một ngày giỗ Tổ chung để thưc hành những nghi lễ thờ cúng và tưởng niệm Vua Hùng- vị Quốc Tổ chung của cả quốc gia dân tộc.( TQB)
Ông Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm thông báo : các văn bản Thần tích Hùng Vương hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và
Thần tích Hùng vương được biên soạn sớm nhất vào năm Hồng Đức nguyên niên (1470), do Hàn lâm viện trực học sĩ Nguyễn Cố soạn.
PGS TS Đặng Việt Bích cho rằng việc ông dựa vào những nội dung của 3 quyển sách là :
Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên,
Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh và Kiều Phú cũng đủ để ông đưa ra những nhận xét :…”việc thờ cúng Hùng Vương như quốc tổ chỉ có từ đời Hậu Lê - Lê Thánh Tông trở đi. Trước đó, có thể đền thờ Hùng Vương trên núi Nghĩa Lĩnh chỉ là nơi thờ tự của một làng. Nhưng vì sao là nơi thờ cúng của một làng mà lại được triều đình lựa chọn làm nơi tế lễ cho thủy tổ quốc gia thì cũng phải xem làng ấy và địa điểm thờ cúng của làng có điều gì khả thủ thì mới có thể trở thành nơi thờ cúng của triều đình”
2.4 Nhìn chung, những nghi thức và nghi lễ thực hành thờ cúng Tổ tiên, đặc biệt là việc tổ chức các lễ hội tại các không gian thờ cúng ở các vùng miền Bắc, Trung, Nam và ở các cấp độ gia đình, cộng đồng làng xã và quốc gia cũng được các tác giả mô tả khá kỹ trong các tham luận. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể rút ra những nhận định về nội dung, giá trị của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam nói chung và tại các cộng động cư dân nói riêng.
3-Về những giá trị lịch sử , văn hóa của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và Quốc Tổ Hùng Vương
3.1- Trên cơ sở phân tích những bản chất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tất cả các tác giả tham luận đều có những nhận xét, đánh giá thống nhất về những giá trị lịch sử, văn hóa của di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt này. Ví dụ như:
“Thờ cúng Tổ tiên ở Việt Nam là một tín ngưỡng có sức sống lâu bền, có gốc rễ sâu xa trong cộng đồng người Việt.Do đó , thờ cúng Tổ tiên là hiện tượng xã hội có tính phổ biến “(
PGS TS Nguyễn Đức Lữ, Hoc viện Chính trị quốc gia Hồ Chi Minh).
Hoặc, ...”
Thờ cúng tổ tiên là nghi thức mang hiệu quả đặc biệt trong việc giáo dục chữ Hiếu, chữ Nhân, chữ Lễ, chữ Tâm là những phẩm chất cần thiết nhất để con người có thể được xem là hoàn thiện trong nhân cách. Một trong những ảnh hưởng có thể kiểm chứng ngay của những người đã khuất đến thế giới hiện tại là góp phần điều chỉnh, giáo dục con người thông qua hành vi thờ tự.... ( PGS TS Nguyễn Văn Cương, ĐHVHHN)
TS Nguyễn Anh Tuấn, GĐ Bảo tàng Hùng Vương, Phú Thọ khẳng định đây là:” một giá trị văn hoá - một hằng số bất biến của giá trị nhân văn cao đẹp của mỗi người Việt Nam”
Ths. Bùi Thị Hoa, Phân viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết: xuất phát từ mối liên hệ mật thiết, gắn bó trên cơ sở huyết thống, mà quy định thành những
Đạo,
nghĩa cụ thể, như: đạo, nghĩa
cha – con; đạo, nghĩa
vợ - chồng; đạo nghĩa
anh – em. Trong các đạo ấy thì
Đạo Hiếu đễ xoay quanh mối quan hệ cha-con và anh-em trở thành một cái Đạo trung tâm chi phối đạo đức gia đình và mang đến cho gia đình những giá trị văn hoá-đạo đức căn bản nhất., tác giả còn phân tích :
Vào Nam Bộ, thờ cúng tổ tiên vẫn được xem là một phong tục được những người Việt nơi đây gìn giữ. Đó cũng là cách để họ không đánh mất mình, họ vẫn thấy có sự kết nối vô hình thiêng liêng nào đó với bản quán, ông bà tổ tiên nơi họ đã cất bước ra đi. Bởi thế, đối với người Nam Bộ, không phân biệt là giàu hay nghèo, trong nhà đều có hai thứ quan trọng là bàn thờ ông bà và bộ ván. Nơi trang trọng nhất trong gia đình là nơi đặt bàn thờ ông bà. Và,..” Từ chữ Hiếu đối với ông bà tổ tiên mình được mở rộng, mang thêm những sắc thái ý nghĩa mới mang tính cộng đồng, trở thành tấm lòng của người đi sau dành cho người đi trước, sự ngưỡng một đối với tiền nhân, các công thần có công với nước được thờ trong đình làng cho đến một tinh thần Hiếu đạo với ý thức thờ cúng
“người cùng một cội, “cùng một bọc trứng mà sinh ra” qua hình thức thờ Quốc tổ Hùng Vương. Hàng năm, ngày mùng 10 tháng 3, ngày giỗ tổ cũng được tổ chức hết sức trang trọng ở phương Nam”.
Ths
. Trần Văn Thục, Đại học Hùng Vương cho rằng :Giỗ Tổ Hùng Vương là “
hiện tượng lịch sử độc nhất vô nhị” mà không tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới, chỉ
duy nhất cả dân tộc Việt Nam có chung ngày giỗ Tổ.
“Điều đó cho thấy việc hướng về nguồn, về tổ tiên người Việt mà thờ phụng là rất rõ ràng, truyền từ đời này qua đời khác.”( Ths Hoàng Thị Hoa, GĐ Sở VHTTDL Bắc Giang)
TS Từ Thị Loan khẳng định: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Việc coi Hùng Vương là một ông Tổ chung đã củng cố tâm thức của các cộng đồng dân tộc - chúng ta là những người của chung một cội nguồn, có cùng một Tổ chung, được sinh ra từ cùng một bọc trứng, dân cả nước đều là anh em một nhà. Ý thức dân tộc đó đã trở thành nền tảng để hội tụ tinh thần đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh bách chiến bách thắng của dân tộc. Sức mạnh đó đã được củng cố và phát huy trong lịch sử chống ngoại xâm cũng như trong kiến thiết xây dựng đất nước khi hòa bình. Biểu tượng Hùng Vương đã trở thành chỗ dựa của niềm tin, thành điểm tựa cho sự đoàn kết quốc gia. “
3.2- Cùng với việc phân tích những chân giá trị của tín ngưỡng Thờ tổ tiên ở Việt Nam, các tác giả cũng đồng thời khẳng định về sức sống của tín ngưỡng này trong đời sống đương đại : “Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn được các triều đại phong kiến thừa nhận và thể chế hóa bằng pháp luật.” Tín ngưỡng thờ cúng ông Tổ dòng họ cũng đang được phục hồi. Các dòng họ đua nhau xây dựng và tu sửa từ đường, mồ mả tổ tiên, lập lại gia phả. Nhiều dòng họ cử người ra Bắc vào Nam sưu tập tài liệu, biên soạn gia phả để lưu truyền cho đời sau. ( Ths Lê Thế Vịnh, Sở VHTTDL PHú Yên). Đồng thời, xác định trách nhiệm của chúng ta là: “Trong bối cảnh xã hội có nhiều biến đổi, ....thì ý nghĩa tốt đẹp của sinh hoạt truyền thống này cần phải được khai thác trên nhiều góc độ hơn”
( PGS TS Nguyễn Văn Cương, ĐHVHHN)
Để góp phần tạo sự hoà nhập của những lễ hội truyền thống với những biến đổi của xã hội, đặc biệt là của xã hội hiện đại PGS TS Ngô Văn Doanh lấy trường hợp tết Songkran của Thái Lan làm đối tượng phân tích. Từ cội nguồn lịch sử, bản chất văn hóa và nội dung giá trị của lễ hội đặc biệt này, ông dẫn sự khẳng định sau đây của người Thái làm kết luân cho báo cáo của mình: “
những ngày lễ hội Songkram là khoảng thời gian khích lệ từng người phải sống và hành động sao cho đúng với vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Người có tuổi phải làm sao cho xứng đáng với sự tôn kính của những người ít tuổi hơn. Rồi thì, qua những ngày tết Songkran, tất cả trẻ em và những người trẻ có thể tiếp nhận và đánh giá những giá trị truyền thống của người Thái để rồi chọn ra cách tốt nhất để gìn giữ tết Songkran như một di sản văn hoá của người Thái”
Về phần mình, chúng tôi cho rằng, với những nội dung giá trị tinh thần không thể phủ nhận, tín ngưỡng thờ Quốc Tổ Hùng Vương nói riêng và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nói chung đã trở thành một trong những di sản văn hóa độc đáo của quốc gia dân tộc Việt Nam, một bộ phận hữu cơ của kho tàng di sản văn hóa nhân loại, xứng đáng được bảo vệ và phát huy giá trị.
3.3- Việc nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Hùng Vương còn góp phần vào việc xem xét những vấn đề về lịch sử, qua việc phân tích, giải mã những nội hàm của các yếu tố văn hóa dân gian thời cổ đại, GS. Chung Tông Hiến, Đại học Sư phạm Đài Bắc, Đài Loan cho rằng: “Từ chi tiết Long Quân dạy dân trồng trọt dệt vải,
nếu nói đây là kết quả của sự di cư dân tộc (dân tộc họ Khương hoặc dân tộc hán) có lẽ không chính xác bằng nói rằng đó là phản ánh lòng sùng kính Viêm Đế Thần Nông Thị của khu vực văn hóa nông nghiệp mà Long Quân dạy trồng lúa. Đó có lẽ là một trong những nguyên nhân để qui tổ Hùng Vương vào Viêm Đế Thần Nông.”
3.4- Việc nghiên cứu về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở VIệt Nam cũng đồng thời đưa ra nhũng kiến nghị về công tác quản lý văn hóa hiện nay. TS. Phạm Lan Oanh, Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam trong khi cho rằng: “nằm trong hệ thống tín ngưỡng đa thần, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên – trong đó có nghi lễ tạ mộ tổ tiên hằng năm đã trở thành truyền thống văn hoá Việt Nam vẫn đồng thời đưa ra lời cảnh báo: …”
dưới góc độ văn hóa xã hội, việc xây mộ và tạ mộ hiện nay đang đặt ra những bức xúc mà các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa bắt buộc phải nghĩ suy thấu đáo nhằm giúp các nhà quản lý làm tốt công việc của mình mà vẫn đáp ứng được nhu cầu tự thân của xã hội hiện đại.”
TS Trần Đình Hằng lưu ý khi nghiên cứu về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, cần gắn giá trị của truyền thống gia đình với quan niệm về“ Gia phong” của mỗi gia tộc và văn hóa gia đình.
4- Một vài vấn đề cần tiếp tục làm sáng rõ
Có một số vấn đề cần được thảo luận và thậm chí cần được tranh luận để tiếp tục làm rõ.Ví dụ như :
thờ cúng Tổ tiên là tín ngưỡng chứ không phải là tôn giáo.
Cho đến nay, khái niệm Thờ cúng Tổ tiên đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Một số người cho rằng, Thờ cúng Tổ tiên là một
phong tục, là luật tục ( dẫn theo Phan Kế Bính, Toan Ánh, GS Hà Đình Cầu) là
truyền thống ( văn kiện Đảng) là
đạo ( hiểu theo nghĩa
đạo làm người, là
cách thức, là
con dường chứ không phải là tôn giáo, GS Ngô Đức Thịnh ).
Bên cạnh đó, một số học giả trong nước và nước ngoài lại cho rằng thờ cúng Tổ tiên là “
một phong tục đã đựơc tôn giáo hóa, hoặc những hành vi có tính chất tôn giáo đựơc thế tục hóa để trở thành phong tục” và thậm chí có người còn coi đây là
tôn giáo bản địa, là quốc đạo!
Thờ cúng tổ tiên
không có những giáo lý thống nhất, cũng không có giáo hội với những phép tắc nghiêm ngặt như thường thấy các tôn giáo xưa và nay. Thoạt nhìn , có thể coi đó là tôn giáo,vì hầu hết các nhà đều có bàn thờ, đều làm những nghi thức thờ cúng trang trọng và thành kính, nghĩa là có những dấu hiệu của tôn giáo , nhưng đó chưa phải là tôn giáo hiểu theo nghĩa chặt chẽ của khái niệm này.
Một số vấn đề khác như niên đại 4000 năm của lịch sử quốc gia hoặc có hay
không có quan hệ Việt Mường như sự phủ nhận của PGS Đặng Việt Bích có lẽ cũng cần được trao đổi
Và, theo chúng tôi, cần xem xét kỹ hơn về những ảnh hưởng qua lại trong tiến trình tồn tại và phát triển của văn hóa dân gian khi luận giải về nguồn gốc Hùng Vương mà những vấn đề này lại là chủ đề chính yếu của các Tiểu ban khác và sẽ còn được tiếp tục nghiên cứu và trình bày ở những diễn đàn khác.
Do sự hạn chế khách quan và chủ quan, chắc chắn là những nội dung mà chúng tôi tổng thuật trên đây sẽ không tránh khỏi những khiếm khuyết tất yếu. Xin được lượng thứ.
Cuối cùng, thay mặt Ban Tổ chức, tôi bày tỏ sự đánh giá cao tâm huyết và trí tuệ của các tác giả trong nước và nước ngoài đã chuẩn bị công phu các tham luận gửi đến hội thảo quốc tế này, xin chân thành cảm ơn./.