Thượng thư Trương Công Hy (1727-1800)

20:44 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 1980

Thượng Thư Trương Công Hy (1727-1800) người làng Thanh Quýt (xưa là tổng Thanh Quýt, phủ Điện Bàn, Quảng  Nam). Ông đỗ Nhiêu học rồi Hương cống dưới triều chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Là thầy dạy của ấu chúa Nguyễn Phúc Dương, cùng thời với các thầy giáo Trương Văn Hiến, Trương Văn Hạnh, sau theo nhà Tây Sơn và được trọng dụng. Đến Triều Tây Sơn, ông được cử làm Tri phủ Điện Bàn (Thái Đức), Khâm sai Quảng  Nam  trấn rồi Hình bộ Thượng thư, truy phong Binh bộ Thượng thư (Quang Trung, Cảnh Thịnh). Ông có nhiều công lao trong sự nghiệp giúp nhà Tây Sơn thống nhất đất nước và là một vị quan nổi tiếng thanh liêm, được nhân dân ngưỡng mộ.
Lăng mộ của ông tại làng Thanh Quýt (nay là xã Điện Thắng Trung) đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh) và nay một lần nữa đang được trùng tu, lập hồ sơ đề nghị công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân của lịch sử và binh biến, tài liệu liên quan đến ông hầu như rất ít, nên việc tìm hiểu thân thế sự nghiệp của ông rất khó khăn.



Lăng mộ thương thư Trương Công Hy

Bằng xếp hạng di tích
 

Trương Công Hy, một nhà giáo tham chính
Theo gia phả, thượng thư Trương Công Hy là tổ đời thứ 7 của tộc Trương ở làng Thanh Quýt, Điện Bàn, Quảng Nam, hiện nay hậu duệ đã có 17 đời. Nếu tính theo các nhà dân tộc học, mỗi đời từ 20-25 năm, thì tổ tiên của ông vào Nam khoảng thời kỳ Nguyễn Hoàng vào trấn giữ phía nam Hoành Sơn lập ra xứ đàng Trong từ phủ Anh Đô, huyện Quang Hưng, xã Ba Viên thuộc thừa tuyên Nghệ An.
Do từ đường của tộc bị cháy và xây dựng lại năm Ất Mão 1915, nên nhiều tài liệu đã thất lạc. Qua truyền miệng từ các thế hệ trong tộc và một ít tư liệu còn lưu trữ trong tộc phả, ông thi đỗ kỳ Đệ tam (Nhiêu học) và Đệ tứ (Hương Cống) trong một kỳ thi dưới triều Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765). Với học vị này, được miễn sai thuế suốt đời, có thể ra kinh dạy học và được bổ làm tri huyện tri phủ.
Khi Tây Sơn cướp chính quyền ở Phú Xuân, xuất phát từ khẩu hiệu ban đầu “tôn phù Hoàng Tôn Dương” và nhận thức "Trẫm là kẻ áo vải đất Tây Sơn, không có một tấc đất, tự nghĩ mình tài đức không theo kịp cổ nhân mà đất đai rộng lớn như thế, nghĩ đến việc cai quản, lo sợ như cầm dây cương mục mà dong sáu ngựa", nên trong công cuộc xây dựng chính quyền mới, Quang Trung rất chú trọng "Cầu hiền tài". Đối với những nho sĩ, trí thức, kể cả quan lại trong chính quyền cũ có tài năng, trí tuệ, có nhiệt tình xây dựng đất nước, cả Nguyễn Nhạc và Quang Trung đều cố gắng thuyết phục và sử dụng họ vào bộ máy nhà nước mới, đặt họ ở những chức vụ cao tương xứng với tài năng, đức độ. Nhưng bên cạnh đó, với chính sách quản lý nghiêm minh, các quan lại đương thời đã hết lòng vì dân vì nước, sống thanh bần, mà Thượng thư Trương Công Hy là một dẫn chứng.
Theo lời kể trong dòng tộc, trước đó, Trương Công Hy và Trương Văn Hiến là các thầy dạy các ấu chúa Nguyễn ở Phú Xuân. Trương Văn Hạnh là một đại thần thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Cả ba đều có họ hàng với nhau. Năm Ất Dậu (1765) Võ Vương mất. Vì thế tử đã mất từ lâu, con lại còn quá nhỏ nên Võ Vương di chiếu lập người con thứ hai của Vương là Nguyễn Phúc Luận lên nối ngôi. Trong triều có người chuyên quyền, thông đồng lập di chiếu giả, lập người con thứ mười sáu của Võ Vương là Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi chúa. Thuần khi ấy mới có 12 tuổi. Các quan trong triều cúi đầu tuân mệnh. Riêng có Trương Văn Hạnh tỏ ý phản đối nên bị giết. Trương Văn Hiến sợ bị vạ lây bèn bỏ vào  Nam  và trở thành thầy dạy học của ba anh em Tây Sơn (Theo tài liệu trong sách Võ nhân Bình Định). Riêng Trương Công Hy, theo lời các hậu duệ kể lại, đã đưa ấu chúa Nguyễn Phúc Dương vào ẩn náu ở Hành cung Trường Định và sau đó về quê ẩn dật cho đến khi liên lạc được với Nguyễn Nhạc tại Hội An. Theo lời kể, thầy giáo Hiến là người đã có công tiến cử. Nhờ tài năng và đức độ, ông đã lần lượt thăng tiến lên các chức vụ như đã nói ở trên.
Theo tài liệu của nhà văn, nhà nghiên cứu Lê Khôi (không ghi rõ xuất xứ) cho biết: Ngày mồng 3 tết năm Ất Mùi 1775, tướng Hoàng Ngũ Phúc (nhà Trịnh đàng Ngoài) đêm quân đánh Phú Xuân. Chúa Nguyễn Phúc Thuần đưa gia quyến cùng quan quân chạy theo đường biển vào Quảng  Nam . Đáng lẽ ấu chúa Nguyễn Phúc Dương cũng đi theo, nhưng ông Trương Công Hy (là thầy dạy ấu chúa) lo sợ điều không hay, nên cùng bàn với các bạn đồng liêu đưa Phúc Dương theo đường Bạch Mã vào lánh nạn tại hành cung bên tả ngạn sông Câu Đê, phía Bắc Đà Nẵng. Sau đó, Trương Công Hy liên lạc với người thân tại Thanh Quýt giúp ông chăm sóc công tử Dương. Mặt khác tìm cách liên lạc với chúa Nguyễn Phúc Thuần, bấy giờ đang lánh nạn ở Sơn Trà. Ông cùng các đại thần Nguyễn Phước Tình, Nguyễn Phước Kính, Đỗ Thành Nhân làm sớ tâu lên chúa “Hoàng Tôn Dương là người hiền đức, trong ngoài đều ngưỡng vọng, xin sớm lập ngôi thế tử để mưu đồ việc khôi phục...”. Tuy không vừa lòng, Phúc Thuần cũng miễn cưỡng lập Phúc Dương làm Đông cung thế tử, giao việc trấn trị ở Quảng  Nam .

 



Câu đối trước lăng mộ

 
Cũng theo nhà văn Lê Khôi, khi Nguyễn Nhạc đem quân ra đánh chiếm Hội An, Trương Công Hy đã dùng kế sách thuyết phục Nguyễn Nhạc nên qui thuận Đông cung thế tử để thu phục nhân tâm. Nguyễn Nhạc thấy thư của Trương Công Hy lời lẽ có tình có lý, lại cũng muốn dùng Nguyễn Phúc Dương để giương cờ “Phù Nguyễn Diệt Trịnh”, bèn sai người đem lụa là, tặng phẩm đến làng Thanh Quýt để cảm tạ và mời Trương Công Hy ra gánh vác công việc. Trương Công Hy từ chối mọi tặng vật nhưng sau đó thuyết phục Nguyễn Nhạc gả con gái là Nguyễn Thị Thọ cho Đông cung thế tử và rồi đưa Phúc Dương lên ngôi chúa để thu phủ hào kiệt. Nhờ những kế sách đó, tháng 3 năm 1786, nhà Tây Sơn đã liên tiếp lập được những chiến thắng vang dội trước quân Trịnh lẫn quân của chúa Nguyễn ở phía nam. Đây cũng là lúc ông Trương Công Hy nhận ra nội tình chia rẽ của chúa Nguyễn và chính nghĩa của Tây Sơn đang được nhân dân ủng hộ. Ông nhận lời hợp tác và sau đó được bổ làm Tri phủ Điện Bàn. Đến đời Quang Trung (1789-1792) ông lần lượt được phong Khâm sai Quảng  Nam  trấn. Đời Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản được phong Thượng thư Bộ Hình, tước Thùy Ân Hầu. Năm 1798, khi về nghỉ hưu được truy tặng Binh bộ Thượng Thư.
Tài liệu chính sử thời Tây Sơn đã bị nhà Nguyễn đốt sạch. “Tại nhiều địa phương ngày nay đến một mảnh giấy, một mảnh bằng sắc thực sự của triều Tây Sơn cũng không còn” (Trần Văn Quý, Những tìm hiểu mới nhất về Triều Tây Sơn qua tư liệu Quỳ Hợp- tạp chí Khoa học Quân sự 2.1987), cho nên cuộc đời và sự nghiệp của Thượng Thư Trương Công Hy vẫn chỉ là những mảnh ghép chưa hoàn chỉnh. 
Thượng thư Trương Công Hy trong lòng dân
Tuy chính sử không ghi lại nhiều về triều đại Tây Sơn, nhiều tư liệu vào thời kỳ này đã được các nhà nghiên cứu tìm hiểu trong các gia phả của những nhân vật liên quan hoặc các câu chuyện kể.
Với trường hợp Thượng thư Trương Công Hy, văn tế nhân ngày húy kỵ của ông vẫn còn lưu lại trong hồ sơ gia tộc cùng những ghi chép khác sau đây cho thấy ông là vị quan có nhiều công trạng; đồng thời được nhân dân đương thời hết sức ngưỡng mộ nhờ đức thanh liêm:
Đoạn Tế văn sau đây, sưu tầm được trong tộc phả nhân ngày húy kỵ của ông từ hơn một trăm năm trước:
Hường Ân Thuận Hóa, Huệ trạch tài lương
Triều Thánh đế lịch đợi tuyên dương
Chánh đương Thượng thơ Hình bộ
Quyền sai Quảng  Nam  ngoại trấn
Khâm sai đại thần
Phụng thủ chưởng nhứt phương...
Cụ Tú Nguyễn Hữu Học ở Xóm Chay làng Thanh Quýt cách đây tròn thế kỷ cũng đã viết nhân ngày húy kỵ:
Nhớ người xưa, hiền từ phúc hậu
Cả cuộc đời trọn hiếu tận trung
Với cháu con rộng lượng bao dung
Với đất nước trọn đời chung thủy
Lộc lớn vua ban nhường cho dân chúng[1]
Cơ nghiệp người xây hiến cúng gia tiên[2]
Ôi tấm gương Cao tổ triết hiền
Đời thường nhắc, cháu con luôn ghi nhớ
Một nén hương dâng người thiên cổ
 Nguyện trọn đời theo gương sáng người treo.
Cụ Trương Hữu Y (hay Trương Công Y) hậu duệ đời 12 của Thượng thư  kể rằng từ nhỏ ông đã nghe truyền tụng: Khi phong trào Tây Sơn khởi nghĩa cần vương (Phù tôn Dương) được sự hưởng ứng tích cực của toàn dân đã có những câu:
Nghĩa kỳ dựng tại Tây Sơn
Tận trung báo quốc rửa hờn cho dân
                      (Ca dao)
 
Là một trí thức vốn bất bình trước chế độ cát cứ, đất nước bị rẻ phân, lòng dân ly tán, Thượng thư Trương Công Hy từng nuôi dưỡng khát  vọng:
Thùy phân thùy hợp mạc tri hà
Nam  Bắc tòng lai nhị nhất gia
(Ai chia ra, ai hợp lại không biết tự bao giờ/  Nam  bắc từ lâu vẫn một nhà)
Ông Y cũng kể rằng: Lễ tang của Thượng Thư Trương Công Hy thời đó kéo dài đến 1 tháng, dòng họ dựng rạp làm chay để dân chúng khắp nơi đến viếng. Làng lúc đó phải dựng lên một “Xích hậu” tức nhà khách ở đầu đường vào nhà quan Thượng cho dân chúng trọ lại khi đến viếng. Con đường từ Xích Hậu đến nhà thờ tộc Trương hiện nay vẫn được dân chúng gọi là Ngõ Quan Thượng.

 

 
Nhà lễ mới phục dựng trước lăng


Con đường mang tên Thượng thư Trương Công Hy

 
Bia đá tại lăng mộ ông được các con khắc:

 

 
NAM  CỐ[3]
Tuế thứ Canh Thân niên Mạnh Thu cốc nhật
HIỂN KHẢO ĐẶC TẤN VINH LỘC THƯỢNG ĐẠI PHU
HÌNH BỘ THƯỢNG THƠ, TẶNG BINH BỘ THƯỢNG THƠ

THỤY TỊNH CUNG TRƯƠNG QUÝ CÔNG CHI MỘ
Hiển tử: TRƯƠNG CÔNG HỘ, CƠ, TOẠI, TÚY, SIÊU, ĐỀ
 Đồng lập thạch
Trên lăng mộ xây dựng bằng đá vôi, ngoài hai linh vật là hai con nghê hầu chầu nay vẫn còn, còn có hai đôi câu đối ghi nhớ công đức to lớn của ông còn giữ lại sau hơn 2 thế kỷ:
Hạc phi Bắc lĩnh cơ sở tráng/ Long tụ Đông hoàn dẫn nguyên trường
(Theo nhà Hán Nôm Trương Quang Phúc dịch ý: Con chim Hạc bay ra núi Bắc làm cho cơ sở mạnh lên/ Rồng tụ về hướng Đông thì cội nguồn phát triển dài lâu)
 Và:
Chánh tích vạn niên thùy vũ trụ/ Nhân ân thiên tải dĩ tôn chi.
Ý là: Công trạng ngàn năm vẫn còn lại/ Ơn của người trời sẽ giữ lại cho cháu con
Sau hai thế kỷ, lăng mộ Thượng thư Trương Công Hy và uy linh của ông lại một lần nữa đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Lịch sử Đảng bộ xã Điện Thắng đã ghi lại: Trên cơ sở giá trị lịch sử to lớn của khu lăng mộ, Đảng bộ xã lúc đó 1969) đã bí mật cử người vào Sài Gòn để gặp hậu duệ đời 12 của Thượng thư là ông Trương Công Cừu, lúc này đã thôi chức Bộ trưởng Giáo dục nhưng là một Nghị sĩ có uy tín của quốc hội Sài Gòn. Ông Cừu đã tác động đến giới quân sự lúc đó ngưng tiến hành công trình xây dựng hàng rào điện tử phòng thủ Đà Nẵng bằng cách cày ủi ngang qua lăng mộ Thượng thư Trương Công Hy tại làng Thanh Quýt. Việc bảo vệ khu lăng mộ này đồng thời cũng là bảo vệ phong trào cách mạng đang lên ở vành đai Đà Nẵng rất quan trọng lúc đó (Theo bản thảo đánh máy Lịch sử Đảng bộ xã Điện Thắng).
 
 
                                                                                               
                                                                                                Trương Điện Thắng  -Đà Nẵng 2011
                                                       (Từ sách: Điện Bàn: Những nhân vật lịch sử trước 1945)
 
 
 
Một Di bút còn lại từ thời Tây Sơn
 
Trong nhiều tài liệu của gia tộc họ Trương Công tại làng Thanh Quýt, chúng tôi vừa tìm thấy có nhiều tài liệu quý giá viết bằng chữ Hán cách đây hơn 200 năm như các bản khai đất đai của quan Thượng thư Trương Công Hy do chính tay ông viết trong nhiều thời kỳ khác nhau, khi là Tri phủ Điện Bàn, khi là Trấn thủ Quảng Nam trấn, khi là Khâm sai đại thần Hình bộ Thượng Thư dưới các triều đại nhà Tây Sơn. Chữ ông viết trên giấy dó với nét cứng cáp tự tin, nét chữ đá lên mạnh mẽ khác với nét chữ của 5 người con trai của ông (cũng khai đất đai vào thời vua Gia Long sau đó). Sau đây là các bản phiên âm tờ khai đất đai vào năm Thái Đức bát niên, ngày 24 tháng 8 với chữ ký, gồm 6 trang, có ấn và các dấu kiềm rải rác trên văn bản.



Tờ khai đất của Tri phủ Điện Bàn


Tờ khai đất của Thượng thư Trương Công Hy

 
 
1- CÁC BẢN KHAI ĐẤT ĐAI KHI LÀM TRI PHỦ ĐIỆN BÀN
-Tờ 1:
“Điện Bàn phủ, Diên Khánh huyện, phụ điền thổ Thanh Quýt xã, Tri phủ Thùy Ân tử Trương Công Hy.
“Thân khai
“Nhứt thừa khai do tư hữu từ truyền kế điện nhị phủ các huyện thuộc tổng xã thôn phỏng thần dân đẳng cứ khai công tư điền thổ thực trang nhứt nhị tam đẳng cập lưu hoang, phế canh tiên chiếm đẳng hạng đông tây tứ cận, thảng hữu điền đa thuế thiểu hứa tiên trưng giả đắc chi  tư thừa khai bỉ phân thiệt canh tư thổ tổ phụ lưu lai tại bổn xã địa bộ, khai thiệt vu thứ Thanh Loa xứ.
 “Tư thổ vô thuế dĩ hạ:
Do thử thổ tùng điền vô thuế.
-Nhứt sở thổ nhứt khoảnh tam cao điền tổ phụ hương hỏa lưu lai bỉ canh
Đông cận lão Luận thổ viên
Tây cận bỉ tư thổ viên.
Nam  cận lão Chánh tư điền
Bắc cận lão Nhiêu Khánh tư điền
Do thử thổ tùng điền vô thuế
-Nhứt sở thổ nhứt khoảnh nhị cao,
Trương Công Túy[4] nhứt cao, Trương Công Toại2 nhứt cao, do tổ phụ lưu lai bỉ canh thổ viên do hữu khế trác mại thất liểu.
Đông cận hương hỏa thổ tịnh Nhiêu Khánh tư thổ, Tây cận Giáp Hưu tư thổ, Nam cận bổn tộc thổ viên, Bắc cận mẹ Vú tư điền thiệt canh
Do thử thổ tùng điền vô thuế
-Nhứt sở thổ nhứt khoảnh nhị cao Trương Công Hộ5 dụng hộ do tổ phụ lưu lai hứa bỉ canh, do hữu khế trác mại thất liểu.
Đông cận  lão Toản, lão Thạnh tư điền thiệt canh.
 Tây cận lão Toản, lão Ất thập tứ bài tư thổ
Nam  cận lão Hưng tư điền phế canh
Bắc cận lão Toản tư thổ, do thử thổ tùng điền vô thuế
-Nhứt sở thổ nhứt khoảnh nhứt cao do tổ phụ lưu lai hứa canh Trương Công Cơ2  do hữu khế trác thất liểu,
Đông Cận Nhiêu Khánh tư thổ
Tây cận lão Vĩnh tư thổ
Nam  Cận Nhiêu Khánh tư thổ
-Nhứt sở thổ nhứt khoảnh nhứt cao do bỉ tạo trí hữu khế, do thử thổ tùng điền vô thuế (Trương) Công Hộ  đối kỵ công (mất hai chữ)
Đông cận lão Đôn tư thổ
Tây cận lão Hưng tư thổ
Nam  cận Cha Tán tư thổ
Bắc cận lão Chánh tư thổ
 
Lệ Thủy xứ:
-Nhất thổ tư thổ khư ( bỏ trống) nhứt khoảnh tứ cao do hoang phế tiên chiếm.
Đông cận tư điền, Tây cận tư điền,  Nam  Bắc cận tư điền.
 
Dĩ thượng hữu tự chỉ nhị trương tịnh dĩ khai báo tường tận quả như đương nội tịnh thiệt hựu biên bỉ canh tư thổ đa gian khai thiểu cập ẩn phế ngoại lậu tự nhứt xích dĩ thượng cam thọ gia tài nhập quan, tái thọ tử tội tư biện.                    
 
    PHÓ CHẤP BẰNG
                            PHỤ CHÁNH
          Thái Đức bát niên, bát ngoạt nhị thập tứ nhựt
          Thân đơn khai Tri phủ Trương Công Hy ký
 
Tờ 2:
  Điện Bàn phủ, Diên Khánh huyện, Đông An xã, bổn thổ Tri phủ Thùy Ân tử Trương Công Hy.

Thân kê:
-Nhứt thừa khai do thần hữu tạo mãi tư thổ viên trạch tại địa phận Đông An xã, liệt kê vu thứ:

Bến Giá xứ:
-Nhứt sở tư thổ trạch nhứt khoảnh nhứt cao do tiền Trùm Hòa bổn tộc mại đoạn hứa thần hữu khế bị thất liễu
Đông Cận lộ tịnh Khách Hựu thổ trạch
Tây cận tiền Thầy Chiểu thổ trạch
Nam  cận mụ Thủ Thanh thổ trạch
Dĩ thượng hữu tự chỉ nhứt trương tịnh khai báo tường tận qua như đơn nội, nhược thử thổ đa gian khai thuộc thiểu hậu chỉnh đạc lai tự nhứt xích dĩ thượng cam thọ gia tài một nhập quan tái thọ tử hình tư biên.                          
 

   PHÓ CHẤP BẰNG

 
                                   PHỤ CHÁNH
           Thái Đức Bát niên, bát ngoạt nhị thập cửu nhựt
           Thân khai Tri phủ Thùy ân Tử Trương Công Hy ký.
 
BẢN KHAI ĐẤT KHI LÀM KHÂM SAI QUẢNG  NAM  TRẤN VÀ HÌNH BỘ THƯỢNG THƯ
 
 
Bản viết tay của Thượng Thư Trương Công Hy năm Cảnh Thịnh ngũ niên (1798), trước khi mất hai năm ( cụ mất năm 1800).
Điện Bàn phủ, Diên Phước huyện, Thanh Quýt trung tổng, Thanh Quýt xã, Khâm sai Quảng Nam trấn, Hình bộ Thương thư Thùy Ân Hầu
Kê:
Tỵ văn thân giả nải thân chi, chi tử giả ly, ngô chi lý lạc ngã quan chi ngũ..., giả vô phụ quách chi điền.
Tuy ngô thọ thiên niên, khởi tẩy đông phương chi tủy, sở hữu tiền phụ mẫu di lai điền thổ kỷ mẫu tắc phụng định tiên nhơn, hương hỏa nhứt tắt quân phân. Chúng tử dĩ phân cập (mất chữ)tuyệt tự bất thất, cung tang kính tử. Cụ hữu (mất chữ) xứ sở tịnh liệt du thứ. Thanh ly xứ tư điền:
....
 
(Phần giữa ghi rõ diện tích đất vườn, đất ruộng cho 5 người con trai, đất để lại làm nhà thờ tộc phái...)
Cọng tư thổ các sở: nhứt mẫu, tam cao, cửu xích
Cảnh Thịnh ngũ niên
(mất ba chữ) thành tự ký.
 
NHẬN XÉT
 
Căn cứ vào các tài liệu do chính Thượng thư Trương Công Hy viết nêu trên, ta có thể thấy:
1-       Việc kê khai ruộng đất của các quan chức dưới thời Tây Sơn khá chặt chẽ, chính xác. Các bản khai đều cam đoan không thiếu, không dư. Man khai sẽ bị thu hồi và bị án tử hình nếu tái phạm.
2-       Sau khi về nghỉ hưu, gia sản của một vị Thượng thư chỉ có một mẫu, ba sào, chín thước đất từ thổ do ông bà cha mẹ để lại để chia cho 5 người con và dành diện tích thỏa đáng để xây dựng nhà từ đường của tộc.
3-       Đất (cả hương hỏa và tư điền tư thổ) của ông hồi đó đều không chịu thuế, do ông từng đỗ Nhiêu học ( đệ Tam khóa) và Hương Cống ( Đệ tứ Khóa) thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát nên được miễn thuế,  theo chính sách khuyến khích nhân tài lúc đó.
*(Hai bản dịch này do cụ Trương Công Y (đời thứ 12) để lại cho cụ Trương Công Cầu và bản sau do cụ Nguyễn Hữu Cơ người làng Thanh Quýt phiên âm ngày 6.6.2010.
 
 


[1] Theo truyền miệng từ xưa, ruộng công thần của ngài bao trùm cánh đồng Lai Nghi- Phú Chiêm thuộc huyện Điện Bàn, ngài đã giao lại cho dân hai xã canh tác, không nhận bất cứ một huê lợi nào. Chúng tôi đi điền dã tại làng Thanh Chiêm năm 1998 với nhà dân tộc học Nguyễn Tùng ( Trung tâm quốc gia nghiên cứu Khoa học Pháp) cũng đã nghe những người lớn tuổi tại đây gọi cánh đồng trên là “Đồng quan Thượng”
[2] Nhà vườn cơ ngơi  của ngài hiến cúng cho gia tộc làm nhà Từ đường lưu truyền mãi đến hôm nay.
[3] Từ câu cổ văn: Cố lão danh thần giai triệu dụng.
[4] , 2 Tên những người con trai của Thượng Thư Trương Công Hy
[5] dụng hộ do tổ phụ lưu lai hứa bỉ canh, do hữu khế trác mại thất liểu.

Những tin cũ hơn

Thái sư, Tuy Thạnh Quận công Trương Đăng Quế

Thái sư, Tuy Thạnh Quận công Trương Đăng Quế

— 25 Tháng Năm 2017

Cổng thông tin điện tử Họ Trương Việt nam xin trân trọng gửi đến quý đọc giả và những người đồng tộc Trương cuốn tài liệu về Thái sư Tuy Thanh Quận công Trương Đăng Quế của tác giả Trương Quang Cảm là hậu duệ đời thứ năm của Thái sư Trương Đăng Quế.

Anh hùng Trương Định phất cao ngọn cờ khởi nghĩa chống Pháp

Anh hùng Trương Định phất cao ngọn cờ khởi nghĩa chống Pháp

— 25 Tháng Năm 2017

Ngay từ khi thực dân Pháp tiến công đánh chiếm Đà Nẵng (1858) rồi đến Gia Định (2 – 1959) và sau đó đách chiếm các tỉnh Nam bộ, trong đó có Định Tường thì các cuộc khởi nghĩa của nhân dân nổi dậy khắp nơi chống lại kẻ thù chung của dân tộc. Trong các cuộc khởi nghĩa ấy đặc biệt có cuộc khởi nghĩa của anh hùng Trương Định khởi xướng đầu tiên làm cho Thực dân Pháp vô cùng khốn đốn, gặp nhiều tổn thất nặng nề.

Người họ Trương nổi tiếng khoa bảng thời Trần

Người họ Trương nổi tiếng khoa bảng thời Trần

— 25 Tháng Năm 2017

Căn cứ vào “Đại Việt sử ký toàn thư” và một số thư tịch (gia phả, thần phả, văn bia...) thời Trần dòng họ Trương có sự thăng hoa rực rỡ về đường học hành thi cử. Trong các kỳ thi Đình, họ Trương đã có 4 người đỗ đạt cao (2 Trạng nguyên, 1 Thám hoa, 1 Tiến sĩ) và đều giữ trọng trách đặc biệt trong triều chính (Hàn lâm học sĩ, Thượng thư, Ngự sử đại phu):

Cụ bà Trương Thị Nghiêm 1923-1999 - Thân mẫu của Phó Chủ tich nước Nguyễn Thị Doan

Cụ bà Trương Thị Nghiêm 1923-1999 - Thân mẫu của Phó Chủ tich nước Nguyễn Thị Doan

— 25 Tháng Năm 2017

Cụ bà Trương Thị Nghiêm ( ở quê nhà còn gọi là bà Trương Thị Nhiêm), sinh năm 1923 ở Đồng Lâu, Đạo Lý, Lý Nhân, Hà Nam. Chồng của cụ là cụ ông Nguyễn Hữu Duyên ở Trẹm Khê, Tân Lý (nay là xã Chân Lý), Lý Nhân, Hà Nam., nguyên là Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Tân Lý. Là liệt sỹ cách mạng, hy sinh năm 1950.

Trương Quang Trọng (1906- 1931) và

Trương Quang Trọng (1906- 1931) và "cuộc đấu tranh lưu huyết” ở ngục Kon Tum

— 25 Tháng Năm 2017

Trương Quang Trọng sinh năm 1906 tại làng Phú Nhơn, nay thuộc thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Đầu thập niên 20 thế kỷ XX, Trương Quang Trọng ra Huế học ban Thành chung, rồi cùng một số bạn học cùng chí hướng thành lập Hội học sinh Ái hữu Trung Kỳ, có xu hướng tiến bộ, yêu nước.