Thơ tình Trương Hòa Bình, dung dị và lãng mạn

19:25 - 11/09/2021 Tin tổng hợp Admin 2704

Thơ Trương Hoà Bình đa diện. Đó là những bài thơ thuộc dòng thơ ca cách mạng mang nhiều cảm hứng công dân và đậm những cảm xúc tráng ca. Đó là những bài thơ tình nhiều cung bậc. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ nói về phần lãng mạn trong hồn thơ của nhà lãnh đạo cao cấp, người chiến sĩ cách mạng này.

Hẳn rất nhiều người phải ngạc nhiên khi lần đầu đọc những bài thơ tình trong tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi” của Nhà thơ Trương Hòa Bình. Đọc thơ tình của ông, tôi tìm thấy có cả chất đắm say, chất lãng mạn cách mạng cũng như sự dung dị của một người trai Nam bộ.

Thơ tình Trương Hòa Bình, dung dị và lãng mạn ảnh 1

Nhà thơ Trương Hòa Bình

Mỗi bài thơ tình của nhà thơ đất Long An ấy không hề bị áp đặt bởi những lời lẽ đao to búa lớn, thể hiện một khía cạnh độc đáo trong tâm hồn của một chính khách, một chiến sĩ cách mạng từng vào sinh ra tử. Đó chính là những vần thơ thi vị, đầy say mê, thổn thức rất đời của một con người bình thường trong tâm hồn thơ nhạy cảm. Thơ tình của Trương Hòa Bình lúc nào cũng như những ngọn gió đam mê Không - Khi - Nào - Ngừng - Thổi trên bờ sông Vàm Cỏ quê hương ông.

Thơ tình Trương Hòa Bình, dung dị và lãng mạn ảnh 2

Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng vợ

“Những ngọn gió đam mê ấy” - Nhà thơ để ở phần cuối của tập thơ. Những câu thơ tình chân lành như lời kể chuyện, nó cũng vừa lạ vừa quen, vừa khiến người ta ngạc nhiên và thích thú, mà có lẽ thời trai trẻ nhà thơ cũng là một chàng trai đầy lãng mạn, thi vị.

Thì đây, cái cảm xúc của một chàng trai trẻ đang hừng sực sức sống và say mê của tuổi 20 ngày đó nay soi lại vẫn nhiệt huyết trong trái tim của một người đàn ông sắp tới tuổi thất thập mà ông gọi đó là mộng du:

“Như kẻ mộng du tìm chi không biết/Kìa đảo hoang bỗng hiện trước ta/Chốn thiên nhiên tâm hồn cởi mở/Ta phanh áo để ngực trần đón gió/Gió lại về quấn quýt bên ta”

​(Gió)

Những cảm xúc của thời trai trẻ lại ùa về với những đắm say, không có chỗ cho những oán thán, hận thù mà chỉ có tình - yêu - cuộc - sống.

Và người lính cách mạng ấy vô cùng nồng nàn trong tình yêu:

“Quá kiều diễm làm hồn ta say đắm/Ta hạnh phúc nhìn em lẳng lặng/Lời tự tình nồng ấm yêu thương/Nào ngờ đâu là ảo mộng nghê thường”

​​​​​​​​(Gió)

Những vần này của ông có chút ảnh hưởng của lối thơ Mới từ các thi sĩ đầu thế kỷ 20 như Xuân Diệu, Huy Cận, Đoàn Phú Tứ với Hàn Mặc Tử… Tuy nhiên, chất Nam bộ trong ông nhanh chóng bộc lộ khi cái si tình được thể hiện ra đậm hương dân dã:

“Cây xuân muộn trổ vàng bông/Nụ tầm xuân cũng đèo bòng nở hoa”

(Hoa mù u)

Có một thời Mỹ - Ngụy tuyên truyền rằng những người lính Việt Cộng “khô như ngói”, nhưng đọc thơ Trương Hòa Bình, ta ngỡ ngàng và thích thú. Rõ ràng thơ ông chắc chắn không phải là týp thơ tuyên truyền thô mộc. Là một chính khách, một người lính cách mạng, nhưng trong Thơ, ông chính là của một con người bình thường có tâm hồn đa cảm với cuộc sống với những kỷ niệm của một cuộc đời con người:

“Ai làm oanh yến xôn xao/Nghe hồn say đắm ngọt ngào chứa chan/Ngày xưa mình có vội vàng/Nụ hoa hồng nở nhẹ nhàng trong đêm”

(Kỷ niệm thời sinh viên Bách Khoa)

Yêu, thương, nhớ, đợi chờ, khắc khoải, tất cả đều có trong cung bậc cảm xúc của chạm ngõ tình đầu:

“Tay anh vụng dại chưa quen/Bao nhiêu khát vọng tìm em/ngỡ ngàng/Chợt cơn gió chướng thổi ngang/Cuộc tình khờ khạo em sang bên trời”

​​​​​​​​(Kỷ niệm)

Thơ tình Trương Hoà Bình hay khi nó thấm đẫm chất trải nghiệm:

“Ai người cám cảnh trốn tìm/Mộng du rồi cũng về miền nắng mưa/Chắt chiu mấy sợ tơ trưa/Cố nhân xe lại tình xưa lỡ làng”

​​​​​​​​(Cố nhân)

Nhưng đồ rằng đó chỉ là trải nghiệm nghệ thuật trong hồn thơ Trương Hòa Bình thôi bởi ông có một gia đình hạnh phúc với người vợ tào khang, dịu dàng luôn bên ông. Từ lúc chớm yêu, tới lúc “hai ta đã chung một nhà”; Từ khi ông hoạt động cách mạng tới lúc đã hòa bình, ông chỉ có mình bà và nhận ra chính bà là người đầu tiên và cũng là cuối cùng bước vào trái tim ông.

Bà là người tình, người vợ tri kỷ để ông dành tặng những dòng này:

“Đã qua rồi sóng gió/Hãy giữ vững niềm tin/Dù ngàn trùng xa cách/Chim ơi không cô đơn/Có cánh chim chờ đợi/Lòng chung thủy sắt son/Có ngọn lửa yêu thương/Mùa xuân xây tổ ấm”

​​​​​​​(Vỗ cánh chim bằng)

Và đây chính là bài thơ mà nhà thơ viết về chính mình - một người lính bao năm lăn lộn bao phương trời trở về bên người vợ mòn mỏi đợi chờ:

“Rồi bỗng một hôm nơi đầu xóm/Có người lặng lẽ bước chân đi/Về lại nhà xưa đang trống vắng/Nửa đời phiêu bạt cánh chim bồng”

(Thu thương nhớ)

Bà chính là cánh chim chờ đợi, sắt son chung thủy một đời với ông, mà cả đời ông:

“Đến khi mái đầu đã bạc/Anh càng hiểu rằng không thể thiếu em”

​​​​​​(Nhốt nắng)

Cần phải nói là Trương Hoà Bình có lối thơ mang cốt cách, lời nói chuyện chân thực mà ý nhị của con người Nam bộ: “Nếu anh thương thiệt thì trình mẹ cha”. Cái tính cách ấy khi kết hợp với lối lục bát khá nhuyễn thì thành những câu thơ gần chạm tới những chắt lọc dân gian như thế này:

“Thương cho con sáo bơ vơ/Qua sông Sáo đậu thẫn thờ Bậu ơi/Thuyền tình không bến chơi vơi/Thương hồ xuôi ngược cuộc đời lênh đênh”

(Vàm Cỏ - Phước Đông - Miền hạ Long An)

Nhưng nói gì thì nói, là một chiến sĩ cách mạng, một người lính, thơ tình của ông rốt cuộc vẫn vượt qua địa hạt riêng tư để hòa vào khung cảnh chung của quê hương đất nước. Chút hương tình đầu kín đáo thi vị cũng thổn thức tình quê:

“Tôi về xứ Năm Căn, Ngọc Hiển/Tình yêu em chắp cánh đầu đời/Em hôn tôi vị mặn bồi hồi/Hương biển quện mùi hương con gái”

​​​​​​​(Sông Trẹm)

Cho tới khi đã thành gia thất, những câu thơ thương nhớ ông gửi người vợ trẻ của mình cũng quện vào cùng nỗi nhớ quê hương Long An của ông:

“Anh đi em nhớ em mong/Thân cò lặn lội em trông anh về/Trùng phùng ngày ấy phu thê/Đò xưa bến cũ lời thề sắt son”

(Vàm Cỏ - Phước Đông - Miền hạ Long An)

Thơ tình Trương Hòa Bình, dung dị và lãng mạn ảnh 3

Nhà thơ Trương Hòa Bình trong một lần thị sát ở ĐBSCL

Thơ ông man mác như một bản đờn ca tài tử khiến người xa quê phải da diết khi nhớ về tuổi trẻ, tình yêu và quê hương. Trương Hòa Bình dành trọn tất cả tình yêu và sự thổn thức ấy trong miền thương nhớ đất Long An thân yêu của ông:

“ Trời xanh xanh thẳm khôn cùng/Một lời xa cách vạn trùng vẫn nghe/Ai ơi biển lúa hồn quê/Đất trời trải rộng nhớ về Long An/Một vùng Đồng Tháp minh mang/Quê hương miền Thượng gió ngàn nắng hanh”

(Láng Sen - Miền Thượng)

Thơ Trương Hòa Bình chính là miền kí ức đầy đam mê và cảm xúc của một người đàn ông Nam Bộ sau bao nhiêu năm xa quê, từ lúc mái đầu xanh tới lúc đã ngả bạc nay có thể được thong dong trở về với con sông quê hương mà ông vẫn hằng yêu, hằng thương và thổn thức, cất một điệu “Dạ cổ hoài lang” - Xề u liu cống xự xàng”.

Thơ tình Trương Hòa Bình, dung dị và lãng mạn ảnh 4

Nhà thơ Trương Hòa Bình - Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ vui thú với điền viên

Đọc thơ Trương Hòa Bình khiến người ta ngỡ ngàng nhận ra tuổi trẻ con người có thể qua đi nhưng tình yêu với cuộc sống, niềm khát vọng sống, khát vọng yêu trong con người luôn mãnh liệt. Ông già hiền lành đất Long An luôn mong mỏi được là “một mùa xuân nho nhỏ, được làm con chim hót, được làm một cành hoa, để nhập vào hòa ca, một nốt trầm xao xuyến”, để dành tặng cho cuộc đời mà ông đã từng sống và đáng sống.

Bởi suốt hơn 50 năm hoạt động cách mạng và cống hiến cho dân tộc, cuộc đời ông “Ngửa trông lên chẳng hổ với cao xanh/Cúi nhìn xuống không thẹn mình với đất” (Bàng Bá Lân).

(*) Nhà thơ Trương Hòa Bình - Nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.

Lê Hồng Sơn

Những tin cũ hơn

"Giáo sư quần đùi" Trương Nguyện Thành hướng dẫn bài tập thở giúp F0 tận dụng 90% chức năng phổi chưa được khai thác

— 02 Tháng Tám 2021

"Từ nền tảng kiến thức về khoa học thần kinh, tâm lý học, khoa học sức khỏe cùng với kinh nghiệm về Yoga, Khí công và Thái cực quyền, tôi bắt đầu kiến tạo những nguyên tắc hoạt động mới cho môn này và dùng chính mình làm thí nghiệm…". GS "quần đùi" Trương Nguyện Thành chia sẻ.

Trương Hán Siêu – Danh sĩ thời Trần - Người con đất Cố đô Hoa Lư lịch sử

Trương Hán Siêu – Danh sĩ thời Trần - Người con đất Cố đô Hoa Lư lịch sử

— 01 Tháng Bảy 2021

Tác phẩm “Trương Hán Siêu – Danh sĩ thời Trần – Người con đất Cố đô Hoa Lư lịch sử” sâu sắc hơn, cuốn hút hơn những tác phẩm khác viết về Trương Hán Siêu chính là góc nhìn đa chiều, gợi mở rất công tâm của tác giả.

Độc đáo một n𝚑à t𝚑ờ ở xứ Ng𝚑ệ t𝚑ờ c𝚑uпg 2 dòпg 𝚑ọ

Độc đáo một n𝚑à t𝚑ờ ở xứ Ng𝚑ệ t𝚑ờ c𝚑uпg 2 dòпg 𝚑ọ

— 02 Tháng Sáu 2021

Dòng họ nào cũng có nhà thờ để tưởng nhớ đến tổ tiên, nhà thờ thường thờ một dòng họ. Tuy nhiên, ở làng Mỹ Lý, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu có một nhà thờ lại thờ chung 2 dòng họ, đó là họ Trương và họ Đặng Công.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh – Ủy viên Đảng đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bà Trương Thị Ngọc Ánh – Ủy viên Đảng đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

— 24 Tháng Năm 2021

Ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị bầu cử số 2: Bà Trương Thị Ngọc Ánh - Ủy viên Đảng đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

HUYẾT MẠCH THỜI GIAN

HUYẾT MẠCH THỜI GIAN

— 05 Tháng Năm 2021

Ngày 21 tháng 4 năm 2021 ( ngày mùng 10 tháng 3 năm Tân Sửu ) hội đồng họ Trương Việt Nam tổ chức Đại lễ an vị, Điền hoàn long mạch từ đường họ Trương Việt Nam tại làng Đa Giá, thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình