"Giáo sư quần đùi" Trương Nguyện Thành hướng dẫn bài tập thở giúp F0 tận dụng 90% chức năng phổi chưa được khai thác

10:58 - 02/08/2021 Tin tổng hợp Trương Quốc Thông 7817

 

Tính từ 27/4 đến 6h ngày 1/8, cả nước có 150.060 ca mắc trong đó có 2.241 ca nhập cảnh và 147.819 ca mắc trong nước, ghi nhận ở 62 tỉnh thành. Đặc biệt, tại TP HCM số ca F0, F1 tăng nhanh chóng, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP đã ra quyết định cho các F0 không có triệu chứng tự cách ly tại nhà.

Ở nhà tự điều trị, nhiều người lo lắng về việc bảo vệ sức khỏe. Nhiều bác sĩ, chuyên gia đầu ngành đã sáng tạo bài tập vận động giúp các F0 phục hồi chức năng phổi, giữ sức khỏe chiến đấu với dịch bệnh.

Tuy không làm việc trong lĩnh vực y tế, nhưng thông qua quá trình tự nghiên cứu tài liệu, Giáo sư hóa học Trương Nguyện Thành (hay còn được gọi là Giáo sư "quần đùi") cũng đã sáng tạo Bài tập thể dục mind-body KiDao phối hợp bởi nhiều bộ môn thể thao khác nhau, giúp người khỏe lẫn người bệnh tăng cường sức khỏe. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS Trương Nguyện Thành để hiểu rõ hơn về bài tập này.

Clip tổng hợp 3 phần dài 20 phút của phương pháp KiDao do Giáo sư Trương Nguyện Thành sáng tạo.

Xin chào GS, được biết vừa qua trên kênh Youtube của ông đã chia sẻ phương pháp giúp các F0 tập thở dễ dàng hơn. Vậy cơ duyên hay xuất phát từ nguyên nhân nào mà ông sáng tạo ra phương pháp này?

Giáo sư hóa học Trương Nguyện Thành: Tháng 4/2020 ở tiểu bang Utah, Mỹ tôi tự cách ly trong phòng khách sạn nhỏ ở thành phố Salt Lake vì nhiễm COVID-19, tôi đã quan sát rất kỹ ảnh hưởng của virus lên sức khỏe của mình.

Vài ngày đầu, ngoài sốt cao, tôi cảm thấy hơi thở ngày càng khó. Nó đòi hỏi tôi phải ý thức hít mạnh như cơ thể đang đói oxy. Đây là lúc tôi nhận ra, COVID-19 rất khác với các bệnh cảm cúm.

Cổ họng tôi rất rát. Những cơn sốt cao đến và kéo dài. Khi bớt sốt, người tôi cảm thấy mất sức rõ rệt và hơi thở nặng nề hơn. Thêm nữa, những cơn ho có đờm và có độ bám khá lạ. Ở trong phòng một mình, cơ thể yếu đi và tôi cảm thấy lo lắng, nhưng biết rằng sợ hãi không giúp mình kháng bệnh.

Là người nghiên cứu khoa học, tôi tự tra cứu thông tin trên mạng về hệ thống hô hấp và cách não bộ con người điều khiển hơi thở. Một khám phá rất đáng ngạc nhiên, đó là dung tích trung bình bình thường mỗi lần hít vào thở ra của một người chỉ 500 mL không khí trong khi dung lượng tối đa mà phổi có thể sử dụng cho việc hít thở là 4.600 mL. Điều này có nghĩa, bình thường chúng ta chỉ sử dụng khoảng 10% chức năng của phổi.

Cái khó là não con người điều tiết hoạt động hít thở một cách tự động theo bản năng bởi hệ thần kinh thực vật. Chúng ta thường không biết khi nào mình hít vào hay thở ra. Do đó, khi virus công phá hệ hô hấp, ta mất dần khả năng sử dụng 10% đó của phổi và không biết phương án nào thay thế.

Nhưng chúng ta còn những 90% chức năng phổi chưa khai thác, tại sao không tìm cách tận dụng chúng để cơ thể biết cách nâng cao khả năng sử dụng phổi? Và nếu có bị COVID công phá hệ hô hấp thì khả năng vượt qua nguy kịch thiếu oxy cao hơn. Đây chính là một trong những mục tiêu của môn thể dục mind-body mà tôi bắt đầu có ý tưởng xây dựng từ lúc ấy.

Giáo sư quần đùi Trương Nguyện Thành hướng dẫn bài tập thở giúp F0 tận dụng 90% chức năng phổi chưa được khai thác - Ảnh 2.

Các động tác trong phương pháp KiDao là sự kết hợp giữa nhiều bộ môn khác nhau.

GS có thể chia sẻ kỹ hơn về phương pháp KiDao này không?

Giáo sư hóa học Trương Nguyện Thành: Từ nền tảng kiến thức về khoa học thần kinh, tâm lý học, khoa học sức khỏe cùng với kinh nghiệm về Yoga, Khí công và Thái cực quyền, tôi bắt đầu kiến tạo những nguyên tắc hoạt động mới cho môn này và dùng chính mình làm thí nghiệm.

Bài tập thể dục mind-body KiDao này đầy đủ có 4 phần, bao gồm: khởi động, các động tác thở, các động tác tập cơ phối hợp với thở, và các động tác thư giãn. Hiện tại tôi chỉ mới chia sẻ 3 phần trên kênh Youtube của mình. Dần dần tôi sẽ hoàn thiện.

Phần khởi động bao gồm 6 động tác làm ấm các cơ từ đầu đến chân; Phần tập thở thì môn thể dục này có một cách thở rất đặc thù: Trong một nhịp thở thì hai lần hít vào nhanh và mạnh bằng mũi rồi thở ra bằng miệng sâu và chậm, đến gần chót ho/khằng ép đẩy toàn bộ khí cặn trong phổi ra ngoài.

Với phương pháp thở này thì mỗi hơi sẽ đưa vào một lượng dung tích lớn hơn nhiều so với dung tích lưu thông trung bình chỉ 500 mL. Nói một cách khác phổi có khả năng lưu chuyển 4600 mL, nhưng con người bình thường chỉ lưu chuyển 500 mL mỗi lần thở. Hiện tại có bài tập thở đứng, ngồi, và nằm cho các điều kiện khác nhau của người tập. Tôi cũng có giới thiệu 10 động tác tập cơ phối hợp với hơi thở.

 

Sắp tới, tôi sẽ chia sẻ video tổng hợp 3 phần trên tổng cộng 20 phút cho mọi người tập. Sau đó, tôi sẽ chia sẻ vài động tác thư giãn cuối bài.

Vậy GS đã lấy mình làm thí nghiệm cho phương pháp này như thế nào?

Giáo sư hóa học Trương Nguyện Thành: Đầu tiên, tôi nằm trên giường, dùng tâm trí kiểm soát hơi thở, cố giữ hơi thở sâu và đều. Khi nào ngủ sẽ ngủ, còn khi thức thì kiểm soát hơi thở, hoặc làm một số động tác thể dục nhẹ để máu luân chuyển khắp người.

Hồi còn trẻ, tôi đọc một cuốn sách về Yoga. Trong sách có một câu tôi nhớ mãi: "Ai kiểm soát được hơi thở sẽ kiểm soát được cuộc sống". Do vậy, tôi không làm gì ngoài việc chăm sóc hơi thở, lắng nghe cơ thể mình khi tự cách ly.

Những ngày sau đó, ho vẫn còn nhưng giảm dần. Sau 10 ngày cách ly, tôi nhận kết quả âm tính và tự lái xe về nhà.

Trở về nhà, tôi tiếp tục nghiên cứu, phát triển phương pháp thở mới, tôi thấy sức khỏe tiến bộ rõ, cơ bắp dẻo dai và mạnh mẽ hơn, tinh thần và giấc ngủ cũng tốt hẳn lên. Sau một năm nghiên cứu và thí nghiệm, kết quả trên cá nhân thật sự ngoài tưởng tượng.

Ngoài bản thân mình ra, GS còn thử nghiệm thêm người nào khác không?

Giáo sư hóa học Trương Nguyện Thành: Đầu năm 2021, tôi thử nghiệm với hai người bạn lớn tuổi U70, U80 và gần đây với một phụ nữ 36 tuổi, chỉ sau một tháng tập thở mind-body, họ đều thừa nhận sức khỏe tiến triển rất tích cực. Hiện tại thì ba người này vẫn tập hàng ngày.

Phương pháp tập thở này dựa trên khoa học thần kinh. Ta dùng ý thức điều khiển hơi thở để tối ưu khả năng sử dụng chức năng của phổi qua việc tăng lượng không khí hít vào, tối ưu khả năng chuyển đổi chất ở phổi và từ đó giúp kích hoạt não bộ tốt hơn do tăng nồng độ oxy lên não.

Sự độc đáo thể hiện qua việc hít vào hai lần và thở ra hai lần trong một nhịp thay vì thông thường một lần hít vào và một lần thở ra mỗi nhịp. Phương pháp thở này có thể phối hợp với các động tác di chuyển cơ thể giúp cơ bắp ngày càng dẻo dai, linh hoạt, mạnh mẽ và săn chắc.

Tôi mới chia sẻ trên mạng các video hướng dẫn thở đứng, ngồi và nằm cũng như một số bài thể dục mà mọi người ở mọi lứa tuổi có thể tập tại nhà trong thời gian cách ly xã hội. Khi sức khỏe chúng ta tốt, hệ miễn dịch cũng tốt lên. Sau khi tôi chia sẻ các video thì một số người có phản hồi qua inbox, comments trên Facebook một số hiệu ứng tốt khi tập được 1 tuần.

Ngoài ra, một số người bạn bên nước ngoài của tôi sau khi áp dụng bài tập, khi đi tiêm vaccine COVID-19 về thì phản ứng rất nhẹ trong khi đa số bị sốt nhức đầu ít nhất hai ngày.

Ngoài ra, tinh thần sảng khoái và tràn đầy năng lượng sau khi tập; Áp suất máu hạ xuống sau khi tập. Sau 1 tuần, thắt lưng đã không còn đau như xưa nữa. Đấy là tín hiệu rất đáng mừng vì "tác phẩm" mình sáng tạo ra đã giúp ích được mọi người.

Với tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đang phức tạp như hiện nay, F0 và F1 tại TP HCM có triệu trứng nhẹ sẽ cách ly tại nhà. GS có đưa ra lời khuyên nào không?

Giáo sư hóa học Trương Nguyện Thành: Với tình hình dịch COVID-19 đang rất phức tạp, bạn có hai lựa chọn trong lúc cách ly xã hội ở nhà: Ngồi chờ ngày tiêm vaccine và tập thể dục - đặc biệt tập thở để tăng cường năng lực của phổi, từ đó tăng cường khả năng chống chọi nếu bị nhiễm virus.

Khi nhà nước đang triển khai các phương án nhằm chống COVID-19 lan rộng, tôi cho rằng việc tập trung cải thiện sức khỏe từng cá nhân là một "phương án chống dịch" tích cực, đỡ tốn kém và lành mạnh.

Khi tưởng như không thể làm gì, sống chậm giúp ta nhìn lại những điều thật sự quan trọng với mình và gia đình. Mình không chỉ sống cho mình mà còn cho những người xung quanh.

Xin cảm ơn GS!

 

Những tin cũ hơn

Trương Hán Siêu – Danh sĩ thời Trần - Người con đất Cố đô Hoa Lư lịch sử

Trương Hán Siêu – Danh sĩ thời Trần - Người con đất Cố đô Hoa Lư lịch sử

— 01 Tháng Bảy 2021

Tác phẩm “Trương Hán Siêu – Danh sĩ thời Trần – Người con đất Cố đô Hoa Lư lịch sử” sâu sắc hơn, cuốn hút hơn những tác phẩm khác viết về Trương Hán Siêu chính là góc nhìn đa chiều, gợi mở rất công tâm của tác giả.

Độc đáo một n𝚑à t𝚑ờ ở xứ Ng𝚑ệ t𝚑ờ c𝚑uпg 2 dòпg 𝚑ọ

Độc đáo một n𝚑à t𝚑ờ ở xứ Ng𝚑ệ t𝚑ờ c𝚑uпg 2 dòпg 𝚑ọ

— 02 Tháng Sáu 2021

Dòng họ nào cũng có nhà thờ để tưởng nhớ đến tổ tiên, nhà thờ thường thờ một dòng họ. Tuy nhiên, ở làng Mỹ Lý, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu có một nhà thờ lại thờ chung 2 dòng họ, đó là họ Trương và họ Đặng Công.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh – Ủy viên Đảng đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bà Trương Thị Ngọc Ánh – Ủy viên Đảng đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

— 24 Tháng Năm 2021

Ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị bầu cử số 2: Bà Trương Thị Ngọc Ánh - Ủy viên Đảng đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

HUYẾT MẠCH THỜI GIAN

HUYẾT MẠCH THỜI GIAN

— 05 Tháng Năm 2021

Ngày 21 tháng 4 năm 2021 ( ngày mùng 10 tháng 3 năm Tân Sửu ) hội đồng họ Trương Việt Nam tổ chức Đại lễ an vị, Điền hoàn long mạch từ đường họ Trương Việt Nam tại làng Đa Giá, thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình

Khánh thành và bàn giao nhà “đại đoàn kết” tại huyện Hà Trung

Khánh thành và bàn giao nhà “đại đoàn kết” tại huyện Hà Trung

— 26 Tháng Tư 2021

Ngày 16 tháng 4 năm 2021, Hội đồng họ Trương tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Hà Trung và các nhà hảo tâm là doanh nghiệp doanh nhân đã trao tiền hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho các gia đình chính sách, có điều kiện khó khăn tại địa phương.