Tạo sĩ họ Trương thời Lê – Trịnh và Nguyễn

23:40 - 21/05/2017 Người họ Trương Admin 3455

TRUONGTOC.VN - Tạo sĩ tương đương Tiến sĩ. Muốn đoạt chức Tạo sĩ (Tiến sĩ võ) phải trải qua hai kỳ là Sở cử và Bác cử. Sở cử: 3 năm/1 lần mở ở các Trấn và phải qua ba kỳ thi (Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam), thi đỗ thì gọi là Biền sinh. Tiếp đến hỏi về sách, mưu lược, trúng cách được phong là Học sinh (ngang bằng với Hương cống), chờ dự khoa Bác cử (cũng như thi Hội) ở kinh đô. Bác cử có vua ngự khán ở Diễn Võ đường xem các đấu thủ tranh tài.

Cuộc thi cũng trải qua 3 kỳ:

  • Kỳ đệ nhất: thi lý thuyết về binh pháp , giám khảo sẽ hỏi về 7 bộ binh thư (“Lục thao tam lược” của Thái Công, “Binh pháp” của Hoàng Thạch Công - Tôn Tử - Ngô Tử - Tư Mã, “Vấn đáp” của Uất Liêu Tử - Lý Vệ Công).
  • Kỳ đệ nhị:thi Thập bát ban võ nghệ (mười tám môn binh khí) nếu sở trường về món gì thì dùng để thi đấu vẫn hơn. Những môn thi bắt buộc trong khoa Bác cử ở những triều đại về sau đại để gồm:

Xách tạ: Mỗi quả tạ đúc bằng chì nặng 120 cân ta (Xưa, 1 cân có 16 lạng, tương đương với 1kg gồm 10 lạng ngày nay. Vậy quả tạ nặng khoảng 75 kg.). Hai tay xách hai quả bước đi 20 trượng (mỗi trượng 4m) đi đến đích là Ưu hạng. Đi được 16 trượng là Bình hạng. Đi được 12 trượng là Thứ hạng. Còn không đi được nổi tới 3 mức trên, bị chấm Liệt hạng, loại khỏi vòng thi ngay. Ngoài ra, nếu chỉ xách một quả tạ bằng một tay mà đi thì đoạn đường phải tăng lên gấp đôi.
Múa côn: Côn sắt nặng 30 cân, vừa đi vừa múa, nhảy, diễn một bài côn pháp có đủ Công, Thủ, Tả xung Hữu đột, Tiền Hậu tiến lui. Hết bài diễn, vượt ngoài 60 trượng là Ưu hạng, 50 trượng là Bình hạng, 40 trượng là Thứ hạng, không đạt là Liệt hạng.
Đánh sang: Sang là ngọn giáo dài 7 thước, 7 tấc (1 thước = 0.425m). Người đánh sang đứng cách bù nhìn 3 trượng, múa vài đường lấy đà rồi lao nhanh đến đâm vào rốn người đó. Đâm trúng mà xuyên suốt cả mũi giáo qua thân bù nhìn là Ưu hạng, chỉ cắm phập vào là Bình hạng,Trúng sượt qua là Thứ hạng, và dĩ nhiên… “trật lất” là Liệt hạng.
Bắn cung tên hoặc bắn súng hiệp: Ụ đất gắn bia bắn hình các vòng tròn đồng tâm.. Xạ thủ đứng cách xa 20 trượng 5 thước, bắn 6 phát. Hai phát trúng đích (Hồng tâm), một phát trúng vòng tròn của bia, 3 phát còn lại trúng ụ đất là Ưu hạng. Một phát trúng đích, một phát trúng vành tròn, 4 phát gim vào ụ đất là Bình hạng. Hai phát trúng vành tròn, 4 phát trúng ụ đất là Thứ hạng. Cuối cùng, tay nào bắn trượt cả 6 phát, hay bắn trúng đích một phát, còn 5 phát bay mất tiêu đều được phong hạng Liệt cả.
Ngoài ra, còn thi múa quyền, song đấu, tam đấu, múa đại đao, đấu kiếm… người đạt Ưu hạng tất cả các môn, đã mấp mé ngôi vị Tạo sĩ…

 

  • Kỳ đệ tam:Vào thi ở sân phủ Chúa (dưới thời Lê - Trịnh) hỏi sơ lược một bài văn sách. Còn về võ kinh (binh pháp, binh thư) cũng chỉ hỏi một số điều về phép dụng binh, xem giờ, kén ngày, coi thiên văn, xét địa lý…

Đến thời nhà Nguyễn, kỳ đệ tam của khoa Bác cử này (ngang với Đình thí bên văn) được lược bỏ dần, có lúc, người biết chữ thì vào thi, không biết chữ thì cũng được vào luôn. Qua khoa thi, người trúng cách và đạt loại Ưu các  bộ môn được phong là Tạo sĩ. Thường mỗi khoa thi tuyển chọn hơn 10 người gồm Tạo sĩ Ưu hạng, Tạo sĩ Trung hạng, Tạo sĩ Thứ trung…
Tạo sĩ được phong chánh lục phẩm - chức Võ uý. Ân điển dành cho Tạo sĩ cũng như bên văn: ban áo mão cờ biển, cho vinh quy. Còn những người chỉ trúng 2 kỳ, gọi là Tạo Toát, cho trật chánh Thất phẩm, trao chức phó võ uý.
 Chức tước võ ban cũng phân thành nhiều cấp:: Đô thống Nguyên soái, Tổng quản khu mật sứ, Khu mật tả hữu sứ, Kim Ngô thượng tướng, Đại tướng, Đô tướng.
Qua các nguồn  tư liệu (sử sách, phả hệ) sưu tầm được, hiện tôi mới có danh sách 7 Tạo sĩ thời Lê – Trịnh và Nguyễn như sau:
1/ Trương Thuyên
 Hậu duệ của Bình Ngô khai quốc công thần thời Lê Sơ: Trương Lôi – Trương Chiến.
Chú của Trương Tuân. Chú cháu đỗ cùng khoa.
Người thôn Như Quỳnh, xã Như Kinh, phủ Thuận An, huyện Gia Lâm, xứ Kinh Bắc; nay thuộc thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Đỗ Đồng Tạo sĩ ưu trúng hạng , khoa Đinh Sửu niên hiệu Cảnh Hưng 18 (1757) đời vua Lê Hiển Tông.Làm quan, chức Cai cơ.
2/ Trương Tuân (1736 - ?)
Hậu duệ của Bình Ngô khai quốc công thần thời Lê Sơ: Trương Lôi – Trương Chiến.
Cháu của Trương Thuyên. Chú cháu đỗ cùng khoa.
 Trương Tuân là con trai thứ hai của cụ Tả đô đốc Thái phó Cổn quận công Trương Khuông (1711 – 1784) và cụ bà chính thất Quỳnh Anh Thái trưởng Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cư.
Người thôn Như Quỳnh, xã Như Kinh, phủ Thuận An, huyện Gia Lâm, xứ Kinh Bắc.Nay thuộc thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Đỗ Đồng Tạo sĩ ưu trúng hạng, khoa Đinh Sửu niên hiệu Cảnh Hưng 18 (1757) đời vua Lê Hiển Tông . Giữ chức Đô đốc đồng tri,  được phong Thìn Trung Hầu, sau có công lớn lại được phong  Thìn Quận công, từng  làm quan trấn thủ Tuyên Quang,  Thanh Hóa, Sơn Nam Hạ và Kinh Bắc.
3/  Trương Đình Vệ
Người xã Vương Xá, huyện Cẩm Giàng, nay thuộc huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Đỗ Đồng Tạo sĩ ưu trúng hạng, khoa Ất Tị niên hiệu Cảnh Hưng 46 (1785) đời vua Lê Hiển Tông.
4/. Trương Tín
Đỗ Võ cử năm Thiệu Trị 6 (1845), triều Nguyễn
Làm quan đến chức Thiên hộ vệ Cẩm y.
5/ Trương Duy Nhượng
 Đỗ Võ Phó bảng khoa Mậu Thìn năm Tự Đức 21 (1868) triều Nguyễn.
6/. Trương Văn Hy
Đỗ Võ phó bảng Ân khoa Kỷ Tị năm Tự Đức 22 (1869), triều Nguyễn)
 7/ Trương Văn Chỉnh
Đỗ Võ phó bảng Ân khoa Kỷ Tỵ năm Tự Đức 22 (1869) triều Nguyễn.
 
BOX: Nếu trong gia phả của chi tộc Trương nào ở nước ta có ghi đầy đủ  tiểu sử 7 Tạo sĩ kể trên hoặc có tên các Tạo sĩ khác xin cung cấp bổ sung cho Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời được biết. Trân trọng cảm ơn sự quan tâm chia sẻ thông tin, tư liệu của các quý vị gần xa trong việc nối kết phả hệ.
 

 

Những tin cũ hơn

Tiến sĩ thời Lê sơ Trương Đức Quang: Vượt khó thành tài

Tiến sĩ thời Lê sơ Trương Đức Quang: Vượt khó thành tài

— 21 Tháng Năm 2017

Tiến sĩ Trương Đức Quang (1478 -?), người xã Ngọc Quyết, huyện Hoằng Hóa (nay thuộc thôn Chuế, xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), 24 tuổi đỗ Đệ Nhị Giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống năm thứ 5 (1502), thời vua Lê Hiến Tông. Ông là một trong 8 Tiến sĩ họ Trương Đại Việt đã được khắc tên tuổi trong số 82 bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám Thăng Long. Ông làm tới chức quan Đề hình Giám sát Ngự sử và từng được triều đình Lê Sơ cử đi sứ Nhà Minh (Trung Quốc).

Tướng công Trương Mỹ

Tướng công Trương Mỹ

— 21 Tháng Năm 2017

Tương truyền, từ đầu Công nguyên, hai ông bà Trương Nghiệp - Đào Thị Vĩ từ Ái Châu đến Bình Lao (trong đó có thôn Bảo Sài) lập nghiệp. Tại đây, ông bà sinh hạ một người con trai tên là Trương Mỹ, thiên tư dĩnh ngộ, trí tuệ tinh anh. Lớn lên học hành tấn tới, ham đọc sách, thích bắn cung. Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, Trương Mỹ đến Hái Môn Giang xin được đầu quân đánh giặc. Hai Bà phong Trương Mỹ làm Đô thống Nguyên soái đại tướng quân. Ông liền đem quan đi đánh Tô Định ở Bằng Châu, Tô Định đại bại, góp phần vào chiến công hiển hách thu lại 65 thành trì, non sông về một mối. Hai Bà cho Trương Mỹ 10 cân bạc, 100 tấm lụa. Trương Mỹ lạy tạ, xin về quê an hưởng thái bình. Ông mất ngày mồng 7 tháng 8 âm lịch. Trưng Nữ Vương đã phong "Thượng đẳng phúc thần", cho trang Bình Lao phụng thờ mãi mãi. Nay Trương Mỹ là thành hoàng, được thờ ở đình Bảo Sài.

Trương Quang Kim, người thừa kế và làm rạng danh trường phái “Vạn an- Võ kinh Trương tộc”

Trương Quang Kim, người thừa kế và làm rạng danh trường phái “Vạn an- Võ kinh Trương tộc”

— 21 Tháng Năm 2017

Trong những ngày tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Festival Huế vừa qua, từ những sự tình cờ rất đáng nhớ, qua sự giới thiệu và tận tình giúp đỡ của Ông Lê Tân, Tổng Giám đốc CT Phú Đạt Gia- một doanh nghiệp Du lịch có tiếng tại HUẾ, tôi đã có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với Võ sư Trương Quang Kim- một ngôi sao sáng giá trong làng võ thuật cổ truyền Việt Nam và thế giới, đồng thời là một lương y nổi tiếng trong việc sử dụng khí công để chữa bệnh.

PGS Trương Đăng Dung nhận huân chương của Tổng thống Hungary

PGS Trương Đăng Dung nhận huân chương của Tổng thống Hungary

— 21 Tháng Năm 2017

Ngày 5/4 tại nhà riêng Đại sứ Hunggary ở VN Vizi László đã diễn ra lễ công bố trao huân chương Chữ thập vàng của Tổng thống Hungary cho PGS.TS Trương Đăng Dung nhằm ghi nhận sự nghiệp truyền bá văn hóa Hungary của ông thông qua hoạt động văn học, dịch thuật. Huân chương Chữ thập vàng được Tổng thống Hungary trao tặng cho những cá nhân là công dân Hungary hoặc công dân các Quốc gia khác có đóng góp xuất sắc trong việc truyền bá, giao lưu văn hóa Hung với các nước.

Cố Trưởng lão Hòa Thượng Thích Trí Chơn- Trương Xuân Bình

Cố Trưởng lão Hòa Thượng Thích Trí Chơn- Trương Xuân Bình

— 21 Tháng Năm 2017

Khi vào trang chủ chualinhmu.com, tìm đọc tiểu sử của Hòa Thượng Thích Trí Chơn do chính Người ghi lại, chúng ta tìm thấy thông tin về thân thế của Hòa Thượng như sau: Thân phụ là cụ Ông Trương Xuân Quảng (mất năm 1945), nguyên quán làng Kim Thành, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; làm quan dưới thời Pháp thuộc, được bổ nhậm chức Kiểm học tỉnh Bình Thuận (1933 – 1939), và Đốc học tỉnh Quảng Ngãi (1939 - !945). Thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Nữ Quyên (mất năm 1958), người làng Bích Trâm, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.