Những “phép mầu” của danh thủ Trương Tấn Bửu

19:26 - 20/05/2017 Người họ Trương Admin 11402

Ông Trương Tấn Bửu được coi là “đại thụ” của bóng đá Việt Nam. Ông đã được FIFA tặng thưởng Huân chương Công trạng nhân kỷ niệm 100 năm thành lập tổ chức này.

Ở tuổi 15-16, với thân hình cao lớn, có kỹ thuật tốt, khoảng năm 1930, cầu thủ trẻ Trương Tấn Bửu đã nổi bật trong nhóm Enfants de Troupe. Chưa đầy 20 tuổi, ông đã đá cho Ngôi sao Gia Định - một đội được xếp hàng đầu đương thời của Sài Gòn, sau đó là các đội nổi tiếng Auto Hall, Stade Militaire...và được gọi vào đội tuyển Nam Kỳ.

Ông đá trung vệ, vóc dáng cao to, tranh cướp bóng quyết liệt và hiệu quả. Trong nước, trước các đối thủ Tây trắng, Tây đen ông sẵn sàng đua tranh ngang phân về tầm cao và sức mạnh. Ra nước ngoài, các trung phong giỏi của Nam Hoa như Dương Thuỷ ích và đặc biệt là Lý Huệ Đường (người được tôn vinh là “túc cầu đại vương”) cũng phải thán phục ông.

Báo giới thời đó suy tôn ông là “trung ứng vách sắt” và đánh giá ông trội hơn các trung ứng (tên gọi hậu vệ dập thời đó) nổi tiếng của Đại lục cùng thời như Mạch Thiện Hán, Lưu Khánh Tài.

Làm nhiệm vụ phòng thủ là chính, nhưng ông luôn “bao sân”. Khi có bóng, ông chủ động vọt lên tổ chức tấn công bằng những đường chuyền cực kỳ lợi hại. Bên cạnh những quả chuyền ngắn thông thường, ông đá được bóng đi xa bằng những quả “chặt” chỉ riêng ông có. Khi muốn đổi cánh xa và sâu, ông “chặt” mạnh vào bóng, đoạn đầu bóng bay căng và nhanh, đến hết tầm, ở đoạn cầu vồng xuống, bóng xoáy ngược lại và hãm dần tốc độ, rất dễ cho đồng đội nhận bóng hoặc sút ngay.

Khi ở đội tuyển Nam Kỳ, nhờ cú “chặt” tuyệt vời này mà các mũi nhọn như tả biên Hoà (Vĩnh Long) hoặc Quang (hộ công, quê ở Thủ Dầu Một) có thêm những cơ hội ngàn vàng để làm tung lưới đối phương.

Khi đá cho Thể Công, cú “chặt” này ông dành cho góc trái Huỳnh Văn Len. Ông Len cứ đứng tận sát đường biên dọc phía trái có vẻ như không tham gia cuộc chơi, chờ khi ông Bửu kéo bóng về nửa sân bên phải, vung chân lên “chặt” thì lập tức mở máy chạy chéo vào vùng hẹn trước, đến đúng tầm là vung chân chiêu giáng một nhát hết cỡ theo hướng cầu môn chẳng cần chỉnh bóng. Mỗi lần như thế, nếu không thành bàn thì thủ môn đội bạn cũng lao đao, hú vía.

Trương Tấn Nghĩa – con trai ông, khi đá cùng đội hình với cha mình cũng thuộc làu miếng tủ này, luôn lao tới đúng lúc và “bắt vô lê” luôn rất chính xác. Sau những bàn thắng đó, khán giả càng thêm kính nể và câu nói cửa miệng “hổ phụ sinh hổ tử” lại được truyền tụng.

Cú sút của ông cũng rất dữ dội. Những cú sút cách cầu môn 18-20m khi trúng xà làm rung chuyển mạnh khung thành. Năm 1957, đội tuyển Việt Nam sang thi đấu ở Phnom Pênh, có người đã kể cho chúng tôi chuyện trước năm 1945, một lần sang thi đấu, ông Bửu đã lên sút một quả bóng trúng bụng thủ môn Campuchia khiến anh này bất tỉnh phải khiêng ra sân.

Quả đánh đầu của ông cũng rất độc đáo. Ông nhảy lên cao dùng trán mổ “gật” xuống bóng, rất đẹp mắt và có ý định rõ ràng. Những lần như vậy, khán giả sành điệu lại tán thưởng: “Thế mới là cú tết (tête) chứ !”. Nhưng cũng vì cú “gật” này mà một lần ông bị thương nặng.

Đó là vào năm 1942, đội của ông thi đấu với đội Vĩnh Long. Tiền đạo Đoàn Tiến Khải (Vĩnh Long) bé nhỏ, chịu thua tầm cao, nhưng biết ông Bửu hay “gật” bèn giả vờ thu mình, rúc vào lòng ông Bửu, chờ lúc ông Bửu gật xuống thì ông Khải mới nhảy thúc lên. Ông Bửu đập mặt vào đầu ông Khải và ngã xuống ngất xỉu. Khi cáng ông Bửu ra, thấy ông nằm bất động bà con mộ điệu la lớn: “Ôi con voi của chúng ta sao rồi”, nhưng chỉ ít lúc sau ông lại đủ sức gượng dậy bình phục.

Thể lực và kỹ thuật đều ở tầm cao rất đáng khâm phục. Đồng thời bộ óc tỉnh táo, phản ứng nhanh nhạy, phán đoán và có phương sách hợp lý, kịp thời trên sân của ông Bửu lại càng được kính nể. Khi còn trẻ, đồng đội tôn ông là “thủ lĩnh”. Khi đã cao tuổi, vừa đá vừa làm huấn luyện viên ở Thể Công, ông là người dẫn dắt trận đấu về chiến thuật đồng thời là chỗ dựa về tinh thần, tâm lý lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn.

Bản thân tôi và anh Diệp Phú Nàm đều xuất thân là tiền vệ . Nhờ sự chỉ bảo tận tình và được soi vào tấm gương thầy Bửu chúng tôi mới có thể nối gót để hoàn thành nhiệm vụ “chiếc then cài cánh cổng” (trung vệ) của đội Thể Công giai đoạn tiếp sau.

Ông sống cởi mở, phóng khoáng được nhiều người quý mến. Năm 1956, khi sang thăm Trung Quốc, ông Lý Phượng Lâu – một nhà lãnh đạo bóng đá Trung Quốc giới thiệu ông Bửu với đồng nghiệp và cấp dưới : “Ông Trương đây là bạn quý lâu năm của tôi, là một cầu thủ bóng đá lớn theo nghĩa rộng, gần ông tôi học được rất nhiều!”.

Ông là một mẫu cầu thủ toàn diện hiếm có và là đại thụ của bóng đá nước ta. Thay mặt các thế hệ cầu thủ Việt Nam, ông được truy tặng Huân chương công trạng thế kỷ của FIFA (FIFA Centennial Order of Merit) là hoàn toàn xứng đáng và được sự đồng tình tuyệt đối của cả bóng đá Việt Nam.

Những tin cũ hơn

4 chị em nhà giáo họ Trương

4 chị em nhà giáo họ Trương

— 20 Tháng Năm 2017

Nhiều cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM thường nhắc đến tấm gương yêu nghề và đầy nhiệt huyết của bốn chị em nhà họ Trương.

Họa sĩ Trương Hán Minh - Ủng hộ người nghèo

Họa sĩ Trương Hán Minh - Ủng hộ người nghèo

— 20 Tháng Năm 2017

Cuộc triển lãm "Tranh thủy mặc của họa sĩ Trương Hán Minh" nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và ủng hộ quỹ ...

Các tướng lĩnh họ Trương với sự nghiệp giúp nước thời Tây Sơn

Các tướng lĩnh họ Trương với sự nghiệp giúp nước thời Tây Sơn

— 19 Tháng Năm 2017

Vương triều Tây Sơn do 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lập nên tuy tồn tại không lâu nhưng đã làm rạng rỡ trang sử huy hoàng dân tộc bằng những công cuộc cải cách kinh tế, giáo dục, lẫy lừng nhất là chiến thắng 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh trong dịp Tết xuân Kỷ Dậu 1789. Với tinh thần xây dựng và bảo vệ nền độc lập tự chủ dân tôc, vì quốc thái dân an, các tướng lĩnh họ Trương đã có những cống hiến lớn Đại Việt thời Tây Sơn. Xin trân trọng giới thiệu một số nhân vật tiêu biểu: