NÉT ĐẸP VĂN HÓA VIỆT: XIN CHỮ VÀ CHO CHỮ ĐẦU NĂM

00:04 - 26/05/2017 Tin tổng hợp Admin 2478

“Mỗi năm hoa Đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực Tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua...”

Câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên như vẽ nên trước mắt chúng ta hình ảnh ông đồ già với bút, mực ngồi trên phố cho chữ mỗi dịp Tết đến Xuân về. Ông như một chuẩn mực về lễ giáo, còn người xin chữ là người biết lễ nghi, trọng đạo thánh hiền. Xin chữ không chỉ là xin những may mắn, tài lộc cho người đi xin, mà còn là sự thưởng thức tài năng của người "có chữ". Xin chữ treo trong nhà đầu năm là một việc làm quan trọng với mỗi gia đình từ xa xưa, treo chữ gì trong nhà thể hiện bản sắc của mỗi gia đình, cũng là thể hiện những mong ước trong năm mới.

Ngay từ xa xưa, khi ông cha chúng ta còn dùng chữ Hán, chữ Nôm làm chữ viết chính thống thì sự quý chữ, trân trọng chữ và kính chữ đã đạt đến tột đỉnh. Điều này được đặt lên hàng đầu và rất được coi trọng của bậc thang và con đường đi vào thế giới học vấn của mỗi người. Hơn thế nữa, nó còn được coi là một trong những chuẩn mực làm nên nhân cách con người. Ông đồ nào, văn nhân nào viết chữ đẹp, danh giá sẽ được lan truyền hàng tỉnh, hàng miền và cả nước. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Phan Ngọc viết rằng: “…Khi bước vào một căn nhà Việt Nam cái đập vào mắt ta là câu đối, trướng, hoành phi, nhắc chúng ta nhớ đến văn hóa tổ tiên. Tại sao cái tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam không phải là những kiến trúc nguy nga của vua chúa mà là chữ? Chữ ghi lại trong các câu đối, hoành phi, trong các gia phả, trong trí nhớ mọi người...”. Và nhất là những ngày Tết, khắp tỉnh cùng quê ở Việt Nam, hầu hết mọi nhà, từ giới thượng lưu đến giới bình dân, đều dán hoặc treo câu đối Tết. Người văn hay chữ tốt “tự biên tự diễn” cho gia đình mình, kẻ ít học có thể cậy người thân phóng bút, hoặc ra phố chợ mua chữ ở các lều sạp của mấy ông đồ. Hình ảnh “ông đồ” trong thơ Vũ Đình Liên (1913-1996), gần 70 năm qua đã trở thành ký ức đẹp của nhiều lớp người - nhớ lại một thời vang bóng của chữ Hán trong sinh hoạt tập quán của xã hội Việt Nam. Hình ảnh thiêng liêng đó là tấm gương phản chiếu vẻ đẹp tâm hồn Việt, văn hóa Việt - một dân tộc yêu kính, quý trọng chữ viết. Đây cũng là nguồn mạch tinh thần của phong tục xin chữ đầu năm.

Với những dòng chữ đầu năm, văn nhân đem ý nguyện lồng vào nét mực, gửi mong mỏi trong một bài thơ, đặt tâm sự trong từng câu đối. Mơ ước cho một năm mới vui vẻ, hạnh phúc, làm ăn phát đạt... nên nội dung xin chữ đầu năm đều mang ý nghĩa tốt đẹp, như xin chữ: Phúc, Lộc, Thọ, An, Phát, Thịnh... Mỗi chữ hiện ra dưới tay các “ông đồ” là một bức họa. Thú vị nữa, mỗi nét như hiển hiện tâm hồn đầy xúc cảm. Những con chữ sinh động, đầy ma lực như quấy động trên giấy và gieo vào lòng người xin chữ niềm suy tưởng vừa sâu xa vừa bát ngát lạ lùng. Thú vị hơn nữa là bên cạnh những chữ chủ đề, lại còn lời đề từ có hàm ý cực kỳ thâm hậu và mênh mang. Chẳng hạn, tặng chữ Thọ cho khách, ông đồ còn viết thêm dòng chữ: Thọ tỉ Nam Sơn. Cạnh chữ Phúc thì thêm Phúc sinh phú quý gia đình thịnh; chữ Lộc thì Lộc phát trường hưng...

Trong tâm thức của người Việt, từ lâu đã quan niệm Phúc bao giờ cũng đi đôi với Đức. Thuật ngữ phúc đức luôn gắn liền nhau. Chữ Phúc chính là một ân huệ mà con người tự tạo ra qua những hành động tốt của mình. Nó là những hạt giống tốt được tay người tự gieo trên những mảnh đất mà ta thường gọi là phúc điền (ruộng phước). Do quan niệm họa phúc ở đời là sợi dây gieo nhân gặt quả, nên người Việt Nam chú trọng đến việc “làm ơn, làm phước”. Muốn được đức phải có phúc và ngược lại đức sẽ đem lại phúc, đó là quy luật. Vì lẽ đó, bên cạnh những nội dung xin chữ mang ý nghĩa tốt đẹp đầu năm thì người Việt cũng xin chữ với những nội dung nhắc nhở con người ta đến điều đạo đức, mang ý nghĩa giáo dục. Chẳng hạn như, họ xin chữ Tâm với câu: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử; Lưu thủy đan tâm chiếu hãn thanh” (Con người tự cổ ai không chết, một tấm lòng son với sử xanh) hay Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài (Nguyễn Du). Hoặc chữ Nhẫn với câu: Nhẫn nhất thời, phong bình lãng tịnh. Thoái nhất bộ, hải khoát thiên không (Nhẫn một chút gió yên sóng lặng, lùi một bước biển rộng trời cao).

Tục chơi câu đối, xin chữ đã có từ xưa nhưng cho đến nay, hầu như vẫn còn được giữ tính thời sự của nó. Nhất là những gia đình mà truyền thống dân tộc vốn là “mã di truyền” khắc vào tâm khảm họ. Xin chữ, câu đối treo trong nhà mang nội dung thiết thực, gần gũi hơn. Có thể là nội dung cầu thọ, cầu phúc:

Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ

Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường

Dịch: (Trời thêm năm tháng, người thêm tuổi

Xuân đầy đất trời, phúc đầy nhà)

Hay: Tổ tiên công đức muôn đời thịnh

Tử hiếu tông hiền vạn đại vương

Dịch: (Công đức tổ tiên ngàn năm thịnh

Hiếu hiền con cháu vạn đời vinh)

Hoặc: Phúc mãn đường, niên tăng phú quý

Đức lưu quang, nhật tiến vinh hoa

Dịch: Phúc đầy nhà năm thêm giàu có

Đức ngập tràn ngày một vinh hoa

Những nội dung, câu đối thường được viết trên giấy đỏ, bởi màu đỏ vốn là màu rực rỡ nhất và theo quan niệm dân gian là biểu tượng của sự may mắn. Nó vừa nổi trội, vừa hài hòa với màu xanh của bánh chưng, màu vàng của hoa mai... làm tươi sáng thêm không khí Tết. Ngày Tết, bên chung trà, chén rượu cùng ngẫm nghĩ về thú chơi tao nhã của người xưa, khiến ta một lần nữa thêm lòng tự hào về trí thông minh, tài sáng tạo, nét tài hoa của tổ tiên đã tạo ra một sản phẩm văn hóa đặc biệt đầy uyên thâm của chiều sâu triết lý phương Đông.

Hoa mai đã nở rực vàng. Đây đó trên con phố cổ, một vài ông đồ đã khai chợ, lục đục đóng lều, chõng... cũng là lúc người người chuẩn bị đón xuân và chào mừng những câu chữ tốt lành, may mắn để trang trí trong nhà cho thêm đậm đà hương vị đầu năm:

Chúc Tết đến trăm điều như ý

Mừng xuân sang vạn sự thành công!

 

 

Những tin cũ hơn

ĐẦU XUÂN ĐI CHÙA NÉT ĐẸP VĂN HÓA NGƯỜI VIỆT

ĐẦU XUÂN ĐI CHÙA NÉT ĐẸP VĂN HÓA NGƯỜI VIỆT

— 26 Tháng Năm 2017

Ngoài kia, vạn vật như đang dần dần chuyển động tiến về phút giao thời giữa 2 năm. Mọi người chờ đợi đến thời khắc đó rồi chắp tay thành kính và thì thầm lời nguyện cầu năm mới. Thiêng liêng - khói nhang chùa lan trong đêm giao thừa

CÁCH TRƯNG BÀY MÂM NGŨ QUẢ NGÀY TẾT ĐẸP MẮT HỢP PHONG THỦY

CÁCH TRƯNG BÀY MÂM NGŨ QUẢ NGÀY TẾT ĐẸP MẮT HỢP PHONG THỦY

— 26 Tháng Năm 2017

Mâm ngũ quả không còn xa lạ với bất cứ ai nhưng không phải ai cũng biết nên trung bày thế nào đễ có một mâm ngũ quả đẹo mắt, ý nghĩa lại phù hợp với phong thủy vì vậy cách trưng bày mâm ngũ quả ngày Tết đẹp mắt hợp phong thủy

Ý NGHĨA MÂM NGŨ QUẢ NGÀY TẾT TRONG VĂN HÓA BA MIỀN BẮC - TRUNG - NAM

Ý NGHĨA MÂM NGŨ QUẢ NGÀY TẾT TRONG VĂN HÓA BA MIỀN BẮC - TRUNG - NAM

— 26 Tháng Năm 2017

Ngày Tết Nguyên Đán ở Việt Nam trên bàn thờ tổ tiên lúc nào cũng có một mâm ngũ quả được bày biện đẹp mắt với nhiều màu sắc hòa hợp, bắt mà và có ý nghĩa tâm linh đặc biệt nhưng ở mỗi miền trong đất nước mâm ngũ quả lại rất khác nhau.

NHỮNG PHONG TỤC TRONG NGÀY TẾT CỔ TRUYỀN CỦA DÂN TỘC

NHỮNG PHONG TỤC TRONG NGÀY TẾT CỔ TRUYỀN CỦA DÂN TỘC

— 26 Tháng Năm 2017

Năm mới Tết đến là lúc gia đình sum vầy, quây quần bên nhau sau một năm học tập, làm việc vất vả. Với người dân Việt Nam Tết là ngày lễ lớn nhất trong năm và có rất nhiều phong tục liên quan đến ngày lễ lớn này. Tham khảo những phong tục trong ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam để hiểu biết thêm về những phong tục, tập quán tốt đẹp và ý nghĩa của ngày Tết Việt

TẾT NGUYÊN ĐÁN

TẾT NGUYÊN ĐÁN

— 26 Tháng Năm 2017

Tết Nguyên đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, năm mới hay chỉ đơn giản Tết) là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam. Tết ViệtNam chứa đựng và mang đậm bản sắc của dân tộc. Trải qua bao biến động của lịch sử, của thời gian nhưng người Việt vẫn gìn giữ được những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc trong ngày tết.