Hành trình “Nối vòng tay lớn”

19:17 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 1547

Sau đây là một số ghi nhận ban đầu…
1/ Tộc Trương Công Thanh Quýt:
* 3 di tích lịch sử  được xếp hạng *Kiên trì tìm nguồn cội *Phát triển Quỹ khuyến học.
Vào Đà Nẵng 17h chiều 18/6/2013. Ngay sáng hôm sau PCT Hội đồng Họ Trương Việt Nam, Trương Thị Kim Dung đến thăm đại tộc Trương ở Thanh Quýt (Điện Thắng - Điện Bàn - Quảng Nam). Không ngờ các cụ các ông trong Hội đồng gia tộc đã  có mặt đông đủ tại nhà thờ tộc từ sớm khiến tôi cảm động về thịnh tình đón tiếp và cảm thấy bối rối khi mình trễ hẹn. Sau khi thắp hương lễ nhà thờ, miếu các cô tổ và trò chuyện về kết nối tộc phả,  chúng tôi đã đi viếng hương 3 danh tích của tộc Trương Công Thanh Quýt:

 

  • Lăng mộ ngài Thái thủy tổ Trương Công Trung (? - ?) -Thượng tướng quân Cẩm Y vệ, Đô chỉ huy sứ, sắc phong Đại Lang Dực bảo Trung hưng linh phò chi thần, nguyên trước ở Nghệ An, phủ Anh Đô, huyện Quang Hưng, xã Hoa Viên.
  • Lăng mộ ngài Tiền hiền Trương Công Duyên - Quan viên tử, tự Kỳ Phùng, hiệu Chất Trực...là đời thứ 1 của  tộc Trương Công tại làng Thanh Quýt.
  • Lăng mộ Lưỡng Bộ Thượng Thư Trương Công Hy

Ông Trương Công Anh, bác sĩ Trương Công Nhân và nhà báo Trương Điện Thắng đã đi xe máy đến các nơi này. Đúng là “Phúc cả mả dày”, các lăng mộ của các bậc tiền bối được con cháu thường xuyên chăm sóc tu bổ công phu. Tại khu vực lăng mộ ngài tiền hiền Trương Công Duyên, do linh giác và kinh nghiệm khảo sát nghiên cứu, tôi (Trương Thị Kim Dung) đã phát hiện thêm về “lai lịch hành trạng” của quan ngự y – người em ruột của ngài Thái thủy tổ Trương Công Trung.
Trương Công Thanh Quýt là một tộc lớn chiếm số đông dân số trong làng  với 500 hộ, rất hùng hậu về suất đinh (hơn ngàn đinh) – điều mà nhiều tộc ngoài Bắc ao ước. Trong sự nghiệp kiến quốc và giữ nước tộc này đã có những nhân kiệt giữ các chức vụ quan trọng trong các triều Hậu Lê, chúa Nguyễn, Tây Sơn như Thượng Tướng quân Cẩm Y vệ Đô chỉ huy sứ Trương Công Trung ; Nội bộ toàn nhị thuyền Ngũ trưởng Trương Công Kỳ ( đời thứ 6), Lưỡng Bộ Thượng Thư Trương Công Hy (đời thứ 7)...
Trên đường từ Thanh Quýt ra Hội An chúng tôi đã có dịp ngắm cánh đồng rộng 500 mẫu giữa hai làng Lai Nghi, Phú Chiêm cạnh dinh trấn Thanh Chiêm gọi là ruộng "công thần" mà Quan Thượng Thư Trương Công Hy đã giao lại cho dân địa phương canh tác, không thu một chút hoa lợi nào.Trong dịp 17/5 âm lịch (23/6/2013) giỗ ngài Lưỡng Bộ Thượng Thư Trương Công Hy, chúng tôi đã được nghe  dân trong vùng kể rằng: khi  “Quan Thượng” qua đời năm 1800, người dân các địa phương trên đã đến viếng tiễn đông đúc và cảm động. Con đường làng dẫn đến nơi quàn thi hài cụ được dân chúng lúc đó đặt tên là "Ngõ quan thượng" vẫn còn lưu lại đến ngày nay ở làng Thanh Quýt.
Suốt 17 đời nay tộc Trương Công Thanh Quýt luôn giữ nếp sống cần kiệm liêm chính,  phát huy.truyền thống thi thư võ nghiệp của tổ tiên. Hiếm có tộc nào có Quỹ khuyến học lớn như tộc Trương Thanh Quýt: 200 triệu đồng. Mặc dù  sống ở vùng đất thuần nông (trồng lúa, trồng cây thuốc lá) nhưng các gia đình đều cho con cháu ăn học tử tế, điển hình hiện nay là gia đình ông Trương Công Sơn có 7 người con (6 trai, 1 gái) đều học Đại học. Điều đáng mừng nhất: hàng năm số học sinh, sinh viên đạt loại giỏi của tộc Trương Công Thanh Quýt ngày càng tăng lên.
Bà con tộc Trương Công Thanh Quýt dành tình yêu thương đặc biệt cho“quê cha đất Tổ”, dù làm ăn ở thành phố Đà Nẵng hay nơi xa khác nhưng bao giờ họ cũng dành dụm gởi về làng lo việc phụng thờ tổ tiên và tham gia quỹ khuyến học…Các cụ Trương Công Cừu nay đã 95 tuổi từ Pháp, hay anh Trương Công Mỹ, Trương Công Nam từ Úc là những điển hình…
Trong buổi giỗ cụ Lưỡng Bộ Thượng Thư Trương Công Hy, nhiều người trong tộc Trương Công Thanh Quýt đang ở Đà Nẵng, TP HCM cũng về tụ hội. Sau lễ tưởng niệm, bà con đã ngồi lại với nhau trao đổi, bàn một số việc cần làm cho tộc họ trong đó có 2 vấn đề quan trọng nhất: phải kiên trì trong việc kết nối tộc phả để xác định cho rõ cội nguồn, quan hệ cuẩ tộc mình tại quê gốc Hoa Viên (Hưng Nguyên – Nghệ An) và đẩy mạnh, phát triển hơn nữa công tác khuyến học…
Hơn 400 năm định cư lập nghiệp ở Điện Bàn (Quảng Nam), tộc Trương Thanh Quýt đã cùng cộng đồng các tộc họ khác góp phần mở mang cơ đồ Đại Việt – Việt Nam về phương Nam và làm rạng rỡ “mạch thư hương” của Họ Trương Việt Nam.

 



Ông Trương Văn Năm (tộc Trương Văn ở Điện Quang - Điện Bàn Quảng Nam) trình bày Phả đồ


Bên khu lăng mộ Thượng tướng quân Trương Công Trung
ở Thanh Quýt (Điện Thắng Trung -Điện Bàn - Quảng Nam).


Bên khu lăng mộ Lưỡng Bộ Thượng Thư Trương Công Hy ở Thanh Quýt
 

 2/ Tộc Trương Văn Cẩm Lậu:
*Quy tập mồ mả ông cha, xây dựng nhà thờ.
Sớm ngày 20/ 6/2013, nơi chúng tôi đến đầu tiên ở vùng Gò Nổi là tộc Trương Văn thôn Cẩm Lậu (xã Điện Phong, huyện Điện Bàn).Nhận được điện thoại hẹn trước, ông Trương Văn Mười và một số bà con đại diện cho tộc Trương Cẩm Lậu đã chờ sẵn ở nhà thờ để tiếp đón đoàn đại diện Hội đồng Họ Trương VN.
Theo gia phả, hơn 300 năm trước tộc Trương Văn Cẩm Lậu đã cùng các dòng họ từ các tỉnh phía Bắc vào khai cơ lập nghiệp dựng nên làng xã khi nơi đây còn hoang vu, cây cối rậm rạp, nhiều loại dã thú.
“Tổ lai Bắc địa căn nguyên thủy
Hồi trứ Nam thiên vũ trụ tiên
 Tạm dịch :
Gốc trước quê cha trên đất Bắc
Về xây tiên tổ chốn trời Nam
Công cuộc khẩn hoang ấy đã được ghi trong gia phả “Điền địa phì nhiêu, thảo mộc tú mận, nhật tắc lâm trung trảm phạt, dạ thăng thượng mộc cao miên” (Đất đai màu mỡ, cây cối xanh tốt, ban ngày vào rừng chặt phá, ban đêm lên cây cao ngủ”.
Tộc Trương Văn Cẩm Lậu gồm 4 phái: phái nhất ở Quảng Huế (Đại Hòa, Đại Lộc, Quảng Nam), Phái 2 và 3 ở thôn Cẩm Lậu (nay là Cẩm Phú 2, Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam). Phái 4 ở thôn Phương Trà (An Hòa, Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam).Tính từ ngài tiền hiền Trương Văn Lụa (giỗ ngày 26/11 âm lịch) đến nay là 14 đời.
Ông Trương Văn Mười cho biết: Dù trong hoàn cảnh còn nhiều khốn khó song bà con trong toàn tộc luôn hướng về cội nguồn, tri ân tổ tiên, đoàn kết họ hàng, làng xã. Tất cả mồ mả ông cha các đời đã được quy tập,  mọi người đều chung tâm sức xây dựng nhà thờ tộc họ.
Nhân nói về kết nối phả tộc, ông Trương Văn Mười cũng “thông tin” thêm: ngoài tộc Trương Văn của chúng tôi đã dự họp mặt tại Hội An, thì tại thôn Cẩm Lậu (tức Cẩm Phú 2)  có 4 tộc Trương khác nhau và đều chưa gia nhập vào tổ chức của Họ Trương VN. Các tộc Trương ở đây cũng chưa có sự kết nối với cội nguồn ngoài Bắc.
Nghe vậy, PCT Trương Điện Thắng liền “giải tỏa” :

 

  • Những vấn đề bất cập như thế, Hội đồng Họ Trương VN đã có hướng giải quyết. Sắp tới tổ chức Đại hội Họ Trương tỉnh Quảng Nam và bầu ra các ban đại diện xong thì Quảng Nam phải tiếp tục tăng cường triển khai việc kết nối các tộc Trương đến từng làng xã theo chủ trương nghị quyết của Đại hội đại biểu Họ Trương Việt Nam lần thứ nhất tổ chức ngày 21/4/2013 trong nhiệm kỳ 2013- 2018.

Đến với Cẩm Lậu, tâm trí chúng tôi xao xuyến, vương vấn với những dòng thơ mà người trong tộc nơi đây viết ra treo ở nhà thờ như một phương châm nhắn nhủ, giáo dục con cháu về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”:
 
Người ta sống ở trên đời
Sao cho tròn bổn phận người mới nên
Một là báo hiếu tổ tiên
Hai là báo đáp ơn thiêng nước nhà
Vỡ lòng lời dạy ông cha
Phận tôi nguyện giữ nết nhà họ Trương
....
Miễn rằng nhân nghĩa là gương
Miễn rằng hiếu hạnh là rường cột tâm

 



PCT Trương Thị Kim Dung với tộc Trương Cẩm Lậu
 

3/ Tộc Trương Điện Quang:
 *10 năm tìm lại cội  xưa
Sau khi tìm hiểu tộc phả với Cẩm Lậu và thắp hương tưởng nhớ tiền hiền tộc Trương tại đây, mặc dù trời nắng đang “hét ra lửa” chúng tôi vẫn đi tiếp lên Điện Quang. Nhập thêm vào đoàn có 2 anh: Trương Văn Mười, Trương Văn Hùng của tộc Trương ở Cẩm Lậu.
 Điện Quang trong chiến tranh từng bị tàn phá khốc liệt và cũng là mảnh đất thép kiên cường của nhân dân Gò Nổi. Nơi đây, đã sinh ra nhiều nhà khoa bảng, danh nhân nổi tiếng: Tổng đốc Hoàng Diệu, tiến sĩ Phạm Tuấn – một trong “ngũ phụng tề phi”, Phạm Phú Thứ, Lê Đình Dương, nhà văn Phan Khôi...Hiện tại,  tộc Trương ở Điện Quang chưa có sự liên hệ nào với Hội đồng Họ Trương VN và các tộc Trương ở khu vực miền Trung, vì thế chuyến đi Điện Quang lần đầu tiên này của chúng tôi không ngoài mục đích kết nối trực tiếp.  
Nhớ lại, trung tuần tháng 5/2013, ngay sau phiên họp đầu tiên của Hội đồng Họ Trương Việt Nam, với tư cách Phó chủ tịch, chúng tôi (Trương Thị Kim Dung, Trương Điện Thắng) đã đi Nghệ An đến từng thôn xóm của 5 xã có tộc Trương ở huyện Hưng Nguyên để khảo sát, thu thập tư liệu, gia phả và kết nối gần hầu hết với các tộc ở đó. Trong chuyến đi Nghệ An, chúng tôi được anh Trương Văn Đồng (xóm 13 xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên) cho biết: 10 năm trước cũng có một số người ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam) ra ngoài này tìm tộc họ. Chúng tôi đã dẫn đến các tộc Trương để đối chiếu gia phả, năm ngoái tộc Trương Điện Quang đã nối kết được phả hệ với tộc Trương của xã Hưng Long...
Khi tới xã Điện Quang (Điện Bàn – Quảng Nam) chúng tôi hỏi thăm tộc Trương thì mọi người đều chỉ đến nhà ông Năm Dế (Trương Văn Năm).
May mắn, ông Năm có nhà. Biết chúng tôi  từ Hà Nội và các xã trong huyện Điện Bàn vào kết nối tộc phả, ông Năm  hồ hởi đem ngay phả đồ (sao chép từ phả đồ  của nhánh Thái Hòa của tộc Trương xã Hưng Long – huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) ra treo trước bàn thờ gia tiên và trình bày:
- Tính từ đời ngài tiền hiền Trương Văn Dung vào Quảng Nam đến nay thì tộc Trương Văn ở làng Bến Đền Tây xã Điện Quang đến đời  tôi (Trương Văn Năm) là 14 đời và tính đến đám trẻ nhỏ nữa là 17 đời.
Theo phả đồ thì: Tiên tổ là Can Đản, húy Thượng , tự Phúc Chân.
Đệ tứ lang Thị Đốc Thực Phủ Quân. Vợ họ Nguyễn, hiệu Trinh Thục.
Phả đồ cũng cho biết về tộc Trương Điện Quang có gốc rễ tại Hưng Nguyên (Nghệ An) như sau:
Đời thứ nhất:  Trương Lệnh Công, tự Đỗ Thực, Trực Chất, Trực Phủ Quân.
Chánh thất (vợ cả): Nguyễn Thị Hạng Quy,  hiệu Đoan Nghiêm.
Thứ thất: Nguyễn Thị Hạng Tam,  hiệu Từ Thuận.
Đời thứ 2: Trương Danh Công, tự Trọng Huệ (con trai thứ hai của cụ Trương Lệnh Công với cụ bà chánh thất Nguyễn Thị Hạng Quy).
Vợ họ Nguyễn, húy Oai.
Đời thứ 3: Trương Văn Dung (Dong), húy Dụng
Đời thứ 4: Trương Văn Hạnh, tự Vị Tất. Vợ họ Lê.
Trong câu chuyện về kết nối tộc phả, ông Trương Văn Năm cũng chia sẻ với đoàn đại diện Hội đồng Họ Trương VN về những khó khăn gian khổ và cả niềm vui mừng, tự hào mà ông và những thành viên trong tộc đã trải nghiệm khi đi tìm cội nguồn dòng họ. Ông tâm sự:

 

  • Gia phả ghi là gốc Bắc, từ Nghệ An vào Điện Bàn - Quảng Nam nhưng lại chẳng ghi ở huyện nào của Nghệ An. Chuyện đi tìm cội nguồn sau hàng trăm năm xa cách thật là gian nan nhưng nhu cầu tâm linh, huyết thống ngày đêm thúc giục nên vẫn quyết tâm đi tìm. Đến đâu  cũng hỏi có tộc Trương là vào xin phép đối chiếu phả hệ. Mỗi lần đi ít nhất cũng một tuần và lâu nhất gần một tháng trời. Tình cờ, một lần xe con của anh em chúng tôi vừa  đến đầu xã Hưng Thịnh  thì bị chết máy, hỏi thăm mấy bà con đang bán hàng bún thì họ bảo họ là con gái họ Trương và liền dẫn về tộc Trương ở xóm 13. Từ tộc Trương này lại dẫn đến  tộc Trương ở xã Hưng Long để kết nghĩa. Nào ngờ gần đây, nghĩa là sau gần 10 năm, khi phả đồ gốc ngoài đó được khôi phục, dịch ra quốc ngữ thì lại khớp với phả đồ trong này, thật kỳ diệu!. Từ khi tìm thấy nguồn cội ngoài Bắc của mình và đầu tư xây dựng mồ mả tổ tiên, nhà thờ thì mọi người trong tộc đều an tâm, phấn khởi và cảm thấy tổ tiên ông bà phù hộ cho con cháu học hành, làm ăn khấm khá hẳn lên.

Đoàn đại diện Hội đồng Họ Trương VN đã đến thắp hương ở nhà thờ tộc Trương Văn Bến Đền. Tuy hiện tại tộc Trương này chỉ có hơn chục hộ sinh sống tại địa phương nhưng nhà thờ được xây dưng rất quy mô trong một khuôn viên bề thế do con cháu đi làm việc ở các nơi trong ngoài nước gửi tiền về đóng góp.
Trước khi chia tay, ông Trương Văn Năm mời đoàn thưởng thức đặc sản quê hương: mỳ Quảng.

 



Nhà thờ tộc Trương Văn ở Điện Quang
 

4/ Tộc Trương Thanh Nhì (Hội An):
*Tiếp tục hoàn thiện gia phả
    Thanh Nhì là một trong 8 thôn thuộc xã Cẩm Thanh. TP Hội An nói chung, xã Cẩm Thanh nói riêng do địa thế nằm ở cửa sông - ven biển nên hình thành nhiều địa hình cồn, bàu mênh mang sóng nước và sum suê  cây trái.
   Chúng tôi  thăm nhà thờ tộc Trương Thanh Nhì đúng lúc ông Trương Văn Bay – Phó Chủ tịch UBND TP Hội An và vợ  (công tác tại Trung tâm văn hóa Hội An) đang “bận ngập đầu” với Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 5- 2013 được tổ chức tại Tp Hội An đúng dịp kỷ niệm 10 năm thực hiện Công ước của UNESCO về bảo vệ giá trị văn hóa phi vật thể. Là người “việc nước – việc nhà – việc Họ nặng gánh trên vai” nhưng việc nào ông  Trương Văn Bay cũng tâm huyết, nhiệt thành. Khi chúng tôi đến nơi, ông ân cần hỏi thăm, đón tiếp chu đáo: dẫn đi  thắp hương nhà thờ tộc, photocoppy gia phả, rồi bố trí chỗ nghỉ cho chúng tôi tại khách sạn 4 sao: “Nhà cổ bên sông” đẹp - sang trọng ở Cẩm Thanh.
Theo “Trương tộc thế phổ” Thanh Nhì: ngài đệ nhất thế tổ là Trương Văn Môn vào Nam khoảng thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh. Ngài đến chợ An Thái (Quy Nhơn, Bình Định) lập nghiệp. Trong gia phả gốc không thấy ghi họ tên vợ của ngài, chỉ thấy ghi vợ chồng ngài sinh 1 trai là Trương Văn Thứ. Đây là một hiện tượng gần như phổ biến trong nhiều tộc ở phía Nam: là không ghi họ tên vợ? Tại sao vậy? Điều này đòi hỏi mọi người phải “động não” để tìm ra nguyên cớ.
Về đời thứ  2, gia phả ghi ông Trương Văn Thứ có 2 người vợ ( Nguyễn Thị Nguyên, Đặng Thị Nỳ) sinh 15 người con (7 trai, 8 gái). Niên hiệu Thái Đức thứ 5, ngài Trương Văn Thứ giữ chức Cai quản trưởng xứ Đà Cốc sau lên Đội trưởng  (thường gọi là Đội Thắng). Cuối cùng  ông được phong Tả Kỵ Úy tức là Phó Đô Úy (quan võ chỉ huy kỵ binh). Sau khi Gia Long truy sát  Nhà Tây Sơn, ngài Trương Văn Thứ phải rời dinh đến xứ Gia Lộc cưới bà Nguyễn Thị Nguyện sinh hạ được ông Trương Văn Viện. Rồi ngài trở về quê Bình Định cưới bà Đặng Thị Nỳ sinh hạ được 14 người con (6 trai 8 gái), đều đến xứ Thanh Châu – Quảng Nam lập nghiệp.
Ngài Trương Văn Thứ giỗ ngày 9 tháng 5 âm lịch. Mộ táng tại thôn Cẩm Thượng, xứ An Thái, tỉnh Bình Định. Sau này ông Trương Văn Thái – con ngài về quê táng ngài tại Cây Giá, xã Thanh Nhì, tổng Thanh Châu (Quảng Nam).
Trong gia phả tộc Trương Thanh Nhì dành một số dòng ghi kỹ về công lao của ngài Trương Văn Thái (con trai thứ 3 của ông Trương Văn Thứ) thuộc đời thứ 3: đã đem hài cốt ông bà, cha mẹ về cải táng ở Thanh Châu (Hội An – Quảng Nam) và khai khẩn đất hoang, mua thêm đất ở xứ Cây Giá để sản xuất nông nghiệp, xây dựng đời sống kinh tế vững chãi. Do từ đó mới có khả năng cho hai con trai (Trương Văn Bảo, Trương Văn Sắc) đi học và đỗ khoa bảng. Hai con trai của ngài Trương Văn Thái đều thành đạt: ông Trương Văn Bảo thi hương đỗ Tú tài  hàng thú 4 thời Minh Mạng, Thị Hội đỗ Tú tài hạng Nhì thời Thiệu Trị gọi là “song khoa Tú tài”. Đến đời Tự Đức ông bỏ đường sĩ hoạn chuyển nghề thương mại nên gia đình sung túc khá giả. Còn ông Trương Văn Sắc năm Thiệu Trị thứ 5 ra Kinh thi Hội đỗ Tú tài hàng thứ 8 nhưng không theo đường sĩ hoạn nữa, chỉ nghiên cứu sách vở mạn đàm văn chương. Đến đời vua Tự Đức phong ông là Hàn lâm viện.
Qua Gia phả  của tộc Trương Thanh Nhì có thể thấy sự đồng tâm hiệp lực của gia quyến trong việc điều tra nghiên cứu biên soạn  phả hệ. Ngoài công trình “Trương tộc thế phổ” các ông Trương Vĩnh Phiên, Trương Minh Bửu, Trương Ngọc Vân nhiều lần từ Hà Nội về quê cùng với con cháu ở Hội An  đã xây dựng kiện toàn Hội đồng gia tộc, quy tập mồ mả tổ tiên về nghĩa trang tộc Trương ở Câu Dắp và tu bổ khang trang nhà thờ...
Tuy nhiên, niềm đau đáu của tộc Trương Thanh Nhì là phải tiếp tục tìm kiếm cội nguồn ở phía Bắc (Thanh Hóa hoặc Nghệ An?) và  và tìm thân tộc của phái thất lạc với di huấn: “nếu sau này phát hiện phái ông Trương Văn  An (con cả của cụ bà Đặng Thị Nỳ với cụ ông Trương Văn Thứ) thì phải sắp xếp theo thứ tự trước sau liệt kê theo gia phả mà ông An đã sinh ra”.



Nhà thờ tộc Trương Thanh Nhì (Hội An - Quảng Nam)


    BOX: Trong mấy ngày đi thăm 4 tộc Trương ở huyện Điện Bàn và TP Hội An, điều đọng lại trong chúng tôi vẫn là: Tộc Trương chúng ta nhiều đời đều hãnh diện vì có sự đóng góp to lớn với đất nước, nhưng do hoàn cảnh lịch sử, việc kết nối dòng tộc vẫn là một nhu cầu cấp thiết và đầy khó khăn. Chính vì lẽ đó, công việc kết nối tộc phả vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của không chỉ Hội đồng họ Trương Việt Nam trong nhiệm kỳ này, mà cần đến sự chung tay góp sức của mỗi người họ Trương chúng ta trên toàn quốc…
            Tác giả bài viết:Phó Chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam phụ trách tộc phả Trương Thị Kim Dung
                           Phó Chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam phụ trách khu vực miền Trung Trương Điện Thắng

                                     

Những tin cũ hơn

Hội đồng họ Trương Việt Nam trao thưởng cho cháu Trương Thái Chân – Thủ khoa khối D Đại học Huế trong kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm học 2013

Hội đồng họ Trương Việt Nam trao thưởng cho cháu Trương Thái Chân – Thủ khoa khối D Đại học Huế trong kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm học 2013

— 25 Tháng Năm 2017

Ngày 22 tháng 8 năm 2013, ông Trương Ngọc Lành, Ủy Viên Hội Đồng Họ Trương Việt Nam, Chủ tịch hội đồng họ Trương Thừa Thiên Huế đã thay mặt Hội đồng họ Trương Việt Nam và Hội đồng họ Trương tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến chúc mừng và trao phần thưởng của Hội đồng họ Trương Việt Nam và Hội đồng họ Trương tỉnh Thừa Thiên Huế cho cháu Trương Thái Chân, đã đạt thành tích xuất sắc đỗ thủ khoa khối D của Đại học Huế trong kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2013, tại nhà riêng của cháu tại số nhà 8/43 đường Đinh Tiên Hoàng, thành phố Huế

Hành trình “Nối vòng tay lớn”

Hành trình “Nối vòng tay lớn”

— 25 Tháng Năm 2017

KỲ 2: Kết nối tộc Trương ở Thừa Thiên – Huế Hành trình “Nối vòng tay lớn” sau khi rời Quảng Nam đã vượt đèo Hải Vân ra Thừa Thiên- Huế. Chúng tôi đã phối hợp cùng các anh trong Hội đồng Họ Trương tỉnh Thừa Thiên – Huế đến huyện Phong Điền dự lễ Trai đàn chẩn tế của tộc Trương Đồng Nhân ở làng Hiền Lương và dự lễ Hiệp kỵ của tộc Trương Công ở làng cổ Phước Tích bên sông Ô Lâu…

Hội đồng Họ Trương Việt Nam, CLB doanh nhân Họ Trương Việt Nam thăm và tặng quà cho cháu Trương Minh Duy (11 tuổi) tại Cần Thơ

Hội đồng Họ Trương Việt Nam, CLB doanh nhân Họ Trương Việt Nam thăm và tặng quà cho cháu Trương Minh Duy (11 tuổi) tại Cần Thơ

— 25 Tháng Năm 2017

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam, ngày 05 tháng 09 năm 2013, Ông Trương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân họ Trương Việt Nam, ông Trương Văn Dũng, ông Trương Văn Tuấn - Chánh văn phòng Công ty Luật Sài Gòn đã đến phòng số 1, lầu 2, khu B, khoa nội 3, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh thăm hỏi, động viên cháu Trương Minh Duy (11 tuổi) bị bệnh ung thư máu là con của anh Trương Huỳnh Dư và chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, ngụ tại 174/3 khu vực Thới Trịnh A, phường Thới An, quận Ô Môn, Thành phố Cần Thơ.

Danh sách các Tộc Họ Trương, tổ chức, cá nhân người Họ Trương đã ủng hộ Quỹ Họ Trương Việt Nam

Danh sách các Tộc Họ Trương, tổ chức, cá nhân người Họ Trương đã ủng hộ Quỹ Họ Trương Việt Nam

— 25 Tháng Năm 2017

Nhằm ngày 12 tháng 3 âm lịch năm Quý Tỵ, tức ngày 21 tháng 4 năm 2013. Đại hội họ Trương toàn quốc lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội đã thành công rực rỡ. Đánh dấu cho sự kết nối tình đồng tộc. Lần đầu tiên trong lịch sử những người con họ Trương trên khắp mọi miền Tổ Quốc đã gặp lại nhau sau ngàn năm cách trở. Ơn nhờ Phúc Tổ, cùng sự đóng góp tâm và tài, trí và lực, công sức và tiền bạc, cùng các tư liệu Gia Phả của các tộc họ Trương, đã tạo nên một ngày hội non sông của những người họ Trương Việt Nam. Hội đồng họ Trương Việt Nam xin bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến toàn thể bà con, anh chị em họ Trương Việt Nam, cùng những tấm lòng hướng về dòng họ Trương, đã đồng sức, đồng lòng tạo nên một sự kết nối thắm tình thân tộc của lịch sử, của hiện tại và cho Tương Lai