Hành trình “Nối vòng tay lớn”

19:16 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 2071
1/Tộc Trương Đồng Nhân
*Tổ chức trai đàn chẩn tế sau hơn trăm năm *nhiều lần tu biên gia phả…
Biết tin, đại diện Hội đồng Họ Trương Việt Nam và Hội đồng Họ Trương Thừa Thiên – Huế  về dự lễ trai đàn chẩn tế, đông đảo bà con tộc viên và Hội đồng gia tộc Trương Đồng Nhân đã ra tận cổng làng đón tiếp rất long trọng.
 Hai đoàn thành kính dâng lẵng hoa và mâm trái cây, thắp hương nhà thờ tộc Trương Đồng Nhân.
Tất cả mọi người  có mặt đều hân hoan, cảm động về tình đồng tộc thắm thiết  trong không khí thiêng liêng của một Đại lễ cầu siêu hóa độ (theo nghi thức Mật tông của Phật giáo) cho các vong linh trong tộc và tất thảy chúng sinh nhiều đời  nhiều kiếp nhằm đem tới sự an lạc tâm linh cho cả người chết và sự thanh thản, may mắn, thịnh đạt cho người sống.
Bà con cho biết: trai đàn chẩn tế được tổ chức trọng thể trong 3 ngày, kinh phí khoảng 250 triệu, trong đó gia đình ông Trương Đình Toàn có phần đóng góp đáng kể… Tộc nào có điều kiện kinh tế thì 5 năm tổ chức Đại lễ một lần.  Do hoàn cảnh thời thế (chiến tranh, thiên tai, ly tán chi phái...) sau hơn trăm năm, tộc Trương Đồng Nhân mới tổ chức được Đại lễ trai đàn chẩn tế cho đồng gia quyến thuộc của mình.
  Theo gia phả, Thủy tổ của tộc Trương Đồng Nhân là ngài Trương Hân Đại lang. Cụ cùng một số người từ quê gốc Thanh Hóa  thiên di vào Nam vào khoảng nửa đầu thế kỷ  XVI  khai canh nên làng Hoa Lang xã Đan Điền, huyện Triệu Phong, Thuận Hóa (nay là làng Hiền Lương, xã Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Do công lao xây dựng vùng đất  mới nên ngài  Trương Hân được tôn thờ là Thành hoàng làng và năm vua Duy Tân thứ 7 (1913) được sắc phong: “Dực bảo trung hưng linh phò chi thần”. Vợ chồng ngài Thủy tổ Trương Hân đại lang sinh được 5 con trai: Trương Chẩm, Trương Chinh, Trương Biện, Trương Chân, Trương Châu. Sau này, 2 ông Trương Chinh, Trương Châu đi đâu không rõ, chỉ còn lại 3 ngài (Chẩm, Biện, Chân) lập ra 3 phái  ở xóm Đồng Nhân.
 Tại Hiền Lương có nhiều tộc Trương khác nhau. Để phân biệt, Tộc Trương Đồng nhân đã lấy tên xóm (Đồng Nhân) ghép vào tên tộc (Trương). Tại Hiền Lương có  2 nhà thờ và đều thờ Thủy tổ Trương Hân: một tại xóm An Hội  tục gọi là tộc Trương Côi và một tại xóm Đồng Nhân. Đối chiếu gia phả của 2 tộc thì chưa thể phân định bên nào anh bên nào em.
Trong lời tựa gia phả, ngài Trương Dũ Tán ( tục danh là Sáu)  làm quan Án Sát Bình Thuận – Khánh Hòa triều Nguyễn, về hưu năm 1916 hàm Bố Chánh, có thuật lại một “biến cố tai ương” đối với tộc Trương Đồng Nhân: “ Tổ tiên truyền lại rằng vào năm Giáp Thân tức Minh Mạng 5 (1824) giữa trưa mồng 6 tháng 7 âm lịch nhà trưởng tộc chợt bị hỏa tai, cháy luôn cả gia phả. Lúc bấy giờ phải tìm bản thảo phổ ý tại nhà vị đạo sĩ là Huyền Trung. Bổn tộc đem lễ rượu, trầu cau đến xin sao chép vào năm Minh Mạng 7 (1826).
Đến ngày tháng 4 năm Minh Mạng 11 (1830) ngài Trương Dũ Tán lại tu biên gia phả, theo tinh thần: “ Tổ tiên thời ấy còn gần cũng không thể tìm ra hết thế thứ. Huống chi hậu sinh chúng ta đời xa lại phải xem xét mảnh giấy tàn còn lại sau khi lửa cháy, chẳng khác gì đi đêm chẳng có đuốc đèn, làm sao có ý xằng trùng tu. Vì thế cũng dựa theo gia phả cũ bắt chước mà ghi vậy”. Xúc cảm về việc này ngài đã viết thành  thơ:
Hồi tộc vi tai bổn phổ tàn
Dục truy thế tự dã lương nan
Hạnh bằng minh đức tồn di cảo
Tiên húy do năng chỉ thượng khan
Dịch nghĩa:
Hồi tưởng hỏa tai, tộc phổ tàn
Muốn truy thế thứ quả thiên nan
May mà minh đức còn di cảo
Tổ húy vẫn xem được mấy hàng”
Cũng nhân dịp tu biên gia phả, Quan Án sát Trương Dũ Tán đã định ra một lệ mới về việc đặt chữ lót để dễ truy tìm thế thứ. Ngài sáng tác bài thơ Ngũ ngôn (5 chữ) để mỗi đời  lấy 1 chữ trong đó làm chữ lót. Ngài còn dặn kỹ rằng: “Về sau, nếu có gặp chữ húy của Nhà nước thì đối với bên ngoài, chữ lót này tạm đổi để tránh phạm húy. Còn trong nội tộc vẫn giữ nguyên chữ lót này để con cháu đời đời noi theo đặt kèm tên họ của mình,  chứ không được tự tiện thay đổi chữ lót khác khiến cho rối loạn thế thứ...”. Việc đặt chữ lót trong tộc Trương Đồng Nhân theo bài thơ này bắt đầu thực hiện từ thời Thành Thái triều Nguyễn.
Bài thơ như sau:
Quang dũ đình diên thụy
Xuân khai ngọc thụ sinh
Thanh hà văn cửu diễn
Phong thủy đạo long thành
Khoa giáp liên vinh quý
Hàm lâm trọng phẩm bình
Hiển dương đồng bá trọng
Tế mỹ thế thương hanh
 
Dịch nghĩa:

Thấy điều tốt được đến chốn triều đình vẻ vang
Cây ngọc nảy sinh khi  xuân  tới
Dòng họ Trương (gốc Thanh Hà quận – nước Yên cổ)  được đông     đủ, lâu dài
Đó là nhờ phúc ấm được sâu dày
Cho nên con cháu nối tiếp nhau làm nên danh phận
Được tham gia bàn thảo việc nước
Anh em trong Họ đều vinh hiển
Cuộc đời đều được tốt đẹp thông suốt
Thay mặt Hội đồng họ Trương Việt Nam, chúng tôi đã có lời phát biểu chào mừng bà con và chúc Đại lễ trai đàn của tộc Trương Đồng Nhân thành công tốt đẹp và mong cho việc kết nối dòng tộc mang lại kết quả. Các cụ, các anh trong Hội đồng Gia Tộc  đã mời đoàn chụp ảnh lưu niệm trước khi chia tay trong niềm lưu luyến cảm động của những người đồng tộc…Trong dịp này, anh Trương Ngọc Lành, chủ tịch Hội đồng họ Trương TT-Huế cũng cho biết đang thu thập các tư liệu của các tộc Trương anh em trong tỉnh, in thành một “Cẩm nang” hoặc “Kỷ yếu” để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối dài lâu…


Dự bữa cơm chay thân mật với tộc Trương Đồng Nhân


Đoàn Hội đồng Họ Trương Việt Nam và đoàn Hội đồng Họ Trương tỉnh Thừa Thiên - Huế
chụp ảnh kỷ niệm  với Hội đồng gia tộc Trương Đồng Nhân



Cổng  vào nhà thờ tộc Trương Đồng Nhân
trang hoàng rực rỡ đón đại biêu và bà con đến dự Đại lễT rai đàn chẩn tế
 
2/Tộc Trương Công Phước Tích :
*Đại lễ Hiệp kỵ  * Như chưa hề có cuộc chia ly
 
Sau khi chung vui bữa cơm chay thân mật với tộc Trương Đồng Nhân (làng Hiền Lương),  2 đoàn Họ Trương Việt Nam và Thừa Thiên- Huế  đến nhà thờ tộc Trương Công tại làng cổ Phước Tích dâng lăng hoa và mâm trái cây, thắp hương nhà thờ nhân Đại  lễ Hiệp kỵ.
 
Tộc Trương Công Phước Tích là một tộc lớn, sớm định cư ở xứ Cồn Dương – nơi đây  đã 3 lần đổi tên làng: Cồn Dương – Phước Giang (1470 – 1778), Hoàng Giang ( 1778 – 1802), Phước Tích (1802 đến nay) thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền.
 Thủy Tổ là ngài Trương Công Công (tục gọi là Ông Quận), con đầu Ngài Thái Thủy Tổ ở làng Cẩm Quyết, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã cùng 10 tộc bạn, dưới quyền chỉ huy của ngài Hoàng Minh Hùng đến xứ Cồn Dương khai khẩn lập làng. Tính  đến nay là 18 đời. Ngài được triều đình sắc phong: Đặc tấn Kim Tử Đại Phu Thử Hạp Nhân Tử. Lăng mộ ngài tại xứ Cây Mít, Phù Thạch thượng, làng Hội Kỳ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, Tỉnh Quảng Trị. Thủy tổ Phu nhân húy Viện. Cạnh mộ Ngài còn có các ngôi mộ Tổ của các họ Hoàng, họ Lương Thanh, họ Phan Công.
Theo gia phả, tộc Trương Công, đời thứ 7, hai Ngài Trương Công LăngTrương Công Lý tha hương làm ăn ở xứ Bình Định. Rồi ngài Trương Công Lý vào Huế, định cư lập nghiệp tại làng Trà Lộc. Trải qua bao đời, nhưng con cháu Ngài vẫn nhớ về đất tổ. Vốn có nghề mộc, con cháu Ngài từng về tham gia trùng tu xây dựng nhà thờ Đại tôn. Đời thứ 12, ngài Trương Công Táng -  Đội Trưởng Sơn Tây, lấy vợ hai ở làng Dư Độ, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, sinh hạ Trương Công Khiêm và Trương Công Mích (tục gọi Trương Công Mưu). Lớn lên ông Trương Công Khiêm về làng Phước Tích phụng dưỡng mẹ đích. Ông Trương Công Mưu ở với mẹ hai, lấy vợ sinh hạ 5 người con (2 trai 3 gái). Những năm 40 của thế kỷ XX, đất nước loạn ly, nạn đói lan tràn, vợ chồng ông Trương Công Mưu dắt theo 5 người con lưu lạc đến Kiên Giang, một tỉnh tận cùng của đất nước.. Trước khi tạ thế, ông Trương Công Mưu để lại bút tích về địa chỉ quê hương, dòng tộc và tên tuổi anh em ruột thịt nơi quê nhà với mong muốn con cháu có cơ hội tìm lại đựơc cội nguồn.
Một ngày đầu mùa đông năm 1995, người con gái Trương Kim Khanh (sinh năm 1932) cùng chồng là Lương Văn Thực, theo bút tích của cha, tìm được làng Phước Tích, tìm được dòng tộc của ông nội mình. Sau 128 năm (1867-1995), 135 con cháu tộc Trương Công lưu lạc tìm được Tộc họ, Cũng vào đời thứ 12, Ngài Trương Công Thố (1853), thường gọi Trương Công Minh đi lính đánh quân Tàu Ô, lấy vợ tại thôn Đông Trụ, xã Nhân Thắng, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ngài Trương Công Minh có một người con trai là Trương Công Bình (trong gia phả ghi Trương Công Bường). Khi ngài Trương Công Minh mất, Họ cử Ngài Trương Công Thự - em Ngài Trương Công Minh (em con ông Chú ruột) từ Huế ra xin đưa cháu Trương Công Bình về nuôi, nhưng gia đình không thuận. Ông Trương Công Bình lớn khôn lấy vợ sinh hạ 3 trai 2 gái. Sau 155 năm, chi này đã phát triển được 104 người (5 đời), định cư trên nhiều tỉnh thành trong nước: Sapa, Yên Bái, Việt Trì, Quảng Ninh, Hà Nam, Hà Nội.
Ngày17/5 năm Ất Dậu (2005), tại tộc đường TRƯƠNG CÔNG chứng kiến sự kiện “Đón mừng đoàn xe hoa dòng dõi TRƯƠNG CÔNG MINH sinh hạ TRƯƠNG CÔNG BÌNH – Hà nội - Huế”.
Cụ Trương Đức Kiến (87 tuổi) – tộc trưởng tộc Trương Công Phước Tích cho biết: Tuy không có người làm quan to, nhưng cũng có Ông Nghè, Ông Cử, có chức hàm Thừa Phái, Biện Tu, thực hành công vụ tại các tỉnh Thanh Hóa, Bình Định, Phan Thiết. Phát huy truyền thống đó, ngày nay con cháu nội ngoại tộc Trương Công trên thuận dưới hòa, đùm bọc yêu thương nhau như một Đại Gia Đình.  Con cháu được học hành. Nam nữ từ 18 tuổi trở lên có trình độ học vấn Tú Tài, Cử Nhân, Kỹ sư, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Giáo sư. Dù làm ăn ở nơi xa, nhưng con cháu vẫn nhớ lời dạy của tiền nhân : “Ly hương bất ly Tổ”. Hàng năm, con cháu về thăm nội ngoại, quê hương tổ chức Đại lễ hiệp kỵ,  sửa sang tu bổ nhà thờ, dựng lại bia đá, xây mộ cho Tổ Tiên, thân quyến.


Hai phó chủ tịch Hội đồng Họ Trương Việt Nam
dâng lẵng hoa tại nhà thờ tộc Trương Công ở làng cổ Phước  Tích.
 
Phó Giáo sư - Tiến Sĩ Trương Thế Kỷ, nguyên Phó chủ nhiệm khoa Hóa Đại học Y dược TPCM và các cháu con từ Hà Nội, Quảng Ninh cũng đã kịp về  Phước Tích trong Đại lễ này là những minh chứng hùng hồn cho truyền thống đó của tộc Trương Công Phước Tích…
Bên ngôi từ đường cổ kính soi bóng xuống dòng Ô Lâu thơ mộng, còn có những ngôi nhà cổ của các hộ con cháu tộc Trương ẩn hiện trong những hàng rào chè tàu được cắt tỉa công phu. Anh Trương Công Danh, hậu duệ đời thứ 15 của tộc cho biết, làng cổ nay đang được UNESCO tài trợ để trùng tu và xây dựng thành điểm du lịch làng quê ở phía Bắc tỉnh. Bà con Tộc Trương Công Phước Tích vì vậy cũng mang nhiều hy vọng sẽ đón được nhiều đồng tộc trong cả nước về thăm viếng và kết nối tình huyết thống anh em…
 Ông Trương Ngọc Lành – Chủ tịch Hội đồng Họ Trương tỉnh Thừa Thiên – Huế phấn khởi báo tin vui với Hội đồng Họ Trương Việt Nam rằng: Hoạt động kết nối các tộc Trương ở tỉnh Thừa Thiên – Huế đang bừng bừng sục sôi khí thế. Khi tham dự Đại hội đại biểu Họ Trương Việt Nam ngày 21/4/2013, chúng tôi mới kết nối được 40 tộc  nhưng đến nay, chỉ sau 2 tháng đã kết nối được thêm 40 tộc nữa,  thành 80 tộc. Chúng tôi tiếp tục kết nối đến từng làng xã có tộc Trương. Sau khi tổ chức Đại hội Họ Trương ở các huyện  xong sẽ tiến tới tổ chức Đại hội Họ Trương toàn tỉnh trong năm nay.
 

              Tác giả bài viết:  Trương Thị Kim Dung-Trương Điện Thắng

Những tin cũ hơn

Hội đồng Họ Trương Việt Nam, CLB doanh nhân Họ Trương Việt Nam thăm và tặng quà cho cháu Trương Minh Duy (11 tuổi) tại Cần Thơ

Hội đồng Họ Trương Việt Nam, CLB doanh nhân Họ Trương Việt Nam thăm và tặng quà cho cháu Trương Minh Duy (11 tuổi) tại Cần Thơ

— 25 Tháng Năm 2017

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam, ngày 05 tháng 09 năm 2013, Ông Trương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân họ Trương Việt Nam, ông Trương Văn Dũng, ông Trương Văn Tuấn - Chánh văn phòng Công ty Luật Sài Gòn đã đến phòng số 1, lầu 2, khu B, khoa nội 3, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh thăm hỏi, động viên cháu Trương Minh Duy (11 tuổi) bị bệnh ung thư máu là con của anh Trương Huỳnh Dư và chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, ngụ tại 174/3 khu vực Thới Trịnh A, phường Thới An, quận Ô Môn, Thành phố Cần Thơ.

Danh sách các Tộc Họ Trương, tổ chức, cá nhân người Họ Trương đã ủng hộ Quỹ Họ Trương Việt Nam

Danh sách các Tộc Họ Trương, tổ chức, cá nhân người Họ Trương đã ủng hộ Quỹ Họ Trương Việt Nam

— 25 Tháng Năm 2017

Nhằm ngày 12 tháng 3 âm lịch năm Quý Tỵ, tức ngày 21 tháng 4 năm 2013. Đại hội họ Trương toàn quốc lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội đã thành công rực rỡ. Đánh dấu cho sự kết nối tình đồng tộc. Lần đầu tiên trong lịch sử những người con họ Trương trên khắp mọi miền Tổ Quốc đã gặp lại nhau sau ngàn năm cách trở. Ơn nhờ Phúc Tổ, cùng sự đóng góp tâm và tài, trí và lực, công sức và tiền bạc, cùng các tư liệu Gia Phả của các tộc họ Trương, đã tạo nên một ngày hội non sông của những người họ Trương Việt Nam. Hội đồng họ Trương Việt Nam xin bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến toàn thể bà con, anh chị em họ Trương Việt Nam, cùng những tấm lòng hướng về dòng họ Trương, đã đồng sức, đồng lòng tạo nên một sự kết nối thắm tình thân tộc của lịch sử, của hiện tại và cho Tương Lai

Thông báo Quyết Định việc ban hành “Quy chế quản lý, sử dụng Quỹ của Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời”

Thông báo Quyết Định việc ban hành “Quy chế quản lý, sử dụng Quỹ của Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời”

— 25 Tháng Năm 2017

Thông báo Về việc ban hành “Quy chế quản lý, sử dụng Quỹ của Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời