Bên những dòng Xuân

23:49 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 1422

Từ lúc chào đời cho đến khi tôi 5 tuổi, gia đình  ngụ ở số nhà 36A Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), thời trước gọi là phố Hàng Nâu vì một số người chuyên buôn củ nâu để cho thợ thuyền mua về nhuộm vải buồm. Dãy phố mà mặt tiền liền đường cái, trông thẳng ra sông Hồng và mặt sau sát chợ Bắc Qua ấy, chỉ đi khoảng trăm mét là tới chân cầu Long Biên và nhà ga trên dốc lên cầu. Ngày bé, đứa trẻ nào thuộc lứa tuổi chúng tôi cũng thuộc bài thơ in trong sách giáo khoa tiểu học:

Hà Nội có cầu Long Biên
Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng
Tàu xe đi lại trên sông
Bộ hành tấp nập gánh gồng ngược xuôi
Suốt ngày cầu nhộn nhịp vui
Dưới cầu nước chảy xanh ngời bãi ngô

Mỗi lần dắt tôi ra chợ, cha mẹ tôi thường dặn: quê mình ở bên kia cầu Long Biên, cách Hà Nội hơn ba chục cây số. Ra chợ gặp người làng, người Bắc Ninh mình sang đây buôn bán con phải chào hỏi lễ phép nhé. Không biết chợ Bắc Qua có từ bao giờ, người thì cho  nó có từ buổi đầu vua Lý Thái Tổ thiên đô về Thăng Long, người thì bảo trước thời Hậu Lê một chút. Còn cha mẹ tôi “vỡ lòng’ cho con gái nhỏ hiểu rằng: chợ Bắc Qua là chợ của những người từ phía Bắc Thủ đô như Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh qua lại buôn bán, đông nhất vẫn là dân Bắc Ninh. Chợ Bắc Qua bày la liệt các sản vật bốn mùa của miền thượng du và trung du, đồng bằng phía Bắc như: đỗ, lạc, gạo tẻ, gạo nếp, khoai lang, khoai môn, sắn, chuối, mật đường, gà vịt và các loại rau. Thứ nào cũng tươi, ngon và giá cả của chợ Bắc Qua thường rẻ hơn nơi khác. Ấn tượng in sâu trong tâm trí non nớt của tôi là người Bắc Ninh lam làm, chịu thương chịu khó. Mấy chục năm trước đâu có sẵn ô tô hay xe công nông để chuyên chở, cánh đàn ông thồ các sọt rau bắp cải, súp lơ, hành, cà chua cao vượt đầu… còn các bà các chị thì kĩu kịt gồng gánh và chạy bộ. Đàn bà, con gái Bắc Ninh thời ấy gánh nặng đi bộ đường trường dẻo dai thế và họ tính nhẩm “Siêu nhanh và chính xác”, về khoản đó lớp con cháu bây giờ có máy tính trong tay còn phải… chào thua. Người Bắc Ninh bán hàng hay cất hàng chóng vánh, chỉ trong ngày rồi lại về quê. Muốn nhắn gửi cái gì về “đằng nội”, cha mẹ tôi đều ra chợ gặp người làng và nhờ họ giúp.
Cha tôi từng nói với con cái rằng: sống và làm việc ở Thủ đô nhưng đừng bao giờ quên cái gốc Bắc Ninh của mình và ông rất tự hào về miền quê đã sinh ra vị vua đứng đầu Triều Lý - Người đã sáng lập kinh đô Thăng Long “ Ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng và bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú, tốt tươi. Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của Đế vương muôn đời”(Chiếu dời Đô- Lý Thái Tổ).
Các sự tích, dấu tích về người Bắc Ninh, Kinh Bắc xây dựng , phát triển kinh đô Thăng Long - Hà Nội trong lịch sử được truyền cảm qua lời kể của người cha. Nào Văn Miếu - Quốc Tử Giám , trường Đại học đầu tiên của nước ta do vua Lý Thánh Tông lập nên và “Một giỏ ông Đồ, một bồ ông Cống, một đống ông Nghè, một bè Tiến sĩ, một bị Trạng Nguyên, một thuyền Bảng nhãn” của Bắc Ninh, Kinh Bắc đã tham gia các khoa thi. Nào hàng chục vị Tế tửu (Hiệu trưởng) Quốc Tử Giám là người Bắc Ninh.
Từ ngôi nhà tuổi thơ của tôi ở phố Trần Nhật Duật, dọc theo bờ đê Yên Phụ khỏang hai cây số là đến Hồ Tây - nơi được truyền tụng là có Trâu vàng huyền thoại chạy lồng từ dãy núi Phật Tích - Tiên Du (Bắc Ninh) ra đây tìm mẹ , có bóng dáng Hoàng tử Linh Lang của triều Lý thác hóa thành Thần, có vô vàn đàn cá Chép môi đỏ như son thân điểm hoa đỏ  do công chúa triều Lý và ông Hoàng Lệ Mật thả, tung tăng bơi lượn - một đặc sản trứ danh của Hồ Tây cùng với Tôm càng xanh và chim Sâm Cầm, Cà Cuống…Người Bắc Ninh trong đó có dòng họ Trương bên dòng sông Cầu sông Đuống ngay từ thời Lý đã sớm theo chân ông Hoàng Lệ Mật (Gia Lâm) ra Thăng Long thực hiện công cuộc khẩn hoang sớm nhất  những vùng đầm lầy nước đọng ven đô trở thành “Thập tam trại” (13 làng trại) trù phú với  vành đai hoa cảnh, tơ lụa Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Vĩnh Phúc, Nhật Tân, Nghi Tàm, Hào Nam, Giảng Võ, Liễu Giai, Ngọc Khánh… cho đời sau mãi ngân nga câu ca:

La thành có hồ Trâu vàng
Nước trong bến đá có nàng quay tơ
Trời xuân mây gấm lửng lơ
Tiếng chày theo gió xa đưa bóng tà
Dưới trăng dạo gót bên hoa
Lào xào trong khóm trúc già ngõ sâu

Gần ngàn năm đã trôi qua, nhưng người dân và chính quyền địa phương ở 13 làng trại (Thập Tam Trại) vẫn lưu luyến “cố hương” cứ đến Rằm tháng Ba - Ngày vua Lý Thái Tổ đăng quang là về Đền Đô (Đình Bảng - Bắc Ninh) lễ hay ngày 23 tháng 3 âm lịch thì về làng Lệ Mật giỗ ông Hoàng Phúc Trung - Thành hoàng Lệ Mật và Thập tam trại.
Do những biến động thời cuộc và hoàn cảnh gia đình, năm 1959 tôi theo cha mẹ chuyển về quê nội Bắc Ninh sinh sống trong ngôi nhà tầng như một con tàu cổ có chiều dài từ bờ sông ra mặt chính của phố Gạo (sau này đổi là khu 5) Đáp Cầu. Mỗi khi mở các cửa sổ ra là những cánh buồm của những con thuyền ngược xuôi trên dòng sông cầu in bóng vào lòng nhà. Hai bên đường phố rất lắm Bàng, nhà nào cũng có một cây trước cửa. Cái giống này dễ trồng và tán lá rộng chẳng khác chiếc ô lớn che bụi và nắng mưa cho hè phố. Lũ trẻ chúng tôi thuở đó rất thích dậy sớm nhặt Bàng chín để ăn. Các loại Bàng Đào, Bàng Mỡ  đều ăn tuốt nhưng vị thơm mát ngòn ngọt bùi bùi nhuần nhĩ của quả Bàng Đào thú vị hơn cả.
So với những vùng xung quanh thì Đáp Cầu là một làng nhỏ nhưng nó có vị trí quan trọng trong giao thương giữa miền ngược và miền biển, nằm trên huyết mạch quốc lộ 1A và là cửa ngõ phía Bắc của thành phố Bắc Ninh. Tên nguyên thủy của Đáp Cầu là Tháp Lĩnh Cầu xuất phát từ việc người xưa dựng cái tháp canh trên đỉnh Thành Sơn (còn gọi là núi Ông Thiêng) để binh lính giữ chốt. Thời Trần nhà Nho Trương Hán Siêu - vị cố vấn của 4 triều vua Trần từng có một bài thơ khắc trên bia đá ở núi ấy.
 Lúc nhỏ, cứ đến Tết Nguyên Đán, cha mẹ cho bọn trẻ chúng tôi mặc quần áo lụa đỏ rồi dẫn  lên núi chơi và lễ đền Đông Thiên (thờ Thần Mặt Trời) để cầu mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu, theo tín ngưỡng của  cư dân nông nghiệp. Đền Đông Thiên nhỏ thôi, nội tự chỉ bằng diện tích một gian nhà cổ. Mùa Xuân, cây Mai cổ thụ nở hoa phủ trắng mái đền và mẹ con Quạ tắm cho nhau bên bể Non Bộ đặt trước cửa đền, thật là một cảnh tượng thơ mộng, thanh bình. Người giữ đền Đông Thiên thuở ấy là ông Trương Trọng Thảo (còn gọi là ông “Thảo lớn” thuộc nhánh trưởng để phân biệt với ông “Thảo nhỏ” ở nhánh 3 – nhánh út). Ông Thảo lớn (là bác họ của tôi) có tiếng đẹp trai lại say mê hát tuồng, chuyên đóng vai Lã Bố trong vở “Phụng Nghi Đình” mỗi khi làng tổ chức hội hè dịp đầu Xuân.
Dòng họ Trương Đáp Cầu (Bắc Ninh) là một trong 5 dòng họ lớn (Hoàng, Trương, Nguyễn, Lê, Vũ) khai canh ra làng Đáp Cầu ở đầu thế kỷ XVII.
Theo “Trương Phúc tộc thế phả”: Thủy tổ Họ Trương Đáp Cầu là  cụ Trương Phúc Siêu. Tổ tiên của ngài vốn là quan lại triều Trần đã tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh dưới trướng Bình Định Vương Lê Lợi (Thế kỷ XV). Năm 1423, một số người trong dòng họ từ Thanh Hóa ra tổng Phùng (trấn Sơn Tây) trong chiến dịch đánh quân Minh dọc sông Đáy rồi trấn thủ, định cư ở đây được chục đời. Trước đó, các đời toàn độc đinh nhưng đến đời thân phụ ngài thì sinh đôi được 2 con trai, ngài Phúc Siêu là con thứ, từ thuở nhỏ đã có vóc dáng khỏe mạnh. Ngài thường nói với anh trai (sinh đôi) rằng: “Du lịch Ngũ Hồ là lòng dạ nam nhi, giao lưu bốn biển là ý chí của kẻ trai tráng”. Từ dạo ấy, Ngài vác kiếm đi theo quân đội, gửi thân nơi góc biển rồi phòng thủ trấn Thành Sơn (tức thành cổ Sơn Tây thời Lê – Trịnh ở làng Mông Phụ - Đường Lâm, nay thuộc Hà Nội), năm 1627 ngài được triều đình cử về trấn thủ Tháp Lĩnh Cầu trên núi Thành Sơn lấy người vợ họ Hoàng tại đây và sinh ra dòng họ Trương Phúc  Đáp Cầu.        
Phố Gạo gia đình tôi ở liền kề một dải với phố Nứa, trên bến dưới thuyền lúc nào cũng đông vui, tấp nập,  ngồn ngộn hàng gạo hàng gỗ lạt tre nứa. Nhiều thương nhân Trung Quốc cũng theo thuyền tới đây buôn bán. Thời Pháp thuộc, người Pháp đã coi Đáp Cầu là thị trấn và định biến nơi đây thành Trung tâm công nghiệp và thương mại kiểu châu Âu. Bến tàu Tây Cao trước cửa đền Hội Đồng (nơi danh tướng Lý Thường Kiệt từng tập trung quân sĩ lập phòng tuyến chống giặc Tống trên sông Như Nguyệt) chuyên chở khách đi Hải Phòng và từ dưới đó lên Đáp Cầu. Có lần trên chuyến xe khách, có một cụ già Việt kiều hỏi đường về Đáp Cô, mọi người ớ ra nhưng ai là người Đáp Cầu thì hiểu Đáp Cô chính là Đáp Cầu được đọc theo tiếng Pháp. Trường Tiểu học Đáp Cầu đã có tuổi đời trên trăm năm, các thày giáo dạy thế hệ học sinh chúng tôi phần lớn là giáo viên lưu dung, đều thông thạo tiếng Pháp. Trong vùng có câu: “Trai Đáp Cầu đi thầu nuôi vợ, gái Thị Cầu đi chợ nuôi chồng”, đàn ông Đáp Cầu xưa làm nghề thầu khoán xây dựng, có chủ thầu (người họ Ngô) từng là Nghị viên dân biểu Bắc Kỳ thời Pháp thuộc.
Các cụ kể: có thày địa lý đã phán, thế đất Đáp Cầu giống hình lá cờ và con đê chạy từ Kim Đôi xuống Nội Doi là hình cán cờ nên dân Đáp Cầu phải đi làm ăn xa mới phát. Người Đáp Cầu có mặt khắp trong nước và ra cả nước ngoài làm ăn. Bên cạnh sự thiên di thì số người của các dòng họ Ngô, Trương, Hoàng,Vũ, Nguyễn, Mai “bám trụ” tại bản quán cũng nhiều.
Trong thời kỳ giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Đáp Cầu bị máy bay địch oanh tạc dữ dội nhất là khu vực phố Nứa phố Gạo, nhà cửa của gia đình tôi và của nhiều người khác đã bị sập đổ tan tành. Chúng ném đủ loại bom bi, bom tấn, bom tạ xuống bến cảng, cây cầu  và phố xá hòng cắt đứt tuyến đường thủy bộ vận chuyển hàng hóa từ Lạng Sơn về Hà Nội, từ Hải Phòng lên miền ngược.
Sau 15 năm sống ở quê nội Bắc Ninh tôi trở lại Hà Nội học Đại học. Trước ngày đầu tiên nhập học trường Đại học Tổng hợp, mẹ đã dẫn tôi tới đền Quán Thánh - nơi thờ  đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ chủ trì cai quản phía  Bắc - một trong “Tứ trấn” của kinh thành Thăng Long – Hà Nội, để lễ tạ ơn và kính cáo với Ngài là: “đứa con cầu tự” ở đền Quán Thánh năm xưa nay đã vào Đại học.
Thấm thoắt trên 1/3 thế kỷ học hành, công tác ở Thủ đô nhưng tôi vẫn chạy đi chạy lại giữa đôi bờ  thương nhớ của hai vùng đất ngàn năm văn hiến: Hà Nội - Bắc Ninh. Mỗi lần chứng kiến sự đổi mới tốt đẹp của hai nơi yêu dấu này, lòng tôi nao nức  khôn tả. Thật kỳ lạ, cùng một thời điểm bờ sông Hồng ở phố Trần Nhật Duật - nơi có ngôi nhà ấu thơ  của tôi và bờ sông Cầu ở Đáp Cầu đoạn phố Gạo, phố Nứa cũ mà tôi sống thời hoa niên đều được xây kè đê vững chãi và trồng hoa cảnh tạo nên một dạng công viên, tô điểm vẻ đẹp cho thành phố.
Với tôi, dòng sông Hồng muôn đời lung linh nhan sắc hoa Đào và dòng sông Cầu “nước chảy lơ thơ”  mãi ánh lên màu lá Sen tơ. Tình tôi thầm soi bóng vào những dòng Xuân thiêng liêng ấy.
 
 

Những tin cũ hơn

Chủ tịch nước: Phải biết hổ thẹn với tiền nhân

Chủ tịch nước: Phải biết hổ thẹn với tiền nhân

— 25 Tháng Năm 2017

"Biết ơn những thế hệ đi trước, chúng ta phải làm mọi điều có thể để đất nước phát triển. Tự hào với những gì đã làm được, nhưng chúng ta cũng cần phải biết hổ thẹn với tiền nhân, với những bậc tiên liệt về những yếu kém, khuyết điểm của mình đã cản trở bước đi lên của dân tộc" - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Non bộ phong thủy (Đức Thưởng)

Non bộ phong thủy (Đức Thưởng)

— 25 Tháng Năm 2017

Hòn non bộ (hay còn gọi là giả sơn) được sử dụng nhiều trong phong thủy với tác dụng biểu trưng cho núi, đồi tự nhiên. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả nhất định, vị trí đặt hòn non bộ cần phải tuân theo những nguyên tắc nhất định.

Phong trào chống Pháp và người Họ Trương với đất nước

Phong trào chống Pháp và người Họ Trương với đất nước

— 25 Tháng Năm 2017

Ngay từ khi thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta năm 1858 và dưới ách thống trị của chúng ngót một thế kỷ, nhân dân ta không cam chịu nô lệ đã liên tiếp vùng dậy cầm vũ khí để giải phóng dân tộc. Những người con dân nước Việt mang trong mình dòng máu họ Trương đã cùng dân tộc Việt Nam dựng cờ khởi nghĩa.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư nhân ngày khai trường năm học 2011 - 2012

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư nhân ngày khai trường năm học 2011 - 2012

— 25 Tháng Năm 2017

Hôm qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư tới thầy cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các học sinh, sinh viên cả nước nhân dịp khai giảng năm học mới 2011-2012 và ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”. Cổng thông tin điện tử họ Trương Việt Nam xin giới thiệu toàn văn thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân ngày khai giảng năm học 2011-2012: