I/ Người mở tầm chiến lược khẩn hoang và phòng thủ
Sinh năm Canh Thìn (1820) tại làng Tư Cung Nam, Phủ Bình Sơn (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), Trương Định 24 tuổi theo cha là Trương Cầm - người giữ chức Hữu thủy vệ úy lãnh binh tỉnh Gia Định vào Nam, và cưới vợ là bà Lê Thị Thưởng - con một nhà hào phú ở làng Tân Phước, huyện Tân Hoà (có sách chép Tân An, thời ấy thuộc tỉnh Định Tường). Bà Thưởng sinh được hai người con: trưởng nam Trương Quyền (dân miền Nam gọi là cậu hai), người con thứ hai là nữ chết khi còn nhỏ. Khi cha mất Trương Định ở luôn quê vợ.
Vào khoảng năm 1854, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của triều đình Nguyễn, Trương Định xuất tiền của chiêu mộ dân nghèo, lập đồn điền ở Gia Thuận (nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).
Năm 1859, ông đem hết tài sản đi quyên góp cứu giúp dân miền Trung bị nạn đói đồng thời đưa gia quyến gồm 5.000 dân nghèo vùng Nam-Ngãi vào khai hoang lập ấp các vùng Bình Thuận, Tân Phước, Gia Thuận, Kiểng Phước, Gò Công…
Theo Nguyễn Thông viết trong cuốn “Lãnh Binh Trương Định truyện”: “Đầu đời Tự Đức, Trương Định bỏ gia tài mộ dân lập đồn điền, được phong chức phó Quản cơ rồi Quản cơ”.
Đồn điền thực chất là một hình thức khẩn hoang và phòng thủ theo lối "động vi binh, tịnh vi dân" trong điều kiện riêng của Nam Kỳ lúc bấy giờ. Khi có chiến tranh dân đồn điền cũng tham gia chiến đấu với quân đội chính quy. Họ hầu hết được trang bị bằng giáo mác và theo như quy định thì mỗi một "cơ" có 500 lính đồn điền.Trong đồn điền của Trương Định, cơ binh được tổ chức khá chặt chẽ, sản xuất, khẩn hoang, bố phòng và luyện tập quân sự đều được chú trọng đúng mức, ăn mặc được chu cấp tương đối đầy đủ, quan hệ trên dưới vừa nghiêm cẩn vừa thân tình. Vì vậy uy tín của Quản Định ngày càng lớn, lan rộng ra khắp vùng chung quanh, cơ binh về theo rất đông, lên đến hàng nghìn người. Sau này, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đến hồi quyết liệt, Trương Định đã cấp giấy chia ruộng đất cho các gia đình cơ binh sống trong đồn điền, khuyên họ chăm lo cày cấy, chôn dấu vũ khí, chờ đợi thời cơ.
Tháng 9/1858, liên quân Pháp và Tây Ban Nha nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), chính thức mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Đầu năm 1859, sau khi kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh" ở miền Trung bị phá sản, quân Pháp chuyển hướng vào phía Nam, tấn công Bến Nghé, tức Sài Gòn, tỉnh thành tỉnh Gia Định.Trước tình hình này, Trương Định kịp thời đưa cơ binh của mình đóng ở Thuận Kiều (Gia Định) phối hợp hợp với quân Triều đình ngăn chặn giặc. Trong quá trình lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp, Trương Định đã đánh thắng giặc Pháp ở mặt trận Thị Nghè, Cây mai…
Quân Pháp tấn công mạnh, quân triều đình không cự nổi, Sài Gòn thất thế, Trương Định kéo quân về đóng ở Thuận Kiều, tiếp tục dùng chiến thuật đánh du kích , bất ngờ quấy rối địch ở khắp nơi. Lừng lẫy nhất là trận tấn công vào đồn giặc ở chùa Chợ Rẫy thuộc tuyến phòng thủ của quân Pháp ở ngoại thành Gia Định, cùng các trận đánh liên tiếp vào các vị trí ở Cần Giuộc, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Trảng Bàng…
Năm 1860, dưới quyền của Tổng thống quân vụ Nguyễn Tri Phương, Trương Định tham gia giữ đồn Kỳ Hoà, được triều đình phong chức Phó lãnh binh.
Sau khi đồn Kỳ Hoà thất thủ, ông cùng nghĩa binh rút về Gò Công xây dựng căn cứ kháng chiến chống Pháp. Trương Định đã tổ chức nhiều trận phục kích địch ở Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn làm cho Pháp bị tổn thất lực lượng rất nhiều.
Sau khi ký hoà ước Nhâm Tuất, triều đình Huế cắt 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ giao cho Pháp. Triều đình vừa phong ông chức Lãnh binh, vừa buộc ông phải chuyển đi nhậm chức ở An Giang và giải tán nghĩa quân chống Pháp. Trước sự nhu nhược của vua Tự Đức, Trương Định cương quyết chống lại lệnh của triều đình, ở lại Gò Công, Mỹ Tho tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân và cùng nhân dân chống Pháp. Nghĩa quân và nhân dân tôn Trương Định làm Bình Tây đại Nguyên soái.
Đầu năm 1861, sau khi khống chế được triều đình Mãn Thanh và buộc Trung Quốc phải thi hành Hiệp ước Thiên Tân (ký ngày 27/6/1858), quân Pháp mở cuộc tấn công lớn vào đại đồn Chí Hòa, Trương Định lại đem quân phối hợp với quân đội của Nguyễn Tri Phương - Tổng chỉ huy quân đội nhà Nguyễn ở Gia Định và Nam Kỳ, để chống giặc.
Ngày 25/2/1861, đại đội Chí Hòa thất thủ, quân triều đình rút về giữ Biên Hòa. Trương Định không theo họ mà thu quân về đóng giữ Tân Hòa (Gò Công) phối hợp cùng Tri huyện sở tại là Lưu Tấn Thiện và Thơ lại là Lê Quang Quyến trích trữ lương thảo, súng đạn, đắp đồn lũy, mộ thêm quân, xây dựng nơi đây thành căn cứ kháng chiến.
Lúc này, phong trào chống Pháp ở Nam Bộ liên tục dâng cao, lực lượng nghĩa quân của Trương Định lên đến gần 6.000 người. Ông được những người chủ chiến ở triều đình, cũng như các nhân sĩ và nhân dân ủng hộ. Trương Định đã liên kết được với các lực lượng nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Đỗ Đình Thoại Phan Văn Đạt, Phan Văn Trị, Hồ Huân Nghiệp, Nguyễn Thành Ý, Phan Trung … hoạt động khắp vùng Mỹ Tho, Tân An, Chợ Lớn, Trảng Bàng... trải rộng từ phía biển lên tới biên giới Campuchia, trở thành địa bàn kháng Pháp mạnh nhất, lớn nhất vùng lục tỉnh. Trong tác phẩm Suvernir de l’expédition de Cochinchine 1861 – 1862, xuất bản tại Paris năm 1865 đã viết về lực lượng chiến đấu của Trương Định như sau: “Họ đánh theo kiểu du kích, làm chủ nông thôn. Khi cần tiêu diệt một cứ điểm nào thì họ tập trung lại. Khi tấn công cũng như khi rút lui, họ biết lợi dụng vô số những chướng ngại vật tự nhiên của xứ họ. Một xứ có nhiều sông rạch, rừng bụi, đồng lúa, đầm lầy. Họ kín đáo lánh mình, thình lình xuất hiện, nổ súng tấn công…Làm cho đối phương luôn luôn ở trong thế đề phòng, mệt mỏi, kiệt sức, cuối cùng phải bỏ cuộc chịu thua…”. Ngay cả Vial – một quan cai trị cao cấp của Pháp thời ấy đã gọi Trương Định là Nhà đại lãnh tụ của quân khởi nghĩa.
“Đại Nam chính biên liệt truyện” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, đánh giá cao về hoạt động của Trương như sau: “Trương Định am hiểu võ nghệ, dũng cảm, mưu lược. Tự Đức năm thứ 14 (1861)), thành Gia Định hữu sự, Trương Định hưởng ứng việc nghĩa, chiêu mộ thú dõng được hơn 6.000 người, lại kiêm quản những đầu mục thân hào mộ việc nghĩa, dồn lập 18 cơ quân, luôn chống đánh người Pháp, thu được súng ống khí giới và đúc chế thêm để dùng, được bạt bổ làm Quản cơ, lĩnh Phó Lãnh binh Gia Định”. Phần nào thấy được vai trò của Trương Định, triều đình nhà Nguyễn phong cho ông chức Phó Lãnh binh Gia Định, và đến tháng 3/1862 lại cho kiêm chức Tổng chỉ huy đầu mục Gia Định. Trương Định chuyển đại bản danh về Gò Thượng, chỉ huy 18 cơ binh, liên tục mở những cuộc tấn công quấy rối và tiêu hao sinh lực địch, cướp súng về trang bị và đúc thêm súng mới.
Từ căn cứ kháng chiến, nghiã quân của Trương Định liên tục tấn công các đồn, bốt của Pháp. Ngày 16/2/1862, Trương Định phát lệnh tổng công kích, phản công mạnh mẽ quân xâm lược trên khắp các mặt trận, thu nhiều thắng lợi, đặc biệt là trận Sông Tra mở màn, và các trận ở Qui Sơn, Rạch Lá, Cửa Khẩu, Gò Xoài, Đồng Sơn (Gia Định). Ngoài ra nghĩa quân còn tiến công địch ở nhiều đồn trại khắp Biên Hòa, Định Tường, tập kích pháo thuyền Alarme, thuyền Lorcha...
Trước tình hình này, Bonard một mặt đệ thư về Pháp xin viện binh, một mặt thúc giục Phan Thanh Giản và quan tỉnh Vĩnh Long ép Trương Định bãi binh, giao nộp vũ khí. Lập trường kháng chiến của Trương Định vẫn không thay đổi, một lòng chống Pháp đến cùng. Thất vọng trong âm mưu chiêu dụ và lung lạc Trương Định, lại được nhận thêm viện binh và nhân lúc quân triều đình án binh bất động, ngày 13/2/1863 quân Pháp tập trung quân mở cuộc tấn công lớn vào căn cứ của Trương Định với sự tham gia của 1.200 quân, 8 khẩu đại bác và chiến hạm Européen. Nắm được ý đồ của giặc, Trương Định bố trí lại phòng ngự vững chắc ở Gò Công, Vĩnh Lợi, Đồng Sơn, đắp chắn các đập cản ở Lãng Lộc, Soài Rạp để ngăn đường tiến của địch. Ngoài ra để phân tán lực lượng địch ông còn ra lệnh cho các đạo nghĩa quân khác tấn công vào nhiều căn cứ của chúng ở Gò Cây Mai, Thái Phước, Tuy Bình, An Long.
Ngày 26/02/1863, Pháp mở đợt tấn công vào căn cứ nghĩa quân, bao vây Đám lá tối trời. Thấy được những mặt bất lợi của căn cứ địa Gò Công đồng bằng bằng phẳng, trống trãi dễ bị giặc bao vây tiêu diệt, Trương Định rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Gò Công chọn Lý Nhơn một vị trí nằm giữa vùng đất phù sa có rừng dừa nước che kín giáp ranh Biên Hoà (nay là Tp.Hồ Chí Minh) làm đại bản doanh. Để có thời gian củng cố lực lượng nơi căn cứ mới, Trương Định cho phân tán nghĩa quân thành nhiều toán nhỏ. Tuy nhiên việc xây dựng căn cứ mới gặp nhiều khó khăn, nhất là phải đối phó với thủ đoạn của thực dân Pháp.
Thoát cuộc bố ráp truy kích của giặc ở Lý Nhơn, Trương Định trở về Đám lá tối trời, một mặt ông xây dựng lại lực lượng và cơ sở kháng chiến một mặt Ông truyền hịch đi khắp nơi lên án dã tâm xâm lược của kẻ thù và kêu gọi các sĩ phu, mọi người hãy đứng lên góp công góp sức, hiến kế giúp ông đánh giặc đó là hịch tháng 8 năm 1864 Trương Định từng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ lấy lau làm cờ, chặt tầm vông làm vũ khí. Dứt khoát không bao giờ ngừng chống bọn giặc cướp nước”. Trong tuyên ngôn công bố với triều đình và nhân dân, Trương Định nêu rõ: “Từ năm thứ 12 của triều vua Tự Đức (1858), bọn man di Tây phương đã xâm nhập xứ này. Chúng tiếp tục gây hấn, lần lượt chiếm ba tỉnh Gia Định, Định Tường và Biên Hoà. Dân ba tỉnh này đã nếm qua mọi tai ương. Sau đó, một hoà ước đã ký kết với Nguyễn triều chỉ gây thêm lòng phẩn nộ và niềm thất vọng của nhân dân ba tỉnh. Nhân dân ba tỉnh này thiết tha muốn khôi phục địa vị cũ bèn tôn chúng tôi làm lãnh tụ. Vậy chúng tôi không thể dừng làm điều chúng tôi đang làm. Cho nên chúng tôi sẵn sàng chiến đấu ở miền Đông cũng như miền Tây. Chúng tôi sẽ đề kháng, chúng tôi sẽ xông pha và sẽ phá tan lực lượng quân địch…Dân chúng đã đã nói: Chúng ta chết chứ không chịu làm tôi tớ cho giặc…” .
Hưởng ứng lời hiệu triệu của Bình Tây đại nguyên soái Trương Định khắp nơi một làn sóng kháng chiến lại sôi nổi ở Mỹ Tho, Tân An, Gò Công, Cần Giuộc, Chợ lớn và vùng giáp ranh Biên Hoà làm cho giặc Pháp càng sốt ruột càng ra sức truy tìm để diệt ông.
Tháng 2/1863, nhờ có viện binh, Pháp phản công tại Biên Hòa, Chợ Lớn, bao vây Gò Công. Ngày 26/2/1863, quân Pháp mở cuộc càn quét lớn, đánh chiếm căn cứ nghĩa quân, Trương Định thoát khỏi vòng vây, kéo quân về Biên Hòa.Tháng 9/1863, Lagrandière sang thay Bonard, mở cuộc càn quét thứ hai, bắt được vợ con và một số tùy tùng của Trương Định.
Vào giữa năm 1864, Trương Định chuẩn bị một đợt tấn công mới nhằm đánh chiếm lại Tân Hòa. Tiếc thay, kế hoạch lớn đó chưa thực hiện được thì xảy ra việc quân Pháp do tên phản bội Huỳnh Công Tấn dẫn đường đánh úp nghĩa quân đêm 19 rạng ngày 20/8/1864.Mặc dù quân ít, lại bị đánh bất ngờ Trương Định và các nghĩa quân vẫn chiến đấu dũng cảm, chống trả mãnh liệt. Bị trọng thương cột sống, biết không thoát khỏi tay giặc, ông rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết oanh liệt.
Thương tiếc người anh hùng dân tộc, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã làm 12 bài thơ và 1 bài văn tế khóc Bình Tây đại nguyên soái Trương Định:
“Trời Bến Nghé mây mưa sùi sụt,
thương đấng anh hùng gặp lúc gian truân
Đất Gò Công cây cỏ ủ ê
Cảm niềm thần tử, hết lòng trung ái
Xưa còn làm tướng, giốc rạng ngời hai chữ Bình Tây
Nay thác theo thần, xin dựng hộ một câu phục thái….”
Cuộc kháng chiến thực dân Pháp của Trương Định chỉ trong thời gian ngắn từ năm 1859 đến 1864 đã trở thành điểm son ngời sáng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, nêu cao tinh thần yêu nước bảo vệ nền độc lập tự do Việt Nam.
II/ Những di tích lịch sử tôn vinh Anh hùng dân tộc Trương Định
1/ Lăng mộ Bình Tây đại nguyên soái:
Khi Trương Định tuẫn tiết ngày 20 tháng 8 năm 1864, vợ thứ của ngài là bà Trần Thị Sanh - anh em con cô con cậu với bà Từ Dũ Thái Hậu (mẹ vua Tự Đức) đã đem thi hài chồng về an táng trọng thể nơi gò đất cao, cây cỏ um tùm, chung quanh ao hồ nước đọng tại trung tâm huyện lỵ Tân Hoà, nay là phường I, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Ban đầu ngôi mộ được làm bằng hồ ô dước. Diện tích toàn ngôi mộ là 67,263m2 , chiều dài: 9,95m kể cả vòng tường ngoài cùng, ngang: 6,75m, vòng tường ngoài có 04 trụ cao 1,16m mỗi cạnh 54cm trên 04 trụ bốn góc có 04 hoa sen. Vòng tường này cao 70cm xây bằng đá xanh. Mộ có 02 bia: 1 bia phía trước mộ, 1 bia phía cuối mộ. Mỗi bia đều có mái che hình thức màu như ngói nhưng bằng vôi, cát. Tấm bia trước mộ bằng đá cẩm thạch trắng, trang trí chung quanh rèm bia là hoa văn hoa lá mềm mại và ngay giữa khắc dòng chữ: “Đại Nam - An Hà lãnh binh kiêm Bình Tây Đại tướng quân Trương công húy Định chi mộ”. Giặc Pháp đã cho tay sai đục nát hàng chữ “Bình Tây Đại tướng quân” và phạt bà Trần Thị Sanh 10.000 quan tiền vì tội lập bia trái phép.Năm 1874, bà Trần Thị Sanh làm đơn xin tu sửa mộ cho chồng. Lần này mộ Trương Định được xây bằng đá hoa cương, có 3 bức hoành phi và 6 trụ đá ghi lại thân thế và sự nghiệp của ông. Một lần nữa, các hoành phi và trụ đá bị nhà cầm quyền Pháp ra lệnh đục bỏ.
Năm 1945, nhân dân trùng tu và bia được khắc lại "Đại Nam Thần Dũng, Đại tướng Quân, truy tặng Ngũ Quân, Ngũ Quận Công, Trương Công Định chi mộ" và kế bên là dòng chữ nhỏ "Tốt Ư Giáp Tý, Thất Nguyệt Thập Bát Nhật" (tức chết ngày 20/8/1864) và một bên đề “Trần Thị Sanh lập thạch”. Bia cuối mộ cũng có mái che trên bia khắc hai chữ "Trung Nghĩa".
Trước mộ có đôi liễn:
"Sơn Hà Thu Chính khí
Nhật Nguyệt chiếu đan tâm"
(Núi Sông thu chính Khí
Nhật Nguyệt chói lòng son)
2/ Đền thờ Bình Tây đại nguyên soái Trương Định:
Ban đầu nhân dân lập miếu thờ ngài Vào những năm đầu thế kỷ 20 miếu được trùng tu lại do nhân dân đóng góp tiền của xây dựng lại to rộng hơn, lúc này không gọi miếu mà gọi là đình: Đình Gia Thuận với chất liệu bằng gỗ quí, mái lợp ngói âm dương, kèo cột theo kiểu tứ trụ chồng rường, cột kê trên táng đá xanh nền lát gạch tàu, bó nền bằng đá tổ ong.
Trong các năm 1972, 1973 đền thờ Trương Định được xây dựng lại.
Với đạo lý “ uống nước nhớ nguồn” chính quyền huyện Gò Công và nhân dân đã tiến hành tu bổ lại toàn bộ đền thờ Trương Định-Gia Thuận với qui mô và khang trang như ngày nay. Ảnh của vị anh hùng dân tộc đặt ngay bàn thờ chính, hai bên tả, hữu "TẢ VĂN BAN, HỮU VÕ BÁ" và nhiều câu đối do nhân dân địa phương ca tụng các vị quan văn và quan võ của Trương Định. Di tích được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1984
Bên cạnh đó, di tích Ao Dinh, Đám lá tối trời có tên chung là:" Các địa điểm liên quan đến cuộc khởi nghĩa Trương Định đều được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2004.
Qua bao đời nay, nhân dân Gò Công đã xây dựng, tu sửa, tôn tạo mộ, đền thờ và dựng tượng Trương Định.. Đây là một trong những Lễ hội lớn ở miền Nam đất nước. Trước năm 1975, hàng năm, lễ giỗ Trương Định được tổ chức vào ngày 17 và 18 tháng 7 âm lịch. Từ năm 1975 đến nay, hàng năm, vào hai ngày 19 và 20 tháng 8 Dương lịch, Gò Công đều tổ chức lễ hội Văn hoá Anh hùng Trương Định.
*Đền thờ Trương Định ở thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi - nơi quê cha đất tổ của ông đã được xây dựng lại vào năm 2007. Đền thờ gồm các hạng mục: đền thờ chính bên trong có hương án, hoành phi câu đối ghi nhớ công lao của ông, nhà trưng bày tranh ảnh tư liệu, nhà bia ghi công trạng, sân hành lễ, đường nội bộ... Tổng vốn đầu tư xây dựng ngôi đền là 5, 929 tỉ đồng.
Tri ân công đức của Bình Tây đại nguyên soái, hiện nay các thành phố, thị xã khác trong cả nước đều có đường phố lớn và nhiều trường học tự hào mang tên Anh hùng dân tộc Trương Định.
Kỷ niệm 150 năm ngày mất của Anh hùng Dân tộc Trương Định (1864-2014) năm nay là ngày lễ lớn. Ở Sơn Tịnh, Mỹ Khê (Quảng Ngãi), UBND Tỉnh sẽ tổ chức Lễ Kỷ Niệm long trọng vào ngày 16-17/8/2014. Tại Gò Công, Tiền Giang, UBND Tỉnh sẽ tổ chức vào ngày 20 / 8/2014 (DL). Nhân dịp này Hội đồng Họ Trương Việt Nam khu vực phía Nam phối hợp cùng với Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam (Tạp Chí Xưa và Nay) tham gia cùng với Ban tổ chức lễ của hai Tỉnh đồng thời tổ chức hai sự kiện quan trọng tại Quảng Ngãi và Tiền Giang là: Khánh thành tượng Trương Định (hai tượng bán thân bằng đồng nguyên chất, một đặt tại Gò Công và một đặt tại Sơn Tịnh, Quảng ngãi) và Tổ chức cuộc gặp gỡ, giao lưu các Đoàn Đại biểu Họ Trương phía Nam và cả nước. (chuẩn bị cho Đại Hội Họ Trương Khu vực phía Nam dự kiến vào đầu năm 2015). |
Trong các ngày từ 9 đến 10/8/2014, nhân dip vào công tác tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi theo những chương trình của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, PGS.TS Trương Quốc Bình, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, Phó Chủ tịch Thường trực Hội hồng Họ Trương Việt Nam đã tranh thủ thời gian và chương trình công tác để đến thăm các nhà thờ và bà con tộc Trương tại xã Tịnh Khê, Huyện Sơn Tịnh, nay là TP Quảng Ngãi, trước đây là Phủ Bình Sơn, và huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Tham luận do Nhà báo Trương Điện Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Trương Việt Nam khu vực Miền trung trình bày tại Hội thảo khoa học về “Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai và truyền thống khoa bảng họ Trương Việt Nam” Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức ngày 15/7/2014, tại Khu di tích Văn Miếu Quốc tử giám Hà Nội.
Như tin đã đưa, ngày 15/7/2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã phối hợp với các Viện Nghiên cứu và Các cơ quan quản lý về di sản văn hóa ở trung ương và một số tỉnh, thành phố trong toàn quốc tổ chức Hội thảo khoa học về “Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai và truyền thống khoa bảng họ Trương Việt Nam” tại Khu di tích Văn Miếu Quốc tử giám Hà Nội. Chúng tôi xin đăng toàn văn báo cáo đề dẫn tại Hội thảo do THs Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Trương Việt Nam trình bày.
Như tin đã đưa, ngày 15/7/2014, Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã tổ chức hội thảo khoa học về Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai và truyền thông khoa bảng họ Trương Việt Nam tại khu di tích Văn Miếu –Quốc Tử Giám. Họ Trương Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn tham luận của PGS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng họ Trương Việt Nam tại buổi hội thảo này.
Trong nhiều năm qua, kể từ sau ngày Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang quốc gia đường 9 và Thành cổ Quảng Trị được xây dựng để tưởng niệm những người con ưu tú của dân tộc Việt nam đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc, cứ vào dịp tháng 7, rất nhiều cá nhân và tập thể từ mọi miền đất nước lại hướng về Quảng Trị-mảnh đất anh hùng (27/7 là Ngày Thương binh, liệt sĩ). Nhưng khác với mọi năm, tháng 7 năm nay (2014), trong vô số những đoàn người đi tri ân ấy, có Đoàn của những người con họ Trương Việt Nam.