Báo cáo dẫn đề của Ths Trương Minh Tiến tại Hội thảo về Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai

23:36 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 1231
BÁO CÁO ĐỀ DẪN HỘI THẢO KHOA HỌC
Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai và truyền thống khoa bảng
  họ Trương Việt Nam
 

Kính thưa các quí vị đại biểu, các nhà khoa học!
Kính thưa các quý vị đại diện họ Trương Việt Nam!

Hiếu học, khoa bảng là một trong những truyền thống văn hóa lâu đời, quan trọng của dân tộc Việt Nam, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong suốt chiều dài lịch sử. Đặc biệt, kể từ khi đất nước được độc lập vào thế kỷ X, sau hơn ngàn năm bị Trung Quốc đô hộ, cùng với sự quan tâm của các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn trong lịch sử, truyền thống hiếu học, khoa bảng đó được phát triển, sản sinh ra hàng ngàn danh nhân văn hóa, nhà khoa học. Có thể nói, ở mỗi giai đoạn lịch sử, trên mọi vùng miền của đất nước đều có những danh nhân tiêu biểu cho mọi lĩnh vực, tạo nên nguyên khí của Quốc gia, cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Truyền thống hiếu học, khoa bảng được bồi đắp, tạo lập bởi những dòng họ khoa bảng, hiếu học, bởi những danh nhân khoa bảng. Trong những dòng họ khoa bảng tiêu biểu đó có dòng họ Trương Việt Nam.

Họ Trương Việt Nam tuy không phải là dòng họ đông như các dòng họ Lý, Trần, Lê, Phạm, Nguyễn nhưng là dòng họ đã định cư lâu đời ở Việt Nam, có thể từ những ngày đầu lập nước. Cùng với các dòng họ khác, họ Trương đã đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiến lập nên những truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc, trong đó có truyền thống hiếu học, khoa bảng. Qua thống kê bước đầu, họ Trương đã đóng góp cho đất nước trên 22 vị Đại khoa, nhà khoa bảng dưới các triều đại quân chủ Trần, Lê, Mạc, Nguyễn. Tuy số lượng không nhiều nhưng các vị Đại khoa họ Trương đạt được hầu hết các học vị khoa bảng từ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa đến Phó bảng, Hương cống, Cử nhân… Nhiều vị Đại khoa đã giữ những cương vị quan trọng nhất trong triều đình như Tể tướng, Thượng thư, có nhiều vị là những danh nhân văn hóa, nhà sử học, nhà thơ, nhà chính trị, ngoại giao… để lại cho dân tộc nhiều công trình văn hóa tiêu biểu.

Các vị Đại khoa họ Trương còn là những nhà giáo dục, người thầy giáo, góp phần vào sự nghiệp đào tạo, trồng người của đất nước, trong số đó tiêu biểu là nhà khoa bảng, vị Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai.

Trương Công Giai sinh năm 1665, mất năm 1728 tại sở Thiên Kiện, huyện Thanh Liêm, phủ Lỵ Nhân thuộc trấn Sơn Nam Thượng xưa, nay là xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Trương Công Giai đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu niên hiệu Chính Hòa thứ 6, đời Lê Hy Tông (1685) khi mới 20 tuổi. Trương Công Giai làm quan, phục vụ đất nước trải qua nhiều trọng trách khác nhau, từ Tự khanh, Đô ngự sử đến chức Công bộ Thượng thư, Hình bộ Thượng thư, được phong tặng tước Lỵ Quận công, khi mất được tặng hàm Thiếu bảo. Đặc biệt, ông có thời gian dài kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương uống nước nhớ nguồn, nhiều công trình khảo cứu, hội thảo khoa học, nhiều chuyến điền dã, sưu tầm về truyền thống khoa bảng của dòng họ Trương đã được thực hiện, bước đầu khẳng định những đóng góp to lớn của dòng họ Trương Việt Nam đối với đất nước. Nhưng, một công trình đầy đủ, có hệ thống về truyền thống khoa bảng của dòng họ Trương Việt Nam trên thực tế chưa được thực hiện.

Để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 350 năm ngày sinh Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai (1665-2015), với mong muốn có một cách nhìn toàn diện, chính xác và khoa học, hy vọng làm rõ hơn cuộc đời và sự nghiệp của Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai nói riêng, những đóng góp của dòng họ Trương Việt Nam cho truyền thống khoa bảng của dân tộc nói chung, được sự đồng ý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai và truyền thống khoa bảng họ Trương Việt Nam”.

Trong quá trình chuẩn bị, ban tổ chức Hội thảo đã nhận được sự tham gia đông đảo của các Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà khoa học tại Viện sử học, Viện Hán Nôm, Bảo tàng các tỉnh Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Ninh Bình, Hà Nam, hội Di sản Văn hóa Hải Dương, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, các cơ quan truyền thông… Đặc biệt, Hội thảo rất vui mừng được đón nhận sự tham gia của Hội đồng Trương tộc Việt Nam.

Với 28 bản tham luận khoa học của các nhà khoa học gửi tới Hội thảo, tập trung vào ba nội dung chính như sau:
1. Thân thế và sự nghiệp chính trị của Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai.
2. Truyền thống khoa bảng, hiếu học của các danh nhân họ Trương xưa.
3. Hậu duệ họ Trương phát huy truyền thống cha ông.

Các tham luận viết về thân thế và sự nghiệp của Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai của TS. Đặng Kim Ngọc, của TS. Nguyễn Hữu Tâm, TS. Nguyễn Hữu Mùi, ThS. Nguyễn Văn Tú đều thống nhất khẳng định, Trương Công Giai sinh ra tại sở Thiên Kiện trong một gia đình Nho quan, có nền nếp thi thư, có nhiều cống hiến cho quê hương, bản thân Trương Công Giai là một tài năng, đỗ đạt sớm, cả cuộc đời là vị quan thanh liêm, cương trực, trung quân, ái quốc, là người thầy đã đào tạo nên nhiều học trò ưu tú, là soạn giả của nhiều văn bia, thơ phú… Qua phân tích cuộc đời và sự nghiệp của ông, các tác giả tham luận đều đề cao công lao, cống hiến của ông cho đất nước và quê hương, xứng đáng là tấm gương cho thế hệ sau noi theo. Tham luận của PGS. TS Trương Quốc Bình, của PGS. TS Nguyễn Thị Phương Chi, PGS. TS Hà Mạnh Khoa… đánh giá, phân tích tổng quan về dòng họ Trương Việt Nam, về truyền thống khoa bảng của dòng họ trong lịch sử. Các tác giả khẳng định rằng, dòng họ Trương Việt Nam tuy không đông người , nhưng đã định cư lâu đời ở Việt Nam, sớm có đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là dòng họ có truyền thống khoa bảng đặc sắc, đạt được tất cả các học vị khoa bảng trong lịch sử. Các vị Đại khoa họ Trương có mặt ở khắp các vùng miền, chấp chính ở mọi cương vị, từ Tể tướng, Thượng thư, Tướng quân… hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, chính trị, quân sự, kinh tế…

Các tham luận của đại diện các nhà khoa học ở Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Quảng Nam, ở thành phố Hồ Chí Minh đi sâu vào phân tích hành trạng và sự nghiệp của các vị Đại khoa họ Trương Việt Nam. Qua các tham luận chúng ta hiểu rõ về con người và sự nghiệp cũng như những cống hiến của họ trong lịch sử đối với quê hương, đất nước. Đây chính là những minh chứng hùng hồn cho sự thành đạt trong giáo dục, học tập, là tấm gương tiêu biểu cho truyền thống hiếu học của dân tộc.

Một số tham luận đi sâu khảo sát về những danh nhân họ Trương thời cận hiện đại đã tổng kết, đánh giá những cống hiến, đóng góp của nhiều nhà văn hóa, khoa học, nhà chính trị… họ Trương trong thời cận hiện đại, các nhân vật tiêu biểu hiện nay, trong đó phải kể đến các danh nhân tiêu biểu như Trương Minh Giảng, Trương Quốc Dụng, Trương Vĩnh Ký…

Các tham luận tham gia Hội thảo với những góc nhìn khác nhau, cách tiếp cận khác nhau và còn những khác biệt trong những đánh giá về các nhà khoa bảng, về dòng họ Trương Việt Nam, nhưng đều rút ra những nhận định, đánh giá cao truyền thống khoa bảng cùng những đóng góp của họ Trương đối với đất nước, với nhân dân ở các lĩnh vực: chính trị, giáo dục, sử học, văn học, kinh tế, quân sự, ngoại giao. Người họ Trương được đánh giá là “tự trọng, trách nhiệm, cương trực, giàu trí sáng tạo, dám nghĩ dám làm và đặc biệt: hết lòng vì lẽ phải, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội”. Người họ Trương lúc nào cũng đau đáu nhớ đến ân đức tổ tiên, thành tâm cung kính nhớ về cội nguồn, sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của, trí tuệ cho việc bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa của dòng tộc, một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc”.

Với gần 30 tham luận gửi đến Hội thảo về những vấn đề vừa nêu, chắc chắn mới chỉ là những tư liệu, khảo sát ban đầu, chưa thể đề cập hết, tìm hiểu kỹ về truyền thống, những đóng góp của họ Trương Việt Nam trong lịch sử. Mặc dù mới chỉ là những công việc khởi đầu nhưng rất quan trọng và so với những tiêu chí của Hội thảo, chúng ta có thể hài lòng mà nghĩ rằng: mục tiêu của Hội thảo khoa học đã đạt được.

Kính thưa các quí vị đại biểu!
Kính thưa các nhà khoa học!
Trong gần 1000 năm khoa cử Nho học, họ Trương Việt Nam ngày càng nổi lên là một dòng họ hiếu học, học thành tài để giúp nước, giúp đời. Tuy số lượng đỗ đạt không nhiều nhưng cũng đủ để chúng ta ngưỡng mộ mà khẳng định rằng, đó làm một dòng họ khoa bảng hiếu học của Việt Nam, là dòng họ đã, đang và sẽ đóng góp hết sức mình cho sự nghiệp chung của dân tộc. “Ôn cố tri tân”, tìm hiểu, nghiên cứu, trên cơ sở đó phát huy truyền thống, những giá trị văn hóa tiêu biểu của danh nhân khoa bảng họ Trương nói riêng, của dân tộc nói chung phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa, giáo dục mới theo định hướng của Đảng vừa là một trọng trách, một nhiệm vụ nhưng cũng là một vinh dự của chúng ta. Đây cũng là mục tiêu của Hội thảo khoa học của chúng ta hôm nay mà tôi thay mặt Ban tổ chức gửi tới các quí vị đại biểu.

Xin Kính chúc sức khỏe các quí vị đại biểu!
Kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!

Tháng 7- 2014
Trương Minh Tiến Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội ,
Phó  Chủ tịch Hội đồng Họ Trương Việt Nam

Những tin cũ hơn

Những người Họ Trương nổi danh trong lịch sử Việt Nam

Những người Họ Trương nổi danh trong lịch sử Việt Nam

— 25 Tháng Năm 2017

Như tin đã đưa, ngày 15/7/2014, Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã tổ chức hội thảo khoa học về Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai và truyền thông khoa bảng họ Trương Việt Nam tại khu di tích Văn Miếu –Quốc Tử Giám. Họ Trương Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn tham luận của PGS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng họ Trương Việt Nam tại buổi hội thảo này.

HÀNH TRÌNH TRI ÂN (THÁNG 7/2014)

HÀNH TRÌNH TRI ÂN (THÁNG 7/2014)

— 25 Tháng Năm 2017

Trong nhiều năm qua, kể từ sau ngày Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang quốc gia đường 9 và Thành cổ Quảng Trị được xây dựng để tưởng niệm những người con ưu tú của dân tộc Việt nam đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc, cứ vào dịp tháng 7, rất nhiều cá nhân và tập thể từ mọi miền đất nước lại hướng về Quảng Trị-mảnh đất anh hùng (27/7 là Ngày Thương binh, liệt sĩ). Nhưng khác với mọi năm, tháng 7 năm nay (2014), trong vô số những đoàn người đi tri ân ấy, có Đoàn của những người con họ Trương Việt Nam.

Đại hội Đại biểu họ Trương Quảng Trị lần thứ nhất

Đại hội Đại biểu họ Trương Quảng Trị lần thứ nhất

— 25 Tháng Năm 2017

Trong những ngày tháng 7 lịch sử, tại mảnh đất lửa Quảng Trị giàu lòng hiếu khách, anh dũng và kiên cường, bà con các tộc họ Trương của tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu họ rương tỉnh Quảng Trị lần thứ nhất tại nhà Văn hóa Trung tâm của Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Đền Quan Đại - TX Quảng Yên, Quảng Ninh đón Bằng Di tích lịch sử Quốc gia

Đền Quan Đại - TX Quảng Yên, Quảng Ninh đón Bằng Di tích lịch sử Quốc gia

— 25 Tháng Năm 2017

Sáng 22-7, TX Quảng Yên đã long trọng tổ chức Lễ đón Bằng Di tích lịch sử Quốc gia Đền Quan Đại và Kỷ niệm 150 năm ngày mất của 2 vị đại thần nhà Nguyễn là Trương Quốc Dụng, Văn Đức Giai.

Viết thêm về một người anh hùng

Viết thêm về một người anh hùng

— 25 Tháng Năm 2017

Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh (Quảng Trị) vào một buổi chiều mùa thu tháng 9, có hai người đàn ông lặng lẽ thắp hương và rì rầm chuyện trò hồi lâu bên những nấm mộ. Dường như sự trang nghiêm, tĩnh lặng của nơi linh thiêng này càng làm cho họ thêm nhớ thương về những người đã khuất.