Tấm lòng vàng của người mẹ liệt sĩ

21:09 - 21/05/2017 Người họ Trương Admin 1662

KHỞI NGUỒN TỪ SỰ ĐỒNG CẢM

Bà Thảo sinh năm 1928, bắt đầu làm từ thiện từ những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước. Bà nhẩm tính, quãng thời gian bà đi giúp mọi người cũng chiếm một phần tư cuộc đời. Trong 20 năm qua, bà cũng chẳng thể nhớ nổi mình đã giúp được bao nhiêu người, bao nhiêu lần đi đến các cơ sở từ thiện. Chỉ biết số tiền bà làm từ thiện lên đến hàng tỷ đồng. Nhiều người bất hạnh, lầm lỡ được giúp đỡ đã quay lại nhận bà là mẹ nuôi, hàng năm đến ngày lễ tết đều đưa gia đình đến thăm bà.

Từng trải qua cuộc sống khó khăn, thậm chí có thể nói là nghèo khổ trong quá khứ, hơn ai hết bà thấu hiểu nỗi cơ cực của những người lao động nghèo. Bà có năm người con. Để nuôi con ăn học, bà làm bánh gối để bán. Đêm thức khuya, sáng dậy sớm làm bánh, ngồi từ sáng đến trưa cũng kiếm đủ tiền đong gạo. Chồng bà là cán bộ về hưu. Ngoài thời gian giúp vợ làm bánh, ông làm thêm một nghề nữa là họa sĩ sơn mài. Nhưng thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Cả nhà trông vào hàng bánh gối của bà.

 

Khoảng đầu năm 1990, lúc đó các con bà cũng đã lớn và bắt đầu tự lo được cho cuộc sống của mình. Vợ chồng bà tiết kiệm được 3 triệu đồng. Tiền để không thì uổng phí, nhưng cho vay lấy lãi thì bà không thích. Thế là bà bàn với chồng con, quyết định đem số tiền ấy cho những người buôn bán rong tại khu chợ gần nhà vay. “Tôi nghĩ đến điều này từ nhiều năm trước đó nhưng chưa có điều kiện để làm. Khu chợ gần nhà tôi có nhiều chị em buôn bán nhỏ. Họ vốn ít, lãi nhỏ. Muốn có vốn xoay vòng thì phải đi vay với lãi suất cao. Bao nhiêu lợi nhuận thu được phải đổ vào trả tiền lãi hết. Sau khi được sự nhất trí của chồng và các cháu, tôi đem ba triệu chia đều cho 10 người. Mỗi người ba trăm ngàn đồng, mỗi ngày họ trả 10 ngàn đồng. Sau một tháng coi như họ trả hết nợ và tôi lại cho vay tiếp” - bà Thảo kể.

Nghĩa cử của bà nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND phường Quán Thánh nơi bà ở. Những ngôi chùa gần nhà, bà đều góp tiền làm công đức để xây dựng, trùng tu. Rồi những địa chỉ từ thiện như làng trẻ mồ côi, những trung tâm bảo trợ xã hội, những ngôi làng, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn mà bà biết, bà đều đem quà và tiền đến giúp đỡ. Trong số những số phận bất hạnh, bà đặc biệt quan tâm đến những người thuộc gia đình chính sách, có công với cách mạng. Bà Thảo nhẩm tính, trong 20 năm làm từ thiện của mình, bà đã cấp được hơn 60 sổ tiết kiệm (mỗi sổ trị giá 500 ngàn đồng) cho các bà mẹ liệt sĩ ở Hà Nội. Bà tâm sự: “Tôi cũng là mẹ liệt sĩ. Nhưng tôi may mắn có đông con, cháu. Nhờ trời các cháu có công việc ổn định, gia đình khấm khá. Số tiền các cháu gửi về hàng tháng cũng được một khoản, tiền ăn uống của chúng tôi cũng chẳng đáng là bao. Tôi quyết định dành số tiền còn lại gửi sổ tiết kiệm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Số tiền chẳng đáng là bao nhưng nó là tấm lòng của chúng tôi”.

LẤY TIỀN ĐI DU LỊCH LÀM TỪ THIỆN

Trong năm người con của bà Thảo, trừ người con trai cả là liệt sĩ hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ, bốn người còn lại đều có điều kiện kinh tế khá. Năm 1992, gia đình người con gái muốn đưa bố mẹ đi nước ngoài du lịch, đã gửi về hơn 1.000 đôla cho vợ chồng bà. Tuy nhiên, bà đề nghị với con dùng số tiền ấy để làm từ thiện thay vì đi du lịch. Bà kể: “Ban đầu vợ chồng nó không chịu. Về sau nghe tôi phân tích vợ chồng nó cũng chấp thuận. Năm đấy tôi dành tất cả số tiền gần một tỉ gửi vào chùa làm công đức. Có người trong làng bĩu môi cho rằng tôi “gàn dở” thích khoe khoang. Bây giờ thì mọi người cũng đã hiểu ra. Giờ trong làng, ngoài phường có việc gì liên quan đến từ thiện là mọi người lại gọi tôi. Tôi cũng thấy vui lòng”.

Không chỉ năm 1992 mà nhiều năm sau đó, các con bà Thảo còn nhiều lần gửi tiền về cho bố mẹ đi du lịch nhưng lần nào bà cũng từ chối đi và dành tiền làm từ thiện. Đầu năm 2010, chồng bà bệnh nặng và mất. Phần vì buồn, phần vì sức khỏe suy giảm, bà giao cho người cháu ngoại của mình là chị Lê Minh Thúy đi thay. Học theo bà ngoại, chị Thúy mở một xưởng may ở phố Trần Nhật Duật tạo nơi ăn ở và làm việc cho hàng chục trẻ khuyết tật, mồ côi. Chị còn luôn cùng bà đi đến các trại trẻ mồ côi, trung tâm dưỡng lão... để trao quà và giúp đỡ họ.

Năm nay bước sang tuổi 83 nhưng bà Thảo vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Chuyện đi làm từ thiện không phải chỉ đến đời bà mới bắt đầu làm mà đã có tiền lệ từ thời các cụ thân sinh của bà. Từ lúc bà Thảo còn là một cô bé, hàng năm cứ đến ngày tết, bố mẹ bà vẫn thường mua gạo, lá về gói bánh chưng rồi mua vải về may quần áo đem cho những người nghèo trong làng.

Ngoài con cháu trong gia đình, bà Thảo còn có nhiều con nuôi, là những người được bà giúp đỡ trước kia. Nhiều người trong họ đã thành đạt, cuộc sống êm ấm nhưng hàng năm vẫn không quên đến thăm nom, chăm sóc bà. Trong số những người con nuôi ấy có anh Hoàng Văn Đức và Nguyễn Văn Hòa là những người thường xuyên ghé thăm bà nhất. Bà Thảo nhớ lại: “Hồi đó gia đình tôi mở một xưởng đúc sản phẩm cho điện cơ Thống Nhất. Một lần tôi vô tình biết được Đức và Hòa lấy trộm nhôm của hợp tác xã và bị kết án hai năm rưỡi tù giam. Tôi đã lên phường, lên quận xin giảm án cho hai cậu ấy từ án tù giam xuống còn một năm án treo, đồng thời bảo lãnh cho hai người về làm công nhân trong xưởng đúc. Khi mẹ Đức mất, tôi cũng lo ma chay. Hai đứa đã xin nhận tôi làm mẹ. Hiện nay cả hai đã có gia đình, cuộc sống khá giả lắm. Tết năm nào cũng dẫn vợ con đến thăm tôi, các cháu đều gọi tôi là bà nội”. Bà Thảo cho biết, sắp tới bà sẽ lại tiếp tục với những chuyến đi làm từ thiện của mình.

 

Những tin cũ hơn

Mẹ liệt sĩ 105 tuổi làm khuyến học

Mẹ liệt sĩ 105 tuổi làm khuyến học

— 21 Tháng Năm 2017

Mẹ liệt sĩ Trương Thị Con (ảnh), 105 tuổi ở xóm Nội Dinh, thôn Cẩm Trang, xã Mai Trung (Hiệp Hòa) luôn được mọi người kính trọng bởi đức hy sinh, lòng chung thủy, sự gương mẫu. Đặc biệt, cụ còn là người "đặt nền móng" cho quỹ khuyến học của dòng họ Hoàng.

Nhà văn Trương Đăng Dung

Nhà văn Trương Đăng Dung

— 21 Tháng Năm 2017

Trương Đăng Dung. Sinh ngày 8 tháng 5 năm 1955. Quê quán: Diễn Trường, Diễn Châu, Nghệ An. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Phó Viện trưởng Viện Văn học. Hiện thường trú tại: Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội nhà văn VN năm 2000.

Nhà văn Trinh Đường - Trương Đình (1919-2001)

Nhà văn Trinh Đường - Trương Đình (1919-2001)

— 21 Tháng Năm 2017

Nhà văn Trinh Đường tên thật là Trương Đình, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1919, tại thôn Đại Thắng, xã Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957). Mất ngày 28 tháng 9 năm 2001 tại Hà Nội.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa

— 21 Tháng Năm 2017

Bà Trương Mỹ Hoa (sinh ngày 18 tháng 8 năm 1945) là nguyên phó chủ tịch nước Việt Nam. Bà (bí danh, tên thường gọi Bảy Thư) sinh tại Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 21 tháng 5 năm 1963, hiện sống Hà Nội. Bà đã từng giữ các chức vụ Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng Đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (khóa 2002 - 2007).

Trung tá Trương Văn Tùng Đội phó Đội CS113 tại Hà Đông

Trung tá Trương Văn Tùng Đội phó Đội CS113 tại Hà Đông

— 21 Tháng Năm 2017

Trước mỗi tin báo, CS113 luôn là lực lượng “đi tiên phong” nhưng “về lặng lẽ”. Trung tá Trương Văn Tùng-Đội phó Đội CS113 tại Hà Đông đã ...