VĂN HÓA TÂM LINH THỔI HỒN DI SẢN VĂN HÓA HUẾ

22:02 - 29/05/2017 Tin tổng hợp Admin 2875
 
Ở mỗi vùng miền, ở nhiều làng xã đều có những lễ hội truyền thống được tổ chức trang trọng với nghi lễ tôn nghiêm, nhân dân tham gia tự nguyện và thành kính. Có những lễ hội cấp Nhà nước như lễ tế Nam Giao (lễ tế Trời), lễ tế Xã Tắc (lễ tế thần Đất và thần Lúa), lễ hội Tịch Điền, lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương v.v… Các lễ hội đều có những mục đích cao cả là cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, bội thu, con cháu no đủ, hạnh phúc… Lễ hội được diễn ra trong một không gian linh thiêng và trong một thời gian nhất định. Trong các lễ hội truyền thống người Việt đều có tổ chức các hoạt động văn hoá tâm linh. Văn hoá tâm linh là cái hồn của lễ hội. Văn hoá lễ hội có bản sắc riêng, tuỳ thuộc đặc điểm văn hoá của mỗi vùng miền và ý nghĩa của từng lễ hội.
Sau nhiều kỳ tổ chức thành công Festival văn hoá nghệ thuật tổng hợp, ngày 30-8-2007 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 143/2007/QĐ-TTg phê duyệt đề án xây dựng thành phố Huế là thành phố Festival với mục tiêu chung là xây dựng một thành phố Festival mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế, mang bản sắc, đặc trưng của Việt Nam; xây dựng Huế trở thành thành phố du lịch trong mối gắn kết hài hoà với thành phố Festival. Thành phố Festival Huế là thành phố động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần đắc lực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Có nghĩa là Huế sẽ trở thành một thành phố lễ hội, là nơi hội ngộ của nhiều nền văn hoá. Bên cạnh các đoàn nghệ thuật của nước chủ nhà mỗi kỳ Festival có sự góp mặt của nhiều đoàn nghệ thuật đến từ nhiều nước trên thế giới. Mỗi đoàn là một sứ giả văn hoá, giới thiệu những loại hình nghệ thuật thể hiện sắc thái văn hoá của mỗi quốc gia. Ngoài các chương trình nghệ thuật đa sắc màu, mỗi kỳ Festival đều có nhiều sản phẩm du lịch mới được xây dựng. Festival là cơ hội để Huế quảng bá và tôn vinh di sản văn hoá. Cũng là cơ hội đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch mới, khai thác tốt nhiều tiềm năng để phát huy lợi thế so sánh của điểm đến. Các hoạt động của Festival đã có sự tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, văn hoá, du lịch, thúc đẩy Huế đột phá, tăng trưởng nhanh hơn. Nhưng Festival chỉ có 12 ngày trong 2 năm – 9 ngày trong năm chẵn và 3 ngày Festival chuyên đề trong năm lẻ? Là thành phố Festival nhưng 2 năm chỉ tổ chức được 12 ngày thì thật là lãng phí.
 
Đã đôi lần chúng tôi nêu vấn đề nên tổ chức Festival thường xuyên hay chiến dịch?
Thành phố Festival thì quanh năm phải sống trong bầu không khí lễ hội, liên hoan, giao lưu văn hoá - nghệ thuật. Tại sao không tạo ra cơ chế tích cực để cho các lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo lành mạnh được duy trì thường xuyên, nghiêm túc, và có tác động tích cực đến đời sống văn hoá, đời sống tâm linh của người dân cũng như du khách. Không phải liên hoan nào cũng phải do chính quyền, do ngành Văn hoá - Du lịch tổ chức. Một Hội vật làng Sình, một lễ hội Cầu Ngư ở Thuận An - ban đầu chỉ mang tính tự phát - mà không khí lễ hội ở đó đã sôi động vài ba ngày, khách thập phương đổ về cũng không ít. Vào trung tuần tháng 5-2008, trước Festival Huế khoảng hơn mười ngày, đại lễ Phật Đản ở Huế được diễn ra trang trọng và sâu lắng trong một tuần. Không khí và hình ảnh của tuần lễ Phật Đản vẫn còn tràn đầy với những cổng vòm và hoa sen nở khắp các đường phố chính. Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu ngày và đêm vẫn quyến rũ với bộ sưu tập ảnh danh lam cổ tự. Sông Hương hàng đêm vẫn lung linh 7 đoá sen hồng nâng gót tịnh... Tuần lễ Phật Đản ấy như là một hoạt động khởi đầu của Festival Huế 2008 và làm cho Huế thêm đẹp, thêm hàm lượng văn hoá, mà không phải tốn kém kinh phí từ ngân sách nhà nước. Không lễ hội nào ở Huế có sự cộng hưởng mạnh mẽ từ lòng dân, từ sức dân như lễ hội Phật Đản. Thế mạnh này cần được phát huy. Lễ hội Phật Đản nên trở thành hoạt động khởi đầu của Festival Huế định kỳ.

Cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hoá về cơ bản Huế đã có sẵn. Di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của Huế đủ điều kiện để tổ chức những chương trình lễ hội đặc thù trong từng tháng. Tháng giêng Kinh Bắc khi “mưa xuân phơi phới bay” các làng Quan họ đua nhau “đi hát hội” tại sao Huế không kết nối lễ hội Huyền Trân công chúa, Hội vật làng Sinh, Hội Cầu Ngư Thuận An, Hội tết Nguyên tiêu - gắn với Festival Thơ nhân Ngày thơ Việt Nam - thành một chương trình lễ hội du xuân hoành tráng? Lễ hội mùa xuân hàng năm của Huế sẽ được kết thúc bằng lễ hội Nam Giao, lễ tế Xã Tắc? Tổ chức lễ hội phải đúng mùa, đúng ngày thì mới linh thiêng, không cần quảng bá cũng nườm nượp du khách đổ về như lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử, lễ hội Đền Hùng, lễ hội Làng Sen v.v... 
Với nguồn kinh phí từ ngân sách cấp cho mỗi kỳ Festival như lâu nay, nếu sắp xếp hợp lý, khoa học thì Huế có thể phân bổ ra nhiều gói nhỏ để tổ chức được nhiều Festival trong mỗi năm. Cơ hội quảng bá hình ảnh Huế, hình ảnh Việt hiển nhiên sẽ được nhân lên nhiều lần. Các chương trình lễ hội được dãn ra ở nhiều thời điểm sẽ có điều kiện tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng nghệ thuật. Chất lượng các dịch vụ phục vụ du khách cũng tốt hơn và giá tour sẽ rẻ hơn nhiều, du khách sẽ không bị “chặt chém” do bội thực và quá tải. Công việc đáng được quan tâm hàng đầu trong Festival, theo chúng tôi, là xây dựng cho được nhiều sản phẩm du lịch mới. Đặc biệt là những sản phẩm đầu tư kinh phí ít nhưng lại có hiệu quả cao, có khả năng khai thác thường xuyên. Lâu nay đang có những chương trình nghệ thuật sân khấu chi phí khá lớn, cứ dựng lên một lần rồi dỡ bỏ thì thật là lãng phí, cần phải tính toán lại, cần phải chia nhỏ ra nhiều gói để Huế thực sự là một thành phố Festival thường xuyên, một Festival không có ngày bế mạc?

Festival Huế hiện nay vẫn chưa được lựa chọn một ngày cố định, mỗi kỳ được khai mạc vào một ngày tháng khác nhau, bất lợi cho nhà tổ chức trong việc quảng bá, cho các hãng lữ hành trong việc xây dựng và chào bán tour. Chương trình có khi đang sa đà, miên man với các loại hình sân khấu; quảng diễn, tái hiện lễ hội có khi bất thường, không đúng với thời điểm đã ăn sâu trong tiềm thức, trong đời sống tâm linh của người dân cho nên chưa có được yếu tố “thiêng”. Nên nhớ rằng, khi lễ hội đã có yếu tố “thiêng”, đã có hàm lượng văn hoá lớn hiển nhiên sẽ đi vào lòng người một cách tự nhiên, không cần quảng bá, không cần quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng mọi người vẫn nhập tâm và nhắc nhở nhau tìm về: Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba; Dù ai ở đâu đi đâu/Mồng mười tháng một nhớ quay về Sình; Dù ai buôn bán trăm nghề/Mồng chín tháng tám thì về chọi trâu… Là công dân Huế tôi muốn ca dao xứ Huế có một câu tương tự như thế về Festival Huế.

Đến xứ sở Chùa Tháp, tham quan kỳ quan Angkor , nếu để ý chúng ta sẽ thấy quá khứ huy hoàng ngàn năm và cả thế giới tôn giáo, thần linh đều được đưa vào khai thác kinh doanh: cung điện, đền thờ, tiên nữ Apsara... Điểm đến cuối cùng trong ngày của du khách ở Xiêm Riệp là lên đỉnh Phnom Barkheng ngắm mặt trời lặn. Barkheng là ngôi đền núi nổi tiếng, được coi là núi trung tâm. Khoảng từ 5-6 giờ chiều du khách ai ai cũng háo hức leo núi Barkheng để ngắm hoàng hôn trên khu đền thiêng. Đây là thời khắc đẹp nhất để chiêm ngưỡng ánh mặt trời chuyển đổi sắc màu và những ngọn tháp hiện lên rực rỡ trong ánh chiều tà, giống như du khách đến Huế lên đồi Vọng Cảnh, lên đồi Hà Khê (chùa Thiên Mụ) ngắm sông Hương lúc vàng lúc tím lấp lánh, huyền ảo. Theo quan niệm của người Campuchia, ai nhìn thấy mặt trời lặn trong ngày thì sẽ gặp điều may mắn. Huế có nhiều nơi linh thiêng như thế, rất dễ thu hút du khách.

Dù có tiềm năng nhưng Huế chưa được khai thác để trở thành một phim trường hấp dẫn. Kinh kỳ một thuở và chiều dài lịch sử 700 năm Thuận Hoá - Phú Xuân nhưng các giá trị văn hoá tâm linh của vùng đất này cũng chưa được khai thác tốt để thổi hồn cho di sản văn hoá. Chúng ta vẫn đang ngần ngại, dè dặt mỗi khi nói tới văn hoá tâm linh trong thời đại ngày nay. Trong đề án xây dựng Huế trở thành thành phố Festival đặc trưng ở các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể cũng không thấy đề cập đến vấn đề phát huy giá trị văn hoá tâm linh của Huế, mặc dầu đó cũng là một thế mạnh để làm giàu thêm giá trị di sản. Năm 1993 quần thể di tích kiến trúc cung đình Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới; 10 năm sau, năm 2003, Nhã nhạc cung đình Huế được công nhận là di sản phi vật thể.

Còn nhớ, năm 2005, UNESCO khuyến nghị Việt lập hồ sơ để trình xét công nhận sông Hương và cảnh quan đôi bờ là di sản văn hoá thế giới (công nhận lần thứ 2). Bởi sông Hương là yếu tố cực kỳ quan trọng, không thể thiếu được trong quá trình hình thành và phát triển của kinh đô Huế. Từ Ngã Ba Tuần về đến phố cổ Bao Vinh, thành cổ Hóa Châu, sông Hương là trục chính của đô thị Huế, là yếu tố minh đường, trở thành dòng sông phong thuỷ, dòng sông tâm linh, dòng sông nghệ thuật chi phối những ý tưởng quy hoạch, kiến tạo Huế. Cũng vì thế, với người Huế thì từ lâu sông Hương đương nhiên là di sản - dù lần đầu tiên UNESCO ghi tên quần thể di tích Huế vào danh mục di sản văn hoá thế giới (1993) chưa có sông Hương. Dòng Hương vừa là điểm nhấn vừa là nhân tố kết nối các công trình kiến trúc để tồn tại một đô thị cổ suốt hành trình 700 năm lịch sử. Dòng Hương đã mang trong dòng chảy của mình biết bao sử thi và huyền thoại là nguyên cớ để hình thành chương trình Huyền thoại sông Hương, một lễ hội hoành tráng nhất trong Festival Huế 2008 với không gian trải dài từ ngã ba Bằng Lãng đến bến Nghinh Lương Đình. 
Chỉ Huế mới có một dòng sông đầy hàm lượng văn hoá, một dòng sông là tiềm năng vô cùng vô tận của ngành du lịch với vô vàn sản phẩm từ bình dân đến cao cấp. Bởi cảnh quan thiên nhiên của dòng sông này gắn liền với một vùng văn hóa và tình cảm, tâm hồn của con người xứ Huế.

Truyền thuyết về chúa Nguyễn xây dựng kinh đô ở Phú Xuân cũng linh thiêng như giấc mơ rồng bay của vua Lý Thái Tổ khi ra chiếu dời đô từ Hoa Lư về La Thành với câu chuyện bà Trời báo mộng: Chúa công hãy thắp một nén hương, đi từ đồi Hà Khê (chùa Thiên Mụ), dọc theo con sông này, đến chỗ nào hương tàn thì lập kinh đô. Đó là nơi “vạn đại dung thân”, cơ nghiệp đời đời bền vững. Đồi Hà Khê là một thắng cảnh mà chúa Nguyễn Hoàng dừng bước trong một chuyến tuần du về phía nam vào năm 1601. Núi này rất linh thiêng, đời nhà Đường đô hộ có viên tướng là Cao Biền từng đi khắp đất nước ta xem những nơi nào có vượng khí linh thiêng thì cắt yểm đi. Cao Biền thấy trên núi này có khí thiêng bèn cho đào phía sau để cắt long mạch, để về sau linh thiêng không tụ được... Không chỉ giỏi trận đồ, Cao Biền còn tinh thông phong thuỷ địa lý nên nhìn địa thế đã tiên đoán được vị trí quan trọng của vùng đất này trong tương lai… Huyền thoại này có lẽ do chính Nguyễn Hoàng dựng lên, cũng giống như bài thơ thần do Lý Thường Kiệt tung ra trước trận huyết chiến với quân xâm lược nhà Tống trên trận tuyến sông Cầu, nhằm tạo dựng niềm tin, thu phục lòng người, tạo thêm khí thiêng sông núi và uy thế chính trị của mình ở vùng đất mới.

“Kim Long có gái mỹ miều” là nơi chúa thắp một nén hương, đi từ đồi Hà Khê, dọc theo sông Hương, đến đây thì hương tàn. 35 năm sau (1636) chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan đã cho dời thủ phủ từ Phước Yên ở gần thành Hoá Châu lên đây. Quãng sông Hương chảy qua Kim Long là nơi từng diễn ra những cuộc thao diễn thủy binh dưới thời chúa Thượng. Bên bờ nam, ở gần Thành Lồi là điện Voi Ré linh thiêng và đấu trường voi - cọp thư hùng dưới thời các vua Nguyễn. Có giả thuyết cho rằng từ nén hương linh thiêng và dòng sông dẫn đường đi tìm cuộc đất dựng nghiệp đế vương nên chúa Nguyễn Hoàng đã đổi tên sông Kim Trà thành Hương Giang - giống như chuyện đặt tên ngôi chùa trên đồi Hà Khê là Linh Mụ - và lý do vùng đất mới được chọn xây dựng thủ phủ là Kim Long. 50 năm sau chúa Nguyễn Phúc Thái cho di chuyển thủ phủ về làng Phú Xuân, nơi có cuộc đất tốt hơn, vị trí thuận lợi đủ đường, mở đầu một thời kỳ mới mà sông Hương vẫn giữ vai trò linh hồn của mọi hướng phát triển. Phú Xuân về sau cũng là kinh đô của vương triều Tây Sơn. Khi giành lại được ngai vàng vua Gia Long tiếp tục cho xây dựng kinh thành ở đây với diện tích rộng lớn hơn. Cùng với núi Ngự Bình, sông Hương tiếp tục giữ vai trò minh đường trong nghệ thuật kiến trúc. Hơn thế nữa, giữa sông Hương về phía đông có Cồn Hến, phía tây có cồn Dã Viên giữ vai trò tả thanh long và hữu bạch hổ, như rồng chầu hổ phục, quay đầu về phía kinh thành bảo vệ cho vương quyền. Để khẳng định vị trí lý tưởng và điềm lành của đất định đô, năm 1830 vua Minh Mạng cho xây hai chiếc cầu. Cầu bắc qua Ngự Hà ở phía đông kinh thành được đặt tên là Thanh Long, cầu qua sông Kẻ Vạn ở phía tây được đặt tên là Bạch Hổ. 
Truyền thuyết, ý tưởng, tư tưởng chủ đạo khi xây dựng các công trình kiến trúc quan trọng của kinh đô như Ngọ Môn, Hiển Lâm Các, Văn Thánh, Võ Thánh, điện Huệ Nam, đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, đàn Xuyên Sơn… cũng như nội dung chương trình của các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo, lễ hội giỗ tổ các làng nghề ở Huế… đã làm cho không gian Huế, cuộc sống Huế thấm đẫm văn hoá tâm linh. Đến với Festival Huế du khách muốn trở về với nếp sống xưa cũ hơn là hoà nhập với cuộc sống hiện đại; muốn tìm hiểu các giá trị văn hoá truyền thống Huế nhiều hơn là thưởng thức các chương trình nghệ thuật đương đại. Tôi vẫn nghĩ rằng Festival Huế chẳng cần phải đầu tư xây dựng những chương trình sân khấu, lễ hội quá tốn kém; cứ để xuân thu nhị kỳ, cứ để bốn mùa xuân hạ thu đông mùa nào cũng có lễ hội, tháng nào trong Hoàng Thành cũng có những buổi thiết triều, có những Đêm Hoàng cung; năm nào cũng có lễ hội Truyền lô tôn vinh các tân thủ khoa Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân ngay tại Văn Thánh, tại sân Đại triều v.v… Đó chính là cái hồn, là bản sắc, là văn hoá tâm linh cấu thành giá trị văn hoá truyền thống Huế, thổi hồn cho di sản văn hoá Huế.
 

Những tin cũ hơn

HÀ NỘI THU 2014

HÀ NỘI THU 2014

— 29 Tháng Năm 2017

Hà Nội vào thu thật đẹp, cảnh sắc khí trời đều khiến con người ta muốn đắm chìm, muốn yêu thương và quên lãng những nỗi lo thường nhật, để hòa mình vào với thiên nhiên huyền ảo, những sắc màu của cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, màu trắng của hoa sữa thơm, màu xanh của cốm Vòng…

TRẠNG QUỲNH DANH NHÂN XỨ THANH

TRẠNG QUỲNH DANH NHÂN XỨ THANH

— 29 Tháng Năm 2017

Nhà thờ Nguyễn Quỳnh ở Hoằng Lộc, Hoằng Hóa, Thanh Hóa Ông còn có tên Thưởng, hiệu Ôn Như, thụy Điệp Hiên, quê tại làng Bột Thượng, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Thân sinh ông là ông Nguyễn Bổng và bà Nguyễn Thị Hương...

HÀNH TRÌNH KẾT NỐI HỌ TRƯƠNG XỨ THANH

HÀNH TRÌNH KẾT NỐI HỌ TRƯƠNG XỨ THANH

— 29 Tháng Năm 2017

(HTTH) Trong cuộc trò chuyện tiếp nối níu chân đoàn tới gần 3 ngày, chị Trương Thị Mầu - nguyên giám đốc bệnh viện Đa khoa Bá Thước - người con gái năng nổ, nhiệt huyết với công việc dòng họ thường nhắc đến cụ Trương Công Giang ở Lý Nhân , Hà Nam - một trong những tấm gương điển hình truy tìm nguồn gốc họ tộc, tấm gương của công việc kết nối dòng họ Trương Việt Nam. Chị tả cảnh cụ Giang một mình lặn lội vào Bá Thước nhiều lần khi tuổi già sức yếu đã làm cả hội trường nghẹn ngào xúc động.

HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH LÂM THỜI HỘI ĐỒNG HỌ TRƯƠNG THANH HÓA

HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH LÂM THỜI HỘI ĐỒNG HỌ TRƯƠNG THANH HÓA

— 29 Tháng Năm 2017

(HTTH) Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng họ Trương Việt Nam về việc tổ chức, thành lập Hội đồng họ Trương tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, ngày 3 tháng 11 năm 2013 ông Trương Thanh Tùng - Ủy viên thường trực, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nhân họ Trương Việt Nam đã tổ chức gặp mặt đại biểu họ Trương Thanh Hóa và thống nhất bầu Ban vận động gồm 35 thành viên để thực hiện việc kết nối các chi tộc...

Hội nghị Doanh nghiệp - Doah nhân họ Trương tỉnh Quảng Bình thành công tốt đẹp

Hội nghị Doanh nghiệp - Doah nhân họ Trương tỉnh Quảng Bình thành công tốt đẹp

— 29 Tháng Năm 2017

Thực hiện nghị quyết của CLBDN họ Trương Việt Nam: “Đoàn kết, trí tuệ và phát triển”. Ngày 23/4/2017 tại khách sạn Sài Gòn - Quảng Bình, nằm bên dòng sông Nhật Lệ thơ mộng; trung tâm thành phố Đồng Hới đã diễn ra hội nghị CLB doanh nhân doanh nghiệp họ Trương tỉnh Quảng Bình. Với đông đủ doanh nhân doanh nghiệp trong cả nước về tham dự. Đặc biệt có Hội đồng họ Trương Việt Nam, CLB doanh nghiệp họ Trương Việt Nam đã quan tâm về sớm tham dự, gửi trọn tình cảm cho người họ Trương Quảng Bình thân yêu.