Trương Quốc dụng và bức thư gửi vua Tự Đức vào năm 1848

23:56 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 2078
Trương Quốc Dụng (1797 - 1864) quê ở Phong Phú, nay là xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh; tên cũ là Khánh, tự là Dĩ Hành; xuất thân trong một vọng tộc lắm người đỗ đạt và làm quan; ông đỗ cử nhân khoa thi Hương trường thi Nghệ An năm Ất Dậu (1825) và đỗ Tiến sĩ khoa thi Hội năm Kỷ Sửu (1829) - năm Minh Mạng thứ 10, là năm mà vua Minh Mạng cho thực hiện nhiều cải cách bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương, và 2 năm sau đó sắp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh thay cho đơn vị hành chính cấp trấn tồn tại từ lâu trong lịch sử hành chính nước ta. Ông làm quan trải các chức từ tri phủ phủ Tân Bình, Lang trung bộ Hình, rồi bị cách, sau được thăng Án sát Quảng Ngãi, Án sát Hưng Yên, Tả thị lang bộ Lại, Thượng thư bộ Hình, Tổng tài Quốc sử quán. Năm 1862 được cử làm Tổng đốc Hải An quân vụ, cầm quân đánh dẹp cuộc nổi dậy của Tạ Văn Phụng, và giải vây cho thành tỉnh Hải Dương năm 1863, sau được sung chức Hiệp thống, đem quân đánh từ phía biển vào và tử trận vào tháng 6-1864. Vua Tự Đức truy tng  Đông các  Đại hc sĩ.
Hơn 30 năm ở quan trường, Trương Quốc Dụng biểu lộ nhiều tài năng, cùng với một viên quan lại mẫn cán lập nhiều thành tích ông có nhiều đóng góp cho văn hoá nước nhà, để lại những sáng tác bằng Hán văn như sách: Thối thực ký văn, Văn quy tân thể, Như trung tập thi...là những di cảo có giá trị trong kho tàng văn hiến, hiện chưa được khai thác một cách có hiệu quả khi nghiên cứu về ông và xã hội thời ông. Con người Trương Quốc Dụng, trong con mắt của người đời sau vẫn còn những cấn cái này nọ, chưa hẳn mọi người đã nhất trí với các hoạt động của ông; Nhưng những gì ông đã hành sự là hợp với những giáo huấn đương thời mà ông lĩnh hội được, là một quan lại cao cấp của triều đình, ông có bổn phận và trách nhiệm với hoạt động của mình.
Để làm sáng tỏ thêm về ông, chúng tôi xin giới thiệu bức thư của ông gửi vua Tự Đức vào đầu năm 1848, ngay sau khi Tự Đức lên ngôi kế vị Thiệu Trị vừa qua đời.
(Văn bản dịch đăng trong: Đại Nam thực lục chính biên. Đệ Tứ Kỷ tập 27. tr. 59-63)
Thự công bộ tả tham tri là Trương Quốc Dụng dâng phong thư dán kín bày nói 5 việc:
1.Sẻn tiêu dùng (Nói: Bỏ xa xỉ theo kiệm ước thì việc rất dễ, mà công hiệu rất rộng. Thế tổ Cao hoàng đế ta thống nhất bờ cõi, có cả thiên hạ, mà quy chế làm cung điện không ưa chạm vẽ; những đồ lỗ bộ ở điện Phụng - tiên, điện Minh - thành dùng cái lư hương tay xách bằng đồng, đều là vì thiên hạ mà tiếc của vậy. Hoàng thượng ta tính thanh tĩnh đơn giản, ít ưa muốn. Khi mới lên ngôi sai đình những việc phái đi biển và đặt mua hàng; về công việc đi tuần ngự miền Bắc, cần theo giảm bớt. Mọi người nghe thấy không ai là không vui vẻ cổ vũ, tưởng thấy đức hoá đã nên. Xét ra, châu ngọc đồ chơi đẹp, càng nên ruồng bỏ. Xin sắc uống cho quan có chức trách biết, phàm đồ châu ngọc không phải dùng để thêi áo chầu áo tế, hay dùng vào việc điển lễ, thì không được tiến trình. Hết thảy công việc sửa chữa, chỉ cần bền chắc mộc mạc, không được trang sức lộng lẫy, thì kẻ xảo nịnh không thể nhòm rình vào đâu được mà tiền tiêu cũng không đến nỗi phí hoài. Tự nhiên thuế khoá công dịch nhẹ đi, việc đi mua hàng ở biển ngoài có thể vĩnh viễn bỏ bớt được, thì đời sống của dân được dồi dào mà cội gốc của nước sẽ bền vững vậy).
2. Thương việc hình ngục. (Nói: Triều đình dựng phép, phàm những điều ngăn kẻ gian răn kẻ ác, rất rõ và đầy đủ. Đến sự xá lỗi tha tội: như bọn ăn cướp chưa từng vào nhà lấy của, và kẻ nào mới một lần làm tòng phạm, số tang vật không mấy, lệ được tuỳ từng án tâu xin; cùng là án trậm cắp án nhân mạng, tội danh đã thành, phần nhiều được hoãn hay giảm, không một việc gì là không chu đáo. Duy quan có trách nhiệm xét xử án, như các án nhân mạng, án trộm cắp, tình có thể xử nhẹ, thì biết viện lệ tâu xin, đến như gặp các tội phạm tầm thường, thì muốn tránh tiếng là khoan túng, phần nhiều đem tội nhẹ làm tội nặng. Nếu luật không thể làm nặng được, thì viện dẫn án đã xử trước hoặc thêm vào chữ “gia đăng” [gia mức lên] để buộc tội. Như thế không phải là thể theo ý chu chí về việc sáng đức thận hình của người trên. Xin sắc xuống cho các nha xét xử hình ngục ở trong ngoài biết: trừ ra các việc vu cáo phản toạ cùng là vàng có minh chỉ nghiêm nghị, gia lên mức nặng, thì không kể, còn hết thảy các việc án tra xét, đều phải y theo chữ trong luật, không được thiện tiện dùng chữ “gia đẳng”. Việc nào trong luật đã có điều nói rõ ràng, không được viện dẫn án đã xử trước mà phụ hội vào để mà xử nặng hơn. Lại những án lệ nên gia đẳng, trừ ra án vu cáo chiểu theo luật có thể theo thứ bậc gia lên dần, còn những án nghiêm nghị, cũng xin tội phạt trượng thì chỉ gia thêm số trượng, tội đồ thì chỉ gia thêm năm đồ, không nên gia tội trượng lên tội đồ, gia tội đồ lên tội lưu. Ngỏ hầu trong khi thừa hành có thể nắm vững mà làm theo quan có trách nhiệm không dám tự ý dùng chữ để xử nặng mà mọi người cũng dễ lánh tội vậy.
3. Chọn lọc trong ngạch quan lại - (nói: đặt quan dùng để làm việc, tất phải được người giỏi, thì sau trong hàng quan mới khỏi bỏ thiếu chức vụ. Triều đình dựng đặt đã đầy đủ, đặt quan dần dần nhiều thêm, mà gần đấy những người hiếu sự, hoặc có xin phân chia phủ huyện, đặt thêm quan lại, viên số đã nhiều, không khỏi sinh ra tốn nhiều ăn hại. Các nhân viên phủ huyện người nào do văn học xuất thân, mỗi khi được suy cử phần nhiều giữ chặt ở những nơi yếu khuyết, thì binh lương án kiện đã nhiều, khó có kỳ chuyển thăng được. Mà dễ được cất nhắc lên, thì duy có bọn lại điển xuất thân làm việc lâu ngày mà thôi. Kể ra, dùng người không hạn chế về một mặt nào nhưng mà kẻ hay người dở có chút nào lẫn lộn, thì người sẽ chán nản. Huống chi ngày nay nhân tài chứa dùng, đã chẳng thiếu người, chức vị càng nên thận trọng. Xin sắc cho trong ngoài các tá lãnh, các nha môn và quan lại các phủ huyện, hoặc có người nào tự xét tài năng trí thức không đủ, xin cho rút lui, mà xét ra không khiếm thiếu tiền lương, can liên án kiện, đều cho được theo ý muốn. Nếu có kẻ nào đê hèn ti tiện, cam lòng bám lấy địa vị, thì do thượng ti xét tâu cho thải về, để khuyến khích người yên lòng rút lui và trừng răn kẻ tham lam bên cạnh. Quan thượng ti các địa phương đều nên xét kỹ những phủ huyện trong hạt, nơi nào đinh điền số ít, có thể dồn lại được thì dồn lại, thuộc viên dư thừa có thể bớt được thì bớt đi, để rút bỏ bọn ăn hại. Đến như các quan ở trong triều đình, quan to ở các địa phương, người gian tà, người chính trực, người hay người dở đã ở nhà vua soi xét biết cả, như có ai lề mề, bỉ ổi, những tạp thì xin cho giải chức lui về, để chỉnh lại phương pháp trong hàng quan. Lại xin lượng khoan cho lệ các phủ huyện phải giữ lưu ở lại, để cho người được tự bỏ hết tài, ngỏ hầu con đường vào làm quan được trong sạch, mà kẻ làm quan không ai không dám làm trọn chức vụ vậy.
4. Bớt văn thư (Nói: Chính trị quý có mức độ thường thường, giấy tờ cần có thể lệ cốt yếu. Nếu giấy tờ đã nhiều, không được không thêm lại viện để đủ người làm việc. Khoảng năm Minh Mệnh vâng chỉ chuẩn cho bộ thần: phàm các giấy tờ châm chước bàn giảm bớt, thực là muốn bỏ phiền rờm mà dùng cốt yếu. Gần đây quan có trách nhiệm quá câu nệ về sự nhỏ nhặt nên giấy tờ ngày càng bề bộn, khiến cho nha môn lớn nhỏ, chăm chắm vào việc sổ sách giấy tờ, còn rỗi đâu mà nghĩ đến chính thể khác nữa. Xin tỏ rõ lại phép cũ, sắc xuống các nha môn, phàm việc có quan hệ đến nha môn nào, thì hết thảy giấy tờ, nên châm chước bàn nghĩ, giấy tờ gì có thể bớt được thì bớt đi, ngỏ hầu trong khi làm việc, không đến nổi ngày càng bề bộn mà viên nhân thừa cũng có thể lượt bớt dần đi.
5. Sửa lại thói quen của nhân sĩ. (Nói: Văn chương quan hệ ở vận đời. Nhân sĩ học tập, tất phải say mê về nhân nghĩa đạo đức, rồi sau mới phát ra làm văn chương, lớn thì có thể sửa nước giúp dân, nhỏ thì có thể sửa mình chữa tục, mới là thực dụng. Đời xưa lấy nhân sĩ phải gồm văn và hạnh. Người nhà đường mới dùng thơ phú. Nhưng thơ ở lúc nhà Đường hưng thịnh thì khí cách hùng hồn, kịp đến lúc cuối nhà Đường  mới dần dần thành ra khinh bạc. Đó là văn thể biến đổi vậy. Các học trò đời nay, phần nhiều không sưu tầm nghĩa lý, xét xem việc trước, lại bảo là chính văn của kinh sử, những người sơ học phải đọc, thì đọc là thiển cận, chỉ xem tiểu thuyết. Lượm lặt câu cũ làm văn, mà văn thì lấy nịnh nọt làm hay, lời văn thì lấy nhiều làm giỏi. Gọi là lối tắt trong nghề thi đỗ. Hỏi về nghĩa lý trong kinh sách, thường thường nói không chạy. Quan trường ra đầu bài, cân nhắc bài văn lại không chuyên chủ đến chính nghĩa của kinh truyện. Sợ rằng văn thể càng mỏng manh và khí càng kiêu bạc, tách rời với lối dạy về thông hoạt đôn hậu càng xa dù thơ, vịnh vật gì đúng hệt vật ấy, nói nịnh êm tai, thì có ích gì cho việc. Xin sắc xuống: khoa cử thi học trò đỗ, chuyên dùng những văn về nghĩa lý, còn thói quen dùng tiểu thuyết, lời lẽ phù bạc không được lấy phiếm, thì người thầy truyền dạy, học trò tập học, không ai là không chăm theo nghĩa lý, thói quen của sĩ phu đã dược sửa lại thì khí hồn hậu có thể lại trở lại, mà kế duy trì cho nhân tâm phong tục cũng ở nơi đó.)
Lại nói: Tiền của sức lực của dân gian kém trước đến 5,6 phần 10, mà bọn quan coi giữ địa phương, phần nhiều chỉ hư trương tiếng hão, hỏi dân số thì nói là tăng gia, hỏi lúa ruộng thì nói là phong thu, muốn khoe mẽ cái tiếng dân tăng, lúc được mùa, để gọi là tỏ chút lòng vì đức vì dân. Gần đây trong tháng trọng đông (tháng 11 âm lịch) mà vồng, mống nhiều lần mọc ra, sợ là khí âm khí dương, hoặc chưa điều hoà, có lẽ các quan trăm ti chưa biết tuyên dương đức ý của nhà vua, tình dân còn bị lấp nghẽn, cho nên trên phạm đến khí thái hoà. Xin sắc cho trăm ti, bớt rút phiền văn, răn điều hư cần điều thực, giản công dịch, nhẹ thuế khoá, thư rộng tài lực cho binh dân, lấy việc cố kết lòng người làm gốc. Lòng người vui đẹp thì khí hoà ứng theo, hạn lụt, tai biến tật dịch không tự đâu mà sinh ra được vậy.
Vua dụ đình thần xét bàn phúc tâu thi hành.
Năm nội dung của bức thư biểu lộ thái độ và trách nhiệm của ông với thời cuộc, ông nói lên những gì mà ông biết khi làm Thự Tả tham tri bộ Công (tương đương như chức vụ Thứ trưởng sau này), đó cũng là tâm huyết của ông, là kiến nghị của ông nữa. Vua Tự Đức sau khi xem xong bèn “dụ đình thần xét bàn phúc tâu thi hành” (ĐNTL.T27; tr 63). Ở đây chúng ta thử xét một số trong 5 vấn đề mà Trương Quốc Dụng kiến nghị:
1. Sẻn tiêu dùng: Nói theo thuật ngữ hiện nya là tiết kiệm, mà bây giờ chúng ta vẫn nêu cao khẩu hiệu tiết kiệm, coi tiết kiệm là quốc sách. Lúc bấy giờ, trước mắt ông, cuộc sống của giới thượng lưu của triều đình nhà Nguyễn phung phí tiền của, ăn chơi xả láng, đặc biết là xây cất cung điện xa hoa lộng lẫy; vả lại thông qua xây dựng mà bòn rút công quỹ. Tình hình cách đây hơn nữa thế kỷ sao mà giống bây giờ đến vậy, tất cả đều lo đầu tư vào xây cất các công trình thổ mộc để ăn bớt ăn xén, thu lợi cho mình. Trương Quốc Dụng khi đó làm Thự thị lang bộ Công (tựa như Bộ Xây dựng bây giờ) nên ông biết đủ thứ mẹo vặt trong xây dựng, với chức danh quan chức hàng thứ hai của Bộ, nên ông đã nói rất thật mà cũng rất khéo rằng: “Hết thảy công việc sửa chữa, chỉ cần bền chắc mộc mạc, không được trang trí lộng lẫy, thì kẻ xảo nịnh không thể nhòm rình đâu được, mà tiền tiêu cũng không đến nỗi phí hoài. Tự nhiên thuế khoá công dịch nhẹ đi...” Xem thế đủ thấy rằng Trương Quốc Dụng muốn đặt lợi ích quốc gia, lợi ích cho muôn dân lên hàng đầu, việc chống xa hoa lãng phí và từ đó chống hà thu lạm bổ, chống tham nhũng cũng là nhu cầu cấp bách của phép trị nước an dân.
2. Chọn lọc ngạch quan lại: Đây là nội dung thứ 3 trong bức thư. Trương Quốc Dụng đặt vấn dề làm trong sạch đội ngũ quan lại Nhà nước từ Trung ương trở xuống tận cơ sở. Nội dung mà Trương Quốc Dụng phản ánh là sự tăng lên quá nhiều quan lại mà trong đó nhiều người không do tài năng mà vào, cũng có nghĩa là đã xuất hiện nạn mua quan bán tước; vả lại quan lại vì nhiều nên tốt xấu lẫn lộn không ai đánh giá rạch ròi; nhiều viên quan không làm tròn bổn phận. Theo Trương Quốc Dụng nên sa thải những viên quan kém phẩm chất, kém năng lực, nhũng nhiễu dân chúng. Theo đó thì điều này tương tự như nội dung làm trong sạch đội ngũ cán bộ, tinh giản biên chế ngày nay, mà chúng ta đang tiến hành.
3. Bớt văn thư: Nạn văn thư giấy tờ vừa nhiều, vừa nhiêu khê, vừa mâu thuẫn, vừa chồng chéo lên nhau...là một vấn nạn mà Trương Quốc Dụng phản ánh trong thư, và theo ông nên tinh giản hơn nữa. Điều này cũng có tính thời sự của nó, vì nạn giấy tờ - công văn là một trong những lực cản làm suy giảm năng lực điều hành của bộ máy hành chính quốc gia, nêu công văn giấy tờ chồng chéo và gây phiền toái cho xã hội.
4. Sửa lại thói quen của nho sĩ. Đây là nội dung thứ 5 trong bức thư của Trương Quốc Dụng. Hai vấn đề cơ bản nhất về con người - mà đây là nho sĩ, tầng lớp sẽ đảm nhận mọi chức trách quản lý nhà nước các ngành các cấp, là đạo đức và chuyên môn, rất được các thời coi trọng. Ở đây ông nêu ra nguyên lý muôn thuở về những con người sẽ can dự vào nền hành chính quốc gia. Xét thấy tính thời sự của điều này là rõ ràng.
Bức thư của TQD gửi Tự Đức vào niên hiệu đầu tiên, muốn nhấn mạnh đến đội ngũ quan lại hành chính các cấp, chính họ là rường cột của quốc gia, nếu có một đội ngũ quan lại hành chính các cấp, chính họ là rường cột của quốc gia, nếu có một đội ngũ quan lại nhà nước có đức, có tài thì quốc gia hưng thịnh, dân giàu nước mạnh; nếu đội ngũ ấy không đạt yêu cầu thì nguy cơ cho dân cho nước là khó tránh khỏi.                                                                                                      
                                            Tháng 10-2001

Những tin cũ hơn

VIỆC HỌ

VIỆC HỌ

— 25 Tháng Năm 2017

(HTVN)...Việc Họ là một việc được coi là một thuần phong mỹ tục mang đậm nét văn hoá của người Việt cho dù đất nước có thay đổi phát triển ngày càng hiện đại...

Thông báo mời họp cuối năm

Thông báo mời họp cuối năm

— 25 Tháng Năm 2017

Nhân dịp bước sang đầu năm mới 2014, HĐ Trương tộc VN khu vực phía Nam tổ chức họp đánh giá hoạt động năm 2013

THƯ CÁM ƠN

THƯ CÁM ƠN

— 25 Tháng Năm 2017
Uống trà với cá khô .. phong cách miệt vườn

Uống trà với cá khô .. phong cách miệt vườn

— 25 Tháng Năm 2017

Uống trà với cá khô. Nhiều người nghe phải “giựt mình” vì khô làm sao uống trà cho được. Trà phải uống với bánh ngọt, kẹo đậu phộng hoặc tệ lắm phải với đường tán, đường thẻ chớ!

Thương nhớ...đồng dao

Thương nhớ...đồng dao

— 25 Tháng Năm 2017

Nếu bạn rời bỏ một vùng nông thôn nào đó để ra sống ở các thành phố, chắc chắn sẽ mang theo trong hành trang của mình nhiều kỷ niệm không phai của một thời tuổi thơ nghèo khó. Trong hành trang ấy, thế nào cũng có những khúc đồng dao giản dị mà sâu lắng. Cùng với nhiều bài hát ru em, những câu ca dao tục ngữ, những khúc đồng dao ngày nhỏ là những bài học nhập môn về âm nhạc mà cũng như các bạn, tôi đã học được và mang theo cho đến ngày tóc đã lốm đốm bao sợi bạc…