Triều đại nhà Đinh, tăng lục Trương Ma Ni và Ma Ni giáo

00:17 - 26/05/2017 Tin tổng hợp Admin 1852

 

1.Thế kỉ X biến động nhất trong lịch sử dân tộc. Từ Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo (907), Dương Đình Nghệ (931), Kiều Công Tiễn (937) đến Ngô Quyền (938), Dương Tam Kha (945), Ngô Xương Văn (951), các sứ quân (966), Đinh Bộ Lĩnh (968), Lê Hoàn (980), lịch sử đã vận động từ nội thuộc sang li khai tự chủ rồi đến độc lập dân tộc. Có nổi dậy khởi nghĩa, có xâm lăng và kháng chiến, có nội chiến và tranh giành để cuối cùng kỉ nguyên độc lập vững bền được khẳng định, quốc gia Đại Việt từ đó trường tồn. Những vấn đề lịch sử của của thế kỉ bản lề này đã và đang được nghiên cứu ngày càng sâu rộng hơn, trong đó có lịch sử tư tưởng, tôn giáo và văn hóa. Những khát vọng, triết lí, mục tiêu góp phần cắt nghĩa những động thái lịch sử.

     Trường hợp Tăng lục Trương Ma Ni dưới triều Đinh ẩn chứa sự phức tạp của tôn giáo thời kì này. Đây là việc chúng tôi muốn tìm hiểu.

     Đại Việt sử kí toàn thư (bản khắc in năm Chính Hòa thứ 18 - 1697) ghi chép thật ngắn gọn: "Tân mùi, [Thái Bình] năm thứ 2 [971], (Tống Khai Bảo năm thứ 4). Bắt đầu quy định cấp bậc văn võ, tăng đạo, cho Nguyễn Bặc làm Định Quốc công, Lưu Cơ làm đô hộ phủ sĩ sư, Lê Hoàn làm thập đạo tướng quân, tăng thống Ngô Chân Lưu được ban hiệu Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm tăng lục, đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức sùng chân uy nghi".

     Theo Lê Mạnh Thát, sách Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập 3 do Ngô Giáp Đậu san định năm 1774 còn ghi : "Gặp nhà sư có tên gọi Trương Ma Ni (...) tìm được đúng dấu xưa. Bèn hưng công, xây dựng danh lam, mở mang đất đai, để làm nơi thờ Phật đốt hương, gọi tên là chùa Kiến Sơ".

     Hầu như sử sách cổ chỉ chép có thế. Các nhà nghiên cứu hiện đại hầu hết cũng chỉ nhắc tên theo cổ thư mà không giải thích gì.

     Năm 1988, Giáo sư Hà Văn Tấn ở phần viết trong sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam (Nguyễn Tài Thư chủ biên) đặt nghi vấn "...bấy giờ còn có một số nhà sư không thuộc phái nào, chẳng hạn như tăng lục Trương Ma Ni". Với sử liệu Việt Nam thật ít ỏi, chạm vào 3 chữ "Trương Ma Ni" mà đặt ra một nghi vấn, đúng là mẫn cảm tinh tế của một tri thức uyên bác, một gợi mở đáng khâm phục.

     Năm 2009, nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường trong sách Bài sử khác cho Việt Nam (Sơ thảo), mạnh dạn viết: "Tăng lục Ni sư Trương Ma có vẻ là người đã thu xếp các sứ quân gom lại trong con số mười hai, mượn từ mối tin tưởng Mười hai nhân duyên của Đạo mình để nói lên hàm ơn đối với vị hoàng đế đã mang lại an bình cho xứ sở, đưa tăng ni lên địa vị tột đỉnh trong thời đại mới. Và những ghi chú thời sự của bà, của những người nối tiếp có lẽ theo thói quen trong sinh hoạt thường trực của tôn giáo, đã được thu tóm thành những câu ngắn gọn như kệ rồi sẽ biến thành sấm kí trong những quyển sử về sau".

     Nếu như GS Hà Văn Tấn thận trọng đặt câu hỏi thì sử gia Tạ Chí Đại Trường tưởng tượng một cách vu khoát về Trương Ma Ni: là Bà (có lẽ vì chữ "ni" trong tên), là người chép sử (chữ "lục" trong cấp bậc), là người thu gom thành khái niệm "12 sứ quân" theo tinh thần Phật giáo. Nhưng có lẽ đó chỉ là những suy diễn.

2. Thật ra, hai chữ Ma Ni trong tên của tăng lục này là hoàn toàn có nghĩa.

          Phật quang đại từ điển cung cấp cho ta những hiểu biết như sau:

     Mục từ MA NI viết:" Phạm, Pali: Mani. Hán dịch: Châu, Bảo châu. Từ gọi chung các loài ngọc quí. Truyền thuyết phổ thông cho rằng ma ni có thể tiêu trừ tai nạn, tật bệnh, lắng nước đục thành trong và đổi sắc màu của nước. Còn tiếng Phạm Cinta - mani (Hán âm Chân đà ma ni, Chấn đà ma ni) thì Hán dịch là: Như ý bảo, Như ý châu, Như ý ma ni, Ma ni bảo châu, Mạt ni bảo châu, Vô giá bảo châu. Vì loại châu này có khả năng làm thỏa mãn ý muốn và sự mong cầu của con người, nên gọi Bảo châu như ý. Có thuyết cho rằng ma ni được lấy ra từ óc cá Ma kiệt hoặc bảo nó là mảnh vỡ từ vật cầm tay của trời Đế thích; lại có thuyết nói từ xá lợi của Phật biến thành. Trong 40 tay của bồ tát Thiên thủ Quan âm thì tay phải cầm ma ni Nhật tinh, tay trái cầm ma ni Nguyệt tinh. Ma ni Nhật tinh cũng gọi là Nhật ma ni là loại ma ni tự nhiên phát ra ánh sáng nóng nực, chói lọi; còn ma ni Nguyệt tinh cũng gọi là Nguyệt quang ma ni, Minh nguyệt ma ni, Minh nguyệt chân châu, Nguyệt ái châu, là loại ma ni có năng lực tiêu trừ sự nóng bức đem lại sự mát mẻ cho mọi người..".

     Mục từ MA NI ĐÔI viết: "Đống đá được xếp thành do những phiến đá hoặc tảng đá trên có khắc 6 chữ chân ngôn "Án ma ni bát di hồng". Tín đồ Phật giáo Tây Tạng khắc thần chú 6 chữ "Án Ma Ni Bát Di Hồng" trên đá rồi đặt ở trên đường đi vào núi, tín đồ qua đường tiếp tục xếp thêm những phiến đá khác lên, lâu ngày thành đống (đôi); vì lấy hai chữ Ma Ni trong thần chú 6 chữ mà gọi là Ma Ni đôi. Những người đi ngang qua đây, tùy theo thời gian, phương hướng mà nhiễu quanh 1 vòng để tích lũy công đức".

     Mục từ ÁN MA NI BÁT DI HỒNG viết: "Phạm: Om mani padme hum. Cũng gọi Án ma ni bát một minh hồng, Án ma ni bát đầu mê hồng. Có nghĩa là"Qui y châu ma ni trên hoa sen". Tín đồ Phật giáo Tây tạng khi cầu vị lai được sinh về thế giới Cực lạc thì đọc 6 chữ này trước bồ tát Liên hoa thủ..."

     Mục từ MA NI GIÁO viết: "Anh: Manicheism. Đức: Manichaismus. Pháp: Manichésme. Cũng gọi là Mạt ni giáo, Mâu ni giáo, Minh giáo, Minh tôn giáo. Tông giáo do ông Mani người Ba tư sống vào thế kỉ thứ III Tây lịch tổng hợp các thuyết của Bái hỏa giáo (cũng gọi Thiên giáo, tông giáo của Ba tư cổ đại), Cơ đốc giáo và tư tưởng của Phật giáo mà thành lập ra. Giáo nghĩa của Ma ni giáo lấy thiện ác nhị nguyên luận của Bái hỏa giáo làm nền tảng, tóm thu tất cả mọi hiện tượng vào thiên và ác, thiện là ánh sáng, ác là bóng tối, mà ánh sáng thì chắc chắn đánh tan bóng tối, nếu nhân loại nương theo chân lí của tông giáo và chí hướng của thần linh thì chắc chắn sẽ đi đến thế giới tươi sáng và hạnh phúc yên vui. Nhưng từ vô thủy đến nay, sáng và tối giao nhau; ác ma thường ở trong thế giới tối tăm gây nhiễu loạn, do đó thế giới vẫn lẫn lộn thiện và ác, bởi thế loài người phải nỗ lực hướng thiện, để tạo nên một thế giới tươi sáng... Ma ni giáo được truyền đến Tân Cương thuộc Trung Quốc vào khoảng từ thế kỉ VI đến thế kỉ VII, rồi từ Tân Cương truyền đến Hồi hột ở phía bắc sa mạc và thịnh hành ở vùng này. Vào năm Đại lịch thứ 3 (768) đời Đường, đáp lời thỉnh cầu của nước Hồi hột, vua Đại Tông cho phép xây chùa Ma ni giáo ở vùng Giang hoài. Năm Hội xương thứ 5 (845), Đường Vũ Tông phá diệt Phật pháp, Ma Ni giáo cũng bị đả kích nghiêm trọng, vì thế mà chuyển thành tông giáo bí mật, đồng thời tiếp thu Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian, cũng từ đó đổi tên Minh giáo. Minh giáo tin chắc bóng tối sẽ qua đi và ánh sáng tất phải đến, cho nên dám tạo phản, thường tỏ dấu hiệu chống lại chính phủ. Bắt đầu từ cuối Bắc Tống, ở các tỉnh Chiết Giang, An Giang, An Huy v.v... thường xẩy ra việc Minh giáo làm loạn..."

     Mục từ MINH GIÁO viết: "Tổ chức tông giáo bí mật được triển khai từ Ma ni giáo, do ông Trương Giác làm giáo chủ. Tông giáo này thờ kính Ma ni làm thần ánh sáng và sùng bái mặt trời, mặt trăng. Giáo đồ chuộng y phục mà trắng, đề cao ăn chay, không uống rượu, khi chết chôn cất không mặc quần áo, coi trọng sự đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, chủ trương thiên hạ một nhà. Đồng thời tin rằng trên đời, lực lượng ánh sáng cuối cùng nhất định sẽ chiến thắng các thế lực đen tối. Vào đời Nam Tống và Bắc Tống, tông giáo này lưu hành ở vùng Hoài Nam, Lưỡng Chiết, Phúc Kiến..."

     Qua những mục từ trên, ta có thể có những liên hệ hữu lí:

     -Giữa Ma Ni (ngọc) và Ma Ni giáo có mối quan hệ khá trực tiếp (biểu tượng ánh sáng, tục thờ tự và chân ngôn)

     -Ngay từ khi xuất hiện, Ma Ni giáo đã mang yếu tố Phật giáo một cách cơ hữu.

     -Nó được truyền sang Trung Hoa theo đường Tân Cương, Tây Tạng và phát triển mạnh mẽ

   -Đời Đường nó đã du nhập trung nguyên và sau đó bị đả kích xuôi xuống vùng đông nam Trung Hoa mà Phúc Kiến là một trong những trung tâm. Lúc này thâu nhận những yếu tố Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian, trở thành Minh giáo do Trương Giác làm giáo chủ, là một tôn giáo hoạt động bí mật.

   -Minh giáo có tính chất phản tỉnh, sẵn sàng chống đối chính thể v.v...

   -Đồng thời, ở Trung Quốc, nơi thờ tự của Ma Ni giáo được gọi là chùa, tu sĩ gọi là tăng theo truyền thống Phật giáo có từ bản thể.

     Đến đây, chúng ta có thể suy luận về cái tên tăng lục Trương Ma Ni: Ma Ni là tên tông giáo, họ Trương có thể là họ riêng nhưng cũng dễ là tên giáo chủ Ma ni giáo khi chuyển thành Minh giáo. Việc đặt hoặc gọi tên như vậy là rất thường thấy trong lịch sử truyền bá đạo Phật.

3. Liên hệ lại với những ghi chép cổ sử chúng ta được mách bảo những thông tin (ẩn tàng qua một lần truyền thuyết) để mà suy tưởng, nối kết.

     Đại Việt sử kí toàn thư ghi sau sự kiện Đỗ Thích giết Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn như sau: "Ngày trước, khi vua còn hàn vi, thường đánh cá ở sông Giao Thủy, kéo lưới được viên ngọc khuê to nhưng va vào mũi thuyền, sứt mất một góc. Đêm ấy vào ngủ nhờ ở chùa Giao Thủy, giấu ngọc dưới đáy giỏ cá, đợi sáng ra chợ bán cá. Bấy giờ vua đang ngủ say, trong giỏ có ánh sáng lạ, nhà sư chùa ấy gọi dậy hỏi duyên cớ, vua nói thực và lấy ngọc khuê cho xem. Sư than rằng: "Anh ngày sau phú quí không thể nói hết, chỉ tiếc phúc không được dài". Lại vào năm Thái Bình thứ 5 (974), có lời sấm ngữ: "Đỗ Thích thí Đinh Đinh, Lê gia xuất thánh minh, cạnh đầu đa hoành nhi, đạo lộ tuyệt nhân hành. Thập nhị xưng Đại vương, thập ác vô nhất thiện, thập bát tử đăng tiên, kế đô nhị thập thiên". Người ta cho là số trời đã định như thế".

     Truyền thuyết tồn tại kiểu trầm tích, lại qua nhiều phong hóa của thế gian nhưng ta có thể xem được các hóa thạch lỗ mỗ của nó. Khi vua còn hàn vi thì Giao Thủy là địa hạt họ Trần. Sau này Đinh Bộ Lĩnh sẽ làm con nuôi Trần Lãm. Sư thuộc địa hạt nào thì sứ quân địa hạt đó bố thí. Vị sư này ắt thuộc lý gia Trần Lãm. Vua ngủ nhờ tại chùa là có quan hệ với tăng sư. Vua được ngọc thì chính là Ma Ni vậy. Ngọc sáng trong đêm tối là biểu trưng của tư duy Ma Ni giáo. Sư đoán định tương lai là tinh thần hướng đến vị lai của tông giáo này. Ngọc bị mẻ là vô thập toàn. Vấn đề là Trần Lãm (Trần Minh công) và bố là Trần Đức công vốn là người từ trung tâm Ma ni giáo Phúc Kiến sang, vậy cái hiệu Minh công liệu có nhắc nhở gì đến Minh giáo không? Không loại trừ. Rất thú vị là Thiên Nam ngữ lục, tập diễn ca lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Nôm, xuất hiện khoảng cuối thế kỉ XVII (theo Từ điển văn học - Bộ mới), không biết bằng nguồn nào chép vị sư này: "Thầy cũng là kẻ sư mô/ Xưa làm thuật sĩ nay tu ở già". Nếu thế thì tính chất Ma ni giáo muộn xen lẫn nhiều yếu tố Đạo giáo của Phúc Kiến càng hiện rõ. Lời sấm ngữ về cơ bản mang một âm hưởng đen tối, kết thúc bằng hình ảnh sao kế đô khuất lấp ánh sáng. (Sao kế đô (kethu) và sao la hầu (Rahu) là hai ngôi sao trong thiên văn cổ xưa của Ấn Độ nhằm giải thích hiện tượng nhật thực và nguyệt thực, theo đó, vì sự che khuất của hai sao này mà thế giới trở nên tăm tối). Đúng là thế giới quan nhị nguyên của tông giáo này như những gì từ điển đã cung cấp cho chúng ta. Khó có thể nói vị sư chùa Giao Thủy này chính là Trương Ma Ni nhưng cũng không loại trừ vì sau khi được nước, Đinh Bộ Lĩnh đã rất trọng dụng những người của sứ quân Trần Lãm. Bên cạnh Ngô Khuông Việt đã là Tăng thống, vua bổ nhiệm thêm chức Tăng lục cho Trương Ma Ni, chức sát dưới.

     Lại nữa, Đại Việt sử kí toàn thư còn ghi, cũng dưới dạng truyền thuyết: "Trước đó, Đỗ Thích làm chức lại ở Đồng Quan, đêm nằm bên cầu, bỗng thấy sao sa rơi vào miệng, Thích cho là điềm tốt, bèn nảy ra ý định giết vua. Đến đây, nhân lúc vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân, Thích bèn giết chết, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Liễn".

     Cũng lạ, Chi hậu nội nhân là chức quan gần vua nhưng không lấy gì làm to tát, ấy vậy mà một mình dám làm chuyện thí nghịch tày trời. Nếu không có một âm mưu của phe cánh thì ắt phải là một sự cuồng tín bột phát. Sao rơi vào miệng là ánh sáng, biểu tượng của Ma Ni giáo, ban đêm là bóng tối, biểu tượng của ma quỷ. Uống rượu là xâm phạm tín ngưỡng Ma ni. Vì thế chăng?.

     Dĩ nhiên, truyền thuyết là truyền thuyết, suy tưởng là suy tưởng. Nhưng sao mà càng đọc càng thấy ám ảnh về một thời kì nhập nhoạng tín ngưỡng.

     Người viết bài này là nhằm đến giải thích cái tên riêng Tăng Lục Trương Ma Ni. Đọc đến đâu nói đến đó. May ra mà đúng thì giúp gỡ được một tí nghi vấn của GS Hà Văn Tấn, một người thầy mà bản thân suốt đời kính nhi viễn chi. Nay càng già càng thấy tiếc vì không còn được thỉnh giáo thầy nhiều hơn.

   Để viết bài này, chúng tôi cám ơn nhà nghiên cứu Hán Nôm Phạm Tuấn đã kịp thời cung cấp những tư liệu nước ngoài để tham chiếu.

                                                                         Hà Nội ngày 22 - Tư - 2012.

Tài liệu tham khảo:

-Đại Việt sử ký toàn thư. Bản khắc in năm Chính Hòa thứ 18 (1697).T 1. Nxb KHXH. Hà Nội 1983.

-Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nguyễn Tài Thư chủ biên. HN 1988.

-Phật quang đại từ điển. Hội Văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản. 2000.

-Tạ Chí Đại Trường - Bài sử khác cho Việt Nam. Văn mới 2009.

-Lê Mạnh Thát - Lịch sử Phật giáo Việt Nam T2. Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. 2006.

-Lao Tử - Thịnh Lê - Từ điển Nho Phật Đạo. Nxb Văn học. Hà Nội 2001.

-Thiên Nam ngữ lục - Nxb Văn học - Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây. Hà Nội 2001.

-Từ điển văn học (Bộ mới). Nxb Thế giới. 2004.

-Phùng Thừa Quân: Ma ni giáo lưu hành Trung quốc khảo. Bắc Kinh. 1927.(Trung văn)

-Lâm Ngộ Thù: Ma ni giáo cập kì đông tiệm, Thế giới văn hóa tùng thư. Thục Hinh xuất bản xã. Đài Bắc. 1997.(Trung văn)

 

Những tin cũ hơn

Tăng phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

Tăng phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

— 26 Tháng Năm 2017

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư 22/2016/TT-BTC quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, có hiệu lực từ ngày 1-4.

Trương Trác Khánh: Người đầu tiên đưa Lý Tiểu Long đến Vịnh Xuân

Trương Trác Khánh: Người đầu tiên đưa Lý Tiểu Long đến Vịnh Xuân

— 26 Tháng Năm 2017

Để gặp được sư phụ Diệp Vấn và trở thành môn đệ của Vịnh Xuân Quyền thì Lý Tiểu Long phải nhớ ơn đến một người, đó chính là Trương Trác Khánh. Không trực tiếp truyền đạt cho Lý Tiểu Long nhưng Trương Trác Khánh là người đầu tiên mang cơ duyên của Lý Tiểu Long đến với Diệp Vấn. Để rồi sau đó, chính anh cũng như sư phụ của mình không thể ngờ rằng, họ đã đào tạo nên một huyền thoại võ thuật của thế giới.

Kỹ thuật cao: Hiểu đúng để tránh lạm dụng

Kỹ thuật cao: Hiểu đúng để tránh lạm dụng

— 26 Tháng Năm 2017

Bệnh nhân hoặc thân nhân có quyền yêu cầu giải thích rõ những ưu, nhược điểm và chi phí của phương pháp chẩn đoán và điều trị

MÙA XUÂN TRÊN QUÊ HƯƠNG NGHỆ TĨNH

MÙA XUÂN TRÊN QUÊ HƯƠNG NGHỆ TĨNH

— 26 Tháng Năm 2017

Hòa chung khí thế tưng bừng đón chào năm mới Bính Thân, mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước nở hoa, tiếp nối mạch nguồn truyền thống của dân tộc, ngày 28 tháng 2 năm 2016 (ngày 21 tháng 01 Âm lịch) Hội đồng Họ Trương Nghệ Tĩnh đã long trọng tổ chức buổi giao lưu gặp gỡ ấm tình thân tộc với chủ đề “Tết đoàn viên – Xuân hội tụ” tại Tổng Công ty cổ phần Nông nghiệp Nghệ An (thành phố Vinh).

“NAM QUỐC SƠN HÀ”: Chân lý chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam

“NAM QUỐC SƠN HÀ”: Chân lý chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam

— 26 Tháng Năm 2017

Lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam là một bản trường ca về các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Từ thế hệ này đến thế hệ khác, người Việt Nam luôn nêu cao tinh thần bất khuất và bảo vệ bằng mọi giá chủ quyền lãnh thổ thiêng thiêng. Một trong những minh chứng hùng hồn nhất cho tinh thần đó là bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” được cho là của danh tướng Lý Thường Kiệt.