TÌNH ĐỒNG ĐỘI - TÌNH NGƯỜI TRONG CHIẾN TRẬN

00:07 - 26/05/2017 Tin tổng hợp Admin 1515

Sau khi tham gia các trận đánh mở màn vào thị xã Buôn Ma Thuột và tiến quân tiêu diệt quân địch theo Quốc lộ 20 hướng về thị xã Xuân Lộc, (Long Khánh). Đến 9 giờ sáng ngày 17/4/1975, Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, trong đội hình của Trung đoàn 95, (Sư đoàn 325), triển khai đội hình chiến đấu trong rừng cây rậm rạp, trên triền đồi thoải dần ra phía trước. Quan sát bên kia cánh đồng chúng tôi thấy có nhiều xe thiết giáp, xe tăng địch đang đứng hàng ngang bên bìa rừng. Trên một số xe có nhiều tên địch đang sử dụng ống nhòm quan sát. Với kinh nghiệm của lính chiến trận, biết rằng trận chiến đấu sắp xẩy ra. Đại đội trưởng Lê Ngọc Viễn đi khắp đơn vị động viên cán bộ, chiến sĩ (CBCS) triển khai nhanh công sự chiến đấu. Chính trị viên phó Lê Cư, đến từng tiểu đội, chiến sĩ và chỉ tay về nơi có xe thiết giáp, xe tăng địch bên kia cánh đồng nói, CBCS toàn đơn vị quyết tiêu diệt quân thù trước mặt với tinh thần “còn người còn trận địa” như trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972; “dũng mạnh, kiên cường, tiến công” như trận mở màn vào thị xã Buôn Ma Thuột trong chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3/1975).



Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột

Tôi chiến sĩ giữ súng B41, đồng đội tôi tên Tịnh giữ súng B40 cùng với 2 chiến sĩ giữ súng trung liên, tiểu liên được chỉ huy đơn vị điều lên phía trước, bên trái đội hình làm nhiệm vụ cảnh giới. Khi anh em trong tổ chiến đấu đào xong công sự cá nhân cũng là lúc phía bên kia cánh đồng, đồng loạt các thiết giáp, xe tăng địch xuất kích khói đất mù mịt. Kết hợp với đó là pháo kích địch bắn cấp tập vào phía sau đội hình của đơn vị. Một xe Thiết giáp tiến thẳng về phía tổ chiến đấu chúng tôi. Tôi nói với Tịnh, 2 ta cùng ngắm bắn xe thiết giáp này. Để nó vào gần, tôi hô bắn, 2 quả đạn vọt nòng đâm thẳng vào xe làm chiếc xe khự lại bốc cháy. Cùng lúc đó, một quả pháo kích nổ bật gốc nơi anh Tịnh đào công sự chiến đấu. Từ phía sau, y tá Nguyễn Văn Sinh (Y tá Sinh) chạy đến cõng anh Tịnh về tuyến sau cấp cứu. Bị khuyết một vị trí chiến đấu, đại đội phó Lê Hải điều bổ sung cho tổ chiến đấu một xạ thủ B40 và một chiến sĩ giữ trung liên. Vừa xong lời động viện, đại đội phó lao mình dưới làn pháo kích, đạn bắn thẳng đến động viên các vị trí chiến đấu khác. Không may cho anh, một viên đạn bắn thẳng hay là mảnh pháo kích làm anh gục ngã. Y tá Sinh tiếp tục chạy đến cấp cứu và cõng anh Hải về tuyến sau. Tổ chiến đấu chuyển đến vị trái khác đào công sự tiếp tục chiến đấu. Tôi bị thương phía trên mông bên phải, đến khi y tá Sinh phát hiện và băng bó mới biết. Trận chiến diễn ra càng ác liệt, cây cối đổ ngổn ngang, đất đá cày xới tứ tung, mùi khói súng, đạn nổ bụi đất, khói khét lẹt.

Hiện diện trên cánh đồng, phía trước đội hình chiến đấu của đơn vị có 3 xe thiết giáp đang bốc cháy, nhiều tên địch cùng chung số phận. Quân địch điên cuồng mở tiếp các đợt tấn công, kết hợp với pháo kích bắn cấp tập, trên trời máy bay lao đến đánh bom. Nhưng tinh thần chiến đấu của bộ đội ta vẫn kiên cường bám trụ và bắn chính xác từng viên đạn tiêu diệt quân thù. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, chỉ huy  lệnh cho đơn vị rút quân để bảo toàn lực lượng, sau khi đã làm xong công tác thương binh, tử sĩ. Rút quân, cán bộ, chiến sĩ nhanh chân lui về tuyến sau. Đối với tôi vì đã bắn 3 quả đạn B41 trong trận đánh nên không còn nghe được gì. Đến khí đại đội phó Lê Cư đến kéo tôi và ra hiệu mới biết rút quân. Tôi cùng với 2 chiến sĩ chạy về hướng các bụi chuối, phía sau có bờ suối sâu khoảng 6 đến 8 mét, cây cối sậm rạp. Hai chiến sĩ xuống trước. Khi tôi đang loạy hoay cởi các quả đạn B41 mang sau lưng, nhìn về phía sau có nhiều tên địch đuổi theo đạn bắn cày xới tứ tung bên chân tôi. Không chần chừ được nữa, tôi vội lao mình xuống suối. Quân địch ập đến trên bờ và bắn xối xả vào các bụi cây, bờ suối. Khi hoàng hôn buông, quân địch bỏ đi, tôi cố gở các dây dựa lằng nhằng quấn chặt 2 chân tôi nhưng khó khăn vì chân phải và sườn trái tôi bị thương. Bất lực, phó mặc cho số phận và tôi thiếp đi lúc nào không biết.

Sáng hôm sau, phía đông ánh hồng hửng sáng, nghe đâu đó có tiếng chân người đi và tiếng lạch cạch của súng đạn. Quan sát trên bờ, tôi thấy bộ đội ta đang trong tư thế tiền nhập chiếm lĩnh trận đia. Mừng qua, tôi định cất tiêng gọi nhưng sợ lộ bí mật khi quân ta đang hành tiến. Cùng lúc này, phía bên kia bờ suối xuất hiện một cụ già râu tóc bạc phơ, trên tay cầm cây mác lưỡi nhọn, cán dài chuẩn bị lội qua suối. Bằng phản xạ tư nhiên, tôi đưa tay về thắt lưng nơi đó có 4 quả lựu đạn mỏ vịt và nói, ông đứng im nêu không ông sẽ chết. Cụ già nói, tui không có ý định hại ông, mà muốn cứu giúp ông. Tiếp đó, ông lội qua suối chắt đứt dây dựa lằng nhằng quân thân và 2 chân, làm tôi và 2 quả đạn B41 rơi xuống suối. Ông cụ vất vả kéo tôi lên bờ và băng bó vết thương bằng băng cá nhân của tôi đưa cho ông. Xong việc, cụ già đi lên bờ và gọi đến một cháu gái (khoáng 15, 16 tuổi) cùng dìu tôi lên bờ vào một căn lều trong vườn cây. Tại đây, ông bóc chuối, cháu cắt xoài đưa tôi nhưng miếng ngon trái ngọt. Ông cụ nhìn tôi và chuyển ánh mắt sang đứa cháu và nói, mi muốn hỏi ông ni điều chi thì nói đi. Cháu gái thầm nói, Cộng sản là răng rứa ông. Tôi giải thích, Công sản là cái tên do Mỹ, Ngụy đặt và gọi. Đúng tên gọi là, Quân giải phóng, hay Anh Giải phóng quân, cùng chung tên gọi là Bộ đội Cụ Hồ. Bộ đội vào đây cùng nhân dân miền Nam, bộ đội địa phương và du kích thực hiện nhiệm vụ cao cả, “đánh cho Mỹ cút, đánh Ngụy nhào” để giải phóng miền Nam, thông nhất Tổ quốc…Khi mặt trời đã ló rặng đông, tôi nghỉ không thể ở lại lâu được, đành tạm biệt ông và cháu. Tôi bước đi loạng choạng khó khăn vì chân trái tê liệt. Cụ già chạy đến dìu giúp tôi men theo bờ suối trên quảng đường khá xa về hướng mà sáng hôm trước đơn vị tiến quân vào trận đánh. Bổng nhiên phía sau bụi tre một tiếng con gái đanh gọn, “đứng lại”. Đó là nữ du kích và cùng dìu tôi vào căn hầm, trong đó cũng có các đồng đội bị thương. Vào trong hầm, tôi nói với lại với cụ già và nữ du kích, phía bờ suối nơi tôi bị thương còn 2 chiến sĩ ở đó. Chiến trận trong các ngày, đêm 18 và 19/4 tiếp tục diễn ra ác liệt, súng đạn ì ầm. Và nơi trạm phẩu tiền phương tiếp tục đưa đến những ca đồng đội bị thương...

Khoàng 23 giờ ngày 19/4, đơn vị chúng tôi được một đơn vị của sư đoàn 341 vào thay thế. Rút quân dưới trăng muộn, thấp thoảng trong rừng cây cao su và quân số lúc này của đại đội chỉ đếm được trên đầu ngón tay, đa số bị thương phần mền còn đi được. Sau hơn 2 giờ dìu nhau đi, chúng tôi được vào ở trong một nhà dân. Khi tôi đang tắm rửa bên bể nước, từ trong nhà đi đến một cô gái, trên tay với ngọn nến sáng. Cô gái đứng đó nhìn tôi và nói, hình như ông là người hôm trước Nội giúp bên suối. Liền đó, cô gái chạy vào nhà và cùng đến với một ông già, và không tin vào mắt mình nữa vì đó là ông cụ đã cứu giúp mình bên suối cách đây 3 ngày. Tôi liền đến bắt tay cảm ơn ông cụ và cháu gái... Sau đó, đồng đội và tôi ra vườn tìm nơi mắc võng đu đưa bên công sự cá nhân vừa đào xong và ngon giấc. Đến 5 giờ sáng hôm sau, liên lạc đại đội Nguyễn Văn Nam đến đánh thức. Với tác phong của người lính chiến trận, tôi nhanh chóng xếp gọn trang phục vào ba lô chuẩn bị hành quân. Cùng lúc đó, ông cụ và cháu gái bước đến cầm tay tôi nói, các ông đi ạ và nhét vội vào túi áo trên ngực tôi một mảnh giấy. Chúng tôi lại lao mình vào các trận đánh tiến vào Biên Hòa, Thủ đức, Sài Gòn.

Đến trưa 30/4/1975, khi trên Đài Phát thanh, phát đi tiếng nói của Dương Văn Minh, Tổng thống VNCH đọc lời “đầu hàng Quân Giải phóng vô điều kiện”. Cùng đơn vị đang vòng ngoài của Dinh Độc lập, dựa lưng vào gốc cây cùng “khẩu súng B41 - người tình gắn bó trong từng trận đánh”, tôi sực nhớ đến mảnh giấy và lấy ra đọc, “Cháu chào ông và cháu đã được sự cùng ý của Nội cháu để ghi nhanh mấy dòng gửi ôngCho cháu được gọi ông bằng ông cộng sản. Còn tên gọi Quân Giải phóng hay Anh Giải phóng quân giành lại nếu sau này may mắm gặp lại được ông. Tên gọi này, cháu mới biết Nội kể ngay sau khi cứu giúp ông bên suối cách đây 3 ngày. Qua đó cho cháu hiểu sâu sắc hơn về bản chất của Quân Giải phóng, chứ không phải như nghe tuyên truyền trước đây về cộng sản. Cháu biết các ông đang còn đánh trận tiến về Sài Gòn, biết rằng trận chiến trong đó sẽ ác liệt lắm... Cháu cầu mong Chúa ban phước lành và che chở cho ông an toàn trong chiến trận”. Cháu Xuân Lộc, ngày 20/4/1975.

 

Bài và ảnh: Nguyễn Nhân Mùi
Nguồn: kinhtemoitruong.vn

 

Những tin cũ hơn

NIỀM VUI LỚN CỦA BÀ CON HỌ TRƯƠNG LÀNG VÂN QUẬT THƯỢNG

NIỀM VUI LỚN CỦA BÀ CON HỌ TRƯƠNG LÀNG VÂN QUẬT THƯỢNG

— 26 Tháng Năm 2017

Trên mảnh đất địa linh nhân kiệt này, dư âm oanh liệt của tiền nhân vẫn vang vọng thấm sâu từ lòng đất, ấm áp mái ngói bờ tre làng Vân Quật Thượng như đang truyền thêm sức mạnh, hào khí tinh thần cho các thế hệ người dân Vân Quật Thượng nói chung, con cháu họ Trương nói riêng cùng đoàn kết xây dựng làng Vân Quật Thượng ngày càng văn minh giàu mạnh...

GẶP LẠI ÔNG TRƯƠNG MINH TUẤN

GẶP LẠI ÔNG TRƯƠNG MINH TUẤN

— 26 Tháng Năm 2017

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc, mang tính thời đại sâu sắc, trong đó nhân tố quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015), ôn lại khí thế chiến đấu của dân tộc trong những ngày tháng tư lịch sử, tôi có dịp gặp lại ông Trương Minh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

LŨ LỤT MIỀN TRUNG

LŨ LỤT MIỀN TRUNG

— 26 Tháng Năm 2017

Ngày 22-23/04 vừa qua Tại Hà Tĩnh Mưa lớn kéo dài gây ngập lụt trên diện rộng gây thiệt hại rất lớn về Kinh tế cho người dân tại các Xã Thạch Khê, Thạch Hải, Thạch Trị, Thạch Lạc... Thuộc huyện Thạch Hà, Tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây tập trung toàn bộ con cháu Tộc Trương Quốc, Trương Xuân, Trương Đăng ta. Xin trích dẫn bài báo của tác giả Mạnh Hà - Báo Hà Tĩnh đễ mọi người nắm bắt thông tin và chia sẽ mất mát của người dân.

RỦI RO TRONG KINH DOANH - VẬN ĐEN HAY THỜI CƠ

RỦI RO TRONG KINH DOANH - VẬN ĐEN HAY THỜI CƠ

— 26 Tháng Năm 2017

Các doanh nghiệp hiện nay có xu hướng đề cao công tác quản lý rủi ro và coi đó là một trong những hoạt động bắt buộc, thiết yếu của quản trị kinh doanh. Một hệ thống quản lý Rủi ro được tổ chức tốt và vận hành hiệu quả có tác dụng rất lớn đối với việc đảm bảo thực thi các chiến lược, các dự án, các kế hoạch kinh doanh của DOANH NGHIỆP, phòng ngừa và hạn chế những tổn thất, góp phần nâng cao hiệu quả, thậm chí giúp cho DOANH NGHIỆP tránh được nguy cơ phá sản.

ĐI LỄ ĐẦU NĂM

ĐI LỄ ĐẦU NĂM

— 26 Tháng Năm 2017

Ngày 21/03/2015 (tức ngày mồng hai tháng hai năm Ất Mùi) Hội Đồng họ Trương Việt Nam do Ông Trương Văn Đoan làm trưởng đoàn cùng các đại diện họ Trương các địa phương tổ chức chuyến hành hương tới các đền thờ nơi thờ tự những anh hùng dân tộc, những danh nhân có công, đức trong suốt quá trình đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.