Tiến sỹ Trương Đỗ - Danh nhân đất Việt thời Trần

22:06 - 21/05/2017 Người họ Trương Admin 2905

Thế nhưng ngay khi vương triều còn đang trụ thế, khoảng từ đời Trần Duệ Tông trở đi, sự duy trì giáo dục phẩm hạnh con người cùng với chiến lược dựng nước và giữ nước của các vị kế nhiệm dần dần càng trễ nải. Vua quan theo nhau mà tung hoành tự do quá chớn, chuyên quyền độc đoán nên vận nước suy yếu. Với từng ông vua thì tư tưởng bảo thủ, khinh xuất làm dân tình khổ ải. Các bậc tri thức dân tộc có hoài bão lớn bất lực, nhiều người dâng sớ, hiến kế đều bị vua quan bỏ ngoài tai. Sử gia Phan Phu Tiên đã ghi lại: “Minh Tông có lòng nhân hậu, nối nghiệp thái bình, phép cũ của tổ tông không thay đổi việc gì…Triều thần bấy giờ như Lê Bá Quát, Phạm Sư Mạnh muốn thay đổi chế độ. Minh Tông nói: - Nhà nước đã có phép tắc nhất định, nếu nghe theo kế hoạch của kẻ học trò mặt trắng tìm đường tiến thân, thì sinh loạn ngay.” Tư tưởng chủ đạo quan liêu, võ đoán đến thế thì quả thật rất nhiều điều khó nói.

Trần Duệ Tông (1373 - 1377) “ở ngôi bốn năm, thọ 41 tuổi. Vua là người ương bướng, tự theo ý mình, không nghe lời can, khinh thường quân giặc nên tai vạ đến mình chứ không phải là bất hạnh.”(2) Đó là thời điểm Trương Đỗ lập danh theo con đường thi cử và làm quan chức trong triều. Đời Duệ Tông kết thúc bi thảm, Trương Đỗ đã toan về ở ẩn tìm sinh kế khác để giúp đời, song chẳng được mấy ngày, vua kế vị

Trương Đỗ sinh ra ở làng Phù Tải, huyện Đồng Lại (nay là thôn Phù Tải, xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) thi đỗ tiến sĩ năm 13, ra làm quan với triều Trần, ngụ ở phường Cơ Xá và Nghi Tàm, thành Thăng Long. Sau khi đậu tiến sĩ, Trương Đỗ được giữ chức ngự sử đại phu đứng đầu ngự sử đài, được vua vua tin cậy giao kiêm nhiệm chức đình uý tự khanh - đứng đầu cơ quan chuyên tra xét các hình án, và trung đô phủ tổng quản - quản lý an ninh và mọi mặt của kinh thành Thăng Long.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm Bính Thìn (1376) vua Chiêm Thành gửi dâng cho vua Trần 10 mâm vàng, nhưng viên quan tham ô là Đỗ Tử Bình biển thủ rồi trí trá tâu vua rằng; Chế Bồng Nga ngạo mạn vô lễ, kích động vua đem quân sang hỏi tội. Trương Đỗ ba lần dâng Bãi chiến sớ can vua Duệ Tông: “Chiêm Thành ở tận cõi Tây, xa xôi hẻo lánh, núi sông hiểm trở. Nay Bệ hạ mới lên ngôi, đức chính giáo hoá chưa thấm nhuần tới phương xa, nên sửa sang văn đức khiến nó phải tự đến thần phục. Sau này nếu nó không nghe theo, sẽ sai tướng đi đánh cũng chưa muộn gì.”(3)

Không nghe lời can tâm huyết của ngự sử đại phu Trương Đỗ, vua Trần Duệ Tông đem 12 vạn quân sang đánh Chiêm Thành.Về sự kiện này, tham bác sử cũ, Ngọ Phong Ngô Thì Sĩ thuật lại: “Trước kia vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga quấy nhiễu biên giới. Vua sai Đỗ Tử Bình đem quân trấn giữ ở Hóa Châu. Người nước Chiêm Thành đem vàng dâng vua, Tử Bình giấu vàng ấy làm của riêng mình mà nói rằng người Chiêm vô lễ, nên đánh, vua mới quyết định thân đi đánh Chiêm. Quan quân đi đường biển, đến Nhật Lệ thì đóng quân ở đó; thao luyện rồi lại tiến đóng ở động Ỷ Mang. Người Chiêm lập đồn lũy ở ngoài thành Đồ Bàn. Nơi ấy đường núi thì hẹp, tứ vi đều là rừng rậm; quân giặc phục trong rừng Tượng Lâm. Quan quân ta không biết, giặc sai người dâng thư trá hàng, nói rằng chúa nó đã trốn đi rồi, chỉ còn thành bỏ trống không, không nên để lỡ cơ hội mà tiến mau vào. Vua tin lời, lập tức cưỡi ngựa vẫy quân tiến lên. Đỗ và Lê can: - Chúng đã xin đầu hàng, thì ta hãy sai một người biện sĩ đưa thư vấn tội, để dò xét xem tình hình hư hay thực của chúng; như kế của Hàn Tín phá quân nước Yên khi xưa mới được. Vua nói: - Quân ta đã đi vào sâu rồi, không một người nào dám xung phong, việc binh cần phải thần tốc, chần chừ thế nào được, ngươi thật gan dạ đàn bà; bèn cho mặc áo đàn bà, rồi quan quân như đàn cá nối nhau kéo đi, đội trước đội sau xa cách nhau, bị phục binh giặc xông ra chặn đứt làm đôi, quân ta tan vỡ. Vua mất trong đám loạn quân. Đỗ Tử Bình thống lĩnh toán hậu quân không ứng cứu, chạy thoát lấy thân. Lê Quý Ly đốc vận lương, được tin trốn về trước. Ngày hôm ấy ở kinh đô ban ngày mà mờ tối, chợ và phố xá phải đốt đuốc để buôn bán. Khi kéo quân về, Đỗ Tử Bình bị bắt xuống làm lính.

Việc hành binh này, Lê và Đỗ đã ba lần dâng sớ can ngăn mà vua không nghe.”(4) Như vậy theo tư liệu và nhận định của Ngô Thì Sĩ thì Trương Đỗ không những đã can vua không đi đánh Chiêm Thành ngay khi chuẩn bị từ Thăng Long, mà khi vua cất quân vào trận, Trương Đỗ vẫn phải đi cùng. Rất có thể là hợp lý, bởi vì quan chức trong triều không thể chống lệnh, dù có phải hy sinh.Và lời bàn: “sao nhà Trần với quân Nguyên thì mạnh thế, đối với quân Chiêm thì yếu đến thế, chẳng qua là tại người cả”,() của Ngô Sĩ Liên cũng đã hơn một lần đồng cảm với Trương Đỗ, mặc dù hai ông sống cách nhau trên dưới trăm năm. Xét vị trí quan chức của Trương Đỗ, rõ ràng ông là người có tri thức uyên bác, có cái nhìn chiến lược của một người văn võ song toàng, tài năng đức độ; một lòng sắt son với sự nghiệp hòa bình; luôn ý thức gìn giữ cương thường đạo lý giữa vua tôi và tình quân nghĩa dân. Sự suy xét thực tiễn của ông còn bao gồm cả con mắt xuyên suốt sự gian dối của Đỗ Tử Bình khi chưa bị phát giác, và chính Trương Đỗ đã thấy “Tử Bình là hạng học nhảm chiều người, tham ô vơ vét, là kẻ gian thần hại nước”,(5) như lời luận tội của Phan Phù Tiên. Trương Đỗ muốn Trần Duệ Tông khoan sức dân, suy xét kỹ nội tình có quan hệ đến vận mệnh quốc gia, nhưng Duệ Tông không nghe, ông thất vọng vì sự nông nổi, hiếu thắng của một vị vua hèn kém.

Nêu danh trong Nhân vật chí theo niên đại lịch sử, Hải Đông chí lược ghi lại: “Trương Đỗ người huyện Vĩnh Lại, đỗ tiến sĩ đời Thiệu Khánh (1370 - 1372) triều Trần, là người có tên tuổi, làm quan thanh liêm ngay thẳng, dần dần được thăng chức ngự sử. Đầu đời Long Khánh (1373 - 1377), Duệ Tông đi đánh Chiêm Thành, ông ba lần dâng sớ can gián, vua không nghe, bèn treo mũ bỏ đi. Sau khi Duệ Tông thua trận ở Ỷ Mang, ông lại được triều đình gọi; thăng chức tư gián đình úy. Con cháu đời sau nối nhau vinh hiển, đều nổi tiếng là quan lại thanh liêm.”(6) Sách Phủ Ninh Giang, viết năm Thành Thái thứ tư (1892) cũng ghi ở mục Nhân vật chí: “Trương Đỗ người xã Phù Tải, tổng Văn Hội, đỗ tiến sĩ đời Lý, niên hiệu Long Khánh thứ hai (tác giả nhầm lẫn - T.S.H chú thêm); làm quan đến chức ngự sử đài, đô ngự sử. Đời Trần Duệ Tông cùng đi đánh giặc Chiêm Thành, ông ba lần dâng sớ can nhưng vua không nghe, ông bỏ áo về quê. Nay còn có thơ vịnh sử nói về ông. Ở xã nhà vẫn còn đền thờ ông và Phạm tướng công.” (7)

Sử gia Ngô Sĩ Liên viết: “Trương Đỗ khi làm quan thì không ngại lời nói thẳng, thế là xứng đáng với chức vụ của mình. Khi can dâng sớ tới ba lần, thế là dám chạm đến cả vua. Mà vua không nghe thế là tâm trí vua đã lẫn rồi. Người có trách nhiệm phải nói không được nghe theo thì bỏ đi thế là sự tiến lui của Trương Đỗ đều hợp lẽ phải vậy. Tuy lời nói thẳng thường trái tai vua, nhưng lợi cho thân vua. Việc này có thể nêu lên làm gương được.”(8)

Đại Việt sử ký toàn thư đề cao phẩm chất đạo đức: “ Trương Đỗ là người thanh liêm, thẳng thắn, không bè đảng, phóng khoáng, có chí lớn … Ông làm quan trong sạch, nghèo túng, không gây dựng điền sản, con cháu nối đời làm quan cũng có tiếng là nghèo mà trong sạch.” (9)

Sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn đã tôn vinh năm vị danh sỹ đời Trần, trong đó có Trương Đỗ với những lời bình luận hết sức cao nhã, nảy sinh từ thực tiễn lịch sử những tấm gương trong sáng về nhân cách, phẩm giá của các quan chức một thời, trong lịch sử chế độ phong kiến Đại Việt: “Đây là những người trong trẻo, cương trực, cao thượng, có phong độ như sĩ quân tử đời Tây Hán, thật không phải những người tầm thường có thể theo kịp được. Bởi vì nhà Trần đãi ngộ sĩ phu rộng rãi, không bó buộc, hoà nhã, có lễ độ cho nên nhân vật trong một thời có chí khí tự lập, hào hiệp, cao siêu, vững vàng, vượt ra ngoài thói tầm thường, làm rạng rỡ trong sử sách, trên không hổ thẹn với trời, dưới không thẹn với đất. Ôi như thế người đời sau còn theo kịp thế nào được! Từ bản triều về sau, phong độ ấy dần dần không được nghe thấy nữa.”(10)

Mục Đền miếu trong sách Hải Đông chí lược có chép: “Đền trạng nguyên tiến sĩ ở làng Phù Tải, huyện Vĩnh Lại. Trạng nguyên họ Phạm, tên Huyên, người xã Phù Tải, đỗ trạng nguyên năm Đại Định thứ 13 (1152) triều Lý, làm quan đến chức hàn lâm, dũng thủ – thủ bộ thượng thư, nhập thị kinh diên. Khi về hưu ông dựng quán ở phía đông làng, gọi học trò đến dạy, đặt tên quán là Luận văn quán, phía trước quán có ao sen. Sau khi ông mất, tiến sĩ Trương Đỗ dựng đền thờ ông ngay trên đất quán xưa. Đến khi Trương công mất, dân trong xã rước Trương công vào cùng thờ trong đền, gọi là đền trạng nguyên tiến sĩ. Hàng năm cầu đảo đều linh ứng.” (11). Đến thời Nguyễn, vua Tự Đức đã đọc lại quốc sử mà viết trong quyển IV dành cho Hiền thần - 19 vị quan chức làm việc trong triều đình từ thời Lý là Tô Hiến Thành - đến thời Lê là Phạm Đình Trọng -(1739) - sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh rằng: “Theo sử ký Trương Đỗ người làng Phù Tải, huyện Đồng Lại, từ thuở bé đã có phong độ thảng thích và lỗi lạc khác thường, có chí lớn; thường đi chơi ở Tây Hồ. Một hôm thấy quan quân tập bắn, Trương nói đùa: - Cái nghề ấy nào có khó khăn gì? Quan quân lấy làm lạ, liền hỏi: - Thế mày có bắn được không? Trương đáp: - Cứ cho tôi bắn thử xem! Không dè ông bắn ba phát đều trúng cả. Quan quân kinh ngạc, có ý muốn nhận làm con nuôi, nhưng ông cho thế là hèn kém nên không nghe theo.”(12)

Sau đó họ Trương bỏ nhà đi cầu học và đã thi đậu tiến sĩ. Vào triều Trần Duệ Tông, ông được giữ chức đại phu. Hồi đó có vị biên thần tên là Đỗ Tử Bình, trấn thủ Thuận Hóa. Gặp khi nước Chiêm Thành có triều cống Việt Nam một chiếc mâm vàng, Tử Bình vì lòng tham lam trộm dấu đi, rồi tâu càn về triều đình rằng nước Chiêm Thành ngạo mạn, cần phải cất quân đánh. Vua Trần Duệ Tông nổi giận, xuống chiếu thân chinh; ông bèn can rằng: “Chiêm Thành là một nơi biên thùy xa xôi, núi rừng hiểm trở. Nay bệ hạ vừa mới lên ngôi, đức hóa chưa kịp phổ cập tới những vùng xa xăm, chỉ nên tu dưỡng văn trị và đức hóa để kêu gọi họ về với mình thì hơn. Nếu sau này họ vẫn cứ không chịu thần phục, lúc đó bệ hạ sai tướng đem quân qua đánh cũng chưa muộn.

Ba lần ông dâng sớ can gián nhà vua như thế, nhưng vua vẫn không nghe, ông liền treo ấn từ quan.

Trương Đỗ làm quan rất thanh liêm, bần bạc, không để ý đến tài sản. Con cháu ông vẫn tiếp tục hiển đạt và vẫn giữ được nếp nhà thanh bần như ông vậy.”(13)
Thơ rằng:

三 疏 安 知 悟 至 尊
归 来 终 日 闭 柴 门
看 谁 卖 国 多 金 幣
自 有 清 贫 诏 後 昆
Phiên âm:
Tam sớ an chi ngộ chí tôn
Quy lai chung nhật bế sài môn
Khan thùy mại quốc đa kim tệ
Tự hữu thanh bần chiếu hậu côn

Chúng tôi tạm dịch:
Ba lần dâng sớ vua phật ý
Trở về ngày tháng rủ mành thưa
Nào ai bán nước tham tiền của
Ta sống thanh bần giữ nếp xưa.
T.S.H


Tài đức của quan Ngự sử đại phu - Trung Đô tổng quản Trương Đỗ được người đương thời hết lời ca ngợi:

少 年 聚 眾 將 暈 斛
壯 歲 層 承 御 史 通
三 諫 不 從 身 自 退
家 廷 倩 白 作 门 风


Phiên âm:
Thiếu niên tụ chúng tướng quân hộc
Tráng tuế tằng thừa ngự sử thông
Tam gián bất tòng thân tự thoái
Gia đình thanh bạch tác môn phong
Chúng tôi tạm dịch:
Bé xem tập bắn, khoe tài lẻ
Lớn làm ngự sử trải hai vua
Can gián ba lần, thôi chức tước
Cảnh nhà thanh bạch nếp thi thư.
T.S.H
Đôi câu đối trang trí hai cạnh bên của bức bình phong là:
占 成 军 进 京 都 越
张 杜 回 朝 制 蓬 褪
Phiên âm:
Chiêm Thành quân tiến kinh đô Việt
Trương Đỗ hồi triều Chế Bồng lui

Bức bình phong với toàn bộ nội dung văn tự trên, được thể hiện bằng chất liệu vôi vữa, gạch nung, trước cửa nhà thờ Trương Đỗ là di tích được kiến tạo thời Nguyễn.
(1)(2)(3) Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. KHXH, H, 1972.
(4) Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án, Văn hóa Á châu xuất bản, Sài Gòn, 1960.
(5) Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. KHXH, H, 1972.
(6)(7) Tỉnh Hải Dương qua tư liệu Hán – Nôm, Nxb. KHXH, H, 2008.
(8)(9) Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. KHXH, H, 1972.
(10) Lê Quý Đôn toàn tập, Nxb. KHXH, H, 1977.
(11) Tỉnh Hải Dương qua tư liệu Hán – Nôm, Nxb. KHXH, H, 2008.
(12)(13) Dự Tông Anh hoàng đế, Ngự chế Việt sử tổng vịnh, tập thượng, Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn, 1970.
Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. KHXH, H, 1972.

Trương Sỹ Hùng
(Viện nghiên cứu Đông Nam Á)

Những tin cũ hơn

Giáo sư - Bác sỹ Trương Thìn - “Người tìm thuốc trong nghệ thuật”

Giáo sư - Bác sỹ Trương Thìn - “Người tìm thuốc trong nghệ thuật”

— 21 Tháng Năm 2017

Sinh năm Canh Thìn (1940) tại Huế, bác sĩ Trương Thìn - nguyên Viện trưởng Viện Y học dân tộc TP.HCM, Chủ tịch Hội Đông y và Hội Châm cứu TP.HCM, Chủ nhiệm bộ môn Y học cổ truyền của Trung tâm ĐT&BD cán bộ y tế TP.HCM rất “nặng lòng” với thơ, nhạc, hoạ.

Sách lịch sử về Lưỡng bộ Thượng thư Trương Công Hy

Sách lịch sử về Lưỡng bộ Thượng thư Trương Công Hy

— 21 Tháng Năm 2017

Giữa những ngày cuối năm, nhà văn Lê Khôi (Hội Nhà văn Đà Nẵng) đã cho ra mắt bạn đọc cả nước cuốn truyện lịch sử có tiêu đề “Lưỡng bộ thượng thư Trương Công Hy - Người con xứ Quảng”.

Võ sư Trương Văn Vịnh - Chưỡng môn VĐ Phi Long Vịnh

Võ sư Trương Văn Vịnh - Chưỡng môn VĐ Phi Long Vịnh

— 21 Tháng Năm 2017

Đất Bình Định có hàng chục võ đường, nhưng có lẽ võ đường Phi Long Vịnh của chưởng môn Võ sư Trương Văn Vịnh, 75 tuổi, ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước là nổi tiếng hơn cả, bởi nơi đây đang sở hữu bài quyền “Ngọc trản thần công”, một trong mười bài thi đấu chính thức của giải võ cổ truyền Việt Nam và là bài võ bí truyền do chính vua Quang Trung sáng tạo nên.

Trương Song- người lính 'mở đường máu' trên biển Đông

Trương Song- người lính 'mở đường máu' trên biển Đông

— 21 Tháng Năm 2017

Trên bản đồ, đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) được xem là hòn đảo tiền tiêu ở biển Đông. Để giữ vị trí quan trọng này, hơn 40 năm trước, rất nhiều người lính đã ngã xuống trong quá trình tiếp đạn dược, lương thực cho bộ đội bảo vệ đảo.

Ca sĩ Saka Trương Tuyền

Ca sĩ Saka Trương Tuyền

— 21 Tháng Năm 2017

Ngoại hình dễ thương cùng với chất giọng khỏe và biểu cảm, Saka Trương Tuyền gây được ấn tượng với cư dân mạng nhờ ca khúc Yêu đơn phương. Cũng nhờ bản hit này mà Saka được fan trên mạng bầu chọn là ca sĩ trẻ triển vọng 2011.