Tổ tiên theo quan niệm của người Việt Nam, trước hết là những người cùng huyết thống, như cha, mẹ, ông, bà, cụ, kỵ v.v... là người đã sinh ra mình. Tổ tiên cũng là những người có công tạo dựng nên cuộc sống hiện tại như các vị "Thành hoàng làng" các "Nghệ tổ". Không chỉ thế, tổ tiên còn là những người có công bảo vệ làng xóm, quê hương, đất nước khỏi nạn ngoại xâm như Trần Hưng Đạo đã thành "Cha" được tổ chức cúng, giỗ vào tháng 8 âm lịch hàng năm. "Tháng 8 giỗ cha" ở rất nhiều nơi trong cộng đồng người Việt. Ngay cả "Thành hoàng" của nhiều làng cũng không phải là người đã có công tạo dựng nên làng, mà có khi là người có công, có đức với nước được các cụ xa xưa tôn thờ làm "thành hoàng". Tổ tiên trong tín ngưỡng của người Việt Nam còn là "Mẹ Âu Cơ", còn là "Vua Hùng", là người sinh ra các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam.
Thờ cúng tổ tiên còn là hình thái tín ngưỡng có ý nghĩa lớn về mặt tổ chức cộng đồng trong xã hội truyền thống. Sống trong xã hội, xét theo cả trục dọc và trục ngang, con người không thể sống biệt lập, đơn độc. Theo trục dọc phụ hệ, thờ cúng tổ tiên là sự nối tiếp liên tục các thế hệ: ông bà - cha mẹ - bản thân. Mỗi con người phải có trách nhiệm thờ phụng bốn đời trước: cao, tằng, tổ, khảo (kỵ, cụ, ông, bố) và họ cũng tin rằng sẽ được con cháu bốn đời kế tiếp cúng giỗ. Theo trục ngang, thờ cúng tổ tiên đã gắn bó con người trong mối liên kết dòng họ: họ cha, họ mẹ, họ vợ (hoặc chồng). Với tư cách một tập thể - gồm cả người đang sống và người đã chết gắn bó với nhau về huyết thống và thờ chung một thủy tổ, dòng họ có sức mạnh đảm bảo giá trị tinh thần cho mỗi thành viên của nó trong làng xã.
Cho đến nay, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vẫn còn tồn tại phổ biến ở nhiều khu vực, nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia phương Đông, nó đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của nhiều dân tộc, nhiều tộc người. Mặc dù vậy, việc đánh giá vai trò, ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong từng giai đoạn lịch sử, cũng như ở mỗi quốc gia lại không giống nhau. Ngay việc nhìn nhận thờ cúng tổ tiên là một phong tục, một tin ngưỡng hay một tôn giáo vẫn chưa có sự thống nhất. Hiện nay, vẫn có nhiều cách gọi khác nhau đối với loại hình tín ngưỡng này.
Thông thường tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hiểu theo hiểu theo hai nghĩa:
*Nghĩa hẹp: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ những người có cùng huyết thống đã mất để tưởng nhớ công sinh thành, nuôi dưỡng.
* Nghĩa rộng: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không chỉ có thờ cúng tổ tiên cùng huyết thống trong gia đình, họ tộc, mà còn mở rộng ra thờ cả tổ tiên của làng xã (thành hoàng làng, tổ nghề…), đất nước (Vua Hùng….): “Đạo thờ cúng tổ tiên được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ thờ những người có công sinh dưỡng đã khuất, nghĩa là những người có cùng huyết thống, mà thờ cả những người có công với cộng đồng làng xã, đất nước”[1].
Cũng như nhiều quốc gia phương Đông khác, ở Việt Nam và Hàn Quốc, Nhật Bản tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đều tồn tại ở ba cấp độ: gia đình – làng xã – quốc gia với mức độ đậm nhạt khác nhau. Ở bài viết này, tác giá chỉ xin đề cấp tới vấn đề tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên theo nghĩa hẹp, ở ba quốc gia Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc thông qua hai vấn đề chính là hình thức thờ cúng và những thời điểm thờ cũng chính..
1. Những hình thức thờ cúng tổ tiên cơ bản
Thờ cúng tổ tiên là hình thức tín ngưỡng mà thông qua nghi lễ thờ cúng nhằm xác lập "mối liên hệ" giữa người sống với người chết, giữa người ở thế giới hiện tại và thế giới tâm linh. Là sự thể hiện quan niệm về nhân sinh của người Việt Nam: "sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn". Với người Việt Nam, chết chưa phải là hết, tổ tiên lúc nào cũng ở bên cạnh người sống, "như tại" trên bàn thờ mỗi gia đình, động viên, trợ giúp cho con cháu trong cuộc sống thường ngày. Nếu như tôn giáo thường tuyệt đối hóa đời sống tinh thần, hướng con người về thế giới siêu thoát, thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tuy có hướng con người về với quá khứ, song lại rất coi trọng hiện tại và tương lai.
Mang đặc tính của cư dân nông nghiệp đa thần giáo, trong gia đình người ta thường thờ phụng nhiều vị thần. Bên cạnh việc thờ tổ tiên, thờ Phật, người ta còn thờ bà Cô, ông Mãnh (ông Hoàng) là những người thân thích, chết trẻ, hoặc chết vào giờ linh thiêng. Ở một số gia đình, vị trí bàn thờ được sắp xếp theo quy định, ví dụ thờ Thánh sư ở góc nhà, thờ Tiền chủ ở bàn thờ đặt ngoài sân, thờ bà Cô, ông Mãnh ở cạnh thấp hơn bàn thờ tổ tiên.... Trong các vị thần được thờ tại gia, thường không có vị thần nào được sắp xếp ngang hàng với tổ tiên. Thông thường ban thờ được đặt cao ở vị trí trang trọng nhất, gian chính giữa của nhà trên.
Việc bài trí bàn thờ gia tiên thường không giống nhau, điều này phụ thuộc vào quan niệm tâm linh và cả điều kiện kinh tế của gia chủ. Nhìn chung bàn thờ gia tiên nào cũng có một số đồ thờ chủ yếu sau: bài vị, bát hương, đĩa đèn, bình hoa, chén rượu, mâm đựng hoa quả…. Các gia đình bình dân, đồ thờ thường được làm bằng gỗ hoặc sành sứ, còn các gia đình giàu có thế nào cũng có đồ thờ tự bằng đồng. Bàn thờ gia tiên của ngành trưởng phức tạp hơn ngành thứ, của chi trưởng phức tạp hơn chi thứ, gia đình con thứ, con út chỉ thờ vọng nên bài trí bàn thờ cũng đơn giản hơn con trưởng.
Với trách nhiệm thờ phụng nhiều đời: cao, tằng, tổ, khảo, bàn thờ các gia đình chi trưởng, ngành trưởng có đặt các tấm thần chủ được làm bằng gỗ táo (với ý nghĩa cây táo sống nghìn năm) ghi rõ tên tuổi các vị tổ. Trên bàn thờ ở các từ đường dòng họ còn có bài vị Thủy tổ của họ, bài vị có sự chuyển dịch. Khi thờ cúng đến đời thứ năm thì thần chủ của đời này được đem chôn, vì thế mới có câu “Ngũ đại mai thần chủ”. Các thần chủ đời sau được chuyển lên bậc trên, và tấm thần chủ của ông mới nhất được thay vào vị trí “khảo”. Như vậy, các gia đình chi thứ, ngành thứ, các vị tổ đời thứ tư, thứ ba chỉ được thờ vọng, mà chủ yếu thờ hai đời gần nhất (ông bà, cha mẹ).
Ở Nhật Bản: Như ta chúng ta đã biết, đạo Shinto (thần đạo) là tín ngưỡng bản địa của Nhật Bản. Đạo Shinto thờ bách thần và có tác động mạnh mẽ đến đời sống tâm linh của người Nhật Bản. Ngay trong các nghi thức thờ cúng của Shinto cũng bao gồm cả tục thờ cúng tổ tiên. Có những ý kiến của các chuyên gia cho rằng: đạo Shinto là sự biến thái của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trước đó. Có thể nhận thấy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của Nhật Bản mang màu sắc của Thần đạo nhưng ở mức độ đậm nhạt khác nhau. Bên cạnh tín ngưỡng bản địa đó, người Nhật Bản rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên và trong nhà mỗi gia đình Nhật đều có đặt ban thờ để tưởng nhớ và thờ cúng tổ tiên, ông bà đã mất.
Trong các ngôi nhà truyền thống của Nhật Bản bao giờ cũng đặt một gian Bustrudan ở giữa. Đây là gian phòng để thờ Phật nhưng người Nhật cũng đặt một ban thờ để thờ cúng tổ tiên. Ngoài việc thiết lập các ban thờ tại gia, hầu hết các gia đình Nhật Bản có gửi tro cốt của những người đã khuất tại chùa. Do đó, bên cạnh việc thực hiện nghi thức cúng tế tổ tiên tại nhà họ cũng tổ chức làm lễ cúng tại chùa. Các nghi thức cúng tế tổ tiên tại chùa được các nhà sư thực hiện dựa trên yêu cầu của thân chủ. Tại các gia đình, vào ngày giỗ, họ dâng đồ cúng và đọc kinh trước ban thờ Phật và ban thờ tổ tiên.
Do người Nhật có đặc trưng là cùng một lúc theo nhiều tôn giáo, nên trong cuộc đời của mỗi cá nhân, họ đều tham gia vào những hành vi tôn giáo khác nhau. Chẳng hạn, khi mới sinh ra, họ được cha mẹ đưa đến đền thờ Thần đạo làm lễ để hiến cho các vị thần; khi trưởng thành họ cũng làm lễ tại các đền thờ Thần đạo; khi thành hôn họ tổ chức theo nghi lễ Thần đạo, nhưng ngày cưới lại được chọn theo quan niệm của Đạo giáo; ứng xử giữa các thành viên trong gia đình lại theo quy tắc của Nho giáo; khi mất đi, họ tổ chức tang ma theo nghi thức của Phật giáo. Người đã mất được đặt một pháp danh theo đạo Phật và được ghi trên bài vị được đặt ở gian Butsuda của mỗi gia đình. Sau 49 ngày, gia đình làm lễ cử tang và từ lúc này, người vừa khuất được xếp vào hàng ngũ của các vị tổ tiên. Từ đó, người ta làm lễ giỗ hàng năm, cho đến lễ giỗ thứ 33 thì họ không thực hiện nghi thức cúng tế người đó nữa. Theo quan niệm của người Nhật, sau 33 lần giỗ, người chết đã đi vào cõi vĩnh hằng.
Ở Hàn Quốc: sau khi triều đại Koryo sụp đổ và triều đại Shoson được thiết lập vào năm 1932, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thực sự có sự biến đổi mạnh mẽ. Cũng bắt đầu từ đó, cuộc sống của người dân Hàn Quốc được chỉ đạo bởi các nguyên tắc của Tống Nho. Những nguyễn tắc của Tống Nho đã ổn định luật lệ xã hội, coi trọng sự hiếu thảo với cha mẹ và lấy đó làm đức tính cơ bản, đặc biệt, các quy tắc đó nhấn mạnh phép tắc trong mối quan hệ xã hội và luôn đề cao việc thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình.
Những hình thức thờ cúng mà qua đó thể hiện sự tưởng nhớ, tôn kính đối với tổ tiên được người Hàn gọi chung là Chesa. Các nghi lễ này mang trọn giá trị tinh thần của người Hàn Quốc, nó nhấn mạnh trật tự từ trên xuống dưới, từ người đã chết đến những người nối dõi; là sự xác nhận quan hệ huyết thống giữa người sống và người chết.
Căn cứ vào hình thức và đối tượng được thờ cúng của người Hàn, có thể thia làm ba hình thức thờ cúng tổ tiên cơ bản sau:
- Kije: nghi lễ nhằm tưởng nhớ những người mới mất.
- Ch’arye: lễ tưởng nhớ những người thân trong gia đình đã mất. Nghi lễ này được thực hiện vào buổi sáng của những ngày lễ đặc biệt nào đó.
- Myojje: lễ tưởng nhớ bên mộ. Nghi lễ này được thực hiện khi tiến hành thăm viếng mộ tổ tiên, ông bà.
Trong các loại nghi lễ trên, lễ Keji và Ch”arye thường được tổ chức long trọng, cầu kì tại nhà. Vào ngày đó, người ta phải dâng đồ cúng lên tổ tiên một cách cung kính, chu đáo. Việc sắp xếp đồ lễ trên ban thờ đòi hỏi phải có một trật tự nhất định. Chẳng hạn, những đồ hoa quả có màu đỏ phải xếp riêng ở phía Đông, đến những hoa quả có màu trắng phải xếp ở phía Tây của bàn thờ. Tiếp theo đó là một hàng thức ăn, rồi đến hoa quả, rau, cháo đặc và một số loại thịt cá. Cuối cùng là những bát cơm, hoặc đôi khi là cháo cùng với thìa và đũa. Phía trước bàn thờ bày đồ cúng là một bàn để bát nhang và trước bát nhanh là khay rượu.
Nghi lễ Keji là lễ giỗ tổ tiên. Theo lệ cũ, nghi lễ này được thực hiện theo quy cách truyền thống, nghĩa là thực hiện vào nửa đêm trước ngày giỗ. Chỉ có một số tổ tiên được thờ cúng trong lễ Keji.
Lễ Ch’arye là nghi lễ tưởng nhớ tổ tiên ở bốn thế hệ gần nhất, nghĩa là từ đời thứ tư trở lại đến ông bà bố mẹ. Từ đời thứ năm được cúng tế tại mộ hàng năm. Đồ cúng trong nghi lễ này cũng giống như lễ Keji. Nghi lễ này được thực hiện vào sáng sớm của những ngày lễ đặc biệt. Phần lớn gia đình chỉ thực hiện lễ này hai lần trong năm: vào dịp tết năm mới và tết trung thu. Tuy nhiên, cũng có những gia đình thực hiện nghi lễ này vào ngày thức ăn lạnh (105 ngày sau Đông Chí) và ngày 5 tháng 5 âm lịch hàng năm.
Vật thờ cúng chủ đạo trong hai lễ trên là một tấm bảng gỗ gọi là Shinjju, nhưng ngày nay, người ta thường thay vào đó là một tờ giấy có sẵn gọi là Chibang – trên đó có ghi họ tên, chức vụ, vị trí của người được cúng tổ tiên. Tờ giấy này được dán lên tường hoặc một tấm đá phía sau ban thờ và sẽ được hóa vào cuối buổi lễ.
Ngoài hai lễ trên được làm tại gia đình với sự cầu kì, phức tạp thì còn có lễ Myoje. Nghi lễ này được thực hiện trước phần mộ của người đã khuất vào dịp tháng 10 âm lịch. Trước kia, lễ Myojje là lễ hội quan trọng mang tầm cỡ quốc gia và người thường mất nhiều thời gian cho lễ này. Ngày nay, việc đi thăm mộ tổ tiên vào dịp lễ Chusok đã trở thành một tập quán mới. Trong nghi lễ này, họ chỉ dâng cúng tổ tiên một số đồ ăn đơn giản cùng với rượu.
2. Những thời điểm thờ cúng tổ tiên
2.1.Có thể nói tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên luôn được người Nhật Bản tôn kính và coi trọng. Tuy có nhiều nét tương đồng với Trung Quốc, Hàn Quốc hay Việt Nam, nhưng việc cúng tế ở Nhật Bản cũng có những nét riêng biệt, việc cúng tế tổ tiên thường xuyên diễn ra; ở Nhật Bản do đặc điểm tôn giáo, tín ngưỡng riêng của mình mà lễ cúng tổ tiên chỉ được hiện vào một dịp nhất định trong năm. Cho đến nay, người dân Nhật Bản thường tập trung tiến hành nghi thức cúng tế tổ tiên vào nhiều dịp nhưng bài viết chỉ đề cập đến 3 dịp quan trọng nhất trong năm như:
Ngày giỗ: không như các nước phương Tây là coi trọng ngày sinh, hầu hết các nước ở khu vực Đông Nam Á và Bắc Á lại coi trọng ngày mất của những người thân trong gia đình, dòng họ. Vì thế, ngày mất được chọn là ngày giỗ để tưởng nhớ về tổ tiên đã khuất. Theo nhiều tài liệu ghi chép lại, tục cúng tổ tiên Nhật Bản đã có từ lâu, nhưng nó được tiến hành khá đơn giả, không phức tạp, cầu kì và thời gian đầu của tục thờ cúng tổ tiên hầu hết các nghi thức cúng tế đều mang tính chất của đạo Shinto: “Ở Nhật Bản việc cúng giỗ trong gia đình rất đơn giản, nhưng cũng rất trang nghiêm. Vào ngày giỗ, mọi người trong gia đình phải tắm rửa sạch sẽ, làm lễ tẩy uế bằng cách vẩy nước (mishoghi)[2] hoặc khua một cành cây xanh (sakagi) hoặc khua đũa thờ (musa). Những động tác này làm ở ngoài cửa. Không lập các đàn tế cầu kỳ như ở Trung Hoa, có chăng chỉ là một tấm bài vị ghi tên cha mẹ, tổ tiên đã mất hoặc bầy một chậu cây, một phiến đá tượng trưng cho những kỉ niệm về người đã khuất”[3].
Tuy nhiên, khi Phật giáo được du nhập vào Nhật Bản, các nghi thức cúng tế của đạo Phật cũng đã ảnh hưởng đến các nghi lễ giỗ tổ tiên của người Nhật. Lúc này, lễ giỗ tổ tiên không chỉ được tiến hành tại nhà mà đôi khi có thể được làm tại chùa. Đây là một sự thay đổi lớn so với trước kia.
Những lễ vật thờ cúng dành cho nghi lễ cúng tế trong ngày giỗ tổ nói chung thường có cơm trắng, gạo, hoa quả, nước, muối, các đồ hải sản. Cũng có những vùng họ cúng cá, chim, gà. Tất cả những con vật này đều còn sống. Theo tục lệ, người Nhật không sát sinh trong ngày giỗ tổ tiên. Họ quan niệm, máu là sự ô uế, do đó, trong các nghi thức cúng tế tuyệt đối không sát sinh.
Ngày Tết: Ngày tết cổ truyền của Nhật Bản diễn ra vào những ngày đầu thàng giêng âm lịch. Đây là dịp diễn ra lễ hội lớn nhất trong năm và quan trọng nhất với mỗi gia đình Nhật Bản. Đó cũng là dịp để các thành viên trong gia đình có điều kiện đoàn tụ, sum họp. Vào thời điểm trước Tết, tại các đền thờ Shinto, các vị thầy tu làm lễ thanh tẩy những uế tạp của năm cũ cho dân chúng, còn trong mỗi ngôi nhà, chủ nhân của chúng lại dọn dẹp, trang hoàng lại cho mới hơn. Trong mối gia đình, người ta cũng làm lễ thanh tẩy nhưng mang tính chất tượng trưng. Ngoài ra, họ còn cắm những cành thông lên cổng và bện những dây rơm hoặc giấy treo trên lối vào nhà.
Đêm giao thừa là thời khắc quan trọng của ngày Tết, những người trong gia đình tập trung lại và tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên và những người thân đã mất. Vào đêm giao thừa, theo truyền thống, các gia đình Nhật Bản cũng sắm sửa một mâm lễ thật thịnh soạn với món chủ đạo là các món nướng đặc biệt và bánh mạch nha (O-mochi), cùng với một số đồ lễ khác. Người chủ gia đình đặt mâm gỗ trước ban thờ và khấn mời tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Sau khi cúng xong, mọi người cùng thưởng thức các món ăn và trò chuyện vui vẻ cho đến giờ trừ tịch[4] mới thôi. Và cũng như người Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, người Nhật Bản vẫn tin tưởng rằng với khả năng thần bí và siêu nhiên tổ tiên của họ sẽ luôn phù trợ cho con cháu của mình được hạnh phúc, may mắn trong năm mới.
Lễ hội Obon: Theo quan niệm của Phật giáo thì lễ Obon là dịp xá tội vong nhân, là lúc cửa ngục âm phủ mở để các vong hồn được về thăm người thân nơi trần thế. Vì thế, ở những nơi chịu ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam ….người dân đều rất coi trọng việc tổ chức nghi lễ cúng vong hồn người đã khuất trong gia đình, dòng họ.
Lễ Obon được tiến hành trong khoảng thời gian từ ngày 13 -17 tháng 7 âm lịch hàng năm. Vào dịp này, các gia đình đốt lửa hoặc treo đèn lồng trước lối vào để dẫn các linh hồn biết lối về. Lễ Obon tiến hành tại các gia đình mang tính chất thờ cúng tổ tiên nhiều hơn là lễ xá tội vong nhân: “Linh hồn được cúng tế trong lễ Obon trước hết là tổ tiên, nhất là linh hồn những người mới khuất và những hồn ma không có người thân chăm sóc”[5]. Tuy vậy, ở mỗi địa phương lại có sự tổ chức lễ Obon khác nhau. Về cơ bản, lễ Obon cũng mang ý nghĩa như lễ năm mới, cũng là thời gian mời thần, Phật và tổ tiên về nhà; là dịp chủ nhân tiến hành các nghi thức cúng tế và thết đãi của vị thần, vong linh tổ tiên những món ăn ngon theo truyền thống với thái độ tôn kính và thân tình. Tuy lễ hội Obon có liên quan đến cái chết, vong hồn… nhưng lại được tổ chức đón các linh hồn bằng màn múa hát nhộn nhịp do các đoàn biểu diễn các trò diễn dân gian của địa phương trình diễn.
Trong dịp này, các gia đình Nhật Bản dọn dẹp sạch sẽ và bày biện trên đó các đồ lễ, gia chủ còn làm cỗ mời đón tổ tiên ở gian Butsudan tại nhà. Vào ngày này, các thành viên trong gia đình còn đi thăm mộ của ông bà tổ tiên và người thân, họ dọn cỏ và trồng hoa mới cho các ngôi mộ.
Lễ tiễn hồn là nghi thức cuối cùng của lễ hội Obon. Người ta đốt lửa tiễn trước cổng nhà, thả đồ cúng và cả những cây đèn lồng xuống sông, biển. Mọi người đều tin rằng các linh hồn sẽ theo ánh sáng của các đèn lồng tìm về miền cực lạc.
2.2.Tín ngưỡng bản địa của người Hàn Quốc là đạo Shaman. Theo quan niệm của người Hàn Quốc thì các vị thần Shaman ngự trị khắp nơi trong căn nhà của họ: “các thần bay lượn khắp xung quanh và là một phần quan trọng trong cuộc sống của người Hàn giống như gạo và Kim chi”[6]. Hàng ngày, người Hàn Quốc vẫn làm lễ Kosa để thờ cúng các vị thần, cầu xin họ ban phúc. Việc cúng tế tổ tiên ở Hàn Quốc lại chỉ mang tính tưởng nhớ nên nó diễn ra không thường xuyên mà chỉ được thực hiện ở một số dịp nhất định trong năm như:
Ngày giỗ: ở Hàn Quốc, ngày là lễ giỗ được gọi là Kije, được thực hiện đúng ngày mất với mục đích tưởng nhớ người đã mất. Trước đây, nghi lễ này được thực hiện vào nửa đêm trước ngày giỗ. Ngày nay, có rất nhiều gia đình đã chuyển sang làm giỗ vào sang sớm. Vào ngày ngày giỗ, các gia đình Hàn Quốc làm mâm cỗ cúng thịnh soạn.Trên bàn thờ bày biện các món ăn đặc biệt, hoa quả trước bài vị của người của người đã mất. Điều đặc biệt của nghi lễ này là người thực hành nghi lễ là những người đàn ông trong gia đình (kể con rể cũng được thực hành các nghi thức cúng tế trong nhà vợ). Sau khi hành lễ xong, mọi thành viên trong gia đình cùng tập trung ăn uống.Người Hàn Quốc quan niệm rằng: khi ăn uống những thức ăn dùng để cúng ông bà tổ tiên sẽ luôn được tổ tiên phù hộ, và gặp may mắn.
Ngày Tết cổ truyền:là thời điểm quan trọng nhất đối với người dân Hàn Quốc.Vào ngày này, họ làm lễ Cha’rye để tưởng nhớ về tổ tiên của gia đình. Họ chuẩn bị mọi thứ rất công phu và được bày biện lên ban thờ theo một quy tắc nhất định.Buổi lễ kết thúc khi người đàn ông cuối cùng hành lễ xong. Sau đó gia đình cùng thụ lễ và nói chuyện về truyền thống tốt đẹp của gia đình. Trong dịp Tết cổ truyền này, người dân Hàn Quốc cũng tổ chức viếng mộ tổ tiên. Nếu như lễ cúng tổ tiên tại nhà thường để cúng tổ tiên ở bốn đời gần nhất, từ đời thứ năm trở về trước được cúng tại mổ tổ mỗi năm một lần.
Ngày thức ăn lạnh (Hansic): là ngày thứ 105 sau ngày Đông chí, thường rơi vào khoảng đầu tháng 3 âm lịch. Vào ngày này, người Hàn Quốc chuẩn bị đồ cúng như rượu, hoa quả, rau, bánh, gạo, thịt, cá và nhiều loại thức ăn nữa để cúng tổ tiên.
Ngày 15 tháng 7 âm lịch: được coi là ngày trở về của các linh hồn đã khuất. Ở Việt Nam, Nhật Bản gọi là ngày xá tội vong nhân, trong tiếng Hàn cũng có nghĩa tương tự như vậy.
Ngày rằm tháng tám: Chusok – lễ hội mùa trăng): là dịp thờ cúng tổ tiên lớn nhất trong năm của người dân Hàn Quốc. Vào dịp này, mọi người đi làm xa đều cố gắng thu xếp công việc quay trở về gia đình để tham nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Đây là dịp để mọi người tập trung tại nhà người con trai trưởng và tổ chức một bữa tiệc lớn nhằm kỉ niệm một vụ mùa bội thu và quan trọng hơn cả là tưởng nhớ đền tổ tiên vì họ đã phù hộ cho con cháu trong năm qua.Trong ngày đầu tiên của dịp lễ, người ta sẽ dâng lên tổ tiên những sản phẩm của vụ mùa vừa thu hoạch. Họ thành kính dâng lên tổ tiên những đồ cúng bằng rượu, hoa quả, bánh chay và những loại hạt mới được thu hoạch như hạt dẻ, táo, hồng, và lê…Một loại bánh đặc trưng nhất trong ngày lễ này là bánh bột gạo hình bán nguyệt Songp’yon. Loại bánh này được làm từ gạo mùa mới xay nhỏ, mịn, mềm. Bên trong bánh có nhân đậu đỏ, vừng, hạt dẻ và được hấp trên lá cây thông mới hái.
Cũng trong dịp này, người Hàn Quốc cũng đi thăm viếng mộ, tỏ lòng thành kính với tổ tiên bằng việc dâng đồ cúng và thực hành nghi thức vái tạ. Vào dịp này, người ta còn tổ chức tu sửa mộ với mong muốn làm đẹp, sạch sẽ nơi an nghỉ của tổ tiên.
2.3. Trong tục thờ cúng tổ tiên, người Việt coi trọng việc cúng giỗ vào ngày mất (còn gọi là kỵ nhật) thường được tính theo âm lịch (hay còn gọi là ngày ta). Họ tin rằng đó là ngày con người đi vào cõi vĩnh hằng. Không chỉ ngày giỗ, việc cúng tổ tiên còn được thực hiện đều đặn vào các ngày mồng một (còn gọi là ngày sóc), ngày rằm (còn gọi là ngày vọng), và các dịp lễ Tết khác trong một năm như: Tết Nguyên đán, Tết Hàn thực, Tết Trung thu, Tết Trùng cửu, Tết Trùng thập... Những khi trong nhà có việc quan trọng như dựng vợ gả chồng, sinh con, làm nhà, đi xa, thi cử..., người Việt cũng dâng hương, làm lễ cúng tổ tiên để báo cáo và để cầu tổ tiên phù hộ, hay để tạ ơn khi công việc thành công. Bản chất việc thờ cúng tổ tiên của người Việt là từ niềm tin người sống cũng như người chết đều có sự liên hệ mật thiết và hỗ trợ nhau. Con cháu thì thăm hỏi, khấn cáo tiền nhân. Tổ tiên thì che chở, dẫn dắt hậu thế nên việc cúng giỗ là thực hiện mối giao lưu giữa cõi dương và cõi âm.
Ngày giỗ (kỵ nhật) là ngày kỷ niệm ngày mất của người thân trong gia đình hàng năm thường được tính theo âm lịch (hay còn gọi là ngày ta). Trong các ngày giỗ có ba ngày chú ý nhất: tiểu tường (giỗ đầu), đại tường (giỗ hết), trừ phục (lễ cởi bỏ đồ tang). Các ngày giỗ thường kỳ trong các năm sau được coi là cát kỵ (giỗ lành).
Trước lễ Tiểu tường, nhiều gia đình còn làm lễ Tiên thường (cáo giỗ) nhằm xin phép Thổ công để linh hồn người đã mất trở về gia đình nhận giỗ. Đồ lễ cúng trong giỗ đầu và giỗ hết phải chuẩn bị rất chu đáo. Theo quy định xưa, vào ngày giỗ đầu, trang phục tang lễ mũ gậy, áo xô lại được con cháu mang ra mặc. Đồ mã được gửi cho người chết cũng theo quy định: ở lễ tiểu đường đó là “mã biếu” vì người chết phải sử dụng để biếu các ác thần mong tránh sự quấy nhiễu (dân gian quan niệm cõi âm như cõi trần), ở lễ Đại tường và lễ Trừ phục (một ngày tốt được chọn sau lễ Đại tường để đốt bỏ tang phục) đồ mã còn cần nhiều hơn: mọi vật dụng sinh hoạt cho người chết ( quần áo, giầy dép, xe cộ), thậm chí cả các hình nhân bằng giấy để xuống cõi âm phục vụ cho họ. Sau khi hóa (đốt) những đồ mã này, đổ một chén rượu lên đống tàn vàng để vật mã trở thành vật thật, tiền thật dưới cõi âm. Người ta còn hơ một chiếc đòn gánh, gậy trên ngọn lửa hóa vàng, hoặc dựng một cây mía bên cạnh với lời giải thích “để các cụ gánh vác về”.
Đây là một lễ vô cùng quan trọng, bởi nhớ đến ông bà tổ tiên là đã thể hiện lòng thành kính với vong linh người đã khuất, không phụ thuộc vào việc làm giỗ lớn hay nhỏ. Chỉ với chén nước, quả trứng, nén hương cũng giữ được đạo hiếu.
Sau khi cúng giỗ, gia đình thường dọn thức ăn vừa cúng xong để cùng ăn, coi như hưởng lộc của tiền nhân. Bạn bè thân thuộc cũng được mời đến dùng bữa, tức là đi ăn giỗ.
Bên cạnh các nghi lễ cúng tế trong gia đình và gia tộc còn phải kể thêm vào hệ thống nghi thức tế lễ tổ tiên một hình thức Tảo mộ. Ngoài việc đắp thêm mộ trong ba ngày (sau khi người thân chết), các gia đình, dòng họ thường đi thăm mộ, cúng tế sửa sang mồ mả vào dịp Tết Thanh minh tháng ba. Việc cúng tế tại mộ thường diễn ra đơn giản hơn nhiều so với cúng tại nhà, nhưng trước khi cúng trước mộ người thân người ta phải khấn cáo xin phép thổ công. Thăm nom sang sửa mồ mả tổ tiên, một mặt là hình thức thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu, mặt khác bởi quan niệm mồ mả vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của cả gia đình, gia tộc. Người Việt cho rằng, nếu vị trí đặt mồ mả không tốt, hướng không đúng thì con cháu làm ăn sẽ lụi bại, không thể nào phát triển được.
Qua việc tìm hiểu về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở ba nước Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể thấy rằng: tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên giữa ba nước có những điểm tương đồng và khác biệt. Đó là việc để cao tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, bởi nó thể hiện đạo lí nhớ về tổ tông, nguồn cội của mỗi con người. Song việc thờ cúng ở Nhật Bản và Hàn Quốc lại không diễn ra thường xuyên như ở Việt Nam mà chỉ được thực hiện ở những dịp nhất định trong năm (như ngày giỗ, ngày xá tội vong nhân, rằm trung thu…). Trong việc thực hiện các nghi thức cúng tế lại có nét tương đồng ở chỗ: những người tham gia thực hành nghi lễ chủ yếu là nam giới, tuy nhiên, ở Việt Nam, người con rể thường không tham gia nghi thức cúng tế tổ tiên tại nhà vợ như ở Hàn Quốc. Việc bài trí trên bàn thờ tại Việt Nam có phần giản đơn hơn so với Hàn Quốc và Nhật Bản. …
Tóm tại, tuy có sự tương đồng và khác biệt trong việc thờ cúng tổ tiên ở ba nước, nhưng chính điều đó giúp cho ta thấy rõ hơn về sự đa dạng, phong phú trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trên thế giới./.
Tài liệu tham khảo:
Những mâu thuẫn, xung đột gia đình, dòng họ xảy ra ở nhiều nơi dưới sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường và quá trình đô thị hóa đặt ra câu hỏi: liệu gia đình, dòng họ có còn là những giá trị cơ bản trong đời sống làng, xã hay sẽ bị mai một dần, thậm chí tan rã?
Những năm gần đây, cùng với những hoạt động văn hóa làng xã, văn hóa dòng họ cũng được khôi phục trở lại. Ở nhiều làng quê, khoảng 10 năm trở lại, một số dòng họ đã tập hợp bà con nội ngoại đóng góp tiền xây mộ phần tổ tiên, viết lại gia phả, trùng tu, tôn tạo hoặc xây dựng mới từ đường, tổ chức lễ mừng thọ, lập quỹ khuyến học...
Phong tục có được là do thói quen mà mọi người đã chấp nhận, nhiều khi không giải thích được lý do tại sao lại như thế mà chỉ biết làm theo cho đúng thôi. Trong mỗi gia đình Việt Nam, dù theo đạo nào cũng vậy, chúng ta, con dân nước Việt, hãy cố gắng thiết lập một bàn thờ gia tiên. Có như thế, con cháu ta mới có cơ hội học hỏi cách thiết lập bàn thờ gia tiên, và hiểu được ý nghĩa của việc thờ cúng ra sao. Thờ cúng là cách biểu thị lòng nhớ ơn tổ tiên cũng như lòng thương và hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ. Đây là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt mà chúng ta cần phải duy trì.
Phú Thọ là nơi ra đời nhà nước Văn Lang của người Lạc Việt, hay còn gọi là người Việt cổ, Việt Mường. Tuy thế người Việt Mường cũng ở xen kẽ với người Tày cổ ở hai bờ tả ngạn và hữu ngạn sông Thao (đoạn sông Hồng từ Yên Bái về Việt Trì). Bộ tộc người Tày cổ ở đây đã li khai với Thục Đế về theo Vua Hùng. Đến thời Hùng Duệ Vương, họ theo Vua Hùng thứ 18 đánh nhau với Thục Phán.
Trong đời sống mỗi con người, gia đình luôn giữ một vị trí đặc biệt-đó là nơi con người thực hiện quá trình xã hội hoá đầu tiên, nơi mỗi người tìm được sự an toàn trước mọi cám dỗ của xã hội và là tổ ấm chở che yêu thương nhất. Chính trong chiếc nôi thân yêu này con người được bảo bọc, yêu thương, được học hỏi những kỹ năng sống cơ bản và được trao truyền những giá trị đạo đức tốt đẹp nhất của cuộc đời.