Những tri thức Họ Trương nổi tiếng thời nay

23:35 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 3436

Trong tham luận tại Hội thảo Khoa học “Tế tửu Trương Công Giai và các nhà khoa bảng Họ Trương” tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội ngày 15/7/2014, xin trân trọng giới thiệu 8 nhân vật ưu tú tiêu biểu: Kỹ sư Trương Trọng Thi - Cha đẻ của máy tính, Bác sĩ Daniel Dũng Trương - nhà  Thần kinh học quốc tế, Trương Nguyện Thành -vang danh Giáo sư -Tiến sĩ Đại học Uta (Hoa Kỳ), TS Trương Đình HiểnNgười mở rộng cửa biển Đông, TS Trương Đình Tuyển - đóng vai trò quan trọng để Việt Nam gia nhập WTO, GS.TS Trương Việt Bình - nhà khoa học hàng đầu về Đông y và thuốc Nam, GSTS Trương Đình Dụ mang công nghệ kỳ diệu cho ngành nông nghiệp, TS Trương Gia Bình - ông chủ tài ba của Tập đoàn FPT.
 
1/ Kỹ sư Trương Trọng Thi -Cha đẻ của máy tính
 


Kỹ sư Trương Trọng Thi

 
Sinh năm 1936 tại Chợ Lớn, TP.Hồ Chí Minh, tạ thế năm 2005 tại Pháp. Ông du học ở Pháp từ năm 14 tuổi, sau đó trở thành kỹ sư vô tuyến điện.
 
Năm 1973, ông là người đã sáng chế ra máy tính chạy hệ vi xử lý (Intel 8008) đầu tiên của thế giới, và cũng chính là người đưa máy tính lên một tầm cao giá trị thương mại. Ý tưởng thoạt đầu của ông về máy tính vẫn ứng dụng đến bây giờ: Máy gọn nhỏ, có thể sản xuất hàng loạt với giá phải chăng cho cả cá nhân lẫn cho giới doanh nghiệp ứng dụng trong hoạt động nghề nghiệp. Chiếc máy tính Micral của kỹ sư Trương Trọng Thi đã được hội đồng chuyên gia công nghệ (Tổ chức tại Hoa Kỳ) công nhận là chiếc máy tính đầu tiên trong lịch sử chạy bằng vi xử lý, lưu trữ dữ liệu trên đĩa quang học. Điều này đã đánh dấu như bước ngoặt trong lịch sử của nền thương mại công nghệ thông tin
 
Một bản mẫu của nó hiện được trưng bày trong Viện bảo tàng máy tính Boston. Năm 1999, Chính phủ Pháp trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh.
 
2/ Bác sĩ Daniel Dũng Trương - nhà Thần kinh học quốc tế
 

BS Trương Dũng (bên trái) đang chữa cho bênh nhân bị Parkinson

 
Sinh năm Canh Dần 1950, hu duệ tộc Trương ở thôn Phú Viên, xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội), ông gọi Giáo sư - Nhà văn Trương Tửu là chú.
“17 tuổi tôi đã muốn thoát ly gia đình. Sau khi đậu Tú tài toàn phần với tấm bằng loại ưu và được suất học bổng du học, tôi lấy chiếc compa mở hết cỡ, đặt trên tấm bản đồ thế giới, lấy tâm điểm là Việt Nam rồi xoay một vòng đến chỗ nào xa nhất mà tôi tin rằng mình ít biết đến nhất thì tôi chọn. Cuối cùng tôi chọn nước Đức để trở thành một kỹ sư điện tử. Nhưng như là tiền định, một cuốn sách viết về một bác sĩ kỳ diệu của tác giả Cronin mà tôi đọc ngốn ngấu một đêm cho quên đi nỗi nhớ nhà đã làm thay đổi định hướng”. Sau đêm đó, Trương Dũng quyết định bỏ ngành điện tử để thi vào ngành y khoa.
 
Sau 5 năm rưỡi  trải qua những cửa ải gian khổ Trương Dũng đã tốt nghiệp, lấy được tấm bằng Đại học Y khoa  sớm hơn các bạn cùng khóa đến 2 năm. Chàng bác sĩ trẻ nàyquyết định sang Mỹ để học thêm chuyên ngành Thần kinh học tại trường Đại học South Carolina.
 
Với 2 tấm bằng tốt nghiệp y khoa, bác sĩ Trương Dũng đến bệnh viện của một vị giáo sư cao niên và nổi tiếng nhất ở Mỹ lúc đó tìm việc. Sau 3 lần gặp mặt, vị giáo sư người Mỹ đều chối từ không nhận. “Tôi nói với ông ta là tôi sẽ làm không công. Vị giáo sư ngạc nhiên và gọi điện cho thầy tôi. Ông nghĩ rằng định mệnh của tôi đúng là ngành thần kinh. Thế là vị giáo sư mềm lòng”. Lòng say mê học hỏi và năng lực thật sự của Trương Dũng khiến vị bác sĩ tài năng và khó tính này cũng phải kiêng nể. Danh tiếng về khả năng chữa bệnh Parkinson và các bệnh rối loạn cử động của bác sĩ Trương Dũng  nổi tiếng khắp thế giới. Cùng với người thầy của mình là bác sĩ Tenny Fox – cựu Chủ tịch Hội Thần kinh Hoa Kỳ, Bác sĩ Trương Dũng đã dành trọn 17 năm miệt mài nghiên cứu để tìm ra phương pháp dùng Botox điều trị bệnh tắt tiếng hiệu quả nhất. Có hơn 15.000 người trên thế giới là bệnh nhân của vị bác sĩ Trương Dũng trong đó có những người rất nổi tiếng như ngôi sao điện ảnh, chính khách. Khâm phục tài năng và đức độ của ông có một bệnh nhân đã sẵn sàng tặng ông 1 triệu USD hoặc Giám đốc nhân sự của cựu Tổng thống Bill Clinton khi Bill Clinton còn là Thống đốc bang Arkansas thì đề nghị tặng bộ óc sau khi qua đời để bác sĩ Trương Dũng dùng trong nghiên cứu.
 
Vị bác sĩ gốc Việt này từng làm chủ tọa nhiều hội nghị ngành thần kinh tầm cỡ quốc tế với sự tham gia của hàng ngàn nhà khoa học. Năm 1991 ông được mời chủ tọa cuộc họp thường niên của Hội Thần kinh Hoa Kỳ, trung bình mỗi năm ông đi thuyết trình tại 10 nước và là đồng chủ biên 4 tờ báo y khoa hàng đầu thế giới, biên tập cho 20 tạp chí y khoa khác và đã được bầu vào chức Chủ nhiệm Tiểu ban đào tạo cho những nước đang phát triển của Hội Thần kinh quốc tế. Cuốn « Thần kinh học lâm sàng » do BS Daniel Dũng Trương và đồng nghiệp viết đã thành sách gôí đâù của  các bác sĩ chuyên ngành thần kinh ở Việt Nam. Nổi tiếng khắp thế giới và được đồng nghiệp nghiêng mình kính nể, nhưng ở nước Mỹ xa xôi, vị bác sĩ tài hoa này vẫn đau đáu hướng về cội nguồn. Nhiều bệnh nhân người Việt có hoàn cảnh khó khăn được ông tặng thuốc để chữa trị mặc dù có những loại thuốc rất đắt. Ông đang ôm ấp một dự định là xây dựng một bệnh viện thần kinh hiện đại tại Việt Nam để chữa trị cho đồng bào của mình.
 
3/ Trương Nguyện Thành -vang danh Giáo sư -Tiến sĩ Đại học Uta (Hoa Kỳ)
 
Sinh năm Tân Sửu 1961 ở Quy Nhơn (Bình Định), Trương Nguyện Thành là người con thứ hai trong một gia đình có 7 anh em. Năm 10 tuổi, Trương Nguyện Thành rời Bình Định theo ba mẹ vào Gò Vấp, Sài Gòn. Mới 11 tuổi nhưng hằng ngày đã phải ra đứng ở chợ Gò Vấp, cạnh bến xe lam, để bán thuốc lá phụ mẹ nuôi sống gia đình và chăm sóc thuốc thang cho người cha bị liệt.
 

 


Đến năm 16 tuổi, Trương Nguyện Thành cùng gia đình chuyển về quê ngoại ở Lái Thiêu (Bình Dương). Từ đó, các việc về Thành đều thành thạo. Do bận mưu sinh với các việc nghề nông: chăn trâu, cày thuê  bừa mướn Thành ít  có thời gian đến lớp, nhưng thầy Đỗ dạy Toán ở Trường Trung học Lái Thiêu đã  nhìn ra khả năng của Trương Nguyện Thành. Năm 1979, năm đầu tiên tổ chức thi Học sinh giỏi Toán toàn quốc, thầy Đỗ đưa ra vài bài toán mẹo cho cả lớp làm. Các trò giỏi trong lớp không ai giải được. Lúc ấy, Trương Nguyện Thành mới giơ tay xin phát biểu đã làm thầy ngạc nhiên vì óc tư duy logic và khả năng Toán học tốt câụ học trò. Sau đó, thầy gặp riêng Thành và hỏi: "Em thông minh, nhưng sao không cố gắng học?". "Thưa thầy, em phải đi làm để kiếm cơm, em cũng không có tiền mua sách vở". Nghe vậy, hôm sau, thầy mang sách vở đến cho Thành mượn và bảo: "Đây là những sách toán của thầy lúc thầy còn đi học Sư phạm. Em lấy về đọc cho vui. Tháng sau thi học sinh giỏi toàn tỉnh, thầy muốn em đi thi". Cảm động vì tấm lòng của thầy  nên Trương Nguyện Thành cố gắng đọc tài  liêụ và đã đậu vào đội học sinh giỏi toán của tỉnh.
 
Năm 18 tuổi, Trương Nguyện Thành sang Mỹ học Đại  học. Đang học năm thứ 2, Trương Nguyện Thành bắt đầu nghiên cứu khoa học - đây là một điều hiếm, ngay cả với sinh viên Mỹ. Khi ra trường, anh đã có bốn bài báo khoa học được in trên những tạp chí quốc tế uy tín, và đủ tài liệu để xuất bản thêm hai bài nữa sau khi vào Cao học, tài liệu nghiên cứu đủ để viết một đồ án Tiến sĩ ở Mỹ.
 
Năm 1985, Trương Nguyện Thành tốt nghiệp Đại học North Dakota loại giỏi, ngoài bằng Hóa học, anh còn lấy luôn bốn bằng phụ về Lý, Toán, Kế toán và Công nghệ thông tin. Năm 1990, anh lấy bằng Tiến sĩ, và giành được Giải thưởng của Hội đồng Khoa học Quốc gia Mỹ. Học tiếp sau Tiến sĩ ngành Mô phỏng cơ cấu sinh lý đến năm 1992, Đại học Utah mời Trương Nguyện Thành về làm Giáo sư chính thức giảng dạy môn Hóa lượng tử. Năm 1993, Trương Nguyện Thành lại đoạt giải là một trong những nhà khoa học trẻ tuổi có nhiều triển vọng của Mỹ. Giải thưởng 500.000USD được anh dùng cho công tác nghiên cứu. Năm 2002, Trương Nguyện Thành được phong Giáo sư Cao cấp (cấp cao nhất trong ba cấp Giáo sư ở Mỹ) khi mới 41 tuổi.
 
Mong muốn đóng góp chất xám cho quê hương,  nhận thấy trong nước còn rất nhiều sinh viên tài năng không có cơ hội, Giáo sư Trương Nguyện Thành đã dùng tiền nghiên cứu để cấp học bổng cho một số sinh viên Việt Nam sang nghiên cứu ở Mỹ. Không chỉ giảng dạy, nghiên cứu tại Đại học Utah, Giáo sư Trương Nguyện Thành còn nhiều lần về giảng dạy  Đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 2006 nhận lời mời của UBND thành phố trở về thành lập Viện Khoa học và công nghệ tính toán TP.Hồ Chí Minh, để phát triển và nâng cao ngành công nghệ tính toán – một lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam.Giáo sư Trương Nguyện Thành cho biết: mục tiêu hàng đầu của Viện là xây dựng một môi trường nghiên cứu hiện đại với phong cách làm việc như các nước tiên tiến. Viện sẽ là nơi thu hút, tập họp và xây dựng đội ngũ các nhà khoa học tính toán có trình độ quốc tế để đưa khoa học và công nghệ tính toán vào trong các ngành khoa học kỹ thuật khác, trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy gia tăng phát triển nền kinh tế tri thức.
 
 
4/ TS Trương Đình HiểnNgười mở rộng cửa biển Đông
 

 

 

TS Trương Đình Hiển (người đứng giữa) nhận giải thưởng cống hiến cho miền Trung

 

 

 
Trong nhà thờ tộc Trương Đôn Hậu ở TP Hội An (tỉnh Quảng Nam)  treo tấm liễn mang hai câu đối nói về lẽ sống nhân văn và trí tuệ:
 
“Thập bát thế chi miếu khả dĩ quan đức
Ngũ bách niên chi kế thục nhược thọ nhân”
 
(Bảo tồn nhà thờ để phụng tự tổ tiên qua 18 đời là đại phúc.
Kế sách 500 năm của một dòng họ không gì bằng trồng người).
 
Tiến sĩ Trương Đình Hiển là sự kết tinh, thăng hoa học vấn của thế hệ thứ 7 tộc Trương Đôn Hậu.
 
Từ những năm 1990, TS Trương Đình Hiển đã nhìn ra một thị trường rộng lớn về xuất nhập khẩu gồm toàn bộ vùng Đông Bắc TháiLan, Myanmar, Lào sau lưng dãy Trương Sơn đang cần một con đường thông thương ra biển: “Nhìn lại miền Trung, tôi thấy “khúc ruột” này có vị trí rất tuyệt vời. Mặt hướng ra biển Đông, sau lưng là tiểu vùng sông Mê Kông. Để tận dụng được lợi thế, trước tiên miền Trung phải có cảng nước sâu, tạo thành đầu mối giữa nội địa và thế giới. Chỉ có như vậy mới làm được đại công nghiệp, mới xây dựng được trục giao thông, mới đi ra giao lưu với thế giới ”. Những nghiên cứu của TS Trương Đình Hiển và kết luận của các công ty tư vấn Nhật Bản đã chính thức mở đường cho việc Chính phủ quyết định đầu tư phát triển “Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gắn liền với hành lang kinh tế Đông Tây, với con đường giao thương ra biển thông qua hệ thống cảng biển nước sâu và các đô thị mới”.
 
TS Trương Đình Hiển  đã được tôn vinh là người khai sinh các dự án nghiên cứu xây dựng cảng biển nước sâu tại Dung Quất, Chân Mây và Nhơn Hội đặt nền móng cho kế hoạch khổng lồ về phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm hàng loạt cảng biển nước sâu và đô thị lớn có nền công nghiệp phát triển để cân bằng với hai đầu đất nước.
 
5/ TS Trương Đình Tuyển - đóng vai trò quan trọng để Việt Nam gia nhập WTO
 

Ông Trương Đình Tuyển để lại ấn tượng mạnh mẽ về hình tượng người cán bộ liêm khiết, hết lòng vì quốc gia đại sự trong thời gian là Bí thư Tỉnh Nghệ An.

 
Sinh năm Nhâm Ngọ 1942, thuộc Trương Công ở Diễn Kỷ (Diễn Châu, Nghệ An). Từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VIII, IX .
 
Trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thương mại vào tháng 7/1997, ông từng làm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Petrolimex.Tháng 8/2002, TS Trương Đình Tuyển lại được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thương mại và đã đóng vai trò quan trọng, có nhiều đóng góp trong quá trình đàm phán để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2006, đánh dấu mốc kết thúc 11 năm với trên 200 cuộc đàm phán và 28 đối tác đàm phán song phương của Việt Nam. Trước cuộc đàm phán song phương Việt - Mỹ quyết định đến tấm vé thành viên WTO của VN, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển vừa trải qua một cơn bệnh hiểm nghèo (đau dạ dày, viêm bờ cong nhỏ, chứng này thường dẫn đến ung thư).Sau phẫu thuật 4/5 dạ dày, ông chưa kịp hồi phục đã phải gượng dậy để có mặt tại Washington, trực tiếp chỉ đạo cuộc thương lượng đi tới thành công. Sau sự kiện này, báo nước ngoài đã nhận xét: WTO, bàn thắng mang tên Trương Đình Tuyển.
 
Theo TS Trương Đình Tuyển :Làm nghề gì cũng được, bằng cấp không quan trọng, mà quan trọng nhất là kỹ năng để làm tốt việc đó. Nhà lãnh đạo khi ra quyết định phải có tư duy toàn cầu và hành động địa phương và là người nắm được xu hướng của thời đại và KHCN”. Theo ông: “Quyết định làm được trên 60% thì đó là một quyết định đúng. Bởi từ một quyết định đến thực thi có rất nhiều yếu tố tác động làm ảnh hưởng tới kết quả cuối cùng, muốn ra quyết định phải dựa vào những điều kiện khách quan và chủ quan. Trong đó vai trò và trách nhiệm của nhà lãnh đạo là vô cùng quan trọng. Người làm lãnh đạo cần có các phẩm chất như: tầm nhìn và tư duy hệ thống; dân chủ (trong quá trình tìm ra quyết định) và bản lĩnh khi đưa ra quyết định, hãy dựa vào thời thế để linh hoạt với các quyết định; quan hệ tốt với đối tác. Hãy kiên trì với mục tiêu cuối cùng và đặc biệt, các quyết định không được có động cơ cá nhân”.
 
6/ GS.TS Trương Việt Bình, nhà khoa học hàng đầu về Đông y và thuốc Nam.
 


Là  Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Trung y Thế giới, GS.TS Trương Việt Bình không chỉ thành công trong công tác đào tạo, hợp tác quốc tế, đưa một nhà trường trung cấp bé nhỏ thành một Học viện uy tín;  ông còn có nhiều dự án, ý tưởng lớn để nâng tầm cây thuốc Việt Nam, bàn tay chữa bệnh tài hoa của người Việt Nam.
 
Sinh ra ở vùng quê Hoằng Hóa (Thanh Hoá), bố làm giáo viên, cũng có chút ít gia truyền về thuốc.Thi đỗ Đại học Y Hà Nội năm 1972, đất nước chiến tranh, Trương Việt Bình viết đơn xung phong và nhập ngũ đầu năm 1975. Vào bộ đội thì lại được biên chế về Cục Quân Y, gác cổng ở Quân y 105 và tham gia…vác thuốc ở kho A (tổng kho thuốc của quân đội) 6 tháng trời, chỉ tiêu 6 tấn/ngày đến thoái hóa và thoát vị cả 10 đốt cột sống.
 
Đến năm 1978  được trở về học tiếp Đại học, thi đậu hệ bác sĩ nội trú bệnh viện, thực hành ở Bệnh viện Đông y Trung ương 4 năm trời. Học xong, lại được điều về Bệnh viện Việt - Xô sau đó được cử đi làm nghiên cứu sinh, rồi lại được điều về Đại học Y Hà Nội. Năm 1999,  làm Hiệu trưởng Trường Trung cấp y học cổ truyền Tuệ Tĩnh 1 Bộ y tế (tiền thân của Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam ngày nay). Rất khó khăn khi phải đi từ không đến có, phải thuyết phục tới 5 bộ ngành đồng thuận, hơn nữa phải có bệnh viện thực hành, hệ thống đào tạo, viện nghiên cứu chuyên sâu, hệ thống chuyển giao công nghệ …mà lúc đó cả trường chỉ có 30 giảng viên. phải vừa phác thảo vừa tạo dựng nguồn lực, sau 8 năm vượt mọi gian truân, dưới sự lãnh đạo của Hiệu trưởng Trương Việt Bình Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam đã có hơn 500 cán bộ, nhân viên, đào tạo đa hệ, từ Trung cấp tới Đại học, Cao học, đã đào tạo được trên 800 bác sĩ yhct, 1080 y sỹ, dược sỹ và Cao đẳng điều dưỡng, 40 Thạc sĩ, 120 Bác sỹ chuyên khoa 1 và chuyên khoa 2, và Hội đồng chức danh Giáo sư cơ sở của Học viện ,đã xét được 11 phó giáo sư.
 

Các Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp Hội đào tạo Trung Y Thế Giới(GS.TS Trương Việt Bình- người ngồi thứ 5 từ phải sang)

 
Định hướng đào tạo y học cổ truyền ở Học viện Y Dược học cổ truyền hiện nay đã lồng ghép chương trình chữa bệnh bằng thuốc nam và các tư liệu kinh điển của Tuệ Tĩnh vào đào tạo đại học và sau Đại học. Học viện có 17 bộ môn chuyên môn y học như vậy,tất cả đều chuyên sâu. Sự khác biệt nữa là tất cả các bộ môn đều lồng ghép y học hiện đại. Có cả Tiến sĩ y học cổ truyền và Thạc sĩ y học hiện đại, có trường hợp “thạc sĩ lưỡng dụng”, nghĩa là một Bác sĩ vừa có bằng Thạc sĩ y học cổ truyền vừa có bằng Thạc sĩ y học hiện đại, theo mô hình “hai trong một”, kến thức đông y và tây y sẽ bổ sung cho nhau, giúp việc điều trị được tổng hoà, chữa bệnh hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn. Để có kỹ năng thực hành tốt, Học viện đã đưa học viên về các tuyến tuyến tỉnh, huyện thực tập, chứ không chỉ ở tuyến trung ương.. 
 
Mong muốn lớn nhất của PGS- TS Trương Việt Bình  là đào tạo được một đội ngũ cán bộ yhct từ đại học trở xuống thành thục chữa bệnh bằng thuốc Nam.
 
“Tôi muốn phát triển toàn diện thuốc Nam ở mọi vùng, mọi nhà, từ bờ ruộng tới góc vườn, chỗ nào cũng có thuốc Nam, chữa tất cả các bệnh từ cảm mạo tới các bệnh phủ tạng. Có được mạng lưới thuốc rộng khắp đó người dân có thể được chữa sớm các bệnh thì sẽ giảm sập động mạch vành, xơ vữa, giảm tai biến mạch máu não;  áp dụng được những kinh nghiệm chữa bệnh vô cùng quý giá của cha ông; giúp hình thành và phát triển nguồn dược liệu hiện đang bị mai một rất nhiều. Hướng đi của chúng tôi là xây dựng cái gốc đã, ban đầu vốn đầu tư phải bỏ ra, không nhiều, chỉ khoảng 400 tỷ nhưng sau mươi năm sẽ lãi cả tỷ USD khi thị trường cần. Về trước mắt, tôi muốn giúp các thầy thuốc trong toàn bộ lực lượng bộ đội Biên phòng được tập huấn, nắm vững cách chữa bệnh bằng thuốc Nam. Còn về lâu dài, chỉ cần có bộ sưu tập 400 vị thuốc được nghiên cứu chu đáo cẩn thận từ độc tính tới dược lý lâm sàng, nghiên cứu thực nghiệm và nghiên cứu tác dụng lâm sàng, dạng bào chế, cách dùng, cho tới tính vị, quy kinh trong kho tàng trên dưới 3.000 vị thuốc Nam thì đã có thể chữa được hầu hết các bệnh, làm được như thế là mãn nguyện lắm rồi vì đã thưc hiên lơì dạy của đại danh y Tuệ Tĩnh :  “Nam dược trị Nam nhân”.
 
7/GSTS Trương Đình Dụ mang công nghệ kỳ diệu cho ngành nông nghiệp
 

 
Sinh năm Mậu Dần 1938, hậu duệ tộc Trương ở  Xuân Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đã được Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (2000); Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba.
 
Cụm công trình khoa học ngăn sông bằng đập trụ đỡ (ĐTĐ) và đập xà lan (ĐXL) do GS - TS Trương đình Dụ  và nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam (VAWR) thực hiện đã được ứng dụng cho gần 100 công trình thủy lợi mang lại hiệu quả cao, giúp Nhà nước tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng. Cụm công trình này cũng là công trình duy nhất trong lĩnh vực nông nghiệp đã đươc Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.
 
Công nghệ đập xà lan và đập trụ đỡ đã được lên ý tưởng từ năm 1992 trong đề tài "Nghiên cứu giải pháp công nghệ tạo nguồn nước vùng ven biển" do Viện Khoa học và kinh tế Thủy lợi (tên gọi cũ của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) đề xuất thuộc chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước "Nghiên cứu cân bằng, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả nguồn nước quốc gia" (KC-12). Năm 2003, Bộ KH&CN đã cho phép tiến hành dự án sản xuất thử nghiệm hoàn thiện công nghệ. đầu tiên được xây dựng thành công tại cống Phước Long, tỉnh Bạc Liêu (2004). Nếu trước đây đập Thông lưu được xây dựng công nghệ truyền thống phải mất 1500 m3 bê tông cốt thép, nhưng xây dựng theo công nghệ mới chỉ mất 180 m3. Ưu điểm của công nghệ đập trụ đỡ là cho phép thi công công trình ngay giữa lòng sông trong phạm vi hẹp. Các trụ đỡ và các dầm đáy của đập được thi công khô trong khung vây cừ ván thép, các dầm đáy cũng có thể được thi công lắp ghép mà không cần làm khô hố móng do đó không phải đào kênh dẫn dòng, mất ít đất xây dựng, không làm thay đổi cảnh quan môi trường. Đặc biệt, có thể xây dựng cống với khẩu độ lớn đảm bảo cao hơn nhiệm vụ thoát lũ so với công nghệ truyền thống, cũng như kết hợp làm cầu giao thông hiện đại theo hình thức trên là cầu, dưới là cống. Còn cống đập xà lan là cống dưới dạng hộp nổi, trọng lượng nhẹ nên có thể ổn định trên nền đất yếu không cần xử lý hoặc xử lý đơn giản, chế tạo hàng loạt theo quy mô công nghiệp ở trong hố đúc rồi lai dắt đến vị trí xây dựng để hạ chìm vào hố móng đã chuẩn bị sẵn và có thể di dời cống đến vị trí khác khi cần thiết. Đập xà lan được ứng dụng để xây dựng các công trình ngăn sông ở các cống vùng triều có chênh lệch cột nước nhỏ hơn 3m và có địa chất mềm yếu. Ưu điểm nổi bật của đập xà lan là khối luợng xây lắp giảm tới 50% so với công nghệ truyền thống và do tận dụng được nền đất tự nhiên nên có thể giảm việc đầu tư xử lý nền tới 70%. Vì vậy, giá thành công trình chỉ bằng khoảng 50% so với công nghệ truyền thống với cùng điều kiện so sánh.Gần 10 năm nay, công nghệ này không chỉ chứng tỏ được hiệu quả lớn trong việc thi công các cống, đập thủy lợi mà còn là “giải pháp vàng” đối với những vùng sản xuất có chủ trương chuyển dịch cơ cấu sản xuất chưa rõ ràng như vùng bán đảo Cà Mau (Sóc Trăng, Bạc Liêu...) Những khu vực này, trước đây nhiều vùng rộng lớn được ngọt hóa để sản xuất lúa thì nay quá nửa diện tích đó đã đưa nước mặn vào để nuôi trồng thủy sản, có vùng chuyên nuôi tôm, có vùng vừa nuôi tôm vừa trồng lúa, có vùng hôm nay nuôi tôm nhưng một thời gian ngắn sau lại trồng lúa. Cuộc sống của người dân do đó cũng được cải thiện, thu nhập tăng lên…
 
8/ TS Trương Gia Bình - ông chủ tài ba của Tập đoàn FPT
 

 
GS. Nguyễn Văn Đạo, Nguyên Tổng thư ký Viện Khoa học Việt Nam đã từng nói: “Tôi không muốn nói về hiệu quả kinh tế mà FPT đã đạt tới từ hai bàn tay trắng, trong cuộc chiến giành giật quyết liệt trên thương trường, bởi vì mọi người đều đã rõ. Điều gây ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi chính là lớp cán bộ trẻ, giỏi, rất năng động luôn luôn ấp ủ trong mình những ước mơ lớn của FPT, những con người đã được sinh ra và lớn lên trong khói lửa chiến tranh, được rèn luyện trong các nhà trường của chế độ ta. Họ có những suy nghĩ, việc làm đáng nể trọng”.
 
Cũng như hầu hết những người sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước chiến tranh. cậu bé Trương Gia Bình thời ấy đã trải qua những năm tháng tuổi thơ gian nan nhưng cũng  tôi luyện nên một Trương Gia Bình “không biết sợ” và sẵn sàng vượt lên mọi khó khăn thử thách ảnh hưởng không nhỏ tới những phẩm chất lãnh đạo của ông chủ Tập đoàn FPT sau này. Với học vị Phó Tiến sĩ Toán Lý tại một trường Đại học danh giá nhất Liên Xô (MGU),  Trương Gia Bình có rất nhiều lựa chọn cho tương lai, nhưng ông cùng một số đồng đội đã từ bỏ con đường nghiên cứu khoa học cơ bản để chuyển sang làm kinh tế, với hy vọng mang lại sự giàu có cho bản thân và đất nước. Cùng những người bạn đang làm việc tại Viện Cơ học thuộc Viện Khoa học Việt Nam, nhà khoa học Trương Gia Bình quyết định thành lập FPT với 13 nhân sự đầu tiên, đặt nền móng cho một tập thể khổng lồ 15.000 nhân sự sau 25 năm phát triển.
 
Từ năm 1996, FPT đã khẳng định được vị trí là công ty Tin học số 1 tại Việt Nam, trở thành đối tác quan trọng của nhiều tập đoàn, công ty lớn trên thế giới. Tại Nhật Bản, FPT đã có hơn 60 khách hàng, trong đó có nhiều khách hàng thân thiết là các tên tuổi lớn như Hitachi, NTT, Canon. Hơn 50% doanh thu từ xuất khẩu phần mềm của FPT đến từ thị trường Nhật. “Chưa bao giờ FPT có cơ hội ganh đua trong thế giới “thông minh” cùng với các tập đoàn công nghệ thông tin danh tiếng thế giới trên cùng một vạch xuất phát như hôm nay. Có rất nhiều việc phải làm và cần làm khẩn trương để đón bắt cơ hội này, FPT phải trở thành Tập đoàn toàn cầu hàng đầu về dịch vụ thông minh. Doanh nhân lập nghiệp cần có rất nhiều các phẩm chất khác nhau nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, có ba phẩm chất cần thiết không thể thiếu đó là đam mê, sáng tạo và chu đáo". Doanh nhân - nhà khoa học Trương Gia Bình tự hào khẳng định.
 

               Nhà báo  Trương Thị Kim Dung - PCT Hội đồng Họ Trương Việt Nam
              (Biên soạn theo các tài liệu: Gia phả, sách báo trong và ngoài nước).

Những tin cũ hơn

Kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của Anh hùng Trương Pháp

Kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của Anh hùng Trương Pháp

— 25 Tháng Năm 2017

Kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của Anh hùng liệt sỹ Trương Pháp trong trận đánh đuổi bọn biệt kích của Mỹ ngụy đổ bộ lên bờ biển Nhật Lệ (30/6/1964 – 30/6/2014). Ban thường trực Hội đồng Họ Trương tỉnh Quảng Bình do ông Trương Quang Phúc dẫn đầu đã đến cúng hương tại bàn thờ ở gia đình họ Trương Đồng Thành (TP Đồng Hới).

Tiến sĩ Trương Quốc Dụng và dòng Họ Trương ở Thạch Khê, Thạch Hà, Hà Tĩnh

Tiến sĩ Trương Quốc Dụng và dòng Họ Trương ở Thạch Khê, Thạch Hà, Hà Tĩnh

— 25 Tháng Năm 2017

Sắp tới, ngày 22/7/2014 tức 26/6 âm lịch, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức trọng thể lễ dâng hương danh nhân Trương Quốc Dụng tại Thạch Khê, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Nhân dịp này, Diễn đàn Họ Trương Việt Nam xin đăng tải toàn văn tham luận của hai vị là hậu duệ bên nội và bên ngoại của Trương Quốc Dụng

Chúc văn của Thạc sỹ Nguyễn Văn Tú tại Hội thảo khoa học về Tế tửu Trương Công Giai

Chúc văn của Thạc sỹ Nguyễn Văn Tú tại Hội thảo khoa học về Tế tửu Trương Công Giai

— 25 Tháng Năm 2017

Như tin đã đưa, ngày 15/7/2014, Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã tổ chức hội thảo khoa học về Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai và truyền thông khoa bảng họ Trương Việt Nam tại khu di tích Văn Miếu –Quốc Tử Giám.

Hội thảo Khoa học về Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai và truyền thống khoa bảng họ Trương Việt Nam

Hội thảo Khoa học về Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai và truyền thống khoa bảng họ Trương Việt Nam

— 25 Tháng Năm 2017

Chuẩn bị kỷ niệm 350 năm ngày sinh Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai , được sự đồng ý của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, ngày 15/7/2014, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu Quốc Tử Giám đã tổ chức Hội thảo khoa học về Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai và truyền thống khoa bảng họ Trương ở Việt Nam.

Golf thủ Trương Chí Quân

Golf thủ Trương Chí Quân

— 25 Tháng Năm 2017

Với thành tích dương 15 gậy sau bốn ngày thi đấu, tài năng trẻ Trương Chí Quân mới 16 tuổi ( sinh: 14/2/1998, chiều cao: 1m84) trở thành tân vương của giải golf - 2014 của nước tavà được xem là nhân tố quan trọng góp phần tạo ra làn gió mới cho làng golf Việt Nam