Hội thảo Khoa học về Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai và truyền thống khoa bảng họ Trương Việt Nam

23:34 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 1346

Tham dự, có hơn 100 đại biểu đại diện của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu Quốc Tử Giám, các đại diện Hội Sử học, Hội Văn hóa Nghệ thuật, Hội Di sản văn hóa, các cơ quan nghiên cứu và quản lý di sản văn hóa của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi…..đại diện các gia tộc họ Trương và Hội đồng họ Trương một số tỉnh, thành phố. Hội đồng họ Trương Việt Nam đã cử đại diện lãnh đạo tặng hoa chúc mừng và tham dự hội thảo.

 

 

Đoàn chủ tịch Hội thảo gồm các vị: PGS.TS. Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng họ Trương Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học VN, TS Đặng Kim Ngọc, UV Hội Di sản văn hóa Hà Nội, nguyên Giám đốc Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu Quốc Tử Giám 

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 30 tham luận của các tác giả là các cán bộ nghiên cứu của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hội đồng họ Trương Việt Nam, các đại diện Hội Sử học, Hội Văn hóa Nghệ thuật, Hội Di sản văn hóa, các cơ quan nghiên cứu và quản lý di sản văn hóa của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi…..

Một số tác giả là người họ Trương được Ban Tổ chức mời viết tham luận với những nội dung sau đây:

PGS.TS. Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng họ Trương Việt Nam: Những người họ Trương nổi danh trong lịch sử Việt Nam
TS. Trương Minh Nhựt, Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung uơng, PCT Hội đồng họ Trương Việt Nam: Các danh nhân họ Trương ở khu vực phía Nam
Trương Điện Thắng Nhà báo, Phó chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam: TS Lưỡng bộ Thượng thư Trương Công Hy
Trương Thị Kim Dung Nhà báo, Phó chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam về Các danh mhân họ Trương thời hiện đại
Trương Quốc Thành và  Phan Xuân Hào  về Đông các Đại học sĩ - Tiến sĩ Trương Quốc Dụng

 Do sự hạn chế của thời gian, đã có 10 tham luận  được trinh bày tại Hội thảo. Nhìn chung, các tham luận  và ý kiến phát biểu tại diễn đàn của Hội thảo tập trung vào 2 chủ đề chính yếu là Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai  và các danh nhân là người họ Trương ở Việt Nam.
Về chủ đề chính yếu thứ nhất là  Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai, các tham luận đã tập trung phân tích khẳng định những sự nghiệp to lớn của Tế tửu Quốc Tử Giám Trương Công Giai.

- Sách Trương thế gia ký, phần Tục biên do Trương Luận Xuyên soạn năm 1733, sau khi người bố của ông là Trương Công Giai tạ thế được tròn 5 năm, hiện vẫn được các hậu duệ họ Trương bảo quản chu đáo. Đây là một bộ phả ký chứa đựng nhiều tư liệu đáng quý về dòng họ Trương Công ở Thanh Liêm, Sơn Nam và về Tiến sĩ Trương Công Giai.

Trương Công (sau đổi tên là Trương Công Giai) sinh năm 1665 tại sở Thiên Kiện, huyện Thanh Liêm nay thuộc xã Thanh Tâm huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống đạo đức, lại được sự chăm sóc giáo dục chu đáo, nghiêm khắc của phụ mẫu, Trương Công Giai vốn nổi tiếng “được gọi là thần đồng

Trương Công Giai đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu niên hiệu Chính Hòa năm thứ 6 (1685) đời vua Lê Hy Tông khi mới 20 tuổi. Ông đứng đầu trong danh sách 11 người đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân. Ông cũng là một trong số rất ít người trẻ ở độ tuổi 20, đạt danh hiệu Tiến sĩ trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam tính từ năm 1075 đến 1919.
Nhờ vào tài năng, phẩm hạnh và những đóng góp của Trương Công Giai đối với triều đình và đất nước, ông đã được phong chức Thượng thư Bộ Công rồi Thượng thư Bộ Hình, hàm Lỵ Quận công. Có thể nói đây là đỉnh cao sự nghiệp chính trị của Trương Công Giai.

- Trương Công Giai có 43 năm ở trong quan trường và có tới một nửa thời gian đó ông giữ các trọng trách của triều đình. Ông đã nhận thức được vị trí quan trọng của người làm quan trong xã hội và ông đã nêu cao quan điểm cùng cách hành xử của mình về người làm quan đối với triều đình, với xã hội và với dân chúng.
Thời gian giữ chức Quốc Tử Giám Tế tửu  của Trương Công Giai đã được xác định là từ  năm 1721 và ông có 3 năm giữ cương vị này.

Trong suốt quá trình làm quan, Trương Công Giai luôn luôn nêu cao quan điểm: làm quan để giúp vua, giúp đời. Quan điểm sống và làm quan xuyên suốt trong cuộc đời ông thể hiện trong bức đại tự thờ 4 chữ: Quan Tiết Bất Đáo (có nghĩa là Quan thanh liêm và có khí tiết không nhận lễ vật gian phi.
Trương Công Giai xứng đáng là vị quan Tế tửu có nhiều đóng góp cho Quốc Tử Giám, cho nền khoa cử giáo dục Việt Nam trong giai đoạn Lê - Trịnh cuối XVII đầu XVIII
Trương Công Giai xứng đáng là một vị quan, một người thầy cho thế hệ sau phấn đấu học tập, là một nhà khoa bảng tiểu biểu của họ Trương Việt Nam.

Nội dung chính yếu thứ hai: Các danh nhân người họ Trương trong lịch sử Việt Nam
Họ Trương trong lịch sử Việt Nam : Theo thống kê bước đầu, hiện có gần 300 tộc Trương tại Việt Nam,phân bố ở gần 50 tỉnh thành trong toàn quốc. Tuy không phải là dòng họ có số lượng người đông như một số họ khác (Nguyễn, Trần, Lê, Lư, Hoàng…) nhưng người họ Trương đã xuất hiện khá sớm từ buổi đầu dựng nước. Và trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của quốc gia dân tộc, những người họ Trương luôn kề vai sát cánh cùng bách gia trăm họ trong sự nghiệp xây dựng và  bảo vệ Tổ quốc, tôn vinh bản sắc văn hóa Việt bằng tâm huyết trí tuệ của mình.

Về cơ bản, sự hình thành và phát triển của các tộc, họ Trương ở Việt Nam gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của quốc gia dân tộc, gắn liền với quá trình tụ cư, hỗn cư và hợp cư của cộng đồng cư dân của quốc gia dân tộc Việt Nam.
Từ hàng nghìn năm nay, do những đặc điểm lịch sử - văn hóa, các thế hệ bà con, anh em họ Trương ở Việt Nam, dù có hay không mối quan hệ huyết thống trực hệ, dù chưa tìm ra nguồn gốc xuất xứ ban đầu, nhưng đã kề vai sát cánh cùng bách gia trăm họ trong toàn quốc để chung sức, chung tay trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của quốc gia dân tộc.
Trong lịch sử xây dựng và bảo vệ quốc gia dân tộc, có không ít người họ Trương đã có những đóng góp to lớn được lưu danh muôn thủa.

Những người họ Trương nổi danh trong lịch sử khoa bảng Việt Nam
Trong lịch sử khoa cử Việt Nam thời phong kiến, họ Trương Việt Nam tự hào có khá nhiều người đỗ đạt. Theo thống kê, ngoài hai vị giữ chức Tế tửu Quốc tử giám là Trương Hán Siêu và Trương Công Giai, dòng họ Trương có 22 người đỗ Đại khoa thời Trung đại. Triều Trần có 3 người đỗ Đại khoa, trong đó 2 người đỗ đầu triều là Đệ nhất giáp Trương Hanh, Trạng nguyên Trương Xán và 1 người đỗ Thám hoa Trương Phóng. Triều Lê có 12 người đỗ Tiến sĩ, triều Mạc có 3 người, triều Nguyễn có 2 người đỗ Tiến sĩ và 2 người đỗ Phó bảng.

Trên các bia Tiến sĩ,  ở Thăng Long và ở Huế, họ Trương có tổng cộng 13 vị đỗ Đại khoa được lưu danh, trong đó có 11 vị được khắc tên tại các bia Văn Miếu Hà Nội và 2 vị được lưu danh tại Văn Miếu Huế.

Các vị người họ Trương từ  các địa phương khác nhau, trong đó tỉnh Thanh Hóa chiếm nhiều nhất 4/15 vị, kế đến là Hà Nội có 3/15, tiếp theo là Hà Tĩnh và Hà Nam đều có 2/15 vị Tiến sĩ, cuối cùng là Quảng Ngãi và Thái Bình, mỗi tỉnh có 1 Tiến sĩ.

Ngoài những báo cáo chung , một số tham luận tập trung phân tích về thân thế và sự nghiệp của các danh nhân người họ Trương như Trương Hán Siêu ( Ninh Bình), Trương Đức Quang (Thanh Hóa) ,Trương Quang Trạch , Trương Quốc Dụng ( Hà Tĩnh), Trương Công Hy ( Quảng Nam), Trương Đăng Quế ( Quảng Ngãi), Trương Đăng Quỹ ( Thái Bình) , Trương Minh Giảng, Trương Vĩnh Ký….

Một số tham luận khác lại được dành cho việc điểm lại công trạng của các danh nhân họ Trương trong lịch sử dựng nước và giữ nước, đặc biệt là trong sự nghiệp cách mạng và kháng chiến cùng những đóng góp không thể phủ nhận trong các lĩnh vực khoa học công nghệ thời hiện đại.

Tổng kết của đại diện Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo còn điểm lại các hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa dòng họ đã và đang được thực hiện trong việc tôn tạo nhà thờ, lăng mộ, tìm hiểu chắp nối phả hệ, tổ chức cúng giỗ, tổ chức lễ hội…đặc biệt là những công lao hết sức to lớn của Cụ Trương Công Giang hậu duệ của Trương Công Giai ở Thanh Liêm, Hà Nam- người đã dành gần 30 năm cho các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu phát hiện để tôn tạo lăng mộ, xây dựng nhà thờ, tổ chức tưởng niệm Tế tửu Quốc Tử Giám tại quê hương Hà Nam với sự giúp đỡ chí tình của Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu –Quốc Tử Giám và Sở Văn hóa Thông tin Hà Nam.

Cuối cùng,  Ban Tổ chức Hội thảo bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến lãnh đạo và cán bộ của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch  Hà Nội đã chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu –Quốc Tử Giám tổ chức cuộc Hội thảo hết sức có ý nghĩa này, đồng thời kiến nghị việc chỉnh sửa, xuất bản tập kỷ yếu của Hội thảo trong thời gian sớm nhất nhằm tiếp tục tôn vinh các danh nhân văn hóa Việt Nam, khai thác những giá trị đặc sắc của Khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám- nơi bảo giữ những di sản ký ức của nhân loại đã được UNESCO tôn vinh.

Dưới đây là một số hình ảnh của Hội thảo
 


 














 


                                                               PGS.TS Trương Quốc Bình
                Thời gian tới  Họ Trương Việt Nam sẽ xin phép Ban Tổ chức và các tác giả 
                để lựa chọn đăng tải một số bài tham luận đã được sử dụng tại hội thảo.

Những tin cũ hơn

Golf thủ Trương Chí Quân

Golf thủ Trương Chí Quân

— 25 Tháng Năm 2017

Với thành tích dương 15 gậy sau bốn ngày thi đấu, tài năng trẻ Trương Chí Quân mới 16 tuổi ( sinh: 14/2/1998, chiều cao: 1m84) trở thành tân vương của giải golf - 2014 của nước tavà được xem là nhân tố quan trọng góp phần tạo ra làn gió mới cho làng golf Việt Nam

Nghị quyết Đại hội đại biểu Họ Trương Nghệ - Tĩnh lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2014 - 2017

Nghị quyết Đại hội đại biểu Họ Trương Nghệ - Tĩnh lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2014 - 2017

— 25 Tháng Năm 2017

Như tin đã đưa, ngày 28/6/2014 (tức mồng 2 tháng 6 Giáp Ngọ) Đại hội đại biểu Họ Trương Nghệ Tĩnh lần thứ nhất đã được tổ chức tại Hội trường lớn của Khách sạn Duy Tân, trung tâm của TP.Vinh, tỉnh Nghệ An. Dưới đây là Nghị quyết Đại hội đại biểu Họ Trương Nghệ - Tĩnh lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2014 - 2017

Đại hội Đại biểu họ Trương Nghệ Tĩnh lần thứ nhất nhiệm kỳ 2014 – 2017: “Thắm tình đồng tộc, kết nối, hội nhập và phát triển”

Đại hội Đại biểu họ Trương Nghệ Tĩnh lần thứ nhất nhiệm kỳ 2014 – 2017: “Thắm tình đồng tộc, kết nối, hội nhập và phát triển”

— 25 Tháng Năm 2017

Ngày 28/6/2014 (tức mồng 2 tháng 6 Giáp Ngọ) Đại hội đại biểu Họ Trương Nghệ Tĩnh lần thứ nhất đã được tổ chức tại Hội trường lớn của Khách sạn Duy Tân, trung tâm của TP.Vinh, tỉnh Nghệ An. Hơn 600 đại biểu đại diện cho hơn 50 tộc họ của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh về dự Đại hội. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hàng nghìn năm đồng hành cùng dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước, những người con họ Trương Nghệ Tĩnh về tề tựu đông đủ, thắm tình thân tộc.