Những người 'chở che' cho gần 45.000 thai nhi bị chối bỏ

21:54 - 21/05/2017 Người họ Trương Admin 4371

Con đường nhỏ hẹp, gỗ ghề dẫn vào nghĩa trang Anh Hài (thôn Ngọc Hồ, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) buổi chiều cuối tuần đầu tháng 9 thật vắng lặng. Anh Trương Văn Năng vác theo xẻng, cuốc và men theo con đường đồi phía sau nhà đi lên nghĩa trang. Người đàn ông 50 tuổi này vội vàng tìm bãi đất còn trống rồi bắt đầu công việc hàng ngày như hơn 19 năm qua anh đã làm.
Những nhát cuốc trên vùng đất đồi đá sỏi trở nên nặng nề hơn khi anh biết hôm nay người ta mang đến những 12 thai nhi.

 


Hàng ngàn nấm mộ của gần 45.000 sinh linh bị chối bỏ
được chôn cất ở nghĩa trang Anh Hài. Ảnh: Trần An.

Nghĩa trang Anh Hài ra đời từ đầu năm 1992, do Tổng Giáo phận Huế thành lập. Những năm về sau, nhiều tổ chức từ thiện, Hội bác ái xã hội, các phật tử, nhiều người dân… tham gia đóng góp và giúp đỡ những người phụ trách nghĩa trang trong việc nhặt thai nhi và góp quỹ xây dựng bia mộ cho những sinh linh bé bỏng xấu số này. Ban đầu, nghĩa trang chỉ là ngọn đồi nằm nép mình phía sau khu dân cư của thôn Ngọc Hồ, nhưng dần dần do số lượng thai nhi ngày một tăng, những người phụ trách đã khai hoang thêm để mở rộng diện tích. Bây giờ nghĩa trang Anh Hài đã rộng hơn 2 ha.
Anh Trương Văn Năng cho biết, từ khi nghĩa trang được thành lập với mong muốn tìm một nơi an nghỉ cho những sinh linh bé bỏng chưa kịp chào đời, anh và cha anh đã tình nguyện phụ trách việc tẩm liệm, chôn cất cho các hài nhi. Sau khi cha qua đời, anh vẫn nguyện tiếp tục công việc này với sự giúp sức của vợ, con và những người dân trong thôn. Theo anh Năng, thống kê từ những cuốn nhật ký suốt gần 20 năm qua cho thấy con số thai nhi được chôn cất ở đây đã gần 45.000. Gọi là tẩm liệm và chôn cất nhưng thực chất việc tẩm liệm rất đơn giản. Các em được đưa về khi đã nằm trong túi ni-lông, anh Năng gói ghém lại cẩn thận rồi bỏ vào một hủ sành, có khi là chiếc om đất. Đến cuối giờ chiều, sau khi đào huyệt mộ xong, anh bắt đầu đưa các em về với trời đầy gió núi và trăng sao.
Anh Năng kể, ngày trước một mộ chỉ chôn một em nhưng sau này do diện tích thu hẹp nên anh phải chôn chung cả chục em với nhau, có khi nhiều hơn nữa. Khi mới thành lập, những nấm mộ cũng được đắp lên sơ sài, sau đó thì được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức từ thiện, mộ được xây bằng bê tông và quét vôi trắng xóa.
“Hàng tháng, mặc dù bận rộn với việc mưu sinh nhưng những người dân Ngọc Hồ lại thay phiên nhau đến nghĩa trang làm cỏ, quét dọn vệ sinh và thắp nhang cho hàng vạn sinh linh bé bỏng này”, anh Năng kể.
 


Bức tượng thiên thần nằm chính giữa nghĩa trang để chở che, l
àm bạn với những sinh linh bé bỏng. Ảnh: Trần An.

Phía giữa nghĩa trang nhìn từ con đường chính đi vào là một bức tượng tạc hình một thiên thần, như để che chở, làm bạn với các em giữa không gian núi rừng mênh mông này. Trên phiến bia đá nằm cạnh là những câu thơ nghe nhói lòng: “Tôi không biết, em là trai hay gái. Tiếng kinh buồn, cất tiếng gọi thai nhi. Có ngày tử, khi ngày sinh chưa đến. Buộc chào đời, bằng cái chết oan khiên…”.
Đi dọc nghĩa trang Anh Hài, từng ngôi mộ đều ghi rõ ngày tháng lập, số thai nhi. Anh Năng cho biết nhờ ghi lại mốc thời gian này mà nhiều người cha, người mẹ khi đến đây có thể tìm ra mộ để thắp hương cho con mình. Thế nhưng cũng có không ít người chẳng biết con mình đã nằm trong nắm mộ nào, bởi có ngày do có quá nhiều thai nhi, anh Năng phải đào đến vài huyệt mộ.
Những ngày rằm, mùng một đến nghĩa trang này, không ít cô gái trẻ đi một mình, hay đôi trai gái dò dẫm từng nấm mồ để xác định con mình nằm đâu mà thắp nhang. Rồi có cô gái không tìm ra được con, đành thắp nhang cho nhiều ngôi mộ và khóc nức nở. Khi bắt gặp ánh mặt lạ, họ lại lầm lũi ra về…
Cùng gắn bó với anh Năng trong công việc thiện nguyện này là anh Tống Viết Hiếu, 47 tuổi. Thấy việc làm của anh Năng đầy ý nghĩa, anh Hiếu cũng tình nguyện công việc này. Anh là thầy giáo môn tiếng Anh, thường về thành phố dạy thêm nên cứ lúc nào “hạ sơn” là anh tranh thủ đến các bệnh viện, cơ sở y tế để “nhặt” những thai nhi bị phá bỏ, gói cẩn thận và đưa chôn cất.Ngoài anh, nhiều người dân khác cũng âm thầm đi nhặt thai nhi. Cuối ngày, khi nghe họ gọi điện thông báo là anh Hiếu và anh Năng thay phiên nhau về thành phố đưa các em lên. Cũng có nhiều người tự nguyện đưa lên tận nhà để anh Năng, anh Hiếu kịp an táng cho các em. “Nhiều khi nhận các em, trời đã tối nhưng cũng phải chôn các em ngay trong ngày. Để qua đêm, các em lạnh lẽo, thương lắm!”, anh Hiếu chia sẻ.

Những tin cũ hơn

Doanh nhân Trương Công Thắng Tổng giám đốc Masan Trading

Doanh nhân Trương Công Thắng Tổng giám đốc Masan Trading

— 21 Tháng Năm 2017

Anh Trương Công Thắng, sinh năm 1973 là người họ Trương ở Đô Lương, Nghệ An, hiện đang là Tổng giám đốc Masan Trading.

Bà Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm) – cựu biệt động thành Sài gòn

Bà Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm) – cựu biệt động thành Sài gòn

— 21 Tháng Năm 2017

TRUONGTOC.VN - Bà Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm) – cựu biệt động thành Sài gòn, quyền bí thư Thành đoàn trong và sau chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 ngay sau ngày giải phóng thành phố. phó chủ nhiệm CLB truyền thống Thành đoàn

Bác sĩ được WHO ghi công

Bác sĩ được WHO ghi công

— 21 Tháng Năm 2017

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá có những đóng góp tích cực vào phác đồ điều trị bệnh tay-chân-miệng.

PGSTS Trương Đăng Dung:

PGSTS Trương Đăng Dung: "Sợ thời gian rình trong từng sợi tóc"

— 21 Tháng Năm 2017

Nếu không cười, PGS.TS Trương Đăng Dung có gương mặt nghiêm nghị và đôi mắt thoáng buồn. Đó là gương mặt của người đã quá nửa cuộc đời dành thời gian cho công việc nghiên cứu và dịch thuật văn học.

Gia đình ông Trương Văn Đẩu, một gia đình cách mạng

Gia đình ông Trương Văn Đẩu, một gia đình cách mạng

— 21 Tháng Năm 2017

Ông Trương văn Đẩu, từng là Tỉnh uỷ viên tỉnh Gò Công, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Thấy ông Đẩu học giỏi, một người thầy có lòng thương đã giúp đỡ, dẫn dắt ông lên Sài Gòn để ông có cơ hội được học tiếp tại trường Bá Nghệ (nay là Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng).