Nhật ký ở làng(kỳ 3) - Những câu chuyện dòng tộc

00:23 - 22/05/2017 Tin tổng hợp Admin 2015

Hôm nọ, người em trai vị trưởng nam một chi của tộc X. đi thăm đồng thì chân vướng vào con diều bị đứt dây vừa rơi trên bờ ruộng. Cúi xuống nhặt con diều, ông không tin vào mắt mình khi đọc những dòng chữ Hán rõ mồn một trên tấm giấy được dán làm diều. Ông thả cây cuốc, tay rà theo từng chữ... Không thể tin được, những dòng chữ đó ghi rõ tên - tuổi, gốc gác của những bậc trưởng thượng và cả tổ tiên ông từ nhiều đời trước. “Không lẽ cuốn phả hệ của nhà mình lại bị đem ra dán diều cho trẻ con?”, câu hỏi hiện lên trong đầu ông. Vừa lúc đó, chú bé bị mất diều đi tới. “Cháu có con diều đẹp quá! Ai dán cho cháu vậy?”. “Dạ, cha cháu”. “Nhà cháu ở đâu?”. “Dạ, ở chòm Đồng bên kia sông”. Theo cậu bé về nhà, quả nhiên cha cậu bé đang giữ quyển phả hệ của nhà ông. Ông tái mặt nói thật, cha cậu bé nghe xong cũng tái mặt và rối rít xin lỗi. Chuyện là: Cha cậu bé là người bán kẹo kéo dạo. Một hôm, trên đường đi bán ngang qua làng bên kia sông, có một cháu bé đem tập giấy chi chít chữ Hán ra đổi lấy cây kẹo kéo. Ông không biết chữ Hán nhưng biết loại giấy đó dai và bền, có thể làm quạt và làm diều cho con trai thả trên đồng.

Ông này - sau khi xin lại được những trang còn sót lại của quyển phả hệ và mang cả hai con diều trở về - bèn đến nhà trưởng nam viện lý do để xin được xem gia phả. Vị trưởng nam thắp nhang khấn lạy và cầm chiếc ống tre đựng gia phả xuống thì hỡi ôi, chỉ còn là chiếc ống tre rỗng không. Lần này đến lượt anh trưởng nam tái mặt, chuyện chi chứ chuyện để mất gia phả là chuyện tày trời... Và sau khi câu chuyện được phơi bày, toàn bộ thành viên của hệ phái “họp phiên bất thường” và đi đến kết luận: Anh này không còn đủ tư cách làm trưởng nam và người em kế được giao trách nhiệm giữ gìn gia phả, hương khói nhà thờ. Đến nay, hơn một thế kỷ đã trôi qua, con cháu trưởng của người em vẫn nối nhau tiếp quản vai trò trưởng nam của chi phái. Câu chuyện buồn nhưng có thật ấy đã thể hiện một nét sâu sắc của văn hóa tộc họ ngàn đời nay của người Việt.

Lại có chuyện vì chiếc khăn đóng mà một trưởng nam khác đã phải bỏ làng đi biệt xứ: Ngày nọ có việc làng, lý trưởng mời đại diện các tộc họ, chi phái đến dự. Bàn việc xong, làng tổ chức liên hoan. Tiệc chưa tàn nhưng một vị là trưởng chi tộc B. đã thấm rượu, không uống được nữa bèn xin về sớm. Người này khăn đóng áo dài, chân mang guốc mộc, dù đen kẹp nách... về nhà và cởi y phục quăng vào một góc rồi leo lên tấm phản làm một giấc đến chiều.

Lúc đó ở nhà lý trưởng tiệc mới tan. Ai lấy khăn áo người đó, cáo quan ra về. Chỉ còn một người không tìm được chiếc khăn đóng mới của mình ở đâu nhưng lại phát hiện còn thừa một chiếc khăn đóng đã cũ. Và ông này nghĩ ngay đến vị trưởng nam chi tộc B. về trước đã tráo khăn cũ để lấy khăn mới. Ông ta hùng hổ tìm đến nhà người trưởng nam kia và la toáng lên: “Ông bỏ lại khăn đóng cũ là có ý để lấy cắp cái khăn mới của tôi. Ông là đồ ăn cắp!”. Nghe tiếng ồn ở nhà trưởng nam, mấy người em ruột, em thúc bá của người trưởng nam nhà ở gần đó chạy qua. Ông này thấy vậy nói luôn: “Anh chúng mày lấy cắp khăn mới của tao. Vậy có đáng là huynh trưởng của chúng mày không?”. Người trưởng nam lúc này mới tỉnh rượu, đem khăn ra trả nhưng mọi sự phân bua đều bị người kia bác bỏ và la mắng mỗi lúc một hăng...

Ngay sau chuyện đó là cuộc họp của chi phái B. Ai cũng hiểu cớ sự xảy ra là nhầm lẫn do uống nhiều rượu. Nhưng một trưởng nam lại để người ngoại tộc đến tận nhà bêu xấu về phẩm hạnh là chuyện không thể chấp nhận. Người trưởng nam chi phái B. suốt mấy đêm sau đó đã thức trắng vì đau đớn. Và vào một đêm, ông dắt vợ cùng hai đứa con lặng lẽ bỏ làng ra đi. Chẳng ai biết vợ chồng họ đã trôi dạt về đâu. Mãi đến khi có mấy người tìm về làng, đến chi phái B. xin được nhận ông bà tổ tiên theo lời trăng trối của cha, mọi người mới biết đây là con cháu của vị trưởng nam bỏ làng đi năm xưa.

Vị trưởng nam biệt xứ ngày nọ vì danh dự và chức phận phải đau lòng bỏ xứ ra đi. Bây giờ đã là người thiên cổ, nhưng nghe kể rằng trải qua chừng ấy thời gian, ông vẫn đau đáu nhớ về quê làng. Những đứa con theo lời trăng trối của cha tìm về cội nguồn. Bởi, làng quê và dòng tộc muôn đời vẫn là nơi chốn thiêng liêng của mỗi người.

 

 Kỳ 1: Về làng
 Kỳ 2: Sự thách đố của người xưa

Theo Trương Điện Thắng

http://baoquangnam.com.vn

Những tin cũ hơn

Nhật ký ở làng (kỳ 2) - Sự thách đố của người xưa

Nhật ký ở làng (kỳ 2) - Sự thách đố của người xưa

— 22 Tháng Năm 2017

Xưa, làng tôi tên Kim Quất, đến thời chúa Nguyễn đổi thành Thanh Quất, là một trong 66 làng thuộc phủ Điện Bàn (theo Ô châu cận lục). Các bậc tiền hiền từ các tỉnh Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Hồng vào khai cư lập nghiệp ở đây đến nay đã hơn 5 thế kỷ. Làng có 4 xóm - gọi là “tứ ấp” - với 12 xứ đất gồm: Lệ Thủy, Bắc Bằng, Bàu Đưng, Thanh Luy Tiền, Thanh Luy Trung, Thanh Luy Hậu, Mụ Đội, Bàu Nhơn, Minh Thượng, Trà Cổ, Thạch Não Nội và Thạch Não Ngoại. Lại có các xứ đồng chuyên trồng trọt, các xứ đất gò làm nghĩa trang cho người quá vãng như Gò Dang, Gò Nơm, Gò Tử, Gò Huề, Vạt Cháy, Gò Phật, Gò Lao, Gò Sành, Vườn Huê, Vườn Chỉnh, Vườn Chàm. Liên quan đến xứ đất, xứ đồng là những câu chuyện “dở khóc dở cười” của dân làng trong quá trình truy tìm mộ ông bà, tổ tiên.

Nhật ký ở làng (kỳ 1) - Về làng

Nhật ký ở làng (kỳ 1) - Về làng

— 22 Tháng Năm 2017

Tốc độ đô thị hóa, cuộc sống công nghiệp phát triển, con người trở nên căng thẳng và dễ rơi vào trạng thái trầm cảm. Vì vậy, nhiều người ở thành phố bây giờ thèm khát một ngày về lại nông thôn để tìm sự cân bằng. Nông thôn - nơi lưu giữ nhiều nếp văn hóa truyền thống cũng đang đứng trước những thách đố đô thị hóa và rơi vào lãng quên...

Ông Trương Phi Đức bảo vệ Luận án Tiến sỹ về Mỹ thuật

Ông Trương Phi Đức bảo vệ Luận án Tiến sỹ về Mỹ thuật

— 22 Tháng Năm 2017

Chiều Thứ Sáu, ngày 1 tháng 2 năm 2013,Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Nhà nước cho NCS. Trương Phi Đức

Nén hương tưởng niệm ông Trương Trọng Khem- trưởng tộc Họ Trương Văn xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Nén hương tưởng niệm ông Trương Trọng Khem- trưởng tộc Họ Trương Văn xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

— 22 Tháng Năm 2017

Nhà nghiên cứu lão thành Trương Quang Phúc – Chủ tịch Hội đồng Trương tộc Quảng Bình gọi di động báo cho Ban văn kiện Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời biết tin: ông Trương Trọng Khem – trưởng tộc họ Trương Văn xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch đã tạ thế vào sáng ngày 14 tháng 11 năm Nhâm Thìn (tức ngày 26/12/2012), hưởng thọ 76 tuổi.

Người Họ Trương tiên phong 2012

Người Họ Trương tiên phong 2012

— 22 Tháng Năm 2017

Tối 17/11, lễ tôn vinh 50 cá nhân có thành tựu nổi bật, thể hiện tính sáng tạo trong 5 lĩnh vực: Kinh doanh, Xã hội, Nghệ thuật, Thể thao và Khoa học Công nghệ đã được tổ chức tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Họ là những doanh nhân, vận động viên, nhà thiết kế, nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu… có thành tựu nổi bật, tạo ra sự đột phá hoặc thay đổi mang tính cách mạng trong các lĩnh vực Kinh doanh, Nghệ thuật, Xã hội, Thể thao và Khoa học - Công nghệ, trong đó có 2 người họ Trương.