Mấy suy nghĩ về tên làng

23:53 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 2613

Nhà dân tộc học Nguyễn Tùng, quê ở làng Bảo An – nay là xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Ông đi du học ở Pháp từ năm 1963. Gần bốn mươi năm sau quay về làng cũ, bồi hồi nhớ lại tuổi thơ, nhớ những con đường, bến sông, bạn bè thời chân dất. Làng cũ đã nhiều đổi thay và do dân số ngày càng đông, đã được chia làm hai. Ông nói: nhưng cũng còn may vì tên làng vẫn còn giữ lại là Bảo An Đông và Bảo An Tây! Ông Tùng hiện đang làm việc tại Viện Đông Nam Á và Thế giới Nam Đảo, thuộc Trung Tâm quốc gia Nghiên cứu Khoa học của Pháp (CRNS), là chuyên gia về văn hoá làng xã Việt Nam. Từ năm 2000, ông Tùng bắt tay vào việc nghiên cứu quá trình di dân và thành lập làng xã ở Quảng Nam. Công việc vẫn đang còn tiếp tục, nhưng qua trao đổi với chúng tôi, ông đã kể ra nhiều chuyện lý thú, đáng suy nghĩ... Chỉ riêng ở huyện Điện Bàn, từ thời Lê Mạc, chí ít  cũng đã có 66 làng mà Dương Văn An đã ghi lại trong Ô châu cận lục, nhưng nay gần một nửa trong số đó không còn thấy nữa. Ông Tùng bảo rằng, ngay từ thời Lê Quý Đôn hay Phạm Đình Hổ (Vũ Trung Tuỳ bút) một số tên làng cổ cũng đã bị thay đổi, gây khó khăn không ít cho các nhà nghiên cứu. Học giả Hoàng Xuân Hãn trong cuốn sách về Lý Thường Kiệt đã phát hiện việc thay đổi địa danh có nhiều trường hợp may mắn như: Tên làng mới vẫn giữ lại một từ tố của tên làng cũ. Ở Điện Bàn: Làng Cẩm Văn từ tên cũ là Cẩm Đăng (ở xã Điện Hồng), hoặc làng Phong Thử có tên cũ là làng Hoa Thử (ở xã Điện Thọ). Nhưng ở nhiều nơi, tên làng cũ đã không còn dấu vết nào sót lại, thậm chí có làng đã “số hoá” thành thôn 1,2,3... Sự thay đổi địa danh, địa vực như trên lại xảy ra nhiều nhất từ sau năm 1975! Tên làng, tên xã là một thành tố quan trọng của bản sắc văn hoá. Việc thay đổi vội vàng hoặc “số hoá” các địa danh ít nhiều đã làm phai nhạt lịch sử hoặc cắt đứt ràng buộc của các thế hệ tương lai với quá khứ. Điều mà chắc chắn là không ai mong muốn.

Thêm một từ tố phụ (chẳng hạn Đông, Tây, Nam, Bắc) vào tên làng cũ khi tách làng này ra nhiều làng mới như Bảo An Đông, Bảo An Tây, hoặc lấy một từ tố trong các tên làng cũ khi ghép các làng này lại, như Thanh Lộc Đán ghép từ 3 làng cũ là Thanh Khê, Phú Lộc và Xuân Đán (ở Đà Nẵng) là những cách làm có thể chấp nhận được khi hoàn cảnh kinh tế – xã hội bắt buộc phải tách ra hoặc ghép lại các làng xã.

Trong một nghiên cứu mới đây về địa danh dinh trấn Thanh Chiêm, nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Văn Bổn cho rằng đó là một địa danh mới do những người di cư từ Thanh Hoá vào Nam sống ở vùng đất của Chiêm Động, Nhớ quê cũ, họ đã dùng hai từ tố Thanh + Chiêm để đặt cho quê mới. Ông Bổn chứng minh cách đặt tên đó  đã được dùng ở nhiều nơi khác tại Quảng Nam từ rất lâu. Sau này, tại những vùng kinh tế mới, ta cũng thấy những địa danh Lâm Hà (Lâm Đồng + Hà Nội), hoặc dân làng Long Hồ vào Đắc Lắc vẫn đặt tên Long Hồ cho làng mới. Ở nhiều nước, người xứ Wales ở Anh sang Úc đặt ra bang New South Wales, từ  xứ York  hay Orlean sang Mỹ lập ra những địa danh mới là New York, New Orlean, có lẽ cũng cùng chung tâm thức như người Việt…       

Người viết bài này, cố nhiên cũng là một “anh nhà quê” như cách nói của Hoài Thanh, có gốc gác cách đây 14 đời ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Hắn từng ghi chép vào sổ tay những câu ca dao hay, lạ mỗi khi nghe hay đọc được. Một trong những câu ấy là: Cây đa ba nhánh chín chồi, Ai về Thông Lạng cạp cồi lồ ngô (tức ăn cùi bắp), thế nhưng Thông Lạng là xứ nào thì không tìm thấy được, dù cố tra cứu nhiều tài liệu.( Gần đây, may mắn là trong lúc đi tìm tên làng cũ Hoa Viên, tôi đã biết Thông Lãng là một trong những phủ cũ ở phía Tây thành phố Vinh). Mãi cho đến một lần về Nghệ An, tình cờ được một lão nông cho biết đó chính là huyện Hưng Nguyên giàu có bên hông thành phố Vinh ngày nay. Té ra, không chỉ địa danh, địa vực làng xã bị thay đổi, mà tên huyện, tên tỉnh cũng có lúc đặt đi đặt lại không cần thiết. Và vì địa danh là thành tố quan trọng của bản sắc và truyền thống văn hoá, nên sự thay đổi sẽ còn ảnh hưởng đến hiệu quả của các nỗ lực giáo dục đối với các thế hệ sau. Đây là vấn đề không đơn giản.

Đến đây, tự dưng tôi có một ý tưởng: Nếu xã Điện Thắng Trung quê tôi mới tách ra từ xã Điện Thắng được cho phép lấy tên cũ, tôi sẽ không chút băn khoăn đề nghị: lấy tên Thanh Quýt làm tên xã mới và các thôn sẽ đặt là thôn Tây Tịnh, Đông Bình, Trung Lương… đã có hàng trăm năm trước! Chắc chuyện này sẽ chưa được cứu xét hôm nay! Tuy vậy cần lưu ý là trong lịch sử,  quá trình thay đổi địa vực hành chính cũng có trường hợp “nhất làng-nhất xã” , và đó là một may mắn hiếm hoi vì những yếu tố văn hóa bản địa vẫn được giữ nguyên.  
 


Cổng làng ở Đô Lương, Nghệ An - TĐT

Từ tên làng, ta lại nhớ đến cái cổng làng với cây đa, bến nước thân thuộc mà nay nhiều nơi vẫn còn giữ được, như làng Mông Phụ chẳng hạn. Nhưng điều khiến tôi đôi lúc chạnh lòng là bên cạnh tên làng bị xóa sổ hay số hóa như nêu trên, thì cái cổng làng cũng đã biến dạng, đã thay đổi đáng tiếc do những suy nghĩ nhất thời. Đó đây, ta vẫn thấy còn đó cái cổng vào một xóm thôn nào đó, nhưng tìm đỏ mắt không biết cái cổng ấy dẫn vào làng nào vì chỉ có duy nhất một câu khẩu hiệu kiểu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” hay “Toàn dân ra sức xây dựng đời sống văn hóa mới”. Hết! Có đôi nơi, may mắn hơn, còn giữ lại tên làng là X, nhưng lại ghi “Thôn Văn Hóa  X” ngay cổng vào, mà dưới đó, vệ sinh môi trường rất bừa bộn!

Tôi vừa có chuyến công tác qua nhiều làng ở khu 4 cũ và rất vui vì nhiều cổng làng mới được xây, hoàn toàn không khẩu hiệu, không “văn hóa”. Chỉ có ba chữ “LÀNG X.Y.” ngắn gọn. Đó là tên một làng cũ đã có tuổi thọ 4-5 thế kỷ nay.  

                                                                                                                                 2004-2010        
Trương Điện Thắng

Những tin cũ hơn

Thờ cúng Ngài Tiến sỹ Trương Hanh ở Làng Mạng Tân, Gia Lương, Gia Lộc, Hải Dương

Thờ cúng Ngài Tiến sỹ Trương Hanh ở Làng Mạng Tân, Gia Lương, Gia Lộc, Hải Dương

— 25 Tháng Năm 2017

Với làng Mạnh Tân (nay là 3 thôn Cộng hòa, Đồng Tâm, Thành Lập thuộc xã Gia Lương, Huyện Gia Lộc, Tỉnh Hải Dương), từ xưa đã duy trì việc thờ Phật ở chùa, thờ thành Thành Hoàng làng ở Đình, Miếu, thờ ngài Trương Hanh ở Miếu Quan Trạng. Việc thờ cúng này được duy trì liên tục và mãi mãi tức là “thiên thu hương hỏa”

Đồng tộc Trương và những suy nghĩ về việc kết nối đồng tộc

Đồng tộc Trương và những suy nghĩ về việc kết nối đồng tộc

— 25 Tháng Năm 2017

Họ Trương Việt nam có lẽ là một cum từ tương đối xa lạ với rất nhiều người, Tôi xin được mạn phép lạm bàn đôi chút về ý nghĩa của cụm từ này như là sự bày tỏ của một người con cháu mang trong mình dòng máu và tên Họ Trương.

Ông Trương Tấn Sang: Phát huy tối đa nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Ông Trương Tấn Sang: Phát huy tối đa nguồn lực xây dựng nông thôn mới

— 25 Tháng Năm 2017

Phát biểu tại buổi toạ đàm về đời sống văn hoá nông thôn mới, Ông Trương Tấn Sang, Uỷ Viên Bộ Chính Trị, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, cần phải dồn nhiều sức, phát huy tối đa các nguồn lực để xây dựng thành công nông thôn mới.

Ai là tác giả cuốn từ điển cổ nhất Việt Nam?

Ai là tác giả cuốn từ điển cổ nhất Việt Nam?

— 25 Tháng Năm 2017

Cuốn "Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa" - đang được trưng bày tại triển lãm "Di sản chữ Nôm" nhân hội thảo khoa học quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội (11-14.11) - hiện được coi là cuốn từ điển cổ nhất VN hiện nay. Tuy nhiên, xung quanh cuốn cổ thư này vẫn còn rất nhiều ẩn số, mà vấn đề tác giả là ẩn số đang được quan tâm nhất.

Tín ngưỡng thờ Tổ tiên Ông bà ở Quảng Nam - Đà Nẵng

Tín ngưỡng thờ Tổ tiên Ông bà ở Quảng Nam - Đà Nẵng

— 25 Tháng Năm 2017

Cũng như cư dân trên mọi miền đất nước, người dân đất Quảng tin tưởng sâu sắc vào sự hộ trì của tổ tiên trong cuộc sống. Việc phụng thờ tổ tiên được xem là một hoạt động sống, gắn kết mật thiết với sự tồn tại và phát triển của các thế hệ người sống. Các hoạt động bày tỏ niềm tin một mặt thể hiện sự kính tín của con cháu đối với tổ tiên, mặt khác, biểu thị tinh thần tập hợp, gắn kết bền chặt con cháu trong gia đình, dòng tộc, làng xóm.