“Khả Lãm Quốc Công” Trương Công Hán với chiến thắng “miền Trà Lân trúc chẻ tro bay...”

21:54 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 1430

* Một lòng vì đại nghĩa quốc gia
Năm 1423, tại căn cứ vùng núi rừng miền tây Thanh Hóa, vị anh hùng dân tộc Lê Lợi đã hỏi Bộ chỉ huy- tham mưu nghĩa quân Lam Sơn: “Bây giờ ta đi đâu để lo việc nước?”. Nguyễn Chích, vốn là một thủ lĩnh của một phong trào kháng chiến chống giặc Minh ở Thanh Hóa mới theo về với Lê Lợi, hiến kế: “Nay ta hãy đánh lấy thành Trà Lân, giữ cho được Nghệ An để làm thế ỷ dốc (đứng chân), rồi dựa vào nhân tài, vật lực đất ấy mà quay ra đánh Đông Đô(tức Thăng Long) thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ”.
 Nhất trí với mưu lược của Nguyễn Chích, Lê Lợi kéo quân theo đường “thượng đạo” vào Nghệ An và mục tiêu chính là hạ thành Trà Lân.
Châu Trà Lân là một huyện miền núi của phủ Nghệ An, tương ứng với đất huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương của tỉnh Nghệ An ngày nay. Trung tâm của châu Trà Lân nằm ở vùng phía trên ngã ba sông Con và sông Lam. Đây là đầu mối của những con đường giao thông thủy, bộ quan trọng nhất của miền núi Nghệ An. Có đường “thượng đạo” từ Bắc vào Nam qua lưu vực sông Con và hai đường thủy bộ từ Nghệ An sang nước Lào theo lưu vực sông Lam.
Thành Trà Lân thuộc xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, nó vừa là thủ phủ, vừa là một căn cứ quân sự trọng yếu ở vùng Tây Bắc Nghệ An. Thành được xây dựng theo thế núi “đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao”, mặt thành nhìn ra sông Lam, chu vi chừng 2km, xung quanh có thành cao hào sâu yểm trợ. Hào rộng khoảng 1 - 1,2 m, khoảng cách từ hào lên núi từ 3,5 đến 10 m. Ngoài cùng là một lũy tre gai và cả nhiều ngọn núi của động Đào Nguyên hiểm trở bao bọc bảo vệ thành thêm vững chắc.
Nghe tin nghĩa quân Lam Sơn tiến vào đánh Nghệ An, Tổng binh quân Minh là Trần Trí cùng Phương Chính, Thái Phúc, Lý An liền điều quân từ thành Tây Đô (Thanh Hóa) đuổi theo phía sau. Tướng giặc Minh ở Nghệ An là Sư Hựu cùng Tri phủ Cầm Bành ở Trà Lân và Tri phủ Cầm Lạn ở Quỳ Châu đem quân chặn phía trước, hòng tạo thế “gọng kìm” để  tiêu diệt nghĩa quân Lam Sơn đang trên đường hành binh.
Tương kế tựu kế, nghĩa quân bố trí một trận địa mai phục ở Bồ Đằng (Quỳ Châu) khiến cho cả hai cánh quân của  Trần Trí, Sư Hựu bị đại bại không dám đuổi theo nghĩa quân nữa.
Với kế sách: vừa vây hãm thành, vừa dụ địch ra hàng, sau hơn hai tháng (từ tháng 10/ 1423 đến tháng 12/1424),  1.000 quân do Cầm Bành chỉ huy đã rơi vào tình trạng đói khát, bệnh tật nặng nề lại không được cứu viện nên đã đầu hàng.
        Hạ thành Trà Lân xong, nghĩa quân chiếm nốt những vị trí quan trọng có thể khống chế cả vùng núi rừng Nghệ An, tạo bàn đạp tiến xuống đồng bằng góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Trong thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo” của vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã ca tụng lưu truyền về sự kiện vĩ đại này :
"Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật
Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay".

Người có công lớn, đoàn kết, tập hợp thêm quân sĩ người Thái vào hàng ngũ nghĩa quân Lam Sơn, cung cấp lương thảo và ngựa chiến, voi chiến giúp Lê Lợi đánh thắng thành Trà Lân là Trương Công Hán. Ông là vị tù trưởng dân tộc Thái ở bản khe Trằng (Mường Phục, xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An).

* Nhớ ơn, dựng lại đền thờ
Ngay sau chiến thắng,  Bình Định Vương Lê Lợi phong cho Trương Công Hán làKhả lãm Quốc Công, giao cho ông quản lý một vùng đất rộng lớn gọi làTam bách đỉnh sơn”. Khi ông tạ thế, Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) vô cùng thương tiếc đã  cho lập đền thờ. Hàng năm, con cháu và nhân dân địa phương tổ chức tế lễ Khả Lãm Quốc Công Trương Công Hán tại đền vào dịp 16/ 5 âm lịch.
Trải qua thiên tai, chiến tranh tàn phá, năm 1967 đền có dấu hiệu xuống cấp, cụ Trương Công Đường - hậu duệ của “Khả Lãm Quốc Công” Trương Công Hán đã chuyển các loại đồ thờ tự tại đền thờ về cất giữ ở nhà mình.
    Năm 1994, đền xuống cấp nghiêm trọng và buộc phải dỡ bỏ, còn lại dấu tích của bốn cột trụ trên diện tích mặt nền rộng gần 20m2 nằm trên đỉnh một ngọn đồi. Một số đồ thờ tự và tế khí của đền gồm: 01 long ngai, 2 cuốn gia phả (chữ Hán), 2 sắc phong, 1 bản đồ viết bằng chữ Hán, 2 chiếc trống, 1 bảo kiếm, 1 khánh đồng và một số đồ tế khí khác được lưu giữ tại nhà ông Trương Công Xuân (cháu nội của cụ Trương Công Đường) ở thôn 1, xã Thọ Sơn .

 

 



Đền thờ Trương Công Hán đang được xây dựng
 

 

 

Mặc dù đền thờ Trương Công Hán không còn hiện hữu, nhưng người dân Thọ Sơn vẫn lui tới thắp hương tại nền đất cũ của ngôi đền để tưởng nhớ công đức vị tù trưởng người Thái và cầu bình an, phúc lộc.
Cuối năm 2012, thể theo tâm nguyện của người dân, cấp ủy và chính quyền xã Thọ Sơn đã nỗ lực phối hợp với các ban ngành chức năng và đồng bào gần xa để phục dựng đền thờ Khả Lãm Quốc Công Trương Công Hán tại xóm 3, xã Thọ Sơn
Nơi đây trở thành “điểm hẹn” du lịch văn hóa tâm linh, góp phần giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” cho thế hệ đương đại và mai sau.
 
             Kinh Bắc biên soạn (theo Báo Nghệ An điện tử và một số sử liệu)

Những tin cũ hơn

Tộc Trương Đình và danh hương Cổ Hiền (Quảng Bình)

Tộc Trương Đình và danh hương Cổ Hiền (Quảng Bình)

— 25 Tháng Năm 2017

Cổ Hiền (thuộc xã Hiền Ninh) nằm trên ngã ba sông Kiến Giang và Nhật Lệ, phía Tây có dãy Trường Sơn hùng vĩ , phía Đông là biển cả mênh mang, phía Nam có phá Hắc Hải, phía Bắc sát Lũy Thày. Nơi đây là một trong "Bát danh hương" nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình, một trong "tứ danh hương" của huyện Quảng Ninh. Từ hơn 500 năm trước, Tộc Trương Đình (Thủy tổ là tướng quân Trương Đình Tán, húy Cường) đã “cùng hội cùng thuyền” với hai tộc Lê, Nguyễn khai thiết vùng đất hoang sơ thành làng quê trù phú được dân gian truyền tụng: “Thổ Cổ Hiền, điền Kim Nại”.

Thư cảm ơn của Tộc Trương Công Thanh Quýt, Điện Bàn, Quảng Nam

Thư cảm ơn của Tộc Trương Công Thanh Quýt, Điện Bàn, Quảng Nam

— 25 Tháng Năm 2017

Ban Tổ chức lễ đón nhận Bằng Di tích lịch sử Quốc gia Lăng mộ Thượng thư Trương Công Hy và Hội đồng Tộc Trương Công Thanh Quýt, huyện Điện Bàn, Quảng Nam trân trọng cám ơn:

Đại hội Họ Trương tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất (2013- 2018): “Trăm phường xã liền cành chi tộc...”

Đại hội Họ Trương tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất (2013- 2018): “Trăm phường xã liền cành chi tộc...”

— 25 Tháng Năm 2017

Thực hiện nghị quyết của Đại hội đại biểu Họ Trương Việt Nam lần thứ nhất, ngày 8 tháng 12 năm 2013 (tức mồng 6 tháng 11 năm Quý Tỵ). Đại hội đại biểu Họ Trương Quảng Bình lần thứ nhất đã tổ chức tại Khách sạn Tân Bình nằm ở trung tâm TP Đồng Hới, liền kề khu vực di tích lịch sử nổi tiếng: Quảng Bình Quan. 380 đại biểu nam nữ của 55 tộc ở 7 huyện, thành về dự đông đủ với 3 thế hệ. Người cao tuổi nhất là cụ Trương Quang Hý (huyện Lệ thủy) 90 tuổi, nhỏ tuổi nhất là 5 cháu 15 tuổi.

Lễ đón nhận bằng di tích Quốc gia Lăng mộ Thượng thư Trương Công Hy

Lễ đón nhận bằng di tích Quốc gia Lăng mộ Thượng thư Trương Công Hy

— 25 Tháng Năm 2017

Ngày 8.12, tại xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn ( Quảng Nam), UBND tỉnh Quảng Nam và huyện Điện Bàn đã tổ chức lễ trao bằng và gắn bia di tích lịch sử Quốc gia tại Lăng mộ Lưỡng bộ Thường Thư Trương Công Hy ( 1727-1800), một danh thần triều Tây Sơn, một nhà giáo tham chính, một vị quan thanh liêm được nhân dân ngưỡng mộ từ hơn 2 thế kỷ trước...Buổi lễ diễn ra với nghi thức cổ truyền và nghi thức nhà nước kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ trước sự chứng kiến của hơn 1.200 người...

Trao học bổng Trương Hữu Thắng cho Em Trương Thị Thương

Trao học bổng Trương Hữu Thắng cho Em Trương Thị Thương

— 25 Tháng Năm 2017

Hôm qua, 16.9, được sự uỷ quyền của Ông Trương Hữu Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Oasis Hotel, Văn phòng Đại diện báo Thanh Niên tại miền Trung và Đại diện Cổng thông tin điện tử Họ Trương Việt Nam tại Đà Nẵng đã đến phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng để trao học bổng Trương Hữu Thắng trị giá 10 triệu đồng (Mười triệu đồng) cho sinh viên khuyết tật Trương Thị Thương, hiện đang học năm thứ nhất, Đại học Sư Phạm Đà Nẵng.