Hướng về nguồn cội - Người họ Trương hành hương về đất Tổ

10:54 - 02/06/2018 Tin tổng hợp Administrator 9718

Hướng về Nguồn cội

NGƯỜI HỌ TRƯƠNG HÀNH HƯƠNG VỀ ĐẤT TỔ

 

“Hướng về nguồn cội là một truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc Việt hun đúc qua chiều dài lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước…”

(Trích lời phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.)

“Con người có Tổ có Tông

Như cây có cội như sông có nguồn…”

Câu ca dao ấy nhu một tiềm thức ẩn sâu trong trái tim mỗi người dân Việt, trở thành một nét văn hóa mang đặc sắc của dân tộc. Hàng năm cứ mỗi độ xuân về, vào các kỳ giỗ, lễ, thanh minh…hàng triệu trái tim người Việt lại hành hương hướng về đất tổ, tri ân công đức cha ông. Những cuộc hành hương mang nặng ý nghĩa văn hóa truyền thống và giáo dục đạo đức cho mọi thế hệ.

Năm 2013, sau khi chính thức được thành lập, Hội đồng họ Trương Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến của các cụ cao niên và tầng lớp nhân sĩ trí thức trong dòng họ về việc nên xây nhà thờ. Nhận thức chân giá trị và ý nghĩa cao cả về Tổ tông Nguồn cội, năm 2014 Hội đồng đã tổ chức Hội nghị và ra Nghị quyết về việc tìm đất linh xây dựng nơi thờ phụng Tổ tiên, lập nên đất tổ của người họ Trương để ngàn năm sau con cháu đi về.

“Nhà thờ họ Trương Việt Nam sẽ là nơi phụng thờ Thủy tổ, ghi nhớ công ơn các vị Tiền hiền của dòng họ, nơi gặp gỡ hội tụ của bà con, anh chị em người họ Trương trên toàn cõi Việt Nam và kiều bào họ Trương ở nước ngoài, nơi giữ lửa và truyền lửa cho cháu con muôn mãi mai sau”

(Trích lời nói của Chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam - Trương Văn Đoan)

Quyết định của Hội đồng họ Trương Việt Nam đã đáp ứng đúng lòng mong mỏi của hàng triệu bà con họ Trương trên mọi vùng miền của Tổ quốc.

Ngay sau khi tìm hiểu, khảo sát hội đủ các yếu tố phong thủy và tiến hành đấu giá thành công lô đất 6.742m2 tại thị trấn Thiên Tôn, thuộc Cố Đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, những chuyến hành hương về đất tổ của bà con, anh chị em họ Trương ở khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam và kiều bào họ Trương ở nước ngoài đã liên tục diễn ra. Dẫu ban đầu chỉ là lô đất chưa kịp quy hoạch xây dựng hay khi công việc xây dựng đang ngổn ngang bề bộn, những tấm lòng tâm huyết đã canh cánh một lần về. Trong các chuyến công tác, giao thương, du lịch, bất cứ khi nào có dịp đi qua hay về Ninh Bình mọi người đều tranh thủ ghé thăm đất nhà thờ. Có những người như bị men say, không chỉ một lần mà rất nhiều lần tranh thủ ghé thăm, dâng lên Tiên tổ một nén nhang, ngắm nhìn nơi đất tổ trong chốc lát rồi lại lưu luyến ra đi.

Chủ tịch Hội đồng họ Trương – Trương Văn Đoan cũng là một người như thế, từ sau lễ khởi công xây dựng rất nhiều lần về đất nhà thờ, lần nào về Bác cũng đòi nghỉ lại tại công trường. Do điều kiện ngủ nghỉ trong Conterner và nhà mái tôn nóng nực, không đảm bảo sức khỏe cho Bác, anh em chúng tôi phải can gián và đưa Bác về khách sạn nghỉ, chỉ hôm nào thấy thời tiết thuận hòa mới dám chiều lòng để Bác nghỉ lại qua đêm. Bác nói: “Về đến đất nhà thờ là tự nhiên thấy gần gũi, an nhiên như ở nhà mình, ăn miếng cơm ở đây cũng thấy như ngon hơn…”

Có nhiều cụ cao niên tuổi đã trên dưới 90, không quản tuổi cao, sức yếu, nắng mưa đường xa, yêu cầu con cháu đưa về thăm đất tổ, các cụ tâm tư “dù chỉ một lần về dâng hương nơi đất Tổ thì dẫu có về với Tổ tiên cũng thỏa nguyện tấm lòng…”. Người xưa có câu: “Con chim sắp chết kêu tiếng kêu thương, con người sắp chết nói lời nói thật”. Những bậc lão thành, cao niên đã cống hiến cả cuộc đời cho gia đình, đất nước, đã phấn đấu không ngừng nghỉ trên mọi lĩnh vực xã hội đến những năm cuối của cuộc đời ai cũng canh cánh hướng về Cội tộc, coi nhẹ lẽ sống đời thường, khát khao được bày tỏ tấm lòng hiếu nghĩa với Tổ tiên. Những lời nói thốt ra từ tận đáy lòng tha thiết, nặng nghĩa, nặng tình, làm trăn trở trái tim biết bao thế hệ.

Trong Hội nghị quyết định xây dựng nhà thờ họ Trương Việt Nam tại Hà Nội, cụ Trương Quang Phúc ở Quảng Bình phát biểu trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Chúng ta quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu xây dựng nhà thờ để phụng thờ Tiên tổ, rất tiếc rằng tôi tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng tôi cố sống để được tham dự ngày khánh thành nhà thờ thì mới cam lòng về cõi trăm năm…”.

Bác Trương Văn Việt ở Nghệ An mấy năm nay bị bệnh, sức khỏe giảm sút khá nhiều, nhưng bất cứ khi nào công việc tộc họ cần Bác lại đùm dúm thuốc thang, đồ ăn uống phải kiêng, lỉnh kỉnh bỏ trên xe dong ruổi cùng anh em con cháu. Hôm Lễ khởi công xây dựng nhà thờ, Bác đã đưa đứa cháu nội chưa đầy 10 tuổi đi cùng, tôi thương Bác: “Sao Bác mang cả cháu nhỏ đi theo cho vất vả?”, Bác nhỏ nhẹ giảng giải: “Vất vả cũng phải cố, chú cũng biết không bao giờ có lễ khởi công xây dựng nhà thờ họ Trương Việt Nam lần thứ 2, anh đưa cháu đi để nó chứng kiến giây phút thiêng liêng trọng đại này, để dấu ấn của ngày Đại lễ in sâu vào trong tâm trí cháu, mai sau cháu lớn lên sẽ không bao giờ quên được kỷ niệm đầu đời được ông đưa về với dòng họ, tổ tiên và cháu nó sẽ truyền lại lý ức này cho con, cháu nó mai sau…”. Tôi thực sự cảm phục cách nghĩ, cách làm của Bác và cũng chợt nhận ra một điều rằng: Với những tấm lòng tâm đức thì không có việc gì ngăn trở được khát vọng hướng về với Cội nguồn. Cũng từ đó mỗi khi gặp bà con cô bác, anh chị em đưa các cháu nhỏ về tham dự việc họ hoặc thăm đất nhà thờ tôi đều thấy cảm động, có cách nhìn đồng cảm, yêu thương hơn.

Và tôi để ý thấy rằng, nhiều người trẻ tuổi đang hàng ngày lăn lộn với cuộc sống cũng có cách nghĩ cách nhìn rất sâu sắc trong việc dạy dỗ những đứa con hướng về Cội tộc như Bác Việt, đó là Luật sư Trương Anh Tú, Doanh nhân Trương Thị Thủy, Doanh nhân Trương Thanh Phong và rất nhiều người khác nữa đã tranh thủ các kỳ nghỉ lễ, tết, đưa các cháu về dâng hương, thăm đất nhà thờ, kế tục truyền thống uống nước nhớ nguồn, gieo vào nhận thức của các cháu sự thành kính, hiếu lễ với Tổ tiên ngay từ khi còn thơ trẻ.

“Ý thức tìm về nguồn cội là một ý thức sâu sắc, hằn sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt, qua đó thể hiện tư cách, bản chất và phong cách sống của mỗi người, được xem như một tiêu chí đạo đức quan trọng để xã hội nhìn nhận đánh giá nhân phẩm con người theo truyền thống văn hóa dân tộc”.

Không riêng gì đàn ông, những người phụ nữ họ Trương vai gánh vác việc bên chồng và những người phụ nữ về làm dâu trong họ cũng đã góp công rất lớn trong việc giữ lửa, tiếp lửa truyền thống văn hóa của dòng tộc cho các thế hệ kế tục tương lai.

Bên cạnh những người phụ nữ bao năm qua lăn lóc với việc họ như chị Trương Kim Dung, Trương Quỳnh Mai (Hà Nội),Trương Thúy Nga (Nam Định),Trương Thị Do (Thanh Hóa), Trương Thị Mầu (Bá Thước)… còn có những người phụ nữ từ tận cuối bản đồ Tổ quốc như chị Trương Thu Thủy ở Cần Thơ, Trương Thanh Vân ở Vũng Tàu, Trương Bạch Tuyết, Nguyễn Thị Liên (ở TP Hồ Chí Minh), Trương Thu Thủy (Đà Nẵng) cũng đã vượt hàng ngàn cây số, hướng về cội nguồn, hành hương về đất tổ Hoa Lư, tiếp lửa cho những tấm lòng đang hàng ngày tham gia hoạt động vì dòng họ. Cụ Trương Thị Thuần, Việt kiều ở Hoa Kỳ và anh Trương Anh Tuấn – Việt kiều ở Ba Lan đã vượt nửa vòng trái đất, đưa gia đình hành hương về thăm đất tổ. Tấm lòng của những người phụ nữ ấy sẽ mãi song hành cùng sự trường tồn của dòng họ, là tấm gương để con cháu noi theo.

Và đặc biệt cảm động khi Hội đồng họ Trương Việt Nam có chương trình gì tổ chức tại Ninh Bình thì những người họ Trương trên khắp cả nước lại rồng rắn hành hương về thăm đất tổ, lần nào ban tổ chức các chương trình cũng bị “bể trận” vì số lượng người về vượt qua dự kiến, vất vả nhưng vui. Anh em chúng tôi dù nhìn nhận , dự tính thế nào cũng không thể tính hết được tấm lòng của bà con hướng về dòng tộc. Xúc động và tự hào đó là cảm xúc linh thiêng của những người đã từng một lần về thăm đất nhà thờ.

Rồi mai đây, khi nhà thờ được xây xong, họ tộc định ngày giỗ Tổ, ngày đó sẽ là thời điểm để hàng triệu người họ Trương Việt Nam từ khắp nơi trong nước và bà con ở nước ngoài hành hương về Đất Tổ, thành kính dâng lễ báo hiếu với Tổ tiên và chung vui ngày đoàn viên hội ngộ.

Hướng về nguồn cội, những người họ Trương hôm nay sẽ thấy lòng mình trăn trở nhiều hơn, thấy trách nhiệm cao hơn với dòng tộc khi đứng trước anh linh Tiên tổ, quy tâm hướng thiện, dang rộng vòng tay đoàn kết yêu thương, dìu dắt nhau phấn đấu vươn lên xây dựng dòng họ Trương vững mạnh và trường tồn cùng dân tộc.

Hà Nam Ninh, ngày 1 tháng 6 năm 2018

Trương Ngọc Vui

Những tin cũ hơn

Công tác Thông tin tuyên truyền trong hoạt động của dọng họ

Công tác Thông tin tuyên truyền trong hoạt động của dọng họ

— 30 Tháng Năm 2018

Nhằm đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phục vụ tốt hơn nữa các tiêu chí hoạt động của Hội đồng họ Trương Việt Nam cũng như của các Hội đồng, Câu lạc bộ doanh nhân họ Trương ở các địa phương, đáp ứng lòng mong mỏi có được các thông tin về dòng họ...Hội đồng họ Trương Việt Nam kỳ vọng vào tấm lòng của bà con, anh chị em họ Trương trên cả nước tham gia đóng góp trong những hoạt động đầy nghĩa tình, chung tay vì sự phát triển của dòng họ.

Lặng người trước mâm giỗ 64 liệt sĩ Gạc Ma bên bờ biển

Lặng người trước mâm giỗ 64 liệt sĩ Gạc Ma bên bờ biển

— 15 Tháng Ba 2018

Mâm cúng được đặt trên cát, hướng thẳng ra biển. Ngoài 64 cái bát, 64 đôi đũa, anh Hoành còn chuẩn bị con tàu Hải quân bằng giấy mang số hiệu HQ 604 để thả xuống biển cho anh trai và đồng đội.

30 năm ngày những người lính Hải quân Việt Nam ngã xuống ở Gạc Ma

30 năm ngày những người lính Hải quân Việt Nam ngã xuống ở Gạc Ma

— 15 Tháng Ba 2018

Chiều tối 12/3 tại cửa biển Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), cựu binh Lê Hữu Thảo cùng một số người thân liệt sĩ Gạc Ma tham gia buổi thả đèn hoa đăng tại cửa biển Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) để tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống khi đang bảo vệ chủ quyền ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao 30 năm trước.

Xuân Về Trên Cố Đô Hoa Lư Huyền Thoại

Xuân Về Trên Cố Đô Hoa Lư Huyền Thoại

— 28 Tháng Hai 2018

Buối gặp mặt đầu xuân không chỉ mang những lời cầu chúc tốt đẹp đến cho nhau mà tất cả các tấm lòng đều hướng về dòng tộc, sôi nổi tham gia ý kiến xoay quanh việc tháo gỡ khó khăn về kinh tế, tổ chức triển khai thực hiện từng bước, từng phần việc trong thi công dựng nhà, nói thẳng vấn đề, không giữ ý giữ tứ, không rào trước đón sau, thái độ, lời nói đúng như anh em trong một gia đình bàn tính về một công việc lớn, thật là ấm áp.

Phút trùng phùng của liệt sĩ trở về nhà sau 33 năm

Phút trùng phùng của liệt sĩ trở về nhà sau 33 năm "hy sinh"

— 22 Tháng Hai 2018

Nghĩ rằng người đập cửa là "ăn trộm", cụ bà gọi các con đến xem mặt. Chị ông Chóng nhận ra em ruột, ôm chầm lấy khóc vì vui sướng.