Họ Trương ở Hưng Yên và kết nối đồng tộc

19:13 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 1998

1. Đặc điểm cơ bản về sự hình thành và phát triển của họ Trương trên mảnh đất Hưng Yên
1.1. Khái quát lịch sử địa lý tỉnh Hưng Yên
Hưng Yên là một tỉnh nằm ở trung tâm Đồng bằng Sông Hồng Việt Nam, trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Hưng Yên nằm cách Hà Nội 64 km về phía Đông Nam, cách thành phố Hải Dương 50 km về phía Tây Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, đông nam giáp tỉnh Hải Dương, tây tây bắc giáp thủ đô Hà Nội, phía nam giáp tỉnh Thái Bình và tây nam giáp tỉnh Hà Nam. Trong quy hoạch, tỉnh thuộc vùng Hà Nội. Tỉnh Hưng Yên có 9 huyện và 1 thành phố gồm 145 xã, 7 phường, 9 thị trấn và thành phố Hưng Yên.
Trước đây, Hưng Yên thuộc tuyên Sơn Nam đặt vào năm Quang Thuận thứ 10, đời Lê (1469). Đến năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741) thì chia thành Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ. Đời nhà Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) Sơn Nam Thượng được đổi thành trấn Sơn Nam. Sơn Nam Hạ đổi thành trấn Nam Định. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), tỉnh Hưng Yên được thành lập gồm các huyện: Đông Yên, Kim Động, Thiên Thư, Tiên Lữ, Phù Dung của trấn Sơn Nam và Thần Khê, Hưng Nhân, Duyên Hà của trấn Nam Định (các huyện Thần Khê, Duyên Hà, Hưng Nhân sau được cắt vào tỉnh Thái Bình mới thành lập) và Hưng Yên được bổ sung thêm huyện Văn Lâm, trên cơ sở cắt một phần từ hai huyện Văn Giang và Gia Lâm của xứ Kinh Bắc. Tuy là tỉnh mới thành lập chỉ non 200 năm, vùng đất Hưng Yên đã nổi danh từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh (1627 – 1672). Trước đó với phố Hiến vốn là thương cảng đô hội quan trọng bậc nhất ở Đằng Ngoài, thuyền bè ngược sông Hồng lên Thăng Long (Kẻ Chợ) đều phải dừng ở phố Hiến đợi giấy phép, nên phố Hiến trở thành tụ điểm sầm uất. Người Tàu, người Nhật và người phương Tây đều đến đây buôn bán. Do vậy dân gian có câu: „Thứ nhất kinh kì, thứ nhì phố Hiến“.
Hưng Yên nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ với điểm trung tâm nằm ở thôn Dung (Thiên Xuân, xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ). Diện tích toàn tỉnh là 923,09 km². Dân số 1.128.720 người, mật độ 1.223 người/km². Trước đây, tỉ lệ dân làm nông nghiệp cao (80 – 90%). Tỉ lệ này đã giảm thấp trong những năm gần đây còn 50 – 55% do sự phát triển công nghiệp ở các địa phương.
 
1.2. Người họ Trương trên đất Hưng Yên
Theo thống kê ban đầu của chúng tôi, hiện có 25 tộc Trương đang sinh sống ở 9 huyện và thành phố Hưng Yên. Họ Trương trong tỉnh Hưng Yên không phải là một tộc họ đông người như họ Nguyễn, họ Trần. Nhưng trong lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh nhà, người họ Trương luôn cùng các tộc họ khác chung sức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương Hưng Yên ngày càng lớn mạnh và phồn thịnh.
Theo các tư liệu lịch sử và gia phả của các dòng họ, năm 1475, hậu duệ đời thứ 4 của Bình Ngô khai quốc công thần Trương Lôi đã có mặt tại mảnh đất Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên và lập nên một tộc họ Trương tại đó. Hiện nay tại đây đã hình thành nên nhiều chi phái. Cách đây hơn 500 năm, một cụ họ Trương đã lập nên một tộc họ Trương tại thôn Gạo Nam, xã Hồ Tùng Mậu, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, mà văn bia được ghi tại làng Gạo Nam đã ghi rõ.
Sự hình thành và phát triển các tộc Trương trong tỉnh luôn gắn liền với sự hình thành, xây dựng và bảo vệ quê hương tỉnh Hưng Yên. Do quá trình hội nhập và tách tỉnh nhiều lần, nhiều tộc Trương có nguồn gốc từ các tỉnh lân cận đã chuyển về cư ngụ tại Hưng Yên, như tộc Trương tại thôn Đại Nại, xã Ngô Quyền, huyện Tiên Lữ, tộc Trương ở thôn Tạ Thượng, xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động có nguồn gốc từ Định Xá, Bình Lục, Hà Nam. Họ Trương Công thôn Nghĩa Trang, thị trấn Yên Mĩ, huyện Yên Mĩ có nguồn gốc từ thôn Đồng Lâu, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Từ hàng trăm năm nay, do những đặc điểm lịch sử, văn hoá, các thế hệ bà con, anh em họ Trương trong tỉnh dù có hay không có mối quan hệ huyết thống trực hệ, dù chưa tìm được nguồn gốc xuất xứ ban đầu nhưng đã luôn kề vai sát cánh cùng các họ trong tỉnh để chung sức, chung tay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương.
Theo lịch sử để lại và theo gia phả các dòng họ đã có không ít người họ Trương đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, được lưu danh trong sử sách.
Đó là phu nhân Trương Thị Hảo, người sinh ra 3 tướng thời Hùng Vương thứ 18: Sùng Công, Quý Minh và Tĩnh Minh. Theo thần tích ở đền Tam Nguyên, làng Tam Đa, xã Tam Đa, huyện Phổ Cừ và đền Trà Gồ, xã Phan Xào Nam, huyện Phổ Cừ, tỉnh Hưng Yên, vào đời Hùng Vương thứ 18, bà Trương Thị Hảo (phu nhân của Nguyễn Công) là người đã sinh ra 3 quý tử: Sùng Công, Quý Minh và Tĩnh Minh. Sau này trở thành 3 tướng của thời kì Hùng Vương, giúp dân địa phương chăm lo việc nông trang, cày cấy, khuyến thiện, trừ ác, đánh giặc giữ quê hương. Điều đó chứng tỏ từ khi chưa lập tỉnh, người họ Trương đã có mặt rất sớm trên mảnh đất Hưng Yên.
Thời Lê – Trịnh, tại mảnh đất Như Quỳnh, Văn Lâm đã sinh ra bà Trương Thị Ngọc Chử (1669 – 1750). Bà là mẹ của chúa Hy Tổ Nhân vương Trịnh Cương, người đã giữ ngôi Chúa ở Đàng Ngoài 20 năm (1709 – 1729). Chúa Trịnh Cương được lịch sử đánh giá là một trong số những vị chúa có tài. Bà Ngọc Chử còn là bà của chúa Trịnh Doanh. Bà hưởng phúc đến năm 1750. Bà được tôn là Huy Nhu thuần đức Thái tôn, Thái phi. Có cụ Trương Dự (1641 – 1717) là bố bà Ngọc Chử, ông ngoại của chúa Trịnh Cương. Cụ là người có nhiều công lao với đất nước, địa phương thời đó. Công lao của cụ được ghi rõ trong văn bia tại Từ Vũ, lập năm 1726 (bia Nhân dân nhớ ơn để lại của ông – Lưu ân di ái chi bi). Đương thời cụ giữ chức Đô đốc Tả đô đốc phủ, Thái tể riêng quận công. Khi cụ mất được tăng phong Diên khánh công.
Cụ Trương Nhưng (1671 – 1737), tự Phúc Công được thăng chức Tả Đô đốc, Thái tể Thiềm quận công, đương thời được giao chấn giữ vùng miền biển Nghệ An.
Cụ Trương Nhiêu (1672 – 1741), tự là Hoà Nghi làm quan tại chiều, giữ chức Tả đô đốc, Thư phủ sự, tước phong Phụng nghi ngũ lão Đồng tham Tụng. Về chí sĩ được gia phong Thái phó Phấn quận công, Thuần chính Trung Vũ đại Vương.
2 cụ đều là con trai của cụ Trương Dự, đều có công với đất nước, với địa phương. Công lao của các cụ đã được ghi rõ trong văn bia tại Từ Vũ, Như Quỳnh (lập năm 1741 – Nhâm dân nhớ ơn người). Di tích Từ Vũ, Như Quỳnh đã được công nhận là di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia vào tháng 2 năm 1992.
Thời Lê - Trịnh, mảnh đất Như Quỳnh còn có nhiều người có công lao với quê hương, đất nước như: cụ Trương Khuông (1711 – 1784) – con trai thứ 2 của cụ Trương Nhưng. Dưới đời chúa Trịnh Doanh, cụ đã nhiều lần cầm quân bảo vệ đất nước, được phong tước Cổn quận công. Thời Lê - Trịnh, nhiều người họ Trương đã đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ ngạch võ) như: cụ Trương Thuyên – hậu duệ của Bình Ngô Khai quốc công thần Trương Lôi, Trương Chiến, người thôn Như Quỳnh, xã Như Kinh, phủ Thuận An, huyện Gia Lâm, sứ Kinh Bắc (nay thuộc thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) đỗ đồng Tạo sĩ, ưu trúng hạng khoa Đinh Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng 18 (1757), đời vua Lê Hiển Tông làm quan chức Cai cơ.
Cụ Trương Tuân, hậu duệ Bình Ngô khai quốc công thần Trương Lôi, cháu của cụ Trương Thuyên, chú cháu cùng đỗ một khoá. Cụ Trương Tuân là con trai thứ hai của cụ Tả Đô đốc, thái phó, Cổn quận công Trương Khuông (1721 – 1784) và cụ bà chính thất Quỳnh Anh thái trưởng quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cư, người thôn Như Quỳnh, xã Như Kinh, phủ Thuận An, huyện Gia Lâm, sứ Kinh Bắc (nay là thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) đỗ đồng Tạo sĩ, ưu trúng hạng niên hiệu Cảnh Hưng 18 (1757) đời vua Lê Hiển Tông, giữ chức Đô đốc Đổng chi, được phong Thìn trung hầu, sau có công lớn lại được phong là Thìn quận công; từng làm quan trấn thủ ở Tuyên Quang, Thanh Hoá, Sơn Nam Hạ và Kinh Bắc.
Cũng trong thời Lê Trung hưng, ở đất Như Quỳnh có người con gái họ Trương là bà Trương Thị Ngọc Trong làm thị nội cung tần trong phủ chúa Trịnh. Bà đã soạn ra bản thần tích Ỷ Lan diễn ca vào năm 1759 đời Cảnh Hưng thứ 20. Đó là bản thần tích cổ, nêu sự tích Hoàng Thái hậu thứ 3 triều Lý (Ỷ Lan phu nhân) do thôn Ngọc Kinh thờ cúng ca ngợi công lao của bà Ỷ Lan đối với đất nước. Bản thần tích này được lưu tại nhà thờ họ Trương ở Như Quỳnh, nhưng bản chính đã mất, chỉ còn bản sao chép lại trong gia phả của họ và có ghi rõ. Bản này làm xong vào năm Cảnh Hưng thứ 20 (1759) vào tháng giữa  mùa thu, ngày tốt, ở Bắc Châu, thuận Lộ Tĩnh Hiên.
Giai đoạn dưới triều nhà Nguyễn, từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta (1858) đến khi có Đảng Cộng sản Đông Dương (1930), nhân dân ta không chịu làm nô lệ dưới ách xâm lược đã liên tiếp đứng lên khởi nghĩa chống lại sự đô hộ của chúng. Tiêu biểu thời kì này có: cuộc khởi nghĩa Yên Thế do cụ Hoàng Hoa Thám, tức Trương Văn Thám lãnh đạo. Đó là cuộc khởi nghĩa vũ trang lớn nhất, dài ngày nhất của nhân dân ta thời kì đó. Cụ Trương Văn Thám lúc nhỏ có tên là Trương Văn Nghĩa, quê làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên, sau di cư lên Sơn Tây rồi đến Yên Thế, Bắc Giang. Cha Ngài là Trương Văn Thận, mẹ là Lương Thị Minh. Cuộc khởi nghĩa kéo dài gần 30 năm (từ 1894 đến 1913), kháng chiến chống lại quân đội của thực dân Pháp và tay sai, lập nhiều chiến công hiển hách như: Luộc Hạ, Cao Thượng, Hố Chuối, Khâm Nghè... viết lên những trang sử vẻ vang trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Hoàng Hoa Thám (tức Trương Văn Thám), người con của Hưng Yên, là một thủ lĩnh tài bà, lãnh đạo nghĩa quân giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ông đã được tôn vinh là Anh hùng dân tộc.
Đầu thế kỉ thứ 20, và các thập kỉ tiếp theo, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, không ít con em họ Trương đã giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia các phong trào đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Nhiều người con của họ Trương đã trưởng thành là những Đảng viên cộng sản, giữ nhiều chức vụ của Đảng và nhà nước. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, hàng ngàn con em họ Trương đã không tiếc xương máu tham gia sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc. Trong số này không ít người đã được phong tặng, truy tặng nhiều danh hiệu cao quý.
2. Những hoạt động của Hội đồng lâm thời họ Trương nhằm kết nối họ tộc và chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu họ Trương tỉnh Hưng Yên lần thứ nhất
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu hội đồng Trương tộc Việt Nam lần 1 về việc tiến hành triển khai Đại hội đại biểu họ Trương ở các tỉnh, được sự chỉ đạo của Hội đồng Trương tộc Việt Nam, tại tỉnh Hưng Yên, Hội đồng lâm thời họ Trương tỉnh Hưng Yên được thành lập để tiến hành vận động, kết nối các tộc họ trong tỉnh. Tiến tới tổ chức Đại hội đại biểu họ Trương toàn tỉnh lần thứ nhất, Hội đồng lâm thời họ Trương toàn tỉnh gồm có các ông:
- Trương Văn Bằng: Chủ tịch Hội đồng Họ Trương Công (Trưởng tộc) ngành đồng bằng tỉnh Hưng Yên tại Thôn Nghĩa Trang, TT Yên Mỹ.
- Trương Anh Tuấn: Trưởng chi cụ Trương Dự tại thôn Như Quỳnh, Văn Lâm.
- Trương Minh Hải:  Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Trương Công (Trưởng tộc) ngành đồng bằng tỉnh Hưng Yên tại Thôn Nghĩa Trang, TT Yên Mỹ,Hưng Yên
- Trương Công Lượng: Trưởng chi họ Trương tại Như Quỳnh, Văn Lâm
- Trương Văn Lợi: Chi ngành họ Trương Công, Tam Đa – Phù Cừ – Hưng Yên.
- Trương văn Bẩy: Chi ngành họ Trương Công, Yên Mỹ – Hưng Yên
- Trương Anh Văn : P.Chủ tịch Hội đồng họ Trương Công (ngành Đồng  Bằng), Yên My, Hưng yên.
- Ông Trương Văn Tâm: Chi ngành họ Trương Công  Yên Mỹ (ngành Đồng Bằng)
- Ông Trương Minh Điều: Chi ngành - họ Trương Công Ân Thi
- Ông Trương Quý Sáng : Chi ngành họ Trương Đông Ninh – Khoái Châu
- Ông Trương Văn Nghệ : Chi ngành họ trương Công Yên Mỹ
- Ông Trương Văn Hoà: Chi ngành họ Trương Công Yên mỹ
- Ông Trương Văn Lương: Chi ngành họ Trương Như Quỳnh
- Ông Trương Văn Thiêu Trưởng Ban Tâm linh họ trương Công ( ngành đồng bằng)
- Ông Trương Văn Thực: Chi ngành họ Trương Yên Mỹ
- Ông Trương Mạnh Tính Chi ngành họ Trương Công Yên Mỹ
 - Ông Trương Văn Tấn: Chi ngành họ Trương Công Yên Mỹ
- Ông Trương Văn Tuỳ: Họ Trương Như Quỳnh

         Từ đó đến nay, ban vận động đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm thu thập thêm tư liệu, gia phả, mở rộng kết nối các tộc họ trong toàn tỉnh và các tỉnh ngoài.
- 21-07-2013 đã tổ chức cuộc gặp mặt tại trường Trung học Hồng Bàng, thị trấn Yên Mĩ gồm đại diện các tộc họ trong tỉnh. Bước đầu gặp gỡ và bàn về công tác chuẩn bị, tiến tới đại hội, đại biểu toàn tỉnh.
- 26-07-2013 ban vận động tổ chức đi các huyện trong tỉnh, gặp gỡ các chi tộc họ Trương ở các huyện, trao đổi, kết nối gia phả, đã đến tộc Trương Văn ở thôn Gạo Nam, Ân Thi; thôn Đại Nại, Tiên Lữ, thôn Tam Đa, Phủ Cừ; thôn Tạ Thượng, Kim Động.
- 28-07-2013, để tiến tới cuộc họp trù bị cho công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu họ Trương lần thứ nhất, các tộc Trương toàn tỉnh đã gặp nhau lần thứ 2 tại thị trấn Yên Mĩ để bàn về công tác nhân sự, thảo luận quy chế trước khi đưa ra đại hội để tạo ra sự thống nhất cao trong đại hội.
- 02-08-2013 hội đồng lâm thời họ Trương tỉnh có tổ chức lên thăm và làm việc về di tích lịch sử Từ Vũ, Như Quỳnh với Uỷ ban Nhân dân thị trấn Như Quỳnh và phòng văn hoá huyện Văn Lâm để tôn vinh thêm giá trị lịch sử văn hoá của di tích Từ Vũ, một di tích được xếp hạng cấp quốc gia năm 1992.
- 16-08-2013 hội đồng lâm thời cùng các phóng viên truyền hình tỉnh tổ chức đến thắp hương, tìm hiểu di tích Từ Vũ, phủ Chi Nguyên, nhà thờ họ Trương, đinh làng Như Quỳnh, ghi chép và ghi hình để chuẩn bị làm clip về lịch sử văn hoá tại địa phương.
Ngoài ra, Hội đồng lâm thời đã tiến hành nhiều buổi thăm, kêu gọi sự ủng hộ tài chính từ các nhà doanh nghiệp, con cháu họ Trương đóng góp để chuẩn bị tiến hành việc đại hội được tốt.
- 25-08-2013, hội đồng lâm thời đã tổ chức đi các huyện trong tỉnh lần thứ 2 để kết nối họ tộc và củng cố thêm các tài liệu, gia phả các họ tộc các huyện và tiến hành thăm viếng một số gia đình họ Trương có việc hiếu và có các cụ ốm đau.
Nhân dịp này, Hội đồng lâm thời họ Trương tỉnh Hưng Yên bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới toàn thể bà con, anh em họ tộc, các địa phương trong tỉnh đã phối hợp, ủng hộ các hoạt động nhằm kết nối tộc họ, xây dựng gia phả và dành thời gian đón tiếp nhằm xây dựng mối quan hệ tộc tính của người họ Trương trong toàn tỉnh. Hội đồng ghi nhận và cám ơn sự đóng góp quý báu về tinh thần và vật chất các của tộc họ và các cá nhân:
- Các tộc họ đã cung cấp gia phả các chi tộc để làm cơ sở kết nối của Ban tổ chức.
- Các cụ lão thành đã xây dựng, đóng góp nhiều đôi câu đối có giá trị, có ý nghĩa văn hoá để chuẩn bị cho đại hội.
- Các ông trưởng tộc, trưởng chi ở các huyện đã thường xuyên cung cấp tư liệu chi tộc mình cho Ban tổ chức, làm cho nội dung kết nối được phong phú hơn.
Ngoài việc đóng góp bổ sung tư liệu có giá trị, có nhiều sự đóng góp thiết thực về vật chất như: ủng hộ nhiều chuyến xe để ban vận động đi kết nối, đóng góp công sức tài chính để tổ chức nhiều buổi gặp mặt được đầy đủ.
Hội đồng lâm thời hoan nghênh và đánh giá cao sự nhiệt tình ủng hộ của các vị lãnh đạo các địa phương, các cơ quan, các tổ chức. Tuy không phải người họ Trương nhưng đã và đang ủng hộ các hoạt động kết nối các danh nhân họ Trương như: lãnh đạo thôn Như Quỳnh, lãnh đạo Thị trấn Như Quỳnh đã quan tâm, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá lịch sử của di tích Từ Vũ tại địa phương; lãnh đạo thôn Nghĩa Trang, thị trấn Yên Mĩ thường xuyên quan tâm đến việc chuẩn bị đại hội đại biểu họ Trương tại địa phương mình.
Cuối cùng Hội đồng lâm thời ghi nhận và bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới toàn thể bà con, anh em họ Trương trong toàn tỉnh đã đóng góp thời gian, công sức, tâm sức cho việc kết nối dòng tộc; đồng thời đã nhiệt tâm ủng hộ về tài chính và vật chất cho công tác tổ chức đại hội, đại biểu họ Trương trong tỉnh lần thứ 1. Đặc biệt ghi nhận và cảm ơn sự đóng góp có hiệu quả của 3 tộc Trương Công ở Yên Mĩ và họ Trương ở Như Quỳnh.
Chúng ta hy vọng và tin tưởng, trong thời gian tới, các hoạt động kết nối tộc họ, bảo tồn và phát huy di sản văn hoá tộc họ của người họ Trương sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đóng góp của toàn thể bà con các tộc họ trong toàn tỉnh.
3. Những phương hướng hoạt động của Hội đồng Trương tộc tỉnh Hưng Yên
- Từng bước tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đại hội đại biểu các họ Trương toàn tỉnh lần thứ 1
- Kiện toàn các bộ phận ở văn phòng và ở các huyện theo phương châm gọn nhẹ, hiệu quả; chọn lựa những người có tâm của tộc họ để giao công việc
- Triển khai việc vận động, thực hiện, xây dựng quỹ của họ Trương trong tỉnh trên cơ sở phải thực hiện đúng quy chế về quản lí, huy động và sử dụng quỹ
- Xúc tiến thành lập Câu lạc bộ doanh nhân họ Trương của tỉnh Hưng Yên
- Tiếp tục nghiên cứu, mở rộng kết nối các tộc Trương trong toàn tỉnh trên cơ sở sưu tập gia phả và các tư liệu. Những năm trước đây và nhất là sau đại hội Trương tộc Việt Nam lần thứ 1, nhiều tộc đã tiến hành xúc tiến, tìm hiểu xác minh cội nguồn trên cơ sở những thông tin ít ỏi, không đầy đủ được lưu truyền từ các thế hệ trước. Từ những nỗ lực này, không ít các tộc họ đã tìm được các mối quan hệ thân tộc. Ví dụ các chi họ Trương Như Quỳnh, sau gần 600 đã tìm được gốc tích của liệt tổ Bình Ngô khai quốc Công thần Trương Lôi tại Tĩnh Gia, Thanh Hoá; hay năm 2012, các tộc Trương ở thôn Nghĩa Trang, Yên Mĩ gặp gỡ hội ngộ với các chi con cháu của cụ Trương Công Đạo sau 135 năm tìm kiếm, chắp nối phả hệ. Tuy nhiên, do đặc điểm lịch sử hình thành, phát triển của tỉnh Hưng Yên sau hơn 200 năm, lúc tách ra, lúc nhập lại, cũng như nhiều họ tộc khác, địa bàn cư trú của các nhánh họ Trương cũng biến đổi không nhỏ. Vì vậy việc chắp nối, xác định mối quan hệ tộc phả của các chi họ, tộc họ là không đơn giản, cần có sự trao đổi, kết nối thông tin, cần có sự đối chiếu các tư liệu lịch sử, đặc biệt với các tộc họ có gia phả chữ Hán Nôm.
- Tăng cường mối quan hệ đồng tộc đối với những người họ Trương đã đổi sang họ khác vì những nguyên nhân khác nhau.
Thay đổi họ là điều thường xảy ra ở Việt Nam, có thể do quốc tính vua ban thời vua Lê Thái Tổ lên ngôi (1428) đã gia sắc chỉ ban họ vua cho 221 người, trong số này có các vị Trương Lôi, Trương Chiến là công thần khai quốc. Hậu duệ hiện nay vẫn ở Như Quỳnh, Văn Lâm. Tại Tĩnh Gia, Thanh Hoá vẫn có tộc mang họ Lê Trương. Hoặc vì những lí do nào đó, họ Trương phải đổi sang họ Trần, Nguyễn v.v... Trong tình hình việc đổi họ thường diễn ra, nên việc kết nối, tìm kiếm phải được chú ý. Chúng ta đánh giá cao những nghĩa cử này và coi đây là những bà con đồng tộc họ Trương, mặc dù hiện nay họ không mang họ Trương.
- Tiếp tục sưu tầm, xác minh, chắp nối gia phả vì gia phả giữ một vai trò quan trọng trong đời sống họ tộc. Họ có gia phả như nước có sử, phả cốt để ghi sự tích, chép thế thứ, kỉ niệm công đức tổ tiên đời trước, tỏ nguồn gốc cho con cháu đời sau. Qua gia phả ta biết được nơi phát tích và công cuộc dựng nghiệp của tổ tiên, biết được những biến cố lịch sử của địa phương và trong nước, biết được tên tuổi của những nhân vật lưu danh trong sử sách cũng là nhờ gia phả của họ tộc. Và họ được lưu truyền cho các thế hệ mai sau. Lịch sử quốc gia là những lịch sử của dòng họ đúc kết lại. Có thể nói, muốn tìm hiểu lịch sử dân tộc tại các địa phương thì việc đầu tiên phải đi sâu tìm hiểu về gia phả của các dòng họ. Hiện nay các tộc họ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, số tộc họ có gia phả chưa phải là nhiều, có viết cũng chưa được sâu. Do vậy việc tìm hiểu, chắp nối, đối chiếu, bổ sung phả của các tộc họ là việc tiếp tục phải làm.
- Tiếp tục đẩy mạnh, phát hiện, nghiên cứu, tổ chức hội thảo về các danh nhân và các di tích lịch sử, văn hoá liên quan đến họ Trương tại tỉnh Hưng Yên, từ đó tiến hành xây dựng hồ sơ xếp hạng, đề nghị công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh đối với các danh nhân và công trình kiến trúc có liên quan đến người họ Trương trong tỉnh.
Hơn 20 năm trước, họ Trương chúng ta tại tỉnh Hưng Yên đã có không ít các di tích quốc gia và cấp tỉnh, như tại Như Quỳnh có Từ Vũ được xếp hạng năm 1992. tuy nhiên những năm qua, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, sự nghiệp một số nhân vật họ Trương chưa được đánh giá đầy đủ, di tích chưa được coi trọng, bảo tồn đúng mức. Thời gian qua, Hội đồng lâm thời của tỉnh đã và đang phối hợp với các cơ quan quản lí, ngành văn hoá để làm rõ việc tôn vinh các danh nhân họ Trương, ý nghĩa lịch sử của các di tích, bác bỏ những sai lệch và hiểu không đúng về lịch sử. Trong thời gian tới, Hội đồng họ Trương tỉnh sẽ cùng với tộc Trương - Như Quỳnh, dưới sự lãnh đạo và quản lí của chính quyền địa phương, củng cố lại di tích, lịch sử văn hoá Từ Vũ về hình thức cũng như nội dung phong phú.
Trên đây là một số nội dung và phương hướng hoạt động của Hội đồng họ Trương tỉnh Hưng Yên trong nhiệm kì 5 năm (2013 – 2018). Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng: với tình cảm thiết tha họ tộc, tương lai sự nghiệp kết nối tộc tính cùng các hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy di sản văn hoá tộc họ tiếp tục được đẩy mạnh với sự tham gia nhiệt tình của bà con, anh em xa gần trong tỉnh.

Những tin cũ hơn

Họ Trương Văn Làng Tây Lễ, xã Đại Thạnh, Huyện Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam

Họ Trương Văn Làng Tây Lễ, xã Đại Thạnh, Huyện Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam

— 25 Tháng Năm 2017

Chim có tổ người có tông, cây có cội nước có nguồn, ly hương bất ly tổ... Những câu ca dao đó nói lên đạo lý của con người Việt nam chúng ta đã lưu truyền bao đời nay dẫu cho xã hội có nhiều biến động, thay đổi. Vì vậy việc truy tìm nguồn gốc tổ tiên, chăm lo mồ mã ông bà, là những điều gần như nằm trong tiềm thức của mỗi một con người Việt nam chúng ta.

Tộc Họ Trương Như Quỳnh, Hưng Yên hậu duệ của Bình Ngô Khai Quốc Công Thần Trương Lôi tổ chức dâng hương lễ tổ và gặp mặt đầu Xuân Quý Tỵ 2013

Tộc Họ Trương Như Quỳnh, Hưng Yên hậu duệ của Bình Ngô Khai Quốc Công Thần Trương Lôi tổ chức dâng hương lễ tổ và gặp mặt đầu Xuân Quý Tỵ 2013

— 25 Tháng Năm 2017

Vào ngày mùng 2 tháng 3 năm 2013, nhằm ngày 21 tháng Giêng năm Quý Tỵ, con cháu dòng họ Trương Như Quỳnh, Hưng Yên hậu duệ của Bình Ngô Khai Quốc Công Thần Trương Lôi đã tổ chức gặp mặt đầu xuân Quý Tỵ 2013 tại nhà thờ tộc họ tại thôn Như Quỳnh, thị Trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên.

Họ Trương Làng Rừng Mành xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh

Họ Trương Làng Rừng Mành xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh

— 25 Tháng Năm 2017

Làng Giới Tế có tên tục là làng Rừng Mành xưa và nay vẫn còn trong tâm thức của người dân trong vùng Kinh Bắc với làng gắn với nghề truyền thống làm mành treo cửa. Hiện tại là đơn vị hành chính có tên Làng Giới Tế, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (trước năm 2007 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh là huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc).

Làng Mạnh Tân - Quê hương Ngài Trương Hanh - Mảnh đất địa linh

Làng Mạnh Tân - Quê hương Ngài Trương Hanh - Mảnh đất địa linh

— 25 Tháng Năm 2017

Làng Mạnh Tân – Quê hương ngài Trương Hanh, người đỗ Đệ nhất giáp, Đệ nhất danh (thủ khoa) khoa thi Thái học sinh năm Nhâm Thìn, Kiến Trung 8, năm 1232 dưới triều Trần Thái Tông và làm quan tới chức Thượng Thư. Làng Mạnh Tân có những di tích cổ và công trình văn hóa lâu đời.

Tộc Họ Trương Đình xóm 13 xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn, Tỉnh Ninh Bình

Tộc Họ Trương Đình xóm 13 xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn, Tỉnh Ninh Bình

— 25 Tháng Năm 2017

Sinh thời, do mưu cầu cuộc sống, Cụ tổ Trương Đình Ngơi cùng cụ bà Vũ Thị Điểm dẫn theo các con di cư từ làng Vạn Điểm Ý Yên - Nam Định vào khai khẩn lập nghiệp dưới chân Tùng Sơn - Xã Tạ Đường thuộc Tổng Bình Khang ngày xưa, nay là xóm 13 - Xã Liên Sơn - Huyện Gia Viễn - Tỉnh Ninh Bình.