ĐỘC ĐÁO MỘ CỎ SÀI GÒN: NHỮNG CÂU ĐỐI BÊN MỘ TRƯƠNG VĨNH KÝ

00:12 - 26/05/2017 Tin tổng hợp Admin 2693

 

Bên trong nhà mồ Trương Vĩnh Ký - ẢNH: H.Đ.N

 
Trong nhà mồ, ngoài tấm đá trên mộ Trương Vĩnh Ký còn rõ nét thì mặt nền của 2 ngôi mộ bên cạnh (vợ và con ông) đã bị bong tróc, khó đọc được mặt chữ. Những hậu duệ của cụ Trương hiện đang cư ngụ và buôn bán trong khuôn viên nhà mồ gồm Trương Vĩnh Tấn, Trương Minh Đạt (cháu 4 đời) đều cho biết: “Trước năm 1975, khu vực này là nghĩa trang dòng họ Trương Vĩnh. Những năm sau 1975, cũng có an táng thêm một vài người (do bối cảnh khó khăn lúc đó) nhưng sau này thực hiện đúng chủ trương, vệ sinh môi trường nên từ năm 1980 trở đi đã không còn ai trong dòng họ được chôn cất ở đây!”.

 Nhà mồ này nằm ở góc ngã tư Trần Hưng Đạo - Trần Bình Trọng, cổng chính nhìn ra đường Trần Hưng Đạo còn cổng phụ trổ ra đường Trần Bình Trọng. Đứng ngoài đường Trần Hưng Đạo nhìn vào nhiều người lầm tưởng đó là một ngôi đình hoặc ngôi miếu gì đó vì cổng được kiến trúc theo kiểu tam quan (một cửa chính, hai cửa phụ). Cổng có ba tầng mái lợp ngói ống, những mái đao cong lên trông cổ kính và rất Á Đông nhưng nhìn kỹ sẽ thấy một cây thánh giá trên nóc cổng.

Bước vào trong sẽ thấy một khuôn viên khá rộng (khoảng 2.000 m2) mà trung tâm là nhà mồ, nơi an nghỉ của danh nhân Trương Vĩnh Ký - một trong 18 nhà bác học trên thế giới ở thế kỷ 19, bởi ông là người VN duy nhất và cũng là người hiếm hoi trên thế giới thông thạo đến 26 thứ tiếng.
Xin hãy thương tôi...
Nhà mồ hình bát giác (rộng khoảng 50 m2), có kiến trúc kết hợp đông tây rất hài hòa và mỹ thuật (nhà xây kiểu Pháp kết hợp các họa tiết Đông phương) trông thật trang nhã, nhẹ nhàng… Trong tám cạnh, ngoài ba cạnh là cửa vào nhà mồ còn lại là những bức tường có trổ ô thông gió. Mái lợp ngói theo hình nan hoa rẻ quạt (8 cánh) mà chóp mái (tâm điểm) là cây thánh giá. Trên những đường riềm nối mái đều đắp nổi những con rồng, đuôi rồng phía nóc mái uốn lượn xuống đầu rồng ngước lên ở phần mái đao cũng có cây thánh giá… Phần “đông tây - kim cổ” hòa điệu không chỉ ở nghệ thuật kiến trúc mà còn ở “văn chương, chữ nghĩa”, ở hai bên cửa nhà mồ phía chính diện (nhìn ra đường Trần Bình Trọng có khắc câu đối bằng chữ Hán: “Văn chương hồi địa trục/Khí hồn quán thiên đường”, nhưng trên nóc cửa lại ghi dòng chữ Latin: “Fons Vitae Eruditio Possidentis” (Tri thức là nguồn sống cho ai sở hữu nó). Tương tự ở cửa phụ nhà mồ (hướng đường Trần Hưng Đạo) hai bên cửa cũng có khắc đôi câu đối bằng chữ Hán và trên cửa có dòng chữ La tinh: “Miseremini Mei Saltem vos Amici Mei” (Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi). Cả hai câu La tinh, câu đầu là để khẳng định tư duy của một nhà trí thức, câu sau lại cám cảnh về một phận người rơi vào hoàn cảnh, thời điểm quá éo le và cảm thấy rất cô độc.
Chính Trương Vĩnh Ký đích thân thiết kế và coi sóc việc xây dựng nhà mồ cho mình (dòng chữ lưu dấu tháng, năm hoàn thành công trình còn được chạm nổi trên nóc nhà mồ “Decembre 1898” - cũng là năm ông mất). Ngay chính giữa nhà mồ là 3 phần mộ được lát bằng phẳng với nền nhà (nếu không tinh ý rất dễ nhầm lẫn là nền nhà). Phải nhìn kỹ mới thấy 3 tấm đá khác màu có chiều rộng khoảng 1 m, dài khoảng 2 m, nằm ngang đối diện với đài thờ sát tường trong cùng. Mộ cụ Trương Vĩnh Ký ở chính giữa, là tấm đá trắng đã ngả sang màu vàng nhạt, được trang trí quanh viền bằng một dây lá (không có hoa) đơn giản, trong vòng dây lá đó được khắc vài dòng chữ cực kỳ đơn giản: “J.B Petrus Trương Vĩnh Ký” (2 chữ viết tắt là tên thánh Jean Baptiste). Tấm “bia” nằm này không ghi ngày tháng năm sinh của ông (6.12.1837) nhưng lại ghi rõ ngày ông mất 1.9.1898. Nằm bên phải là mộ phần của vợ ông (bà Vương Thị Thọ), bên trái là con trai trưởng (Trương Vĩnh Thế), 2 phần mộ này có màu đá sậm hơn (bà Vương Thị Thọ mất sau chồng 7 năm) nhưng mộ của bà và con trai đã có nhiều chỗ bị tróc hỏng. Trần nhà mồ được vẽ lân mã đang vờn nhau trong vòng tròn mây gió.
Những bài thơ trên mộ chí
Bên ngoài nhà mồ, trong khuôn viên khu đất 2.000 m2, phía bên phải có một ngôi nhà gỗ lợp fibro xi măng giả ngói. Trên nóc không có hình tượng cây thánh giá mà là… trái bầu hồ lô với dòng chữ “6 Decembre 1937”. Ngôi nhà gỗ nay cùng vài căn nhà khác xây liền vách là nơi cư ngụ của con cháu, hậu duệ cụ Trương (họ tận dụng những khoảng trống còn lại trong khuôn viên để bán nước giải khát ban ngày, quán ốc ban đêm và cả làm bãi giữ xe... để mưu sinh).
Phía bên trái và phía sau nhà mồ còn có khoảng 60 ngôi mộ lộ thiên (không có nhà mồ) của dòng họ Trương Vĩnh. Đặc biệt trên bia của 2 ngôi mộ có khắc những bài thơ. Mộ của ông Paul Trương Vĩnh Trường (1888 - 1952) khắc “Marie khóc bạn”: Lòng tôi đau đớn quá mình ôi/Những lúc vui xưa đã mất rồi/Ôi trái tim tôi ròng máu chảy/Thương lòng in mãi hỡi mình ơi!”. Lời thơ mộc mạc đầy chất Nam bộ, là nỗi đau sâu kín của người vợ khóc chồng. Dù chỉ ghi là “Marie khóc bạn” nhưng chúng tôi cũng biết được danh tính đầy đủ của người phụ nữ này vì ngay bên cạnh là mộ của bà. Trên bia ghi: Bà Trương Vĩnh Trường, nhũ danh Maria Nguyễn Thị Long (1892 - 1958), bên dưới có bài thơ Cháu khóc Bà: Ngoại có nhớ những giờ phút cay nghiệt/Bà với con cùng giọt lệ chan hòa/Trong ngực bà, con thổn thức thiết tha/Con mất Ngoại, mất bao tình che chở (Monique Kim Hoa).
 
 

 

Những tin cũ hơn

THƯ CHỦ TỊCH NƯỚC GỬI NGÀNH GIÁO DỤC NHÂN DỊP KHAI GIẢNG NĂM HỌC MỚI 2015-2016

THƯ CHỦ TỊCH NƯỚC GỬI NGÀNH GIÁO DỤC NHÂN DỊP KHAI GIẢNG NĂM HỌC MỚI 2015-2016

— 26 Tháng Năm 2017

Nhân dịp khai giảng năm học mới 2015-2016, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi thư chúc mừng ngành Giáo dục. Trong thư, Chủ tịch nước ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của ngành giáo dục trong năm học vừa qua. Cổng thông tin họ Trương Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2015-2016.

DIỄN VĂN CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC TẠI LỄ KỸ NIỆM 70 NĂM QUỐC KHÁNH

DIỄN VĂN CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC TẠI LỄ KỸ NIỆM 70 NĂM QUỐC KHÁNH

— 26 Tháng Năm 2017

Toàn văn Diễn văn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong Lễ kỹ niệm 70 năm Quốc khánh Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 2/9

LỄ PHÁT ĐỘNG GÂY QUỸ XÂY DỰNG NHÀ THỜ CHUNG HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM

LỄ PHÁT ĐỘNG GÂY QUỸ XÂY DỰNG NHÀ THỜ CHUNG HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM

— 26 Tháng Năm 2017

Ngày 30/8/2015, tại Thành phố Vinh, Nghệ An, Hội đồng họ Trương Nghệ Tĩnh đã long trọng tổ chức lễ phát động gây quỹ xây dựng nhà thờ chung họ Trương Việt Nam.

HỌP BCH VÀ GÂY QUỸ XÂY DỰNG NHÀ THỜ HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM

HỌP BCH VÀ GÂY QUỸ XÂY DỰNG NHÀ THỜ HỌ TRƯƠNG VIỆT NAM

— 26 Tháng Năm 2017

Cuộc họp BCH họ Trương đã đem lại ý nghĩa vô cùng to lớn về mặt vật chất lẫn tinh thần. Ngoài ra đây còn là dịp gặp gỡ, trò chuyện làm nồng ấm hơn tình cảm của những người con họ Trương.

CUỘC KHỞI NGHĨA TRƯƠNG ĐỊNH - GÒ CÔNG LƯU DẤU

CUỘC KHỞI NGHĨA TRƯƠNG ĐỊNH - GÒ CÔNG LƯU DẤU

— 26 Tháng Năm 2017

Nhân kỷ niệm 151 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20/8/1864 - 20/8/2015), đồng thời ôn lại truyền thống đấu tranh chống xâm lược của quân và dân Gò Công, chúng tôi xin mạn phép lược trích những tra cứu, sưu khảo về các địa danh, con người và sự kiện liên quan đến cuộc kháng chiến hào hùng chống thực dân Pháp do Trương Định lãnh đạo, từ 2 quyển "Gò Công cảnh cũ người xưa" của cụ Việt Cúc (1906 - 1990), một lương y, nhân sĩ Gò Công biên soạn và in năm 1969.