Đi tìm gốc gác dòng Họ Trương Công Thanh Quýt, Điện Bàn, Quảng Nam

00:35 - 22/05/2017 Tin tổng hợp Admin 2711
TRUONGTOC.VN - Đi tìm tông tích dòng họ Trương Công ở Việt Nam cũng là con đường để biết họ Trương Công Thanh Quýt ( của tôi) xuất phát từ đâu ở phía Bắc. Trong tộc phả tại từ đường Thanh Quýt ( bản dịch quốc ngữ) chỉ thấy ghi ngài Thái thủy tổ Trương Công Trung (? - ?), Thượng tướng quân Cẩm Y vệ, Đô chỉ huy sứ, sắc phong Đại Lang Dực bảo Trung hưng linh phò chi thần, nguyên trước ở Nghệ An, phủ Linh (Anh) Đô, huyện Quang Hưng, xã Ba Viên. Ngài Tiền hiền Trương Công Duyên (hay Trương Hữu Duyên) là Quan viên, tự Kỳ Phùng, hiệu Chất Trực...là đời thứ 1 của dòng tộc Trương Công tại làng Thanh Quýt.Tương truyền khi đã ổn định cuộc sống tại quê hương mới, ngài Thỉ tổ đã về quê mang hài cốt cha mẹ là ngài Thái thỉ tổ vào.
 
Tra khảo địa danh cũ tại Nghệ An chỉ thấy hai phủ Linh Nguyên ( Diễn Châu, thời nhà Hồ) và phủ Anh Đô (Nhà Hậu Lê gồm hai huyện Nam Đường, Hưng Nguyên).
Địa danh Quang Hưng, chỉ tìm thấy huyện Hưng Nguyên thuộc phủ Anh Đô và huyện Quang Vinh thuộc Phủ Trấn Ninh thuộc thời Hậu Lê.

Riêng Xã Ba Viên chưa tìm thấy.

Tôi nhờ Trương Thị Hoa, phóng viên cùng làm việc tại báo Thanh Niên đang thường trú tại Hà Tĩnh, hỏi thăm các nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh ở Nghệ An và giám đốc Bảo tàng tỉnh Nghệ An và được biết: “Hoàn toàn không tìm thấy tên phủ Linh Đô trong lịch sử địa phương”; riêng xã Ba Viên và huyện Quang Hưng đều không thấy ở cả Nghệ An lẫn Hà Tĩnh!

Do vậy việc đi tìm gốc gác họ Trương Công của chúng ta từ các tỉnh Bắc Trung bộ và cả miền Bắc là việc rất khó khăn.

Sau đây là một số thông tin liên quan đến dòng họ Trương Công mà chúng tôi nghiên cứu được.

I - HỌ TRƯƠNG Ở  MIỀN BẮC:

1-Theo tác giả Trương Sĩ Hùng mà chúng tôi đã có liên lạc đã gởi cho tôi nội san Họ Trương Việt Nam ( bằng file gốc): Từ thế kỷ thứ 6 trên lãnh thổ Việt Nam đã có hai vị Trương Hống, Trương Hát là hai vị tướng tài đã có công giúp Triệu Việt Vương đánh thắng quân xâm lược. Đến nay đã có 372 làng trên cả nước đã thờ hai ông với tên là Đức Thánh Tam Giang. Hai vị nhân thần này quê ở làng Vân Mẫu, nay thuộc xã Vân Dương, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Trương Hống, Trương Hát cũng theo sách Trương Tôn thần sự tích, có thể là tác giả bài thơ Nam Quốc sơn hà Nam đế cư thời Lý Thường Kiệt là của hai anh em họ Trương.

2- Trong tác phẩm “Thượng thư tiến sĩ Trương Công Giai” (hay Khải) (1665-1728) của tác giả Trần Tuấn Đạt ( NXB Khoa học xã hội 2008) cho biết, ông là hậu duệ đời thứ 9 của ngài khởi tổ Trương Công Tào. Gia phả họ Trương ghi ( hiện hậu duệ là Trương Công Giang , ĐT 0351.888 533) ở thôn Kho Núi, huyện Thanh Liêm, Hà Nam)Ngài khởi tổ Trương Công Tào được Lê Lợi và Nguyễn Trãi quý mến, bấy giờ cụ tổ ta vì gia đình là người Việt mới xin lưu giúp cho triều Lê, gia thất ở trong thành điện ở kinh đô. Đến đời Lê Thánh Tông (1460- 1497), thấy cụ là người phương Bắc, trải qua 4 đời vua mà vẫn chưa có gia sản, vì thế, mới lấy quan điền ban cho, và được tự chọn nơi đất tốt để đóng đồn cư, định nơi ở.
Cụ mới chọn phần đất là xã Thiên Kiện, huyện Thanh Liêm, phủ Lỵ Nhân, trấn Sơn Nam làm trang điền canh tác. Hàng năm, trang điền này cung tiến cho vua gạo tẻ trắng thơm. Phàm những đinh phu của các họ xã Thiên Kiện đều được miễn lao dịch để canh tác ruộng cho cụ. Nhân đó, cụ mới lấy Thiên Kiện làm tên hiệu”.
Các đời tiếp theo của  ngài khởi tổ lần lượt là:

Đời 2- Trương Phúc Hải (? - ?).Là con thừa tự của cụ Trương Công Tào, phả chỉ ghi ngắn gọn: “Đương thời cụ được giao giữ chức Thái thú An Bang lộ... Tính độ lượng rộng rãi, tư chất ôn hòa, chính sự khoan dung, yêu dân, là người hiền lúc bấy giờ. Cụ luôn giữ điều nhân đức, tích điều thiện, lưu phúc cho đời sau được hưởng.

Đời 3-  Trương Công Quán (? - ?). Con thừa tự của cụ Trương Phúc Hải. Là người cao sang, tư chất trong sạch, giỏi gây trồng công đức, cần cù việc gia đình. Con cháu đời sau được thịnh vượng thực nhờ cụ mà thành.

Đời 4 - Trương Chính Nghị (? - ?): Là con trai thứ hai của cụ Trương Công Quán.Tính vốn ôn hòa, tư chất nhân hậu, độ lượng khoan dung đối với lỗi lầm của bề dưới, phong cách cao sang. Lúc sinh thời cụ giữ chức Phó sở xứ. Cụ là người thanh liêm, giữ phép tắc, cần mẫn. Học tám năm xong được cất cử làm quan. Mọi người trong làng đều ngưỡng mộ phong thái của cụ.

( Không thấy ghi con trai trưởng- TĐT)

Đời 5- Trương Phúc An (? - ?): Là con trưởng của cụ Trương Chính Nghị. Chức Phó sở xứ. Dáng vẻ khoan hòa, thiên tư chất phác, luôn luôn làm điều nhân đức, lấy lễ nghĩa để tiếp đãi mọi người nên làng xóm đều mến yêu là người  có đức.

Đời 6 - Trương Đạo Pháp (? - ?): Là con trai trưởng của cụ Trương Phúc An. Chức Phó sở xứ. Cụ là người nhân nghĩa, bẩm tính thuần hậu. Luôn làm điều thiện, sống đạm bạc...

Đời 7- Trương Công Đạo (? - ?): Là con trưởng của cụ Trương Đạo Pháp và bà cả.  Trương Công Đạo có tên hiệu là Đức Nguyên, tên tự là Phúc Tĩnh Phủ Quân.

Không biết ông mất bao giờ, nhưng được vua truy phong chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Hình bộ Tả thị lang, tước Diễn trạch hầu, Trụ quốc, Thượng trật.( Không thấy ghi con cái từ đời thứ 8-TĐT)

Đời 7- Trương Chí Tín (1627- 1673): Cụ là con trai út của cụ Trương Đạo Pháp và con trai duy nhất của cụ bà Từ Ái để chắp phả truyền đời.

Sau này vì có cháu nội (Trương Công Giai hay Khải) vinh hiển nên cụ ông (Trương Chí Tín) và cụ bà (Bùi Quý thị ...) đều được truy phong chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Hình bộ Tả thị lang, tước Diễn trạch hầu (19 tháng 12 năm Canh Tý 1720). Ngày này cụ bà còn được vua ban sắc và truy phong chức Chánh phu nhân.

Đời 8 - Trương Chí Tường (1635 - 1699): Là con trai thứ hai của cụ Trương Chí Tín và cụ bà Bùi Quý thị ...Sau khi con trai cả Trương Công Giai vinh hiển, các cụ được vua truy phong Hoằng tín đại phu (1), Quang lộc tự khanh.

Theo chúng tôi (TĐT): Tiến sĩ Trương Công Giai, hậu duệ đời thứ 8 của khởi tổ Trương Công Tào , sinh năm 1665 thời vua Lê Huyền Tôn (1662-1671) là sinh sau ngài tiền hiền Trương Công Thanh Quýt.

Tiền hiền Trương Công Thanh Quýt làm quan thời Hậu Lê Trung Hưng tức trong khoảng thời gian từ sau 1533 khi Nguyễn Kim nổi lên “Phù Lê diệt Mạc” cho đến ít nhất là năm 1592 khi kết thúc cuộc chiến tranh này. Do vậy cũng là bậc tiền bối của tiến sĩ Trương Công Giai. Nhưng trong gia phả trên, từ đời thứ 7 về trước không thể tìm thấy. Trường hợp cụ Trương Công Đạo, đời 7 cũng không thấy con cháu về sau.

Nhưng, theo gia phả họ Trương Thanh Quýt, gốc từ Nghệ An nên chưa thể thấy mối quan hệ từ ngài Trương Công Tào với các tộc Trương ở Nghệ An...
 

II. HỌ TRƯƠNG Ở DIỄN CHÂU, NGHỆ AN
 

Tháng 5.2007, chúng tôi đến huyện Đô Lương nơi có nhà thờ tộc Trương Công khá lớn. Tại đây tôi có biết cụ Trương Công Anh, nguyên thường vụ tỉnh ủy Nghệ An đã nghỉ hưu và ông Trương Công Phúc, con ông Anh là Chủ tịch UBND huyện Đô Lương, nay là Bí thư.
 


Con cháu họ Trương Công Thanh Quýt làm lễ bái tại nhà thờ Trương-Đặng Công Diễn Kỷ, Diễn Châu


Tôi mang theo bản trích gia phả từ đời ngài tiền hiền đến để đối chiếu, nhưng không có kết quả vì không khớp. Thời gian quá ngắn, tôi để lại địa chỉ, điện thoại liên lạc để nhờ các vị ở đây tìm giúp thêm, nhưng từ đó đến nay không có tin tức gì.

Cuối tháng 5.2009, chúng tôi ( gồm Trương Công Quảng, Trương Công Đạt, Trương Công Bè...) đã ra tận Nghệ An, nhờ người quen là cô Trương Thị Hoa đưa đến nhà thờ Tộc Trương- Đặng Công ở xã Diễn Kỹ, huyện Diễn Châu. Tại đây, chúng tôi đã gặp các vị trong hội đồng gia tộc ( tộc trưởng Trương Sỹ Chí, trưởng ban đối ngoại Trương Như Hậu và nhiều vị cao tuổi khác) đón tiếp nồng nhiệt, làm lễ bái tại nhà thờ, đi viếng mộ ngài tiền hiền Trương Công Quang ( trên bia đã bị xóa chữ CÔNG), cũng là thành hoàng tại địa phương, đọc một số tài liệu và gia phả. Kết quả đã có nhiều thông in bổ ích.
 

Hương án trong nhà thờ Trương - Đặng
Hương án trong nhà thờ Trương - Đặng


Dòng tộc họ Trương Diễn Châu theo các cụ cho biết hiện có trên 65 chi, ở khắp nơi, nhưng thống kê mới ghi nhận 35 chi. Theo Trương tộc thế hệ chi đồ, vào năm Quý Hợi 1395, cụ tổ Trương Công Quang là một viên chức nhà Minh cùng 11 người khác đã đến vùng Nghệ An, khai khẩn 12 xứ đồn điền tại Diễn Châu. Chỉ có 2 người là ngài Trương Công Quang và Đặng Thiêm lấy vợ Việt Nam và ở lại, sinh con đẻ cái đời tiếp đời cho đến nay. Cả hai ông được sắc phong Bổn cảnh thành hoàng, tước phong Dực Bảo Trung hưng linh phò tôn thần. Hai cụ là anh em kết nghĩa nên con cháu sau này lập chung nhà thờ Trương-Đặng Công ( TỤ QUỐC TỘC), nay đã trên 400 năm.

Ngài Trương Công Quang có cha là Trương Công Vấn ( hay Quýnh), ông nội là Trương Tăng Mạo ( hay Nhi), người ở quận Thanh Hà, tỉnh Trực Lệ- Yên Quốc bên Trung Hoa. Mộ tổ Trương Công Quang hiện ở xã Diễn Mỹ, Diễn Châu.

Đời thứ 2: Trương Khuê

Đời thứ 3: Trương Phúc Thiên

Đời thứ 4: Trương Phúc An

Đời thứ 5: Trương Phúc Thắng

Ông Trương Phúc Thắng sinh ra 5 người con trai thuộc đời thứ 6 là: Phúc Thuyên, Phúc Chí, Phúc Hiền, Phúc Nhượng và Trương Đức Quảng. Bốn (4) người đầu hiện thờ tại các nhà thờ chi lớn tại Khu vực Diễn Châu. Riêng cụ tổ Trương Đức Quảng được các vị bô lão trong gia tộc ở Diễn Châu kể lại là đã đi vào miền Nam, nhưng không rõ tông tích.

Nhận xét:

Đến đây, có thể thấy vài nét tương đồng giữa dòng họ Trương Diễn Châu với thủy tổ họ Trương Công Thanh Quýt:

a-Cùng các cụ tổ có chữ lót là CÔNG.

b-Cùng gốc gác Thanh Hà quận bên Trung Hoa.

c- Cụ tổ Diễn Châu được trước phong  là Dực Bảo Trung Hưng linh phò  tôn thần. Còn cụ Thái thủy tổ Trương Công Trung là Dực Bảo Trung hưng linh phò chi thần. Cần suy nghĩ thêm về các thần hiệu này.

d- Trong gia phả Chi 1 Diễn Châu ( hậu duệ của cụ Trương Phúc Thuyên) có một bài văn vần của cụ Tú Trương Tuyết Sơn ( đời 12) tên Tộc phổ diễn ca, trong đó có câu: Trương Công Nghệ chín đời cùng ở. Câu này vẫn còn lưu truyền ở các cụ lão Trương Công Thanh Quýt (đời 11-12). Tại nhiều chi họ Trương ở Diễn Châu (nay đã 22 đời) vẫn còn nhiều người dùng chữ lót Trương Công...

e- Nếu so với 17 đời tộc Trương Công ở Thanh Quýt và 22 đời ở Diễn Châu thì cụ tổ đời thứ 5 ở Diễn Châu bỏ đi Nam là chi tiết đáng suy nghĩ, nhưng tên lại không khớp.

III. HỌ TRƯƠNG Ở HƯNG NGUYÊN- NGHỆ AN.

Trong tháng 6.2010, chúng tôi cũng nhờ cô Trương Thị Hoa là con cháu tộc Trương ở Diễn Châu đến huyện Hưng Nguyên tìm hiểu thêm về dòng tộc họ Trương tại huyện này. Theo hướng dẫn của một người anh họ Trương đi đến các xã, đến các chi nhánh họ Trương và gặp các tộc trưởng các dòng họ Trương tại đây.

Có 3 dòng tộc họ Trương lớn nhất tại huyện Hưng Nguyên, nhưng qua các thế hệ đều đã thay đổi chữ lót và không xác định rõ nguồn gốc chính của mình bắt đầu từ đâu? Có nơi khẳng định, dòng họ của họ chỉ là chi nhánh, còn ông tổ có thể là Diễn Châu, Quỳnh Lưu, hoặc Cửa Lò…

1. Tộc Trương Phúc Quang (Thỉ tổ) sinh ra cụ tổ Trương Phúc Thiện nhưng đến đời cháu lại lấy Trương Đắc... và giữ mãi tên lót cho đến đời thứ 5 là Trương Đắc Cung. Tuy nhiên từ đời thứ 7 đến 13 đa số con cháu lại lấy chữ lót là Trương Công.

2. Tộc Trương Văn ở Cửa Lò có một chi khá lớn tại Hưng Nguyên cũng cho rằng ông tổ của họ ở Quỳnh Lưu hoặc Diễn Châu, chỉ có điều chưa xác minh cụ thể? Con cháu dòng tộc này cũng đã qua tận Trung Quốc để tìm về cội nguồn, gốc gác của mình nhưng chưa xác định được.

3. Họ Trương ở Thái Hòa: Ông Trương Đình Thành, Trưởng công an xã vừa là tộc trưởng Trương Đình đã cho xem gia phả, có ghi rõ cụ tổ: Vị sơ Thái tổ đầu tiên biệt hiệu là: “Trương Tiên Công Phúc Chân từ Mỹ Trung xuống Thái Hòa sinh hạ Trương Tiên Công dị thực và Trương Tiên Công thiện chính, phát triển thành hai chi rõ ràng”. Tộc này ngài sơ tổ là Trương Tiên Công Phúc. Trước đây có một dòng tộc Trương Văn trong Điện Bàn, Quảng Nam có ra gần 1 tháng để tìm hiểu nguồn gốc. Qua các cụ bô lão trong tộc, thì họ vẫn đang băn khoăn khả năng ông tổ chính thức xuất thân từ Diễn Châu, hoặc Quỳnh Lưu chỉ có điều chưa có thời gian đi tìm hiểu?

Tuy chưa có điều kiện tìm hiểu kỹ, nhưng ở Hưng Nguyên, tôi đã hỏi nhiều người, không thấy có làng cổ nào mang tên Ba Viên hoặc Ba Yên như gia phả chúng tôi đang có.

Tóm lại, các manh mối vẫn chưa rõ ràng vì không khớp nối được Ngài thái thỉ tổ hoặc thỉ tổ Trương Công Thanh Quýt với các nơi chúng tôi tìm hiểu trên đây. Riêng tại Diễn Châu, có những chi tiết trùng lắp như Thanh Hà quận, Trương Công Nghệ chín đời cùng ở,  các chữ lót Trương Công ở các cụ sơ tổ từ bên Tàu qua...nhưng chưa rõ rệt. Chỉ có điều chung của dòng họ Trương phía Bắc và Trương ở Nghệ An là dòng họ Trương đề có gốc gác từ Trung quốc, sang Việt Nam từ thời thuộc Minh đô hộ nước ta và đều có chữ lót là CÔNG ( các ngài Trương Công Tào và Trương Công Quang) mà thôi.

Ngoài ra, theo lời kể của các bô lão trong tộc, chúng tôi được biết trước đây có một nhánh họ Trương Công từ huyện Hương Trà (khu vực cửa biển Thuận An) có vào thăm nhà thờ Trương công Thanh Quýt để nhận bà con. Nghe kể lại họ cũng có tổ là Trương Công Trung và Tô Thị Mã, nhưng các cụ lão tộc chúng ta tại Thanh Quýt sau những lần tiếp xúc đã không ghi chép và không để lại tư liệu gì nên khó xác định.

Chúng tôi viết bản thu hoạch này để báo cáo với hội đồng gia tộc và sẽ tiếp tục đi Thừa Thiên- Huế để tìm hiểu thêm về hai tộc Trương ở Phước Tích và Hương Trà và sẽ có tường trình cụ thể. Vừa qua, chúng tôi cũng đã liên lạc được với anh Trương Đăng Thư ở Chi cục Thuế Yên Thành, Nghệ An ( thuộc họ Trương ở Diễn Kỹ, Diễn Châu) và gởi các trang đầu của gia phả Trương Công Thanh Quýt ra để nhờ anh tra cứu. Mong sao gặp được nhiều may mắn...

Nay chúng ta có chung một cổng thông tin trên mạng mang tên Họ Trương Việt Nam là một thuận lợi vô cùng trong việc tìm kết nối dòng tộc. Tôi xin phép đưa tất cả các thu hoạch của mình lên đây để mong tìm được gốc gác chính xác hơn.

Đà Nẵng, 22.6.2011

Bài và ảnh: Trương Công Quảng ( nhà báo Trương Điện Thắng)

Những tin cũ hơn

Hiệu quả từ mô hình

Hiệu quả từ mô hình "Dòng họ đảm bảo an ninh trật tự"

— 22 Tháng Năm 2017

Trong những năm qua, xã Nghĩa Mỹ là một trong những địa phương có thành tích trong phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” của Thị xã Thái Hòa (Nghệ An). Để có được thành công ấy, phải kể đến vai trò của Đảng ủy, chính quyền và Ban công an xã trong việc xây dựng mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT”. Năm 2009, dòng họ Trương Văn được Chủ tịch UBND Thị xã Thái Hòa tặng giấy khen.

Họ Trương làng Thanh Quýt Quảng nam với công tác khuyến học

Họ Trương làng Thanh Quýt Quảng nam với công tác khuyến học

— 22 Tháng Năm 2017

Từ năm 2006 đến nay, phong trào khuyến học của bà con tộc Trương Công (làng Thanh Quýt, Quảng Nam) đã diễn ra liên tục và ngày càng có sức lan tỏa rộng. Nếu năm 2006, chỉ có hơn 10 triệu đồng giá trị trao thưởng ( cao nhất 300 ngàn đồng mỗi em học sinh giỏi), thì đến năm 2010, một học sinh giỏi bậc PTTH đã tăng lên 500 ngàn, một sinh viên thi đỗ đại học được trao thưởng đến 1 triệu đồng. Tổng nguồn chi thưởng khuyến học, nếu kể cả hỗ trợ cho các học sinh sv nghèo năm 2010 lên trên 40 triệu đồng...

Họ Trương Bắc Ninh với công tác khuyến học

Họ Trương Bắc Ninh với công tác khuyến học

— 22 Tháng Năm 2017

Trước đây, phường Đại Phúc (thành phố Bắc Ninh) chỉ có một vài dòng họ làm khuyến học thì đến nay đã có hàng chục dòng họ làm tốt công tác này. Phong trào khuyến học ở dòng họ Trương là một điển hình tiêu biểu.

Chi tộc họ Trương - Hải Thanh, Cửa Lò, Nghệ An khuyến học

Chi tộc họ Trương - Hải Thanh, Cửa Lò, Nghệ An khuyến học

— 22 Tháng Năm 2017

Trong những năm gần đây, công tác khuyến học, khuyến tài ở Hải Thanh đã thực sự đi vào cuộc sống cộng đồng khu dân cư, trở thành động lực thúc đẩy gia đình, xã hội, khắc phục khó khăn,kinh tế để chăm lo học hành cho con cháu, vì hạnh phúc tương lai gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư.

Khánh thành nhà thờ Họ Trương Ở Hải Dương

Khánh thành nhà thờ Họ Trương Ở Hải Dương

— 22 Tháng Năm 2017

Ngày 27/12/Canh Dần, tức ngày 30/01/2011. Tại nhà ông Trương Tất Lĩnh thôn An Phong, xã Tiền Phong, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Dòng họ Trương Tất long trọng tổ chức lễ khánh thành ngôi "GIA TIÊN TỪ ĐƯỜNG".