Đền thờ Bình Ngô khai Quốc Công Thần Trương Lôi – Trương Chiến và cuộc hội ngộ dòng họ

00:45 - 22/05/2017 Tin tổng hợp Admin 2699

TRUONGTOC.VN - Từ những năm cuối thập kỷ 80 thế kỷ XX đến nay, trên hành trình "vấn Tổ tìm tông" của một nhà báo, tôi luôn chú tâm tìm kiếm quê gốc của Bình Ngô khai quốc công thần Trương Lôi - Trương Chiến ở Thanh Hoá và những gì liên quan đến hai cha con đức Liệt Tổ - những người có mặt rất sớm trong "Hội thề Lũng Nhai" và có nhiều công lao trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh ở thế kỷ XV.

 

*  "Cố hương"và đền thờ 2 đại công thần thời Lê
 Từ những năm cuối thập kỷ 80 thế kỷ XX đến nay, trên hành trình "vấn Tổ tìm tông" của một nhà báo, tôi luôn chú tâm tìm kiếm quê gốc của Bình Ngô khai quốc công thần Trương Lôi - Trương Chiến ở Thanh Hoá và những gì liên quan đến hai cha con đức Liệt Tổ - những người có mặt rất sớm trong "Hội thề Lũng Nhai" và có nhiều công lao trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh ở thế kỷ XV.
  Được biết, "Đại Việt sử ký toàn thư", "Lam sơn thực lục" và một số sử liệu khác cũng như gia phả của một số dòng họ Trương ở xứ Kinh Bắc trong đó có họ Trương Như Quỳnh (nay thuộc xã Mỹ Văn, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) đều ghi quê hương của hai danh tướng là "thôn Thụ Mệnh, lộ Khả Lam".
 Căn cứ vào những ghi chép trong lịch sử, nhiều lần tôi đã mò mẫm từ huyện Thạch Thành ngược lên mạn Thọ Xuân, Lam Kinh vì dự đoán những nơi này dù có biến thiên thì vẫn không ngoài phạm vi "lộ Khả Lam" (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá), với mong muốn tìm cho ra địa danh nào xưa kia mang  tên "thôn Thụ Mệnh".
  Hỡi ơi, không hiểu vì sao mà "thôn Thụ Mệnh" lại có thể biệt tích như … tăm cá bóng chim.
Tuy vậy, không nản vì vẫn tin rằng: quyết tâm tìm nhất định sẽ thấy.
Rồi cơ duyên đến, tình cờ gặp được nhà báo  trẻ Nguyễn Bá Tích công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá nhiệt tình giúp đỡ, 15h chiều ngày 15/3/2012  tôi đã tìm được đền thờ Bình Ngô khai quốc công thần thời Lê: Trương Lôi - Trương Chiến thôn Tiền Phong, xã Hải Hoà, huyện Tĩnh Gia (cách Hà Nội 200 km) và gặp hậu duệ của 2 cụ ở quê nhà.
Bấy lâu đằng đẵng tìm "thôn Thụ Mệnh, lộ Khả Lam" ở miền rừng phía Tây Thanh Hoá, không ngờ di tích đền thờ cha con 2 vị danh tướng này lại ở miền biển phía Nam tận cùng của Châu Ái.
Vì sao ghi chép trong lịch sử và thực tế lại có sự  khác biệt nhau như vậy về địa danh, địa dư quê gốc của 2 cụ đại công thần Trương Lôi - Trương Chiến? Vấn đề này, tôi xin phép được đề cập kỹ ở bài viết khác.
       Khi tìm được cội nguồn và dấu tích của 2 cụ Bình Ngô khai quốc công thần, lòng xiết đỗi vui mừng, đội ơn Trời Phật và các bậc tiền bối "độ" cho chuyến đi lần này gặp nhiều may mắn. Trong lúc đi tìm nhà ông trưởng họ để nhờ mở khoá cửa đền thờ vào lễ thì nghe tin ông trưởng họ và cả ông phó ban di tích đã nằm bệnh viện từ tuần trước, đang băn khoăn trước tình huống bất ngờ này, bỗng có người ở họ khác trong thôn đi qua bảo tôi gặp anh Lê Trương Châu và còn gọi điện thoại cho anh Châu giúp tôi nữa. Đang làm ở ngoài đồng, anh Châu vội về cổng đền thờ gặp tôi và anh mời cả ông Lê Trương Hương đến. Nghe tôi trình bày về việc tìm kiếm gốc tích 2 cụ Bình Ngô khai quốc công thần Trương Lôi - Trương Chiến cũng như nguyện vọng bao năm nay của các chi họ thuộc hậu duệ của 2 đức Liệt Tổ ở xứ Kinh Bắc mong muốn được về "cố hương" lễ Tổ và nhận họ hàng thì anh Châu và ông Hương cảm động lắm, đã dẫn tôi vào đền thờ thắp hương chiêm bái.
   Đền thờ gồm 3 gian được xây dựng bằng gạch, gỗ, mái lợp ngói… nằm trong khuôn viên hiện nay có diện tích 600 m2, bao bọc xung quanh di tích là màu xanh sum sê của những cây vải cổ thụ.
Điều đặc biệt nhất của ngôi đền là cả hai câu đầu không ghi niên hiệu xây dựng đền thờ hay năm tu sửa như chúng ta thường thấy ở bất cứ di tích thờ tự xưa nay. Cách khắc chữ  ở hai câu đầu cũng thật độc đáo: câu đầu phía bên trái khắc chữ nổi, còn câu đầu bên phải lại khắc chữ chìm.  Nguyên văn  mỗi bên câu đầu gồm 7 chữ nhưng chữ cuối cùng thì bị tẩy xóa, vì vậy  chỉ còn đọc được 6 chữ mà thôi.  6 chữ  khắc nổi của câu đầu bên trái là: ““Tọa Hợi hướng Tỵ vạn niên”. 6 chữ khắc chìm của câu đầu bên phải là: “Cường hạnh đơn môn trọng đông”.
     Trong đền thờ còn lưu giữ một số di vật nguyên mẫu thời Lê: 2 sắc phong, 1 bát hương sành, 1 hương án và 1 mâm bồng bằng gỗ sơn son thiếp vàng.
 Hai sắc phong ấy đều ghi ngày 2 tháng 7 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 14 (1753).
Nội dung sắc phong cụ Trương Lôi, tạm dịch như sau: " Sắc phong bậc công thần vì vận mệnh quốc gia mà dẹp giặc xây dựng đất nước hưng thịnh, sáng nghĩa cao cả, bậc Đại phu Tả xả kỵ  Vệ Đại Tướng quân Thái Bảo Triều Quận Công trụ cột cao cả Trương Lôi được ban họ vua là Lê Lôi; có tài năng hết lòng hết sức ở trận Mường Cốc, Linh Sơn… tham gia khởi nghĩa phò quốc gia quét giặc phương Bắc giữ vững biên cương, khi tại chức đã vì nước lập quy ước sáng suốt, chỉnh đốn chính thể  trước sau có nhiều công huân toàn vẹn xứng đáng phong tặng thêm là tiên phong mở phủ phò vua giúp nước Thượng Tướng Quân Thái Phó Quận Công Lê Lôi, ban thưởng Tướng công tên thuỵ Trực Nghi".
Nội dung sắc phong cụ Trương Chiến (con trai trưởng cụ Trương Lôi), tạm dịch như sau: " Sắc phong bậc công thần vì vận mệnh quốc gia mà dẹp giặc xây dựng đất nước hưng thịnh, sáng nghĩa cao cả, Đại phu thiết đột kỵ vệ quân nội hầu trụ cột quốc gia Thiếu uý Trương Chiến đứng đầu quân thiết kỵ hết lòng hết sức ở trận Mường Cốc, phò vua dẹp yên giặc phương Bắc khôi phục nước nhà, vì nước quên mình, trước sau nhiều huân công to lớn toàn vẹn vì vận mệnh quốc gia. Do đó, vâng theo chiếu chỉ phục hồi đất nước phồn vinh có triệu mưu lược trừ bọn cuồng tặc phản loạn ở nơi xa. Công đức muôn đời ơn soi sáng mãi. Được phong thêm Tứ trụ Thái Bảo Lý Quận Công trụ cột quốc gia Lê Chiến, ban thưởng Tướng công vì có cả văn công võ công tên thuỵ Trực Chính"
     Điều đặc biệt là ở Hải Hoà vẫn giữ họ Lê Trương suốt 6 thế kỷ nay. Mặc dù từ thời Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông đã cho phép con cháu các bậc Khai quốc công thần được trở lại họ gốc của mình để thờ phụng tổ tiên nhưng  hậu duệ của 2 cụ tại quê nhà vẫn giữ họ vua ban (Lê) và họ gốc (Trương) rồi ghép thành họ Lê Trương. Dòng họ Lê Trương đã trở thành một trong dòng họ lớn ở đây (70 hộ với hơn 400 nhân khẩu trong đó có 226 suất đinh).
 Các thế hệ Lê Trương luôn tự hào và nối tiếp được truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, quân sự…Trong hệ thống cán bộ lãnh đạo xã, huyện Tĩnh Gia thì người họ Lê Trương giữ vai trò nòng cốt và được nhân dân rất tín nhiệm (ông Lê Trương Hương từng làm Bí thư Đảng uỷ xã Hải Hoà 3 khoá, ông Lê trương Hoà cũng 2 khoá  giữ chức Chủ tịch UBND thị trấn tĩnh Gia)). Trong các cuộc chống Pháp và chống Mỹ, họ Lê Trương có hơn 20 liệt sĩ và 1 Bà Mẹ VNAH  ( mẹ của Liệt sĩ Lê Trương Huơn - phi công chiến đấu thời kỳ 1964 - 1972).
 Theo các  bậc cao niên: Đền thờ Bình Ngô khai quốc công thần Trương Lôi – Trương Chiến vẫn giữ nguyên mẫu ban đầu và trải qua nhiều lần tu sửa : 1719, 1757,  1910, 2008. Theo điển chế vương tước thời Lê: triều đình cấp 1000 quan tiền để lập nhà thờ và 3 mẫu ruộng để có hoa lợi cúng tế.
Cũng theo điển lệ, hàng năm ngoài việc cúng tế 2 cụ đại công thần ở đền thờ quê nhà vào ngày giỗ 15 tháng 8 âm lịch thì dòng họ Lê Trương còn có 2 cuộc cúng tế lớn đối với Nhà Lê ở đền Bố Vệ (thuộc Thành phố Thanh Hoá) và đền thờ vua Lê Thái Tổ ở Lam Kinh vào ngày 22 tháng 8 âm lịch.
Còn việc sử dụng 3 mẫu ruộng vào cúng tế được duy trì đều đặn qua các triều đại nhưng mấy chục năm nay có sự thay đổi đáng kể: sau Cách mạng tháng 8/1945 còn lại 11 sào. Năm 1955 cải cách ruộng đất lại bị rút đi chỉ còn 2,8 sào. Đến 1959- 1960, thì 2,8 sào ấy đã dồn hết vào hợp tác xã.
Từ đó đến nay, mọi việc thờ cúng, tu sửa đền thờ Bình Ngô khai quốc công thần Trương Lôi – Trương Chiến đều do mọi người trong dòng họ Lê Trương tại quê gốc tự lo liệu tu sửa. Cũng nhờ sự tâm huyết gìn giữ dấu ấn thiêng tiên tổ của các chi nhánh trong dòng họ Lê Trương ở Hải Hoà mà sau 600 năm trải qua bao cuộc thăng trầm đổ vỡ…đền thờ Bình Ngô khai quốc công thần Trương Lôi – Trương Chiến vẫn trường tồn nét son lịch sử để hậu duệ họ Trương các vùng miền trở về tụ hội chiêm bái và nhận họ hàng thân tộc.
* Cuộc hội ngộ cảm động sau 6 thế kỷ:
Sau khi lễ Tổ và trò chuyện với ông Lê Trương Hương và anh Lê Trương Châu về di tích và việc kết nối dòng họ… nhìn đồng hồ đã 6h tối và lại nhận được điện thoại của PGS -TS Trương Quốc Bình - Phó Chủ  tịch Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời là:  6 h30 sáng mai (ngày 16/3/2012) phải có mặt tại Hà Nội, cùng Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời đi dự Lễ hội kỷ niệm 228 năm ngày khởi nghĩa Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) theo lời mời của hậu duệ cụ Hoàng Hoa Thám (tức Trương Văn Thám).
Vì vậy, tôi phải vội quay về Hà Nội, nhờ anh Lê Trương Châu chở xe máy ra thị trấn Tĩnh Gia (khu vực đối diện chợ Còng) để đón xe bus đường dài, về đến Hà Nội đã hơn 12 h đêm.
Ngay sau chuyến đi, tôi thông tin về việc đã tìm được quê gốc và đền thờ cha con 2 cụ Liệt Tổ Trương Lôi - Trương Chiến, ông Trương Anh Tuấn (Trưởng họ Trương ở Như Quỳnh, Mỹ Văn, Văn Lâm, Hưng Yên) và các chi họ Trương Kinh Bắc vô cùng phấn khởi, nhanh chóng lên chương trình vào Thanh Hoá lễ Tổ và nhận họ. 3h đêm 22/3/2012 đoàn khởi hành từ Thị trấn Như Quỳnh. Vượt đường xa dặm thẳm trong hoàn cảnh mưa gió tầm tã nhưng ai nấy đều háo hức, hồi hộp, không ngủ được, chỉ mong chóng tới "cố hương". 9 h sáng 23/3/2012 đoàn có mặt tại đền thờ ở thôn Tiền Phong (Hải Hoà - Tĩnh Gia).
Đoàn đại diện họ Trương Như Quỳnh gồm các ông: Trương Anh Tuấn (Trưởng đoàn), Trương Văn Thung, Trương Văn Đương, Trương Văn Lương, Trương Văn Nhiên, Trương Văn Thuyên, Trương Văn Phấn, Trương Văn Hách, Trương Văn Tùng, Trương Văn Nghĩa, Trương Văn Lễ, Trương Văn Huấn, Trương Văn Hùng, Trương Văn Tá, Trương Văn Tấn, Trương Văn Ý, Trương Anh Tuấn, Trương Anh Thắng, Đỗ Đức Huấn (cháu ngoại họ) và các bà: Lê Thị Phúc (con dâu họ),  nhà thơ – nhà báo Trương Thị Kim Dung.
 Họ Lê Trương ở Hải Hòa gồm có các ông: (đại diện cho 4 chi): Lê Trương Liên, Lê Trương Bô, Lê Trương Điệp, Lê Trương Vĩ, Lê Trương Khải, Lê Trương Đào, Lê Trương Khoát, Lê Trương Toàn, Lê Trương Ngãi, Lê Trương Hương, Lê Trương Châu, Lê Trương Hòe, Lê Trương Thế, Lê Trương Lực…cùng các con cháu, dâu rể.
  Mọi người gặp nhau vui mừng khôn xiết, ông Trương Anh Tuấn - trưởng họ Trương Như Quỳnh xúc động đến nỗi vừa đọc chúc văn lễ Tổ vừa khóc. Cuộc hội ngộ diễn ra vô cùng cảm động sau 600 năm biệt phái phân chi kể từ khi 2 đức Liệt Tổ được triều đình Nhà Lê cử ra trấn thủ biên cương phía Bắc và được phong trang ấp ở vùng Yên Thế (Bắc Giang) và Hữu Lũng  (địa phận giáp giới giữa tỉnh Bắc Giang với tỉnh Lạng Sơn).
Sau khi lễ Tổ, họ Lê Trương ở Hải Hoà và họ Trương Như Quỳnh có cuộc tọa đàm về quê gốc, phả hệ, di tích dòng họ và những hoạt động hưóng tới Đại hội Trương tộc toàn quốc lần đầu tiên sẽ tổ chức vào tháng 10/2012.
Sau cuộc Toạ đàm giới thiệu, trao đổi  và nối kết phả hệ, mọi người cùng nhau thụ lộc, chung vui bữa cơm mang hương vị đặc sản vùng biển trong không khí đầm ấm tình thân tộc.
Buổi chiều chia tay đầy quyến luyến, tất cả hẹn nhau sẽ lại hội tụ tại đền thờ Bình Ngô khai quốc công thần Trương Lôi - Trương Chiến vào dịp giỗ Tổ: Rằm tháng Tám.
 
Một số hình ảnh về cuộc gặp mặt của dòng họ
 
ông Lê Trương Hương và anh Lê Trương Châu tại đền thờ


Ông Lê Trương Bô (88 tuổi) xúc động nói: "Hôm nay là ngày vui nhất đời tôi,
vừa từ Đồng Nai ra thăm quê được gặp cuộc hội ngộ dòng họ đầy ý nghĩa này"



Dâng hương lễ Tổ


Ông Lê Trương Hoè (nguyên Chủ tịch UBND thị trấn tĩnh Gia 2 khoá)
phát biểu về lịch sử dòng họ Lê Trương ở Hải Hoà tại Toạ đàm  nối kết phả hệ



Ông Trương Anh Tuấn - Trưởng họ Trương Như Quỳnh giới thiệu
phả đồ và tộc phả 27 đời ( 5 tập gồm 2350 trang). của chi họ Trương Như Quỳnh  tại Toạ đàm


 
Chụp ảnh kỷ niệm cuộc hội ngộ sau 6 thế kỷ
 

             
                  

Những tin cũ hơn

Thư mời đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử Nhà thờ tộc và lăng mộ tiền hiền tộc Trương Công Thanh Quýt

Thư mời đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử Nhà thờ tộc và lăng mộ tiền hiền tộc Trương Công Thanh Quýt

— 22 Tháng Năm 2017

Quyết định số 4451/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam đã xếp hạng di tích lịch sử cho 4 di tích thuộc huyện Điện Bàn. Trong đó, xã Điện Thắng Trung có 3 di tích là nhà Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ , nhà thờ tộc và mộ Tiền hiền tộc Trương Công.

Nhà thờ tộc Trương Công và lăng mộ ngài Thái thủy tổ làng Thanh Quýt được xếp hạng di tích lịch sử

Nhà thờ tộc Trương Công và lăng mộ ngài Thái thủy tổ làng Thanh Quýt được xếp hạng di tích lịch sử

— 22 Tháng Năm 2017

Ngày 30/12/2011 UBND tỉnh Quảng Nam đã ra Quyết định số 4451/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh cho 7 di tích trên địa bàn tỉnh, trong đó huyện Duy Xuyên có di tích lịch sử Đình Mỹ Xuyên Đông, tại Thị trấn Nam Phước, huyện Quế sơn có di tích lịch sử Đình làng Châu Sơn, tại xã Quế An, huyện Hiệp Đức có di tích lịch sử Đình thị Việt An, tại xã Bình Lâm. Đặc biệt là huyện Điện Bàn đợt này có 4 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Đó là di tích lịch sử Vụ thảm sát tại Nhà thờ Tộc Đinh tại xã Điện Dương, di tích lịch sử Nhà Mẹ VNAH nguyễn Thị Thứ tại xã Điện Thắng Trung, di tích lịch sử Nhà thờ và mộ Tiền hiền tộc Trương tại xã Điện Thắng Nam và xã Điện Thắng Trung, di tích lịch sử Đình An Nhơn tại xã Điện Phương.

Hình ảnh nhà thờ họ Trương tại thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định

Hình ảnh nhà thờ họ Trương tại thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định

— 22 Tháng Năm 2017

Nhà thờ họ Trương tọa lạc tại khu C, thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đang ngày càng được trùng tu và tôn tạo là nơi để con cháu họ Trương tụ họp những ngày lễ, tết để tưởng nhớ công ơn các bậc Tiền bối đã có công tạo dựng làng xã và dấu ấn Trương tộc tại vùng đất này. Nơi đây còn có tên gọi khác là làng VẠN ĐIỂM, tương truyền tên làng là do cụ tổ họ Trương về đây lập nghiệp đặt tên cũng như nguồn gốc của làng VẠN ĐIỂM tại Thường Tín, Hà Nội hiện nay. Cổng làng VẠN ĐIỂM được xây dựng gần đây nằm trên đường 57 con đường chủ đạo của huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Mồng một tết ở quê

Mồng một tết ở quê

— 22 Tháng Năm 2017

"Gần 50 năm sau ngày rời quê, năm nay tôi mới có dịp đón giao thừa ở chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình". Đó là lời tâm sự của nhà báo Trương Điện Thắng khi đón giao thừa năm Nhâm Thìn tại quê hương ở Thanh Quýt, Điện Bàn, Quảng Nam.

Đầu xuân tìm về nguồn cội

Đầu xuân tìm về nguồn cội

— 22 Tháng Năm 2017

TRUONGTOC.VN - Nhân chuyến về quê ăn Tết năm nay, lần đầu tiên tôi bước chân đến vùng biển Mỹ Khê, huyện Sơn Tịnh, Qủang Ngãi vào ngày mùng 6 tết Nhâm Thìn. Mặc dù biết rằng mình có xuất xứ từ dòng họ Trương ở Mỹ Khê, nhưng chưa một lần đền vùng đất biển mặn này.