Báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng họ Trương lâm thời Việt Nam và phương hướng nhiệm vụ của Hội đồng họ Trương Việt Nam trong nhiệm kỳ 2013 - 2018

01:18 - 22/05/2017 Tin tổng hợp Admin 2122
 Đẩy mạnh việc phát huy truyền thống vẻ vang của họ Trương ở Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
      ( Báo cáo tại Đại hội đại biểu toàn quốc Họ Trương Việt Nam lần thứ nhất)
 
PGS.TS Trương Quốc Bình
Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia
Phó Chủ tịch Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời
 
Phần thứ nhất
Họ Trương trong lịch sử Việt Nam
 
I- Những đặc điểm cơ bản về sự hình thành và phát triển của họ Trương trong lịch sử Việt Nam
Theo thống kê bước đầu, hiện có gần 300 tộc Trương tại Việt Nam , phân bố ở gần 50 tỉnh thành trong toàn quốc. Tuy không phải là dòng họ có số lượng người đông như một số họ khác (Nguyễn, Trần, Lê, Lý, Hoàng…) nhưng người Họ Trương đã xuất hiện khá sớm từ buổi đầu dựng nước. Và trong  suốt lịch sử hình thành và phát triển của quốc gia dân tộc, những người họ Trương luôn kề vai sát cánh cùng bách gia trăm họ trong sự nghiệp xây dựng và  bảo vệ Tổ quốc, tôn vinh bản sắc văn hóa Việt bằng tâm huyết trí tuệ của mình:
“Yến dực di mưu vinh Bắc địa/ Hồng cơ biệt phái nhẫn Trương môn” (Đất Bắc đời sau dành vinh hiển/Nhà Trương nhẫn nại dấy Lạc Hồng).
Họ Trương thuộc nguồn gốc Bách Việt ( Bách Việt có nghĩa là: một trăm bộ lạc Việt), vì vậy ta có sự tích Lạc Long Quân – Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng để nói về tình đoàn kết keo sơn (đồng bào - cùng một bọc) giữa các bộ lạc Việt.
Theo “Đại việt sử ký toàn thư”  (Quyển I. Kỷ Hồng Bàng thị): "Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang. Nước này đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam". Còn sách Hán Thư viết: "Trong vòng bảy hoặc tám nghìn dặm từ Giao Chỉ tới Cối Kê (thuộc vùng Bắc Chiết Giang), ở đâu cũng có Bách Việt, mỗi nhóm có các thị tộc của mình."
 Các tư liệu lịch sử kết hợp với các tư liệu khảo cổ, dân tộc học… cùng các di tích văn hóa trong lòng đất đã cho thấy: các dân tộc trên đất Việt Nam cùng các dân tộc ở phía nam Trường Giang ( tức sông Dương Tử )  là có chung một quan hệ về chủng tộc, về lịch sử, và địa bàn cư trú của Bách Việt (một trăm tộc Việt). Chẳng thế mà các địa danh phía Nam Trường Giang đều gắn theo chữ Việt: Thiết Giang = Ô Việt, Phúc Kiến = Mân Việt, Giang Tây = Dương Việt, Hồ Nam = Kinh Việt, Quảng Ðông = Nam Việt, Ðảo Hải Nam = Lê Việt, Quảng Tây = Quế Việt, Vân Nam = Ðiền Việt, Bắc Việt Nam xưa gọi là Lạc Việt.
Theo các nhà nhân chủng học, thì xa xưa, cách đây hàng vạn năm, có các tộc người thuộc đại chủng Australoide từ phía Nam tràn lên phía Bắc, rồi sau đó các tộc người đại chủng Mongoloide từ phía Bắc và Tây Bắc lại chuyển xuống phía Nam , hỗn huyết với các tộc Australoide mà hình thành các tộc Indonesien. Các tộc Mongoloide lại tiếp tục tràn xuống phía Nam,  hỗn huyết với các tộc Indonnesien tạo ra các tộc Nam Mongoloide cư trú ở Nam Trung Quốc và ở Ðông Nam Á, trong đó có các bộ tộc Việt, tuỳ theo mức lai chủng đậm nhạt mà hình thành các tộc đa số hay thiểu số sau này
Như vậy trước khi mà biên giới Việt - Trung chưa phân định như hiện nay, thì cộng đồng người Việt đã có những quan hệ chặt chẽ với nhau về chủng tộc, về văn hóa, về kinh tế xã hội v.v... và có sự biến động, di chuyển liên tục về phía Nam, rồi hòa huyết trong quá trình cộng cư với các thổ dân mà nguồn gốc là tổ tiên người Việt
Các tư liệu truyền thuyết, dã sử đã nhắc đến sự có mặt của những người họ Trương từ thời Hùng Vương như những cư dân bản địa  tại khu vực của văn minh sông Hồng, một trong những cái nôi của văn minh Việt cổ. Đồng thời, quá trình hòa huyết với các bộ tộc gốc Bách Việt trước giai đoạn ảnh hưởng của văn hóa Hán trong quá trình phát triển kinh tế xã hội tạo nên sự phát triển tất yếu của những người họ Trương cùng các tộc họ khác ở Việt Nam
Theo tư liệu Gia phả hiện hữu (bản phả "Trương tộc thế phả Nhân Mục cựu, tổng Khương Thượng, trấn Sơn Nam" số A793 lưu trữ tại Viện Hán Nôm) thì một trong những người Họ Trương đầu tiên đi cư từ nước Yên xuống Nam Việt (Đại Viêt -Việt Nam) là cụ Trương Tư Trực vào năm 316 TCN, cách nay 2329 năm và cụ đã lập nên ấp Hạ Đình (hiện Kẻ Mọc gồm 7 làng Mọc vẫn tổ chức lễ hội hàng Tổng và thờ các cụ Trương ở đình, đền, chùa).tức là thiên di rất sớm xuống phía Nam trước khi Tần Thủy Hoàng tiến hành cuộc giao chiến với Bách Việt
Về cơ bản, sự hình thành và phát triển của các tộc Họ Trương ở Việt Nam gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của quốc gia dân tộc, gắn liền với quá trình tụ cư, hỗn cư và hợp cư của cộng đồng cư dân của quốc gia dân tộc Việt Nam mà trung tâm cư trú lớn và lâu đời là miền Bắc và miền Trung Việt Nam.
 Theo các nguồn tài liệu dân gian, thần phả tại một số đình , đền , miếu thì vai trò của những người họ Trương đã được đề cập và tôn vinh như các đấng Thân Mẫu của các  kiệt tướng  thời đại các Vua Hùng.
 Đó là Thánh mẫu Trương Thị Chước: người sinh ra Uyên Dung Quảng Bác Đại Vương Đỗ Phụng Trân - kiệt tướng thời Hùng vương thứ VI được thờ tại  Đình La Uyên (được gọi theo tên làng thuộc xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).
Đó là  Trương Thị Nhật- Phu nhân của tướng quân Đinh Công Bách Lạc tướng kiệt xuất thời Hùng Vương thứ 18 ( căn cứ vào Thần phả, Thần tích và nội dung của  tấm bia đá cổ “Sự tích thần bi ký” tại Đình làng Doãn thượng, xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh)
 Đó cũng là Phu nhân Trương Thị Hảo – người sinh 3 tướng thời Hùng vương thứ 18: Sùng Công, Quý Minh, Tĩnh Minh…
Lịch sử hình thành và phát triển của các tộc Trương cũng đồng thời gắn liền với quá trình xây dựng và bảo vệ quốc gia Việt Nam của cha ông ta từ hàng ngàn năm nay. Trong quá trình đó, có một số tộc Trương di cư từ miền Bắc vào miền Trung và ngược lại, có không ít tộc Trương tại miền Bắc lại có gốc tích từ các tỉnh miền Trung hiện nay.
Sự hình thành các tộc Trương ở khu vực Trung bộ  diễn ra đồng thời với quá trình hinh thành các trung tâm cư trú quan trọng của người  Việt từ phía nam Đèo Ngang đến bắc Đèo Hải Vân và tiếp đó là Xứ Quảng với sự hiện diện của các tộc Trương hầu hết có gốc tích từ Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh được vua Lê Thánh Tông (thế kỷ XV) và chúa Nguyễn (thế kỷ XVI) đưa vào để khai khẩn vùng đất rộng lớn từ phía Nam Đèo Hải Vân đến tận phía bắc Đèo Cù Mông, trong đó có cả các vùng biển và hải đảo như Lý Sơn, Hoàng Sa… thuộc chủ quyền của quốc gia Đại Việt.
Tiếp đó, khi địa vực quốc gia tiếp tục được mở rộng về phương Nam, trong làn sóng di cư chung của nhiều tộc họ là thần dân của Nhà Nguyễn,  có các tộc Trương hình thành và định cư tại những vùng đất mới từ các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa đến các tỉnh miền Tây như Long An, Tiền Giang, Bến Tre,Cà Mau, Cần Thơ và các khu vực biên giới với Cao Miên như huyện Tân Biên, tỉnh An Giang.
Về thành phần dân tộc, ở Việt Nam, ngoài các tộc Trương là người Kinh là chủ yếu, có tộc Trương  là người  Sán Dìu ( quê gốc từ  Đáp Cầu thiên di đến Quý Sơn Lục Ngạn rồi về định cư ở Yên Thế  – Bắc Giang), một số tôc Trương là người Mường, tiêu biểu là các tộc Trương tại Bá Thước (huyện Cẩm Thủy) và Vân Đình (huyện Thạch Thành), Thanh Hóa hoặc Quỳ Hợp (Nghệ An), Đồng thời, có không ít tộc Trương là người  từ vùng Luỡng Quảng thuộc Bach Viet sang Việt Nam từ đầu thời Lê sơ ( như các tộc Trương tại Diễn Kỷ, Diễn Châu, Nghệ An, tộc Trương ở Trà Châu, Thanh Liêm, Hà Nam),  hoặc một số tộc Trương từ Phúc Kiến di cư sang Việt Nam sau khi nhà Thanh lật đổ nhà Minh ở Trung Quốc ( tộc Trương tại Hội An, Họ Trương Quang tại làng Phụng Tây, nay là thôn Phước Mỹ, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.;các tộc Trương gốc Hoa tại TP Hồ Chí Minh…) đã và đang là công dân Việt Nam từ nhiều đời. Bên cạnh đó, còn có một số tộc Trương gốc Chăm tiêu biểu là  tộc Trương ở Mai Dịch, Hà Nội đã định cư và Việt hóa từ vài trăm năm nay ngay giữa đất kinh kỳ và được hưởng không ít những đặc ân của triều đình phong kiến.

II- Người họ Trương  trong lịch sử Việt Nam
 
Từ hàng nghìn năm nay, do những đặc điểm lịch sử - văn hóa, các thế hệ bà con, anh em họ Trương ở Việt Nam, dù có hay không mối quan hệ huyết thống trực hệ, dù chưa tìm ra nguồn gốc xuất xứ ban đầu, nhưng đã kề vai sát cánh cùng bách gia trăm họ trong toàn quốc để chung sức, chung tay trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của quốc gia dân tộc.
Trong lịch sử xây dựng và bảo vệ quốc gia dân tộc, có không ít người họ Trương đã có những đóng góp to lớn được lưu danh muôn thủa.
Ngay trong thời kỳ Bắc thuộc, vào thế kỷ VI, các danh tướng Trương Hống - Trương Hát đã đã có công lớn giúp Triệu Việt Vương đánh quân xâm lược  phương Bắc. Theo một số tư liệu lịch sử, tương truyền hai Ngài cũng  là tác giả của bài thơ” Thần”( Nam quốc sơn hà) mà sau này được Lý Thường Kiệt đã sử dụng  như một vũ khí tinh thần lợi hại trong sự nghiệp kháng chiến chống Tống và được coi là  một tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc. Vì những chiến công hiển hách đó, cho đến nay, cả  hai Ngài đã được thờ là Thành Hoàng, dưới tên Đức Thánh Tam Giang, tại 372 làng trải dài 2 bên bờ sông Cầu (còn gọi là sông Như Nguyệt) từ thượng nguồn Đu Đuổm (Thái Nguyên) đến hạ lưu Lục Đầu (giáp giới Quế Võ - Bắc Ninh và Chí Linh - Hải Dương), .trong đó có những di tích lịch sử quốc gia nổi tiếng như Đình Diềm, Bắc Ninh.
Tiếp đó, vào thế kỷ VII có Thái vương  Trương Nữu (737-791) người trang Du Lễ (nay thuộc thôn Du Lễ, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) là tướng khởi nghĩa có công trong cuộc nổi dậy của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng chống lại ách đô hộ hà khắc của Nhà Đường dưới thời Bắc thuộc.
Lịch sử Việt Nam thời phong kiến độc lập tự chủ đã dành những trang chói lọi để chép về sự nghiệp và công tích của không ít danh nhân  Họ Trương như các vị :
- Trương Hán Siêu  một danh sĩ nổi tiếng đời Trần, tính tình cương nghị, học vấn uyên thâm là tác giả của bài phú “ Bạch đằng giang” nổi tiếng. Ông tham dự cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai và thứ ba. Năm 1308, ông được vua Trần Anh Tông bổ Hàn lâm học sĩ. Đời Trần Minh Tông giữ chức Hành khiển. Sang đời Trần Hiến Tông năm 1339 làm Môn hạ hữu ty lang trung, đến đời Trần Dụ Tông năm 1342 đổi sang Tả ty lang trung kiêm Kinh lược sứ ở Lạng Giang, rồi thăng Tả gián nghị đại phu năm 1345 và năm 1351 làm Tham tri chính sự.lúc chết được tặng tước Thái bảo, Thái Phó và được thờ ở văn Miếu.
- Ngài Trương Công Tào là vị quan bộ Lễ. cộng tác với danh thần Nguyễn Trãi giúp vua mở ra triều đại nhà Lê sáng chói. Con cháu của ngài về sau có nhiều người thành danh như Tiến sĩ Thượng thư Trương Công Giai ( 1665- 1728) nổi tiếng là “Quan tiết bất đáo- một vị quan thanh liêm dưới hai triều Lê- Trịnh
  -Thượng thư Trương Công Hy( 1727-1800) đời thứ 7 dòng tộc Trương Công tại Thanh Quýt, huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam.. Là thầy dạy của ấu chúa Nguyễn Phúc Dương, thi đỗ Tứ trường dưới triều Chúa Nguyễn Phúc Khoát, đến triều Tây Sơn Trương Công Hy lần lượt giữ các chức vụ Tri phủ Điện Bàn, Trấn thủ Quảng Nam, Lại Bộ thượng thư...
- Danh thần, Phụ chính đại thần, Văn minh điện Đại học sĩ.Trương Đăng Quế (1793-1865) người Quảng Ngãi (gốc Hà Tĩnh), là một quan đại thần, đồng thời là một danh sĩ, đóng vai trò quan trọng trong thời các vua Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức.
Trong cuộc đời 44 năm làm quan (1819-1863), Trương Đăng Quế thể hiện lòng trung thành, công minh, liêm chính của mình bằng cách hết lòng với công việc triều chính. Một trong những đóng góp đặc sắc nhất chính là hoàn thành việc đạc điền và lập điền bạ trên vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng. Đây chính là một đóng góp to lớn vào công việc hoàn thiện lãnh thổ Quốc gia và phục hưng đất nước, đặc biệt với vùng đất phương Nam.
 Đồng thời, cũng vào thời  nhà Nguyễn, còn có một vị người họ Trương khác có công lao lớn với việc mở cõi ở vùng đất Nam Bộ (đặc biệt là Sài Gòn - Gia Định ) là  tướng Trương Phúc Phan.
Trong lịch sử khoa cử Việt Nam thời phong kiến, Họ Trương Việt Nam tự hào có khá nhiều người đỗ đạt . Vào thời Trần, có 4  người đỗ Đại khoa là các vị:
1. Trạng nguyên Trương Hanh:  người làng Mạnh Tân (Yên Tân), huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng, Hải Dương (nay là xã Gia Lương, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, đỗ đệ nhất giáp kỳ thi Thái học sinh năm Kiến Trung thứ 8 (Nhâm Thìn, 1232), đời vua Trần Thái Tông. làm Hàn lâm học sĩ (là chủ quan của Hàn lâm viện có trình độ học vấn uyên thâm, chuyên nắm việc chế cáo, sử sách, văn hàn, làm cố vấn cho vua Trần Thái Tông trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông) rồi thăng đến chức Thượng Thư (Bộ trưởng của một trong bốn Bộ của Triều đình lúc bấy giờ). Ngài là người đỗ Đại Khoa (Tiến Sĩ) sớm nhất của vùng Gia Lộc thời đó và cũng là người họ Trương đỗ đạt khoa cử sớm nhất được ghi chép lại trong sử sách.Khi cụ  mất, người dân lập đền miếu thờ tại quê nhà và  coi cụ là Thành hoàng làng
2. Trạng nguyên Trương Xán người xã Hoành Bồ, huyện Quảng Trạch,  châu Bố Chính (Quảng Bình) đỗ Trại Trạng Nguyên khoa Bính Thìn, niên hiệu Nguyên Phong thứ 6 (1256, Tống Bảo Hựu năm thứ 4) đời vua Trần Thái Tông, Trương Xán  làm quan đến chức Hàn lâm Học sĩ. Khi cụ tạ thế, một số làng chài đã lập đền thờ và suy tôn như một vị Phúc thần chuyên cứu giúp những người đi biển.
3. Thám Hoa Trương Phóng (húy Trương Tích Đãng) quê  ở Thanh Hóa
4. Tiến sĩ Trương Đỗ. nguyên quán làng Phù Đới, huyện Đồng Lại (nay là Thôn Phù Tải, Thanh Giang, Thanh Miện, Hải Dương) đỗ Tiến sĩ và làm   Ngự sử Đại phu vào nửa sau thế kỷ XIV.
Thời Hậu Lê: có 11 người đỗ Tiến sĩ  được ghi danh trên bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Thăng Long- Hà Nội)  là các vị :
1. Trương Đức Quang, người xã Ngọc Xuyết, huyện Hoằng Hóa (nay thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), đã đỗ Đệ Nhị Giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Tuất niên hiện Cảnh Thống  năm thứ 5 (1502). Ông làm quan Đề hình Giám sát Ngự sử và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (TrungQuốc).
2. Trương Quang Tiền (1615-1677) người xã Kim Hoạch, huyện Thụy Nguyên (nay thuộc xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa), đã đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Canh Thìn niên hiệu Dương Hòa năm thứ 6 (1640). Ông làm quan Đông các Hiệu thư, tước Mai Lâm tử. Sau ông đổi tên là Trương Luận Đạo.
3. Trương Quang Trạch (1641-?) người xã Tông Lỗ huyện Thạch Hà (nay là thuộc huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh). Ông giữ các chức quan, như Đề hình Giám sát Ngự sử, Đốc trấn Cao Bằng. Sau ông bị bãi chức
4. Trương Hữu Hiệu (1632-1696) người xã Thiên Linh, huyện Ngọc Sơn (nay thuộc huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Trị năm thứ 1 (1676). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.
5. Trương Công (1665-?) người sở Thiên Kiện, huyện Thanh Liêm (nay thuộc xã Thanh Tâm huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu niên hiệu Chính Hòa năm thứ 6 (1685). Ông giữ các chức quan, như Thượng thư Bộ Hình, Thượng thư Bộ Công kiêm Quốc tử giám Tế tửu, tước Lỵ Quận công. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thiếu bảo. Sau ông đổi tên là Trương Công Giai.
6. Trương Minh Lượng (1636-?) người xã Nguyễn Xá, huyện Duy Tiên (nay thuộc xã Tiên Nội huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn niên hiệu Chính Hòa năm thứ 21 (1700). Ông làm quan Tự khanh.
7. Trương Hữu Thiệu (1687-?) người xã Thiên Linh, huyện Ngọc Sơn (nay thuộc huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 14 (1718). Ông trước đỗ khoa Sĩ vọng, làm quan Huấn đạo, thăng Giám sát
8. Trương Thì (1701-?) người xã Nhân Mục, Cựu huyện Thanh Trì (nay phường Khương Đình quận Thanh Xuân Tp. Hà Nội). Ông đỗ Đệ nhị giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu niên hiệu Bảo Thái năm thứ 2 (1721). Ông làm quan Hàn lâm Hiệu thảo.
9. Trương Nguyễn Điều (1685-?) người xã Xuân Canh, huyện Đông Ngàn (nay là xã Xuân Canh huyện Đông Anh Tp. Hà Nội), trú quán xã Hàn Lạc huyện Gia Lâm (nay thuộc xã Phú Thị huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Sửu niên hiệu Long Đức năm thứ 2 (1733). Ông làm quan Đề hình Giám sát Ngự sử. Có tài liệu ghi là Trương Hữu Điều
10. Trương Đình Tuyên (1713-?) người phường Công Bộ, huyện Quảng Đức (nay thuộc quận Ba Đình Tp. Hà Nội). Ông đỗ Đệ nhị giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 5 (1739). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Công.
11. Trương Đăng Quỹ (1733-?) người xã Thanh Nê, huyện Chân Định (nay thuộc huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 27 (1766). Ông giữ các chức quan, như Thừa chính sứ, Bồi tụng, Đồng bình chương sự.
 Thời Lê- Trịnh và Nguyễn: có 8 vị Tạo Sĩ (Tiến sĩ ngạch Võ) và riêng thời Nguyễn đã có tới 46 vị đỗ Tiến sĩ ngạch Văn  là những người họ Trương.
Trong sự nghiệp kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, sử sách còn ghi tác công lao của nhiều vị tiền bối họ Trương:
Vừa là danh sỹ, Trương Hán Siêu cũng đồng thời là danh tướng, trực tiếp cầm quân đánh trận tại nhiều nơi, thậm chí vào đến tận Quảng Ngãi.
Đến thế kỷ XV, thời Lê sơ, có  cha con Bình Ngô khai quốc công thần Trương Lôi - Trương Chiến là 2 trong 18 chiến tướng của "Hội thề Lũng Nhai" (năm 1416) và đóng vai trò nòng cốt của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (năm 1418), tham gia chỉ huy trận quyết chiến lược Chi Lăng đánh quân Minh xâm lược giải phóng đất nước (năm 1428). Tiếp đó, ngài Trương Công Lang được Lê Lợi phong tướng vào bình Chiêm năm 1493.
 Thời các chúa Nguyễn Hoàng, ngài Trương Trung Hiếu gốc  Hà Trung, Thanh Hóa vào Quảng Bình đảm nhận chức Quản lãnh quân cơ
Trong cuộc cách mạng nông dân Tây Sơn vĩ đại, đã có không ít võ sư nổi danh là người họ Trương tham gia huấn luyện, tư vấn về binh pháp cho các lãnh tụ chủ chốt như Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ… Đó là các vị: Trương Văn Hiến  là thầy dạy võ và cố vấn binh thư cho ba anh em nhà Tây Sơn, Trương Văn Đa, Đại Đô đốc Trương Văn Luân ;Đại đô đốc Trương Đăng Đồ,  Chưởng Viện cơ mật Trương Mỹ Ngọc…
 Ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp ở nửa sau của thế kỷ XIX, có không ít danh nhân, danh tướng là người họ Trương, như:
-Bình Tây đại nguyên soái Trương Công Định (1820-1864), lãnh tụ khởi nghĩa kháng Pháp,
- Đại thần Danh sĩ, Thượng thư, Tổng tài Quốc sử quán Trương Quốc Dụng (1797-1864).
- Trương Gia Hội  (1822-1877) nhân sĩ, đỗ cùng khóa với Nguyễn Thông, Phan Văn Trị. Ông từng qua các chức vụ Huấn đạo tri phủ, Giám sát ngự sử, Lang trung bộ Binh…Khi Pháp chiếm Nam Kỳ ông cùng Nguyễn Thông "Tị địa" (tản cư) lo việc hiệp thương với Pháp. Mặt khác ông chuẩn bị lực lượng kháng chiến ở miền Bắc. Rồi đi nhận nhiệm vụ Tuần phủ  Thuận Khánh và mất tại đây ngày 10-11-1877. Các con ông là Trương Gia TôngTrương Gia Mô sau này đều là những chí sĩ cứu nước.
- Một trong nhưng tấm gương sáng ngời trong buổi đầu của sự nghiệp kháng chiến chống Pháp  là Trương Văn Thám tức Hoàng Hoa Thám ( 1858-1913),  người họ Trương gốc từ Hưng Yên,  lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế nổi tiếng.
Từ đầu thế kỷ XX đến những thập kỷ sau, phát huy truyền thống yêu nước  của dân tộc, không ít con em người họ Trương đã sớm giác ngộ Cách mạng  và tích cực  tham gia các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc mà đỉnh cao là Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Có không ít người họ Trương ở các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã trở thành những chiến sỹ cộng sản kiên cường trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.
Có không ít Đảng viên Đảng Cộng sản là người họ Trương đảm nhận các chức vụ chủ chốt tại cơ quan Đảng và Chính quyền các cấp từ giai đoạn Tiền khởi nghĩa và Cách mạng Tháng Tám như các ông Trương Đỗ Uông ( tức Nguyễn Văn Lộc), nguyên Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc kỳ, họ Trương ở Tảo Khê, Ứng Hòa, Hà Nội;  Trương Đỗ Hòe, nguyên Chủ tịch UBHC Kháng chiến Ninh Bìn...
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có hàng vạn gia đình Họ Trương trong toàn quốc đã không tiếc máu xương, tiền của tham gia vào sự nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc. Trong số này, đã có không ít những người được phong tặng, và truy tặng những danh hiệu cao quý: các Liệt sỹ chống Pháp, chống Mỹ, Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Dũng sỹ diệt Mỹ…không ít người đã trở thành những tấm gương kiên trung, bất khuất đấu tranh trong các nhà tù của quân thù.
Trong thời kỳ hiện tại,  có khá nhiều người Họ Trương đã và đang nắm giữ những trọng trách trong bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước như các vị: Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trương Vĩnh Trọng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trương Quang Được - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị nguyên Phó Chủ tịch Quốc Hội, Trương Mỹ Hoa - nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Trương Đỗ Huông ( tức Nguyễn Văn Lộc) - nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Chính phủ, Trương Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng,Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Trương Thị Mai - Uỷ viên Trung ương Đảng , Ủy viên Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội,Trương Đình Tuyển - nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại …
Bên cạnh đó, có không ít  người họ Trương đã và đang nắm giữ những cương vị chủ chốt ở các Bộ, ngành Trung ương và bộ máy Đảng, chính quyền của nhiều tỉnh, thành phố.
Đồng thời,  có khá nhiều con em họ Trương đã và đang là những doanh nhân xuất sắc hoặc là những người nổi tiếng thành đạt trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao.
Có thể rút ra một điểm chung là: người họ Trương dù ở đâu, làm nghề gì cũng bộc lộ những  tính cách Trương rất rõ nét là :tự trọng, trách nhiệm, cương trực, giàu trí sáng tạo, dám nghĩ dám làm và đặc biệt: hết lòng vì lẽ phải,vì sự tiến bộ và công bằng xã hội. Tuy nhiên, lại là những người lúc nào cũng đau đáu nhớ đến ân đức tổ tiên, thành tâm cung kính nhớ về cội nguồn, sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của, trí tuệ cho việc bảo tồn và phát huy những di sản của văn hóa dòng tộc, một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc.
 
Phần thứ Hai
Những  hoạt động  của  Hội  đồng  Trương tộc  Việt  Nam lâm thời
nhằm kết nối họ tộc và chuẩn bị  tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất
 
Sự ra đời và phát triển của  Hội  đồng  Trương tộc  Việt  Nam lâm thời :
 
Từ giữa năm 2007, một nhóm anh em Họ Trương, chủ yếu là những người hoạt đông trong lĩnh vực văn hóa và khoa học xã hội  đã nhóm họp tại Hà Nội và thống nhất ý kiến lập ra một Hội đồng Trương tộc lâm thời nhằm tập hợp các tư liệu lịch sử, tư liệu Hán Nôm (gia phả, thần phả), từ nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau, về các danh nhân họ Trương và sự hiện hữu của các nhánh, các tộc Họ Trương ở các địa phương trong toàn quốc.
 
Ngày 23/6/2009 Hội đồng lâm thời đã kiện toàn một bước với sự tham gia của các vị sau đây:
  •  Ông Trương Văn Đoan, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch - Đầu tư làm Chủ tịch
  • PGS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia,  Phó Vụ trưởng Vụ KHCNMT, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Bảo tàng, Bộ VHTTDL, Phó Chủ tịch, phụ trách công tác tuyên truyền cổ động, bảo tồn các di tích lịch sử- văn hóa liên quan đến danh thần, danh nhân họ Trương
  • TS.Trương Mạnh Tiến , Hội Môi trường Việt Nam, phụ trách Ban Kiểm tra và quan hệ đối nội, đối ngoại
  • TS. Trương Sỹ Hùng, Viện KHXHVN, phụ trách công tác sưu tầm, biên soạn và xuất bản các loại ấn phẩm về họ Trương
  •  Ths Trương Minh Tiến, PGĐ Sở VHTTDL Hà Nội.
Ngày 19/6/2011, tại Hà Nội, Thường trực Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời đã họp hội nghị mở rộng với sự tham gia của Ban Quản trị Web Họ Trương Việt Nam cùng một số đại diện mới của Họ Trương tại Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Quảng Bình Sau khi nghiên cứu, trao đổi, Hội nghị nhất trí công nhận trang Web Họ Trương Việt Nam là diễn đàn chính thức của Hội đồng Họ Trương Việt Nam.
Từ đó đến nay, Hội đồng đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm mở rộng sự  kết nối các tộc họ Trương trong toàn quốc với sự hữu hiệu của các ấn phẩm thông tin bước đầu và đặc biệt là trang thông tin diện tử “ Họ Trương Việt Nam”.
 Sau đây chúng tôi xin điểm lại và đánh giá những hoạt động chủ yếu nhất đã thực hiện :
2.1-  Tổ chức các đoàn đại biểu Hội Đồng Họ Trương Việt Nam đến thăm và chúc mừng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang  tại tư gia.
2.1.1- Ngày 26/07/2011, ngay sau ngày  Quốc Hội công bố việc ông Trương Tấn sang được bầu giữ cương vị Chủ tịch nước, thay mặt toàn thể bà con Họ Trương ở Việt Nam, đoàn đại biểu Hội đồng  Họ Trương  lâm thời Việt Nam do Ông Trương Văn Đoan - Chủ tịch Hội đồng Họ Trương lâm thời Việt Nam dẫn đầu đã đến chúc mừng và tặng hoa Tân Chủ tịch nước. Tại tư dinh, ông Trương Tấn Sang đã thân mật tiếp đoàn và cảm ơn những tình cảm chân thành của bà con Họ Trương. Sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có một người Họ Trương giữ trọng trách này là niềm tự hào chính đáng về tộc tính của mọi người mang họ Trương ở Việt Nam, thiết thực góp phần vào việc củng cố và gắn kết mối quan hệ gắn bó tộc tính nói riêng và đại đoàn kết dân tộc nói chung.
2.1.2- Nhân dịp xuân Nhâm Thìn 2012, ngày 25-01-2012, tức ngày mùng 3 Tết,  Đại diện Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời phía Nam đã tổ chức đến chúc tết Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại nhà riêng. Tham gia đoàn chúc Tết gồm có: Tiến sĩ Trương Thị Minh Sâm - Nguyên Viện Phó Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ; ông Trương Quang Thông - Đại diện cổng thông tin Hội đồng Trương tộc - phía nam; Bác sĩ Trương Lê Anh Tuấn- Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh- Đại diện cổng thông tin Trương tộc phía Nam; Doanh nhân Trương Thế Quốc- GĐ công ty TNHH Nhân Hòa;  Doanh Nhân Trương Quang Vinh- GĐ Công ty TNHH Đất Tây; ông Trương Công Thắng - Công ty Bảo Minh;
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Phu nhân rất vui vẻ, tiếp đoàn, hỏi thăm từng người về quê quán, công việc và trò chuyện chân tình, cởi mở với tất cả thành viên, có lời chúc tốt lành đến các thành viên có mặt cùng gia quyến; 
Thay mặt đoàn, Ông Trương Quang Thông-  phụ trách cổng thông tin điện tử phía Nam có lời chúc đầu năm đến Chủ tịch nước cùng gia đình, thể hiện sự ngưỡng mộ về tinh thần cách mạng đầy nhiệt huyết của Chủ tịch nước, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết, và tin tưởng rằng với khả năng điều hành công việc, Chủ tịch nước sẽ vượt quan các khó khăn trở ngại để đưa nước ta ngày càng phát triển.
 2.1.3 - Ngày 8/3 tức 27 tháng Giêng Quý Tỵ,  đoàn đại biểu họ Trương Việt Nam do ông Trương Văn Đoan, Chủ tịch Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời đã đến thăm và chúc mừng năm mới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại tư dinh.  Tham gia đoàn  có các Ông , Bà sau đây: PGS.TS Trương Quốc Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng  Họ Trương lâm thời Việt Nam; Ông Trương Minh Tiến, Chủ tịch Hội đồng họ Trương lâm thời khu vực Hà Nội; Ông Trương Thế Quốc , phụ trách Văn phòng Hội đồng họ Trương tại các tỉnh phía Nam; Ông Trương Công Nam, phụ trách Hội đồng Họ Trương TP Đà Nẵng; Ông Trương Tấn Bông, Đại diện Ban liên lạc Họ Trương khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh; Ông Trương Công Hiệp, đại diện những người họ Trương gốc Chăm Pa; Bà Trương Thị Quỳnh Mai, đại diện họ Trương gốc Quảng Ngãi; Bà Trương Thị Thúy Nga cùng các doanh nhân trẻ Trương Quốc Hùng, Trương Cao Sơn, Trương Thanh Phong là các thành viên Ban Tổ chức Đại hội đại biểu  Họ Trương toàn quốc lần thứ nhất
 Thay mặt Hội đồng Họ Trương lâm thời Việt Nam, ông Trương Văn Đoan đã báo cáo với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về những kết quả hoạt động của Hội đồng họ Trương lâm thời Việt Nam, đặc biệt là công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu họ Trương Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất, tổ chức vào ngày 21 tháng 4 năm 2013, tức ngày 12 tháng 3 năm Quý Tỵ, với mục đích phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ, tăng cường kết nối tộc tính, và khuyến học, khuyến tài
Sau khi nghe ông Trương Văn Đoan báo cáo về những kết quả hoạt động của Hội đồng họ Trương lâm thời Việt Nam và công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu họ Trương toàn quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ân cần thăm hỏi các thành viên trong đoàn và  lưu ý việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát huy những nét đặc sắc của văn hóa dòng họ trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Buổi gặp mặt diễn ra trong không khí thắm tình đồng tộc, là sự động viên rất lớn cho các thành viên tiếp tục tham gia các hoạt động chuẩn bị cho Đại hội Họ Trương toàn quốc  sắp tới
2.2- Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời tổ chức đi thăm và làm việc với các tộc họ tại các tỉnh, thành phố sau đây:
2.2.1- Ngày 20 tháng 8 năm 2011 ( ngày 21 tháng 7 năm Tân Mão), Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời tổ chức gặp mặt đại diện gần 20 tộc họ Trương ở các tỉnh miền Bắc  về thăm, dâng hương tại di tích thờ Trạng Nguyên Trương Hanh tại làng Mạnh Tân, xã Gia Lương, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Thăm, dâng hương tại đền thờ Trạng Nguyên Trương Đỗ và nhà thờ chi họ Trương tại làng Phù Tải, xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Thăm, dâng hương tại Từ Vũ họ Trương tại thôn Như Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh, tỉnh Hưng Yên.
2.2.2- Trong các ngày  từ 21 đến 23  tháng 10 năm 2011, thực hiện chương trình đi thăm các tộc Trương tại các tỉnh phía Nam Hà Nội và Bắc Trung bộ, đoàn đại biểu Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời đã đến thăm tộc họ Trương tại Trà Châu, Thanh Tâm, Thanh Liêm, Hà Nam Tiếp  đó, tại Ninh Bình, đoàn đã đến dâng hương đền thờ Cụ Trương Hán Siêu tại núi Non Nước, công viên Dục Thúy Sơn, thành phố Ninh Bình
Tại Nghệ An, đoàn đã đến thăm tộc họ Trương ở Thôn Mỹ Lý, xã Diễn Kỷ, Diễn Châu.  Tại đây, đoàn đã được ông Trương Sỹ Trung, trưởng  họ và các cụ trong  họ đón tiếp ngay tại khu nhà thờ đang trong quá trình hoàn tất việc sửa chữa tôn tạo. Trên đường từ Diễn Châu vào Đô Lương, đoàn đã ghé thăm gia đình ông Trương Đăng Thư tại Huyện Yên Thành, tiếp nhận các tài liệu gia phả về các  họ Trương ở Nghệ An. Tại Đông Sơn, Đô Lương, Nghệ An,  đoàn đã được ông Trương Công Anh, nguyên Thường vụ tỉnh ủy , Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Nghệ An cùng các đại diện của tộc họ Trương Công đón tiếp, tổ chức tới thăm và dâng hương tại nhà thờ họ,
Sáng 22 tháng 10 năm 2011,  đoàn thăm và dâng lễ tại nhà thờ họ Trương Quang ở Đông Lộ, Thạch Đài, Thạch Hà, Hà Tĩnh, dâng hương tại đền thờ Tiến Sỹ Trương Quang Trạch, tại đây đoàn đã được ông Trương Quang Điệt, trưởng họ và bà con trong  họ Trương Quang đón tiếp và giới thiệu về lược sử dòng họ. Tiếp đó đoàn đến thăm đền thờ Đại Học Sỹ Trương Quốc Dụng, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà và có buổi trao đổi về văn hóa họ tộc với Ông Võ Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, THể thao và Du lịch Hà Tĩnh.
2.2.3-  Ngày 29 tháng 02 năm 2012, các ông Trương Văn Đoan, Chủ tịch và Trương Quốc Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời đã về dự Lễ dâng hương Thượng Thư Tiến Sỹ Trương Công Giai và tham dự Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2012 – 2015 của Hội đồng Gia tộcTrương Công thôn Kho Núi, xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Đây là dịp hội tụ đặc biệt của những đại biểu họ Trương có chung gốc tích từ họ Trương Công tại thôn Kho Núi, xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, bao gồm: chi họ Trương Hưng Yên, Hải Dương, chi họ Trương Bá Thước, chi họ Trương Hoằng Hóa,Thanh Hóa, chi họ Trương Thanh Nê, Thái Bình, chi họ Trương Phủ Lý, Hà Nam, cùng hàng trăm đại biểu là đại diện các chi họ sở tại ở Thanh Tâm , hiện nay đang sinh sống, học tập, công tác tại các thôn Kho Núi, Kho Làng, Nghè, Thông, Bưởi, Lác, Thanh Châu…thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của đại diện chi họ Trương thôn La Cầu, xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, chi họ Trương Hòa xá, Chương Mỹ, Hà Nội, và đặc biệt là đại diện các tộc Trương  khu vực Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
2.2.4- Ngày 8 tháng 3 năm 2012, tức ngày 16 tháng 2 năm Nhâm Thìn, nhận lời mời của Doanh nhân Trương Công Hiệp và Hội đồng Gia tộc tộc Trương phường Mai Dịch, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội. Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời đã đến thăm tộc họ và tiếp nhận các tư liệu Gia phả của tộc họ.
Tộc Trương ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, trước đây có tên cũ là làng Dịch Vọng Sở, tổng Dịch Vọng, phủ Hoài Đức, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông. Đây là một tộc họ lớn, họ duy nhất cư trú tại làng Dịch Vọng Sở trước đây cũng như hiện nay cả làng chỉ có một họ họ Trương. Vì vậy, các hoạt động của chính quyền ở địa phương, vừa mang tính chất bà con trong làng, nhưng đồng thời là anh em cùng huyết thống trong họ. Điều đặc biệt nữa theo bia ký hiện nay còn lưu lại nhà thờ tộc họ thì xuất xứ của  họ Trương tại đây có nguồn gốc là dân tộc Chăm ( Chiêm Thành ), định cư tại Dịch Vọng Sở từ cách đây gần 200 năm (  khoảng năm 1820 ) . Cho đến nay, họ Trương phường Mai Dịch có khoảng hơn 200 hộ với hơn 800 nhân khẩu. Tộc Trương ở phường Mai Dịch là tộc họ có truyền thống cách mạng và hiếu học, có đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, có 19 Liệt Sỹ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ  và 4 bà mẹ được tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.
2.2.5- Sáng 8/3/2012, tức 16/2 âm lịch, nhận lời mời của Ông Trương Hữu Thắng, Chủ tịch Công ty OASIS, đại diện tộc họ Trương làng Xuân Canh, PGS.TS. Trương Quốc Bình, Phó Chủ tịch, đại diện lãnh đạo Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời đã tham dự lễ Giỗ Tổ họ Trương và gặp gỡ anh em bà con họ Trương tại thôn Xuân Canh huyện Đông Anh, Hà Nội. Đây là một tộc  họ lớn, định cư tại Đông Anh đã gần 20 đời, hiện có vài trăm xuất đinh, cư trú trên mọi miền đất nước. Cách đây khoảng 30 năm, với những nỗ lực nghiên cứu, tìm kiếm, chắp nối gia phả, dòng họ Trương tại đây đã tìm được gốc tích của mình tại thôn Phù Tải, huyên Thanh Miện, Hải Dương, nổi tiếng với Tiến sỹ,Ngự sử đại phu- Trương Đỗ từ thế kỷ XIV. Đồng thời, chắp nối với một chi họ Trương hiện đang ở Nghi Tàm, quận Tây Hồ, Hà Nội, cũng có gốc tích từ Hải Dương. Suốt từ đó đến nay, cả ba chi họ này coi việc giỗ Tổ ở các chi đều là trọng sự. Với truyền thống khoa bảng của họ Trương từ thế kỷ XIV, chi họ Trương tại Xuân Canh lại càng tự hào hơn khi vào thế kỷ XVII, laị có một người đạt học vị Tiến sỹ đệ tam giáp, khoa Quý Sửu ( 1733) là Trương Nguyễn Điều- một trong 11 vị Tiến sỹ người họ Trương được vinh danh tại hệ thống bia tiến sỹ tại Văn Miếu- Quốc Tử giám.
2.2.6- Ngày 16/3/2012, nhận lời mời của hậu duệ gia đình cụ Hoàng Hoa Thám, tức Trương Văn Thám, lãnh đạo Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời gồm các ông Trương Văn Đoan- Chủ tịch, Trương Quốc Bình- Phó Chủ tịch và Nhà báo Trương Thị Kim Dung đã tham dự lễ dâng hương tại lễ hội Yên Thế tổ chức tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang nhân kỷ niệm 128 năm ngày Khởi nghĩa Yên Thế. Cụ Hoàng Hoa Thám, tức Đề Thám, tên thật là Trương Văn Thám (còn có tên Trương Văn Nghĩa), sinh ra từ gia tộc Họ Trương tại Hưng Yên. Sau này, cảm kích trước thịnh tình của Nghĩa phụ họ Hoàng và có lẽ còn muốn che dấu gốc tích, để nguyện dâng hiến trọn đời cho sự nghiệp chống Pháp, cụ đã cải sang họ Hoàng và được lưu danh thành anh hùng Hoàng Hoa Thám, tức Đề Thám cho tới ngày nay.                                                                                   
2.2.7- Ngày 15 tháng 4 năm 2012, tại Văn phòng thường trực Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời, 19C Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội đã diễn ra cuộc gặp mặt giữa Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời với Hội đồng Gia tộc chi họ Trương Diễn Châu - Cửa Lò, Nghệ An. Chi họ Trương Diễn Châu - Cửa Lò, Nghệ An có nguồn gốc phát tích từ Quảng Bình ra Hà Tĩnh. Từ Hà Tĩnh ra thị xã Cửa Lò và từ Cửa Lò ra huyện Diễn Châu, Nghệ An. Đây là một dòng họ lớn, hình thành khoảng đầu thế kỷ 14, đến nay khoảng 700 năm. Hiện nay có khoảng 500 hộ, với khoảng hơn 1000 đinh, trên 2000 khẩu. Dòng họ gồm 3 chi tộc lớn:
- Ở Hà Tĩnh có 1 chi tộc khoảng 187 hộ (Họ Trương Làng Yên Ninh, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân và họ Trương làng Yên định, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà).
- Ở Nghệ An có 1 chi tộc lớn tại Cửa Lò (hiện ở làng Yên Lương – Nghi Thủy - Cửa Lò có 3 nhánh và một nhánh ở làng Yên Vinh, xã Diễn Mĩ, Diễn Châu) ở Cửa Lò có khoảng 111 hộ, Diễn Châu có khoảng 202 hộ. Ở tỉnh Nghệ An số đời đến nay khoảng 11 dến 12 đời.  
Sau sự kiện này, trong các ngày 29 và 30/4/2012, PGS. TS Trương Quốc Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời đã đến thăm và gặp gỡ đại diện các chi họ Trương tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh, TP Vinh, TX Cửa Lò và huyện Diễn Châu, Nghệ An. thăm đền Yên Ninh, xã Cương Gián huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là ngôi đền vốn được Tướng công Trương Đình Công - một tướng giỏi của Lê Lợi, chủ trì việc xây dựng theo ấn lệnh của vua Lê để tưởng niệm Nguyễn Xí , người cùng quê và đồng thời cũng là một danh tướng đã tiến cử ông với  Lê Lợi và cùng ông vào sinh ra tử trong kháng chiến chống quân Minh. Đền Yên Lương được trùng tu, phục dựng lại hoàn toàn dưới sự đóng góp của nhân dân và con cháu họ Trương tại địa phương, đặc biệt là gia đình cụ Trương Văn Phượng, ở xóm 8 Nghi Thuỷ , đại diện là các ông Trương Văn Việt, Trương Tấn Bông cùng các anh em ruột khác. Vì vậy, ngôi đền này không chỉ mang giá trị lịch sử lâu đời mà nó còn thể hiện tình đoàn kết, gắn bó của cộng đồng dân cư vùng biển và tín ngưỡng tâm linh của họ.
2.2.8- Nhân dịp đi công tác tại Huế, ngày 11/6/ 2012, PGS.TS Trương Quốc Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng Trương tộc VNLT đã đến thăm Nhà thờ họ Trương Ngọc tại thành phố Huế với sự giúp đỡ, hướng dẫn của Vỗ sư Trương Quang Kim. Nhà thờ họ Trương Ngọc tọa lạc trên một khu đất khá rộng  tại kiệt số 85, đường An Dương vương, phường An Cựu, thành phố Huế. Theo các nguồn tư liệu, Họ Trương Ngọc tại đây  vốn di cư từ Thanh Nghệ  vào Thuận Hóa từ thời các chúa Nguyễn. Cho đến nay, 4 chi phái của dòng họ  đã có tới vài trăm hộ gia đình cư trú tập trung tại khu vực An Cựu và khu vực cận kề thuộc địa bàn huyện Hương Thủy. Đây là dòng họ vốn nổi tiếng với nhiều người tinh thông võ nghệ. Vào thời các vua Nguyễn, cụ tổ  dòng võ chính tông Trương gia võ phái  Trương Ngọc Giai, một cao thủ võ lâm xuất chúng đã được vua Tự Đức sắc phong làm Đội trưởng Cấm quấn thị vệ Đại nội, chuyên ngày đêm túc trực bảo vệ vua.
2.2.9- Trong 3 ngày 23, 24 và 25/6/ 2012, Chủ tịch HĐ Trương tộc VN lâm thời Trương văn Đoan và Phó Chủ tịch Trương Quốc Bình đã có chuyến đi thăm và làm việc với các tộc Trương tại TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Lãnh đạo HĐ Trương Tộc đã có cuộc gặp mặt các doanh nhân họ Trương tại Đà Nẵng, đến viếng và dâng hương tại lăng mộ ngài Thượng Thư Trương Công Hy và đi thăm các tộc Trương Công tại Thanh Quýt,  thăm nhà thờ tộc Trương Phú tại  Bát Nhị (Điện Phước), Trương Văn tại Châu Lâu ( Điện Thọ- Điện Bàn). Tại Đại Lộc, các vị đã đến thăm từ đường các tộc Trương Văn tại Đại An, Trương Công tại Đại Lãnh.Tại TP Hội An, đoàn đã đến thăm nhà thờ tộc Trương Minh Hương, một di tích được UNESCO công nhận; thăm nhà thờ Tộc Trương Văn tại Thanh Nhì.
2.2.10-  Nhận lời mời của Hội đồng gia tộc Trương Phú trong dịp lãnh đạo Hội đồng Trương tộc VN về thăm tại Bất Nhị, Điện Bàn, Quảng Nam ( ngày 25/6/2012), nhân chuyến đi công tác tại các tỉnh miền Tây Nam bộ , sáng Chủ nhật 15/7, PGS.TS Trương Quốc Bình, Phó Chủ tịch HD Trương tộc VN đã tới dâng hương và thăm hỏi, trao đổi với đại diện Hội đồng gia tộc tại Nhà thờ tộc Trương Phú tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Tộc Trương Phú, nguyên gốc đệm là Trương Phước, cải thành Phú vào đầu thời Nguyễn do quy định kiêng tên húy, là một chi tộc lớn định cư tại làng Bất Nhị, Điện Bàn, Quảng Nam. Từ thập kỷ 30 của thế kỷ trước, nhiều người của dòng họ này chuyển vào làm ăn sinh sống tại Sài Gòn. Theo thời gian, cùng với sự gia tăng của các thành viên gia tộc tại Bất Nhị và Sài Gòn, nhu cầu thờ phụng Tổ tiên cũng ngày càng nung nấu. Trong điều kiện cách trở về địa lý và phương tiện đi lại, các vị tiền bối tại đây đã bàn bạc và quyết định xây dựng nhà thờ tộc Trương Phú tại Bàu Cát, Sài Gòn, địa bàn quần cư chính của các gia đình họ Trương đang sống xa quê.
2.2.11- Nhận lời mời của gia tộc họ Nguyễn, gốc họ Trương từ Diễn Châu, Nghệ An đang sinh sống tại ngoại thành Hà Nội, ngày 26/8/2012, đoàn đại biểu Hội đồng Trương tộc VN do PGS.TS Trương Quốc Bình, Phó Chủ tịch dẫn đầu đã đến đâng hương và gặp gỡ bà con, anh em đồng tộc tại Suối Hai, Ba Vì nhân ngày húy kỵ của Tiền hiền vốn là người gốc họ Trương. Tham gia đoàn, có Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Trương tộc khu vực Hà Nội, Nhà báo Trương Thị Kim Dung, thay mặt Ban Văn kiện của Hội đồng Trương tộc, doanh nhân Trương Cao Sơn cùng phu nhân, các Bà Trương Thị Mai, Trương Kim Dung, thành viên các Ban giúp việc của Hội đồng. Có lẽ, đây là một trong những sự kiện đặc biệt nhất trong quá trình kết nối những người họ Trương ở Việt Nam bởi phần đông những người tham dự tại buổi gặp mặt này của đồng tộc họ Trương lại mang họ Nguyễn, họ Lê, họ Vũ.
Theo gia phả, Trương công là một họ lớn, định cư tại Diễn Kỷ, Diễn Châu từ đầu thế kỷ XV. Trong quá trình phát triển hơn 600 năm của mình, một số người mang họ Trương tại đây đã di cư và trở thành Tiền hiền của không ít các tộc họ Trương ở Nghệ An và nhiều địa phương khác như Thạch Đài ( Thạch Hà, Hà Tĩnh), Thị trấn Còng (Tĩnh Gia, Thanh Hóa), Trường Thịnh ( Ứng Hòa, Hà Nội). Trong số này, từ cách đây 130 năm, niên hiệu Thành Thái thứ năm, có 3 vị là anh em ruột, xuất thân từ một gia đình Nho học có 7 người con cụ Mẫn Trai, một danh nho từ Diễn Kỷ, Diễn Châu đã cùng nhau đến định cư tại vùng đất mới tại Sơn Tây, nay là ngoại thành Hà Nội. Tuy là con nhà Nho và đều học hành rất chuyên cần những cả 3 cụ này đều bị số phận từ chối qua các lần thi cử và mặc dù không đạt được tước vị học vấn nhưng vẫn được suy tôn là các cụ Nho, thể hiện sự tôn trọng của người đời đối với vốn kiến thức và cách ứng xử của người có học. Và, chỉ vì tham gia vào công cuộc khởi nghĩa kháng Pháp hưởng ứng chiếu Cần Vương nên trong bối cảnh lịch sử đương thời, cả 3 cụ đã buộc phải đổi sang các họ khác. Cụ thể là: Cụ Nho 1 đổi sang  họ Vũ,  hiện nay con cháu đang sinh sống tại thôn Xuân Trung, xã Thuỷ Xuân Tiên, Chương Mỹ, Hà Nội. Cụ Nho 2 đổi sang  họ Nguyễn, hiện nay con cháu đang sinh sống tại thị trấn Thạch Thất (Hà Nội) và Suối Hai, Yên Khoái, Thuỵ An, Ba Vì (Hà Nội) Cụ Nho 3, đổi sang  họ Lê hiện nay con cháu đang sinh sống tại Đồng Chữ, Trúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội.
Tuy phải thay tên, đổi họ nhưng những người họ Trương gốc Diễn Châu  này vẫn ghi tạc gốc tích Trương tộc của mình, vẫn bí mật ghi chép và truyền lại cho con cháu những thông tin về quê hương bản quán. Nhờ đó, từ gần 20 năm trước, con cháu của cả 3 chi họ đã tìm được  gốc tích tại Diễn Châu. Đồng thời, tìm thêm được những người đồng tộc vẫn mang họ Trương tại xã Trường Thịnh, Huyện Ứng Hòa. Từ đó đến nay, mối quan hệ tộc tính càng ngày càng gắn kết qua những cuộc thăm viếng, nối kết khi thì ở Hà Tây cũ, khi thì ở Diễn Châu…
 2.2.12- Ngày 28/06/2012 tại nhà thờ tổ Họ Trương ở Thôn Nghĩa Trang, Huyện Yên Mỹ, Hưng yên diễn ra cuộc gặp gỡ hội ngộ của con cháu các chi họ Trương là con cháu của cụ Trương Công Đạo sau hơn 135 năm tìm kiếm để chắp nối phả hệ. Trước đó, vào 14/03/2012 Họ Trương Yên Mỹ Hưng Yên đã về tìm mộ cụ tổ Trương Công Đạo tại Thôn Đồng Lâu, Đạo Lý, Lý Nhân, Hà Nam và thắp hương viếng mộ cụ. Đối chiếu với gia phả gốc do cụ Trương Văn Dũng viết từ năm Tự Đức thứ 30 - 1877 tại thôn Nghĩa Trang, Tổng Sài Trang, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên thì phần mộ của cụ Trương Công Đạo được an táng tại Thông Đồng Lâu, Gần chùa và gần đường cái, thì phần mộ được xác định khớp với gia phả là mộ cụ Trương Công Đạo. Ngày 12/08/2011 Ông Trương Công Giang - Người có gần 30 năm đi tìm kiếm dòng họ đã về tại Thôn Nghĩa Trang, Thị Trấn Yên Mỹ, Hưng Yên và đã cùng Ông Trương Văn Bằng - Trưởng họ Trương Thôn Yên Mỹ khớp nối phả và nhận họ. Sau khi căn cứ vào các dữ liệu đã khớp phả thành công, theo phả hệ được khớp, Thượng thư Tiến sỹ Trương Công Giai là cháu 3 đời của cụ Trương Công Đạo tại Thôn Nghĩa Trang, Thị Trấn Yên Mỹ, Hưng yên ngày nay.
 2.2.13- Ngày Rằm tháng 11 ( 27.12.2012), tại nhà thờ Tụ Quốc tộc Trương Đặng Công, thôn Mỹ Lý (xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, Nghệ An), ông Trương Văn Đoan, chủ tịch lâm thời họ Trương Việt Nam cùng các thành viên là Nhà báo Trương thị Kim Dung, Doanh nhân Trương Quốc Hùng từ Hà Nội và  Nhà báo Trương Điện Thắng (từ Đà Nẵng) đã về dự lễ giỗ ngài khởi tổ Trương Công Quang. Đông đảo đại diện các chi tộc Trương Diễn Châu tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Tây, Hà Nội,  Quảng Nam... cũng đã về dự.
  2.2.14- Ngày 31/1/2013, nhận lời mời của Ban Đại diện họ Trương làng Lệ Mật, PGS.TS Trương Quốc Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng Trương tộc VN lâm thời đã về thăm và làm việc với các vị đại diện họ Trương tại làng Lệ Mật . Cùng đi có Nhà thơ, nhà báo Trương Thị Kim Dung, phụ trách Ban Tư liệu-Văn kiện của Hội đồng, Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Du lịch –Lữ hành HN, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ họ Trương VN.
Nhìn chung, trong tất cả các chuyến công tác, thăm viếng nói trên, các vị lãnh đạo và đại diện Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời đều cũng đã thành kính dâng hương tưởng nhớ các ngài tiền hiền, miếu thờ các tổ cô tại các nhà thờ tộc. Đại diện các Hội đồng gia tộc  đều bày tỏ sự  vui mừng và hoan nghênh ý tưởng tổ chức Đại hội  các tộc Trương toàn quốc năm nay. Nhiều doanh nhân Họ Trương đã hưởng ứng các hoạt động của Hội đồng Trương tộc VN và hứa sẽ ủng hộ tài chính để đại hội đạt kết quả.
Bên cạnh các hoạt động nhằm kết nối mối quan hệ đồng tộc  kể trên , thông qua trang mạng “ Họ Trương Việt Nam “ và các phương tiện thông tin điện tử hiện nay, các thành viên của Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời đã và đang tiếp tục tạo lập quan hệ, bổ sung danh sách cùng những thông tin cơ bản về các tộc họ Trương trong toàn quốc.
2.3- Tham gia xây dựng tượng thờ danh nhân Trương Hán Siêu
Để góp phần tôn vinh và tưởng niệm Trương Hán Siêu, một trong những danh nhân kiệt xuất toàn tài - một vị đại quan Họ Trương thanh liêm, chính trực, một nhà thơ, nhà văn, nhà chính trị và đồng thời là một danh tướng, một nhà quân sự lỗi lạc, người thầy của bốn triều vua thời nhà Trần, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng đền thờ Ngài tại chân núi Dục Thúy- nơi còn những bài thơ do cụ sáng tác được khắc trên vách đá, một di tích tiêu biểu ở thành phố Ninh Bình . Tuy nhiên, ngôi đền này chỉ là nơi dâng hương tưởng niệm mà chưa có tượng thờ . Chính vì thế, thời gian gần đây, tỉnh Ninh Bình đã quyết định làm tượng thờ cụ Trương đặt tại ngôi đền linh thiêng này. Từ mong muốn suy tôn Trương Hán Siêu là danh nhân tiêu biểu của họ Trương toàn quốc, Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời coi công việc hết sức có ý nghĩa này cũng đồng thời là trách nhiệm của tất cả những người họ Trương ở Việt Nam. Chính vì vậy, lãnh đạo Hội đồng đã tập trung tham gia tất cả các công việc từ lựa chọn mẫu tượng, vận động tàì trợ, đến các hoạt động đúc và khánh thành tượng
Tượng  thờ Trương Hán Siêu, trong tư thế ngồi ( kích thước bằng người thật) được đúc bằng đồng nguyên chất , thể hiện phong thái, cốt cách, tính văn quan, võ tướng của Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu, từ vẻ mặt đến trang phục. Mẫu tượng do nhà điêu khắc Nguyễn Phú Văn thiết kế và được sự nhất trí cao sau khi đã tiếp thu mọi ý kiến đóng góp của các đại biểu trung ương và tỉnh Ninh Bình, của Hội đồng Trương tộc Việt Nam trong cuộc hội thảo khoa học tổ chức vào cuối tháng 10 năm 2011 tại thành phố Ninh Bình. Đồng thời, đã tranh thủ mọi ý kiến đóng góp tại chỗ của lãnh đạo Hội đồng Trương tộc về mẫu tượng trong quá trình thực hiện tại Hà Nội trước khi chuyển về Ninh Bình để chuyển giao  cho  các nghệ nhân đúc đồng của thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định làm khuôn, đúc đồng. Tổng số tiền quyên góp cúng tiến đúc tượng là trên 700 triệu đồng, trong đó số tiền do con cháu họ Trương là trên 300 triệu đồng. Trong số này, có 200 triệu đồng của ông Trương Thế Quốc, phụ trách Văn phòng liên lạc Hội đồng Trương tộc tại phía Nam và 100 triệu tiền công đức của Công ty TNHH Thương mại Quảng cáo Xây dựng địa ốc Việt Nam do Ông Trương Văn Đoan đích thân vận động và trực tiếp chuyển bằng tiền mặt.
Ngày 28, 29/4/2012, ( tức 8 và 9/4 âm lịch ) lãnh đạo Hội đồng Trương tộc VN lâm thời cùng nhiều bà con, anh em họ Trương từ nhiều tỉnh, thành phố trong toàn quốc đã về dự lễ khánh thành công trình nghệ thuật và tâm linh quý giá này tổ chức tại thành phố Ninh Bình
2.4- Đồng thời với những nỗ lực của lãnh đạo Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời, các vị lãnh đạo chủ chốt là đại diện của Hội đồng tại các khu vực cũng tích cực hoạt động và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận sau đây:
 2.4.1- Ngày 18/9/2011, được sự hỗ trợ của Anh Trương Thế Quốc, giám đốc Công Ty dịch vụ tư vấn và đầu tư Nhân Hòa, các đại diện cổng thông tin Trương tộc Phía nam đã tổ chức buổi gặp mặt, làm việc giữa ông Trương Quốc Bình , Phó Chủ tịch Hội đồng Trương tộc Vn lâm thời với đại diện bà con, anh em họ Trương đang sinh sống ở  các tỉnh, thành phố phía Nam và  tại TP Hồ Chí Minh ( tại hội trường của Công ty, số 8- Nam kỳ khởi nghĩa, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). Tiếp đó, ngày 08/10/2011 các thành viên tích cực trong nhóm trương tộc khu vực phía Nam đã có chuyến tham quan khu lăng mộ Trương Vĩnh Ký.Đồng thời, tạo điều kiện giúp đỡ và tham gia chuyến thăm và làm việc với đại diện họ Trương Phú, Điện Bàn, Quảng Nam tại TP Hồ Chí Minh.
 2.4.2- Đầu năm 2012, các vị đại diện các tộc Trương tại Quảng Bình đã nhóm họp để bầu ra một Ban Đại diện họ Trương tỉnh Quảng Bình do NHà nghiên cứu lão thành Trương Quang Phúc, Chủ tịch Câu lạc bộ Hán Nôm Quảng Bình làm Trưởng ban. Tháng 5/2012, Ban liên các tộc Trương thành phố Đồng Hới cũng đã tổ chức đại hội thành lập để đẩy mạnh công tác kết nối và chuẩn bị tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc.
 2.4.3- Ngày 29 tháng 02 năm 2012, Nhân dịp Lễ dâng hương Thượng Thư Tiến Sỹ Trương Công Giai, Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2012 – 2015 của Hội đồng Gia tộc họ Trương Công thôn Kho Núi, xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam đã được tổ chức. Đây là dịp hội tụ đặc biệt của những đại biểu họ Trương có chung gốc tích từ họ Trương Công tại thôn Kho Núi, xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, bao gồm: chi họ Trương Hưng Yên, Hải Dương, chi họ Trương Bá Thước, chi họ Trương Hoằng Hóa,Thanh Hóa, chi họ Trương Thanh Nê, Thái Bình, chi họ Trương Phủ Lý, Hà Nam, cùng hàng trăm đại biểu là đại diện các chi họ sở tại ở Thanh Tâm , hiện nay đang sinh sống, học tập, công tác tại các thôn Kho Núi, Kho Làng, Nghè, Thong, Bưởi, Lác, Thanh Châu…thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của đại diện chi họ Trương thôn La Cầu, xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, chi họ Trương Hòa xá, Chương Mỹ, Hà Nội, và đặc biệt là đại diện họ Trương  khu vực Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Đại hội đã bầu Hội đồng gia tộc gồm đại diện khá nhiều chi tộc và cử các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu họ Trương toàn quốc.
2.4.4- Sáng ngày 24.2.2013, tại hội trường Quảng trường Sông Hoài, TP Hội An, hơn 100 đại biểu đã về dự cuộc gặp mặt đại diện của 45 tộc Trương từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi .Với những nội dung và ý nghĩa to lớn, buổi gặp mặt thực sự là Đại hội đại biểu các tộc Trương khu vực miền Trung. Theo đó, một Ban đại diện Họ Trương tại khu vực Miền Trung đã được đề cử bao gồm :
-Ông Trương Điện Thắng, phụ trách đại diện khu vực, điện thoại: 0903504786, email: tdthang1952@yahoo.com.
-Ông Trương Hữu Trường, xã Mai Chánh, Gio Linh, đại diện tại tỉnh Quảng Trị ( điện thoại: 0937585493)
-Ông Trương Diên Hiếu, Hương Trà, đại diện tại tỉnh TT-Huế ( điện thoại: 0934714614)
-Ông Trương Công Nam, đại diện tại TP Đà Nẵng (điện thoại: 0903598888)
-Ông Trương Văn Bay, Thanh Nhì Hội An, đại diện tại Quảng Nam (điện thoại: 0914075707)
-Ông Trương Quang Đông, Sơn Mỹ, Tịnh Khê, đại diện tại Quảng Ngãi. (điện thoại: 0984408645)
Đồng thời, Ban liên lạc các tỉnh thành phố đã trao đổi bước đầu về việc cử các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc tại Hà Nội .
Nhìn chung, có thể khẳng định rằng, tất cả các hoạt động đã được thực hiện trong những năm qua hoàn toàn là những công việc tự nguyện, xuất phát từ tình cảm và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với việc gắn kết và tôn vinh họ Trương ở Việt Nam. Mọi chi phí cho các hoạt động này đều do những người thực hiện tự mình ủng hộ hoặc đóng góp dưới những hình thức khác nhau.
 2.5- Những nỗ lực của Hội đồng Trương tộc VN lâm thời trong việc chuẩn bị Đại hội toàn quốc lần thứ nhất cùng sự nhiệt tình ủng hộ bước đầu của một số doanh nhân họ Trương
Ngay từ những tháng cuối năm 2011, Thường trực Hội đồng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất. Đến năm 2012, và đặc biệt là từ nửa cuối năm 2012 lãnh đạo Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời tổ chức các cuộc họp chuyên đề tại Hà Nội (  ngày Thứ Bảy, 21/7/2012, Sáng thứ bảy, ngày 01 tháng 12 năm 2012, ngày 15 tháng 12 năm 2012) để trao đổi về những vấn đề cụ thể để chuẩn bị cho Đại hội Họ Trương toàn quốc lần thứ nhất vào quý 1 năm 2013.
Từ đầu năm 2013 đến nay, sau khi đã ấn định thời gian và địa điểm tổ chức Đại hội, các thành viên trong  Ban Hậu cần, Ban Văn kiện đã và đang hoạt động rất tích cực và khẩn trương, với sự tham gia nhiệt tình của các doanh nhân họ Trương tại Hà Nội như các ông Trương Hữu Thắng, Trương Công Hiệp, Trương Quốc Hùng, Trương Cao Sơn, , Trương Thanh Phong.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Hội đồng Trương tộc lầm thời , tính đến ngày  7 tháng 3 năm 2013, số tiền ủng hộ  cho các hoạt động  tổ chức Đại hội  là 345.000.000đ (ba trăm bốn mươi năm triệu đồng) của các cá nhân sau đây:
- Ông Trương Hữu Thắng, Hà Nội: 70.000.000đ (bảy mươi triệu đồng)
- Ông Trương Thanh Phong, Hà Nội: 30.000.000đ (ba mươi triệu đồng)
- Ông Trương Công Hiệp, Hà Nội: 30.000.000đ (ba mươi triệu đồng)
- Bà Trương Thúy Nga, Hà Nội : 20.000.000đ (hai mươi triệu đồng)
- Ông Trương Cao Sơn, Hà Nội : 45.000.000đ (bốn mươi năm triệu đồng)
- Ông Trương Quốc Hùng, Hà Nội : 50.000.000đ (năm mươi triệu đồng)
- Ông Trương Tấn Bông, Cửa Lò – Nghệ An :50.000.000đ (năm mươi triệu đồng)
- Ông Trương Văn Việt Cửa Lò – Nghệ An:50.000.000đ (năm mươi triệu đồng)
Bên cạnh đó,  kết quả bước đầu của việc ủng hộ tài chính cho “Quỹ Cội nguồn” của họ Trương Việt Nam  tính đến ngày mùng 8 tháng 3 năm 2013, với tổng số tiền là 160.000.000đ (Một trăm sáu mươi triệu đồng) của các cá nhân sau đây:
- Ông Trương Văn Đoan, Chủ tịch Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời 10.000.000đ (Mười triệu đồng)
- Ông Trương Thế Quốc, TP Hồ Chí Minh: 50.000.000đ (năm mươi triệu đồng)
- Ông Trương Quốc Hùng, Hà Nội :50.000.000đ (năm mươi triệu đồng)
- Ông Trương Công Nam, TP Đà Nẵng :50.000.000đ (năm mươi triệu đồng)
2.6- Nhân dịp này, Hội đồng Họ Trương lâm thời  Việt Nam bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến toàn thể bà con, anh em các tộc họ tại các địa phương đã phối hợp, ủng hộ các hoạt động nhằm tìm hiểu, kết nối các tộc họ, xúc tiến việc xây dựng gia phả, dành thời gian đón tiếp và làm việc nhằm tạo lập mối quan hệ tộc tính của những người Họ Trương ở Việt Nam trong thời gian qua. Đặc biệt là, Hội đồng ghi nhận và cảm ơn sự ủng hộ quý báu, dưới các hình thức khác nhau, của các vị sau đây:
2.6.1- Các nhà nghiên cứu lão thành và hoạt động thực tiễn đầy tâm huyết: Cụ Trương Công Giang, người đã và đang bỏ rất nhiều công sức và tâm sức trong gần 30 năm để nghiên cứu, xác định danh tính của Tiến sỹ Trương Công Giai và gắn kết cội nguồn của các chi tộc họ Trương ở nhiều tỉnh, thành phố ; Nhà nghiên cứu lão thành Trương Quang Phúc, Chủ tịch Câu lạc bộ Hán Nôm Quảng Bình, Chủ tịch Hội đồng Họ Trương tỉnh Quảng Bình; Nhà báo Trương Điện Thắng, Trưởng đại diện Ban Liên lạc các tộc Trương khu vực miền Trung, người đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, chắp nối, xác minh nguồn cội của tộc Trương Công tại Thanh Quýt, Điện Bàn, Quảng Nam và nối kết các hoạt động của Hội đồng Trương tộc lâm thời,  cùng Nhà thơ, Nhà báo Trương Thị Kim Dung - một đại biểu xuất sắc của  con gái họ Trương gốc Bắc Ninh, người từ hàng chục năm nay đã và đang nghiên cứu, xác minh, chắp nối phả hệ để kết nối nhiều tộc Trương tại nhiều tỉnh thành phố khác nhau và đã có khá nhiều bài viết có giá trị về văn hóa họ tộc cùng danh nhân họ Trương ở Việt Nam
2.6.2- Các vị lãnh đạo Hội đồng họ Trương lâm thời, những người đã và đang dành cho các hoạt động của họ Trương Việt Nam những sự đóng góp không nhỏ, bao gồm các vị: Trương Văn Đoan, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng, họ Trương gốc tại Phú Thọ; Trương Quốc Bình, Ủy viện Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội đồng, họ Trương gốc tại Hà Nội;Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng họ Trương tại Hà Nội; Ông  Trương Hữu Thắng, Phụ trách Văn phòng Hội đồng tại Hà Nội, họ Trương gốc tại Đông Anh, Hà Nội.; ông Trương Thế Quốc, phụ trách Ban liên lạc phía Nam, họ Trương gốc tại Hà Nam; ông Trương Văn Việt, phụ trách Ban Liên lạc Họ Trương tại khu vực Nghệ- Tĩnh, Bà Trương Thị Quỳnh Mai, con gái họ Trương gốc Quảng Ngãi, Ông Trương Thanh Phong, Bà Trương Thúy Nga là các thành viện tích cực của Ban Tổ chức Đại hội họ Trương toàn quốc
2.6.3- Các doanh nhân Họ Trương: ông Trương Công Thắng, doanh nhân Họ Trương công tại Đông Sơn, Đô Lương, Nghệ An ; ông  Trương Quốc Hùng, doanh nhân Họ Trương tại Hà Nội; ông Trương Cao Sơn, doanh nhân họ Trương tại Hà Nội; ông Trương Công Hiệp, doanh nhân Họ Trương tại Mai Dịch, Hà Nội;  ông Trương Công Nam ông Trương Công Nhãn, doanh nhân họ Trương gốc Thanh Quýt, Điện Bàn – Quảng Nam; ông Trương Quốc Thành, doanh nhân họ Trương gốc tại Thạch Hà, Hà Tĩnh đã giúp đỡ, ủng hộ và tham gia những hoạt động kết nối tộc tính của Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời.
2.6.4- Hội đồng Trương tộc Việt Nam đánh giá cao những công lao đóng góp của Quản trị chính trang mạng Họ Trương Việt Nam: anh Trương Xuân Lực Họ Trương gốc Quảng Bình cùng các quản trị viên : Trương Quang Thông, họ Trương  gốc tại Quảng Ngãi; Trương Lê Anh Tuấn,  họ Trương gốc tại Thừa thiên Huế; đặc biệt là biểu dương những kết quả hoạt động tích cực trong việc chuẩn bị, đưa tin - bài - ảnh kịp thời và tham gia các hoạt động của văn phòng Hội đồng của anh Trương Quốc Chính, Họ Trương gốc Hà Nam -quản trị viên trang mạng kiêm thành viên Ban Văn kiện của Hội đồng.
Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời hoan nghênh và đánh giá cao sự nhiệt tình ủng hộ của các vị lãnh đạo các cơ quan, tổ chức tuy không phải là người họ Trương nhưng đã và đang hết sức nhiệt tình tham gia, ủng hộ các hoạt động kết nối và tôn vinh các danh nhân họ Trương, điển hình là các cơ quan và các vị lãnh đạo tại Ninh Bình, trong việc bảo vệ và phát huy giá trị các di tích và xây dựng tượng đài danh nhân Trương Hán Siêu tại Đền Dục Thúy Sơn, TP Ninh Bình, trong đó ông Phạm Đức Ánh, nguyên Giám đốc Sở Du lịch, nguyên Chủ tịch UBND thị xã Ninh Bình đã lăn lộn, gắn bó với những hoạt động này qua hàng chục năm.
Cuối cùng, Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời ghi nhận và bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến toàn thể bà con, anh em, các doanh nhân họ Trương Việt Nam, các bà các chị là con dâu và con gái họ Trương đã có những đóng góp về thời gian, công sức và tâm sức để nghiên cứu, tham gia các hoạt động nhằm kết nối dòng tộc. Đồng thời, đã nhiệt tâm ủng hộ về  tài chính và vật chất cho công tác tổ chức Đại hội đại biểu họ Trương Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất và “Quỹ Cội nguồn” của họ Trương Việt Nam.
Chúng ta hy vọng và tin tưởng rằng trong thời gian tới, các hoạt động kết nối dòng họ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dòng họ của những người họ Trương ở Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của đông đảo bà con, anh em đồng tộc họ Trương  ở trong nước và nước ngoài.
 
Phần thứ ba:
Những định hướng hoạt động lớn của Hội đồng
Họ Trương Việt Nam trong thời gian tới

3.1- Từng bước tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đại hội đại biểu họ Trương Việt Nam lần thứ nhất:
3.1.1- Tổ chức kiện toàn các cơ quan của Hội đồng ở trung ương và cơ sở, theo phương châm gọn nhẹ, hiệu quả, tránh hình thức, chọn lựa những người có tâm với hoạt động văn hóa họ tộc
3.1.2- Triển khai việc thực hiện việc gây quỹ họat động của Hội đồng trên cơ sở thực hiện Quy chế quản lý và sử dụng nguồn tài chính của Hội đồng, “Quỹ Cội nguồn”
3.1.3- Xúc tiến thành lập Câu lạc bộ Doanh nhân Họ Trương Việt Nam.
3.2-Tiếp tục nghiên cứu, mở rộng sự kết nối với các tộc Trương trong toàn quốc.
Họ Trương, một thành viên của dân tộc Việt Nam, có một lịch sử lâu đời gắn liền với lịch sử Việt Nam từ thời cổ đại đến nay, đã từng góp sức cùng các tộc khác khai hoang lập ấp, mở mang đất nước, góp phần vào bảo tồn nòi giống, bảo tồn và phát triển tinh hoa văn hóa dân tộc. xây dựng và bảo vệ một nước Việt Nam tươi đẹp và giàu mạnh. Tìm hiểu về Họ Trương ở Việt Nam không thể tách rời với lịch sử hình thành và phát triển của quốc gia dân tộc.
3.2.1- Những năm trước đây, không ít các tộc đã xúc tiến việc tìm hiểu , xác minh cội nguồn trên cơ sở những thông tin ít ỏi, không đầy đủ, được truyền lưu từ các thế hệ tiền bối. Cũng đã có không ít những kết quả từ những nỗ lực kết nối này. Nhờ có các hoạt động này mà nhiều chi họ đã tìm được mối quan hệ thân tộc. Ví dụ như:  các chi họ  Trương ở Vân Canh, Đông Anh, ở Nghi Tàm , Hà Nội đã tìm được và gắn kết với họ Trương từ Phù Tải, Hải Dương. Các chi họ Trương từ thập tam trại, từ Thanh Trì, Phú Thọ…đã tìm được nguồn cội của mình từ Lệ Mật, Hà Nội. Các chi họ Trương tại Diễn Châu, Cửa Lò đã tìm được gốc từ Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Một trong những ví dụ cụ thể đã đề cập là sự kiện giữa năm 2012  tộc Trương ở thôn Nghĩa Trang, huyện Yên Mỹ, tỉnh  Hưng yên diễn ra cuộc gặp gỡ hội ngộ của con cháu các chi họ Trương là con cháu của cụ Trương Công Đạo sau hơn 135 năm tìm kiếm để chắp nối phả hệ, các chi họ Trương ở NHư Quỳnh, Hưng Yên đã tìm được gốc tích từ liệt Tổ Khai quốc công thần Trương Lôi , Thanh Hóa . Và gần đây nhất, vào đầu năm 2013, họ Trương Công tại Thanh Quýt, Điện Bàn đã tìm hiểu và xác định chính xác bản quản gốc của mình tại Nghệ An là ngoại vi thành phố Vinh.
Từ sau khi có các hoạt động của Hội đồng Họ Trương lâm thời Việt Nam đến nay, hoạt động kết nối của những người Họ Trương ở Việt Nam càng ngày càng được mở rộng với sự tham gia của những người tâm huyết. Qua các số điện thoại và địa chỉ email được thông báo trong các tập nội san, đặc biệt là Trang Web “ Họ Trương Việt Nam” mới sau một năm trở thành Diễn đàn chính thức của Họ Trương Việt Nam nhưng đã có tới 1,5 triệu lượt người truy cập, hoặc qua những nỗ lực gắn kết cá nhân, việc nối kết các tộc họ Trương ở Việt Nam đã có những thay đổi cơ bản.
3.2.2-  Tuy nhiên, do những đặc điểm lịch sử của quá trình hình thành và phát triển của quốc gia dân tộc gắn liền với quá trình tụ cư, hỗn cư và hợp cư của các thành phần cư dân trong lịch sử, đặc biệt là trong quá trình mở mang, khai thác các vùng đất ở phía Nam từ các thế kỷ XVI,  XVII đến nay, cũng như nhiều tộc họ khác ở Việt Nam, địa bàn cư trú của các nhánh họ Trương cũng có những biến đổi không nhỏ. Chính vì thế, việc chắp nối, xác định các mối quan hệ tộc phả của các chi họ, tộc họ là không đơn giản, cần có sự trao đổi, nối kết thông tin, cần có sự đối chiếu các tư liệu lịch sử, đặc biệt là các bản gia phả Hán Nôm.
 Ví dụ như: trên địa bàn tỉnh  Thanh hoá hiện nay có rất nhiều tộc họ Trương định cư tại các  huyện Hoằng Hoá, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thuỷ, Bá Thước. Riêng Bá thước có tới trên hai chục chi, dân số thì chưa thống kê nhưng có thể đến hàng vạn người.( Ông Trương Công Giang "Người đi tìm dòng họ" đã vào Bá thước 5 lần để chuẩn bị cho việc đại hội các chi họ Trương ở vùng Bá Thước, Cẩm Thuỷ và khớp phả hệ với Gia tộc họ Trương Công ở Thanh Tâm, Thanh Liêm, Hà Nam và theo  ông Trương Công Giang sưu tầm thì họ Trương Công ở Bá thước là ngành trên của họ Trương Công ở Thanh Liêm, Hà Nam).
Cũng từ việc nghiên cứu, chắp nối phả hệ mà chúng ta đã phát hiện được nhiều vấn đề lý thú, ví dụ như: nguyên nhân có cộng đồng khá đông các chi họ Trương tại vùng đồng bào Mường ở Bá Thước là do vảo khoảng năm 1500, gia đình cụ Trương Công Quán gặp nạn chu di, lúc đó cụ bà đang mang thai người người em( là Trương Công Nghị) đã bồng bế người anh là Trương Công Tâm chạy lên vùng Hoà Bình ẩn náu, sau đó tiếp tục chạy vào vùng Bá Thước, Thạch Thành, Cẩm Thủy và gửi người anh Trương Công Tâm vào nhà một quan chức người Mường làm con nuôi. Lại có ý kiến cho rằng, “theo truyền thuyết, ông tổ  dòng họ Trương Công, Trương văn, một dòng họ có thế lực ở Bá thước-một trung tâm Mường ở miền núi Thanh Hóa còn đền thờ tổ của dòng họ ở làng Ẩm xã Lương Nội. Quê ở Hòa Bình, được Minh Mạng cử đi chỉ huy dân binh đánh giặc và được cử trấn ải miền Tam Trung. Sau khi thắng trận, đoàn quân kéo về Bá Thước rồi định cư ở đó...Cư dân họ Trương ở các nơi khác trên vùng Mường ở Thanh Hóa đều là di duệ của dòng họ Trương Công, Trương Văn này."
3.2.3-  Một trong những hiện tượng khá phổ biến của các tộc họ, trong đó có các tộc Trương, tại các tỉnh khu vực Tây Nam bộ, là việc di cư và định cư tại khu vực này mới chỉ khoảng từ 4 , 5 đời, và hầu hết những người đầu tiên thường không để lại gia phả hoặc tài liệu thư tịch để có thể chắp nối , xác minh nguồn gốc. Những nguyên nhân cơ bản của tình trạng này có thể là do trình độ văn hóa hoặc vì lo sợ, không dám công khai danh tính và nguồn gốc, phải đổi họ như họ Trương đổi sang họ Lê như ở Trà Vinh.
Chính vì vậy, một trong những trọng tâm kết nối dòng họ Trương tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.là khẩn trương bổ sung việc đăng ký danh sách các  tộc họ cùng những thông tin cơ bản nhất : địa chỉ , người liên lạc, số hộ gia đình, thời gian định cư, nguồn gốc bản quán…
3.2.4- Với tư cách là những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn của quốc gia, các thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ…cũng đồng thời là những trung tâm dân cư lớn. Tại đây, có không ít các đại diện của họ tộc đã và đang tập hợp sinh hoạt chung thậm chí xây dựng cả nhà thờ tộc để đáp ứng nhu cầu tâm linh trước những hạn chế về điều kiện địa lý trong khi vẫn tôn trọng những  nguyên tắc cơ bản theo văn hóa cộng đồng tộc họ tại bản quán và mối liên hệ huyết thống nguyên gốc. Chi họ Trương Phú , Bất Nhị, Điện Bàn, Quảng Nam đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, còn có không ít những người Họ Trương đang sinh sống, học tập và làm việc tại các thành phố lớn. Họ là những thành phần hết sức quan trọng trong công tác kết nối họ tộc bởi  hầu hết là những người có điều kiện sử dụng intenet và các phương tiện thông tin hiện đại để cung cấp thông tin hoặc làm cầu nối giữa Hội đồng Họ Trương Việt Nam với gia tộc tại bản quán. Mặt khác, đây còn là những hạt nhân tích cực trong  việc chắp nối, xác minh phả hệ cùng mối quan hệ tộc tính với các thành viên họ tộc đang định cư ở nước ngoài.
Đồng thời, cần đẩy mạnh hơn nữa việc kết nối với các tộc Trương  là người Việt gốc Hoa tại các tinh, thành phố phía Nam, đặc biệt là trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
3.2.5-  Tăng cường mối quan hệ đồng tộc với  những người họ Trương đã đổi sang họ khác vì những nguyên nhân khác nhau.  Thay đổi họ là điều thường xảy ra ở Việt Nam, nguyên nhân là do sợ bị bức hại bởi những bất đồng về chính trị, do được ban quốc tính (họ vua), do đi làm con nuôi.... Vào thời Lê, ngay khi vừa lên ngôi năm 1428, Lê Thái Tổ ra sắc chỉ cho ghi chép công trạng của những người đã theo vua khởi nghĩa, ban chức tước và quốc tính (họ của nhà vua) cho 221 người. Đây là đợt ban quốc tính nhiều nhất trong lịch sử nước ta, trong số này có các vị Trương Lôi, Trương Chiến là những công thân khai quốc, mà hậu duệ là Lê Trương hiện còn ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa.( Việc làm này của Lê Thái Tổ bề ngoài xem ra là một đặc ân, nhưng thật sự là một thủ đoạn chính trị ràng buộc các công thần bằng cách đồng hóa các quan vào họ nhà vua để dễ kiểm soát nhằm tránh hậu hoạ.)
Như mọi người đã biết, trong lịch sử Việt Nam, đã có ba lần đổi họ lớn diễn ra, đó là:
3.2.5.1- Vào thời Trần, tháng Tư năm Nhâm thìn (1232), nhân việc ban chữ húy về tiên tổ họ Trần, lấy lý do ông nội của Trần Thái Tông tên là Trần Lý, nên Trần Thủ Độ đưa ra biện pháp quyết liệt là buộc tất cả con cháu họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn.
 3.2.5.2- Vào thời Lê, sau khi kế nghiệp, lấy cớ  bà nội của mình tên là Trần tức Cung Từ Hoàng thái hậu  Phạm Ngọc Trần, người làng Quần Lai, huyện Lội Dương (Thanh Hóa), vợ của Lê Thái Tổ, mẹ của Lê Thái Tông, vua Lê Thánh Tông đã hạ chiếu bắt dân chúng khắp nước, nơi nào có họ "Trần" đều phải đổi chép thành chữ "Trình."
3.2.5.3- Thế kỷ XVI, khi Trịnh Tùng chiếm được Thăng Long, trung hưng nhà Lê (1593), con cháu họ Mạc tẩu tán khắp nước, một số lên Cao Bằng, một số chạy vào Thanh Hóa, Nghệ An ẩn trốn, và một số vào Nam theo chúa Nguyễn. Con cháu họ Mạc đổi ra rất nhiều họ khác nhau.
Trong tình hình đổi họ diễn ra thường xuyên ở Việt Nam vì những nguyên nhân khác nhau, có những người họ Trương đã đổi sang họ Tô  (gốc Trương) làng Cổ Đam, xã Yên Phương, huyện Ý Yên – Nam Định, họ Trương sang họ Lê ( như ở xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh từ cuối thế kỷ XIX vì sợ bị trả thù, hoặc họ Lê Trương ở Thanh Hóa là hậu duệ của Khai quốc công thần Trương Lôi được vua Lê ban quốc tính thành họ Lê nhưng vẫn giữ họ gốc. Mặt khác, .lại có những anh em họ Trương gốc từ Diễn Kỷ, Diễn Châu , Nghệ An  cùng nhau ra định cư tại các huyện ngoại thành Hà Nội và cùng cải họ thành những người mang họ Nguyễn, họ Vũ, họ Lê…nhưng vẫn bí mật truyền lưu cho con cháu về nguồn cội Trương tộc của mình để con cháu hiện nay vẫn đi lại góp giỗ với những người chung một dòng máu với mình.
Tất cả những người họ Trương chúng ta hoan nghênh và đánh giá cao những nghĩa cử này và coi đây cũng chính là bà con đồng tộc mặc dù hiện nay họ  không mang họ Trương trong lý lịch tư pháp
3.3- Tiếp tục nghiên cứu, xác minh, chắp nối gia phả
3.3.1- Ở Việt Nam, gia phả giữ một vai trò quan trọng trong gia đình, gia tộc và ngoài xã hội. Việc làm gia phả của người người xưa nhằm hai mục đích: trước hết, giúp người ta nhớ ngày giỗ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Sau đó, là cho con cháu biết nguồn gốc gia tộc từ đâu đến đâu, họ hàng trên dưới xa gần ra sao. Nhờ có gia phả mà con cháu các đời sau mới hiểu ngọn ngành, tôn chỉ nhà mình.
Gia phả không chỉ quan tâm đến nguồn gốc, giỗ Tết, mà nó còn chứa đựng nhiều nghĩa lý sâu xa, khuyên răn việc thiện, việc nghĩa ở đời, nhờ vậy mà trong họ giữ được tình hoà hiếu lâu dài. Gia đình là nơi thường ngày những người cùng chung máu mủ quây quần sum họp. Nhưng trong phạm vi gia đình, sợi dây thân ái đó chỉ có thể duy trì trong một giới hạn nhất định rồi tự nó sẽ phai nhạt dần khi những người trong gia đình ấy bắt đầu phân tán ra nhiều ngành. Số người trong gia đình càng đông thì con cháu không thể nào biết hết được dòng họ xa gần từ các đời trước. Do đó, chỉ có cách chép gia phả mới giúp con cháu nhớ hết tất cả mọi người đã sinh ra trước họ và đã chết trước họ bao nhiêu đời. Bởi vậy, gia phả là sợi dây liên lạc vô hình nhưng hữu hiệu nhất để cố kết hết thảy con cháu của một dòng họ lại với nhau. Mối tương quan này không những chỉ quan hệ đến con cháu ở hiện tại, mà còn quan hệ cả đến tương lai nữa. Đi xa hơn, việc chép gia phả còn ảnh hưởng tới cả quốc gia, góp phần làm phong phú lịch sử nước nhà, bởi lịch sử quốc gia chính là lịch sử của nhiều gia đình, dòng họ đúc kết lại. Chính những nhân vật có tên tuổi lưu danh trong sử sách là nhờ vào gia phả của gia đình, họ được lưu truyền tới các thế hệ mai sau. Việc nghiên cứu xác định những nội dung của bản” Trương tộc chúc từ” đã không chỉ giúp cho các chi họ Trương vốn chung một gốc ở Ninh Bình tìm được nhau mà còn cung cấp những tư liệu lịch sử quý góp phần quan trọng trong việc tìm hiểu thân thế và sự nghiệp của danh nhân Trương Hán Siêu từ thời Trần, cùng những sự kiện có liên quan đến quyền thần Trương Phúc Loan vào thời Lê- Trịnh
 3.3.2- Nếu lịch sử là quá khứ và nền tảng của một dân tộc thì gia phả là lịch sử hình thành và phát triển của gia tộc. Gia phả phát xuất từ Trung quốc dưới dạng thức "thế bản" từ thời nhà Chu (111-256 trước Công nguyên) trong khi ở Việt Nam có thể gia phả đã có từ trước, nhưng theo lịch sử biên chép thì gia phả đầu tiên  xuất hiện từ thời  Lý. Theo sử gia Phan Huy Chú, năm 1026, vua Lý Thái Tổ đã hạ lệnh biên soạn Hoàng triều ngọc điệp (một thứ gia phả của Hoàng tộc). Đáng tiếc sách này đã mất. Hiện nay, trong số 264 gia phả đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cuốn gia phả của họ Trần (xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm- Hà Nội) là cuốn có niên đại sớm nhất, được soạn năm 1533. Cuốn này ghi lại thế hệ thứ mười, đời từ Trần Thụ đến Trần Văn Kính.
Trong 264 cuốn gia phả nói trên, có cuốn được ghi bằng chữ Hán, có cuốn được ghi bằng chữ Nôm. Về tên gọi, 117 cuốn mang tên phả ký, 53 cuốn gọi là thế phả, 24 cuốn mang tên phả ký, 16 cuốn tộc phả, 5 cuốn ngọc phả, 4 cuốn phả hệ...Chi có 3 trên tổng số 264 gia phả được khắc in, còn lại là sách chép tay.
Số gia phả được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm chưa phải là tất cả số gia phả của các tộc họ nói chung và họ Trương ở Việt Nam nói riêng.  Hầu hết các họ tộc đều coi gia phả là bảo vật của cả dòng họ. Trước năm 1975, vị trưởng họ Trương ở Tam Kỳ , Quảng Nam đã hy sinh mạng sống của bản thân mình để bảo vệ gia phả khi chạy càn. Những năm qua, nhiều gia tộc đã và đang tập trung công sức , trí tuệ để  khôi phục , biên dịch gia phả. Tuy nhiên, phần lớn các dòng họ không còn giữ được gia phả do những nguyên nhân chủ yếu là: do chiến tranh, do lo sợ bị bức hại trong thời loạn lạc, do nhận thức ấu trĩ mà có lúc, có người cho rằng gia phả là tàn tích phong kiến, là tài liệu phản động, lạc hậu, vì vậy không ít cuốn gia phả bằng chữ Hán, chữ Nôm đã bị thiêu huỷ.
3.3.3- Từ những năm 80 của thế kỷ XX trở lại đây đã có sự khởi sắc của văn hoá dòng họ. Nhiều nơi, nhiều dòng họ sưu tầm, dịch, phiên âm gia phả, tộc phả. Qua gia phả đi tìm về quê hương bản quán, lập các ban liên lạc dòng họ, liên kết các chi họ, xây dựng mới hoặc sửa sang nhà thờ họ, đi tìm mồ mả, quy tập lại theo dòng họ, chi họ. Tổ chức Câu lạc bộ dòng họ thuộc UNESCO Việt Nam cho đến nay đã có gần 200 dòng họ trong cả nước tham gia. Nhiều cuộc hội thảo về dòng họ đã được tổ chức ở Hà Nội, Nghệ An, Thái Bình... Năm 2001, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội) đã tổ chức hội thảo và trưng bày gia phả.
Với những công sức và tâm sức to lớn, qua gần 30 năm nỗ lực hoạt động, cụ Trương Công Giang ở Trà Châu, Hà Nam đã chắp nối, xác minh và phát hiện được tên của vị tiền hiền của chi họ được khắc tạc trong một trong hơn 80 tấm bia tiến sỹ tại Văn Miếu- Quốc tử giám để trên cơ sở đó vận động bà con và chính quyền các cấp ủng hộ việc xây dựng khu nhà thờ của dòng họ tại Thanh Liêm, nới tụ họp hàng năm của đông đảo bà con các chi họ Trương có chung gốc tại đây nhưng đang cư trú tại các tỉnh Thanh Hóa, Phủ Lý, Hưng Yên, Thái Binh…
Thời gian qua, nhiều tộc Trương đã và đang đối chiếu, bổ sung gia phả với những nỗ lực tham gia của các thành viên tích cực của Hội đồng Trương tộc lâm thời. Nhờ những cố gắng chắp nối của nhà thơ, nhà báo Trương Kim Dung mà mối liên hệ thân tộc của các thế hệ hậu duệ  của Bình Ngô Khai Quốc Công thần Trương Lôi, Trương Chiến, hai trong 18 vị tham gia Hội thề Lũng Nhai cùng với Lê Lợi, Nguyễn Trãi dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Minh, đã nhận họ sau 600 năm lưu lạc.
3.4- Đẩy mạnh việc nghiên cứu, tổ chức Hội thảo khoa học và đề xuất việc xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng các di tích về các danh nhân là người họ Trương ở Việt Nam
3.4.1- Từ vài chục năm trước đến nay, đã có không ít các di tích và địa điểm di tích về danh nhân, danh tướng người họ Trương đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa.
Những người họ Trương chúng ta tự hào vì có  một trong 33 khu di tích quốc gia đặc biệt mới được Chính phủ ra quyết định công nhận trong năm 2012 là các di tích về khởi nghĩa Yên Thế dưới sự lãnh đạo của của Trương Văn Thám, tức Hoàng Hoa Thám.
Tính đến nay, đã có hàng chục di tích  lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành phố có liên quan đến các danh nhân người họ Trương như: Trương Hống ,Trương Hát,  nhà thờ tộc họ Trương ở Như Quỳnh , Đền thờ Trương Hanh, Trương Đỗ tại Hải Dương,Đền thờ Trương Quốc Dụng, Thạch Hà, Hà Tĩnh, Nhà thờ tộc Trương ở Hội An, Quảng Nam, di tích về Trương Công Định tại Tiền Giang,.. Nhà thờ họ Trương Quang,( Thạch Đài, Hà Tĩnh); Đền Yên Ninh, (Nghi Xuân, Hà Tĩnh); Đền Yên Lương, (Nghệ An), 3 di tích của Họ Trương Công tại Thanh Quýt,( Điện Bàn Quảng Nam)
Tuy nhiên, những năm qua, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, sự nghiệp của một số danh nhân, nhân vật người họ Trương vẫn chưa được đánh giá đầy đủ, chưa tương xứng với công lao của các vị này.
Thời gian qua, Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời đã và đang phối hợp với các cơ quan quản lý , các cơ quan chuyên môn của ngành văn hóa xúc tiến việc tôn vinh một số danh nhân là người họ Trương. Tuy nhiên, các hoạt động này mới chỉ dừng ở việc tham gia góp ý kiến về tu bổ, tôn tạo, xây dựng và thẩm định hồ sơ xếp hạng di tích, tham dự lễ đón bằng công nhận tại các khu di tích tộc Trương tại Thanh Quýt, Điện Bàn, Quảng Nam, Khu di tích Trương Quốc Dụng tại Thạch Khê, Thạch Hà , đền Yên Ninh, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, đặc biệt là quá trình xây dựng tượng thờ  danh nhân Trương Hán Siêu tại Ninh Bình.
3.4.2- Trong thời gian tới, Hội đồng họ Trương Việt Nam sẽ  tập trung chuẩn bị và phối hợp với Viện Sử học cùng  một số cơ quan chuyên môn và UBND các tỉnh, thành phố tổ chức các cuộc Hội thảo khoa học về các danh nhân người họ Trương sau đây:
3.4.2.1- Phối hợp với tỉnh Ninh Bình tổ chức hội thảo khoa học về Trương Hán Siêu  một danh sĩ nổi tiếng đời Trần. Hội thảo khoa học này không chỉ tiếp tục khẳng định những công lao to lớn của Trương Hán Siêu mà còn góp phần trao đổi về việc mở rộng khuôn viên Đền thờ Cụ Trương tại Dục Thúy sơn. Đồng thời, chuẩn bị hồ sơ khoa học để xếp hạng khu di tích này.
3.4.2.2-Hội thảo khoa học về Danh nhân, danh sỹ Trương Đăng Quế , Phụ chính đại thần, văn minh điện đại học sĩ người Quảng Ngãi (gốc Hà Tĩnh).Trương Đăng Quế (1793-1865) là người có vai trò quan trọng trong thời các vua Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức. Trong cuộc đời 44 năm làm quan (1819-1863), Trương Đăng Quế thể hiện lòng trung thành, công minh, liêm chính của mình bằng cách hết lòng với công việc triều chính. Một trong những đóng góp đặc sắc nhất của ông là hoàn thành việc đạc điền và lập điền bạ trên vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng,  góp phần to lớn vào việc hoàn thiện lãnh thổ Quốc gia , đặc biệt là vùng đất phương Nam.
3.4.2.3 - Phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo khoa học về Đại thần Danh sĩ, Thượng thư, Tổng tài Quốc sử quán Trương Quốc Dụng (1797-1864). 
3.4.2.4- Phối hợp với tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo khoa học về Lưỡng Bộ Thượng thư Trương Công Hy. Hoàn chỉnh hồ sơ khoa học để đề nghị nâng cấp từ Di tích cấp tỉnh thành Di tích lịch sử quốc gia.
3.4.2.5- Phối hợp với tỉnh Bến Tre và TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo về Trương Vĩnh Ký (1837-1898) , người thông thạo 15 sinh ngữ, tham gia nhiều tổ chức khoa học, được  xếp  vào hàng 18 nhà bác học trên thế giới đương thời.  Trương Vĩnh Ký là tác giả của hơn 100 bộ sách, các tác phẩm chính là: Chuyến đi Bắc kỳ năm 1875, Chuyện đời xưa, Sử ký An Nam, Sử ký Trung Quốc, Pháp Việt từ điển, Việt-Pháp từ điển, Từ điển danh nhân An Nam, Chủ biên Bộ Thông loại khóa trình (18 tập).
Nội dung và kết quả của các hội thảo này sẽ đem lại những cứ liệu khoa học vừa góp phần tôn vinh công lao và sự nghiệp của các danh nhân người họ Trương, vừa tạo thêm những tư liệu để xây dựng và bổ sung cho hồ sơ di tích đề nghị các cơ quan nhà nước xếp hạng ( hoặc nâng hạng)  di sản văn hóa theo luật định.
3.5- Từng bước tổ chức việc nghiên cứu xây dựng bản thảo và xuất bản các công trình nghiên cứu tổng hợp hoặc chuyên đề về Họ Trương Việt Nam, có thể là:
- Các tộc Trương ở Việt Nam ( mỗi họ tộc một bài giới thiệu sơ lược từ 3 đến 4 trang, kèm theo ảnh chụp nhà thờ đại tộc, các nhà thờ chi…)
- Các Danh nhân họ Trương ở Việt Nam
- Các vị khoa bảng họ Trương ở Việt Nam
- Các Bà Mẹ và những người con dâu Họ Trương nổi tiếng trong lịch sử.
- Các di tích lịch sử cấp quốc gia và di tích cấp tỉnh, thành phố có liên quan đến họ Trương ở Việt Nam
 - "Hành trình đi tìm Cội  nguồn, Tổ tiên" ( giới thiệu một số dòng họ hay một số người tích cực trong vấn đề này và có một số bài trao đổi về những kinh nghiệm đi điền dã khảo cứu truy tìm tư liệu...)
- Gia phả một số tộc Trương ở Việt Nam…
3.6- Nghiên cứu, xác định, xây dựng một địa điểm hoặc một khu vực có ý nghĩa về nhiều mặt làm nơi tưởng niệm, thờ phụng và tôn vinh họ Trương ở Việt Nam với sự đồng thuận và hưởng ứng của đông đảo bà con, anh em  người họ Trương.
Trên đây là Báo cáo về những hoạt động của Hội đồng lâm thời trong những năm qua cùng  một số  đề xuất của chúng tôi về những hoạt động của Hội đồng họ Trương Việt Nam trong thời gian tới.
Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng, trong tương lai sự nghiệp kết nối tộc tính cùng các hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy truyền thống vẻ vang của họ Trương ở Việt Nam sẽ tiếp tục được đẩy mạnh với sự tham gia, ủng hộ của đông đảo bà con, anh em gần xa ở cả trong nước và ngoài nước, theo tinh thần:
Huyết mạch họ hàng nối dài theo đất nước.
Vinh quang dòng họ truyền mãi với thời gian
Xin trân trọng cảm ơn./.
PGS.TS Trương Quốc Bình
ĐT: 0913524945.
Email: vandinhcusy@yahoo.com.vn


 
 Đăng bài và ảnh: Trương Quốc Chính - Trưởng ban kết nối tộc họ Hội đồng họ Trương Việt Nam
 

Những tin cũ hơn

Thông báo của Câu lạc bộ doanh nhân họ Trương Việt Nam

Thông báo của Câu lạc bộ doanh nhân họ Trương Việt Nam

— 22 Tháng Năm 2017

Ngày 21 tháng 4 năm 2013, tại phòng họp số 2 của Bảo tàng Hà Nội, Hội nghị thành lập Câu lạc bộ doanh nhân họ Trương Việt Nam đã được tổ chức dưới sự chủ trì của các ông Trương Văn Đoan, Chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam, ông Trương Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam phụ trách Tài chính – Kinh tế, cùng với sự tham gia của hơn 100 doanh nhân họ Trương Việt Nam,

Diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu Họ Trương Việt Nam lần thứ nhất nhiệm kỳ 2013 - 2018

Diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu Họ Trương Việt Nam lần thứ nhất nhiệm kỳ 2013 - 2018

— 22 Tháng Năm 2017

Diễn văn Khai mạc của Chủ tịch Hội đồng Họ Trương Việt Nam Trương Văn Đoan tại Đại hội Đại biểu họ Trương Việt Nam lần thứ nhất nhiệm kỳ 2013 - 2018 ngày 21/04/2013.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Họ Trương Việt Nam lần thứ nhất nhiệm kỳ 2013-2018

Nghị quyết Đại hội đại biểu Họ Trương Việt Nam lần thứ nhất nhiệm kỳ 2013-2018

— 22 Tháng Năm 2017

Kính thưa toàn thể bà con trong tộc họ. Nhằm đưa thông tin về Đại hội Đại biểu họ Trương Việt Nam lần thứ nhất, Cổng thông tin điện tử họ Trương Việt Nam sẽ lần lượt đăng tải loạt bài về chương trình Đại hội: Nghị quyết Đại hội, Diễn văn Khai mạc, báo cáo tóm tắt tổng kết, các bài tham luận của Đại hội

Tường thuật Đại hội Đại biểu họ Trương Việt Nam lần thứ nhất nhiệm kỳ 2013 -2018

Tường thuật Đại hội Đại biểu họ Trương Việt Nam lần thứ nhất nhiệm kỳ 2013 -2018

— 22 Tháng Năm 2017

Đúng 8h sáng, ngày 21 tháng 4 năm 2013, nhằm ngày 12 tháng 3 năm Quý Tỵ, Đại hội Đại biểu họ Trương Việt Nam lần thứ nhất đã được tổ chức trọng thể tại Hội trường lớn của Bảo tàng Hà Nội, số 2 đường Phạm Hùng, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội trong không khí trang nghiêm, thiêng liêng và đầy ắp tình thân tộc.

Họ Trương Quốc Xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tĩnh Hà Tĩnh

Họ Trương Quốc Xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tĩnh Hà Tĩnh

— 22 Tháng Năm 2017

Xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã trải qua bao thăng trầm lịch sử, tiền thân có nhiều tên gọi khác nhau. Xưa lúc thì gọi là xã Long Phúc, lúc thì gọi là xã Long Phú rồi đổi là xã Phong Phú, đến sau cách mạng tháng 8 năm 1945 được gọi xã Thạch Khê cho đến nay.