Phút trùng phùng của liệt sĩ trở về nhà sau 33 năm "hy sinh"

17:43 - 22/02/2018 Tin tổng hợp Administrator 5363

Chiều 21/2, trong căn nhà cấp bốn ở xã vùng sâu Định Môn của huyện Thới Lai (TP Cần Thơ), cụ bà 87 tuổi Huỳnh Thị Nía lật lại giấy tờ liên quan đến người con trai "hy sinh" 33 năm trước. Trong đó có lá thư gửi từ chiến trường Campuchia mà ông Trương Văn Chóng nhờ đồng đội viết giùm để gửi về mẹ trước ngày bị địch vây ráp vào năm 1985.

"Thằng Chóng chữ nghĩa không bao nhiêu nên nhờ bạn viết thư giùm để gửi về thăm hỏi gia đình cách đây mấy chục năm. Từ ngày hay tin nó hy sinh, lá thư này là kỷ vật quý giá mà tôi cất giữ trong tủ", người mẹ nói.

'Tao đi cầu hồn, người ta nói mầy chết rồi'

Hơn 1h sáng 20/2 (mùng 5 Tết Mậu Tuất), gia đình bà Nía đang chìm trong giấc ngủ thì mọi người giật mình bởi tiếng đập cửa rất mạnh từ bên ngoài. Giọng người đàn ông khoảng 60 tuổi gọi lớn: "Tư Cao, Tư Cao ơi anh có nhà hôn?".

Zalo

Ông Chóng trở về sau 33 năm được cho là hy sinh ở Campuchia. Ảnh: Nhật Tân.

Con trai thứ tám của bà Nía mở cửa bước ra sân thì thấy người đàn ông lạ mặt dắt theo chiếc xe đạp. Bị phá giấc ngủ, con trai chủ nhà chỉ vào mặt người đối diện rồi lớn tiếng đuổi đi.

"Nằm trong nhà tôi nghe thằng Tám nói 'ông ở đâu nhậu xỉn ghé nhà tôi quậy phá, la lối om sòm'. Nghe tiếng trả lời 'tui em Tư Cao' mà Tư Cao thì có thằng Tám là em rồi còn gì. Phải chi nó nói tên thiệt hay con ông Năm Tấn thì mình biết", cụ bà gần 90 tuổi kể.

Nghe tiếng cãi vã càng lúc càng dữ dội và nguy cơ hai người đánh nhau, bà Nía bước ra giải hòa thì ông Chóng vứt xe đạp chạy đến ôm bà cụ. Nghe người lạ mặt nói "má, con Chóng đây má" khiến bà Nía chết lặng.

"Lúc đó tôi run lên vì mấy ngày trước cúng cơm ông bà dịp Tết, tôi còn vái nó về ăn. Hổng lẽ nó linh thiêng đến vậy, về nhà lúc nửa đêm. Tôi khóc rồi nói 'mầy hả Chóng, tao đi cầu hồn mầy mấy lần, người ta nói mầy chết do bắn nhau, thi thể mối ăn hết'. Không ngờ con tôi trở về như một giấc mơ", bà Nía chia sẻ.

Zalo

"Di ảnh" của ông Chóng trên bàn thờ. Ảnh: Nhật Tân.

Để kiểm chứng chuyện "thằng Chóng trở về" vì người gọi mình là "má" không giống hình trên bàn thờ, người mẹ gọi điện cho các con ở gần chạy đến. Vừa thấy ông Chóng, bà Trương Thị Lượng (64 tuổi, con thứ ba của bà Nía) liền nhận ra đứa em mất tích trên 30 năm.

"Vừa thấy nó là tôi hét lên 'thằng Chóng đây mà'. Lúc đó chị em tôi ôm nhau khóc vì vui sướng. Đêm đó cho đến sáng cả nhà không ai ngủ", bà Lượng nói.

Đường về nhà của 'liệt sĩ' Chóng

Từ lúc ông Chóng về nhà, tất cả những người thân đều có những cảm xúc lẫn lộn. Đặc biệt nhất là người mẹ, đêm nào bà Nía cũng thắp hương cho con, cầu mong linh hồn ông Chóng được siêu thoát.

"Nghe con Lượng nói 'đúng là thằng Chóng rồi má ơi' nhưng cả tiếng đồng hồ sau tôi mới tin đó là sự thật. Lúc đầu tưởng nó là ma hay thằng ăn trộm, ai dè là con tôi mất liên lạc hơn 30 năm", người mẹ nói trong nước mắt.

Ngồi cạnh mẹ, ông Chóng liên tục trả lời những câu hỏi của những người xung quanh. Những câu chuyện không đầu không đuôi được ông Chóng trả lời rất chậm, bởi trí nhớ của người đàn ông này không còn tốt do bệnh tai biến xảy ra vài năm trước.

Zalo

Bà Nía kể về những năm tháng lập bàn thờ và cầu hồn con trai. Ảnh: Nhật Tân.

Ông Chóng kể sau hai năm nhập ngũ giúp nước bạn Campuchia, giữa năm 1985, ông với đồng đội bất ngờ bị địch vây ráp trong một cánh rừng. Trước hỏa lực quá mạnh của địch, mọi người tự chống trả và tìm đường thoát thân.

"Tôi bị thương ở tay, cố chạy sâu vào rừng rồi đến một phum sóc (xóm làng của người Khmer - PV). Thấy tôi lạc đường và đói vì chạy cả ngày, bà con trong sóc thương tình cho ăn uống. Vài tháng sau có một phụ nữ Khmer thương, rồi tụi tôi sống với nhau như vợ chồng", ông Chóng nói với Zing.vn.

Những ngày ở nước bạn, ông Chóng cùng người vợ bản xứ làm ruộng, trồng rẫy. Sống với nhau gần 5 năm nhưng không con nên vợ ông Chóng muốn chồng có người nối dõi tông đường. Vậy là một phụ nữ gốc Việt góa chồng, đang nuôi 5 con ở cùng phum sóc đã giúp ông Chóng thực hiện điều đó.

"Ở với người vợ Việt kiều tôi có 3 con. Người vợ này sau đó đưa tôi về Tây Ninh sinh sống. Lúc này, mình mới bắt đầu nghĩ đến chuyện tìm lại quê hương. Tôi không nhớ mình ở tỉnh nào, chỉ nhớ Vàm Nhon của Ô Môn và có người ở gần nhà nói ông ấy cũng ở Ô Môn. Vậy là họ giúp tôi đường về nhà với mẹ", người đàn ông tóc hoa râm kể.

Chiều mùng 4 Tết Mậu Tuất, ông Chóng quảy túi quần áo rồi dắt xe đạp ra đường đón xe đò từ Tân Châu (Tây Ninh). Đến bến xe Cần Thơ, ông đón xe đò đi tiếp đến Ô Môn rồi hỏi đường về Vàm Nhon. Được sự giúp đỡ của những người chạy xe ôm, ông Chóng đạp xe từ Ô Môn về đến xã Định Môn thì đã quá nửa đêm.

Với giọng khá "cứng" vì nhiều năm sống ở Campuchia, ông Chóng kể tiếp: "Lúc đó gần sáng thì đâu còn mấy ai mà hỏi đường. Hên là gặp mấy người đi nhậu về, tôi mừng quá chạy theo hỏi. Người ta chỉ tôi đi qua mấy cái cầu, tới cầu Vàm Nhon tôi hỏi tiếp nhà ông Cao vì trong đầu còn mang máng người anh tên này".

Tới nhà ông Cao như một người đi đêm hướng dẫn, ông Chóng đập cửa rồi đứng giữa sân gọi "anh Tư". Theo ông Chóng, do không biết có phải nhà cha mẹ hay anh em ruột hay không nên chỉ có cách làm liều là lớn tiếng khuấy động không gian yên tĩnh của làng quê trong những ngày Tết.

Tạm dừng chế độ người có công

Trao đổi với Zing.vn chiều 21/2, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thới Lai, cho biết liệt sĩ trở về sau 33 năm mất tích chính là ông Chóng. Trong ngày, chính quyền địa phương đã có các bước xác minh, lập thủ tục xác định ông Chóng còn sống, không hy sinh năm 1985 tại chiến trường Campuchia như các tài liệu đã lưu.

Zalo

Phiếu chi chế độ chính sách cho ông Chóng do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cần Thơ (cũ) lập năm 1994. Ảnh: Nhật Tân.

"Ngày mai tôi sẽ ký văn bản gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, đề nghị tạm ngưng các chế độ liệt sĩ đối với ông Chóng. Sở sau đó sẽ có những thủ tục gửi Cục Người có công của Bộ để từng bước hủy, thu hồi các quyết định công nhận liệt sĩ và chế độ cho ông Chóng với gia đình", ông Bình nói.

Theo ông Bình, năm 1995, xã Trường Lạc của quận Ô Môn từng có trường hợp "liệt sĩ trở về". Địa phương sau đó lập các thủ tục thu hồi quyết định công nhận liệt sĩ, cắt chế độ trợ cấp người có công và thu lại số tiền đã cấp.

"Thu hồi lại tiền đã cấp rất khó vì những người hưởng qua đời hoặc già yếu. Việc này ngoài khả năng của địa phương, phải do Sở quyết định", lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thới Lai nói.

Zalo

Xã Định Môn (màu đỏ) ở Cần Thơ. Ảnh: Google Maps.

"Theo Zing"

Những tin cũ hơn

Hà Nội khúc giao mùa

Hà Nội khúc giao mùa

— 05 Tháng Hai 2018

Sắp bước sang Đông, nhưng những người họ Trương trên đất Kinh kỳ lại bồn chồn, náo nức như sắp bước sang Xuân. Thông tin về Đại hội Đại biểu họ Trương thành phố Hà Nội sẽ được tổ chức vào ngày 25 tháng 11 năm 2017 (nhằm ngày mồng 8 tháng 10 Đinh Dậu) như một luồng gió Xuân len lỏi vào từng mái ấm gia đình, xôn xao trên các kênh thông tin điện tử. Đã từ lâu, rất lâu rồi, những con người tâm huyết của họ Trương Hà Nội mong đợi ngày này, ngày Hội đoàn tụ những người họ Trương trên mảnh đất Thăng Long, Đông Đô ngàn năm văn hiến.

Cứ đem lòng dân mà đo vận nước

Cứ đem lòng dân mà đo vận nước

— 02 Tháng Hai 2018

"Nếu tình hình tham nhũng và suy thoái không được loại trừ, Đảng này, chế độ này, đất nước này sẽ đi về đâu?" - nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đặt vấn đề.

Họ Trương Việt Nam bên thềm xuân mới

Họ Trương Việt Nam bên thềm xuân mới

— 12 Tháng Một 2018

Năm 2017 đã đi qua, một năm mới đã lại về mang theo bao chờ mong, niềm tin và hy vọng. Thắp một tuần nhang, thành kính dâng lên ban thờ Tiên Tổ, cảm tạ và gửi gắm những điều nguyện ước thiêng liêng, tôi bâng khuâng ngắm khu đất nhà thờ, ngắm công trình xây dựng với những thành quả ban đầu đang từng bước hình thành.

Hội đồng họ Trương Việt Nam tham dự lễ đón bằng xếp hạng di tích lịch sử nhà thờ Trương-Đặng Công tại Nghệ An

Hội đồng họ Trương Việt Nam tham dự lễ đón bằng xếp hạng di tích lịch sử nhà thờ Trương-Đặng Công tại Nghệ An

— 02 Tháng Một 2018

Sáng ngày 1 tháng 1 năm 2018, nhân dịp ngày đầu năm mới dương lịch, Gia tộc Trương – Đặng Công ở Diễn Kỷ, Diễn Châu, Nghệ An (nơi thờ tự hai vị Tổ của hai họ cùng làm quan triều đình cách đây gần 700 năm) đã long trọng tổ chức đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh nhà thờ họ Trương – Đặng công.

Nụ cười và Niềm vui

Nụ cười và Niềm vui

— 04 Tháng M. hai 2017

Trong những ngày cuối năm, mặc dù bận rất nhiều công việc, tôi vẫn cố gắng thu xếp để về tham dự Đại hội đại biểu họ Trương Hà Nội lần thứ nhất. Khấp khởi chờ mong, bước chân đi mà lòng bồi hồi, rộn rã.