Nhật ký ở làng (kỳ 4) - Lấy máu mình gìn giữ gia phong

23:55 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 1370

Khi nhắc đến số phận những “cuốn sử” của các dòng tộc ở làng mình, tôi lại nhớ đến nhiều câu chuyện liên quan đầy cảm kích ở những làng khác trên quê hương Quảng Nam. Nhớ để hiểu, để sâu sắc thêm truyền thống hiếu nghĩa và lòng yêu nước của người dân xứ Quảng.

Ấy là chuyện ở làng Hương Quế (xã Quế Phú, Quế Sơn). Trong làng có một nhà thờ của tộc Phạm xây dựng từ thời vua Tự Đức. Ngoài việc thờ cúng tổ tiên, nơi đây còn lưu giữ gia phả tộc họ và 6 tờ sắc phong từ các đời vua Lê. Trong những tờ sắc phong, có hai tờ đóng dấu đại ấn “Đế mạng chi bửu” của vua Lê Thánh Tông và “Chế mạng chi bửu” của vua Lê Thần Tông ban tặng cách đây gần 6 thế kỷ vẫn còn nguyên vẹn, được bảo vệ cẩn thận trong một ống đồng.

Theo gia phả tộc Phạm, bậc tiền hiền vào đây đầu tiên là Phạm Nhữ Dực - con trai thứ 5 của danh tướng Phạm Ngũ Lão đời Trần. Năm 1401, Phạm Nhữ Dực giữ chức Chánh đô án vũ sứ phụ trách di dân ở khu vực Quảng Nam - Quảng Ngãi. Cháu nội của ông về sau là Phạm Nhữ Tăng theo vua Lê Thánh Tông vào Nam năm 1471 rồi được phong đến chức Quảng Nam thừa tuyên đô thống. Năm 1478, ông mất tại Quảng Ngãi, vua cho cải táng và đưa về an nghỉ tại làng Hương Quế. Trước mộ ông hiện nay vẫn còn câu đối do chính vua đề, tạm dịch nghĩa: Nghĩa sĩ lắm mưu cơ, góp sức đồng lòng bình Chiêm quốc/ Gương đài thêm rạng rỡ, hương hồn ngàn thuở rạng trời Nam.

Ông Phạm Trợ, người đang được giao trọng trách giữ gìn những tài liệu, những tờ sắc phong quý giá trên kể lại: Trước tôi, người được giao giữ trọng trách này là cụ Phạm Trí - hậu duệ đời thứ 17 của tộc. Theo lời trăng trối của các đấng sinh thành là “sống chết gì mỗi thế hệ cũng phải thay nhau giữ cho được gia bảo của tổ tiên”, nên dù chiến tranh, ly tán mấy mươi năm cụ vẫn luôn mang theo bảo vật của gia tộc bên mình. Năm 1949, trong một lần lùng sục đốt phá ở làng Hương Quế, bọn lính Pháp đã vào nhà thờ tộc Phạm lục tìm tài liệu, vũ khí của Việt Minh. Chúng đã lật tung gia phả, những tờ sắc phong ấy và ném bay tứ tán. Khi chúng rút quân, ông mới đi nhặt lại cất giữ và rất may không có sự hư hại nào. Khi giao nhiệm vụ lại cho người được tin tưởng kế nhiệm gìn giữ (ông Trợ), ông Trí khiêm tốn nói và cũng chính là lời dặn dò: “Việc lớn nhất đời tôi là đã giữ được nguyên vẹn những di vật quý báu của tổ tiên để lại!”.

Còn ở xóm Ấp Bắc, làng Kim Đái (nay thuộc xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ) còn lưu truyền câu chuyện về một người đã hi sinh cả thân mình để bảo vệ sự vẹn toàn gia phả của dòng tộc.

Sau chiến tranh, xóm Ấp Bắc chỉ có 45 nóc nhà nhưng có đến 70 liệt sĩ, 15 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cùng với địa đạo Kỳ Anh, địa đạo Ấp Bắc dài gần 2 cây số ẩn sâu dưới những lũy tre làng đã ghi dấu nhiều chiến tích vẻ vang của quân và dân trên vùng đất Tam Thăng. Ngày đó, trong xóm, ông Trương Đưa - trưởng tộc là một trong những người bám trụ nuôi giấu cách mạng, đào địa đạo đánh giặc thù. Và trong một lần, vào năm 1969, để bảo vệ cuốn gia phả của dòng tộc, ông đã hi sinh thân mình.

Hôm ấy xóm Ấp Bắc chìm trong lửa đạn. Lính Mỹ từ căn cứ Chu Lai mở cuộc hành quân càn quét vùng ven biển. Nhà thờ họ Trương bị đốt cháy. Là trưởng tộc, ông Đưa quyết bảo vệ cho được bộ phả hệ của dòng họ đang bị nguy cơ biến thành tro. Ông xông vào từ đường đang rực lửa ôm lấy ống tre đựng gia phả của dòng họ chạy thoát ra ngoài. Lính Mỹ tưởng Việt cộng ôm súng liền bắn theo. Ông Đưa trúng đạn nhưng vẫn cố chạy được qua vài đám vườn rồi ngã quỵ xuống một bờ đất trước khi tắt thở. Bộ phả hệ vẫn được ông ôm chặt trước ngực bằng đôi tay nhuốm đầy máu.
Sau trận càn, dân làng, vợ con đã chôn cất ông trong nước mắt và mang bộ phả hệ ấy về giữ cho đến ngày hòa bình...

Ông Trương Văn Cận - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam là con cháu họ Trương xóm Ấp Bắc, làng Kim Đái. “Mỗi lần về quê, bước vào nhà thờ tộc, khi nhìn lại bộ gia phả của tộc họ vẫn còn đó nguyên vẹn, không ai cầm được nước mắt khi nhớ lại chuyện xưa. Câu chuyện của cụ Trương Đưa cho đến bây giờ luôn là bài học, là tấm gương cho con cháu những thế hệ tiếp theo trong dòng tộc” - ông Cận nói.

Giữ gìn gia phong cũng chính là giữ lại một phần quan trọng của văn hóa và lịch sử - nguồn cội của mỗi chúng ta. Nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học, xã hội học và cả sử học ngày nay đã dựa vào gia phả để thu thập các tài liệu liên quan đến những biến cố, quá trình di dân của các tộc họ, lối sống hoặc các xung đột, tiếp biến về văn hóa của các cộng đồng dân cư thuộc một giai đoạn lịch sử nào đó. 

Những giá trị lưu giữ từ các bộ gia phả lâu đời đó, vì vậy không chỉ cần thiết trong phạm vi tộc họ, gia đình.

 

Kỳ 1: Về làng
Kỳ 2: Sự thách đố của người xưa
Kỳ 3: Những câu chuyện dòng tộc

Theo Trương Điện Thắng

http://baoquangnam.com.vn

Những tin cũ hơn

Rằm Tháng Giêng

Rằm Tháng Giêng

— 25 Tháng Năm 2017

Dân gian ta có câu: “Rằm tháng giêng ai siêng thì quảy, rằm tháng bảy kẻ quảy người không, rằm tháng mười, mười người mười quảy” để nói lên tập quán cùng sự hệ trọng của từng cái rằm.

Ký ức làng quê

Ký ức làng quê

— 25 Tháng Năm 2017

Làng tôi có một nghề nổi tiếng: nghề chẻ tre đan cót. Mỗi năm theo ước tính của nhiều người cũng đã có đến cả vài triệu mét cót và đủ loại vật dụng đan từ nan tre bán ra thị trường. Đó là nguồn thu nhập đáng kể bên cạnh việc làm ruộng.Vài năm trở lại đây, nghề đan tre suy vi hẳn, cả làng như mất đi sinh khí...

Gương người xưa: Cuộc đời thanh bạch của Trương Tri Bạch

Gương người xưa: Cuộc đời thanh bạch của Trương Tri Bạch

— 25 Tháng Năm 2017

Trương Tri Bạch, tự là Dụng Hối, là người ở đất Thương Châu, thời Bắc Tống. Năm Đoan Củng thứ hai, ông thi đỗ Tiến Sĩ, rồi làm quan đến chức Ngự Sử. Năm Thiên Thánh thứ ba (năm 1025), ông đảm nhiệm chức vụ Tể Tướng. Năm Thiên Thánh thứ sáu, ông qua đời, được truy tặng chức Thái Phó, với thụy hiệu là Văn Tiết.

Việc thờ cúng tổ tiên và vấn đề giáo dục gia đình

Việc thờ cúng tổ tiên và vấn đề giáo dục gia đình

— 25 Tháng Năm 2017

Thờ cúng tổ tiên là nghi thức tâm linh thể hiện quan niệm của con người về thế giới, theo đó, có một thế giới khác sau khi con người chấm dứt tồn tại thể xác. Thế giới đó có mối quan hệ gắn kết với thế giới hiện thực trong quan hệ hai chiều: con người ở thế giới hiện thực thể hiện tình cảm với người đã khuất và những người đã khuất có ảnh hưởng nhất định đến thế giới hiện tại. Một trong những ảnh hưởng có thể kiểm chứng ngay của những người đã khuất đến thế giới hiện tại là góp phần điều chỉnh, giáo dục con người thông qua hành vi thờ tự. Thờ cúng tổ tiên là nghi thức mang hiệu quả đặc biệt trong việc giáo dục chữ Hiếu, chữ Nhân, chữ Lễ, chữ Tâm là những phẩm chất cần thiết nhất để con người có thể được xem là hoàn thiện trong nhân cách.

Gia phả - Phả hệ Họ Trương trực tuyến

Gia phả - Phả hệ Họ Trương trực tuyến

— 25 Tháng Năm 2017

Mồ mả tổ tiên, Nhà thờ Họ và Gia phả từ xưa đến nay luôn được các họ tộc coi trọng. Cây có gốc, suối có nguồn, con người có tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Việc thờ cúng tổ tiên và chăm lo mồ mả ông bà vừa là đạo, vừa là hiếu vừa là trách nhiệm của các thành viên dòng họ. Mỗi dòng họ, ngoài việc chăm lo mồ mả, thờ cúng tổ tiên thì việc ghi chép lại tên tuổi, thân thế, sự nghiệp và công đức của tiền nhân để lưu lại, giúp con cháu đời sau hiểu hơn về nguồn gốc tổ tông của mình.