Gia phả - Phả hệ Họ Trương trực tuyến

23:54 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 6193

Gia phả là một bản sử ký của một gia đình hay một dòng họ. Gia phả có khi gọi là Phổ ký, có khi là Phổ truyền. Các nhà Tông thất (dòng dõi vua quan), có khi gọi gia phả của vương triều mình hay gia tộc mình bằng từ ngữ trân trọng hơn: Ngọc phả, Thế phả...
Có lẽ chưa bao giờ chúng ta thật sự bước chân vào gia phả học như một số nước khác đã thâm nhập môn khoa học này từ ba, bốn thế kỷ nay. Trong vòng mấy chục năm trở lại đây, rất nhiều dòng họ ở Việt Nam, từ Bắc đến Nam, từ trong nước ra bên ngoài, đã bắt tay vào việc tìm lại gốc tích, và nối kết con cháu trong dòng họ dưới ánh hào quang của cha ông tổ tiên. Hăng hái nhất và luôn luôn chiếm số đông trong phong trào nối kết dòng họ là những người cao tuổi. Họ Trương cũng vậy, nhiều người ở nhiều Họ Trương khác nhau trên khắp mọi miền cũng đang lặn lội muôn nơi để tìm lại nguồn gốc Họ tộc của mình.
Hiện tượng này là dễ hiểu, bởi vì đi vào cơ chế xã hội thị trường, lớp người cao tuổi đang chín muồi nhất trong nhận thức sâu sắc rằng văn hóa một đất nước, một dân tộc như Việt Nam ta, bao giờ cũng có cội nguồn từ gia đình, từ dòng họ, khôi phục và làm rạng danh hơn nền văn hóa gia đình, dòng họ Việt Nam, nhất thiết phải đi vào nối kết dòng họ với cả một dây công việc cụ thể như viết gia phả, xây nhà thờ họ và mộ tổ, gây quỹ khuyến học, khắc phục các vụ bất hòa trong nội tộc và giữa các họ trong thôn xóm…
Khách quan mà nói, chỉ khoảng chừng hơn chục năm gần đây, nhu cầu tìm lại ngọn nguồn dòng họ, nối kết dòng họ ở nước ta mới gặp đủ điều kiện chín muồi để rộ lên như một phong trào. Những nhà trí thức thì tìm đọc Pi-e Gu-ru (Pierre Gourou) để biết rằng riêng đồng bằng sông Hồng đã có 202 dòng họ: nhiều người lại dựa vào Dã lan Nguyễn Đức Du, trong cuốn “Gia phả, khảo luận và thực hành” để khẳng định rằng Việt Nam có khoảng 300 dòng họ. Vậy Việt Nam ta thật sự có bao nhiêu dòng họ? Mỗi dòng họ do điều kiện lịch sử để lại, có bao nhiêu chi họ đang thất tán, tản mác khắp nơi, bao nhiêu dòng họ trăn trở với việc tìm về nguồn cội để chắp nối phả hệ dòng tộc. Việc kết nối, chắp nối gặp không ít khó khăn do khoảng cách địa lý, do phong tục tập quán và cả những hủ tục. Mấy chục năm qua, nhiều người của nhiều dòng họ đã bôn ba xuôi ngược, lặn lội đến những địa danh cha ông mình đã trối trăng cho con cháu đi tìm lại anh em chú bác họ hàng tìm kiếm lại nhưng thông tin ít ỏi được lưu lại trong những cuốn gia phả ở các dòng họ để chắp nối. Họ Trương có Cụ Trương Công Giang ở Thanh Tâm, Thanh Liêm, Hà Nam với 26 năm trăn trở đi tìm và kết nối các họ Trương trên nhiều miền quê, kết nối và chắp nối được nhiều chi họ Trương thất tán khắp nơi do hoàn cảnh lịch sử.



Phả đồ Họ Trương tại Thanh Tâm, Thanh Liêm, Hà Nam

Quả là việc nối kết dòng họ và sưu tập gia phả, trong rất nhiều trường hợp, đã nâng cao lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của dòng họ, đã làm xúc động nhiều tấm lòng tưởng đã nguội lạnh để trở về đùm bọc người thân thuộc, góp phần chỉnh đốn lại gia phong, gia giáo đã có thời lơi lỏng. Nhưng có lẽ ai cũng hiểu rằng việc kết nối phả hệ là không hề đơn giản, bởi lẽ không phải dòng họ nào cũng lưu giữ được gia phả của dòng họ mình một cách đầy đủ. Nhiều gia phả của những dòng họ bị mất mát trong chiến tranh, loạn lạc, nhiều gia phả bị mục nát vì thời gian và phương pháp lưu giữ.

Chuyện về những cuốn gia phả

Người viết bài này cũng đã đi đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều dòng Họ và cũng được nghe nhiều câu chuyện về việc giữ gìn gia phả của họ tộc, có những câu chuyện ngậm ngùi, nhiều câu chuyện nghe mà xót xa. Có những cuốn gia phả được giữ gìn bằng máu của những người trong dòng họ, thà hi sinh thân mình để cứu gia phả, khi bị địch sát hại rồi vẫn ôm gia phả trong lòng, không kể sống chết để lao vào nơi nước sôi lửa bỏng để cứu bằng được gia phả dòng họ. Có nhiều dòng họ ngậm ngùi nhìn gia phả bị đốt cháy mà không thể cứu vãn được. Có dòng họ bảo vệ gia phả vào nơi linh thiêng nhất, chỉ những dịp quan trọng nhất con cháu mới được mở gia phả ra để xem, nhưng chờ được dịp quan trọng đó có khi gia phả đã bị mục ruổng vì thời gian, vì thiên tai hay bị mối mọt hay có dòng họ bị mất gia phả chỉ vì một lý do đơn giản như bị bán giấy vụn cho đồng nát.
Một vài gia phả sớm nhất ở ta hiện còn giữ được từ thế kỷ 16-17 nhưng phần lớn là được lập từ thế kỷ 18-19 hay đầu thế kỷ 20. Những mối liên hệ về dòng tộc sau 5-7 đời thường hay bị quên lãng hoặc đứt quãng nên về sau, nhiều dòng họ có kinh nghiệm và ý thức ghi chép và truyền giữ gia phả liền hơi từ đời này sang đời khác.
Chuyện kể từ Hải Lăng - Quảng Trị: Phả được cuộn lại, cất trong một ống quyển dài tới tận 70cm, to bằng cái phích nước, treo cạnh bàn thờ họ. Điều đáng nói là luôn luôn, cái "ống quyển" đặc biệt đó được treo một cách lỏng lẻo nhất để đề phòng bất kỳ lúc nào có sự cố cũng có thể kịp gỡ ra mang đi ngay. Lặn lội đưa cái "ống quyển gia bảo" ấy từ Quảng Trị ra Hà Nội để tham dự cuộc trưng bày, những người giữ phả ấy kể: ề chỗ bọn tui, khi cháy nhà, việc đầu tiên người ta chưa lo cứu đồ đoàn, tiền bạc mà lo trước nhất là cứu cái ống quyển này. Cả khi bom đạn, tản cư cũng thế...
Cẩn thận hơn, họ Lê ở Nghệ An còn cho chép gia phả làm 6 bản. Sự cẩn trọng quả không thừa: Sau 60, 70 năm, nay chỉ còn lại một bản. Nhiều dòng họ, hễ khi có biến động, lại đem cất gia phả vào chum, chôn xuống đất.
Gia phả họ một dòng người Tày ở bản Giạ (Xuân Nam, Văn Quan, Lạng Sơn) do ông Hà Đức Thận viết năm 1714 có ghi ông tổ vốn người huyện Thanh Oai, theo Lê Lợi khởi nghĩa lập nhiều công lớn rồi được phong đô đốc, về trấn thủ ải Nam Quan. Hàng trăm gia đình người Tày này hiện đang sống tại Văn Quan. Lần theo chỉ dẫn của gia phả, họ đã tìm thấy mộ tổ và những người cùng dòng máu xa xưa tại xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Tây.
Cuốn phả hệ bằng vải đồ sộ dài 5,7m, rộng hơn 2m của họ Đàm ở Hà Nội cho hay: Nhiều người Tày hiện nay ở Cao Bằng lại là vốn gốc họ Đàm ở Hải Dương. Trong đó, có Thượng tướng Đàm Quang Trung. Cũng nhờ việc tra cứu, chắp nối gia phả dòng họ bằng những cuốn gia phả vượt thời gian này mà nhiều dòng họ ngày nay đã tìm được về với cội nguồn sâu rộng của mình. Họ Mạc trải qua hàng thế kỷ phân ly phải thay tên đổi họ, nay đã tập hợp được hơn 300 chi họ từ những người mang tên họ khác nhau như: Bùi, Hoàng, Trần, Phan, Phạm, Nguyễn, Vũ... Chính vậy mới có chuyện, có nhiều người họ Lều ở Thanh Trì - Hà Nội ngày nay lại thờ tổ tiên là cụ Mạc Đĩnh Chi...
Gần đây, trên một trăm cuốn gia phả từ cũ đến mới trải dài từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20 với sự góp mặt đông đảo của các dòng họ chi họ ở cả ba miền Bắc Trung Nam,gần 20 panô tham gia trung bày chuyên đề, hơn 60 bài tham luận hội thảo. Bấy nhiêu trước hết là sự cố gắng của Bảo tàng dân tộc học, phối hợp với Viện nghiên cứu Hán Nôm và Câu lạc bộ UNESCO. Nhưng sâu xa của câu chuyện giữ gia phả là cả một quá trình bất chấp bom đạn, thời gian của những người giữ phả mà ý nghĩa của nó, nói như “nhà Gia phả học” Dã Lan Nguyễn Đức Dụ: "Nếu như sử là gốc của một nước thì phả chính là gốc của một nhà". Gia phả chính là gốc của mỗi dòng họ.

Khái niệm gia phả mới

"Đang hình thành một lớp người lớn tuổi về hưu có học thức cao và càng có ý thức cao hơn trong câu chuyện giữ phả ở nước mình - PGS-TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học - nói, đó chính là một trong những mảnh đất tốt cho chúng ta gieo truyền thống vào hiện đại, nói với lớp trẻ ngày nay bằng những lời gan ruột, "có sách, có chứng". Nhưng vấn đề mới ở đây cách lập mới hay viết tiếp một cuốn gia phả ngày nay nên như thế nào. Không ít người cho rằng gia phả là phải lưu trên giấy, trên gỗ, trên đá, trên lụa.. thì mới gây cho con cháu đời sau cảm giác linh thiêng mỗi khi tìm về lần giở. Tôi không cho sự linh thiêng của gia phả là nằm ở trong chất liệu chuyển tải nó mà phải là cái tinh tuý trong lời văn của nó".
Lấy sự khuyến học làm đầu, gia phả họ Nguyễn, 1904, ở Lai Xá, Hoài Đức, Hà Tây dặn: "Điều trọng yếu là con cháu phải lấy hiếu lễ làm đầu, không thể nào quên điều đó. Số 300 bát thóc, trừ phần bán đi nộp thuế, phần còn lại được bao nhiêu, mua khăn, nón, áo quần thưởng cho con cháu theo học...". Cũng trong cuốn gia phả này, ngay từ năm 1904, người ta đã thấy những lời răn dạy con cháu không được hút thuốc phiện hết sức thấm lý thấm tình: "Nếu con cháu nào cố ý mắc phải, ai trông thấy có bàn đèn, thì họ ta phạt tội, đuổi ra ngoài họ, không cho vào nhà thờ và không được dự hưởng vào các khoản: Ruộng học, ruộng giỗ... Nếu biết hối tâm nghĩ lại, mà hối cải sửa bỏ, thì phải sửa trầu cau đến lạy tổ tiên, cảm ơn anh em và toàn tộc họ. Tộc họ sẽ thể tình mà thứ lỗi cho...".
Ông Nguyễn Văn Huy nói thêm: "Phải bảo tồn những gia phả cũ, không chỉ với tư cách là gia bảo của một dòng họ mà còn là tài sản tinh thần của một đất nước. Nhưng đồng thời, cũng cần có những gia phả mới, với nội dung và hình thức thể hiện mới. Trong đó, không thể và không nên bỏ qua sự tiện lợi của máy tính và mạng trong việc lập những cây phả hệ một cách nhanh nhất, chính xác, rõ ràng và có thể truyền đi rộng rãi, bảo quản được một cách tốt nhất, lâu nhất. Trong xu hướng và trào lưu về nguồn rộng rãi hiện nay, theo tôi, đó là một cách tốt nhất cho lớp trẻ bây giờ".

“Gia phả học”

Môn học này đang được phát triển ở khắp nơi trên thế giới. Lý do là ngày càng có nhiều người trong xã hội, trong gia đình nhận thấy gia phả là tài liệu quý báu cho nhiều ngành học. Một Tông đồ, một Gia phả, một Phả ký, một Phổ truyền dù đơn sơ hay súc tích cũng đều trở nên những tài liệu quý báu cho nhà xã hội học, nhà sử học về sau. Nó còn có thể hữu dụng cho những nghiên cứu về tâm lý, về di truyền học, huyết học, y học. Một lý do nữa là với tiến bộ của công nghệ, kỹ thuật ghi chép, sưu tầm những tin tức, tra cứu lịch sử ... càng ngày càng thuận lợi hơn.
Việc phổ biến gia phả giới hạn trong vòng gia đình, tông tộc hay mở rộng ra trên Internet cho công chúng trong phạm vi rộng khắp đã làm cho nhiều người băn khoăn về vấn đề bí mật cá nhân. Lợi điểm của việc phổ biến rộng rãi là nhiều người có dịp đọc đến có thể tìm ra một sự nối kết, có ý hướng sử dụng nó vào những mục đích nghiêm chỉnh - hướng thiện, như bổ sung kiến thức cho văn hóa, cho lịch sử.
Gia phả là một báu vật linh thiêng của mỗi gia đình, dòng họ từ ngày xưa đến nay, việc thay đổi cách bảo tồn lưu giữ có lẽ cũng còn có nhiều vấn đề cần bàn, việc công khai Gia phả lên mạng internet chắc chắn cũng sẽ gặp nhiều khó khăn đối các quy định của một số Họ tộc. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, việc bảo lưu gia phả trực tuyến có nhiều ưu điểm mà các cách lưu giữ truyền thống không thể làm được:
- Mọi người trong dòng họ có gia phả trực tuyến có thể xem gia phả của mình bất kỳ ở mọi thời điểm, mọi nơi chỉ cần ở đó có máy tính kết nối được mạng internet. Việc cập nhật thông tin cho Gia phả sẽ rất kịp thời và có thể tiến hành việc này thường xuyên.
- Những người có tâm nguyện kết nối dòng họ sẽ dễ dàng tìm kiếm và tra cứu thông tin trong các Gia phả trực tuyến để tìm về nguồn cội, rút bớt thời gian, khoảng cách địa lý và các chi phí đi lại.
- Nhiều người, ở cùng nhiều nơi trong cùng một lúc có thể cùng đọc Gia phả, loại bỏ được khả năng thất lạc hoặc mất gia phả. Mặt khác, khi Gia phả được công khai rộng rãi, đồng nghĩa với việc mỗi người trong dòng họ của mình đều có thể nắm thuộc lòng nội dung của Gia phả.
- Các Gia phả trực tuyến sẽ dễ dàng chắp nối với nhau khi có các dữ liệu xác thực, việc còn lại là chỉ vài cú click chuột là hoàn thành.



Bản đồ phả hệ theo tỉnh thành


Đưa gia phả lên mạng

Không như việc xây mới một nhà từ đường, tu sửa lại khu mộ tổ, hay như bất cứ một động tác "phú quý sinh lễ nghĩa" nào, đưa gia phả lên mạng là một bước đi phù hợp với thời đại.

Cổng thông tin điện tử Họ Trương Việt Nam và hệ thống phả hệ trực tuyến.

Ban Quản trị trang web đã ký hợp đồng với Công ty VINADES - một công ty chuyên thiết kế phần mềm website - để đặt hàng hệ thống phả hệ trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Họ Trương Việt Nam và dự kiến sẽ cho chạy thử nghiệm vào khoảng giữa tháng 08/2011. Theo hợp đồng này, VINADES sẽ bàn giao hệ thống phả hệ trực tuyến này cho Cổng thông tin điện tử Họ Trương Việt Nam vào ngày 16/08/2011.
Hi vọng website của Họ Trương Việt Nam sẽ là nơi lưu trữ gia phả của Họ Trương trên khắp mọi miền, một chiếc cầu nối, một công cụ hữu hiệu cho việc kết nối đồng tộc, chắp nối phả hệ. Cổng thông tin điện tử Họ Trương Việt Nam sẽ là mái nhà chung của những người Họ Trương trên khắp mọi miền, nơi lưu giữ các nét đẹp truyền thống, lưu giữ bản sắc văn hoá nói chung, và là chiếc cầu nối để kết nối các dòng Họ Trương cùng tìm về nguồn cội, tổ tiên dòng tộc của mình.

 


Trương Xuân Lực
Tháng 07/2011

 

Những tin cũ hơn

Cây đa - biểu tượng truyền thống của làng quê Việt Nam

Cây đa - biểu tượng truyền thống của làng quê Việt Nam

— 25 Tháng Năm 2017

Từ bao đời nay, mỗi người Việt đều coi mái đình, cây đa như một biểu tượng của làng quê truyền thống. Ý nghĩa biểu tượng đầu tiên của cây đa là sự trường tồn, sức sống dẻo dai. Không phải ngẫu nhiên mà những bậc cao niên, những người đã có nhiều thành tựu ở một lĩnh vực nào đó thường được đồng nghiệp và xã hội coi là "cây đa, cây đề", biểu tượng cho sức làm việc quên mình, dẻo dai, cho sự tích lũy kiến thức phong phú.

Làng cổ Thiên Xuân với trường lũy di tích quốc gia

Làng cổ Thiên Xuân với trường lũy di tích quốc gia

— 25 Tháng Năm 2017

Dưới chân núi Nứa, thuộc thôn Thiên Xuân, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, cách TP Quảng Ngãi 45 km về hướng Tây còn lưu lại dấu tích một ngôi làng cổ của người Việt xưa rất độc đáo và dãy trường thành bằng đá nối các dãy núi liền nhau.

Nhật ký ở làng (kỳ 2) - Sự thách đố của người xưa

Nhật ký ở làng (kỳ 2) - Sự thách đố của người xưa

— 25 Tháng Năm 2017

Xưa, làng tôi tên Kim Quất, đến thời chúa Nguyễn đổi thành Thanh Quất, là một trong 66 làng thuộc phủ Điện Bàn (theo Ô châu cận lục). Các bậc tiền hiền từ các tỉnh Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Hồng vào khai cư lập nghiệp ở đây đến nay đã hơn 5 thế kỷ. Làng có 4 xóm - gọi là “tứ ấp” - với 12 xứ đất gồm: Lệ Thủy, Bắc Bằng, Bàu Đưng, Thanh Luy Tiền, Thanh Luy Trung, Thanh Luy Hậu, Mụ Đội, Bàu Nhơn, Minh Thượng, Trà Cổ, Thạch Não Nội và Thạch Não Ngoại. Lại có các xứ đồng chuyên trồng trọt, các xứ đất gò làm nghĩa trang cho người quá vãng như Gò Dang, Gò Nơm, Gò Tử, Gò Huề, Vạt Cháy, Gò Phật, Gò Lao, Gò Sành, Vườn Huê, Vườn Chỉnh, Vườn Chàm. Liên quan đến xứ đất, xứ đồng là những câu chuyện “dở khóc dở cười” của dân làng trong quá trình truy tìm mộ ông bà, tổ tiên.

Nhật ký ở làng (kỳ 1) - Về làng

Nhật ký ở làng (kỳ 1) - Về làng

— 25 Tháng Năm 2017

Tốc độ đô thị hóa, cuộc sống công nghiệp phát triển, con người trở nên căng thẳng và dễ rơi vào trạng thái trầm cảm. Vì vậy, nhiều người ở thành phố bây giờ thèm khát một ngày về lại nông thôn để tìm sự cân bằng. Nông thôn - nơi lưu giữ nhiều nếp văn hóa truyền thống cũng đang đứng trước những thách đố đô thị hóa và rơi vào lãng quên...

Nhớ làng *

Nhớ làng *

— 25 Tháng Năm 2017

Những chùm hoa chim chim nở tím sân đình đẫm màu rêu cũ, ngôi trường nhỏ như tổ chim, miếng bánh đúc ngọt bùi phiên chợ, mùi áo mới tuổi nhỏ, con gà đất trên tay của đứa bạn 13 tuổi bị địch bắn đầu làng, cái lận đận của người cha một thời “đi ở”, nồi bánh tét và những chiếc bánh ú canh chờ sáng đêm ba mươi…là những hình ảnh đằm sâu trong ký ức về ngôi làng chưa hề phai nhạt của Trương Điện Thắng.