Nhật ký ở làng (kỳ 1) - Về làng

23:54 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 2654

 

 

KỲ 1: VỀ LÀNG

Bạn đừng hỏi vì sao tôi thường chạy xe về làng mình vào những ngày cuối tuần. 

Mười hai tuổi tôi đã mất quê. Mất một dòng sông, một gốc đa, một con đường đất, những con mương dẫn nước ra ruộng... Ở đó, có cả một tuổi thơ đã đi qua trong những buổi ngâm mình dưới bến nước trong xanh, bao lần leo trèo bắt chim, chơi trò u mọi hoặc phơi vàng mái đầu những hôm đi tát cá... Súng đạn tràn về. Con chó vàng nhà tôi nghe tiếng bom nổ cũng bỏ đi biệt tích.

Ánh sáng đô thị chói chang hắt ra từ những bóng đèn điện nhiều màu. Con đường trải nhựa thẳng tắp, xe cộ và tiếng còi inh ỏi, vội vã như đang tranh giành nhau từng miếng sống. Những cánh cổng nhà hàng xóm luôn khép kín đầy nghi ngại. Dường như những ngọn gió thổi qua những ngôi nhà cao tầng cũng hẹp hòi và gay gắt hơn. Một chút ánh trăng, một tiếng gà gáy bất chợt... lại càng hiếm hoi. Những giọng nói tứ xứ nghe không quen tai. Ta chìm ngập vào một nhịp điệu khác của cuộc sống. Và ta lớn lên, ta bị gò ép vào cái “khuôn khổ mới” hồi nào không hay biết. Ta thành một ta khác một cách tự nhiên.

Cho đến một ngày tiễn đưa mẹ tôi trở về yên nghỉ ở làng cũ - làng Thanh Quýt (xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn).

Đầu tiên và bất ngờ với tôi là một ông cụ trồng hoa cúc bên đường liên thôn. Nhiều tháng trời, mỗi lần về quê viếng mộ mẹ, tôi đều ghé vào mua vài cây hoa. Ông hỏi thăm nhiều chuyện một cách chân thành rồi tự tay chọn những cây hoa đẹp nhất cho tôi, nhưng tuyệt nhiên không lấy một đồng. Câu nói của ông, tuy giản dị, nhưng khó lòng tôi có thể quên: “Chú cũng mong con cái mình có hiếu với cha mẹ như vậy!”.

Ở làng, tôi có nhiều bạn học cũ. Những cụ già và những cán bộ đương chức. Những đứa em họ và vợ chồng một người bạn thân, từng bị thương tật trong chiến tranh đang làm thợ hớt tóc. Tôi về làng, lần nào cũng gặp hết thảy họ ở cái quán hớt tóc sơ sài của bạn hoặc ngồi bù khú chuyện cũ chuyện mới với cánh bạn cũ ở hiên nhà... Nhưng những con người đó đối với tôi là một kho tàng những bài học về sự chân thành và giản dị trong cuộc sống.

Xưa tôi đi khỏi làng và nhớ tiếc từng kỷ niệm. Nay về làng cũ lại yêu thương những tấm lòng chân chất của bao người. Không inh ỏi tiếng còi xe, không nồng nặc khói nhiên liệu. Và đó là lý do mỗi tuần tôi lại về thăm quê để được làm “thôn dân”, hít thở không khí trong lành, nhìn ngắm cảnh trí thoáng đãng và cảm động với mối chân tình thân thuộc chung quanh.

Mỗi khi về quê, tôi thường viếng thăm ngôi đình làng.

Đình làng Thanh Quýt quê tôi xây dựng đã hơn 400 năm và gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử. Đây là nơi toàn dân làng tập trung kéo xuống Hội An đi cướp chính quyền hồi Cách mạng Tháng Tám-1945, rồi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946. Trong chiến dịch mùa Xuân 1975, cũng chính tại ngôi đình này, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhà nước, nguyên Bí thư Khu ủy khu 5 - Võ Chí Công đã hạ lệnh tiến công giải phóng Đà Nẵng... Hai năm trước, dân làng đã đóng góp trên 1,5 tỷ đồng phục dựng ngôi đình và đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Và ngôi đình vẫn đóng vai trò là nơi sinh hoạt văn hóa của dân làng như ngày xa xưa.

Sáng mồng 4 Tết Nguyên đán hằng năm, những tân sinh viên của làng lại tề tựu tại đình làng dâng hương lên các bậc tiền nhân. Tết Kỷ Sửu 2009, hơn 40 tân sinh viên tề tựu trong buổi lễ tuyên dương khen thưởng khá cảm động. Các em cùng cung kính thắp hương tưởng nhớ tổ tiên trong âm thanh rộn rã của ba hồi chiêng trống và bài văn cúng đình đầu Xuân. Mồng 4 Tết Canh Dần năm nay, cả làng có đến 65 em vừa đỗ đại học, tăng gấp rưỡi năm trước. Có nhiều em đỗ cả 2 trường. Có em được chọn vào đội tuyển quốc gia tham dự các kỳ thi Olympic...

Làng Thanh Quýt là quê hương của Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ (nay đã 107 tuổi), là mảnh đất sinh ra Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, là nơi Lê Tự Quốc Thắng đi ra và trở thành giáo sư - tiến sĩ toán học nổi tiếng thế giới... Tuy đất hẹp người đông, nhưng thành quả ban đầu trong học tập của các em đang cho thấy chất xám đang dần trở thành một nguồn lực đang được chăm chút của cả cộng đồng. Nhiều sinh viên năm thứ 2, thứ 3 có hoàn cảnh mồ côi, nghèo khó vẫn tiếp tục được các mạnh thường quân, các doanh nhân người địa phương giúp đỡ về tài chính để tập trung vào đèn sách.

Quỹ khuyến học làng Thanh Quýt được hình thành với sự đóng góp các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn và từng người dân ở địa phương cũng như những người đang sinh sống, làm ăn xa quê. Trong danh sách những người đóng góp vào nguồn động viên cho học tập này còn có những nông dân, những cụ ông với số tiền tuy chỉ 50 - 100 nghìn đồng nhưng đầy ý nghĩa, bởi nó thể hiện sự quan tâm sâu rộng của cộng đồng đối với thế hệ tương lai.

Các tân sinh viên dâng hương và nhận sự khen thưởng của chính quyền, Hội Khuyến học địa phương ở ngôi đình làng lịch sử ngay trong dịp tết cổ truyền. Tất cả những tình cảm ấy, như phát biểu của một đại diện tân sinh viên, sẽ còn theo suốt bên mình trong những năm ở giảng đường đại học và thôi thúc các em trên đường học tập... Kinh nghiệm làm khuyến học, khuyến tài của một địa phương, tuy chỉ mới bắt đầu trong vài năm, nhưng đặt trên nền tảng của sự đồng thuận từ trong cộng đồng và trên nền văn hóa truyền thống này rất đáng được trân trọng. Nhìn rộng ra trên nhiều làng, xã, nhiều tộc học ở khắp đất Quảng, hầu như ở đâu ngày nay cũng có phong trào khuyến học. Những người con của các làng, các tộc họ đi làm ăn xa, đến những ngày tết, ngày lễ lại trở về làng tưởng nhớ tổ tiên và góp phần chăm lo cho thế hệ trẻ, như một cách hướng về tương lai của cả cộng đồng.

 


Kỳ 2: Sự thách đố của người xưa

Kỳ 3: Những câu chuyện dòng tộc

Kỳ 4: - Lấy máu mình gìn giữ gia phong

 

Theo Trương Điện Thắng

http://baoquangnam.com.vn

Những tin cũ hơn

Nhớ làng *

Nhớ làng *

— 25 Tháng Năm 2017

Những chùm hoa chim chim nở tím sân đình đẫm màu rêu cũ, ngôi trường nhỏ như tổ chim, miếng bánh đúc ngọt bùi phiên chợ, mùi áo mới tuổi nhỏ, con gà đất trên tay của đứa bạn 13 tuổi bị địch bắn đầu làng, cái lận đận của người cha một thời “đi ở”, nồi bánh tét và những chiếc bánh ú canh chờ sáng đêm ba mươi…là những hình ảnh đằm sâu trong ký ức về ngôi làng chưa hề phai nhạt của Trương Điện Thắng.

Cây di sản làng Dương Xuân Hạ, Thủy Xuân, thành phố Huế

Cây di sản làng Dương Xuân Hạ, Thủy Xuân, thành phố Huế

— 25 Tháng Năm 2017

Ngoài vẻ đẹp, cây cổ thụ mang trong nó lịch sử - văn hóa một vùng đất hay dòng họ. Có những cây thực sự là tài sản quý giá của quốc gia nhưng ít được biết đến.

Nghe kể chuyện làng

Nghe kể chuyện làng

— 25 Tháng Năm 2017

Người ta mang tên làng mình đi mọi nơi bằng những kỷ niệm hồi còn con nít. Khi lớn lên, trưởng thành, nhiều lúc nhớ quê, hồi tưởng hoặc nghê kể lại những chuyện cũ, chợt hiểu ra nhiều điều và lại thấy yêu quê hương mình hơn… Tôi cũng vậy, thời nhỏ ở làng, bên cạnh những kỷ niệm ấu thơ còn có những tích cũ, người cũ với những câu chuyện từ thời mới khai cư lập nghiệp… được những người già kể lại. Giờ về lại quê, không ngờ mình đã bằng tuổi những người kể tiếp những câu chuyện ấy cho lớp trẻ.

Mấy suy nghĩ về tên làng

Mấy suy nghĩ về tên làng

— 25 Tháng Năm 2017

Nhà văn, nhà phê bình văn học Hoài Thanh viết một câu khá sâu sắc, đại ý: Trong mỗi chúng ta đều có một anh nhà quê! Tôi lại nghĩ: Tám mươi phần trăm dân số làm nông nghiệp, mà không phải là nhà quê thì ở đâu ra! Nói đến nhà quê lại liên tưởng đến những biểu hiện cố hữu của văn hoá nông dân: óc địa phương cục bộ, suy nghĩ manh mún, ích kỷ, cố chấp... Nhưng nhà quê đâu chỉ có vậy! Ở đó còn là một kho báu văn hoá dân gian tồn tại và phát triển từ đời này qua đời khác như các lễ hội truyền thống, đồng dao, ca dao, chuyện cổ tích... Nói đến nhà quê còn để nhớ đến những tên làng, tên xã, từ đó ta đã ra đi và quay về cùng với bao nỗi niềm, bao kỷ niệm không mờ phai.

Thờ cúng Ngài Tiến sỹ Trương Hanh ở Làng Mạng Tân, Gia Lương, Gia Lộc, Hải Dương

Thờ cúng Ngài Tiến sỹ Trương Hanh ở Làng Mạng Tân, Gia Lương, Gia Lộc, Hải Dương

— 25 Tháng Năm 2017

Với làng Mạnh Tân (nay là 3 thôn Cộng hòa, Đồng Tâm, Thành Lập thuộc xã Gia Lương, Huyện Gia Lộc, Tỉnh Hải Dương), từ xưa đã duy trì việc thờ Phật ở chùa, thờ thành Thành Hoàng làng ở Đình, Miếu, thờ ngài Trương Hanh ở Miếu Quan Trạng. Việc thờ cúng này được duy trì liên tục và mãi mãi tức là “thiên thu hương hỏa”