Nghe kể chuyện làng

23:53 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 2398

Từ “vụ án” Gò Tử

Tên nhiều vùng đất ở làng tôi thường bắt đầu bằng một chữ Gò: Gò Nơm, Gò Huề, Gò Phật, Gò Tử, Gò Dang, Gò Vàng… Mỗi gò đều bắt đầu từ một câu chuyện, một sự tích nào đó. Chẳng hạn Gò Vàng là dấu tích một tháp Chàm bị đổ ngã đã lâu, màu gạch pha trộn vào đất. Dấu vết ấy cho thấy tổ tiên ngoài Bắc vào đây đã một thời sống chung với người Chăm mà nhiều tập tục, nghi lễ mang hơi hướm của họ nay vẫn còn. Gò Tử, Gò Phật ghi dấu một vụ án hình sự do tranh chấp đất đai trong quá khứ và ngôi chùa cổ nay đã bị chiến tranh tàn phá. Gò Tử còn có tên là Gò Xe Nong do việc “thi hành án” hồi đó quá khắc nghiệt: Người phạm tội đã bị tộc họ hành hình bằng cách khoét một cái lỗ giữa chiếc nong đan bằng tre cật rồi tròng vào cổ kẻ tử tội, quay cho đến khi người ấy bị nan tre cứa đến chết.

Chuyện kể rằng có một thanh niên vì mê một thiếu nữ xinh đẹp ở làng bên, đã ăn cắp giấy tờ chứng minh ( ngày xưa gọi là trích lục) chủ quyền một cánh đồng rộng lớn của gia đình đưa cho “nhà gái”. “Nhà trai” mất “sổ đỏ” đã mất luôn cả đất, bèn bắt chàng thanh niên ấy ra hành hình như đã kể ở trên và tuyệt giao với gia đình cô gái. Cái chết kinh hoàng của chàng trai nay vẫn còn lưu lại bằng tên của một vùng đất. Có lẽ vì chuyện đó, nhiều thế kỷ sau, Gò Tử đã mặc nhiên biến thành một nghĩa trang của làng cho đến khi giải phóng. Sau năm 1975, chính quyền đã cho di dời mồ mả, san ủi mặt bằng, xây dựng cơ quan cho một hợp tác xã nông nghiệp, rồi trường mẫu giao, sân vận động và nhà văn hóa...

Chuyện ấy cũng có liên quan đến một gò đất khác: Gò Phật. Ngày xưa, người lớn trong làng kể rằng khi vụ án được thi hành, làng bên - nơi gia đình cô gái trú ngụ - đã kéo lên một gò đất cao để nhìn vào và vì quá đau xót mà không giúp được gì, họ đã đồng loạt kêu lên hai tiếng “mô Phật!”, nên về sau vùng đất cao ấy được mang tên Gò Phật! Cũng có chuyện kể rằng, tại vị trí ấy, người xưa đã đào được tượng của 18 vị La Hán và mang về thờ ở ngôi cổ tự đầu làng, nên đặt luôn tên Gò Phật! Không rõ chuyện nào đúng hơn, nhưng lúc 10 tuổi, vào một dịp lên chùa, tôi đã chứng kiến 18 pho tượng La Hán bằng đất nung rất đẹp đó thờ trong gian hậu tẩm. Tiếc rằng về sau ngôi chùa cũng tan hoang vì bom đạn…

Câu chuyện về Gò Tử, Gò Phật cứ mãi ám ảnh lũ trẻ chúng tôi cho đến ngày nay. Làng tôi từng có tên trong  những làng cổ của Quảng Nam mà Dương Văn An  đã ghi lại từ  thế kỷ 16 trong Ô châu cận lục. Nhưng cứ xét theo số đời của các tộc họ tiền hiền, làng đã có từ sau khi Nguyễn Hoàng vào mở xứ đàng Trong mang tên Thanh Luy xứ, nghĩa là làng đã tồn tại hơn 400 năm! Bốn thế kỷ sau, “vụ án” Gò Tử vẫn còn âm ỉ trong tiềm thức nhiều người qua những câu chuyện kể lại từ đời này qua đời khác, không phai! Là vì sao? ( Trong gia phả nhiều tộc lại ghi các bậc tiền hiền theo vua Lê Thánh Tôn vào từ năm 1471, nhưng điều này là trái với số hệ ( đời) thực tế. Vấn đề này tôi sẽ có bài viết riêng).

Đến chuyện cả họ không ăn ếch

Nếu Gò Tử nhắc nhớ đến sự khốc liệt trong tranh chấp quyền sở hữu đất đai và có liên quan đến một pho tình sử đẫm máu, thì câu chuyện cả một nhánh của một tộc lớn ở làng tôi không ăn thịt ếch lại là một ví dụ về tính thủy chung của con người. Các cụ già trong làng ai cũng biết con cháu trong nhánh tộc ấy cho tới tận ngày nay đều không ăn thịt ếch. Đã vậy, nếu đi đường gặp người bán ếch, họ đều mua bằng hết để mang ra ruộng… thả chúng về lại với thiên nhiên.

Thịt ếch là món ăn ngon và bổ dưỡng, nhưng những người dân Thanh Quýt thuộc phái nhì tộc Lê Tự lại từ chối. Đó không phải là một giai thoại mà là chuyện có thật, liên quan đến một di tích: Miếu thờ việc nghĩa ở xóm Chay.

 “Hồi nhỏ, một lần tôi bắt được con ếch ngoài rộc mang về định làm thịt thì chú Sáu - em cô cậu với cha tôi - can ngăn lại. Chú giật con ếch trên tay tôi mang ra bờ tre cạnh cái giếng lạn thả. Con ếch vừa rời khỏi tay chú đã nhảy phóc vào đám ruộng phía trước. Không biết sau đó chú đã nói gì với mẹ tôi, nhưng mẹ đã giải thích rằng loài ếch trước khi bị giết thịt thường chấp hai chân trước lại lạy như xin tha mạng, tội nghiệp lắm!” - Nguyễn Hữu Khanh ở xóm Chay bắt đầu câu chuyện.

 “Sau này khi trở về quê sau chiến tranh tôi đã có dịp mục kiến sở thị rất nhiều lần nhưng người kiêng thịt ếch và tìm mọi cách cứu những chú ếch để thả về với thiên nhiên. Các cụ già trong làng được hỏi đã giải thích và cho biết những người kiêng ăn thịt ếch là con cháu thuộc phái nhì tộc Lê Tự với những nguyên do rất có ý nghĩa trong lịch sử…

Một cụ già có chức sắc ở địa phương kể: Có một vị tổ trong phái nhì tộc Lê Tự - không rõ đời thứ mấy - tùng chinh dẹp giặc, chẳng may bị thương nằm lại nơi hoang dã. Không ai cứu chữa, tưởng đã bỏ mình. Không ngờ cứ mỗi tối đến, có một con ếch vàng thật bự (to) nhảy đến gần rồi kêu lên mấy tiếng triệu tập lũ ếch từ nhiều nơi kéo đến chỗ ông nằm. Chúng đã thi nhau liếm lành chỗ vết thương lở loét của ông. Và tất nhiên, thịt ếch là món ăn duy nhứt đã cứu sống ông trong thời gian đó… Trở về làng, câu chuyện ếch cứu người đã được ông kể lại cho con cháu. Và con cháu ông không ăn thịt ếch như một nghĩa cử trả ơn là vì vậy.

Những cụ già thuộc tộc Lê Tự lại kể cụ thể hơn: Cụ tổ đời thứ 9 là ông Lê Tự Chỉnh tham gia quân nghĩa hội của cụ Nguyễn Duy Hiệu, đánh nhau  nhiều trận với giặc Pháp và quân của Nguyễn Thân. Trong một trận đánh không cân sức vì binh ít thế cô, nghĩa binh phải rút lui để bảo tồn lực lượng. Không may ông bị trọng thương ở bụng và phỏng nặng phải nằm lại giữa vùng lau sậy gò Lao giữa chiến khu bàu Đưng. Rồi cũng được đàn ếch cứu sống như câu chuyện kể ở trên… Sau đó, ông Lê Tự Chỉnh đã cùng nghĩa binh tiếp tục cuộc chiến đấu và bị giặc Pháp bắn chết trong một cuộc phục kích ở Rộc trước, gần nhà ông. Con cháu sau này đã lập miếu thờ ông ngay trong vườn nhà. Dân làng tỏ lòng tôn kính và gọi là “Miếu thờ việc nghĩa”…

Nguyễn Hữu Khanh nhận định: Câu chuyện sau nghe ra gần gũi và đáng tin cậy hơn. Bởi ở xóm Chay, trước năm 1975 vẫn có ngôi miếu thờ việc nghĩa bằng gạch xây vôi, mái lợp tranh. Trong miếu có thờ bài vị  ông  Lê Tự Chỉnh, chung quanh có 4 cây cột bằng gỗ mít lớn. Miếu đã bị san bằng trong chiến tranh nhưng những hậu duệ của ông (gọi ông bằng Tằng tổ bá) nay vẫn còn ở trong vườn cũ. Và quan trọng hơn, nhiều người lớn tuổi  nhánh nhì tộc Lê Tự cho đến bây giờ vẫn kiêng ăn thịt ếch!


Lễ an vị tại đình làng Thanh Quýt

Và chuyện của… anh thợ hớt tóc

Tôi trở về làng, ngồi hàng giờ trong quán hớt tóc của Nguyễn Hữu Khanh, một người bạn thời tiểu học, để nghe anh kể chuyện. Những chuyện tuy đã cũ nhưng anh kể lại đều rất sinh động và hấp dẫn. Có người bỏ việc đồng áng, ngồi nghe đến hàng giờ. Quán hớt tóc này nằm ở xóm Chay, một trong những xóm cũ của làng Thanh Quýt. Khanh nối nghiệp hớt tóc của cha anh ở đây đã gần bốn chục năm và địa chỉ này được cả làng biết đến như một “địa chỉ văn hóa” thật sự: Khanh có trí nhớ và tài diễn đạt tuyệt vời, lại giao du với nhiều người từ già đến trẻ trong làng và có quan hệ với nhiều văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu ở nhiều nơi. Ngoài việc hớt tóc kiếm cơm, Khanh còn kể chuyện các tộc họ trong làng từ cổ chí kim, trao đổi tin tức, bình luận thời sự, làm thơ, viết kịch bản lẫn đạo diễn cho đội văn nghệ địa phương và soạn cả… điếu văn khi có người làng xấu số. Sách báo bạn bè ở xa gửi về cho anh, cả làng đều đến mượn đọc…

Xóm Chay xưa còn gọi là Trung Lương xóm, nơi có đình làng Thanh Quýt tọa lạc dưới bảy cây chim chim cổ thụ tượng trưng cho bảy tộc lớn nhất khai canh dựng làng. Ngày xưa, đình làng ngoài việc  thờ  Thành hoàng bổn xứ và tiền hiền thất tộc, còn là nơi các sĩ tử đến tập trung sôi kinh nấu sử chờ ngày đến trường thi. Nhưng quan trọng nhất, theo lời Khanh kể: Con trai trưởng của các tộc họ hàng tháng phải đến đình làng chay tịnh để ghi nhớ công ơn của tiền nhân và rèn luyện nhân cách, và có lẽ đó là lý do giải thích vì sao Trung Lương xóm lại được gọi bằng cái tên dân dã Xóm Chay! Đình cũng như chùa làng tôi đều bị bom đạn và sự thiển cận một thời làm hư hỏng, chỉ còn lại một cây chim chim và cái móng gạch. Khanh lặng lẽ  tham gia việc cùng các bô lão vận động dựng  lại đình làng tạm thời bằng tre trên nền cũ… Trong lúc các bậc cao niên trong xã đang tìm hướng huy động tài chính để tái tạo di tích đình làng, Khanh vẫn hàng ngày hớt tóc kiếm cơm và kể lại những câu chuyện xưa của làng. Có người đã ra thành phố sinh sống, chủ nhật lại dắt con về hớt tóc và đề nghị Khanh kể chuyện cho con, vì sợ nó mất gốc!

Khanh hớt tóc ở làng, tính tới nay đã gần 40 năm. Những câu chuyện anh kể sinh động và trí nhớ tuyệt vời của anh đã được nhiều người coi như một cuốn tự điển của làng. Nhưng đâu chỉ có vậy. Người đàn ông 61 tuổi này bị thương tậy trong chiến tranh và thời giam mấy năm nằm liệt chính là lúc anh đọc sách, tự học chũ Hán, kinh sách...Nhờ đó, Khanh trở thành người ghi chép gia phả chó khác nhiều chi phái, tộc họ trong làng. Đó cũng là điều kiện để anh biết thêm những tộc họ khác, những mối liên hệ của các tộc họ với nhau.
 


Các bô lão trước sân đình làng Thanh Quýt


Ai về làng Thanh Quýt, muốn biết điều gì, từ người đến việc, từ cổ tích đến chuyện đương thời, từ cỏ cây chim chóc đến văn hóa, những câu hò đối đáp từ xưa... cho có ngọn ngành, cứ hỏi anh...

Tôi đi về nhiều vùng nông thôn, bất cứ làng quê nào cũng có những câu chuyện, những con người như vừa kể. Chính đó tạo nên bản sắc của mỗi làng và tình yêu của mỗi cư dân với làng mình. Chuyện ở mỗi làng quê có thể khác nhau về chi tiết, nhưng văn hóa làng quê “như những khe suối đầu nguồn tạo nên dòng chảy của văn hóa dân tộc, khơi dậy tình yêu quê hương, tạo nên tình thân ái giữa người với người; xây dựng nên nhân cách và đạo lý làm người cao đẹp cho mỗi cá nhân, cộng đồng...như các nhà dân tộc học từng đúc kết...

(Trích từ Làng tôi, nxb Hội nhà văn 2007)

Những tin cũ hơn

Mấy suy nghĩ về tên làng

Mấy suy nghĩ về tên làng

— 25 Tháng Năm 2017

Nhà văn, nhà phê bình văn học Hoài Thanh viết một câu khá sâu sắc, đại ý: Trong mỗi chúng ta đều có một anh nhà quê! Tôi lại nghĩ: Tám mươi phần trăm dân số làm nông nghiệp, mà không phải là nhà quê thì ở đâu ra! Nói đến nhà quê lại liên tưởng đến những biểu hiện cố hữu của văn hoá nông dân: óc địa phương cục bộ, suy nghĩ manh mún, ích kỷ, cố chấp... Nhưng nhà quê đâu chỉ có vậy! Ở đó còn là một kho báu văn hoá dân gian tồn tại và phát triển từ đời này qua đời khác như các lễ hội truyền thống, đồng dao, ca dao, chuyện cổ tích... Nói đến nhà quê còn để nhớ đến những tên làng, tên xã, từ đó ta đã ra đi và quay về cùng với bao nỗi niềm, bao kỷ niệm không mờ phai.

Thờ cúng Ngài Tiến sỹ Trương Hanh ở Làng Mạng Tân, Gia Lương, Gia Lộc, Hải Dương

Thờ cúng Ngài Tiến sỹ Trương Hanh ở Làng Mạng Tân, Gia Lương, Gia Lộc, Hải Dương

— 25 Tháng Năm 2017

Với làng Mạnh Tân (nay là 3 thôn Cộng hòa, Đồng Tâm, Thành Lập thuộc xã Gia Lương, Huyện Gia Lộc, Tỉnh Hải Dương), từ xưa đã duy trì việc thờ Phật ở chùa, thờ thành Thành Hoàng làng ở Đình, Miếu, thờ ngài Trương Hanh ở Miếu Quan Trạng. Việc thờ cúng này được duy trì liên tục và mãi mãi tức là “thiên thu hương hỏa”

Đồng tộc Trương và những suy nghĩ về việc kết nối đồng tộc

Đồng tộc Trương và những suy nghĩ về việc kết nối đồng tộc

— 25 Tháng Năm 2017

Họ Trương Việt nam có lẽ là một cum từ tương đối xa lạ với rất nhiều người, Tôi xin được mạn phép lạm bàn đôi chút về ý nghĩa của cụm từ này như là sự bày tỏ của một người con cháu mang trong mình dòng máu và tên Họ Trương.

Ông Trương Tấn Sang: Phát huy tối đa nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Ông Trương Tấn Sang: Phát huy tối đa nguồn lực xây dựng nông thôn mới

— 25 Tháng Năm 2017

Phát biểu tại buổi toạ đàm về đời sống văn hoá nông thôn mới, Ông Trương Tấn Sang, Uỷ Viên Bộ Chính Trị, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, cần phải dồn nhiều sức, phát huy tối đa các nguồn lực để xây dựng thành công nông thôn mới.

Ai là tác giả cuốn từ điển cổ nhất Việt Nam?

Ai là tác giả cuốn từ điển cổ nhất Việt Nam?

— 25 Tháng Năm 2017

Cuốn "Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa" - đang được trưng bày tại triển lãm "Di sản chữ Nôm" nhân hội thảo khoa học quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội (11-14.11) - hiện được coi là cuốn từ điển cổ nhất VN hiện nay. Tuy nhiên, xung quanh cuốn cổ thư này vẫn còn rất nhiều ẩn số, mà vấn đề tác giả là ẩn số đang được quan tâm nhất.